Chương IV
QUAN HỆ CÁ NƯỚC
(NGƯ THỦY CHI GIAO)

    
 thời kỳ này Gia Cát Lượng và Lưu Bị ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, gắn bó với nhau để nghiên cứu tất cả qui hoạch phòng bị.
Bởi hai người cơ hồ như một, khiến Lưu Bị cũng xa rời Quan Vũ và Trương Phi, làm cho hai người ấy nẩy sinh vấn đề tâm lý.
1. Người đàn ông khiến đàn ông cũng phải yêu mến.
Long Trung Sách của Gia Cát Lượng đã làm cho Lưu Bị thấy rõ hoàn cảnh của mình, đầu tiên vận dụng tư duy trừu tượng để khái quát, phân tích thấu triệt, để mở rộng tầm nhìn của người khác, cũng làm cho người ta thêm tin tưởng vào việc tranh bá thiên hạ. Bởi vậy Lưu Bị thành khẩn mời Gia Cát Lượng làm quân sư, phụ trách việc qui hoạch. Qua thử thách “Tam cố thảo lư”, Gia Cát Lượng cũng có lòng tin với Lưu Bị, bởi vậy đã đáp ứng một cách vui vẻ, kết thúc cuộc sống ấn cư ở Long Trung, lựa chọn Lưu Bị làm minh chủ suốt đời không thay đổi của mình.
Một điều khiến người ngoài rất kinh ngạc, là Gia Cát Lượng tài trí như vậy, thường tự ví với Quản Trọng và Nhạc Nghị, lại lựa chọn một người chủ lạ lùng mà cả đến cái ăn cũng còn có vấn đề. Thực ra vấn đề chủ yếu ở con người của Lưu Bị có ma lực khiến người ta rất khó cự tuyệt.
Trong “Tam quốc chí” Trần Thọ có bình luận như sau: “Tiên chủ tính cởi mở khoan hậu, chiêu hiền đãi sĩ, có phong thái như Hán Cao tổ, có khí chất anh hùng vậy”. Lưu Bị nổi tiếng là kẻ anh hùng lúc đó, sự thành khẩn khoan hậu với người khác của ông ta, cùng với sự tin tưởng hoàn toàn khiến ông ta nhận được sự tin cậy của người khác. Thân thiết gắn bó, không nên hình thức, biết người khéo dùng, là ma lực rất lớn của Lưu Bị; ví như mãnh tướng Triệu Vân dưới trướng của Công Tôn Toản là người trung thành chính trực, ưa nói thẳng, bởi vậy không được Công Tôn Toản vừa ý, song ông ta rất gắn bó với Lưu Bị, rất thành tâm và Triệu Vân trở thành một trợ thủ đắc lực gần như Quan Vũ và Trương Phi ở dưới trướng của Lưu Bị. Ví như Từ Thứ là một hàn sĩ dám công khai phê bình Lưu Biểu, với Lưu Bị cũng rất thân thiết ngay từ đầu, còn giúp ông ta lôi kéo được Gia Cát Lượng, Lưu Bị với Từ Thứ cũng rất thành tâm, nhất nhất đều nghe theo. Đối với Quan Vũ và Trương Phi là hai người bạn thuở ban đầu, thường ngồi cùng chiếu, ngủ cùng giưòng, ăn cùng mâm, có thể nói đồng cam chịu khổ lâu dài, Lưu Bị thực là người chủ giàu tinh thần nghĩa hiệp.
Lại khi ở Bình Nguyên, từng có người phái thích khách muốn ám hại Lưu Bị, song khi ông ta tiếp đãi thích khách lại rất mực hậu hĩ, khiến thích khách không nhẫn tâm còn bộc lộ việc mình làm, lập tức ra đi. Khi ở Từ Châu, Đào Khiêm nài nỉ ông làm người kế nhiệm, bởi Lưu Bị được xem là minh chủ khéo lo cho dân, khiến trăm họ có nơi quy tụ. Bùi Tùng Chi có viết, người đương thời cho rằng, Lưu Bị khoan dung đại độ có thể làm cho người khác chết vì mình. Tào Tháo cũng nói trước mặt Lưu Bị rằng: Thiên hạ anh hùng duy chỉ có Sứ quân và Tháo vậy. Viên Thiệu xưng bá thiên hạ, khi Lưu Bị lưu lạc, cũng nhiệt tình tiêp đãi ông ta, xem Lưu Bị là người nhã nhặn mà có tiết nghĩa, đến cả một mưu sĩ trẻ tuổi quan trọng của Tào Tháo là Quách Gia cũng phải khen Lưu Bị: Có hùng tài mà rất được lòng người (truyện Quách Gia). Như thế đủ thấy, một người khiến cho kẻ địch, bạn bè, cả những người không quen biết cũng phải nể vì: Gia Cát Lượng thấy rõ điều ấy, có thể ông ta cho rằng chỉ có một người chủ như Lưu Bị, mới có thể được tôn trọng và tín nhiệm đầy đủ, mới có thể dựa vào đó để thực thi hoài bão của mình.
Đúng như Gia Cát Lượng sau này trong “Xuất Sư Biểu” có viết: “Tiên đế không xem thần là hèn mọn đem lòng chiếu cố, ba lần tìm đến lều cỏ của thần, bầy tỏ với thần việc thế sự, rất đỗi cảm kích, mong mỏi được hết lòng với tiên đế”. Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, có thể tin rằng Gia Cát Lương sau này cúc cung tận tụy, cũng là bắt đầu từ đấy.
Lại nói Bùi Tùng Chi chú giải Tam quốc chí có chép: Mạnh Công Uy là bạn thân của Gia Cát Lượng, muốn về cố hương ở Trung Nguyên (Mạnh Công Uy là người Dự Châu), Gia Cát Lượng có khuyên ông ta rằng: “Trung Quốc giầu sĩ đại phu, ngao du hà tất phải nghĩ đến cố hương làm gì”, vấn đề là ở chỗ, nhà Hán ở Trung Nguyên, Tào Tháo đương nắm quyền bức hiếp cả nhà vua. Mà Gia Cát Lượng là người theo phái Thanh lưu vẫn nghĩ đến phục hưng nhà Hán, quan điểm ấy không lúc nào rời được. Nhìn khắp quần hùng trong thiên hạ, chỉ có Lưu Bị tận tâm với Hán Hiến đế, ông ta không những là hậu duệ của nhà Hán, cũng từng nhận mật thư của Hán Hiến đế, là tướng lĩnh dám tham gia việc mưu sát Tào Tháo. Nhìn chung sự gắn bó giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị âu cũng là đạo lý tất nhiên.
2. Anh em khác họ, giai thoại nghìn năm.
Không chỉ một mình Gia Cát Lượng bị hấp dẫn bởi ma lực của Lưu Bị, ngav khi còn điên đảo lưu ly cũng có không ít danh sĩ mãnh tướng, vẫn ở bên ông ta, đồng cam cộng khổ, chia sẻ hoạn nạn đối với Lưu Bị cơ hồ vĩnh viễn không rời đổi. Đáng kể nhất là đào viên kết nghĩa Lưu, Quan, Trương, vẫn lưu truyền trong dân gian, ba người “Dẫu không cùng ngày, tháng, năm sinh nhưng nguyện chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.
