TÔ CHƯƠNG dịch
Chương 6

Vài ngày sau trận đấu đáng ghi nhớ đó, Đônha Xôn rời Xêvilơ ra nước ngoài. Vị phu nhân cao quý đó đã chấm dứt mối tình không thể đem lại cho nàng những cảm giác mới mẻ nào nữa, bèn bỏ rơi thẳng cánh Gađacđô. Nàng cũng không thèm trả lời những bức thư của anh chàng matađo tỏ bày bằng lời lẽ vụng về và hơi buồn cười nỗi thất tình thành thật của anh.
Số phận trớ trêu khiến đúng vào lúc người tình ngông đời cắt đứt quan hệ tội lỗi với anh thì người vợ chính thức của anh nổi giận về sự bội bạc của chồng chị. Sự yên ổn trong gia đình anh bị rối loạn một cách đau đớn. Cho đến nay, tuy mấy bà hàng xóm láng giềng hay nói bóng gió, Cacmen vẫn im lặng. Nhưng đến khi cuộc ngoại tình phơi ra trước mặt mọi người giữa đấu trường, thì sự xỉ nhục thành ghê gớm quá khiến chị không thể nào nhịn được nữa.
Một hôm chị cho mời Người Quốc dân đến nói chuyện. Chị tiếp bác banđêridiêrô trong phòng làm việc của chồng. Ở đấy chỉ có hai người, không sợ bị bà Aoguxtiax bất chợt quấy rầy. Lúc đó Gađacđô đang ở Câu lạc bộ phố Rắn. Từ vài tuần nay, anh năng lui tới đấy vì anh sợ chạm trán với vợ, và vì nhóm người hay ầm ĩ ở đây giúp anh quên những ý nghĩ đen tối.
Người Quốc dân ngồi xuống đi văng, cúi đầu, tay cầm mũ, không dám nhìn vợ của đội trưởng. Chị Cacmen trông thật tội nghiệp! Mắt quầng đen tỏ ra khóc nhiều, hai má nâu nâu và cái mũi nhỏ xinh của chị hơi đỏ, chứng tỏ là bị khăn tay chà xát mãi vào. Sau một lúc im lặng nặng nề, chị cất giọng xúc động:
- Xêbatchiêng, bác phải nói hết sự thật cho tôi biết. Bác là một người trung thực. Bác là bạn tốt nhất của nhà tôi...
Bác banđêridiêrô gật đầu đồng ý. Nhưng bác rất e ngại câu hỏi sắp đi theo mấy lời giáo đầu trịnh trọng đó. Chị Cacmen muốn bác cho chị biết gì đây?
- Giữa Đônha Xôn và Huan có chuyện gì? Biết đã trông thấy những gì? Bác đoán ra sao?
Chao ôi! Cái bác Người Quốc dân mới tốt bụng chứ! Bác vội vớ lấy cây sào mà Cácmen cho bác để khuyên can chị mà không phải muối mặt nói dối:
- Tôi đã trông thấy gì à? Nhưng mà không, tôi chẳng thấy cái gì xấu bao giờ...
Bác nói tiếp, giơ tay lên một cách nghiêm trang: - Tôi xin lấy danh dự của bố tôi ra mà thề với chị. Tôi xin viện những tư tưởng của tôi mà thề!...
Bác không ngại thề độc bằng cách viện những tư tưởng rất thiêng liêng đối với bác, vì thực sự bác có trông thấy gì đâu và vì không trông thấy gì nên bác tha hồ tin rằng không hề xảy ra cái gì xấu cả.
- Còn tôi đoán ra sao ư, bác tiếp tục. Tôi đoán rằng hai người chỉ là bạn. Thiên hạ hay bàn tán, nói xấu đặt ra đủ mọi thứ chuyện. Chị Cacmen, xin chị đừng lo lắng, xin chị vui lên, sống thoải mái. Ở trên đời không có gì hơn thế đâu?
Nhưng Cacmen lại tấn công một lần nữa: - Bác Xêbatchiêng, thế bác cho tôi là rồ dại à? Từ khi anh ấy mê cái bà lớn kia... (tôi nghĩ gọi như vậy cũng được thôi), tôi đã đoán ra tất cả. Cái ngày anh ấy tặng con bò cho bà ta và nhận của bà ta cái nhẫn kim cương, tôi hiểu ngay rằng có vấn đề giữa hai người, có những lúc tôi muốn giật lại cái nhẫn đó và dí nó dưới gót chân! Vả lại, đã từ lâu hai người có biết giữ gìn gì nữa đâu: họ đi dạo chơi với nhau như vợ chồng trước mắt thiên hạ, và cùng cưỡi ngựa đến hết hội chợ này đến hội chợ khác như những người gitanô.
Thấy Cacmen sắp khóc òa, Người Quốc dân nghĩ cần phải ngắt lời chị:
- Chị ơi, tội nghiệp chị, sao chị lại đi tin những lời vu khống ấy? Chị không thấy đó là những điều bịa đặt của những kẻ thù của anh ấy, của những người ghen tị anh ấy hay sao?
- Không! Tôi biết con người anh Huan. Bác tưởng đây là lần đầu à? Người làm sao bào hao làm vậy, không thể khác được. Tôi nguyền rủa cái nghề chết tiệt làm cho con người thành điên thành dại kia!... Chúng tôi lấy nhau được hai năm thì anh ấy tằng tịu với một đứa con gái bán hàng ở chợ, một con bán thịt. Tôi rất đau khổ khi biết chuyện, nhưng tôi không nói một lời. Đến bây giờ anh ấy vẫn tưởng là tôi không biết gì cả... Sau đứa ấy đến bao nhiêu đứa khác! Gái nhảy ở tiệm cà phê ca vũ này, gái chơi ở tiệm rượu này, cả nhà thổ nữa có hàng tá! Tôi không nói cốt là để cho gia đình yên ắng. Nhưng bây giờ thì khác: người đàn bà này không giống bọn kia. Anh Huan rối ruột rối gan vì mê con người ấy. Anh ấy đắm đuối vì anh ấy hãnh diện có một bà lớn đại quý tộc yêu mình. Chao ôi! Sao mà tôi ghê tởm anh ấy thế!... Bây giờ họa hoằn chúng tôi mới nói với nhau một câu, dường như chúng tôi là người dưng nước lã không quen biết gì nhau cả. Tôi, tôi ngủ ở trên gác một mình. Còn anh ấy ngủ ở phòng dưới, trong cái phòng nhìn ra sân. Trước kia, tôi bỏ qua cho anh ấy tất cả mọi chuyện: đó là những thói xấu cố hữu của nghề nghiệp, người đấu sĩ có tính điên cứ tưởng là phụ nữ nào cũng mê mình. Nhưng bây giờ tôi không thể nào chịu nổi anh ấy nữa: anh ấy làm tôi ghê sợ.
Cacmen nói rất hăng, cặp mắt lóng lánh căm hờn.
