TẬP III - Phần Thứ Sáu - Thái Bình Kiểu Mỹ - 1963
- 7 -

Mặt trời buổi sớm Thứ Ba ngày 11 tháng Sáu năm 1963 chiếu ánh nắng vàng tươi và chói lọi tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn. Ánh thái dương ban mai vốn không chút phân biệt, chan hoà tất cả các đại lộ lâu đời đầy bóng cây im mát và trang nhã kiểu Pháp lẫn hết thảy những chúng cư cao ốc tân thời có gắn máy điều hoà nhiệt độ kiểu Mỹ. Nó cũng toả đều khắp những công trường đang chất từng đống đá và gạch mới đúc cao vời vợi lẫn những túp lều lụp xụp chen chúc nhau cuối xóm cùng những khu nhà ổ chuột tồi tàn cất túm tụm vào nhau theo tập quán muôn đời của Á Đông, nằm dọc hai bên những bờ kênh hẹp nội thành và những con rạch thuyền bè có thể qua lại.
Mặt trời buổi sớm ấy cũng toả ánh nắng lên một đội hình biểu tình tuần hành của người Phật giáo. Ánh hào quang của vầng thái dương biến tăng bào màu vàng nghệ của mọi nhà sư và ni cô tham dự thành những áo choàng lấp lánh quang kim. Trời vừa chín giờ sáng và trong nắng chói ban mai, những chiếc đầu nhẳn thín và cúi xuống của họ đều chung một dáng vẻ khi đoàn người ấy nhẹ bước chân đi, hai tay chắp trong tư thế cổ truyền, phản ánh những nguồn cội an tịnh và trầm lắng của niềm tin tôn giáo có phát tích từ thời cổ đại.
Bằng đôi chân trần, bốn trăm tăng ni bước đi không một tiếng động trên con đường đầy bụi trần gian dẫn từ Xá Lợi, ngôi chùa vị vọng của họ ra tới đường Phan Đình Phùng, một đường phố ở khu trung tâm đô thành nằm chênh chếch hướng bắc nam từng có tên là đường Richaud trong thời Pháp thuộc.
Tuần hành theo hàng tư và mang theo những biểu ngữ bằng vải chỉ trích chính quyền thiên vị Công Giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đoàn người tiến bước tới trung tâm thành phố. Nhưng dù đi qua đường phố trong giờ tấp nập giao thông, đoàn biểu tình vẫn không gây được chú ý hoặc tạo được xúc động đặc biệt nào.
Kể từ sau biến cố tại Huế vào đầu tháng Năm khi binh lính chính phủ dùng xe thiết giáp bao vây hàng ngàn Phật tử tụ tập quanh đài phát thanh Huế để yêu cầu chính quyền sở tại, như mọi năm, cho phát thanh cuộn băng tường thuật đại lễ Phật Đản cử hành hôm đó tại chùa Từ Đàm. Viên quản đốc đài phát thanh không dám tự mình quyết định vì trong buổi lễ ấy, Thượng tọa Thích Trí Quang, một vị sư đồng hương với Tổng Thống Ngô Đình Diêm đã nghiêm trọng phản đối việc chính quyền cấm họ treo giáo kỳ, và nhân đó, ông đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo. Trong khi đôi bên đang thương lượng bỗng có tám Phật tử bị sát hại tại hiện trường, bốn Phật tử bị thương. Theo tường thuật của Phật giáo Huế, cuộc thảm sát ấy do bởi viên thiếu tá phó tỉnh trưởng nội an, một người Công Giáo, đích thân ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền ném lựu đạn và cho xe thiết giáp cán. Giới tăng già Phật giáo và các cư sĩ trí thức xưa nay vốn thường nhẫn nhục nay bỗng cảm thấy bị sỉ nhục thêm lên vì biến cố ấy. Từ đó, họ phát động một làn sóng chống đối khắp Miền Nam Việt Nam. Và những cuộc biểu tình như thế hầu như đã trở thành sự kiện thông thường.
So với những cuộc biểu tình cùng loại, cuộc biểu tình sáng ngày 11 tháng Sáu này chỉ khác một điểm duy nhất - dẫn đầu đội hình là năm sáu nhà sư không tuần hành bách bộ như những tăng ni khác nhưng ngồi riêng trong một chiếc xe hơi hiệu Austin nhỏ và cũ kỹ.