Quan Vũ tên chữ là Vân Trường, tên thực là Trường Sinh người Hà Đông (nay là Sơn Tây), khi tuổi trẻ vì trượng nghĩa có giết kẻ ác bá trong làng; một mình chạy trốn ở nơi khác, đổi tên là Vân Trường. Khi Lưu Bị ở Trác Quận khởi binh thảo phạt Hoàng Cân, Quan Vũ và Trương Phi cùng đến tiếp ứng, Quan Vũ thân cao hơn 9 thước ta (khoảng 1,90m), tướng mạo đường đường, cùng với Trương Phi, rất được Lưu Bị tín nhiệm. Tam quốc chí có chép: “Tiên chủ khi ở Bình Nguyên xếp Quan Vũ, Trương Phi làm Biệt bộ tư mã, chia nắm việc quân. Tiên chủ với hai người ngủ cùng giường, xem như anh em, song khi có việc công thì đứng hầu trọn ngày, mọi thứ đều do tiên chủ chu cấp, không ngại gì gian khổ”.
Năm thứ 4 Kiến An, Lưu Bị thoát khỏi sự không chê của Tào Tháo, lệnh cho Quan Vũ, nỗ lực ngăn chặn quân Tào, giữ thành Hạ Phì, bảo vệ gia quyến và lương thảo, có bổ nhiệm chức Thái thú. Còn Lưu Bị cùng Trương Phi trụ ở Bái huyện, để chống đỡ quân Tào xâm nhập.
Năm thứ 5 Kiến An. Tào Tháo dẫn đại quân Đông chinh. Lưu Bị ở Bái huyện bị quân Tào đánh bại, một mình chạy về với Viên Thiệu. Thành Hạ Phì cũng bị quân Tào vây chặt, Quan Vũ muốn tuẫn tiết, song một mặt phải bảo vệ gia quyến Lưu Bị, một mặt do Tào Tháo đưa ra điều kiện khuyến hàng rất là ưu đãi, Quan Vũ nếu như được tin tức của Lưu Bị, sau khi lập công đáp đền Tào Tháo sẽ lập tức tìm về với Lưu Bị, điều kiện được chấp nhận, ông ta đem quân đầu hàng Tào Tháo.
Tuy danh tiếng của Quan Vũ không cao song có tư chất tướng mạo, lại thêm có phẩm hạnh được Tào Tháo rất kính trọng; chẳng những đáp ứng điều kiện đầu hàng của ông, còn phong làm Thiên tướng quân.
Không bàn đến sự tô vẽ của “Tam quốc diễn nghĩa” những ghi chép của chính sử về quan hệ đặc biệt giữa Tào Tháo và Quan Vũ, vẫn có thể được gọi là không tiền khoáng hậu, cổ kim trong ngoài cũng không tìm được một câu chuyện thứ hai. Sau khi đầu hàng lại có thể tự do ra đi, hơn nữa lại có thể theo về với đối phương (Viên Thiệu) và lại có thể đối chọi với mình, điều kiện khoan dung như vậy có lẽ chỉ Tào Tháo mới có thể đưa ra.
Quan Vũ cũng ngoan cố khả ái, dẫu Tào Tháo đối với ông tận tình tận nghĩa, ông vẫn kiên trì nguyên tắc đã thoả thuận, tích cực tìm tòi Lưu Bị đã lưu lạc, đích xác được gọi là kẻ đại trượng phu “phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất” (giầu sang không dao động, uy vũ không khuất phục).
Bởi Quan Vũ với mãnh tướng Trương Liêu có chí khí hợp nhau, quan hệ thân mật, Tào Tháo bèn phái Trương Liêu thử thăm dò ý nguyện Quan Vũ phải chăng có thể dứt bỏ Lưu Bị ở lại trại Tào. Trương Liêu cứ theo chỉ thị của Tào Tháo đến ướm hỏi Quan Vũ, Quan Vũ biết Tào Tháo có thiện ý, than rằng: “Tôi rất biết Tào Công lấy lễ đối xử với tôi, song Lưu tướng quân với tôi đã có quan hệ lâu ngày, từng thề cùng sinh tử, chẳng thể bởi giàu sang bội ước, tôi chẳng thể ở lâu được, song nhất định lập công lao đền đáp, rồi mới ra đi”.
Trương Liêu chỉ còn biết báo cáo với Tào Tháo đúng như vậy, Tào Tháo không những không giận lại rất đỗi cảm động, công khai tán tụng Quan Vũ là người trung nghĩa. Không lâu, quân tiên phong của Viên Thiệu tràn qua bờ nam Hoàng Hà đánh vào thành Bạch Mã của Tào Tháo, tướng trấn thủ là Lưu Diên vội cấp báo, Tào Tháo phái Trương Liêu và Quan Vũ đến đó chống đỡ. Bởi Nhan Lương tự đắc có quân lực hùng mạnh, lơ là phòng vệ; Trương Liêu và Quan Vũ dẫn đội kỵ binh đuổi gấp, cách thành Bạch Mã khoảng vài mươi dặm gặp Nhan Lương đang dẫn quân đi tuần. Hai bên đột nhiên giáp mặt, không kịp chuẩn bị, Nhan Lương đang cười nói vui vẻ, ngồi trên một cỗ xe có lọng che và cờ hiệu, không nghĩ chuyện bất thường sẽ xảy ra. Quan Vũ dũng mãnh nhanh chóng nhìn ra nhược điểm của Nhan Lương, ông một mình một ngựa xông đến, huơ đại đao nhằm chém Nhan Lương, áp sát đến tận bánh xe, vệ binh của Nhan Lương đứng ngây cả ra, đến bản thân Nhan Lương cũng không kịp trở tay, liền bị Quan Vũ đâm chết lộn cổ xuống xe. Trong khi vệ binh còn đứng ngây như phỗng, Quan Vũ xuống ngựa lấy thủ cấp của Nhan Lương, sau đó ung dung lên ngựa mà đi.
Trương Liêu cũng vẫy quân kéo đến, quân Nhan Lương kinh hoàng tan tác cả, Quan Vũ và Trương Liêu không dừng lại, lại tiếp tục truy đuổi; bởi mất chỉ huy, quân Viên như rắn không đầu, chỉ còn biết nhanh chóng rút chạy về bờ bắc Hoàng Hà, thành Bạch Mã cũng mau chóng được giải vây. Kể từ đại chiến Quan Độ bắt đầu chưa được bao lâu, quân Viên Thiệu đã vấp ngay phải một tổn thất nghiêm trọng.
