Mấy tháng lang thang giữa Sài Gòn chờ xuống tàu Phương mang tâm trạng ăn nhờ ở đậu. Sáu giờ sáng, người giúp việc mở cửa thả Phương ra đường trong khi cả nhà anh Dũng vẫn ngon giấc. Phương mua tờ nhật báo. Anh hay ngồi dưới gốc đa cổ thụ nhìn ra hồ Con Rùa. Vừa uống cà phê Phương vừa cố điểm mọi loại tin tức từ mục rao vặt, sang nhượng đến các biến động thời sự năm châu. Chín giờ rưỡi Phương tạt qua công ty điểm danh vào sổ thuyền viên dự trữ. Phần ngày còn lại anh trốn trong thư viện khoa học xã hội trên đường Lý Tự Trọng. Tòa nhà hành chính cũ của thực dân không thích hợp để chứa quá nhiều sách cổ và sách quí. Phòng đọc nhỏ, thiếu ánh sáng. Vài ba nữ nhân viên xanh xao tới lui nhẹ như chiếc bóng. Từ thuở sinh viên Phương vẫn được ưu tiên mượn sách xuất bản trước 1975 dù qui định là cấm hoàn toàn. Rõ ràng anh không biết nịnh nọt lấy lòng người quản lý. Lần đầu Phương bối rối gợi ý, chẳng ngờ họ chấp nhận ngay. Anh rất ngạc nhiên nhưng không tiện hỏi. Ở nơi xa lạ với cuộc sống bon chen, mọi lý lẽ đều khập khiễng. Chính ngọ Phương chạy ra ngoài ăn uống qua loa. Sách vở cuốn hút anh, đợi chờ trôi nhanh. Về sau mỗi khi rảnh rỗi hay phiền muộn Phương thường tạt vào thư viện. Mười mấy năm lặng lẽ luồn qua cánh cửa hẹp, song sắt rỉ sét. Thay đổi duy nhất là bà lão trông xe lãng tai già yếu đã được thay bằng anh chàng ba hoa. Cậu này rất hay đôi co với sinh viên vì đãng trí quên thối lại tiền thừa. Phương hỏi thăm nhưng không ai biết bà lão kia về đâu an trí. Anh biết ơn bà nhiều lắm. Suốt một năm học Tổng hợp và hai năm đầu ở trường Hàng hải Phương rất ít khi ăn trưa. Bà ra sức tìm hiểu xem có phải anh cháy túi không. Bà luôn thật thà đến tội nghiệp khi tỏ ý muốn chia sẻ với Phương bữa rau dưa đạm bạc bà nấu tại chỗ bằng chiếc bếp dầu bé xíu. Bà hay nắm tay Phương, miệng ghé sát tai anh khuyên nhủ "Cố mà học nhé cháu. Thế mới chóng nên người!". Trước ngày đi biển Phương tặng bà xắp vải may áo. Anh nhắc chuyện bà không thu tiền giữ xe của anh gần ba năm. Bà cười rất vui: "Cô tiêu gì đâu mà cần tiền. Lúc nào về nhớ cho cô hai ba tấm ảnh chụp ở nước ngoài. Cảnh bên ấy đẹp phải biết cháu nhỉ?". Phương được điều động xuống tàu Dragon mười hai ngàn tấn, chuyên hàng hải xa bờ dài ngày. Sau mấy tuần sửa chữa trong xưởng Ba son, cuối cùng tiếng còi tàu cũng cất lên, bùi ngùi tạm biệt bến bờ. Với kiến thức sách vở và phim ảnh, nhiều người sẽ hình dung ra kỹ sư Phương vừa ra trường, quần áo trắng toát sạch sẽ thơm tho, lăng xăng háo hức trên boong cho chuyến hải trình vượt Thái Bình Dương đầu tiên. Sự thực là bộ phận boong, từ Thuyền phó nhất trở xuống mặc toàn đồ bảo hộ lao động nội địa may bằng vải thô nhàu nát, bẩn thỉu. Mũ cứng an toàn méo mó dính đầy sơn chống rỉ. Họ chia thành hai nhóm tác nghiệp ở mũi và lái. Phương được phân công thu dây buộc tời lái. Mạn tàu tách bến. Chân vịt chém nát những mảng lục bình bám đầy đuôi tàu. Trung tâm Sài Gòn từ từ lướt qua. Lèo tèo vài ba cao ốc tương phản tột độ. Cái cũ thì rất cũ, xám xịt muội thời gian. Cái mới lại quá mới, khung kính bóng loáng, màu sơn nước chói mắt. Cảng Sài Gòn cố tình giữa nguyên hình dáng của nó từ năm 1975. Nhà kho san sát nhưng rỗi việc. Cầu tàu nhiều chỗ xuống cấp vỡ toác, lởm chởm cừ tràm có đến hơn năm mươi năm tuổi thọ. Đối diện trung tâm Sài Gòn là Thủ Thiêm nghèo nàn lạc hậu. Bãi sông hoang sơ mọc đầy dừa nước. Qua khỏi ngã ba Nhà Bè hình ảnh văn minh mất hẳn. Bạt ngàn bãi bồi sú vẹt, kinh rạch chằng chịt. Công việc chấm dứt, mọi người trở về phòng riêng. Phương ngẩn ngơ hướng mắt ra xung quanh rồi một mình thả bước lên boong mũi. Trong tầm nhìn của Phương không chỉ có trời xanh, mây trắng và dòng sông Sài Gòn uốn lượn dịu dàng. Hơn bốn tiếng từ Ba Son đến phao số không trả hoa tiêu là khoảng vượt khó quên của tâm hồn anh. Về sau, quán cà phê Toàn cảnh tầng 33 cao ốc Trung tâm Thương mại Sài Gòn, và dãy kè đá gần Bạch Dinh hướng ra cửa biển Vũng Tàu, là hai nơi Phương hay lui tới cùng hoài niệm. Chúng rất gần điểm khởi đầu và kết thúc khoảng vượt kia. Hơn nữa ở Toàn cảnh, nếu cố nhìn Phương vẫn nhận ra thảm mái tôn mục của xóm lao động Thị Nghè. Từ đó, bên khung in lụa Phương đã ấp ủ giấc mơ dấn bước trên những nẻo đường đại dương đầy giông tố, thử thách. Biển chiều bao la ngập mắt. Trong khoang chắc thuyền viên đang khui bia, mở rượu giải quyết con heo quay tế thần. Hoa huệ cắm bên lỗ neo xơ xác. Càng xa bờ gió mùa đông bắc càng mạnh nhưng không thể làm tan loãng hoàn toàn mùi hương thanh khiết của bó búp nụ trắng tinh. Chỏng chơ chân nhang rơi vãi. Sóng bạc đầu chòng chành. Nâng cành huệ thơm ngăn dòng nước mắt Áo ai thấu giọt đầy vơi nối dòng…(1) Hai má Phương âm ấm. Biển nhạt nhoà. Thật nhiều nước mắt. Không dừng được nữa, Phương khóc thỏa thuê như chưa bao giờ được khóc. Phương khóc vì từ lâu anh đã tâm niệm nước mắt chỉ dành cho hôm nay. Phương ra biển như bước vào ngôi nhà của mình, đầu ngẩng cao kiêu hãnh. Vượt qua đằng đẵng năm tháng gian khó, đã đến lúc Phương tận hưởng niềm vui trưởng thành trong nước mắt. Những bậc sinh thành, dưỡng giáo Phương không còn nữa. Anh xót xa thay cho cha, cho mẹ, cho bà và cho dì bởi họ không thể chứng kiến giây phút này. Giữa miền tâm linh sâu thẳm, Phương tin hồn thiêng người thân anh đã mãn nguyện phần nào. Đó mãi mãi là ý nghĩa lớn lao của tương lai và các nấc thang trưởng thành cao hơn nơi Phương. Sẩm tối, Phương về phòng định viết vài dòng nhật ký. Tàu chạy không tải, két nước dằn đầy ắp nhưng do sóng ngang nên độ lắc lớn, chu kỳ ngắn. Đầu Phương choáng váng, không thể tập trung. Anh đành cuộn mình chịu trận, mong giấc ngủ cuốn đi. Bồng bềnh đêm đen. Tiếng máy tàu qua mấy lần cách âm vẫn ì ầm trong vách. Sáng sớm thủy trưởng gọi Phương dậy làm việc. Giữa biển Đông, tàu chòng chành như đưa võng. Bữa điểm tâm cố nuốt đã bị tống ra bằng hết. Mật đắng. - Chắc đây chỉ là thằng yếu sóng ăn hại - Mấy tay thủy thủ già bĩu môi - Làm đi chứ mày, người nào việc ấy. Chúng tao không thể gánh cho mày