Cùng ngồi với những nhà sư ấy trên băng ghế sau có hoà thượng Thích Quảng Đức, một vị tăng khiêm tốn sáu mươi bảy tuổi, trú trì chùa Quán Thế Âm ở Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn. Khuôn mặt gầy guộc, xương xẩu và nhẫn nại của ông phản ánh cuộc sống mộc mạc, khắc khổ của một hành giả suốt đời nỗ lực tri kiến chân như. Con người tục lụy lẩn quẩn trong bốn bộ mặt: một là cái đang xuất hiện, hai là cái mình vọng tưởng, ba là cái nhân thế nghĩ về mình, bốn là bộ mặt thật, cái vốn có của mình. Và thiền chỉ đường cho người tu tập tự thấy bộ mặt thứ tư ấy để thoát khỏi sự ràng buộc với con người giả, để ngay trong những ngày trần gian, được giải thoát khỏi tình thế chênh vênh xung đột với bản ngã, nghĩa là thanh lý dục vọng và chấm dứt khổ não. Con đường giác ngôä nghĩa là tự lực tìm về tự tánh ấy chỉ có môät lối đi đôäc nhất, đi qua cánh cửa chỉ mở môät chiêàu và mở thăúng vào lòng của mỗi người.
Ra đời tại Khánh Hòa, xuất gia năm lên bảy, hòa thượng Quảng Đức thọ Tì kheo khi tuổi mới đôi mươi. Từ đó ông hành cước hóa đạo khắp các tỉnh Ninh Hòa, Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Định Tường, Hà Tiên và Cambodia. Ông xây dựng và trùng tu hơn 31 cảnh chùa, đào tạo nhiều sa di, viết một số sách về thực hành đạo Phật và tu thiền. Trong cõi đời bụi bặm với cảnh giới hiện tượng, hư vọng và ảo hóa, một ngày ông sống là một ngày tinh tấn trên hành trình đạt tới chân như, cái thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự.
Từ thơ ấu, thay vì vào tịnh độ tông, giữ nghiêm ngặt từng giới luật, thuộc lòng từng tờ kinh câu niệm để bước từng bước tiệm tiến lên đỉnh giác ngộ, ông theo sư phụ và cũng là người cậu ruột, đi trên đường thiền Lâm Tế. Thiền là một tông phái đại thừa được truyền từ Trung Hoa qua ngả bắc Việt Nam. Thiền chỉ lối cho hành giả trực nhận bản thể của sự vật và đạt giác ngộ. Bằng tọa thiền, trong định tĩnh, kẻ tu thiền thấy bản lai diện mục của mình, và thấy sự vật đúng với chính nó. Thiền quan tâm tới kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá tích cực mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Thiền phơi phới vất bỏ những nghi thức rườm rà, những triết lý, luận văn chi li khó hiểu, nhưng không phủ nhận nội dung và tinh hoa của kinh sách. Đặc trưng của thiền là truyền giáo pháp ngoài kinh điển; không lập văn tự; chỉ thẳng tâm người; thấy tính thành Phật. Quán tưởng là con đường ngắn nhất cũng là con đường khó nhất đưa hành giả tới đốn ngộ, nghĩa là nắm bắt lập tức các chân lý của đạo Phật như dục vọng, khổ não, vô thường, vô ngã...
Thiền tông có người cha Ấn độ nghiêm nghị khắc khe với ngón tay chỉ thẳng mặt trăng và người mẹ Trung Hoa với nụ cười thầm lặng thi vị. Khi được truyền sang Trung Hoa, thiền Ấn Độ hấp thu phần nào Lão giáo, cái cốt tủy của văn hóa và triết lý Trung Hoa. Rồi tới khi được truyền sang Việt Nam, tính an nhiên phơi phới và hiện sinh của thiền chuyển hóa theo tâm thức Việt, mang thêm tính lạc quan và nhập thế. Nó lạc quan với nhận thức rằng cuộc nhân sinh không bao giờ tàn lụi, đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết vì sáng mai mở cửa vẫn thấy sân nhà nở thắm một cành mai. Nó nhập thế vì dòng thiền Việt Nam hòa vào dòng dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ưu thời mẫn thế, được khai sáng bởi đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, vị vua từng đại thắng quân Nguyên. Và hơn năm trăm năm sau, ý chí vệ quốc ấy được ghi lại cụ thể trong tác phẩm của Ngô Thì Nhiệm, một sĩ phu và hành giả mà tài kinh bang tế thế từng giúp đại đế Quang Trung đại phá quân Thanh và đặt nền tảng cho hoàng đế Gia Long thống nhất đất nước. Suốt mấy trăm năm, các thiền phái khác đều ghi dấu ấn ít nhiều của Trúc Lâm Yên Tử vì người tu thiền cũng là con dân của dân tộc sống bên cạnh một nước láng giềng mạnh mẽ ở phương bắc, phải tích cực đấu tranh và thường trực cảnh giác mới sinh tồn.