Thắng trận này công lao của Quan Vũ rất lớn, Tào Tháo sợ ông ta bỏ đi bèn ban thưởng rất hậu, phong làm “Hán thọ đình hầu” cứ ba ngày bầy một tiệc nhỏ năm ngày bầy một tiệc lớn có ý giữ chân ông. Song Quan Vũ được biết Lưu Bị đang ở với Viên Thiệu bèn từ biệt Tào Tháo, Tào Tháo tránh không gặp mặt, Quan Vũ không trình báo được, bèn gói cả quà thưởng và ấn tín, viết thư cáo từ, dẫn theo gia quyến Lưu Bị thẳng hướng doanh trại Viên Thiệu ở bờ bắc Hoàng Hà.
Trong khoảng giao tranh giữa đôi bên, Quan Vũ vượt qua không dễ dàng; các tướng trong trại Tào muốn đuổi bắt, song Tào Tháo ngăn lại nói rằng: “Kẻ ấy chỉ vì chủ cũ, chớ nên đuổi theo”.
Một mình một ngựa bảo vệ gia quyến Lưu Bị, vượt qua vùng giáp ranh giữa hai bên, giữa thòi kỳ chiến sự, không nghi ngờ gì đây là việc thực khó hiểu rõ được. Bởi thế trong Tam quốc diễn nghĩa có mô tả một câu chuyện ly kỳ: “Một ngựa vượt nghìn dặm, ngũ quan trảm lục tướng”. Giữa chừng lại có tình tiết Trương Liêu phụng mệnh Tào Tháo, tặng Quan Vũ giấy thông hành miễn tội quá quan trảm tướng, lý lịch tô vẽ thêm rất khó phân giải, song nếu như không có sự chiếu cố đặc biệt của Tào Tháo, Quan Vũ muốn bình yên đi qua phòng tuyến tiến sang doanh trại Viên Thiệu tưởng cũng không dễ dàng như thế.
Bởi ma lực đặc biệt của Quan Vũ, Viên Thiệu cũng bỏ quá cho ông ta tội chém chết Nhan Lương, lại cảm kích trước lòng trung nghĩa vẫn sắp xếp cho ở trong trại Lưu Bị. Tuy sự kiện đến hôm trước đại chiến Quan Độ bảo vệ đại thế trong thiên hạ, chỉ là một đoạn viết ngắn, song sự trung thành và can đảm của Quan Vũ, sự khoan dung và nhã ý khác thường của Tào Tháo, đã thành giai thoại lưu truyền thiên cổ.
Trương Phi tên chữ là Dực Đức, là người cùng quận Trác với Lưu Bị, năm xưa đã cùng Quan Vũ theo giúp Lưu Bị, cá tính thẳng thắn, bên trong sự thô lỗ là sự tử tế. Thân cao hơn 8 thước ta (khoảng 1,8m) trán cao mà dô, mắt tròn mà lớn, râu quai nón đầy mặt, tiếng to như sấm, hành động mau lẹ mà dũng mãnh, thoáng nhìn có vẻ hung tợn, bụng dạ lại trung thành mà lương thiện. Đối với kẻ quân tử có học thì rất mực tôn trọng, song coi cái ác như thù; đôi với kẻ tiểu nhân phạm sai lầm hoặc có ác ý dứt khoát không tha thứ, cũng bởi thế mà dễ đắc tội với người.
Lại thêm cá tính nóng nảy, thích uống rượu, đã từng mắc lỗi nghiêm trọng, Lưu Bị phải luôn răn bảo, song bản tính khó đổi. Trương Phi kiêu dũng thiện chiến coi cái chết nhẹ như lông hồng, nói về sức sát thương trên chiến trường, đến cả Quan Vũ cũng phải tự than là chẳng bằng. Thế nhưng ông ta đối với Lưu Bị rất đỗi trung thành, đối với Quan Vũ cũng rất nể vì, là một người bạn thuở hàn vi chẳng dễ gặp được.
3. Ban bệ của Lưu Bị
Ngoài Quan Vũ và Trương Phi, trong ban bệ của Lưu Bị, Triệu Vân là người cẩn thận, dám nói thăng, dũng mãnh vô cùng, giàu tinh thần trách nhiệm, dược xem là một nhân vật trọng yếu.
° Triệu Vân
Triệu Vân tên chữ là Tử Long, người Thường Sơn, thân cao hơn 8 thước ta, hùng tráng uy nghi, chuyên dùng cây trường thương với người khoan hoà, có năng lực lãnh đạo. Thời Hán mạt đại loạn, các phụ lão quân Thường Sơn cử Triệu Vân làm thủ lĩnh quân nghĩa dũng, khi Viên Thiệu và Công Tôn Toản đánh nhau, Triệu Vân dẫn quân nghĩa dũng theo về với Công Tôn Toản.
Bởi Viên Thiệu đang làm Ký Châu mục, Công Tôn Toản, thấy Triệu Vân đến với mình, phi thường cao hứng mới bảo rằng: “Nghe nói người Ký Châu đều theo về với Viên Thiệu, tướng quân lại về với ta ở đây, khá xem là người Ký Châu bỏ lối mê mà phản tỉnh”. Không ngờ Triệu Vân nghiêm trang nói rằng: “Thiên hạ đại loạn, ai phải ai trái, kỳ thực cũng khó phân biệt rõ, người dân chịu ảnh hưởng chiến loạn, ở nơi nước sôi lửa bỏng, bởi vậy người tệ quận mới phải đi tìm nơi nhân nghĩa, cứu họ khỏi cảnh nước lửa, đâu có nghĩ là thân cận với tướng quân mà xa rời Viên Thiệu!”. Công Tôn Toản nghe nói rất không vừa lòng song thấy quân lực to lớn, miễn cưỡng thu nạp, không trọng dụng cho lắm.
Lúc ấy Lưu Bị đã theo về với Công Tôn Toản đánh lại Viên Thiệu, với Triệu Vân rất có cảm tình, mến mộ tài năng, Triệu Vân cũng có ý hợp với Lưu Bị, kết làm chỗ thân thiết. Không lâu, anh cả của Triệu Vân ở quê từ trần, Triệu Vân xin phép về nhà, Lưu Bị biết rõ anh ta sẽ không trở lại với Công Tôn Toản; khi từ biệt nắm tay không rời, Triệu Vân cảm được thành ý, bèn nói rằng: “Sẽ có ngày đáp đền thành ý của tướng quân”. Sau này, Triệu Vân được biết Lưu Bị theo về với Viên Thiệu đã dẫn quân ở làng đến phối hợp, làm trọn lời hứa; Lưu Bị rất vui mừng thường ngủ cùng giường, cùng bàn bạc đại sự, Lưu Bị thấy Viên Thiệu chẳng thế dựa được bèn ngầm phái Triệu Vân chiêu mộ binh mã cho đội quân của mình. Chẳng bao lâu đã có hơn trăm người tham gia, sau khi Lưu Bị đến Nhữ Nam, đã có ban bệ hoàn chỉnh, đều là công lao của Triệu Vân bởi Triệu Vân dũng mãnh lại điều độ, giỏi đánh kỵ binh, nên Lưu Bị giao cho làm kỵ binh đốc đại, lại thường kiêm chỉ huy đội tiên phong.
Trong lúc lãnh đạo quân đội của Lưu Bị, sau này phối hợp tốt với Gia Cát Lượng cũng đều là công của Triệu Vân.