đâu. - Các anh thông cảm. Tôi sẽ quen sóng ngay thôi. Phương cầm chổi, gắng gượng quét boong mạn trái. Kỳ thực đêm qua cả tàu đều vật vờ. Xa biển lâu ngày, gần vợ con, bia bọt nhiều sức ai cũng cạn tiệt. Chiều, tay đại phó bé choắt tên Tiến gọi Phương lên buồng lái. - Tao nghe anh em bảo mày lười biếng lắm. Mày có học, là kỹ sư phải chịu khó mai này mới chỉ huy người khác được chứ. - Dạ, em biết. - Mấy tháng đầu mày là tập sự, không lương. - Còn tiền làm thêm giờ thì sao hả anh? - Mày ra trường sau tao mười năm mà suy nghĩ khác quá. Hồi ấy chúng tao răm rắp làm hết mình, chớ dám hạch hỏi như mày. - Cho em xin lỗi. Có lẽ Tiến ghét Phương từ lúc đó. Tới hạn làm hồ sơ hoàn tất giai đoạn học việc, Tiến từ chối nhận xét. Hắn bảo Phương thử thách chưa đủ, phải phấn đấu dăm tháng nữa. Thuyền trưởng nói mãi hắn mới vờ ban phúc: - Nếu tàu ở Việt Nam, còn lâu tao chấp nhận yêu cầu của thuyền trưởng. Tao châm chước cho mày. Mày biết anh em thủy thủ và tao cần gì ở mày rồi chứ. Cũng may mày đã hết say sóng. Rán mà làm bằng anh bằng em. Hồ sơ chuyển theo đường bưu điện. Phòng nhân sự trình giám đốc duyệt và điện báo quyết định chuyển ngạch chính thức cho Phương. Tiến là tay hiểm. Ban đầu hắn chưa dám đụng đến Phương vì anh quá trẻ, lại được điều lên chiếc tàu có giá nhất công ty, lương lậu tương đối. Theo lệ cũ Phương tất phải là con ông cháu cha. Nhân bữa nhậu nhỏ hắn dàn xếp cho Phương say bí tỉ và moi hết bí mật. Gốc của Phương là sự nể mặt xã giao vớ vẩn, không cùng đường dây với Tiến. Hắn an tâm xỉ vả Phương thoải mái khi anh sơ hở. Tiến chỉ giở trò anh em lúc điện thoại nửa ra lệnh, nửa mời gọi Phương lên phòng hắn đánh bạc. Nhiều đêm Phương vừa dứt ca, mới đặt lưng xuống giường Tiến đã réo như giặc. Nghĩa là hắn chưa kiếm đủ ba người trong cơn ghiền sát phạt. Tiến rất bẩn. Hắn luôn luôn xảo trá thay đổi luật chơi theo chiều có lợi cho nước bài của mình. Thủy thủ dưới quyền đều phải bấm bụng làm ngơ dù đôi lúc tức điên người. Tiến gắn liền với câu chuyện nhân nghĩa còn nóng hổi trong ngành hàng hải. Lúc đi học Tiến rất căm thầy Hùng, phó khoa kinh tế kiêm giáo viên bộ môn ngoại thương. Nói cho ngay thầy Hùng khá hắc ám và nổi tiếng là con buôn điểm. Gần sáu mươi tuổi, thầy tạm nghỉ dạy. Trong khi chờ lãnh sổ hưu thầy chạy chọt lên tàu, chấp nhận rửa bát, phụ bếp, lau sàn nhà kiếm ít tiền dưỡng già. Số trời xui khiến, thầy trở thành tên lính quèn của chính thằng học trò Tiến ngày nào. Thầy chấp mọi thủ đoạn hành hạ, nói xéo nói xiên của Tiến. Được nước, Tiến sai thầy phải hầu cơm tận phòng cho hắn đãi một ả gái điếm Manila. Thầy không đồng ý và to tiếng. Tiến có cớ tống cổ ông thầy cũ lên bờ. Người ta bảo thầy chẳng tiếc tiền lo lót đi làm, tiền vé máy bay về nước. Nỗi đau nhân tình thế thái của thầy đã quá lớn, không thể cân đong đo đếm. Sau mười ngày hành trình tàu ghé đảo quốc Papua New Guinea. Neo buông. Khe biển hẹp, hoang vu. Những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh đang bị khai thác triệt để. Xà lan chuyển tải nườm nượp cặp mạn xếp gỗ vào hầm hàng. Khoang sinh hoạt biến thành cái chợ khổng lồ. Trừ Phương, do lớ ngớ chuyến đầu, thuyền viên nào cũng trữ sẵn số lượng hàng đa dạng, tương đương một hiệu tạp hóa lớn. Toàn là loại kém phẩm chất sản xuất trong nước, mẫu mã bắt mắt như áo thun, rổ rá, gương lược và cả đèn… dầu. Người mua là thổ dân da đen, tóc xoăn, miệng bõm bẻm nhai trầu. Siêu lợi nhuận phải kể rượu Maxime Bình Đông. Xóm liều quận Tư bỏ xỉ năm ngàn một chai cồn công nghiệp pha nước màu, lắng cặn bằng thuốc trừ sâu. Giá bán ra từ 10 đến 15 Kina. Tỉ giá 1 kina bằng 1,1 Mỹ kim. Hai hôm sau, không rõ nguyên cớ, tàu treo máng nằm chờ. Đột nhiên xuất hiện dăm bảy người bản xứ đi đò ra hỏi mua rượu giá cao, càng nhiều càng tốt. Họ không vội trả tiền và yêu cầu gom hàng thành đống trong câu lạc bộ sĩ quan. Thuyền viên chưa kịp mừng thì khách sộp đã nghiêm khắc ra lệnh gọi thuyền trưởng xuống lập biên bản. Hóa ra họ là cảnh sát và hải quan nước sở tại. Họ cho biết công nhân uống rượu, say sưa điên loạn, đập phá máy móc, không chịu làm việc. Đó là lý do hoãn xếp hàng. Không có tử vong là may rồi. Sức chịu đựng của thổ dân quả đáng phục. Nồng độ thuốc trừ sâu trong rượu cao tí nữa, giám định pháp y phát hiện chắc cả tàu đi tù. Giải pháp dung hòa là ném hết rượu xuống biển, tặng đoàn khách viếng thăm một máy thu hình nội địa Nhật 21 inch cùng chiếc phong bì vài trăm Mỹ kim. Chính ủy Phan Sinh họp tàu kiểm điểm. Tay này bán rượu khá nhiều nhưng ra vẻ vô can vì hắn láu lỉnh ngửi thấy mùi công quyền của mấy vị lúc nãy. Những người bị bắt rượu ngồi cãi nhau om xòm về tỉ lệ phân chia tiền hối lộ. Thực ra Phan Sinh đã hết thời, vai vế của hắn đang bị coi thường. Ai cũng rõ hắn là bạn chiến đấu cũ của giám đốc công ty nên còn ái ngại, không dám chửi thẳng. Dạo trước chính ủy oai lắm, có quyền ra lệnh cho thuyền trưởng. Ai làm ăn buôn bán qua mắt chính ủy, hắn đánh hơi được thì phiền toái đủ bề, không khéo còn bị trả về đất liền. Nhiệm vụ bây giờ của Phan Sinh là ăn no, ngủ kỹ, ngày hai buổi hầu chuyện hầu cờ tướng thuyền trưởng. Trước khi đi nghỉ, thói quen yêu thích của Phan Sinh là đứng hàng giờ bên chiếc bảng thông tin công cộng. Hắn nắn nót viết huấn thị hoặc nhận định này nọ mà chẳng buồn để ý hiếm ai rỗi hơi đọc nó. Những kẻ thích đùa hay bôi bôi xóa xóa các nét chữ to bè, biến công lao khó nhọc của Phan Sinh thành đoạn văn ngớ ngẩn và tục tĩu. Lúc anh em thủy thủ gõ rỉ bảo dưỡng tàu, Phan Sinh hay chắp tay sau đít tới lui. Hắn thừa biết mọi người rủa thầm hoặc phun nước bọt sau lưng nhưng khuôn mặt bì bì cứ trơ ra như mặt đường nhựa. Phan Sinh chỉ hăng hái xung phong vệ sinh hầm hàng vì không có mặt sẽ chẳng được chia tiền phụ trội. Qui định bắt buộc mọi người phải tham gia trừ thuyền trưởng, máy trưởng và Phan Sinh. Hai mấy con người đánh trần vật lộn với vỏ gỗ mục hôi thối, hoặc trầm mình trong bụi clinker mịt mù quét dọn rồi phun nước biển rửa thật sạch các ngóc ngách. Mười sáu đến