Trong quan hệ hỗ tương, thiền Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc qua các giai đoạn suy thịnh: thiền khởi sắc thì dân tộc hưng thịnh, thiền suy tàn thì dân tộc bại liệt. Và khi dân tộc lâm cơn tai biến, tịnh độ tông như một nơi an ủi cho cá nhân thì lạ lùng thay, thiền tông lại là một cửa cứu độ cho tập thể. Vì tương quan giữa thiền tông và dân tộc chặt chẽ đến thế nên người ta không ngạc nhiên khi thấy trong các giai đoạn đánh đuổi ngoại xâm, khôi phục cơ đồ, cửa chùa lúc nào cũng rộng mở để làm nơi tụ nghĩa cho người yêu nước.
Và sáng nay, hòa thượng Thích Quảng Đức hẳn là một hành giả nối tiếp con đường thiền gắn bó đạo giáo và dân tộc. Người bất động, hoà thượng nhìn cố định tới trước, qua kính chắn gió đầu xe. Nét mặt ông an tĩnh biểu lộ một trạng thái tập trung mà hư tịnh. Đối với vài kẻ qua đường dừng chân đứng xem khi đoàn tuần hành đi ngang, vị sư già ấy chẳng có vẻ chút khác biệt nào so với các nhà sư khác đang ngồi chung xe. Nhưng tận chốn sâu kín trong tâm niệm mình, hoà thượng đang chuẩn bị những giây phút nhục thể sẽ trải qua cơn đau đớn dữ dội tới tận cùng sức người có thể chịu đựng - cơn đau đớn mà ông biết rõ chỉ có sự nhập diệt mới làm tĩnh lặng nó.
Trong khi đoàn người di chuyển chầm chậm dọc theo đường Phan Đình Phùng, để làm lắng xuống nỗi sợ đang dâng lên trong tâm tưởng, hoà thượng Quảng Đức thâm hiểu rằng, hơn bao giờ hết, khoảnh khắc ông đem thân cúng dường tam bảo để cảnh giác chính quyền, tìm kiếm sự bình đẳng cho tôn giáo, đòi hỏi dân sinh dân chủ cho mọi người, cũng là khoảnh khắc ông tiếp cận thời điểm thức ngộ, khoảnh khắc nhận thức mang tính vũ trụ và cũng là cứu cánh tối hậu của một đời quán tưởng. Phải chăng toàn bộ động thái và hết thảy mọi nghĩ tưởng của mình từ những ngày niên thiếu cho tới hôm nay đều chỉ nhắm tới sự thành tựu trạng thái khó nắm bắt ấy? Phải chăng khoảnh khắc viên mãn sau cùng mà từ ngày đặt chân vào thiền môn, mỗi cử chỉ cúng dường đều đẩy mình tinh tấn trên con đường hướng tới nó, giờ đây đang ở trong tầm tay? Và phải chăng mình đang đi tới cùng con đường thiền của người Việt là đặt sự thức ngộ của bản thân trong sinh mệnh của dân tộc và đạo pháp?
Tập trung mọi định lực lớn lao nội tại, hoà thượng Quảng Đức niệm tâm trí chỉ an trú trong tưởng thức duy nhất ấy để thải loại mọi sự khác. Và dần dần nỗi sợ trong lòng ông bắt đầu nguôi dần, nhường chỗ cho định lực vô úy. Tay lần tràng chuỗi năm mươi tư thánh hạt bồ đề, miệng thì thầm lời tụng niệm Nam Mô A Di Đà Phật và trong khi môi mấy máy bất tận câu thiêng liêng ấy, ông cảm thấy lòng đầy tràn an lạc. Cuối cùng, trạng thái an lạc ấy chan chứa và sâu lắng tới độ ông thôi không còn biết tới cảnh giới chung quanh.
Tuy thế, đối với khách bộ hành đang đi trên vĩa hè sáng hôm đó, hoà thượng Quảng Đức vẫn còn là một nhà sư vô danh nơi bóng tối trong lòng xe và không ai để ý tới. Thậm chí cả chiếc xe Austin ấy cũng ít lôi cuốn sự chú ý của kẻ qua đường.