- Chao ôi! Người đàn bà này đã làm cho anh ấy thay đổi hẳn! Anh ấy không còn như xưa nữa. Bây giờ anh ấy chỉ thích đàn đúm với bọn thanh niên con nhà giàu hay tán gái. Những người dân khu phố này và tất cả những người nghèo hèn ở Xêvilơ trước đây là bạn của anh ấy, giúp đỡ anh ấy lúc mới vào nghề, bây giờ anh ấy không thèm ngó đến họ nữa, anh ấy tránh họ một cách kinh khủng. Còn họ thì họ đã bắt đầu phàn nàn về anh ấy và sẽ có ngày họ la ó anh ấy ngay giữa đấu trường để trừng phạt thái độ vô ơn của anh ấy... Còn nữa. Đồng tiền vào nhà này như nước chảy, không biết là bao nhiêu. Bản thân anh Huan cũng không biết mình có những gì. Nhưng tôi thì tôi biết rõ lắm. Muốn bọn bạn mới tiếp đón thân thiết, anh ấy đánh bạc rất to và thua nhiều thành ra đồng tiền vào lỗ hà ra lỗ hổng. Tôi không trách anh ấy điều đó, vì dù sao tiền bạc đều do anh ấy kiếm ra; nhưng hiện nay anh ấy đã phải vay của Đông Hôxê để chi tiêu cho những việc cần thiết ở trại của nhà, và nếu mới rồi anh ấy mua được mấy mảnh vườn trồng ô liu để làm cho dinh cơ của nhà được tròn trặn, chính là nhờ vay tiền của người khác. Hầu hết tiền nong mà anh ấy sẽ lĩnh được trong mùa đấu sắp tới đã bị các món nợ ngốn trước cả rồi. Thế ngộ xảy ra một tai họa thì sao? Nếu anh ấy bắt buộc bị giải nghệ thì sao?... Anh ấy đã muốn tôi thay đổi những thói quen của tôi, cũng như anh ấy đã thay đổi những thói quen của anh ấy. Tôi biết rõ nguyên nhân là sau khi gặp Đônha Xôn của Ngài, lúc về nhà thấy mẹ Ngài và vợ Ngài ăn mặc lôi thôi, khăn quàng và áo mặc trong nhà giống những thứ của mọi phụ nữ vùng này, thì Ngài cho là xấu. Chính Ngài đã bắt tôi phải đội những chiếc mũ đem từ Mađrit về, những chiếc mũ rất xấu không hợp với tôi, tôi biết thế, làm cho tôi trông như con khỉ làm trò! Thực ra quấn cái khăn quàng duyên dáng biết bao nhiêu. Cũng chính anh ấy đã muốn mua chiếc xe quái ác, cái xe hơi ngồi lên là tôi rất sợ và hôi như qủy! Tại sao lại phải làm những cái điên rồ ấy nhỉ? Tại vì lúc nào anh ấy cũng nghĩ đến người kia, tại vì anh ấy muốn tôi giống người kia, tại vì anh ấy xấu hổ về tôi!...
Người Quốc dân phản đối rất dữ: À không! Cái đó không đúng đâu! Anh Huan anh ấy tốt, anh ấy làm như vậy chỉ vì yêu gia đình, anh ấy muốn gia đình lịch sự và có đầy đủ tiện nghi. Chị Cacmen, chị muốn bảo anh ấy như thế nào cũng được. Nhưng xin chị tin lời tôi, anh ấy đáng được chị độ lượng hơn. Biết bao nhiêu phụ nữ nhìn chị mà ghen đến chết. Là vợ người matađo can đảm nhất, được tiêu tiền như rác, có một tòa nhà tuyệt diệu và hoàn toàn là bà chủ tay hòm chìa khóa ở nhà mình vì anh ấy để cho chị cai quản tất cả, chẳng lẽ những cái đó không đáng kể vào đâu cả sao?
Mắt Cacmen đẫm lệ, chị đưa khăn tay lên lau và nói:
- Chao ôi! Thà tôi chỉ là vợ một anh thợ giày! Tôi sẽ sung sướng biết bao, nếu anh Huan không chọn cái nghề đấu bò ghê sợ kia mà cứ tiếp tục học nghề đóng giày. Bọn con gái đẹp sẽ không tìm cách cướp anh ấy của tôi, anh ấy sẽ hoàn toàn của tôi. Có thể chúng tôi gặp những lúc khó khăn túng thiếu, nhưng ngày chủ nhật đến, chúng tôi có thể cùng nhau về nông thôn hưởng cái thú khoác vai nhau dạo bước dưới một giàn hoa. Trái lại, những con bò mộng ghê gớm làm tôi rất sợ! Không, sống như thế này không phải là sống!... Bác nói rằng tôi tiền của như nước. Đúng thế. Nhưng bác Xêbatchiêng ạ, bác nên biết rằng, đối với tôi, tiền bạc giống như một thứ thuốc độc, nó càng tuôn vào nhà chúng tôi bao nhiêu, thì tôi càng khổ bấy nhiêu. Thiên hạ ghen với tôi, tưởng rằng tôi có hạnh phúc tột đột, còn tôi thì tôi nhìn bằng con mắt thèm thuồng những người phụ nữ nghèo mà tôi thấy có đứa con nhỏ để bế ẵm trong tay, cười đùa với nó và quên đi cảnh nghèo khổ!... Chao ôi! Giá mà tôi có được một đứa con! Chính vì không có con nên tôi mới khổ như thế này. Tình hình sẽ thay đổi hẳn nếu anh Huan trông thấy ở nhà một đứa bé là con của anh ấy...
Thế là Cacmen khóc sướt mướt làm những giọt nước mắt ràn rụa trong những nếp khăn tay và trên hai má nóng bừng của chị. Đó là nỗi đau khổ của một người phụ nữ không sinh nở, đêm ngày ao ước hạnh phúc của các bà mẹ. Đó là sự thất vọng của một người vợ khi thấy chồng xa lánh mình, giả vờ gán tình trạng bị hắt hủi cho nhiều nguyên nhân nhưng trong thâm tâm thì đổ tội chủ yếu cho việc mình không có con.
Bác banđêridiêrô kinh hoàng về cuộc nói chuyện với Cacmen cho nên ra khỏi nhà bác lập tức đi tìm đội trưởng mà bác thấy ở hiên ngoài của Câu lạc bộ Bốn Mươi Lăm.
- Anh Huan, bác nói, tôi vừa nói chuyện với chị ấy. Tình hình gay đấy! Chị ấy biết hết rồi. Anh phải cố làm cho chị ấy nguôi đi và đối xử tốt với chị ấy! Tội nghiệp chị ấy! Anh làm cho chị ấy đau khổ là có tội đấy! Anh phải coi chừng! Chị ấy là người có bản lĩnh, nếu chị ấy giận thật sự thì anh sẽ lôi thôi với chị ấy đấy...
Thất vọng về việc người đàn bà có uy quyền rất lớn đối với thể xác và tâm trí anh đã bỏ rơi anh và rất lo là đã tự mình phá vỡ hạnh phúc gia đình mà khó lòng hàn gắn được, Gađacđô không biết trả lời Người Quốc dân như thế nào, cứ gãi đầu hoài. Rồi thấy bác banđêridiêrô nằn nì khuyên anh quên hẳn phu nhân đại quý tộc kia và làm lành với Cacmen, anh kêu to:
- Trời ơi là trời! Tôi không thể chịu được nữa rồi! Lạy Chúa cho đến chủ nhật sắp tới một con bò húc trúng tôi thế là xong tất! Sống thế này thì thà chết đi như vậy cho rồi!
Suốt tuần lễ ấy, anh hầu như lúc nào cũng vắng nhà. Anh sợ cặp lông mày nhíu lại và sự im lặng của Cacmen. Anh còn sợ chị cất tiếng nói hơn.
Tuy nhiên, người anh rể Angtôniô, thừa dịp gia đình lục đục, đã đem bầu đoàn thê tử đến ở nhà Gađacđô. Viện cớ việc làm ăn của bác không chạy, bác bỏ nghề đóng yên ngựa để cùng vợ con ăn bám hẳn vào người matađo, bác thản nhiên chờ cậu em vợ, nhờ quen biết lắm nơi quyền quý, tìm cho mình một công việc gì đó nhàn hạ mà lại kiếm được nhiều tiền.