mười tám giờ cật lực liên tục mới kịp tiến độ chủ hàng yêu cầu. Mỗi chuyến thuyền viên bị hành xác một lần. Tiền công chia không đều nhưng cỡ 50 Mỹ kim. Kẻ nào lười nhác chảy thây mà hay lên mặt dạy đời thường được tấn phong làm "Phó chính ủy". Cũng dễ hiểu, chính ủy chẳng cần bất cứ bằng cấp hay khả năng chuyên môn nào. Luật hàng hải quốc tế không có chức danh này nên trong hộ chiếu chữ chính ủy phải thay bằng phục vụ hay tạp vụ. Người nước ngoài xuống tàu thắc mắc về quyền sinh quyền sát của "đức ông bét hạng", rất khó giải thích. Kẻ sính chữ bảo "đức ông" chỉ thiếu cây thập ác trên cổ và bộ cánh thụng đen. Người hỏi lờ mờ hiểu. Cũng có việc Phan Sinh làm mát lòng gần hết thuyền viên. Hắn luôn năng nổ tiết giảm quá đáng tiêu chuẩn tiền ăn của tàu do công ty đài thọ. Hình như sau khi rời Sài Gòn bốn tháng, hầm lạnh chứa thực phẩm hãy còn thịt heo mua tại chợ Cầu Muối. Món ăn nấu bằng loại thịt này phải gia vị thật đậm nhưng không thể át hết mùi ôi ngầm. Nhiệt độ bảo quản là âm 25 độ C nên mới có kiểu thiu từ trong ra thật kinh khủng. Hơn mười năm sau, dù ở nhà hay ngoài tiệm ăn, Phương vẫn luôn từ chối dùng hạt tiêu, hành tây và hành ta phơi khô. Anh sợ nhớ lại cảm giác buồn mửa. Đây là cái giá phải trả cho số dư gần bảy chục Mỹ kim một tháng mà Phương từng được chia. Tay chân duy nhất của Phan Sinh là Khanh "lé". Khanh ẵm hai bằng đại học tại chức về Hàng hải và Anh văn. Có lẽ mộng hắn cao nên luôn khúm núm trước quan thầy. Khanh yếu sóng nhưng luôn ra vẻ khỏe mạnh, xốc vác. Nhìn dáng người lừ đừ, tay chân tái mét, quầng mắt mất ngủ thâm tím của hắn, Phương trộm nghĩ Khanh là con chiên đạo hành xác. Một lần đang ngoài khơi Tokyo, sóng rất to. Thuyền trưởng trách nhẹ thủy thủ trưởng về mấy chiếc bu li cần cẩu thiếu mỡ bò đang đu đưa ken két. Khanh nghe được. Hắn lầm lũi về phòng thay quần áo bảo hộ và trèo lên cột thép cao ngất bơm mỡ. Thuyền trưởng toát mồ hôi, đứng ngồi không yên. - Mày định hại tao sao mà chơi trò coi thường tính mạng thế - Đợi Khanh làm xong thuyền trưởng mắng. - Dạ đâu có, nghe anh bảo em thấy mình tắc trách quá. Đó là nhiệm vụ của em. - Mày đợi chút nữa vào nội hải hết sóng không được sao. Tao là tao chúa ghét lũ anh hùng rơm ngu xuẩn. Mày lạnh xác, tao bị treo bằng. Hay hớm gì? Buổi lễ vượt xích đạo của Phương trở thành tâm điểm cợt nhả hèn hạ của Tiến, Phan Sinh, Khanh lé và mấy kẻ ăn theo. Tục truyền tất cả thủy thủ lần đầu tiên đi ngang xích đạo phải làm hình nhân thế mạng và chuẩn bị mâm lễ vật cúng thần linh. Thời điểm thân tàu cán lên ranh giới ảo của hai bán cầu Nam - Bắc, hình nộm và quà cáp được ném xuống biển. Bản thân người hưởng lễ phải chịu trận cho toàn tàu bôi tro trát trấu lên người để thủy quái không nhận ra. Bọn Tiến và Phan Sinh dùng dầu cặn, nhớt thải đứng từ xa ném Phương tới tấp. Khanh lé thủ sẵn vòi rồng. Hắn xịt nước không thương tiếc vào Phương mình trần, đóng khố đứng giữa boong tàu. Thủy quái đâu không thấy. Đồng loại của Phương đang hò hét, gào rú xung quanh. Mắt bọn chúng long sòng sọc như muốn làm gỏi Phương. Trời bỗng mưa nhẹ. Phương ớn lạnh dù đang phải vận động cật lực tránh đòn đùa mà như thật. Canh đúng lúc Phương đổi tư thế Khanh lé xịt nước ngay chân trụ. Phương ngã sóng xoài. Anh hơi điếng vì đầu va trúng một khoen sắt. Phương bất động vài giây nhưng đôi mắt vẫn trừng trừng nhìn lên trời. Những giọt mưa xiên xiên hút hết ánh sáng ngọn đèn pha trên cao. Ba bốn cái đầu người quái dị đang mọc nanh cúi xuống. Tràng cười của Phan Sinh khiến Phương dựng tóc gáy. Tuấn "hoác" nãy giờ đứng xem trò chơi của nhóm boong. Thấy cảnh trái khoáy, không nhịn được anh hét lên "Chúng mày làm cái chó gì vậy? Đồ đểu!". Anh giật họng cứu hỏa trong tay Khanh lé và tọng một quả đấm nặng hơn chùy vào yết hầu hắn. Thuyền trưởng trên buồng lái thấy lộn xộn bèn quát bảo mọi người giải tán. Phương lồm cồm bò dậy. Dầu mỡ, đồ dơ bẩn dính trên người Phương với hai ba bận xà bông là sạch. Mấy vết trầy xoàng ngoài da độ dăm bảy bữa sẽ lành. Còn lũ quỷ đội lốt người kia thì chẳng cách nào gột chúng khỏi trí nhớ Phương được. Núi "già", người có thâm niên đi biển cao nhất tàu đưa Phương tờ chứng nhận đã thụ lễ vượt xích đạo. Chữ ký con sói biển vốn gốc nông dân Thái Bình nhiễm nặng lối quanh co phố xá thị thành. Phương thì thào câu cám ơn rồi lén xé toạc mảnh giấy ném qua mạn tàu. Biển đen như mực, quánh như máu bầm. Tiếng sóng sôi ùng ục. Tính hòa đồng tập thể của Phương rất kém. Đặc điểm tâm hồn anh là sự hướng nội. Do đó Phương ngại giao tiếp. Sau giờ làm việc anh thường cố thủ trong phòng riêng, nếu không ngủ thì đọc sách. Phong cách thuyền trưởng trung dung, cư xử ở mức độ vừa phải. Ông gần Phương nhất vì anh có thể làm thông ngôn giúp ông. Thật ra là thằng chột làm vua xứ mù. So với nhân viên các văn phòng nước ngoài tại Việt Nam, ngoại ngữ Phương thuộc hạng đội sổ. Tiến ghét cả ưu điểm này của Phương. Hắn nói tiếng Anh như kẻ cà lăm nhưng tuyệt đối tránh nhờ vả người khác. Tiến thêm ác cảm và rẻ rúng Phương cũng vì đôi lần lên bờ làm việc, thuyền trưởng chưa kịp giới thiệu, quan khách đều đoán mò Phương là đại phó của tàu. Phương càng thanh minh, Tiến càng tức. Phòng của Phương và Tuấn "hoác" chung một hành lang nên anh có vẻ thân thiết với Phương hơn cả. Anh bị mọi người gọi là "hoác" vì cái miệng rộng hay nói to. Tuy nhiên Tuấn chẳng bao giờ đưa đẩy lời tiếng gây hại cho ai. Anh khuyên Phương "Thằng khôn ăn nói nửa chừng", hiểu ngược hay hiểu xuôi là quyền của người nghe. Tuấn bảo thuyền viên trên tàu ai cũng có đuôi. Họ vào nghề từ lúc ngành hàng hải mới phôi thai nhưng luôn là miếng béo bở nhất của xã hội. Không láu cá, luồn cúi và lọc lừa thì không thể tồn tại. Trong nhà ăn Phương thường chuyện phiếm với Hải "con" và Thức "béo", hai nhân viên tạp vụ chuyên nghiệp. Hải làm việc chăm chỉ và rất cam chịu. Nói nặng hay nhẹ với Hải cũng như không. Mới gần gần 30 tuổi nhưng Hải chi li hết mức. Đố ai dụ được Hải tiêu bớt vài đồng lương nằm cuối sổ chi trả của