Thoạt đầu, người chuyên viên quay phim làm việc với Naomi không màng thu hình chiếc xe. Đi ngược lên đầu đoàn tuần hành và chân vẫn hơi khập khểnh vì dẫm bẫy chông ở Mộc Linh, anh chỉ chú mục vào hình dáng chư tăng ni đang đi đều bước trong y trang chói lọi. Tới ngả tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, anh nhấc máy quay phim xuống khỏi vai để nghỉ một chút. Trong lúc tay anh đang quay cơ phận lên dây cót, Naomi Boyce-Lewis bước tới sát một bên và nói thầm vào tai anh:
- Jock này, nhớ bảo đảm thu hình thật rõ chiếc xe đang chạy tới ngả tư đó nhéù!
Xoay bộ mặt nhễ nhại mồ hôi về phía người nữ phóng viên, Jock trợn ngược mắt bực bội:
- Chiếc xe đó à? Cho tới lúc này tôi cố hết sức để nó không lọt vô ống kính! Một chiếc xe ăng-lê cà tàng sắp sụm tới nơi như vậy làm sao gợi nổi cho người ta thấy trung thực những nghi lễ Phật giáo dài lê thê này? Thật tôi hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại phải quay phim đoàn tuần hành này. Nó đâu có gì đặc biệt so với hàng trăm cuộc biểu tình Phật giáo khác mà mình đã thấy.
Người nữ phóng viên thở ra và lắc đầu:
- Jock ạ, đâu phải ngày nào cũng có một nhà sư tới tận cửa phòng tôi ở khách sạn Continental vào lúc mới sáu giờ sáng để nói với tôi rằng "có một cái gì đó rất quan trọng sắp xảy ra". Chúng ta hãy cứ hết lòng tin vào lời của ông ấy mà thu hình mọi sự, cặn kẽ từng chút một, đúng không? Với lại, trong chiếc xe đó cũng có mấy nhà sư.
- Được rồi Naomi, biểu sao thì làm vậy! Tôi mất thì giờ quay phim chứ đâu có mất tiền!
Nháy nhó người chuyên viên thu thanh đang bận rộn chĩa mi-crô thu tiếng động trên đường phố theo hướng ống kính, người chuyên viên thu hình nhướng lông mày lên làm bộ cằn nhằn một cách thân tình. Kế đó, anh xoay lưng và bắt đầu quay phim cuộc tuần hành thêm một lần nữa. Lần này cẩn thận thu hình luôn cả chiếc xe Austin.
Khi đoàn biểu tình băng ngang ngả tư ồn ào, thấp thoáng trong đám đông ít ỏi đang tụ lại xem mà hầu hết là người Việt, Naomi nhận ra vài ký giả báo chí Mỹ và vài phái viên thông tấn quốc tế đang thường trú tại Sài Gòn. Rõ ràng không phải chỉ một mình nàng là người độc nhất có tên trong sanh sách thông báo sáng nay của nhà sư. Nhưng Naomi ghi nhận với ít nhiều mãn nguyện rằng không một toán truyền hình nào khác có mặt tại chỗ. Như thế, dù cái tin giật gân như đã hứa hẹn kia có biến hóa ra sao đi nữa, việc theo dõi và quay phim của nàng hôm nay là độc quyền.
Sâu trong thâm tâm, Naomi thầm tự khen ngợi mình đã chịu khó bỏ công sức và thì giờ ra lấy lòng các nhà sư biết nói tiếng Anh tại Xá Lợi, một ngôi chùa chính ở Sài Gòn. Lúc này, để khích lệ Jock tận tụy hơn với công việc, nàng bước tới sát bên anh, chỉ cho anh thấy anh là người độc nhất quay phim tin tức truyền hình có mặt tại đây. Trong khi lùi bước trở lại lề đường, Naomi cảm giác có ai đó chạm nhẹ khuỷu tay mình. Quay lại, nàng thấy ngay trước mắt bộ mặt của một người Mỹ tóc sậm với miệng đang mỉm cười và tay chìa ra làm quen:
- Tôi là Guy Sherman, nhân viên ngoại giao phục vụ tại Toà đại sứ Mỹ. Hẳn cô là Naomi Boyce-Lewis, người sống sót lừng danh ở Mộc Linh?
Trong một thoáng, Naomi nhìn kỹ bộ mặt ấy. Thanh tú, màu da rám nắng, miệng cương nghị và khắc nghiệt của một người đàn ông tuổi gần bốn mươi với vẻ tự tin lồ lộ và cao ngất về thể xác của mình. Và vì cảm nhận rằng một người đàn ông như thế chắc chắn phải giữ một địa vị hữu trách tại Đại sứ quán Hoa Kỳ khiến anh ta có cơ hội tiếp cận các thông tin chính trị cấp cao, nàng đáp trả bằng một nụ cười niềm nở.