Chủ nhật sau đó, Gađacđô phải đấu trận cuối cùng trong mùa. Sáng hôm đó trôi qua mà anh không bị những nỗi sợ hãi vẩn vơ lo âu thường lệ ám ảnh. Anh vui vẻ mặc quần áo, thần kinh bị kích thích mạnh làm cho gân cốt của anh thêm rắn rỏi. Đấu tại đấu trường Xêvilơ trải cát vàng óng khiến mười hai nghìn người xem kinh ngạc trước phong độ trang nhã và sự táo bạo của mình, quả là sung sướng! Chỉ có nghệ thuật này mới chôn xác cái nghệ thuật duy nhất mang vinh quang và tiền của đến. Tất cả những cái khác - gia đình, nhân tình nhân ngãi - đều chỉ làm cuộc sống thành phức tạp và phiền muộn. Chà! Chốc nữa ta sẽ đâm những nhát kiếm tuyệt đẹp đấy! Anh cảm thấy mạnh như hộ pháp. Anh mong sớm được trút lên đầu mấy con bò mộng bao nỗi tức giận chất chứa trong lòng do sự bất hòa trong gia đình và cuộc bỏ đi khinh mạn của Đônha Xôn.
Khi chiếc xe ngựa tới cửa, Gađacđô, khác mọi lần, bước qua sân không để ý đến sự xao xuyến của các phụ nữ trong gia đình. Cacmen không xuất hiện. Nhưng người anh rể của anh có mặt, hãnh diện ngắm bộ com-lê mới mà bác đã chớp của Gađacđô và cho sửa lại rất vừa với người bác.
- Trông anh bảnh hơn cả Rôgiê đê Flo đấy! Gađacđô nói đùa bác. Nào mời anh lên xe để tôi đưa anh đến đấu trường.
Bác thợ yên ngựa rất hãnh diện và khoái chí sắp được mọi người trong phố xá Xêvilơ thấy mình ở giữa đội đấu mang áo khoác lụa thêu kim tuyến dày cộp, bèn ngồi xuống cạnh vĩ nhân.
Khán đài chật ních. Cuộc đấu này thu hút rất nhiều người xem, không những chỉ có dân thành phố mà nông dân ở các làng bên cũng kéo đến ngồi kín mít các bậc bị nắng soi.
Ngay từ phút đầu, Gađacđô hoạt động sôi nổi. Anh rời xa hàng rào, tiến lại trước con bò, chọc nó bằng những đường múa áo choàng, trong khi đó các picađo chờ lúc con vật xông vào mấy con ngựa ốm cà khổ của họ.
Công chúng tỏ ra ít có thiện cảm với người matađo. Họ vẫn vỗ tay khen anh như mọi lần, nhưng tiếng vỗ tay chỉ rầm rộ và kéo dài ở phía khán đài không bị nắng soi, ở những bậc ngồi có những mũ màu nhạt đều đặn, nhưng nó rất thưa thớt ở phía khán đài bị nắng chiếu, ở nơi trong đám khán giả ồn ào và mặc áo đội mũ đủ màu sắc linh tinh, có nhiều người bị cháy nắng đã cởi áo ngoài chỉ còn mặc có sơ mi trần.
Gađacđô hiểu tình hình khó khăn. Nếu anh chỉ không may một chút, một nửa đấu trường sẽ đứng dậy la ó anh để trừng phạt anh đã vô ơn với những người đã nâng đỡ những bước đi đầu tiên trong nghề của anh.
Như thường lệ, Gađacđô can đảm xông vào giữa cặp sừng, nhưng mũi kiếm của anh bị một cái xương cản lại(1).
Những người xem thuộc phe anh vỗ tay: nhát kiếm đã đâm trúng, nếu nó không thọc sâu được, đó không phải là lỗi của anh.
Một lần nữa, Gađacđô lấy tư thế để giết con bò. Nhưng nhát kiếm lại đâm đúng vào chỗ cũ, con bò lồng lộn làm thanh kiếm văng ra cách nó một quãng.
Anh matađo bèn giật thanh kiếm khác trong tay Garabatô và trở lại trước mặt con vật đang đứng sững trên bốn cẳng để chờ anh, cổ chảy máu, mõm sùi bọt, mũi cúi gần chạm mặt đất.
Gađacđô giơ cái mulêta ra trước mắt con bò, bình tĩnh dùng mũi kiếm gạt ra phía sau những cây banđêri rũ xuống giữa cặp sừng. Anh muốn thực hiện một đòn đêcabenlô(2). Sau khi đưa mũi kiếm về phía đỉnh sọ con vật để tìm điểm chính xác, anh thình lình ấn thanh kiếm xuống. Con bò rùng mình đau đớn, nhưng nó vẫn đứng vững và lắc mạnh đầu làm thanh kiếm bật ra.
Một số khán giả càu nhàu, có kẻ huýt sáo.
- Khổ thật! Gađacđô lẩm bẩm. Tại sao bọn họ bất công với mình như vậy.
Lại một lần nữa, Gađacđô ấn thanh kiếm và cuối cùng anh chọc trúng tủy sống. Con bò ngã gục xuống như bị sét đánh.
Về phía khán đài không bị nắng soi, người xem vỗ tay khen do tinh thần giai cấp, nhưng về phía bị ánh nắng, tiếng huýt sáo và chửi rủa vang lên.
Gađacđô quay lưng về phía những người chửi rủa, giơ mulêta và kiếm chào những người ủng hộ anh.
Tiếng la ó của đám lê dân làm anh điên tiết, nắm chặt quả đấm.
- Chúng nó còn muốn gì nữa? Con bò đâu có để yên cho mình làm được hơn thế! Một âm mưu của những kẻ thù mình đặt ra đây.
Và anh đứng rất lâu gần hàng rào, khinh khỉnh nhìn các đồng nghiệp, trong thâm tâm lên án họ âm mưu hại anh.
Đến khi anh lại cầm những dụng cụ để hạ sát con bò thứ hai, anh ra lệnh cho Người Quốc dân và một người pêông khác dùng áo choàng dụ nó về phía các bậc ngồi của đám dân thường. Anh hiểu công chúng. Anh biết rằng anh phải nịnh những "công dân của ánh mặt trời", đám người hỗn loạn đáng sợ thường đem vào đấu trường những sự thù hằn có tính cách xã hội, nhưng lại dễ chuyển từ huýt sáo sang vỗ tay, một khi có biểu hiện coi trọng nho nhỏ làm cho họ hãnh diện.
Các chú pêông múa áo choàng quanh mình con bò, cố sức dụ nó đến chói nắng. Những khán giả thường dân thấy vậy tỏ vẻ ngạc nhiên và vui thích. Thế là màn kịch hạ sát sắp diễn ra, không xa họ như thường lệ để bọn nhà giàu ngồi trong bóng mát tiện xem, mà là ở phía những người vô sản, ngay trước mặt họ.
Con bò, sau khi đứng trơ trọi một lúc, xông vào xác một con ngựa, húc vào sườn con vật đã bị thủng toác sừng dùng sừng nhấc nó lên khỏi mặt đất như một mảnh giẻ rách, làm tung tóe ruột gan cứt đái của nó ra khắp chung quanh. Rồi cái xác con ngựa lại rơi xuống rúm lại và con bò bỏ đi loanh quanh. Chẳng bao lâu bò ta lại quay lại hít ồ ồ xác con ngựa và một lần nữa luồn cặp sừng vào trong cái bụng vỡ toác của nó. Khán giả cười vang khi thấy con bò bướng bỉnh, ngu xuẩn cố tìm sự sống trong một cơ thể chết rồi.