tàu. Cặp bờ, rảnh là Hải dạo phố ngay. Vật bất ly thân của anh là bi đông nước to khự và gói cơm cháy ngào đường. Hải nhỏ con song sức khỏe tuyệt vời. Một hôm Hải và Phan Sinh được xếp chung nhóm đi bờ. Họ lang thang tìm xin hoặc hỏi mua đồ cũ tại thành phố Himeji, cách Kobe khoảng 20km. Hải nhanh chân hơn nên xí được chiếc tủ lạnh tám mươi lít bên lề đường. Phan Sinh hụt ăn. Hắn trả thù Hải bằng cách lén chụp cảnh anh đang cõng khối sắt ghẻ lở nặng năm sáu chục ký về tàu, dưới rặng Anh đào cuối mùa lác đác hoa. Phan Sinh rửa ảnh rồi dán lên tường câu lạc bộ. Hải tỉnh bơ, xem như không có. Hải luôn khen nức khen nở tướng mạo Phương và đón lõng: "Chừng nào Phương làm thuyền trưởng hãy nhớ đến bạn cũ. Anh sẵn sàng lau chân cho Phương trước mỗi giấc ngủ". Phương chỉ biết lắc đầu. Thức "béo" thì buồn cười chết được. Anh có cái kiểu "Giả chết bắt quạ", vờ vịt ngờ ngệch nhưng đầy chủ ý. Thức hay kể đi kể lại chuyện tàu Vàm Cống bị đắm dạo nào: "Toi gần hết. Tao ôm can rượu mười lít lều bều ba ngày và được ngư dân miền trung vớt. Tội ông giám đốc bị buộc từ chức sau đó. Tàu nát lắm rồi, nhưng ông ta cứ khóc lóc van nài anh em cố gắng. Tài khoản công ty không còn một xu. Tao tiếc mãi mấy trăm ký thịt chó đông lạnh. Dân Triều Tiên khoái khẩu nhất món cầy tơ An Nam. Hơn ngàn Mỹ kim lậu giấu lẫn trong thịt chó, cuống quá chẳng nhớ bao nào, đành vứt tất. Chuyến đó tao phải bán nhà trả nợ. Dư chút đỉnh vợ chồng con cái dắt díu nhau về quê ngoại trên Lộc Ninh tậu mấy mẫu cà phê non." Đó là lý do Thức luôn nhờ Phương chọn hướng, chỉnh ăng ten thu sóng đài tiếng nói Việt Nam. Thức như ngồi trên lửa khi nghe hai chiếc loa rè rè, tiếng được tiếng mất luận bàn về kinh tế và thông báo quê hương cách xa ngàn dặm đang trúng mùa cà phê cực lớn. "Trời ơi, thế có khổ tao không. Bán bốn tấn cà phê đơn giá mười mấy ngàn kiếm lộ phí và vốn lên đây hầu hạ chúng mày. Bây giờ lỗ ngược lỗ xuôi. Cứ ở nhà ôm bà vợ già và ém hàng thì giàu to rồi. Chẳng hiểu mấy đứa con thơ và mụ hai lúa kia có tính non bán tống bán tháo mùa mới lẫn mùa cũ không? Giá còn tăng dài dài. Tao biết làm sao đây!". Con tàu xếp gỗ ứ nhự nhắm vịnh Tokyo thẳng tiến. Một giáo viên xứ Papua từng than thở với Phương "Ngày trước người Nhật xâm lăng chốn này bằng súng đạn. Thời đại mới kẻ mạnh sử dụng đồng tiền. Chúng mua gần hết rừng nguyên sinh trên hàng ngàn hòn đảo giữa Thái Bình Dương. Lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn là hệ quả tất yếu. Có bận người chết la liệt, sức tàn phá hơn cả bom nguyên tử!". Đảo Guam Phương gặp trên đường đi xanh xanh màu bình yên vẫn gợi lại những tội ác của tử thần bay B52. Không biết bao nhiêu phi vụ từng cất cánh từ đây. Bao nhiêu tấn bom đã rải xuống quê nghèo Việt Nam. Bao nhiêu trái bom chưa nổ, đang phục kích trong lòng đất, rình rập cuộc sống các thế hệ tương lai. Mẹ và cậu của Phương mất xác vì bom. Hàng triệu đồng bào còn nhức nhối vết thương bom đạn trên mình. Chiến chinh chưa hẳn đã qua đi. Nó chỉ biến đổi thành những thái trạng khác nhau, tên gọi ra vẻ hơn nhưng hoàn toàn không kém ngông vọng và nhẫn tâm. Nửa cuối thời gian thuê tàu, hãng điều hành ký được hợp đồng với người Thái Lan hơn ba tháng. Chuyến đầu tiên chở gạo sang Irak. Thủ tục cực kỳ rườm rà vì Liên hợp quốc đang cấm vận Baghdad. Qui định xếp hàng hóa khá ngặt nghèo. Mỗi hầm tàu chừa hai lối ngang, một lối dọc vừa người đi để tiện việc kiểm tra. Vào vịnh Persic tàu phải đánh điện báo và giảm máy chờ quân cảnh thanh sát. Già nửa ngày hải quân Mỹ mới kéo tới. Chiến hạm to đùng, xám xịt, súng ống tua tủa. Chúng xà quần mấy vòng quanh con tàu thương mại hiền như cá voi. Máy bay trực thăng vè vè cảnh giới. Thuyền đổ bộ áp mạn, trung đội thủy quân lục chiến trang bị tận răng ào ào nhảy lên boong. Tên nào cũng lăm lăm súng tiểu liên tự động, dao găm, lựu đạn giắt kín hông. Sau lưng chúng luôn là bình nước bằng nhựa dẻo, ống hút nối sát miệng. Chúng ra lệnh chừa ba người trực buồng lái, ba người coi hầm máy, số còn lại mau mở toang mọi cửa phòng, cửa tủ rồi tập trung hết trên boong mũi hứng nắng. Mặt lũ sen đầm hằm hằm như muốn ăn tươi nuốt sống thuyền viên. Chẳng ai giữ được bình tĩnh. Vài người lầm bầm nguyền rủa bọn khốn nạn. Phương định nói chuyện phải trái với quỷ sa tăng. Chưa hết câu mớm mào, bốn tên to béo hung dữ xô đến dí súng, hất hàm bảo Phương đứng yên và im lặng. Quân vô lại rà soát, khám xét khắp nơi bằng mắt và bằng nhiều phương tiện hiện đại hơn hai giờ. Không có gì khả nghi, đám chó săn an tâm cúp đuôi chuồn về căn cứ rồi cho phép tàu tiếp tục hành trình. Phương từng nghe kể nhiều về Irak. Trước đây dân Việt Nam làm thuê tại xứ sở ngàn lẻ một đêm không ít. Họ quả quyết Irak rất giống Việt Nam, ngày xưa ngoại ô Baghdad có dãy tường xoắn trôn ốc tương tự thành Cổ Loa trong truyền thuyết An Dương Vương. Cặp bến Umm Qasr, tàu ngay ngáy sợ chẳng may vướng thủy lôi sót. Không hề có cảnh nhiều dãy nhà kho đổ sụp vẫn chưa được khôi phục. Cầu cảng không loang lổ vết bom hoặc chỏng chơ cốt thép. Thời hiện đại chiến tranh ít biểu hiện bằng đổ nát tràn lan. Công nhân gầy gò xanh xao, trang phục màu cháo lòng sờn cũ. Việc bốc hàng 90% bằng thủ công. Nắng sa mạc thiêu đốt. Không ngày nào không có người ngất vì kiệt sức. Giải lao, công nhân tràn vào khoang sinh hoạt làm quen thuyền viên. Họ ngó trước ngó sau, thấy cái gì cũng xin. Phương thuyết phục thuyền phó hai cho anh dọn dẹp tủ thuốc công cộng. Phương xếp riêng thuốc men cần dùng nhất, loại ra các hộp quá hạn, còn bao nhiêu anh đem tặng hết người Irak. Dầu cù là Sao Vàng, thuốc cảm, thuốc tiêu chảy và kháng sinh Việt Nam là những thứ họ quí như vàng. Raman, tổ trưởng bốc xếp giải thích, nếu không sử dụng ngay công nhân sẽ đem thuốc ra chợ trời. Thức ăn hằng ngày họ vẫn thiếu, giữ làm chi đồ xa xỉ! Nhà tàu không được lên bờ vào phố chơi, đó là quân lệnh. Đứng trên boong thượng, nhìn bến cảng hiu quạnh Phương luôn cả nghĩ. Các khối hộp bê tông nặng nề u ám. Xa lộ thưa thớt người xe. Buổi tối