Ngoài ba vị võ tướng vạn người khó địch, trong ban bệ lúc đầu của Lưu Bị còn có ba văn quan trọng yếu họ là My Trúc, Tôn Càn, Giản Ung.
° My Trúc
My Trúc tên chữ là Tử Trọng người Đông Hải, tổ tiên theo nghề buôn bán, khách có vạn người, tài sản rất lớn, khi Đào Khiêm làm Từ Châu mục, thấy My Trúc là người nổi tiếng, bổ nhiệm làm Biệt giá tòng sự. Khi Đào Khiêm từ trần dặn dò My Trúc phải mời Lưu Bị làm Châu mục, cùng với Trần Đăng đã giúp đỡ được nhiều việc quan trọng, khi Lưu Bị làm Từ Châu mục sau này, Lã Bố thừa cơ Lưu Bị đang tranh giành với Viên Thuật tập kích Từ Châu, vợ con Lưu Bị mắc vòng vây hãm. Bất đắc dĩ Lưu Bị dẫn quân đến Quảng Lăng. My Trúc lấy tài sản riêng hiệp trợ cho Lưu Bị qua lúc khốn khó, lại mang em gái gả cho Lưu Bị làm vợ kế gọi là My phu nhân.
Tào Tháo đánh chiếm Từ Châu, My Trúc tuy xuất thân từ thương gia song bởi có lòng trung lại thanh liêm, được bổ nhiệm làm Thái thú doanh quận, cử em trai My Trúc và My Phương làm Bành thành tướng. Sau khi Lưu Bị thua Tào Tháo, anh em My Trúc đều từ quan đi theo Lưu Bị. Khi Lưu Bị về với Viên Thiệu, anh em My Trúc cũng từ giã quê hương, đến Nghiệp quận hợp với Lưu Bị, sau này Lưu Bị đánh du kích ở vùng Nhữ Nam quấy rối hậu phương Tào Tháo, My Trúc cũng giúp đỡ Lưu Bị rất nhiều tiền tài.
° Tôn Càn
Tôn Càn tên chữ là Công Hổ người Bắc Hải, khi Lưu Bị mới được bổ nhiệm Từ Châu mục, được cử làm Tòng sự, Tôn Càn có tài ăn nói, phản ứng sắc bén, song cá tính ôn hoà và là người trung thành. Thời kỳ Lưu Bị đang thất vọng, Tôn Càn luôn ở bên an ủi giúp đỡ, không biết mỏi mệt. Bất luận là khi về với Viên Thiệu hoặc Lưu Biểu, việc giao thiệp và sắp đặt trước đều do Tôn Càn phụ trách, chưa hề chịu nhục, có thể nói là có tài ngoại giao. Đặc biệt là Lưu Biểu cũng có ý quý trọng Tôn Càn. Khi viết thư cho Viên Thượng là con Viên Thiệu, luận về việc tranh giành giữa anh em họ Viên, Lưu Biểu có ý nhấn mạnh: “Mỗi lần cùng luận bàn việc này với Lưu tướng quân và Tôn Công Hổ, đều rất đau lòng, nghĩ mà bi thương”. Tuy như thế, Tôn Càn là người trung thành với Lưu Bị, song công việc không có gì nổi trội.
° Giản Ung
Giản Ung tên chữ là Hiến Hoà, người Trác quận cùng đồng hương với Lưu Bị, thời trẻ đã có quan hệ, khi Lưu Bị tổ chức đội quân riêng trấn áp Hoàng Cân khởi nghĩa, Giản Ung đã theo về với Lưu Bị phụ trách việc đàm phán, việc giao thiệp. Giản Ung cá tính khôi hài, giỏi trào phúng, không xem trọng lễ phép thế tục, thường giống như kẻ cuồng sĩ, có lúc Lưu Bị và Gia Cát Lượng cũng phải đau đầu, song ông ta vốn chính trực liêm khiết và không tư lợi, ở trang trại Lưu,Bi rất được quân sĩ kính trọng.
Có một lần trời đại hạn, Lưu Bị hạ lệnh cấm chỉ việc nấu rượu, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm trọng, có một nhà kia bị quan quân kiểm tra thu được thiết bị nấu rượu, luận vào hình phạt chuẩn bị phạm tội, Lưu Bị do dự không quyết. Hôm ấy, Lưu Bị với Giản Ung đang đi tuần sát trong quận, thấy một nam một nữ cùng đi, Giản Ung nói với Lưu Bị: “Hai người này sắp làm việc gian dâm, xin hãy mau bắt lấy”. Lưu Bị kinh ngạc bảo rằng: “Tiên sinh sao biết như thế’’. Giản Ung đáp rằng: “Hai người bọn họ chẳng phải đều có khí cụ gian dâm ư? Việc này so với việc có đồ nấu rượu là cùng một đạo lý vậy!”. Lưu Bị nghe xong cười lớn, bèn hạ lệnh, kẻ có đồ nghề nấu rượu vô tội, việc này nói rõ được tài trào phúng của Giản Ung.
Sau khi Từ Thứ, Gia Cát Lượng được bổ nhiệm, My Trúc, Tôn Càn, Giản Ung đã giảm bớt vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch ở quân danh, song họ đều không mảy may oán thán, lại còn tận lực hiệp trợ với Gia Cát Lượng, qua đấy thấy được dưới sự lãnh đạo khéo cảm hoá lòng người của Lưu Bị, nhóm quan văn dưới trướng cũng hoà hợp được vào không khí chung.
4. Tổ chức dân di cư, khuếch trương thêm quân lực
“Tam quốc diễn nghĩa” có chép, việc đầu tiên của Gia Cát Lượng sau khi hạ sơn là kế hoạch hoả thiêu gò Bắc Vọng, đánh bại Hạ Hầu Đôn, đại tướng quân Tào và liên quân Vu Cấm. Thực ra khi chiến dịch Gò Bác Vọng nổ ra, Lưu Bị chưa từng gặp Gia Cát Lượng và Từ Thứ, không thể có chuyện Gia Cát Lượng và Từ Thứ tham dự mưu lược.
Gò Bác Vọng ở vùng Nhữ Nam, đương khi Lưu Bị và Lưu Tích ở Nhữ Nam đánh du kích giữa hậu phương quân Tào, Hạ Hầu Đôn đang phụ trách phòng thủ ở Dự Châu, rất đau đầu. Bởi thế sau chiến thắng Quan Độ, Hạ Hầu Đôn chủ trương tiêu diệt quân du kích của Lưu Bị. Tuy Tào Tháo cho rằng thời cơ chưa chín muồi, song Hạ Hầu Đôn cứ thúc giục, Tào Tháo chỉ còn biết điều động tướng Vu Cấm đang ở bờ nam Hoàng Hà cùng hiệp trợ; binh lực quân Tào rất mạnh, bởi vậy ngay từ lúc ban đầu, quân Lưu Bị, Lưu Tích đều phải chịu áp lực rất lớn, Lưu Tích bị chết giữa trận. Hạ Hầu Đôn tranh thủ truy kích, Vu Cấm khuyên mãi không được đành phải làm theo, song khi quân đuổi đến gò Bác Vọng, liền bị hoả công vây bủa vào thế mai phục trước của Lưu Bị, quân Tào đại bại, Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm cố chạy thoát thân. Nhưng Lưu Bị cũng thấy binh lực của mình rất mỏng, về căn bản chẳng thể đối chọi với quân Tào, theo sự sắp xếp của Tôn Càn, đánh rút về Kinh Châu, nhận sự che chở của Lưu Biểu; Lưu Biểu bèn lệnh cho trấn thủ Tân Dã phụ trách phòng thủ tiền tuyến phía đông bắc.
