Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 5

 
29 - 30 tháng 4 năm 1975

 

Suốt tám tiếng đồng hồ sau đó, anh em chúng tôi ngủ li bì tại một xó hành lang toà đại sứ Hoa Kỳ trong khi người lớn đợi chuyến trực thăng quay lại. Mẹ tôi cố đánh thức tôi dậy để ăn trưa và tối nhưng trong giấc ngủ mê mệt, tôi chỉ gạt tay bà ra thôi. Cuối cùng khi tôi quyết định bò dậy thì mặt trời đã gần lặn.

Ánh hoàng hôn bao trùm lên thành phố một mầu cam ảm đạm. Không gian vẫn còn phảng phất cái mùi của lưụ đạn cay. Từ chỗ cửa sổ nhìn thẳng ra cửa chính của tòa đại sứ, tôi thấy rõ ràng sự chen lấn xô đẩy vẫn còn đang diễn ra giữa những người lính và dân chúng phía bên ngoài. Chỉ có điều đám đông có thể đã nhiều lên gấp ba và sự chộn rộn chen chúc thì tăng gấp đôi so với buổi sáng trong đám xô lấn, tất cả đều là đàn ông vì phụ nữ và trẻ em thì đã bỏ cuộc. Một vài người còn lại có cả súng và lựu đan. nhưng chưa một ai dám sử dụng mà chỉ dơ lên để dọa nạt thôi. Quân cảnh Mỹ đã được lệnh đóng cổng lại, không cho bất cứ ai được vào. Tôi nhìn thấy mấy tấm thẻ mầu vàng được quơ lên cao, phản chiếu loang loáng dưới ánh chiều tà, nhưng họ cứ mặc kệ. Tôi lần mò lên cầu thang và chui ra sân thượng, nơi mà mẹ tôi đã dặn là khi nào thức dậy thì tìm bà ở đấy. Dọc theo những hành lang, tôi nhận ra rằng cả toà nhà này nay đã vắng tanh, nom giống như cái hộp diêm trống rỗng. Tất cả mọi người đều leo lên sân thượng, vốn cũng là một nơi đã từng được trang hoàng lộng lẫy. Ở đầu phía bên kia là khu giải trí có hẳn cả một hồ bơi ngoài trời với bàn ghế bằng nhưạ có bóng mát và những cây cảnh ngoại nhập. Phần còn lại của ngôi nhà này là một cái nền vuông vức, phẳng lì, có sàn trơ trọi dành cho trực thăng lên xuống.

Ngoài mẹ tôi, bà Đặng và ông David còn có năm người đàn ông Mỹ đứng vơ vẩn bên hồ tắm. Hoàn cảnh của họ thì đại khái cũng giống ông David, nghĩa là cũng kẹt lại đằng sau vì chính ý muốn của họ. Đó là một nhóm phóng viên quốc tế ở laị để ghi chép sự sụp đổ của thành phố Sài Gòn. Cũng như bao người khác, họ bị đuổi theo từ thành phố này qua thành phố khác, chứng kiến một cách bất lực những quân đoàn Việt cộng nuốt chửng từng vùng đất một ngay trước mắt, hết vùng này tới vùng khác. Và bây giờ, chính họ cũng bị kẹt cứng ở chặng cuối cùng, chẳng còn biết chạy đi đâu. Họ chỉ còn có một chuyện là chờ đợi, hoặc là những cái trực thăng tới bốc họ đi, hoặc là toán lính Việt cộng tới bắt, bất cứ điều gì đến trước. Nhưng không giống như moị người, những người Mỹ này tỏ ra lãnh đạm với làn sóng cuồng loạn đang diễn ra chung quanh. Họ đứng thờ ơ bên cạnh hồ bơi, mồ hôi đổ nhễ nhại trước cái nóng nung nấu, vừa ăn bữa tối vừa tán gẫu một cách hài hước về nền hoà bình của thế giới.

Đến nửa đêm thì hầu hết chúng tôi đều tiêu tan mọi niềm hy vọng đi thoát. Mặc dầu vậy, cũng chả có ai chịu nhúc nhích. Tôi ngồi xệp xuống sàn cạnh mẹ tôi lúc đó đang ôm em tôi trong lòng và đắm chìm trong thế giới riêng tư của bà. Cách đó vài bước và đối diện với chúng tôi, bà Đặng nằm cuộn tròn như hình dáng cái thai nhi, đầu ủ vào hai cánh tay, mắt nhìn đăm đăm vô cảm vào khoảng tối phía sau tôi. Mỗi lần nghe có tiếng động cơ nổ, dù đã lả đi bà cũng cố nhỏm dậy vui mừng, dù chỉ trong khoảng khắc đủ để nhận ra đó là tiếng động cơ gì. Rồi bà lại vật mình xuống sàn, co người lại như trước. Trong sự im lặng đến nặng nề, chúng tôi nằm đếm tiếng chuông ngân nga vọng lại từ ngôi nhà thờ gần đó, cứ thế cho mãi tới sáng.