thấp thoáng đôi ánh đèn nghèo nàn. Còn đâu đêm Ba Tư huyền ảo. Còn đâu phiên chợ rộn ràng tiếng loa kèn, tiếng rao bán, reo hò, tiếng lục lạc treo trên cổ lạc đà. Nàng công chúa diễm kiều của các dân tộc Ả Rập đã bị tên lửa tầm xa và hỏa tiễn phanh thây, hay đang ẩn trốn độc tài dưới những giếng dầu yên ngủ trong lòng đất? Tàu rời Irak cũng bị hạch sách. Hải quân Canada đo rất kỹ các két nhiên liệu, đề phòng người Irak "buôn lậu" dầu hỏa! Trang bị giống lính Mỹ nhưng toán này lịch sự hơn nhiều. Thuyền viên không bị lùa ra ngoài như cừu. Nếu loài người không biết đến chiến tranh, nếu các tác gia Tây dương không coi chiến tranh là thành tố của khoa học xã hội, là chìa khóa hóa giải mâu thuẫn nhân sinh thì tốt biết mấy. Thảm cảnh ở đấy. Ở cả những trò chơi giáo gươm súng đạn của trẻ em toàn cầu. Ở muôn vạn bài học được mất và niềm vinh quang mạt hạng giữa trăm ngàn giáo trình lịch sử sơ, trung, cao cấp, chân truyền hoặc dị truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lục địa này đến lục địa kia. Để mê hoặc quần chúng, kẻ khơi mào chiến tranh còn ghép vào chiến tranh chữ "thần thánh". Các cuộc Thập tự chinh tàn khốc và dã man của Kitô giáo là một ví dụ. Thời nay, người ta bảo vì khả năng hủy diệt của chiến tranh quá lớn nên chiến tranh là tai họa, là thắng lợi của vũ lực mù quáng. Song chiến tranh từ xa xưa hẳn cũng khó mang ý nghĩa tượng trưng quan trọng nào. Chiến tranh là cái ác nên không thể loại trừ cái ác. Chiến tranh phá vỡ hòa bình nên không thể là động lực vãn hồi hòa bình. Chiến tranh đem đến chết chóc, sự tự vệ của sự sống này đánh đổi lấy cái chết kia, nghĩa là nó chẳng hề bảo vệ sự sống. Loài người đánh đấm với nhau chưa đủ, hằng hà sa số phim, truyện khoa học viễn tưởng luôn đắt khách còn đề cặp đến chiến tranh vũ trụ. Họ muốn tìm ra hành tinh thứ hai có sự sống để thi thố võ công. Đỡ hiếu chiến hơn thì họ khoác lên hành tinh ảo dã tâm xâm chiếm địa cầu, nhằm hợp thức vở kịch xương máu và ngợi ca giết chóc như cách biểu hiện tinh thần chính nghĩa. Thần thoại Hy Lạp định nghĩa chiến tranh rất chân xác bằng hình tượng Mars. Zeus, cha của Mars bảo: "Mars là tên điên không biết đến pháp luật". Mẹ Héra của Mars nói: "Mars là kẻ khùng hiện thân của tội ác với cái đầu rỗng tuếch". Con cháu Mars sau này, hằng hà sa số anh hùng loi ngoi lặn ngụp trong máu đồng loại, là biểu hiện của cơ bắp thiểu tuệ. Họ bị đam mê hạ cấp thúc đẩy, lúc nào cũng cần được dìu dắt bởi quyền lực tinh thần trong sáng và tri thức lành mạnh. Hai bốn tiếng trước khi vào vịnh Tokyo, sĩ quan trên tàu ăn mừng ngày truyền thống đại học Hàng hải. Xét cho cùng lễ lạt nào diễn giả cũng là kẻ nói khoác chuyên nghiệp, từ cơ sở trở lên. Biện pháp cứng cho sự vắng mặt là qui định hành chính khắt khe, biện pháp mềm là âm nhạc, thơ ca ru ngủ. Thuyền trưởng giữ nguyên lề thói. Mở màn thi ném dây, phần thưởng là thùng bia 333. Trận chung kết bóng bàn phó hai Khánh gặp thuyền trưởng. Ủng hộ viên nghiêng về thuyền trưởng. Chẳng biết Khánh mất tinh thần hay cố nhường, một năm thả xếp một ngày. Thuyền trưởng hể hả như trẻ con. Chọn xong giọng ca vàng Karaoke nhờ cuộn băng sến mùi cũ rích, bia nổ cháy tai. Phan Sinh hắng giọng rồi ê a độc thoại. Mọi người chúi mũi vào bọt trắng bọt vàng. Say quên nỗi nhớ nhà. Phương yêu Tokyo từ lần tiếp xúc đầu tiên. Không phải sự hào nhoáng của niềm kiêu hãnh da vàng rất gây ấn tượng. Cái nhìn kinh ngạc và ngưỡng vọng của Phan Tây Hồ chí sĩ về nước Nhật, xã hội Nhật chín mươi năm trước cũng không hề trói buộc tình cảm Phương. Anh thích hòa vào dòng người đông đúc nhưng hết sức trật tự của Tokyo buổi tan tầm. Anh say mê ngắm những gương mặt không hề quen biết. Gần như ai cũng như ai. Họ không biểu lộ gì nhiều nhưng nếu Phương cần họ luôn giúp đỡ với nhiệt tâm cao nhất. Và trên hết, Phương ước ao vẻ mãn nguyện, thoải mái luôn hiện hữu bên họ. Cũng có chút âu lo, có chút căng thẳng của xã hội công thương tấp nập, nhưng nó vượt xa nét phờ phạc tầm thường của tâm trạng cơm áo độ nhật bấp bênh. Tokyo rõ ràng không phải thiên đường dù nó sở hữu gần hết các phương tiện vật chất cao cấp bậc nhất của loài người. Tokyo có ba khuôn mặt rực rỡ như nhau. Thành phố ngầm không biết bóng tối, tàu điện siêu tốc lướt nhanh như tên bắn. Thành phố mây tua tủa cao ốc, cỡ ba phút có một chiếc máy bay cất hoặc hạ cánh tại sân bay quốc tế. Thành phố của công viên và cây cỏ sạch sẽ, an ninh tuyệt đối, xa lộ chống động đất đan xen, chồng chéo như mạng nhện và vươn dài ra biển. Dưới mặt vịnh Tokyo xanh biếc, tưởng như cực kỳ trong lành là lớp bùn hôi thối. Rác thải hơn trăm năm công nghiệp hóa thi thoảng vẫn trồi lên, sủi bọt thán khí khi các con tàu buông neo hoặc kéo neo. Không hiếm ăn mày vật vạ bên hành lang bến tàu bến xe. Siêu thị bóng lộn, quầy sách vở chữ nghĩa đầy ắp nhưng lúc nào cũng chừa một ngăn dành cho kỹ nghệ khoái lạc. Họ quảng cáo và buôn bán thể xác con người thuộc mọi chủng tộc. Vòng mông, vòng ngực, vòng eo, chiều cao, màu da, màu mắt, sở thích, tính tình, ngôn ngữ, giới tính là đặc điểm được mô tả không sót chi tiết nào. Tất nhiên giá cả, cái quan trọng để đồng hóa con người như một món hàng, cũng công khai niêm yết và xào xáo, làm hoa mắt dân chơi bằng chế độ khuyến mãi hạ giá hoặc giờ giấc ưu tiên! Người ta chứng kiến không ít những bà nội trợ để giỏ xách ú ụ thức ăn, rau quả dưới chân, mải mê bên chiếc máy đánh bạc tự động. Tiếng cần gạt xoành xoạch, tiếng xu rơi ra hoặc nhét vào leng keng. Nửa đêm về sáng thanh niên, trung niên, nam thanh nữ tú say mèm, khệnh khạng khề khà rút lui khỏi quán nhậu, quầy rượu. Phương hay lang thang bộ hành trên phố hoặc đi tàu điện ngầm như gã du khách thảnh thơi nhất. Một mình đâm ra dễ chịu. Thuyền viên mạnh ai nấy lo lùng sục đầu trên hẻm dưới tìm hoặc xin đồ cũ, không vô tư như Phương. Anh bị lạc vài lần vì người Nhật không thèm học tiếng Anh, chốn công cộng rất thiếu bảng chỉ dẫn cho người nước ngoài. Phương hay nói thật anh là thủy thủ viễn dương, dù dân chúng