- Cố lên, con ạ! Đồ khỉ gió! Hăng thế! Tiếp tục đi để chúng tao xem!...
Bỗng nhiên công chúng không chú ý đến con bò đang trong cơn điên nữa mà quay sang nhìn người matađo đang bước vội vã qua bãi đấu, ngực ưỡn, một tay cầm mulêta quấn quanh cái cán, một tay vung vẩy thanh kiếm như một cái can nhẹ. Toàn thể khán giả ở phía có ánh nắng hoan hô.
- Anh chiếm được lòng họ rồi! Người Quốc dân, lúc ấy đã đến đứng gần con bò với áo choàng sẵn sàng, nói với Gađacđo.
Quần chúng vỗ tay, gọi người matađo:
- Lại đây!... Lại đây!...
Để không bỏ sót chi tiết nào của trận đấu, ai cũng muốn con bò bị giết ngay trước chỗ ngồi của mình.
Gađacđô ngập ngừng trước những tiếng gọi trái ngược nhau của hàng vạn con người. Một chân đặt trên thềm hàng rào, anh tìm địa điểm lợi nhất để hạ sát con vật. Tốt nhất là đưa nó ra xa hơn một chút. Anh matađo cảm thấy không thoải mái vì xác con ngựa có các bộ phận vương vãi, che mất cả một phần bãi đấu. Lựa chọn xong, anh ném chiếc mũ đấu lên khán đài, lập tức hàng trăm bàn tay chìa ra xúm xít để nắm lấy vật báu của anh gửi.
Gađacđô ra hiệu cho Người Quốc dân múa áo choàng để chuẩn bị cho anh giết con bò. Rồi anh căng rộng cái mulêta. Con vật thở phì phì xông lại, chui qua dưới mảnh vải đỏ.
- Hoan hô! Công chúng gào lên, lại yêu mến thần tượng cũ và sẵn sàng hoan nghênh mọi động tác của anh.
Gađacđô tiếp tục đấu trong tiếng hoan hô của đám bình dân. Được xem anh đấu gần họ, họ gào to khuyên anh nên thận trọng.
- Cẩn thận đấy... Con bò hãy còn nguyên vẹn đấy! Đừng đứng giữa nó và hàng rào! Phải dành chỗ rút lui đấy.
Một số người khác, hăng hái hơn, lại khuyên anh nên táo bạo:
- Chơi cho nó một cú xuất sắc của anh đi!... Vèo!... Cho nó một nhát là anh bỏ nó vào túi được đấy!
Nhưng con bò quá to và quá đa nghi nên không dễ "bỏ vào túi được". Bị kích thích sau khi đứng gần xác con ngựa, nó có vẻ muốn quay lại chỗ đó, dường như mùi hôi thối của cái bụng toang hoác làm nó say sưa.
Quay cuồng một lúc, con bò bị cái mulêta múa may làm cho mệt, bèn đứng yên một chỗ.
Xác con ngựa nằm sau lưng người matađo. Anh ở vào một cái thế không thuận lợi; nhưng đã nhiều lần anh ở trong tình thế khó khăn hơn mà vẫn thành công. Anh muốn lợi dụng lúc con bò dừng lại. Công chúng khuyến khích anh. Trong số khán giả đứng cạnh hàng rào thứ hai, người cúi về đằng trước để xem không sót tý gì phút quyết định của trận đấu, anh nhận ra nhiều người thuộc tầng lớp dưới, là những người gần đây tỏ ý lạnh nhạt với anh nhưng bây giờ hình như lại sẵn sàng hoan hô vì cảm động trước thái độ kính nể quần chúng của anh.
Anh bèn lấy tư thế để đâm, nâng thanh kiếm lên ngang tầm mắt. Nhưng đột nhiên anh cảm thấy mặt đất như rung chuyển, người anh bị bắn ra xa, cả đấu trường như sụp xuống, bầu trời tối sầm lại và một trận cuồng phong kinh khủng gầm rú trong bóng tối. Thân thể anh rung động từ đầu đến chân một cách đau đớn, đầu óc vo vo như sắp nổ vỡ, một sự kinh hãi ghê gớm bóp chặt lấy tim, anh có cảm tưởng rơi vào một vực sâu thăm thẳm, tan thân nát xác. Quả vậy, đúng lúc anh xông lên đâm thì con bò đã bất ngờ lao tới người anh.
Sự va chạm mạnh đến nỗi người diện bộ quần áo vàng lụa lăn long lóc xuống đất và biến mất giữa bốn chân của con quái vật đang phóng như bay. Sừng nó không xuyên thủng người anh, nhưng toàn bộ cặp sừng đã va vào người anh và quật anh ngã gục như bị giáng một chùy mạnh kinh khủng.
Nhìn trước mặt nó chỉ còn con ngựa chết, con bò lại định xông vào húc cái xác ấy; nhưng nó cảm thấy bị vướng chân; thế là nó khinh cái xác con ngựa mà thích tấn công con rối lóng lánh nằm gục trên cát, lấy sừng nâng lên, lắc đi lắc lại trong vài giây rồi lẳng sang một bên. Sau đó, nó định lao một lần thứ ba vào người đấu sĩ đã ngất đi.
Công chúng kinh ngạc trước diễn biến quá nhanh chóng của trận đấu, không thốt được tiếng nào, tim như bị thắt. Con vật chắc chắn sẽ giết chết người đấu sĩ. Và có lẽ anh ta đã chết rồi.
Bỗng nhiên, một tiếng thét thoát ra từ cổ họng mọi người, xé tan bầu không khí im lặng. Một chiếc áo choàng vừa mới hiện ra giữa con bò và nạn nhân. Cái áo đó có thể nói là dán chặt vào mõm con vật bằng hai cánh tay cứng cáp cố che lấy mắt nó. Đó là Người Quốc dân, với tinh thần tận tụy tuyệt vọng, đã xông vào con quái vật, quyết hy sinh tính mệnh để cứu đội trưởng.
Ngạc nhiên về vật chướng ngại mới này, con bò quay lưng về phía người nằm gục dưới đất và tấn công Người Quốc dân. Bị hãm giữa cặp sừng, bác vừa vung vẩy cái áo choàng không biết làm thế nào để thoát thân, nhưng rất sung sướng vì dù sao cũng kéo được con vật hung dữ ra xa Gađacđô.
Công chúng rất quan tâm đến tình tiết mới của trận đấu, hầu như quên hẳn anh matađo. Mọi người hò hét dường như những tiếng kêu có thể giúp đỡ người banđêridiêrô can đảm. Nhiều phụ nữ khóc nức nở, ngoảnh đầu nhìn chỗ khác, vặn vẹo bàn tay. Cuối cùng, đúng vào lúc con bò cúi đầu húc, Người Quốc dân may mắn nhẩy tránh được sang một bên, còn con bò phóng như điên theo đà của nó vẫn giữ chếc áo choàng rách tan trên sừng.
Công chúng xúc động vỗ tay như sấm. Vốn hay thay đổi như chong chóng, họ hoan hô Người Quốc dân và hầu như chẳng chú ý gì đến cái hình người vô tri vô giác mà bốn người khênh khỏi bãi đấu, đầu lắc lư, giữa đám đấu sĩ và nhân viên đấu trường.