Gia Cát Lượng tuy có suy nghĩ sắc bén về chiến lược song chưa từng trải qua trận mạc, xét về căn bản chưa có kinh nghiệm tác chiến, thiết nghĩ nếu dựa vào chiến thuật quyết sách của ông ta, về thực tế là rất ít khả năng, bởi vậy Gia Cát Lượng sau khi hạ sơn, công việc chủ yếu vẫn là qui hoạch chiến lược và hành chính.
Lúc ấy chiến dịch quan khổ bắc chinh ô hoàn của Tào Tháo đã giành được thắng lợi, tại hồ Huyền Vũ ở bên Nghiệp Thành ở Ký Châu, thường tăng cường luyện tập thủy quân để chuẩn bị nam tiến, phía đông bắc Kinh Châu ở vào thế đối đầu, đội quân Lưu Bị trụ giữ Tân Dã là đối tượng của đợt tấn công thứ nhất. Song quân lực của Lưu Bị, chỉ có vài nghìn người mà thôi, kể riêng đội quân tiên phong của Tào Tháo cũng đã khó ngăn nổi. Bởi thế Lưu Bị cảm thấy bất an nhưng không nghĩ ra được biện pháp khắc phục, vì vậy trong lòng phiền muộn không yên.
Có một hôm Gia Cát Lượng đến quân trướng của Lưu Bị, thấy ông ta tết đuôi ngựa để tiêu khiển vội bảo rằng: “Tôi nghĩ tướng quân vôn có chí khí, không ngờ lại tự mình ngồi kết đuôi ngựa như thế”. Lưu Bị lập tức đứng dậy bảo: “Ta trong lòng phiền muộn nên mới bày trò chơi để cố quên đi!”.
Gia Cát Lượng cười bảo rằng: “Tướng quân rất phiền muộn bởi binh lực chúng ta ít như vậy làm sao ngăn được quân Tào tiến đánh chứ gì!”.
Nghe nói thế, Lưu Bị bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hẳn: “Tiên sinh hẳn có phương pháp hay, bảo cho ta nghe với!”.
Gia Cát Lượng đã dự liệu từ trước liền bảo: “Thực ra nhân khẩu vùng Kinh Châu không ít, phải nỗi không nhiều người có đăng ký hộ tịch, nếu như chỉ căn cứ vào hộ tịch và trưng binh, ắt không đầy đủ, trái lại kể thêm số dân di cư không dễ quản lý. Chẳng bằng hãy đề nghị Lưu Biểu ra lệnh dân di cư trong vùng đều phải đăng ký, sau đó dựa vào đấy mà trưng tuyển quân sĩ, sẽ giải quyết được triệt để quân lính không đủ”.
Lưu Bị hiểu ra vấn đê lập tức đề nghị với Lưu Biểu “Kế hoạch trưng binh”. Lưu Biểu lúc ấy đã ngã bệnh nằm trên giường, hơn nữa cũng có nghi kỵ với Lưu Bị; Song ông ta thấy Tào Tháo sau khi bình định phương bắc đem quân về Nghiệp Thành tích cực triển khai huấn luyện thủy quân, xác định Tào Tháo đã dã tâm đánh chiếm Kinh Châu liền đáp ứng yêu cầu của Lưu Bị, không nghe ý kiến của anh em họ Khoái, Sái Mạo, Trương Doãn thuộc phái thân Tào, tích cực tăng thêm việc chuẩn bị chiến đấu.
Chính sách thanh tra dân di cư được thi hành không lâu, đội quân của Lưu Bị đã tăng thêm đến mấy vạn người, Lưu Bị phái Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân tăng cường huấn luyện, nhờ đó sức chiến đấu đã tăng lên mau chóng.
Gia Cát Lượng lại kiến nghị với Lưu Bị, nếu được sự đồng ý của Lưu Biểu, chuyển bộ tổng chỉ huy đến Phàn Thành (thuộc Hồ Bắc) gần với Kinh Dương Thành (trụ sở Kinh Châu), để có thể ngăn chặn đợt tấn công đầu tiên của Tào Tháo, khiến đội quân chủ lực của Lưu Biểu có nhiều thời gian chuẩn bị.
Vào thời gian này, Gia Cát Lượng và Lưu Bị ăn cùng bàn, ngủ cùng chiếu, khẩn trương nghiên cứu mọi việc qui hoạch phòng bị. Bởi hai người cơ hồ như một, khiến Lưu Bị cũng dần xa Quan Vũ và Trương Phi, tạo thành khúc mắt tâm lý ở hai người ấy. Có một hôm Trương Phi vốn thẳng thắn đã nói trước mặt Lưu Bị: “Gia Cát Lượng còn ít tuổi như vậy, lại thiếu kinh nghiệm, thẳng thắn mà nói có giúp đỡ được gì lớn cho anh?”. Lưu Bị nghe rồi lập tức nghiêm sắc mặt bảo rằng: “Gia Cát quân sư có kiến thức siêu việt, ta có được ông ấy, giống như cá gặp nước, nhưng các đệ đừng nói dài, nói ngắn nữa”. Quan Vũ, Trương Phi hai người thấy Lưu Bị nói rõ ràng và kiên quyết như thế, cũng chỉ biết lau mắt mà đợi, không nói gì thêm nữa.
5. Mạch nước ngầm dữ dội trong thành Tương Dương.
“Nói Tào Tháo, Tào Tháo đến liền!” Câu thành ngữ này lưu truyền trong dân gian đã lâu, một mặt cho thấy tai mắt của Tào Tháo ở khắp nơi thực đáng sợ, một mặt khác cũng lộ rõ việc sưu tập tin tức tình báo của Tào Tháo cũng như việc sử dụng gián điệp rất thấu tỏ.
Thiên thứ 13 trong binh pháp Tôn Tử, đã đề cập tính quan trọng của việc vận dụng công tác tình báo: “Xét về việc trong quân, quan hệ chớ thân với gian tế, thưởng chớ hậu hĩ, chẳng phải bậc trí thánh chẳng khéo dùng, chẳng phải bậc nhân nghĩa chẳng thể sai khiến được gian tế, chẳng phải kẻ khôn khéo chẳng thể được châu báu của gian tế, khó thay, khó thay, chẳng khéo chẳng nên dùng vậy!”. Tào Tháo thấu hiểu binh pháp Tôn Tử, với vấn để dùng gian tế rất tâm đắc và cũng rất độc đáo.