rất e ngại từ này. Duy nhất một lần Phương lỡ miệng với người quản lý phòng trưng bày các họa phẩm đắt giá của Cezanne, Rubens, Van Gogh, Rembrandt… gần nhà ga trung tâm Tokyo: "Tôi là khách du lịch". Thâm tâm Phương sợ ông ta không hứng thú giảng giải, giới thiệu những kiệt tác nguyên bản. Tanaka là kỹ sư kinh tế mới ra trường. Các chiều chủ nhật cậu hay câu cá giải trí bên cầu tàu. Tình cờ gặp Phương, Tanaka hỏi đủ thứ sau đó nồng nhiệt diễn thuyết nhiều tính năng ưu việt của chiếc Toyota mới cáu đậu đằng sau. Phương cố lắng nghe cho vui. Anh mời bạn mới quen điếu Sài Gòn xanh. Tanaka biết hằng tháng Phương lãnh hơn hai trăm Mỹ kim. Cậu lắc đầu không hiểu làm sao Phương có thể sống bằng số tiền cà phê của một người Nhật bình dân. Với ánh mắt rất thật, Tanaka mâm mê chiếc thẻ tín dụng: "Tôi chẳng đem theo tiền mặt. Nếu không tôi phải tặng bạn mấy ngàn yên để bạn mua rượu Sakê làm quà. Thuốc lá của bạn ngon lắm!". Phương cười, anh bảo mình không phải con dân cái bang. Tanaka loay hoay gỡ lá bùa may mắn treo dưới gương chiếu hậu trong xe hơi đưa Phương. Phương tìm mảnh giấy viết tặng công tử nhà giàu mấy chữ: "Tri túc - Tiện túc, Đãi túc - Hà thời túc. Tri nhàn - Tiện nhàn, Đãi nhàn - Hà thời nhàn". Tanaka lẩm bẩm đọc câu Hán văn của Nguyễn Công Trứ theo âm Nhật, đầu gật gật đắc chí. Chắc chắn trong suy nghĩ của anh ta cái tên "Việt Nam" từ nay trở đi không chỉ gợi lên chiến tranh và nghèo đói. Việt Nam còn là nền văn hiến đậm đà bản sắc Á đông thuần chất. Ban đầu là tin tức xuyên tạc, hậu chiến là điện ảnh. Thế giới khai thác cạn kiệt đề tài chiến tranh Việt Nam trong hàng triệu bộ phim ba xu, chủ yếu của người Mỹ. Đến nỗi, vài ba tên du côn ở rừng rậm xích đạo xứ Papua New Guinea nghe nói có thủy thủ Việt Nam ghé lấy gỗ, đã lặn lội tìm đến hỏi mua… súng. Lũ hèn mạt mô tả đất nước Việt Nam toàn thổ phỉ, lính Mỹ là chiến sĩ của tự do và công lý. Cũng chẳng trách được thiên hạ. Cái nhìn của họ về ta phải xuất phát từ chính ta. Bao nhiêu năm bế quan tỏa cảng. Đại diện dân tộc là đám con buôn trên những chiếc tàu cũ mèm, ống khói nghi ngút muội dầu cháy dở. Họ tràn lên bờ, xứ sở của tư bản đang giãy chết để xin rác, thậm chí ăn trộm ăn cắp. Ai không ác cảm mới là hy hữu. Việt kiều Nhật nổi tiếng học giỏi, chăm làm. Nhu cầu của thủy thủ khiến họ quên bẵng khái niệm sĩ diện hão. Ngoài giờ làm họ đi thu gom tất cả máy móc, đồ dùng phế thải ở các khu dân sinh. Họ biến nhà mình thành kho đụn không chút do dự. Phương từng chứng kiến bao nhiêu trí thức vỗ ngực xưng tên tiến sĩ, kỹ sư. Cả đêm họ đội mưa bão đánh xe tải chở đầy máy may, TV, dàn nghe nhạc và hàng trăm loại đồ gia dụng cũ cặp cầu tàu. Họ chào giá, nói thách chẳng thua chợ trời. Thứ gì chưa bán được họ đem về vứt xó và xếp hàng khác lên. Trời sáng, tính ra họ chạy tới chạy lui ít nhất là ba vòng, doanh số không dưới năm trăm ngàn yên. Ngày xưa những chiến sĩ thanh bần của phong trào Đông Du từng có dạo ăn mày giữa Tokyo nuôi mưu đồ phục quốc. Một thế kỷ sau, đồng tộc họ lại đến đây nhặt rác để kinh doanh, để vinh thân phì da, để tiêu tiền như nước giữa Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng. Nòi giống Tiên - Rồng đã thoái hóa đến tột độ rồi chăng? Ghét cay ghét đắng dân An Nam là nhà giàu mới Nam Triều Tiên. Chúng khi dễ người nghèo ra mặt. Chúng thừa cảnh giác với thuyền viên Việt Nam tại các siêu thị, cửa hàng và chỉ thiếu mỗi điệu bộ xua ma đuổi tà dành cho họ. Phương luôn thấy tơm tởm mấy gã đầu đinh câu cá bên bờ biển Inchon. Phao chìm, cần câu giật lên con cá tươi nguyên. Họ cạo vảy sơ sơ rồi tẩm mù tạt, gia vị kim chi và bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm. Phần ruột cá để dành làm mồi câu. Không có cơ sở vững chắc nhưng Phương luôn liên tưởng bọn này với đám lính đánh thuê Park Chung Hy giỏi võ Thái cực đạo, trong ký ức dân Sài Gòn trước năm 1975. Không biết chừng, bạn bè thân thiết nhất của chúng chính là lũ chuyên gia Hàn quốc thích đánh đập, hành hạ công nhân tại nhiều nhà máy liên doanh ở Việt Nam. Năm mươi năm trước, lính Nhật qua lời kể của các vị cao niên, chẳng khác Nam Hàn mấy chút. Âu cũng là con đường của phú quí. Hôm đi lạc vào đoàn công nhân Daewoo biểu tình phản đối giới chủ và chính phủ thỏa hiệp gì đó, Phương thích thú vô cùng. Anh xin băng đỏ buộc trên trán, bắt chước hò hét và nếu chậm chân chắc đã lãnh vài quả dùi cui chí mạng. Tính đoàn kết, ý thức cộng đồng của người Hàn quốc rất ấn tượng. Nếu ta cũng như họ, có lẽ báo chí Việt Nam không còn bất lực chạy những dòng tin uất ức về việc người lao động bản xứ bị chủ nước ngoài o ép, nhục mạ trên chính quê hương mình. Nhân viên đại lý tại Tokyo đem lương xuống phát cho thuyền viên. Horiuchi khá trẻ, mặt búng ra sữa nhưng nói tiếng Anh rất tốt. - Tàu toàn hành trình trên biển vắng các ông cần tiền chi gấp vậy? Vừa cặp cảng là hối thúc ngay - Horiuchi nói với Thuyền trưởng, Phương dịch. - Cũng phải mua vé tham quan hòn ngọc Á Đông chứ - Thuyền trưởng ậm ừ cho qua chuyện. Đúng lúc đoàn xe tải nhỏ trờ tới cầu tàu. Thùng hàng chất kín máy thu hình, tủ lạnh, xe máy và vô số vật dụng lổn ngổn đầy bụi bậm rỉ sét. - À biết rồi - Horiuchi hồn nhiên reo lên - Chắc là phải trả tiền mua đồ cũ đây. Các ông khoắng nhiều thế. Ngày trước chúng tôi chẳng biết vứt đi đâu. Từ đận thủy thủ bắt đầu lùng sục vào bãi rác, Việt kiều và Hàn kiều đi gom khắp hang cùng ngõ hẻm không sót một mống. Sở vệ sinh bớt việc nhưng dân chúng than phiền hay bị quấy rầy, xin xỏ trong kỳ nghỉ cuối tuần. Hàng trăm chiếc xe tay gas đầu thừa đuôi thẹo được chất lên các boong nhỏ quanh cabin. Chuyến này tàu sẽ lấy linker ở Osaka chở xuống Kuching - Malaysia. Qua eo Luzon giữa Đài Loan và Philippines tàu giảm tốc độ gần như thả trôi. Để có thể buôn bán tại Luzon tàu phải báo sai vị trí từ khi rời Nhật rồi luôn giữ tốc độ cao nhất. Mười tiếng ăn gian hải trình tương đương khoảng 90 hải lý. Khởi hành tại Osaka, đến Luzon mất độ bốn năm ngày đêm. Mỗi giờ bớt gần một hải lý thì chẳng