Suốt buổi chiều hôm đó, ở Xêvilơ thiên hạ chỉ bàn tán về vết thương của Gađacđô, nặng nhất trong đời anh. Nhiều tờ báo đã phát hành số đặc biệt và tin về vụ này đánh đi khắp Tây Ban Nha kèm theo những lời bình luận phong phú đã gây xôn xao chẳng khác gì tin một chính khách bị mưu sát.
Trong phố Rắn, trí tưởng tượng của người xứ Ăngđaludi tha hồ hoạt động. Theo một số người này thì Gađacđô vừa mới chết: chắc chắn là như vậy vì tin này của một người được trông thấy anh nằm trên giường trạm xá, mặt trắng bệch như tờ giấy, cây thánh giá đặt trong hai bàn tay. Theo một số người khác, anh còn thở, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ chết hẳn: gan ruột anh đã lòi tuốt ra ngoài, kể cả tim, thận, nghĩa là tất cả, con bò đã biến người anh thành một cái sàng lỗ chỗ.
Thực tế, tình trạng của Gađacđô khá gay go: một chân bị gẫy, một cánh tay bị sừng húc trúng, bốn chân tay đều xây xát. Tuy thế, anh đã hồi tỉnh khá nhanh và vào khoảng chín giờ tối, người ta đã có thể đem anh về nhà.
Anh nằm trên cáng ra khỏi đấu trường. Đi hộ tống anh, có các thầy thuốc, anh em đồng đội hãy còn mặc áo diễu hành, một số hội viên Câu lạ bộ Bốn Mươi Lăm và nhiều người thuộc tầng lớp bình dân. Xúc động trước tai họa, những nhà quý tộc vui lòng sát cánh với những người mê đấu bò rách rưới. Ai nấy im lặng bước đi, trang nghiêm ủ rũ và kinh hoàng dường như Tổ quốc sắp mất một người con làm vinh dự cho mình.
Quang cảnh khi về đến nhà mới thật đau đớn! Khắp sân vang những tiếng kêu khóc não nuột. Ở ngoài phố, các bà hàng xóm vào bạn hữu của gia đình tưởng Gađacđô đã chết, gào thét và rứt đầu rứt tóc. Khi cái cáng đã khuất sau cánh cửa, nhiều người vẫn còn quanh quẩn trên đường để nhìn các cửa sổ, bàn tán xôn xao và cố đoán tình hình ở sau bức tường.
Nạn nhân được đặt lên giường một cách hết sức cẩn thận. Khắp người anh quấn vải và băng vấy máu, nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Bộ quần áo đấu của anh chỉ còn lại một chiếc tất màu hồng. Quần áo lót của anh bị thủng nhiều chỗ, còn nhiều chỗ khác thì bị kéo cắt. Nạm tóc côlêta rũ xuống cổ xổ ra và rối tung. Mặt anh trắng bệch như tờ giấy.
Nạn nhân cảm thấy một bàn tay chạm vào tay mình bèn hé mắt. Anh trông thấy Cacmen, mặt cũng trắng bệch chẳng kém gì anh, đôi mắt khô khốc, cặp môi nhợt nhạt, và anh hơi mỉm cười với chị.
Tiếp đó anh ra hiệu, Người Quốc dân cúi xuống, cố nghe tiếng thì thào rất nhỏ thoát ra từ đôi môi xám ngoét mất máu của anh. Rồi bác vội vàng chạy xuống dưới nhà nói với ông ủy quyền:
- Anh Huan muốn ta đánh điện ngay cho bác sĩ Ruix.
- Đánh rồi, ông ủy quyền trả lời vui vẻ thấy mình đã đi trước ý muốn của Gađacđô. Bác sĩ đang trên đường đến đây. Sáng mai thì tới.
Những thầy thuốc đã làm việc băng bó đầu tiên cho Gađacđô đỡ bi quan hơn trước. Gađacđô có thể khỏi vì thể chất của anh rất cường tráng. Đáng sợ nhất là sự chấn thương, cái va húc có thể làm gục tại chỗ một người bình thường, nhưng anh chỉ ngất đi không lâu rồi lại hồi tỉnh. Còn các vết thương thực sự thì xem ra không nguy hiểm lắm. Vết thương ở cánh tay chắc chắn không nghiêm trọng, cùng lắm thì cánh tay sẽ mất linh hoạt mà thôi. Vết thương ở chân đáng lo ngại hơn, có lẽ Gađacđô sẽ thành thọt.
"Thọt!" Tiếng đó đập mạnh vào tâm trí của Đông Hôxê cho đến lúc này vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh. Người matađo của ông không còn khả năng đấu bò nữa à?
- Không! Không! Không thể như thế được! Huan sống mà không đấu bò là chuyện vô lý. Lấy ai ra thay anh ấy? Không, tôi xin nói là không thể như thế được... Người số một trên thế giới kia mà!... Thế mà các vị muốn người ấy không đấu nữa à?
Hai ngày sau, bác sĩ Ruix đáp xe lửa tốc hành từ Mađrit tới. Tươi cười trong bộ râu bạc ngả màu vàng bẩn, ông không mang theo hành lý, ăn mặc lôi thôi lốc thốc như thường lệ, cái áo gilê không cài khuy, cái bụng Di Lặc lắc lư trên đôi chân ngắn ngủn. Ông nhận được bức điện sau khi đi xem một trận nôvidiađa(3) được tổ chức để giới thiệu một "cậu bé" ở Lát Văngtét - một trò hề làm cho ông rất buồn cười. Sau một đêm mất ngủ trên xe lửa, nghĩ đến trò khỉ đó, ông vẫn còn cười nôn ruột, dường như ông đã quên mục đích của chuyến đi này.
Khi ông bước vào phòng Gađacđô, anh mở mắt ra và một nụ cười hy vọng làm bộ mặt anh sáng lên.
- Can đảm lên con ạ! Bác sĩ bảo anh. Tai nạn này chưa làm con chết được đâu! Đúng là con còn may đấy!
Ông khám nạn nhân rất kỹ. Dĩ nhiên anh bị thương nặng nhưng bác sĩ Ruix đã chứng kiến nhiều trường hợp người đấu sĩ khỏi dễ dàng tuy bề ngoài có vẻ rất nặng. Cho nên bao giờ ông cũng tin rằng nạn nhân sẽ lành một cách kỳ lạ, dường như sừng bò tạo ra vết thương đồng thời chứa một chất thuốc hiệu nghiệm.
- Khi đấu sĩ không chết ngay tại đấu trường, bác sĩ nói quả quyết, chúng ta có thể nói rằng anh ta sẽ khỏi. Chỉ cần kiên trì thôi.
Trong ba ngày liên tiếp, Gađacđô chịu đựng những cuộc giải phẫu rất đau đớn: bác sĩ phải lấy ra khỏi chân anh những mảnh xương ống gẫy vụn. Thỏa mãn về bàn tay khéo léo của mình, ông vui vẻ kêu lên:
- Ai bảo rằng cậu sẽ không đấu được nữa? Cậu cứ tin tôi, cậu còn đấu được và công chúng chưa hết hoan hô cậu đâu...