Trải qua tám năm cố gắng, Tào Tháo cuối cùng đã tiêu diệt sạch chính quyền họ Viên, thành ra kẻ thống trị rất có thực lực dọc hai bờ Hoàng Hà. Mục tiêu tiếp theo chính là: Kinh Châu ở phía nam, Dương Châu, Giao Châu ở đông nam, và Hán Trung cùng với Ích Châu ở phía tây nam.
Kinh Châu tiếp giáp với Dự Châu là đại bản doanh của Tào Tháo và khu Tư lệ, cho nên trong thời kỳ đối trọi với họ Viên, Tào Tháo đã có cố gắng khai thác ở Kinh Châu liền mấy năm. Ngoài Thứ sử Lưu Biểu có danh vọng còn kiên trì đứng ngoài cuộc, vùng phía bắc giáp khu Tư lệ và các quận huyện của Dự Châu, tâm lý đều đã sớm theo về phía Tào Tháo.
Ngay đến cả trong phủ Lưu Biểu ở thành Tương Dương lực lượng của phái thân Tào cũng rất lớn, các lão thần như anh em Khoái Việt, Khoái Lương, anh rể của Lưu Biểu là Sái Mạo, cùng với các danh sĩ Trương Doãn, Hàn Tung đều chủ trương liên minh với Tào Tháo, có thể thấy ở ngay trong lòng Kinh Tương, Tào Tháo đã có một lực lượng đồng minh khá lớn. Trừ Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ vốn bạn thân vối Lưu Biểu vẫn kiên quyết phản Tào, cơ hồ phái Thiếu Tráng nắm quyền ở Tương Dương, đều chủ trương theo về với Tào Tháo. Bởi quan hệ lâu dài giữa Lưu Biểu với Viên Thiệu, phái thân Tào còn chưa dám nói rõ chủ trương của họ.
Mùa xuân năm 13 Kiến An, Tôn Quyền muốn trả mối thù phụ thân Tôn Kiên năm xưa bị giết, liền phái mãnh tướng Cam Ninh, Lăng Thống, Lã Mông tiến đánh Hoàng Tổ. Hoàng Tổ lệnh cho thủy quân đô đốc Trần Tựu ra trước đối trận. Lã Mông và Thiên tướng quân Đổng Tập dẫn một trăm người trong đội cảm tử, đánh lén thuyền lớn của Trần Tựu, Lã Mông một mình nhảy lên thuyền địch chém chết Trần Tựu. Quân Hoàng Tổ không chuẩn bị đầy đủ liền bị rối loạn phải rút về Hạ Khẩu; quân Đông Ngô vây bọc ngoài thành rất gấp, Hoàng Tổ dẫn quân đánh phá giải vây trong lúc hỗn chiến bị quân Đông Ngô giết chết. Tôn Quyền thấy thù cũ đã trả, bởi Hạ Khẩu nằm sâu trong vùng đối phương, phòng thủ không dễ bèn hạ lệnh cho toàn quân rút lui. Chiến dịch này tuy diễn ra nhanh chóng song lực lượng phản Tào ở Kinh Châu lại bị tiêu diệt bất ngờ.
Lưu Biểu có hai người con trai, con cả là Lưu Kỳ là con vợ cả, con thứ Lưu Tông là con người vợ kế họ Sái, các cựu thần của phái Thiếu Tráng như Sái Mạo, Trương Doãn đều ra mặt ủng hộ Lưu Tông, lại thêm sự xúi giục của họ Sái, Lưu Biểu đã yêu mến con thứ, mà ghét bỏ con cả, khiến cho Lưu Kỳ sâu sắc cảm thấy sự nguy hiểm, suốt ngày tâm can bứt rứt không yên.
Lưu Kỳ cá tính vốn ôn hoà, thân thể không được khoẻ, song đối với quân đội và các bậc trưởng lão đều có cảm tình, đặc biệt là có quan hệ thắm thiết với Lưu Bị, bởi vậy đối với quân sư Gia Cát Lượng giầu mưu lược cũng rất tôn kính.
Lưu Kỳ nhiều lần thỉnh cầu Gia Cát Lượng chỉ bảo cho anh ta kế sách tự cứu, song Gia Cát Lượng xem mình là khách không nên cuốn theo cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở Kinh Châu. Lại sợ bởi thế mà ảnh hưởng đến địa vị của Lưu Bị vốn không ổn định; cho nên vẫn một mực né tránh, thậm chí không muốn tiếp xúc với Lưu Kỳ. Lưu Kỳ biết rõ năng lực của Gia Cát Lượng, vẫn không ngừng tìm cơ hội thỉnh giáo Gia Cát Lượng.
Có một hôm, Lưu Kỳ nhân khi Gia Cát Lượng theo Lưu Bị đến Kinh Dương thảo luận việc quân, dẫn ông ta lên gác thư viện, Lưu Kỳ lại sai người rút thang gác, khiến không ai lên xuống được. Tiếp đó anh ta nói với Gia Cát Lượng rằng: “Hôm nay trên không đến trời, dưới không chạm đất, lời nói từ miệng, vào thẳng đến tai, ngài có thể nói với tôi được chưa?”. Gia Cát Lượng bất đắc dĩ nói nhỏ với Lưu Kỳ rằng: “Anh không thấy Thân Sinh ở trong mà nguy, Trùng Nhĩ ở ngoài mà yên ư?”
Sự tích này xảy ra ở nước Tấn vào thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công chịu ảnh hưởng của Lệ Cơ, có ý bỏ con trưởng lập con thứ, song người con cả là Thân Sinh, thanh danh lan rộng, tài hoa xuất chúng, Lệ Cơ đã dùng mọi biện pháp ám hại, Thân Sinh bị bức bách phải tự vẫn. Còn người con thứ khác, tiếp liền với Thân Sinh, bởi trấn thủ ỏ phía bắc nước Tấn, mà thoát thân được. Thân Sinh bị hại, Trùng Nhĩ chạy ra nước ngoài, sau 42 năm, nước Tấn xảy ra đại loạn Trùng Nhĩ lại về nước nắm chính quyền, đó chính là Tấn Văn Công.
Câu chuyện này không nghi ngờ gì đã nói ngầm với Lưu Kỳ, xin được điều động ra biên giới, thoát khỏi nội thành mà tránh được tai hại khi Hoàng Tổ thất trận, Lưu Kỳ nhân cơ hội đó xin ra trấn giữ Giang Hạ, Lưu Biểu cũng sợ chuyện kế thừa sẽ tạo thành sự hỗn loạn cục diện chính trị Kinh Châu, sau khi thương lượng với Lưu Bị bèn để Lưu Kỳ làm Thái thú Giang Hạ, phòng thủ Hạ Khẩu.

