ười năm dài lạnh lùng trôi qua, Thới Bình thôn vẫn chẳng có gì thay đổi. Đồng quê vẫn dịu hiền và quay cuồng trong sức hoạt động hăng hái của dân quê. Đời sống nông dân vẫn lăn đều theo bánh xe tiến hóa của xã hội.Công ty Triệu Phú càng ngày càng phát đạt cũng như bà Triệu Phú càng ngày càng già yếu. Tất cả mọi công việc vẫn do Năm Hương đảm đương vì Triệu Vĩ dường như chẳng thích làm việc. Chàng sống chán nản như một kẻ đã chết linh hồn. Sau đêm vĩnh biệt Mỹ Lan ở Linh Sơn tự, Triệu Vĩ trở về sống giữa gia đình với một vết thương lòng không bao giờ hàn gắn được. Bao nhiêu sự săn sóc, trìu mến của Ngọc Anh đều vô nghĩa đối với Triệu Vĩ.Chàng uể oải kéo lê cuộc đời vô vị giữa bốn bức tường gia đình tù hãm, bên cạnh một tình yêu bất đắc dĩ. Còn gì chán nản hơn một kẻ bị bắt buộc làm chồng, cũng như một kẻ bị bắt buộc làm vợ. Nếu không có Ngọc Lệ, đứa con gái của Triệu Vĩ và Ngọc Anh thì Triệu Vĩ sẽ chết lần mòn vì mất hết lẽ sống.Tối ngày chàng quấn quít bên con gái để tìm sự an ủi. Ngọc Lệ đã được mười tuổi, dễ dạy và kháu khỉnh. Bên cạnh sự tinh nghịch trững giỡn của Ngọc Lệ, Triệu Vĩ thấy đỡ buồn chán. Ngọc Lệ chẳng khác nào một liều thuốc làm giảm bớt sự đau đớn vết thương lòng của Triệu Vĩ. Nhưng mặc dù đã có Ngọc Lệ, Triệu Vĩ vẫn chẳng thấy yêu vợ. Chàng chỉ thương hại vợ thôi, và thương hại cả đến cho chính chàng nữa. Hình ảnh Mỹ Lan vẫn theo ám ảnh chàng mãi cho đến chết.Triệu Vĩ thi hành bổn phận làm chồng như một người máy.Về phần Năm Hương, tên quản gia tàn ác, được bà Triệu Phú ban thưởng xứng đáng sau khi gã làm trọn vẹn cái quỷ kế thâm độc. Đứa con trai của Mỹ Lan và Triệu Vĩ, bà Triệu Phú đưa tiền cho Năm Hương để nhờ gã gởi thằng bé vào viện mồ côi. Dù sao bà Triệu Phú vẫn còn chút đỉnh lương tâm, bà không thể bỏ rơi đứa cháu nội của bà tuy bà không nhìn nhận nó. Vì hoàn cảnh và danh dự của gia đình bắt buộc bà mới làm như thế thôi. Bà phải làm một cái gì để chuộc lại đôi phần tội ác của bà để cho lương tâm bà bớt đay nghiến.Để người ta khỏi bạc đãi thằng bé Trần Đức, mỗi tháng bà Triệu Phú đều gởi tiền, thực phẩm vào viện mồ côi chu cấp thêm cho thằng cháu khốn khổ. Năm Trần Đức đúng mười tuổi, theo lịnh của bà Triệu Phú, Năm Hương rút thằng bé ra khỏi viện mồ côi và gởi nó vào ở nội trú trong một trường tiểu học đạo ở Sóc Trăng. Để tránh trước mọi chuyện không may có thể xảy đến, Năm Hương căn dặn viên giám đốc trường đừng cho Trần Đức biết tên họ và địa chỉ của người đã nuôi nó ăn học.Trần Đức là một đứa bé mồ côi cha lẫn mẹ. Nó lớn lên giữa bao đứa trẻ mồ côi khác, và nó cứ tưởng nó mồ côi cha mẹ thật sự. Nó yên ổn sống với tuổi thơ ngây và chẳng hề nghĩ đến những người đã tạo ra nó. Nhưng ngày nó bước chân vào trường tiểu học đạo, bộ óc non nớt của nó bắt đầu suy nghĩ. Nó thường tự hỏi: “Ai đã gởi tiền cho ta ăn học? Tại sao ta lại phải vào viện mồ côi? Tại sao vị ân nhân của ta lại giấu kín tên tuổi? Người đó là ai và là người gì của ta mà lại tốt với ta như thế?”Trần Đức tự hỏi và không sao tự trả lời được. Mấy câu hỏi rắc rối nầy cứ theo ám ảnh tâm trí nó mãi.Trần Đức là đứa học trò giỏi giắn và đức hạnh. Nhưng gương mặt thằng bé lúc nào cũng âu sầu ủ dột. Ngoài giờ học, Trần Đức chẳng hề chơi đùa với bạn bè vì có ai mà thân chơi với nó, một đứa bé không cha mẹ và nghèo nhứt lớp. Biết rõ thân phận của mình và sự khinh bỉ của chúng bạn nên Trần Đức chỉ thui thủi một mình, làm bạn với đèn sách và những ý nghĩ đen tối.Tuổi nhỏ là tuổi vui đùa trững giỡn, thế mà Trần Đức chẳng biết đến chuyện đó. Luôn luôn nó ngẫm nghĩ đến thân thế và cuộc đời mai hậu của nó để rồi nuốt sâu niềm tủi nhục. Một thằng bé thơ ngây đã sớm nghĩ tới những chuyện phức tạp của trường đời.Bộ óc của Trần Đức đã già hơn cái tuổi của nó.Một đứa bé không cha mẹ, một hòn máu rơi rớt, một kẻ được sống và được học nhờ mọi người vô danh... còn gì hổ nhục hơn!Không có một người cha để dạy dỗ, một người mẹ để săn sóc, những người anh để bênh vực. Trần Đức cảm thấy mình bơ vơ lạc loài giữa đám trẻ nhà giàu tàn ác và nghịch ngợm, Trần Đức là một trò chơi của bọn chúng. Luôn luôn chúng tìm cách khuấy phá và chọc ghẹo thằng bé mắc phải cái tội nghèo và cái tội học giỏi.Mỗi lần bị hành hạ, Trần Đức chẳng hề dám chống cự lại, mà nó chỉ van xin và khóc tức tưởi. Và mỗi lần như thế là lũ bạn quái ác lại hứng chí càng phá phách nhiều thêm. Bọn thầy giáo lại ngã về phe lũ học trò nhà giàu để ức hiếp Trần Đức. Tội nghiệp bị thầy ghét, bạn khinh, Trần Đức sống như một tên tử tù chờ đợi ngày lên máy chém.