Da tái nhợt, người gầy, sút hẳn đi vì quá đau, Gađacđô nằm dài trên giường bệnh, hầu như không còn đủ sức để đòi uống nước. Bác sĩ cấm mẹ anh vào phòng, vì sợ bà cụ không cầm được nước mắt khi thấy con trai bà bất giác rên rỉ lúc thay băng. Còn Cácmen nhẹ nhàng bước vào phòng, mắt nhìn xuống, đến ngồi bên giường rất lâu, e lệ, không nói một lời, lúc nào cũng sẵn sàng săn sóc hầu hạ một cách im lặng. Tai nạn đã làm chị quên những tội lỗi của người chồng phụ bạc và, trong lúc đau khổ, chị chất phác tự trách mình là nguyên nhân của tai họa. Phải rồi, chị nghĩ chị đã cư xử quá nghiệt ngã với chồng. Nếu anh không bình tĩnh được như mọi lần trước con bò mộng, chính vì chị đã làm anh bối rối và tức giận bởi những cơn ghen điên rồ của chị. Giá như ở trong phòng chỉ có một mình chị với chồng, có lẽ chị đã quỳ xuống để xin lỗi anh.
Ngay sau khi Huan bắt đầu đỡ, bác sĩ cho phép vài người bạn vào thăm để cho anh khuây khỏa. Thế là các nhà hâm mộ đấu bò danh tiếng nhất của thành phố Xêvilơ bắt đầu diễu hành bên giường bệnh. Khói thuốc lá quyện vào mùi hôi của thuốc vàng. Trên bàn, những chai thuốc và gói bông băng nằm cạnh những cái khay đầy cốc và chai rượu thết khách.
Một hôm Gađacđô đòi hút xì-gà. - Tạ ơn Chúa! Bác sĩ Ruix kêu lên. Con khỏi rồi đấy con ạ!... Người nào hút được thuốc lá thì không ốm nữa...
Bắt đầu từ hôm ấy, phòng của người dưỡng bệnh lúc nào cũng đông nghịt, chẳng khác một phòng khách chuyện trò bàn tán liên miên suốt ngày. Dĩ nhiên, khách khứa hầu như chỉ nói chuyện bò chuyện đấu.
Làm sao có thể nói chuyện khác được, khi Đông Hôxê có mặt ở đấy! Người ta điểm mặt tất cả các matađo của nước Tây Ban Nha, ca tụng những ưu điểm và phê phán những nhược điểm của họ, người ta ước tính họ kiếm được bao nhiêu tiền, người ta tuyên bố rằng Gađacđô là vô địch và sẽ vẫn là vô địch.
- Người số một trên thế giới! Ông ủy quyền bao giờ cũng nói thêm như vậy.
Bác sĩ Ruix thường đấu khẩu với Người Quốc dân khi bác ta trong cơn say mê chính trị, hỏi bác sĩ rằng sắp có cách mạng chưa.
- Cái đó thì cần gì cho cậu! Bác sĩ vặn lại. Điều duy nhất mà cậu nên quan tâm là hiểu rõ các con bò, đừng để nó ngoắc phải và cắm banđêri càng nhiều lần càng tốt để nuôi sống gia đình.
Người Quốc dân trả miếng sau khi bị bác sĩ Ruix nói xỏ về nghề đấu sĩ của bác. Bác không phải là một công dân như mọi người khác hay sao? Bác không phải là một cử tri mà nhiều chính khách phải cầu khẩn lá phiếu trong các cuộc bầu cử hay sao?
- Tôi nghĩ tôi hoàn toàn có quyền có ý kiến của tôi! Tôi có chân trong ban chấp hành của đảng tôi. Nghề nghiệp của tôi thấp hèn và phản động, tôi chẳng lạ gì. Nhưng có phải vì thế mà tôi không được phép có những nguyên tắc của tôi hay sao? Đâu có phải lỗi của tôi nếu vua Fernăngđô VII đóng cửa trường đại học và mở trường đấu bò ở Xêvilơ(4) làm cho cái nghề nuôi sống tôi thành khôi hài và ghê tởm. Đả đảo bọn bạo chúa, bác sĩ ạ!
Người Quốc dân biết lịch sử của nước Tây Ban Nha về mặt liên quan đến nghệ thuật đấu bò; bác ghét Xombrêrêrô(5) và nhiều đấu sĩ khác ủng hộ nền quân chủ chuyên chế bao nhiêu thì bác khâm phục người matađo biên ngang Huan Lêông(6) bấy nhiêu. Tuy sống dưới thời chuyên chế, ông này vẫn khinh bỉ thái độ quỵ luỵ của dân chúng và đến đấu trường trong bộ quần áo màu đen vì hồi đó người ta gọi những người có tư tưởng tự do là "Nhóm Đen" đến nỗi nhiều khi ở đấu trường ra, ông phải vượt qua nhiều bọn người chửi rủa và đe dọa ông. Theo lời Người Quốc dân, môn đấu bò là tàn tích của thời quá khứ, là một trò chơi dã man; tuy nhiên nó vẫn có những vĩ nhân của nó cũng đáng kính phục như những vĩ nhân khác.
- Căn cứ vào đâu mà cậu bảo nghệ thuật ấy phản động, bác sĩ Ruix đáp. Cậu có một trái tim vàng, Người Quốc dân ạ, và những ý định của cậu tốt đẹp nhất thế giới, nhưng không phải vì thế mà cậu không ngu dốt. Cho nên để xử sự cho đúng, cậu nên biết rằng đấu bò là một sự tiến bộ, cậu nghe rõ chứ? Tôi nói là một sự tiến bộ, một sự dịu đi của phong hóa, một trò giải trí bớt độc ác so với những cảnh tượng mà nhân dân ta yêu thích trước đó.
Thế là bác sĩ Ruix, tay cầm cốc rượu, bắt đầu nói, nói mãi, chỉ thỉnh thoảng ngừng lại để uống một ngụm.
- Bảo rằng môn đấu bò xuất hiện từ thời thượng cổ nếu không phải là sai lầm nghiêm trọng thì cũng là nói dối trắng trợn. Quả là hồi xưa, ở Tây Ban Nha, người ta giết bò để mua vui cho thiên hạ, nhưng nghệ thuật đấu bò như người ta thực hành ngày nay thì mới tương đối gần đây thôi. Xít dùng giáo để đấu bò, cái đó rõ rồi(7). Các kỵ sĩ Môrơ và Thiên chúa giáo quần nhau với bò mộng trong những cuộc thao diễn ngựa, tôi đồng ý với cậu. Nhưng hồi đó chưa có đấu sĩ chuyên nghiệp và người ta chẳng hoài công làm cho con bò được chết một cách cao thượng theo quy tắc của một nghệ thuật đấu.
Một khi bắt đầu nói, bác sĩ không dừng lại nữa và những bài diễn thuyết của ông, uyên bác đậm đà, làm sống lại những kỷ niệm xa xưa nhất về những trận đấu đã trở thành hội hè dân tộc Tây Ban Nha. Hồi ấy, trò chơi này chỉ tổ chức vào những dịp rất hiếm, ví dụ nhân dịp vua lập hoàng hậu, ký hòa ước hoặc vào lúc khánh thành một nhà nguyện trong một nhà thờ chính tòa. Các lãnh chúa phải tham dự mặc đồ lụa là lộng lẫy, cưỡi ngựa chiến tiến vào vòng đấu, dùng thương hoặc giáo để đấu bò trước mặt các vị phu nhân. Nếu các ngài bị bò húc ngã ngựa, các ngài rút kiếm ra rồi với sự giúp sức của bọn đầy tớ, các ngài giết con bò bằng cách đâm lung tung, không theo phương pháp nào cả. Trong các ngày hội của dân chúng, họ xông vào bãi đấu cùng tấn công con vật cho đến lúc nó gục dưới những nhát dao găm.