Cái buổi sáng 30 - 4 ấy, ở bên ngoài toà đaị sứ quán Hoa Kỳ, đám đông đã kéo đen nghẹt đến nỗi tràn ra cả hàng chục dẫy phố xung quanh. Từ trên nhìn xuống, đường phố lúc nhúc những người nom như một tổ ong vỡ, đang sôi sục vì giận dữ. Chúng tôi thất vọng nhìn về phía xa, nơi có nhiều chiếc trực thăng của nhiều quốc gia đang làm nhiệm vụ giải cứu ở rải rác nhiều nơi, nhưng chả có cái nào xuống cứu chúng tôi cả. Bỗng nhiên, cứ như trời sập, moị chiếc loa ở mọi góc đường đồng loạt ré hết cỡ của nó làm cho cả thành phố sững lại. Một lát sau, giong quen thuộc của tổng thống Dương Văn Minh vang len trong không trung. Ông nghẹn ngào đọc bản thông cáo đầu hàng, nhường Sài Gòn lại cho Cộng sản. Lúc đó là 10 giờ 30 phút sáng. Vào đúng cái lúc đó, chúng tôi nhận thấy hai chiếc trực thăng của Việt Nam tách rời bầu trời điên loạn đầy kích đông. để bay lượn trên đầu của chúng tôi. Một chiếc ngụy trang mầu xanh của hải quân, còn chiếc kia, nhỏ hơn nhiều, thấy sơn mầu ngân nhũ. Trông thấy chúng, bà Đặng nhào ra kêu như điên dại. Bà quì xuống đất, vừa khóc vừa tạ ơn ông trời ở trên cao đã đáp ứng lời cầu xin của bà. Chẳng mấy chốc, cả chúng tôi hoặc cũng hú lên giống như bầy sói tru trong đêm trăng sáng, hoặc hò hét lên với tất cả sự vui mừng. Hai chiếc trực thăng cũng gây sự chú ý của những người đứng dưới đường phố. Khi chúng xà xuống thấp, tiếng gào thét của đám đông ùa lên dữ dội hơn. Những nắm tay khua lên không trung và moị người hét bằng tất cả hơi sức của mình:

- Chờ tôi với...Làm ơn cho tôi lên với...trời ơi...

Khi chiếc trực thăng sơn mầu ánh bạc xà xuống thấp chỉ còn hơn chục thước thì chúng tôi nom thấy ông Đặng đứng ngay ở cưả lên xuống, mình bận một cái áo cổ cồn mầu trắng phẳng phiu và sạch sẽ với chiếc quần tây mầu đen, miệng tươi cười nhìn bà vợ một cách đắc thắng. Ông ta trạc tuổi bốn mươi, hói trán, nom chải chuốt và tràn trề sinh lực. Đầu đội một caí mũ sắt quá khổ khiến cho thân hình ông trở nên như bé đi. Quanh bụng ông ta choàng một sợi dây nịt an toàn để khỏi rớt ra khỏi máy bay. Ông ta vẫy tay loạn xạ một cách vui mừng như để ra hiệu là đã nhận ra chúng tôi. Gió quét mạnh mẽ từ trên cánh quạt thôỉ xuống thân tầu giống như đang ở cận kề một cơn lốc xoáy, thổi bạt tất cả mọi thứ ở khắp mọi chỗ chung quanh chúng tôi. Còn chiếc trực thăng kia thì lượn vòng cách đó một khoảng xa như để chờ đợi bạn đồng hành đáp xuống trước. Rồi thì chuyện xảy ra. Một kẻ nào đó trong đám đông đã nổ súng. Những viên đạn đã xé toang bầu không khí và ghim vào một bên của thân tầu. Thế rồi hàng loạt phát súng nữa từ đám đông bắn lên theo. Viên phi công vội vã cho bay thốc trở lên. Bà Đặng vôị chạy tới thành ban công, kêu lên cầu khẩn:

- Đừng bắn... trời ơi, xin đừng có bắn. Chồng tôi đang ở trên đó...

 Bà ta nhẩy lên đùng đùng để mọi người nhìn thấy rõ mình hơn. Từ ở dưới gậm một cái bàn, ông David nhào ra kéo bà trở lại, bà giẫy giụa một cách yếu ớt miệng vẫn còn kêu van đám đông ở phía dưới.