ai biết, ngoài ra nên khéo trừ hao sao cho tàu đến Luzon khoảng bảy tám giờ sáng giờ địa phương. Nơi đây chỉ mua hàng ban ngày. Nghĩa là dù đang ở mũi Luzon, bắc Philippines, điện báo viên phải đánh điện về công ty chủ quản và người thuê báo rằng tàu còn cách Luzon 90 hải lý. Dọc bờ biển Luzon luôn lảng vảng hàng trăm thuyền máy có càng chống lắc của ngư dân Philippines. Họ rất điệu nghệ ném móc sắt quấn vào lan can tàu, và thoăn thoắt trèo lên như hải tặc. Công việc đã lên kế hoạch chi tiết. Trừ sĩ quan đang đi ca biển, tất cả thuyền viên mang bao tay, đồng loạt đóng vai cửu vạn. Đồ cũ rải khắp boong. Khách hàng đi lại chọn lựa, ngã giá thoải mái. Ai thỏa thuận xong món nào, xin xùy peso ra trước khi đội bốc vác được lệnh buộc dây thả ròng rọc đưa hàng xuống thuyền. Xế chiều bán được bao nhiêu thủ quỹ gom về, ghi sổ cẩn thận. Tiền Philippines có thể đổi ra Mỹ kim tại nhiều nước, tuy không hời. Để đỡ thiệt thì phải chờ dịp tàu ghé thẳng Philippines hoặc vài thành phố Malaysia, gần miền nam Philippines như Kotakinabalu. Cơ sở tài chính của những tổ chức hồi giáo ly khai Philippines đóng tại đấy luôn đưa ra tỉ giá hấp dẫn vì họ cần peso cung cấp cho phiến quân. Kuching là thành phố nhỏ, ít tên tuổi nhưng đồ sộ và tráng lệ hơn bất cứ đô thị Việt Nam nào. Chẳng biết có phải vậy không mà 90% thuyền viên tự giới thiệu mình là người Singapore hoặc Nhật Bản. Hàng dỡ chậm, nhà tàu rộng rãi thời gian dạo phố. Nhóm nào cũng thích Phương đi cùng vì anh chưa bao giờ lạc đường. Gã tài xế taxi khều Phương bảo nhỏ: - Tôi thừa biết các anh là dân Việt Nam. Ngữ điệu này tôi lạ gì nữa. Trước đây có trại tị nạn rất lớn bên bờ biển. - Tôi bảo tôi là người Nhật hồi nào - Phương hất hàm qua mấy thủy thủ đang say mê ngắm cảnh lạ - Mặc kệ bọn vong quốc bản này. - Anh nói chuyện giống hệt vị bác sĩ, ân nhân cũ của tôi ở trại tị nạn. Ông giỏi lắm nhưng đành vượt biên vì không ai sử dụng. Chẳng đêm rằm nào ông chịu ngủ. Ông nghiện rượu, nghiện trăng và hình như hay khóc thầm. Bà vợ ông dù bôi lọ nghẹ đầy mặt vẫn bị cướp lôi ra hãm hiếp rồi vứt xuống biển trước mắt chồng, trong một đêm trăng vằng vặc. Em trai ông đi chuyến đầu, dính băng lừa đảo, tiền bạc giao xong, chúng kéo tàu ra khơi và húc thủng mạn. Gần trăm con người chết chẳng toàn thây. Phương không tin lời nói hưu vượn của đồng nghiệp. Họ bĩu môi bảo Manila, Jacarta, Bangkok ngày xưa gọi Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông bằng anh cả. Nét đặc trưng của tất cả đô thị Đông Nam Á là tương phản rõ rệt giữa giàu và nghèo. Khu trung tâm bát ngát nhà băng, khách sạn, siêu thị lộng lẫy. Vùng ven tù mù hôi hám ổ chó, ổ chuột. Dĩ nhiên phải bỏ qua Singapore. Bên những đống rác ngoại ô cao nghệu mọc đầy xóm nhỏ ngụ cư ký sinh. Chỗ che mưa che nắng của họ làm bằng bìa giấy hoặc tôn mục. Hàng ngàn phụ nữ héo hắt và trẻ con mù chữ khom lưng bới đào. Người ta bỏ ra mười mấy tiếng một ngày để kiếm các thứ còn dùng được đem đổi cái ăn. Môi trường sống của họ, kể cả khung trời cao xanh cũng khắm lặm. Bangkok kẹt xe triền miên dù hệ thống giao thông rất kỳ vĩ. Đại lộ thênh thang, cầu vượt chi chít. Nhà cao tầng lố nhố như rừng. Đáng phục nhất là những công chức tại tất cả thắng cảnh du lịch. Họ luôn lịch sự nhưng đủ kiên quyết buộc Tây ba lô mướn quần dài, xà cạp hoặc áo dài tay thay cho quần cụt, đầm ngắn và áo thun ba lỗ. Chốn tôn nghiêm không chấp nhận sự lôi thôi, nhếch nhác. Battbong, trung tâm du lịch tình dục nổi tiếng của Bangkok thu hút rất nhiều người nước ngoài. Chếch bên nhà hàng Mc Donald's rực rỡ đèn quảng cáo là đoạn đường ngắn san sát phòng trà vũ khỏa thân, cửa kiếng trong suốt mời gọi. Tay người Thái dẫn đường bảo hắn đã vào thử một lần, tối về ăn cơm mửa ra gần hết, tỡn tới già. Không khỏi giật mình trước thân phận con người quay cuồng và bị nhẫn tâm chà đạp. Sân khấu nhỏ trang hoàng chói mắt, nam nữ hoàn toàn thoát y trình diễn rất nhiều trò quái dị trong tiếng nhạc gợi hứng. Gần như họ làm xiếc bằng tất cả các bộ phận mang chức năng duy trì nòi giống trên cơ thể mình. Màn cuối bao giờ cũng là cảnh cụp lạc trơ trẽn và cứng nhắc như một cỗ máy. Mục thị chán chê, khách bước ra cửa sẽ được hướng dẫn viên trân trọng mời đến các ổ điếm xung quanh. Mỗi địa điểm có hai chuồng kiếng kín và một chuồng hở. Gái già sắp về hưu mặc áo vàng mé ngoài. Gái vừa vừa áo đỏ ở giữa. Trong cùng là quầy rượu dài, bên tường đặt hai dãy ghế nệm. Các em gái nhỏ ngồi đấy ngây thơ ôm chó bông hoặc búp bê, ánh mắt măng tơ lúng liếng đưa tình. Người ta không gọi họ bằng tên. Con số dễ nhớ, khó nhầm. Hàng chục tầng lầu đầy đủ tiện nghi cao cấp phía trên sẵn sàng phục vụ thượng đế không kể giờ giấc. Tưởng chừng chế độ nô lệ đã trôi vào ký ức. Xét kỹ nó hẵng sờ sờ bên cạnh nhân gian. Vì tiền con người có thể làm tất cả. Vì tiền mà bao em gái chưa thành niên bị cha mẹ, đồng loại ép bỏ trường bỏ bạn, thả mình trong nhung lạnh lụa cứng cho thiên hạ dày vò. Vì tiền mà những em trai còn thích rong chơi bắn bi với bè bạn phải khóc thét giữa vòng tay lông lá của lũ mua dâm. Con người từ bỏ chế độ nô lệ thông thường để bước vào cuộc trường chinh nô lệ chính mình, nô lệ nhục cảm và nhu cầu vật chất. Tàu Phương ghé Hải Phòng đúng thời điểm cục hàng hải tổ chức thi sĩ quan. Anh chớp cơ hội làm giấy tờ ứng thí. Ba môn thi, toàn kiến thức sinh viên. Con đường ăn chắc là tìm đúng chánh chủ khảo từng môn mà rải phong bì: thầy Tuân tiếng Anh, thầy Thúc hàng hải cơ bản, thầy Tường khí tài tàu biển. Trước giờ thi Phương gặp anh hùng Chút. Anh đang công tác tại Công ty Vận tải biển Miền bắc. Nghe đồn cơ quan thừa người nhưng phòng nhân sự luôn ép anh xuống tàu làm việc liên tục. Vai vế anh to quá ai cũng nể. Nếu anh nằm bờ, các cuộc họp từ lớn đến bé đều phải mời anh. Anh có tật nói nhiều, nói dài và nói không từ ai. Cán bộ công nhân viên cười vỡ bụng, quan chức méo mặt. Chưa có cuộc họp nào anh tự nguyện kết thúc diễn văn. Chuyện kinh tế hoặc hành chính mờ ám tới tai anh là anh nói đi nói