Để yên cho Guy Sherman bắt tay mình, Naomi nói nhẹ nhàng:
- Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng sự an nguy của một ký giả truyền hình Anh hèn mọn lại lọt vào tầm chú ý của một người như ông, ông Sherman ạ. Tôi tưởng ông đang để toàn tâm toàn trí vào việc điều hành cuộc chiến và chống đỡ cho Tổng Thống Diệm bạn của ông.
- Cô có lý. Có điều không mấy ai chết vì phải làm quá nhiều việc trong cùng một lúc. Vả lại có thể cô còn nhớ trung úy Gary Sherman? Anh ta là cháu ruột gọi tôi bằng chú. Nó nói rất nhiều tới "cô gái tóc hung đẹp mê hồn, kẻ cứ phớt tỉnh như không có gì khi khắp chung quanh cô ấy người ta đang mất mạng"...
Nhìn thẳng vào mắt Naomi, Guy vừa nói vừa mỉm cười như có ý tỏ cho nàng thấy tuy mới gặp nhau, nàng đã kích động trong con người hắn một nỗi phấn khích nhục cảm. Hắn nói tiếp ngay:
- Và để tôi lặp lại từ đầu tới cuối nguyên văn từng lời Gary đã mô tả về cô...
Thờ ơ tiếp nhận tia mắt của Guy, Naomi nghiêng đầu một chút như ghi nhận lời tán tụng:
- Gary chưa bao giờ nói tới ông chú của cậu ấy. Lúc đó chẳng ai có thì giờ. Nhưng giả dụ cậu ấy có nói, hẳn tôi đã tưởng tượng rằng người chú ấy lớn tuổi hơn nhiều.
Khuôn mặt thanh tú của Gary Sherman cau lại thành một nụ cười như thể nhăn nhó:
- Khi Gary ra đời, tôi chỉ mới mười hai tuổi. Tôi đoán, theo con mắt của cha tôi, tôi là ánh le lói muộn màng. Nhưng thôi, để chuyện gia đình vào lúc khác, được chứ? Tôi vừa tình cờ nghe lén cô nói chuyện với anh chuyên viên thu hình về cách các nhà sư phát tín hiệu bóng gió cho dân làm tin của quí vị biết trước cuộc tuần hành hôm nay. Tôi ao ước vào một lúc nào đó sẽ có dịp mời cô dùng nước và được nghe thêm đôi chút về chuyện đó.
- Tại sao chuyện đó lại khiến cho ông quan tâm?
Miệng vẫn mỉm cười, Gary Sherman đưa tay khoát nhẹ:
- Không biết cô có tin rằng tại Toà Đại sứ chúng tôi ở vào tình thế rất khó khăn trong việc liên lạc với người Phật giáo? Chúng tôi không thể công khai làm việc đó vì Tổng Thống Diệm và gia đình ông ấy coi đó là một hành động kết bạn với đối phương.
Guy ngừng nói, liếc chung quanh thật lẹ xem có ai nghe lén không. Rồi hắn đặt bàn tay lên cánh tay của Naomi:
- Cô Boyce-Lewis ạ, đó không phải là chuyện giao dịch có đi mà không có lại. Để đền đáp, biết đâu tôi có thể đưa cho cô đôi lời gợi ý khiến việc thu lượm tin tức của cô bớt phần nặng nhọc.
Trên môi người nữ ký giả Anh hé một nụ cười nhuốm chút mưu tính:
- Nghe có vẻ là một thương lượng hợp lý, ông Sherman ạ.
- Xong rồi. Vậy cô nghĩ thế nào về khoảng tám giờ tối nay, nơi tầng trệt khách sạn Continental? Và xin vui lòng chỉ gọi tôi là Guy...
Ngay lúc ấy, chuyên viên thu thanh chạm vào cánh tay Naomi làm cả hai bỏ dở câu chuyện:
- Naomi, nhìn kìa - đang xảy ra cái gì đó kỳ quặc!