- Xin đừng bắn... đừng... xin đừng...

Nhưng quá trễ. Một viên đạn đã ghim đúng mục tiêu. Từ chỗ đứng, tôi có thể nhìn thấy cái áo sơ mi trắng của ông Đặng loang lên một vệt máu đỏ, rồi nó ứa ra hãi hùng khiến ông phải lấy tay bưng lấy. Từ trên sân thượng, bà Đặng gào lên:

- Đ... ừ... ừ... ừng!

Ông Đặng đứng trực diện với vợ ngay ở phía trên, mắt mở to ngạc nhiên nhìn như ông ta không hiểu ra sự gì đã tới với ông. Họ nhìn nhau, chỉ trong một thoáng, không quá một giây đồng hồ, trước khi ông thình lình mất thăng bằng. Chiếc trực thăng lộn đi nửa vòng, hất ông Đặng ngã xuống sàn khi đó vẫn còn vướng dây nịt an toàn. Một loạt đạn nữa lại bắn lên và lần này thì trúng vào ổ cánh quạt phía trước. Nó lộn nhào giữa khoảng không, rồi giống như một con chim sẻ bị bệnh, nó ngừng sững lại, đổ nhào xuống bãi đáp và nổ tung thành một đống lửa chói loà. Ở bên kia hồ tắm, mắt tôi như bị mù đi trong khoảng khắc. Thoáng chốc, tất cả chỉ còn lại một chiếc trực thăng đổ nghiêng, cháy âm ỉ dưới bầu trời xanh, gắt nắng. Ở bên trên. Chiếc trực thăng kia lượn vòng rồi biến mất. Dưới đường phố đám đông la hét thoả mãn.

- Đừ... ừ... ng...

Giọng bà Đăng thều thào. chân bà khụy xuống rồi bà ngã lăn xuống sàn. Moị người quá hoảng hốt đến nỗi không biết làm gì khác hơn là chỉ nhìn bà như một con rối bằng giẻ.

Từ góc đường phía đằng xa, một toán lính Việt cộng đang theo nhịp hành quân tiến đến với bản hùng ca xa lạ trong tiếng trống kèn. Những xe vận tải, xe tăng phủ đầy bui đất đi ầm ầm trong thành phố. Trên nóc xe nào cũng có bộ đội. Vài người phất trên tay hoặc lá cờ đỏ sao vàng hoặc lá cờ nửa xanh nửa đỏ có ngôi sao vàng ở chính giữa. Vài người khác thì bung ra những bảng khẩu hiệu viết nguệch ngoạc mà tôi có thể đọc được vài câu như thể là "Chúng tôi đến trong hoà bình. Hãy hàn gắn vết thương do bọn tư bản để lại. Nam bắc là chung một nhà, tất cả hãy ngừng bắn lập tức."

Bản nhạc tràn đầy bầu không khí những nốt vui tươi, như để xoa dịu đi sự căng thẳng trong đường phố. Ông David quay về phía mẹ tôi, nói:

- Rất lấy làm tiếc. Mọi sự đã xong xuôi hết rồi. Chiến tranh đã chấm dứt. Chúng tôi không thể giữ bà ở đây được nữa. Hãy đem con cái và bạn của bà rời khỏi nơi đây trước khi quá muộn. Chúng tôi tốt hơn cũng phải ra đi mà không mang theo một người Việt Nam nào. Bà có hiểu tôi nói không? Hãy ra khỏi đây ngay. Chúc bà may mắn và tất cả hãy giữ gìn cẩn thận.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, bà Đặng cố tiến lại xác chiếc máy bay trực thăng với hy vọng tìm được xác chồng, nhưng vô ích. Bị đẩy một cách vội vã ra khỏi cửa, chúng tôi nắm chặt tay và đi sát vào nhau cho tới khi đi xuống dưới mặt đất. Chẳng còn mấy ai chú ý khi chúng tôi lách ra khỏi cánh cổng và hoà nhập vào dòng người ùa đi khắp mọi ngả.

Đoàn quân hành của Cộng sản tiến chậm chạp trong đường phố, chào mừng dân chúng đứng ở hai bên lề và trao cho họ những tấm chân dung nhỏ của Hồ Chí Minh cùng những lá cờ bằng giấy như thể những món đồ này là trân quí cuối cùng. Họ ngừng lại trước dinh Độc Lập biến xe tăng thành một cái xe ủi đất, chỉ nháy mắt họ húc đổ cánh cổng sắt trong khi đám quần chúng vỗ tay cổ võ.

Sài Gòn đổi chủ vào lúc 11 giờ 30 sáng 30 tháng 4 năm 1975.