Chương 5

     hi Nga ngồi trên ghế đá, hai tay thoăn thoắt cặp kim đan, bé Hoàng đi chập chững một bên. Bỗng bên ngoài có tiếng gọi lớn:
- Chị Phi Nga!
Phi Nga chưa kịp quay lại đã nghe tiếng giày chạy lộp bộp sau lưng và một giọng rất quen thuộc vang lên:
- Chị vẫn khỏe chớ?
Quay lại và nhìn thấy Paul, da dẻ hồng hào, cao lớn hơn trước, Phi Nga mừng rỡ:
- Cậu Paul! Cậu ở Đà Lạt về à? Bà có về với cậu không?
- Mẹ em cùng về nhưng chưa tới thăm chị được. Hôm qua xe đi ngang đây thì trời tối quá rồi, không ghé được. Nhớ chị quá, em phải đi xe đạp đến đây, xe nhà hỏng máy rồi.
- Cám ơn em. Mấy lúc nay em làm gì?
- Em vẫn đi học trên Đà Lạt. À, chị có nhận được thư của ba em không?
- Không, chị không nhận được thư của ông.
- Thế chị không biết gì cả sao?
Phi Nga ngạc nhiên:
- Biết gì?
Paul nói:
- Lẽ ra để mẹ em đến báo tin mừng cho chị thì hơn, nhưng em thấy vui quá vì thế phải tiết lộ cho chị biết trước. Bức tranh “Người gánh lúa” của chị được giải khuyến khích và được các báo bên Pháp khen rất nhiều. Lại có một họa sĩ Việt Nam nào đó bảo đã biết bức tranh đó và có biết qua về chị nữa.
Phi Nga để tay lên ngực, không giấu được sự hồi hộp:
- Chắc là Giang rồi. Giang đã thấy bức tranh của ta. Anh ấy đã nghĩ thế nào?
Paul thấy Phi Nga làm thinh, tưởng nàng xúc cảm quá không nói được nên hỏi:
- Chắc chị mừng lắm nhỉ?
- Chị mừng lắm, nhưng em chưa nói hết cho chị nghe.
- Tại sao chị chưa nhận được thư của ba em? Người họa sĩ Việt Nam mà em nói đó, bảo là sắp về nước, bao giờ về sẽ đến gặp chị. Thích chưa? Ba em muốn chị theo học với ông ấy.
Phi Nga lắc đầu:
- Không thể được, em ạ. Nếu muốn học thì chị đã học với ông ấy rồi, đợi chi đến bây giờ. Lúc ấy chị chưa lập gia đình.
Paul hỏi lớn:
- Lúc ấy chị chưa lập gia đình à? Thế tại sao chị không học? Đáng tiếc thật!
- Và bây giờ thì chị lại chưa thể học được. Vì chị đang có thai, sắp được làm mẹ lần thứ hai.
Paul cau mày:
- Ba em sẽ không bằng lòng nếu chị không chịu học với người họa sĩ kia. Ba em bảo ông ấy nổi tiếng, giỏi lắm. Ba em có mua của ông ta ba bức tranh gần nửa triệu bạc. Chị mà chịu khó học thì rồi đây tranh chị cũng có giá như thế.
Phi Nga hỏi thăm Paul về sự học của cậu ta, rồi hỏi:
- Em có vẽ thêm được gì không?
- Không có chị em đâu thèm vẽ, ba em muốn cho em theo chị học vẽ với ông họa sĩ gì đó. Nhưng hôm nay gặp chị, em thấy chị không có chút gì gọi là thích vẽ, nên cũng nguội lạnh rồi. Chị chỉ biết có chồng và con.
Phi Nga bồng bé Hoàng lên đưa vào mặt Paul:
- Em nhìn thử có phải nó đẹp lắm không?
Paul mỉm cười với thằng bé:
- Đẹp lắm, nhưng chị đã vẽ tranh của nó chưa? À, mấy lâu nay chị không vẽ gì cả sao? Nào cho em vào xem xưởng vẽ của chị với.
Nói xong, Paul chạy qua xưởng vẽ, nhưng khi thấy hai cánh cửa được khóa chặt bằng một ống khóa lớn, Paul thất vọng nói:
- Chắc chị chẳng bao giờ đặt chân đến đây.
Phi Nga đứng dậy ẵm bé Hoàng đi theo Paul:
- Để chị mở cửa cho em. Nhưng chị đã bảo chị không vẽ được thêm gì nữa cả.
Khi hai cánh cửa mở rộng ra, Paul chạy tọt vào trong, đứng nhìn khắp nơi rồi đi lại bên giá vẽ, mở tấm vải che bên ngoài:
- Chưa vẽ xong?
Nhưng khi Paul nhìn kỹ và nhận ra đó là hình của Dũng thì hỏi bằng một giọng bất bình:
- Chị vẽ hình anh ấy?
Phi Nga gật đầu:
- Em thấy anh ấy bao giờ mà nhận ra?
- Cần gì phải thấy. Chị không vẽ thêm một bức tranh nào, mà lại vẽ bức tranh này thì là hình của anh chớ hình ai?
Ngắm kỹ một lúc, Paul nói:
- Anh ấy tầm thường quá! Nhưng sao nét mặt anh không được vui, lại dường như có điều gì lo nghĩ?
Phi Nga lấy vải phủ bức tranh lại:
- Chúng ta vào nhà uống nước đi.
- Thôi chị, cho em về, em đến đây mà không nói cho mẹ em biết, thế nào mẹ em cũng cho người đi tìm.