Xoay mặt lại, Naomi thấy chiếc Austin màu xanh lục chở mấy nhà sư đột nhiên đứng lại giữa ngả tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt. Chư tăng ni đang tuần hành ngang chiếc xe thình lình cố tình chuyển bước dồn dập hơn và lẹ làng quây thành một vòng rào bọc kín ngả tư. Cùng lúc ấy, từ trên xe, các nhà sư trịnh trọng bước xuống. Một nhà sư mở cốp xe lên. Khom lưng thò tay vào bên trong cốp, ông lôi ra chiếc can nhựa loại hai chục lít đựng đầy một dung dịch sẩm màu. Rồi ông xách đi chầm chậm bên cạnh hoà thượng Quảng Đức tới giữa ngả tư. Một nhà sư khác ôm bồ đoàn đi theo. Khi cả ba tới đúng vị trí đã định, nhà sư đi sau kính cẩn đặt bồ đoàn xuống mặt đường nhựa.
Hoà thượng Quảng Đức chầm chậm hạ mình xuống bồ đoàn, tọa thành tư thế kiết già. Sau khi an vị với đôi chân khoanh lại dưới thân mình, ông đặt tay lên ngay điểm chính giữa hai đùi, hai bàn tay xếp lên nhau, lòng bàn tay ngửa lên trời, bắt ấn Cam Lộ. Trong vài giây, hoà thượng im lặng và bất động, chìm mình thật sâu trong lớp lớp quán tưởng. Rồi ông mở mắt, khẻ gật đầu với nhà sư lúc nãy đi bên cạnh.
Nhà sư cầm can nhựa lập tức tưới dung dịch bên trong can lên đầu hoà thượng Quảng Đức. Dung dịch màu vàng nhạt ấy chảy ròng ròng xuống cổ xuống vai, làm ướt sủng và sậm màu chiếc tăng bào màu vàng nghệ rồi loang thành vũng trên mặt đường chung quanh chỗ hoà thượng an tọa. Gió nhẹ ban mai nhanh chóng thổi mùi xăng bay tới đám đông khán giả trên vĩa hè. Và khi họ nhận ra điều mình sắp chứng kiến, có vài người tái mặt kinh sợ, không dám thở.
Bên cạnh Naomi, người chuyên viên thu hình thở hắt:
- Xin thánh thần phù hộ chúng con! Lần này họ thiệt sự muốn làm nên chuyện!
Trong bầu không khí im lặng như tích nạp đầy điện, nhà sư trợ tá hoà thượng Quảng Đức đặt chiếc can nhựa trống rỗng xuống đất cách ông mấy bước rồi rút lui, hoà mình vào đám khán giả đang vây quanh. Trong vài giây, hoà thượng Quảng Đức vẫn hoàn toàn tĩnh lặng, ngồi thẳng lưng, kiên định. Kế đó, đám đông thấy môi ông mấp máy lời niệm cuối trước khi hai bàn tay từ điểm giữa hai đùi lẹ làng cất lên.
Khi hoà thượng Thích Quảng Đức bật diêm, lửa từ thân thể ông phụt lên, phả vào không khí buổi sáng như tiếng dội của một quả đấm bật tới. Ngọn lửa bốc cao gần bốn thước, quẫy lộn và dập dờn trong gió nhẹ ban mai. Thoạt đầu lửa như nhảy múa trên đầu vị sư già đang ngồi yên mà không làm tổn thương ông, rồi dần dần, mặt ông và tăng bào bắt đầu cháy thành than và sạm đen bên trong cột lửa. Nhưng thậm chí tới lúc ấy, trên môi hoà thượng không thoát ra âm thanh nào. Ông vẫn ngồi an nhiên tự tại trong tư thế kiết già như một đoá hoa sen trong biển lửa.
Hết thảy các tăng ni đứng thành vòng chung quanh cùng nhau chắp tay tụng niệm trong khi mắt đăm đăm nhìn thấu suốt hình bóng đang rực sáng ấy. Thỉnh thoảng có âm thanh nấc lên của vị tăng hay vị ni nào đó. Và khi mùi ngọt ngào gây gây của da thịt đang cháy bắt đầu quyện với mùi xăng nồng nặc, người ta nghe có nhiều tiếng khóc nức nở trong đám người Việt đứng đằng sau tăng chúng. Vài ba cảnh sát viên SàiGòn mặc cảnh phục trắng, mặt đầm đìa nước mắt, đang cố len qua hàng rào tăng ni để vào giập tắt lửa nhưng bị họ chuyển bộ bít kín.
Trong khi ngừng máy để thay phim, anh chuyên viên thu hình hỏi Naomi bằng giọng rất nhỏ và khản đặc:
- Cô có muốn nói đôi câu để thu hình với hậu cảnh ngọn lửa không? Có thể những hình ảnh này sẽ được đài của ta phát đi khắp thế giới sớm hơn đài nào hết.