Lời bình của Trần Văn
Một người lãnh đạo và quản lý giỏi phải có đầy đủ hai điều kiện lớn. Nếu lãnh đạo theo cảm tính, quản lý theo lý tính, hoặc chỉ có lãnh đạo mà thiếu quản lý, tuy có thể phát huy lực lượng của đoàn thể song đối với hoàn cảnh mà không thích ứng, rất khó giành được thành công hữu hiệu. Ma lực cá nhân của Lưu Bị, không nghi ngờ gì là điều kiện lãnh đạo rất tốt đẹp song do thiếu quy hoạch toàn thể, dẫn đến chế độ quản lý và năng lực thích ứng với hoàn cảnh khiến giai đoạn đầu của ông ta thực gian khổ và gập gềnh. Song chỉ biết quản lý mà không chú ý lãnh đạo, sẽ là khô cứng, thậm chí hà khắc. Chúng ta từng nói đến hợp tình, hợp lý, hợp pháp, pháp luật và chế độ, song chẳng thể là cái chỉ được viết lên giấy, thế rồi chẳng dùng đến, nó phải được viết ở trong trái tim con người. Đương nhiên nếu sợ sệt mà làm ra vẻ lấy lòng thì có thể được người ta ủng hộ, sản sinh hiệu quả, song cái quan trọng là chế độ quản lý và luật lệ, không phải chỉ là hạn chế hành động một cách tiêu cực, không khéo nó sẽ rơi vào khô cứng và không có sức sống.
Một chế độ quản lý, tuyệt đối không chỉ ở chỗ hạn chế một số hành động mà thôi. Nó cần phải mang tính sáng tạo khiến người ta tiến thêm một bước trong khi hành động, chẳng những phải hoàn chỉnh mọi điều kiện hành động, mà phải kích thích ý chí hành động tự động tự phát. Nói cách khác, lãnh đạo và quản lý, phải hợp làm một, mới có thể phát huy lực lượng vốn có.
Sự kết hợp giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng, khiến thế giới quan của Lưu Bị hướng đến chỗ thay cũ đổi mới.

Lại nói về quan điểm thực dụng:
Quy hoạch sách lược và việc thực hiện.
Không ít phần tử tri thức mới ra trường, vẫn nghĩ làm công việc kế hoạch, nhìn chung là thiết kế kế hoạch, chẳng những có thể chỉ động não, khả dĩ ngồi ở phòng làm việc có máy lạnh suốt ngày chẳng phải bỏ sức lực, cũng chẳng đổ mồ hôi, cho rằng như thế mới là “công việc vận dụng trí tuệ”. Thực ra có không ít công ty, nhân viên kế hoạch đều là những phần tử tri thức cao cấp cho rằng chỉ cần dùng đầu óc là có thể xong việc. Những người này thường náu mình sau bàn làm việc, phiếm đàm về đạo lý qui hoạch sách lược và chiến lược, chỉ đạo chiến lược việc quy hoạch chiến lược như vậy, thường chỉ là màu mỡ riêu cua mà thôi, hoa mỹ mà không thực dụng.
Trong cuốn “marketing” các tác giả Tack Trout viết:
Có rất nhiều công ty cho rằng, xây dựng chiến lược là triệu tập ba, bốn vị giáo sư kế hoạch cao cấp, để họ ngồi ở trong phòng phát huy đầu óc, cho đến khi họ tìm được phương pháp giải quyết vấn đề gọi đấy là “Tháp ngà trí tuệ...” Cũng có không ít xí nghiệp lại tập hợp các cán bộ quản lý cao cấp trong một hội nghị, cách xa với máy điện thoại, cách xa với công việc sự vụ hằng ngày mới có thể vẽ ra được sách lược tương lai... Bởi vì họ cho rằng chiến lược không giống như quyết sách thường ngày mang tính chiến thuật, thực ra đều là không đúng.
Hai mươi năm trước, bút giả từng được làm việc với tiên sinh Tá Đằng một nhà lập kế hoạch bậc thầy của công ty Tinh Trấn Biểu của Nhật Bản, tiến hành việc lập kế hoạch tiêu thụ để sản phẩm của công ty đổ bộ vào thị trường Đài Loan, thấy được tinh thần thực tiễn thể hiện đầy đủ ở đó, trong quá trình cộng tác, Tá Đằng thường nói với bút giả, cái cốt lõi tinh tuý của kế hoạch tiêu thụ, không phải là nhiều người dùng “óc” nghĩ ra mà là một thiểu số người dùng “chân” mà đạt đến vạch đích.
Trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ II, tướng Bađôn nước Mỹ phụ trách quân đoàn 3 trong quân đồng minh vốn rất hùng mạnh, trong đoàn có 105 vị tướng lĩnh thực sự chiến đấu, song chỉ có một vị lập qui hoạch. Bởi vì Bađôn cho rằng, số nhân viên quy hoạch càng nhiều, có đưa ra những cơ hội chiến lược tốt lại rất ít. Những chiến lược kiệt xuất chân chính, luôn luôn do một cá nhân đã hết mình suy nghĩ ra, mới có thể xác thực được. Câu “Ba ông xách bầu chẳng có rượu uống”, trong công tác sách lược quy hoạch, cũng có chỗ tương đồng.
Trên thương trường, tuy thường có thể thấy những sáng tác tập thể cũng không có gì sai lầm, song nghiêm chỉnh mà nói đó vẫn chỉ có thể kể là tác phẩm phàm tục; còn tác phẩm chân chính, vẫn đều là kiệt tác tâm huyết của một đại sư. Sáng tạo trong sách lược quy hoạch là do sự rèn luyện cọ sát qua kinh nghiệm thực tiễn, cùng sự trầm tư lâu dài mà hoàn thành.
Khơlao Sai Uâytrơ mười hai tuổi đã ra nhập quân Phổ, từng tham gia cả trận đánh năm 1812 liên quân Nga Phổ chống trả Napôlêông, đến chiên dịch Oa téc lô sau này; qua thể nghiệm bản thân, khiến ông quan sát được sâu sắc, có suy nghĩ ngang tầm chiến thuật với thiên tài Napôlêông, sau này mới viết ra được tác phẩm kinh điển về chiến lược đấy là cuốn “Chiến tranh luận”.
Đích xác chiến lược không tách rời chiến thuật, mục đích của chiến lược ắt phải được vận dụng vào chiến thuật, chỉ có kinh nghiệm thực tiễn ở chiến trường mới có thể vạch ra được sách lược chiến tranh thực sự có hiệu quả.
Song người chỉ có chiến thuật mà không hiểu được chiến lược chẳng thể chỉnh lý kinh nghiệm chiến thuật thành tư duy trừu tượng, chẳng thể quy hoạch khách quan, kinh nghiệm tích lũy nhiều cũng chẳng thể có được đầu óc của nhà chiến lược.
Quy hoạch sách lược mà chẳng có kinh nghiệm thực tế, thường lập ra được kế hoạch hoàn chỉnh và cẩn thận, xem như là đầy đủ mọi mặt, song lại khô cứng và thiếu tính đàn hồi, những kế hoạch ấy thường lớn lao mà cẩn thận, lại không có khả năng thực hiện.