lại giọng sang sảng như muốn đốt nhà lột mặt chuột. Anh chẳng sợ gì là điều hiển nhiên. - Chào anh hùng. Anh học bài xong chưa - Thấy anh nhóm thí sinh nhao nhao. - Thực hành là chính thôi. Vì nhiệm vụ anh phải học. Nông dân vốn ít chữ. Thông cảm! Thông cảm! Nhưng này, đố thằng giám khảo nào dám cho anh điểm kém nhé. Anh sẽ đề nghị chính nó kèm cặp cho anh hùng chóng thành sĩ quan ngay. Ngay như tay Tuân, làm chánh chủ khảo bộ môn Anh văn chục năm nay gặp anh còn phải trốn xó nhà đấy. - Sao thế anh? - Chúng mày dốt quá. Thằng Tuân giỏi luồn cúi, chẳng có bằng cử nhân anh ngữ nhưng thích "dzét", "lô". Anh lên thẳng cục trưởng yêu cầu không cho nó hỏi thi anh. Ai dám cản? Chuyện anh Chút còn nhiều tập. Có anh thì Công ty Vận tải biển Miền bắc lắm phiền hà. Cục hàng hải gần bên, anh cứ qua hạch sách hoài. Bí thế, mấy năm sau công ty thuyên chuyển anh vào chi nhánh Sài Gòn sau khi không thành trong việc dụ dỗ anh học tiếp cao học. Anh thôi đi biển và chọn công tác văn phòng. Thời bao cấp đã thành dĩ vãng vậy mà anh Chút vẫn xin được căn hộ tập thể trên đường Đồng Khởi. Nghe đâu chính bí thư quận ủy trao quyết định giao nhà cho anh, nếu không anh ghé chơi hoài cũng bất tiện. Chi nhánh người ít, hội họp cũng ít nhưng chẳng vì thế diễn văn của anh ngắn bớt. Lần đầu, viên thư ký thuật hết lời anh vào biên bản, tổng giám đốc ngoài Hải Phòng phải điện vô dặn dò cặn kẽ. Từ ấy trở đi anh muốn nói gì thì nói, chẳng ai buồn ghi chép. Họ còn cắt cử hẳn một chuyên viên già dặn luôn ngồi cạnh anh Chút trong các cuộc họp và đặt ra tín hiệu riêng để dừng anh lại mỗi khi đã cười hết nổi. Trong phòng thi Phương lo ngay ngáy. Khéo lần này hỏng. Anh chỉ biết thầy Tuân, phong bì đã trao tận tay. Cận giờ rồi, biết đâu mà lần. Tuy nhiên kết quả Phương được bảy điểm Anh văn. Phương chẳng rõ thầy Tuân giấu tay hay anh làm bài được, không ai dám hạ đo ván lộ liễu. Thuyền trưởng động viên Phương bằng cách yêu cầu anh bổ xung ngay chứng nhận tạm thời chức danh Thuyền phó ba hạng nhất. Ông đôn Phương lên ngạch thực tập Sĩ quan. Tiến ra vẻ không ưa song có Phương đi ca chung, hắn lợi nhiều bề nên ậm ừ đồng ý. Với nghiệp vụ Phương luôn ý thức trau dồi, nắm rất vững. Sóng yên biển lặng là Tiến an tâm giao cả buồng lái cho Phương và thủy thủ đi ca. Hắn thảnh thơi cờ bạc triền miên. Mới nhận bằng kỹ sư hơn năm, Phương đã đủ hiểu biết để độc lập điều khiển con tàu viễn dương cỡ lớn. Ca biển của Phương sáng từ 4 đến 8 giờ, chiều từ 16 đến 20 giờ. Biển bình minh và hoàng hôn luôn xốn xang lòng người. Nẻo đường đại dương Phương từng qua cứ dài ra mãi và vẫn song hành cùng cơ cực, nhọc nhằn. Bài học thực tế của biển cả thật lớn lao. Sẽ không có thuyền trưởng Phương dẫn một con tàu vào cảng New York, như cột mốc đánh dấu sự nghiệp hàng hải anh hằng khát khao. Ước vọng tình cờ thăng hoa khi Phương đang là sinh viên năm thứ hai. Bộ phim màn ảnh rộng kể về chàng thanh niên Italia bần hàn tìm đến Tân thế giới lập thân. Hình ảnh đầu tiên của nước Mỹ đập vào mắt chàng là tượng thần tự do tay nâng cao đuốc. Trải qua những cung bậc đời sống trầm bổng, nhân vật chính công thành danh toại. Anh trở thành chúa trùm một băng đảng xã hội đen nhiều quyền lực. Từ đó Phương hay bị ám ảnh bởi vịnh New York nổi tiếng. Không phải anh mặn mà với sự lãng mạn của tội ác trong phim. Phương muốn vượt Thái bình dương, đi vòng quanh địa cầu để khám phá cốt cách nhân bản ẩn trong bức tượng mà dân gian Việt Nam từng nôm na gọi là mụ đầm xòe. Biết đâu hành trình mơ ước sẽ soi rọi, đánh giá con người Phương cùng công việc anh đã làm hoặc chưa làm được. Số phận không cho phép Phương ăn đời ở kiếp với biển. Chẳng phải anh chán biển. Phương ghê tởm các con tàu dơ bẩn nổi trôi trên màn nước thật thà bất tận của đại dương. Tuổi trẻ của Phương vĩnh viễn gắn bó cùng Thái bình dương và Ấn độ dương. Biển luôn là con mắt mê hồn, rưng rưng xanh biếc. Phương đã sống hết mình cho biển. Tất nhiên biển sẽ là mãi mãi. Phương đã rảo bước trên hàng chục đất nước, trò chuyện với hàng trăm loại người. Cánh cửa mở đến chân trời mới không phải là các sân bay tráng lệ, không có những tiếp viên hàng không, nhân viên phi trường xinh đẹp lịch sự. Con tàu thường rẽ sóng tiến vào các cửa biển đục ngầu nổi trôi rác rưởi và dầu thải. Lênh đênh xóm lao động nghèo cộng sinh cầu cảng. Lầm lũi hàng đoàn công nhân bốc xếp bán lưng cho trời sương nắng, bán mặt cho hầm hàng hun hút bụi mù. Trái đất nhức nhối vẫn ì ạch tiến đến thế kỷ hai mốt. "Điều hợp lý là điều đã và đang tồn tại" - Phải chăng Hegel, ông tổ của phép tư duy biện chứng muốn phủ nhận mọi nỗi khổ cần lao? Những đêm lân tinh, Phương hay chống cằm tì tay trên mạn tàu ngắm biển. Anh nghe lòng biển trào lên tiếng thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị: Hốt văn hải thượng hữu tiên san San tại hư vô phiêu diểu gian Và lần nào cũng vậy, Phương lần bước ra khỏi mê lộ xa xôi mù mịt của tinh thần để đến với vài khao khát vật chất thật bé nhỏ. Anh thèm một ly cà phê quán cóc đất liền. Phương nhớ cả cái mùi khó ngửi của con rạch đen ngòm ngoài cửa sổ chung cư Nhiêu Lộc ngày nào. Anh bỗng chán chường cuộc mưu sinh bần tiện. Con tàu trong anh đã đắm. Nó quá yểu mệnh. Mặt biển lắng chìm trạng thái quá độ giữa khả năng còn phi hình và thực tại đã hiện hữu. Vứt hết hồ nghi, nước đôi bấp bênh của sự kết thúc, Phương hoài nhớ biển trong tình yêu quá khứ. Phần lớn các dòng sông đều đổ ra biển. Biển không chứa nước mắt. Nước mắt con người chỉ có trong thuở hồng hoang xa xôi, khi họ còn biết khóc thật sự. Nước mắt về trời lâu rồi. Nó đã thăng hoa rồi đông cứng trong hàng triệu ánh sao câm lặng, không ngừng nhấp nháy trên bầu trời bao la. Ba phần tư trái đất là biển, là đại dương, là nước và trên hết là tội lỗi của chúng sinh. Chẳng phải vô lý mà nước biển ngày càng dâng cao. (1)Trích Ly Tao của Khuất Nguyên. Giảo như huệ dĩ yểm thế hề. Triêm dư khâm chi lãng lãng Tạm dịch nghĩa: Nâng cánh hoa huệ mềm mại để ngăn nước mắt tuôn chảy thấm ướt áo ta