Trong một hai giây Naomi thất kinh ngó anh. Cuộc tự thiêu dữ dội với quang cảnh khốc liệt của nó làm miệng nàng khô rang hãi hùng. Và mùi da thịt cháy khét lẹt bắt đầu kích thích cảm giác nôn mửa.
- Jock, tôi không thể - trông rùng rợn quá. Anh cứ quay phim rồi tôi ráp lời bình luận vào sau.
- Nhưng Naomi, có thể suốt đời mình không bao giờ chúng ta còn có được một bản tin hay hơn cái này!
Chỉnh máy bằng hai tay run rẩy, Jock nói tiếp:
- Cái này có thể làm cô nổi mặt nổi mày khắp năm châu bốn biển!
Naomi quay mình lại, đưa con mắt khổ sở nhìn tới hình dáng rực sáng của hoà thượng Thích Quảng Đức. Vũng xăng trên mặt đường vừa mới cháy phừng phực cao mấy thước và bừng bừng lan rộng thành một ngọn lửa hình kim tự tháp lúc này bắt đầu thu nhỏ dần. Các ngọn lửa còn lại tập trung, cháy dữ dội trên thân thể người tự thiêu. Ở tâm điểm của các ngọn lửa, chiếc đầu đen kịt của vị sư già khiến ông trông có vẻ rất giống một xác ướp nguyên thủy nào đó hơn là người lâm tử. Nhưng khả năng tự chế kiên định được khổ luyện bởi trái tim bất hoại của ông vẫn liên tục giữ thẳng đứng hình hài đau đớn tột cùng ấy. Bên ngoài vòng rào chư tăng ni, tiếng khóc của đám đông vang lên từng chặp. Hàng chục khách bộ hành phủ phục xuống đất vái lạy. Vài viên cảnh sát sắc phục quì sấp mình giữa đường nhựa. Xe cộ dừng. Giao thông tắc nghẽn. Thời gian như đứng lại. Người đi đường không bước tiếp.
Anh chuyên viên thu hình vẫn dai dẳng thúc giục vào tai Naomi:
- Cô đừng áy náy về vẻ ngoài hay giọng nói của mình. Có xúc động đôi chút cũng không sao. Vấn đề chính là người ta thấy cô rõ ràng đang ở hiện trường.
- Anh có lý, Jock!
Naomi gật đầu, nhìn sang chuyên viên thu thanh. Tay cầm chiếc mi-crô do anh ta vừa đưa, nàng bước lẹ vào vị trí có hình ảnh thân hình rực cháy của nhà sư ngay bên trên vai mình để khán giả có thể thấy toàn cảnh. Mắt khép lại, đầu sắp xếp ý tưởng và chờ cho tới khi tai nghe có tiếng lè xè của máy quay phim, Naomi mở mắt, nhìn thật thẳng vào ống kính. Nàng nói, giọng run lẩy bẩy:
- Thấy một người tự đốt cháy mình cho tới chết, công khai trước mặt mọi người, quả là một kinh nghiệm quá đổi kinh hoàng và không thể nào diễn tả trung thực bằng lời nói. Vì thế tôi sẽ không cố tìm lời lẽ chính xác - nhưng những người Phật giáo tại Miền Nam Việt Nam không thể chọn cách nào đánh động hơn nữa để bày tỏ thái độ của họ càng ngày càng chống đối chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một chính quyền bị họ đánh giá đó là đàn áp và thối nát. Sáng nay, tại Sài Gòn vị sư già này đã chọn lựa kết liễu đời ông trong suối lửa vì lúc này người Phật giáo Việt Nam tin rằng xứ sở của họ chắc chắn sẽ được phục vụ tốt hơn bởi một chính quyền khác. Và cảnh tượng hãi hùng này hẳn khiến Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phương tây cũng suy nghĩ như thế - vì hiện nay Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đang gia tăng con số viện trợ khổng lồ về kinh tế và quân sự cho chính phủ đương nhiệm trong quá trình mở rộng cuộc chiến tranh chống cộng.
Naomi ngừng lại, đưa mắt nhìn tới chỗ hoà thượng Quảng Đức. Trong cực điểm đau đớn, hình hài cháy đen của ông bắt đầu co giật theo phản xạ tự nhiên nhưng quyết tâm mãnh liệt của ông vẫn giữ ông ngồi vững vàng và định tĩnh trong tư thế hoa sen.
Từ hàng ngũ quan chiêm, một nhà sư trẻ cầm loa phóng thanh bắt đầu hô vang nhiều lần các câu khẩu hiệu bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt:
- Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu!