- Tất cả những cái đó, bác sĩ kết luận, không phải là những trận đấu bò thực sự. Đó là những cuộc săn thú dữ. Vả lại, nhân dân hồi đó có nhiều trò giải trí khác cho nên người ta không cần hoàn thiện trò đó. Chính tôn giáo cung cấp những cảnh tượng được người ta thích nhất hồi đó: những cảnh tượng dễ làm người ta xót xa, run sợ và ngoài ra còn được khoan dung. Những cuộc thiêu sống người thích thú hơn nhiều so với những trò giết thú vật. Hồi ấy những ngày hội dân tộc đều do Pháp đình tôn giáo chịu trách nhiệm tổ chức.
Nhưng đến một ngày kia, bác sĩ tiếp tục với một nụ cười hóm hỉnh, Pháp đình tôn giáo suy yếu. Ở đời này cái gì mà chẳng có lúc qua đi. Nó chết già trước khi có những đạo luật cách mạng xóa bỏ nó. Phong tục biến đổi và các giàn hỏa thiêu, với những bài thuyết về đạo đức, những áo thầy tu trùm kín mặt và những việc chối đạo đi theo một cách khôi hài, không được người ta ưa nữa. Vả lại thời kỳ có những cuộc chiến tranh lớn ở Châu Âu đã kết thúc. Cả ở Hà Lan lẫn ở Ý không còn đánh nhau nữa. Những người phiêu lưu không lên tàu để đi chinh phục Châu Mỹ nữa. Người ta thấy cần có một cái nắp hơi bảo hiểm cho tính hung tợn của công chúng đã quen xem những cảnh đẫm máu. Thế là vào khoảng giữa thế kỷ XVII, lúc nước Tây Ban Nha lại chui vào cái vỏ của mình, nghệ thuật đấu bò ra đời. Những người, nếu ở vào thế kỷ trước, có thể là lính tráng ở Flăngđrơ(8) hoặc thực dân quân sự ở những nơi hoang vu của Châu Mỹ, bây giờ trở thành những người giết bò mộng. Để giải trí cho nhân dân đang buồn tẻ, người ta xây những đấu trường thường xuyên, lập những đội đấu chuyên nghiệp, đặt cho các cuộc đấu những quy tắc cố định và nhân dân thấy cái đó rất hợp ý mình! Ở đấu trường, kế tục các hiệp sĩ là những người thứ dân đem cái việc liều mạng mình để kiếm tiền làm thành nghề nghiệp và quần chúng trở thành người chủ tuyệt đối của bãi đấu dân chủ hóa(9). Cháu chắt của những người đã dự với lòng hào hứng mộ đạo những cuộc nướng chả kẻ tà đạo và người Giudên, rất thích xem những trận đấu ồn ào giữa người và bò mộng, những trận đấu mà người đấu ít khi thành nạn nhân. Cậu bảo như vậy không phải là một sự tiến bộ à?
Bác sĩ Ruix nhấn mạnh vào ý kiến của ông:
- Đó là một sự tiến bộ không ai chối cãi được! Chính vì thế mà một người có tư tưởng cách mạng trong mọi vấn đề như tôi xin thú nhận không xấu hổ rằng tôi mê đấu bò. Tôi đồng ý rằng đấu bò là dã man. Nhưng những dân tộc tự cho mình là văn minh không có những thú vui khác cũng dã man chẳng kém hay sao? Có phải chỉ ở Tây Ban Nha nhân dân mới thích những cảnh tượng chết chóc đâu? Những cuộc đua ngựa vô ích tổ chức ở Anh, ở Pháp và ở khắp nơi hàng năm chẳng để lại trên đường đua nhiều người chết hơn cả trên bãi đấu bò của chúng ta hay sao? Lại còn những cuộc đi săn đuổi, những cuộc chọi gà, những cuộc đấu quyền Anh và tất cả những môn thể thao hung bạo làm bẹp mũi, gẫy chân, vỡ sọ phải đâu là những trò giải trí vô hại? Nói tóm lại, mỗi dân tộc có những trò chơi dữ tợn của mình. Và biết đâu chúng ta chẳng cần một chút hung bạo để xua đi cái buồn tẻ của cuộc sống quá êm ả, để đánh thức những nghị lực cường tráng trong cơ thể ươn hèn của chúng ta? Biết bao người anh dũng và tài khéo, tuân thủ những quy tắc khôn ngoan không ai chối cãi được, chọi với những con vật to lớn hung dữ và giết chúng giữa thanh thiên bạch nhật, dưới bầu trời nóng như lửa, trước mặt công chúng ăn mặc muôn màu nghìn sắc hoan hô. Cái đó tất nhiên là một cảnh tượng đẫm máu nhưng cũng là một cảnh tượng tuyệt đẹp.
Nửa tháng sau, bác sĩ Ruix tuyên bố ông sắp trở về Mađrit. Ông nói với Gađacđô:
- Từ nay cậu không cần đến tôi nữa, nhưng cậu phải cẩn thận. Cậu nên về nông thôn nghỉ ngơi một dạo. Thể chất cậu rất vững chắc, chỉ vài tháng nữa là cậu khỏi hẳn thôi.
Chừng nào người bị thương còn bị những cơn sốt giày vò và những cơn ác mộng ám ảnh ban đêm thì anh không nghĩ đến Đônha Xôn. Nhưng khi sức khỏe hồi phục, anh liền nhớ tới mối tình cũ. Một buổi sáng, anh hỏi Đông Hôxê rằng tình nương của anh có hỏi thăm anh không?
- Tất nhiên là có, ông ủy quyền đáp. Hai ba ngày sau khi xảy ra tai nạn, tôi nhận được một bức điện đánh từ Nixơ(10) trong đó nàng hỏi thăm cậu và tôi đã trả lời ngay rồi.
- Thế sau đó?
- Sau đó... tôi không nhận được gì nữa... Chắc nàng biết tin qua các báo vẫn đăng các báo cáo của bác sĩ về tình hình sức khỏe của cậu. Là vì người ta nói đến cậu ở khắp Châu Âu!... Vả lại, cậu không nên bận tâm về chuyện tình ái lăng nhăng nữa. Cái chính bây giờ là cậu phải hồi phục sức khỏe và lại đấu. Từ nay đến mùa xuân sang năm là cậu phải khỏe lại hoàn hoàn. Tôi hỏi thật: cậu có còn muốn đấu nữa không?
- Tôi mà không muốn đấu nữa à? Và chính ông, Đông Hôxê ạ, lại hỏi tôi điều đó hay sao? Muốn chứ! Muốn chứ! Mùa đông này tôi sẽ nghỉ ở trại nhà và đến mùa xuân sang năm tôi sẽ đấu với tất cả các con bò của người ta dẫn đến cho tôi. Ông có thể ký cho tôi một hợp đồng đấu trong dịp lễ Phục sinh.
- Thế thì hay quá! Cậu nên nghe tôi: bây giờ cậu nên quên đàn bà đi để nghĩ đến công việc. Vinh quang trước, lợi lộc sau, rồi nếu cậu muốn đàn bà thì cậu sẽ tha hồ có.
Không biết có phải thái độ lạnh nhạt rõ ràng của Đônha Xôn đã xúc phạm quá mạnh đến lòng tự trọng của Gađacđô hay là những ngày dài dằng dặc mà anh phải nằm bất động trên giường, chân bó bột trong khi vợ anh âu yếm ngồi bên cạnh trông nom anh đã làm anh nghĩ lại cách cư xử của anh và cảm thấy hối hận về những lỗi lầm đã mắc? Có điều chắc chắn là từ hôm đó anh không nói về Đônha Xôn với người ủy quyền của anh nữa.