Tác giả cuốn “Chiến tranh và hoà bình” đã chỉ rõ, thiên tài quân sự Napôlêông đã không nắm rõ quân đội trong thực tiễn chiến đấu, Napôlêông quen chỉ huy bằng mệnh lệnh, hình dung chiến tranh qua một “nguyên bản hoàn chỉnh”. Tướng Bađôn cũng nói rõ sách lược quy hoạch của chúng ta, chẳng thể thích ứng đầy đủ được với hoàn cảnh, để tập trung lực lượng thích ứng với hoàn cảnh. Tôi cho rằng sự hơn kém ở một nhà lãnh đạo, là ở chỗ ông ta có nắm được điểm này hay không.
Sự lãnh đạo lực lượng kết hợp trong toàn thể, đi theo một hướng chung, là do các nhà chỉ huy tác chiến, quản lý quốc gia, kinh doanh xí nghiệp, giỏi điều khiển lực lượng ở nhiều mặt làm sao lực lương nhằm vào một mục tiêu, mà không phân tán, đấy là trách nhiệm chủ yếu của người vạch sách lược. Mục tiêu cần phải rõ ràng, cụ thể có thể thực hiện được, chỉ ra được phương hướng nỗ lực, để mọi người theo đó mà làm tuần tự, không nhất định phải thực chi tiết đên từng người, khống chế chặt chẽ mọi mặt; nếu không có tính đàn hồi sẽ thành ra một qui hoạch chỉ để ngăn mà không dùng được.
Thậm chí có người nghiên cứu cho rằng nhà qui hoạch trưởng thành từ va chạm thực tiễn, có thể trở thành một nhà chiến lược đại tài. Ví như Khơlaosaimâytrơ đã từng trải kinh nghiệm sau trận bị Napôlêông đánh bại, hơn nữa còn bị bắt làm tù binh. Có thể những nỗi thống khổ ấy, đã giúp ông ta có được suy nghĩ triệt để, để chỉnh lý kinh nghiệm thành lớp lang trừu tượng, trở thành cơ sở quan điểm cho cuốn sách kinh điển nghìn năm: “Chiến tranh luận”. Lại có nhà quy hoạch sách lược ưu tú khác, Gia Cát Lượng có những điều kiện cơ sở đáng kể. Ông tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, khá thấy ông xem trọng kinh nghiệm trong chiến thuật thực tiễn, không giống như những thư sinh thời bấy giờ, ông nhiều năm ở tiền tuyến thậm chí ở nơi giáp trận, để tích lũy kinh nghiệm chiến đấu thực tế.
Với một nhà sách lược ưu tú là Từ Thứ, Gia Cát Lượng có những mặt không giống với ông ấy; Từ Thứ là một chuyên gia chuyên chú giải quyết một sô vấn đề, song Gia Cát Lượng “quan sát đại lược”, thông suốt mọi mặt đối với vấn đề gì cũng quan tâm, đặc biệt là có thể nắm được xu thế thời đại. “Long Trung Sách” là sách lược qui hoạch hoàn chỉnh đến mức tuyệt vời, lại thể hiện đầy đủ xu thế lớn của thời đại, đích xác được nghiền ngẫm bởi suy nghĩ thâm trầm, thời kỳ nông nhàn Gia Cát Lượng thường đến bái kiến các danh sĩ hiền nhân ở nhiều nơi, ắt đã khảo sát tình hình ở các nơi ấy, sưu tập tư liệu, để so sánh đối với các danh sĩ “hiểu thư sinh” và “hiểu chuyên gia”, có được “thực tiễn” càng nhiều hơn.
Gia Cát Lượng chịu náu mình ẩn dật, là bởi ông đang giữ sức chờ thời, những năm tuổi trẻ khốn khổ, cho ông một cơ thể khoẻ mạnh, thường ngày cầy cấy tự nuôi mình, so với bọn thư sinh xưa nay chỉ nói mà không làm. Gia Cát Lượng đã thực tiễn hơn nhiều; bởi vậy ông rất tự tin, tuy không biết võ nghệ, mà dấn thân nơi chiến trường chẳng hề kinh hãi.
Song Gia Cát Lượng khi mới hạ sơn, chẳng thể giống như “Tam quốc diễn nghĩa” đã mô tả là một quân sư thần thánh, thực ra ông giống như một khối “mỹ ngọc”, được thực tiễn chiến đấu mài giũa mà thành. Ông lựa chọn Lưu Bị bởi đặt niềm tin ở ông ta; ở trong quân doanh của Lưu Bị ông rất có cơ hội để trải qua rèn luyện gian khổ mà hoàn chỉnh; đối với một danh sĩ trẻ tuổi mà nói, đấy là võ đài để diễn xuất tốt nhất.
Người xưa nói: “Mới học cạo đầu lại gặp ngay phải ông râu rậm”. Từ việc rút khỏi Kinh Tương đến trận Đương Dương Trường Bản, đối với quân sư mới ra lò, đích xác là một thử thách nghiêm trọng. Song Gia Cát Lượng dũng cảm chấp nhận “lớp huấn luyện tại chức” đầy gian khổ này hơn nữa lại có thừa tự tin đế gánh vác công tác ngoại giao ở tuyến đầu, tiến hành vận động liên minh Tôn - Ngô có tầm then chốt.
Nhiệm vụ gian khổ này khiến ông ta may mắn được tiếp cận với những đại cao thủ chiến lược bậc nhất lúc bấy giờ là, Lỗ Túc và Chu Du; trong quyết sách chiến lược hoả thiêu Xích Bích, Gia Cát Lượng có thể tham dự không nhiều, song ông là người chứng kiến từ đầu đến đuôi, đối với việc liên minh Tôn - Lưu đã sớm hình thành, với việc vận dụng chiến thuật cũng thấu tỏ triệt để. Kinh nghiệm thực tiễn lần này đã hình thành trong Gia Cát Lượng tư tưởng chiến lược, có ảnh hưởng tuyệt đối suốt cả sau này.
Lại nói về Lưu Bị, kinh nghiệm đã có mấy chục năm, khiến ông ta trở thành một nhà chiến thuật khá tài giỏi, đứng ở thế yếu lại luôn đánh, luôn bại, qua thất bại lại càng nổi tiếng, lại càng có khí thế trở thành một anh hùng nổi trội ở đời, đặc biệt là ở gò Bác Vọng, lấy chiến thuật khôn khéo đánh thắng cả Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm của Tào Tháo, khá thấy Lưu Bị là người “biết đánh”, hơn nữa còn “đánh giỏi” là khác.
Có thể nói về nhược điểm duy nhất, lại là không đủ khả năng lực tư duy trừu tượng để chỉnh lý kinh nghiệm, khiến ông ta chẳng thể thấu thị được xu hướng thời dại, nỗ lực mà thiếu phương hướng, tự nhiên chẳng thể tập kết và tích lũy lực lượng cho nên trồi lên tụt xuống, phấn đấu mấy chục năm mà chẳng có được một mảnh đất của riêng mình.
Long Trung Sách có thể nói là đã mở rộng tầm nhìn cho Lưu Bị, để ông ta lần đầu tiên xem xét một cách khách quan về xu hướng lớn toàn cục, tuy chẳng kể cụ thể, song phương hướng chung của sự nghiệp thực rõ ràng, trách chi ông chẳng cao hứng, như cá gặp nước vậy!