- Hòa thượng Thích Quảng Đức đã trở thành một vị thánh tử đạo!
Các biểu ngữ bằng vải có nội dung giống y như thế, bằng chữ Anh và chữ Việt, lúc này cũng được các nhà sư khác giăng ra và dương cao. Naomi vội vàng đọc lớn, rõ từng tiếng, trước khi xoay mặt nhìn trở lại ống kính máy quay phim:
- Đốái với chúng ta, có thể cái chết tự thiêu để thể hiện sự phản đối chính trị có vẻ là một phương thức đặc biệt tàn bạo và man rợ - nhưng người ta không nên nghĩ rằng người Phật giáo Nam Việt Nam không biết cách nói lên thông điệp của họ trong thế giới hiện đại. Họ đã sắp xếp chu đáo để bảo đảm có mặt tại đây vài ký giả phương Tây được họ chọn lựa - trong số đó có tôi. Những biểu ngữ cùng những khẩu hiệu bằng tiếng Anh kia cho thấy họ muốn sự phản đối của họ được trình bày rõ ràng và trực tiếp hơn tới tai mắt của Washington cũng như tới chính phủ của chúng ta. Nhưng, một khi đã nói lên được toàn bộ vấn đề ấy, sự kiện sáng nay đứng ở nơi đây, tận mắt chứng kiến quang cảnh này khiến lòng tôi tràn ngập những cảm giác không thể nào chịu nổi - vừa cảm xúc kinh sợ vừa hãi hùng sâu xa...
Nói xong những lời ấy, với sự cân nhắc kỹ lưỡng và chuyên nghiệp, Naomi xoay mình và thêm lần nữa nhìn về phía vị sư già ngồi trong lửa cháy. Và chuyên viên thu hình dùng ống kính viễn vọng để quay thật gần nhân dáng khốc liệt của người đang giã từ cõi thế. Gần mười phút trôi qua từ khoảnh khắc hoà thượng Quảng Đức bật diêm tự châm cho nhục thân thành ngọn đuốc và sau cùng, hình hài ông giờ đây khởi sự lắc lư từ bên này tới bên kia. Trong đám đông chiêm bái, tiếng than van nức nở càng lúc càng nhiều hơn và cao hơn. Rồi giữa vũng lửa, thân mình của nhà sư bắt đầu từ từ ngửa ra sau. Trong vài giây, tứ chi của người tự thiêu co giật, mười ngón tay cong lại như bắt mà không nắm được không khí bên kia bức màn lửa đang quây kín mình. Kế đó, hai cánh tay vị sư già dang rộng như thể làm thành một cử chỉ cúng dường tối hậu. Và toàn thân ông rùng thật mạnh để cuối cùng tịch lặng.
Đúng lúc ngọn lửa sau chót lụi tàn, một chiếc xe tải chạy tới, trên xe để sẵn một áo quan giản dị. Nhưng tứ chi của di thể cứng nhắc trong cái chết đau đớn tột cùng khiến người ta khó có thể an vị nhà sư lọt hẳn vào áo quan. Sau khi nhanh chóng hội ý, năm sáu nhà sư trẻ cởi tăng bào màu da cam ra bọc lấy di thể và cùng nhau đội về chùa Xá Lợi cách nơi tự thiêu khoảng bốn trăm thước.
Vòng người biểu tình mở ra để các nhà sư và di thể đi qua rồi khép lại, dàn thành một đội hình tự động bước theo. Khi đoàn tuần hành, lúc này trở thành một đám rước, lượn mình qua đám đông xe cộ buổi sáng, chuông từ chùa Xá Lợi khởi gióng tiếng báo tử bi hùng và trang nghiêm. Đám đông tập trung nơi ngả tư bắt đầu tản ra theo mọi hướng. Trên môi không nguôi những lời thì thầm và ray rứt về những gì mắt mình vừa chứng kiến.
Trong khi bước về chỗ đậu chiếc xe của Đại sứ quán, Guy Sherman dừng lại, chạm nhẹ vào vai Naomi. Hắn nói, giọng bình thản:
- Quả là một cuộc trình diễn đầy ấn tượng!
Naomi bối rối, mắt xoe tròn nhìn Guy. Nàng không biết hắn thật sự muốn nói tới cái gì:
- Anh có ý nói tới nhà sư ấy - hay tới tôi?
Khẻ nhướng lông mày, Guy trả lời:
- Cả hai. Và bây giờ, hơn bao giờ hết, tôi đang chờ tối nay để được trò chuyện với cô.