Trước khi gia đình về ở trại Rinhcônađa, bà Aoguxtiax muốn con trai mình đến lễ trước tượng Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy. Đó là lời cầu khẩn của bà ngay từ hôm bà thấy người ta cáng Gađacđô về nhà, tái xanh như xác chết. Từ đó, đã bao lần, bà vừa khóc vừa cầu nguyện Nữ vương Thiên Đàng Đầy Ơn Phúc có cặp mi dài và hai gò má nâu. Đã bao lần bà van vỉ Đức Bà che chở cho Huan, đứa con trai tội nghiệp của bà.
Thánh lễ diễn ra trong một buổi sáng đẹp trời. Mặc dầu hôm đó là ngày làm việc, nhà thờ Xăng Gin treo đèn kết hoa, chật ních những người khá giả nhất ở những phố xung quanh. Đó là những bà chủ gia đình béo tốt có cặp mắt hạt huyền, cái cổ to, mặc đồ lụa đen với chiếc áo cánh và chiếc váy căng trên da thịt phì nộn với chiếc khăn quàng đăng ten bao quanh khuôn mặt tai tái. Đó là những người thợ cạo mặt nhẵn nhụi, bận com-lê mới và đội mũ tròn, với chiếc áo gilê có sợi dây vàng to vắt ngang. Ăn mày kéo đến hàng đàn như trong đám cưới, vây quanh cửa nhà thờ. Những bà hàng xóm lắm chuyện, đầu để trần, tay bế con, xô đẩy nhau trong khi sốt ruột chờ đoàn người tới. Trong thánh lễ long trọng sắp cử hành có dàn nhạc và hát chầu đi kèm, các linh mục sẽ hát kinh tạ ơn vui tươi để tạ ơn Chúa đã cứu Huan Gađacđô.
Cuối cùng, đoàn người xuất hiện và lách qua đám đông. Đi đầu là bà mẹ và vợ của người matađo, mặc áo dài bằng lụa đen dầy sột soạt. Đi giữa những người bà con và hàng xóm, bà Aoguxtiax và Cacmen mỉm cười qua tấm khăn quàng bằng đăng ten. Tiếp đến Gađacđô có một dây dài đấu sĩ và bạn bè đi hộ tống, ai nấy mặc quần áo màu sáng, đeo dây chuyền và nhẫn lấp lánh, đội mũ phớt màu trắng tương phản với những màu tối của quần áo đám phụ nữ.
Anh matađo có vẻ nghiêm trang. Anh là một người công giáo thành thực. Anh ít nghĩ đến Đức Chúa Trời, và khi gặp chuyện trắc trở, anh nói báng bổ như một người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hôm nay thì khác! Đây là chuyện tạ ơn Đức Bà Đồng Trinh Đáng Trông Cậy. Vì thế anh bước vào nhà thờ với thái độ ăn năn, mọi người khác cũng làm như anh chỉ trừ Người Quốc dân cứ đứng ngoài nhà thờ trong quảng trường.
- Tôi là một người tự do tư tưởng, bác nghĩ là đúng lúc để tuyên bố như thế với mấy người bạn. Tôi tôn trọng mọi tín ngưỡng, nhưng cái người ta đang làm trong kia, theo tôi là... vớ vẩn. Tôi không có ý định thất lễ với Đức Bà Đồng Trinh và phủ nhận phần công lao của Bà. Nhưng chỗ chúng ta tôi xin nói thật, nếu hôm đó tôi không tới nhanh để kéo con bò ra chỗ khác khi anh Huan nằm dưới đất, thì tôi xin hỏi anh ta bây giờ đã ra sao rồi?
Qua các cửa mở, lọt ra tận sân trước ngôi nhà thờ tiếng rền rĩ của các nhạc cụ, tiếng người hát một giai điệu êm êm say đắm hòa vào mùi hương hoa thơm ngát. Các đấu sĩ và các người hâm mộ đấu bò tụ tập trước nhà thờ hút thuốc hết điếu này đến điếu khác. Thỉnh thoảng lại có vài người tách ra chuồn đến tiệm rượu gần nhất.
Khi đoàn người từ trong nhà thờ bước ra, đám ăn mày đẩy nhau, hích nhau để hứng lấy những đồng xu vứt từng vốc. Anh matađo rạng rỡ và lộng lẫy, đưa cánh tay đỡ Cacmen bước đi còn chị thì cảm động run người, mắt nhìn xuống, một giọt lệ đọng trên mi mắt. Đó là giọt lệ hạnh phúc, chị tưởng như mình đang làm lễ cưới lần thứ hai.
(1) Nhát kiếm đó không sâu vì chệch mất vài li. Theo luật lệ của môn đâu bò, nó có thể được đánh giá không thua kém một nhát kiếm thọc sâu.
(2) Đêcabenlô: để thực hiện miếng đòn này, người matađo cắm ngập mũi kiếm vào một điểm hơi lui về phía sau cặp sừng, nhằm cắt đứt tủy sống ở điểm nối xương sống với sọ con vật, làm nó chết tức khắc. Đó là đòn kết liễu đời con vật sau khi nó đã bị kiếm đâm. Nhưng nếu đòn đêcabenlô đâm trượt, con vật sẽ chỉ bị thương nhẹ và khán giả sẽ la ó nhát kiếm vụng ấy. Có nhiều kiểu đêcabenlô. Trong kiểu miêu tả ở
đây, đấu sĩ sau khi đâm thanh kiếm vào chỗ mong muốn, từ từ nâng nó lên cho đến khi nó ở vào vị trí thẳng đứng, bây giờ anh ấn một cái thật mạnh cho lưỡi kiếm ăn sâu vào người con bò.
-------
 (3) Nôvidiađa: trận đấu của một đấu sĩ trẻ mới vào nghề.
 (4) Trường đấu bò Xêvilơ mở do đạo dụ ngày 28 tháng 5 năm 1830, đến năm 1834 thì bị đóng cửa.
(5) Xombrêrêrô: nghĩa đen là người thợ mũ, biệt danh của matađo Angtôniô Ruix sinh năm 1738 ở Xêvilơ.
(6) Huan Lêông: matađo sinh ở Xêvilơ vào cuối thế kỷ XVIII.
(7) Theo chuyện kể, người kỵ sĩ đầu tiên vào đấu trường trên lưng ngựa để đấu bò là Đông Rôđêrigô Điax Đê Bivarê, thường được gọi là Xit Cămpêađôrê. Ông có nhiều người bắt chước, nhất là dưới thời các vị vua Môrơ cuối cùng ở Grơnađơ và đặc biệt là dưới triều đại Bôadin.
 (8) Flăngđrơ: tên gọi trong thời xưa của một vùng rộng lớn nằm ở phía đông bắc nước Pháp trong đó có nước Hà Lan ngày
 (9) Vua Philip V rất ghét đấu bò, nhưng không thể bãi bỏ nó. Giới quý tộc muốn được lòng nhà vua, lảng tránh trò chơi đó khiến nó mất tính cách quý phái. Chính vào thời kỳ này xuất hiện những trận đấu bò của những người đi chân, không cưỡi ngựa. Lúc đầu họ là những đấu sĩ tài tử, dần dần họ thành chuyên nghiệp. Ta có thể coi Frăngxixcô Rômêrô vốn có nghề làm mũ, sinh ở Rôngđa, là người sáng lập môn đấu bò hiện thời. Chính ông ta là người đầu tiên, vào khoảng năm 1726, đã đấu bò trong tay chỉ có một thanh kiếm để tấn công và một cái mulêta để tự vệ.
 (10) Minixơ: một thành phố du ngoạn và nghỉ mùa đông ở vùng đông nam nước Pháp.