- Nhưng thế nào bà cũng biết là em đến thăm chị. Sao em về gấp vậy?
- Em còn đi thăm tụi bạn.
Khi Paul về rồi, Phi Nga hôn lên đầu bé Hoàng:
- Danh vọng và sự nghiệp của mẹ đây.
Nhưng khi bé Hoàng ngủ ngon lành trong đôi cánh tay của Phi Nga sau một hồi đùa giỡn với mẹ thì Phi Nga trở nên nghĩ ngợi. Phi Nga nhớ đến cái hôm mà nàng gặp Giang. Giang đến thăm Phi Nga với Đình. Vì Đình đã giới thiệu với Giang về tài vẽ của Phi Nga, nên khi gặp Phi Nga, Giang hỏi:
- Sao cô không đi học vẽ?
Phi Nga còn nhớ là mình đã trả lời Giang:
- Tôi chưa muốn học.
- Bao giờ cô mới muốn? Đợi đến khi có gia đình rồi thì còn học được gì nữa. Một ông chồng là tất cả của người đàn bà, một ông chồng sẽ lấy hết thì giờ của cô.
Giang đã nhìn Phi Nga sửng sốt, và khi Đình rủ chàng về thì chàng nói:
- Nếu có dịp tôi sẽ gặp lại cô.
Sau đó Phi Nga được Đình cho biết là Giang phục Phi Nga có tài, Giang sẵn sàng chỉ vẽ thêm cho Phi Nga. Nhưng sau cái lần gặp đầu tiên ấy, Giang không đến nữa. Phi Nga hỏi thì Đình bảo Giang bận lắm và Đình có nói sơ qua về Giang cho Phi Nga biết:
- Anh ấy là một họa sĩ, mà họa sĩ tức là người sống cho nghệ thuật, tất cả vì nghệ thuật. Với họ chỉ có sự nghiệp là đáng kể. Anh Giang đã có một người vợ, do cha mẹ cưới cho anh, nhưng dường như anh không thích người vợ này, anh chỉ thích sống bừa bãi với những cô bạn gái. Anh bảo: Một họa sĩ mà có vợ thì còn đâu là sự nghiệp!
Ít khi Đình nhắc đến Giang, cho đến khi Đình hân hoan báo cho Phi Nga biết là Giang được học bổng đi Rome, gởi lời chào Phi Nga. Hôm ấy Đình nói:
- Anh Giang bảo giá không có vợ thì anh sẽ kết bạn với Phi Nga để hai người cùng phụng sự cho hội họa. Hai người sẽ cùng ký dưới một bức tranh.
Nghe Đình nói thế, Phi Nga bẽn lẽn:
- Anh chỉ tài bịa đặt, anh Giang không bao giờ nói như thế. Anh Giang không đến từ giã tôi để đi ngoại quốc đủ thấy anh ấy không quan tâm đến tôi.
Đình không nói gì, nhưng Phi Nga đoán biết là Đình không thành thật với mình về chuyện Giang. Có lẽ Đình sợ để Giang và Phi Nga gặp nhau thường thì cả hai sẽ cảm nhau mà Đình không còn hy vọng chiếm được con tim của người đẹp. Nhưng Đình đâu ngờ là Phi Nga lại yêu một người rất tầm thường như Dũng, Dũng lại không hề tìm cách chinh phục Phi Nga.
Sau ngày nghỉ hè, Dũng có vẻ mệt mỏi, kém vui. Phi Nga không hiểu tại sao Dũng bỗng có ý muốn mua một ngôi nhà khác. Chàng nói:
- Nếu là nhà của mình, em sẽ tha hồ trang hoàng theo ý muốn của em.
Phi Nga liền bàn:
- Hay để em lấy món tiền hồi môn mua nhà? Chúng ta ở rộng mà hai con có chỗ chạy chơi. Ngôi vườn này nhỏ quá, trồng trọt gì cũng không được.
- Ngôi vườn nhỏ thế này mà anh cũng chẳng trồng trọt gì được. Anh lười quá.
Nhưng rồi Dũng lại tự bào chữa:
- Nhà của người ta chớ nào phải nhà mình mà trồng cho mệt. Bao giờ chúng ta có nhà riêng, em sẽ thấy anh làm lụng ngoài vườn suốt ngày.
- Chúng ta sẽ lưu ý về việc mua nhà, tậu vườn. Nhưng anh định ở đây mãi sao? Việc dạy dỗ có thể dời đổi chỗ, anh cũng thừa biết điều này.
- Mua nhà để đó, ở được càng tốt, không ở thì cho mướn, còn không bán lại cũng có lời.
Phi Nga lấy làm ngạc nhiên tại sao lần này khi nghe nàng nói lấy tiền hồi môn để mua nhà, Dũng không phản đối nữa.
Trong khi Phi Nga chưa tìm được một ngôi nhà vừa ý thì Paul lại hiện ra đưa nàng vào một giấc mộng khá vui, khá đẹp. Tuy vậy, Phi Nga cũng tự nhủ:
- Bao giờ các con lớn rồi sẽ hay.
Hai hôm sau, bà Quỳnh đến thăm nàng, bảo là bà đến trễ vì xe hỏng máy, phải chờ sửa. Cũng như mọi lần, bà mang cho Phi Nga rất nhiều quà, có cả quà của ông Malê ở Pháp gởi qua:
- Nhà tôi gởi cho cô cái gói này. Chắc có cả thư của nhà tôi trong ấy. Thằng Paul nó đã kể gì với cô rồi? Tôi nhận được thư nhà tôi nói về bức tranh của cô. Cô may mắn quá, con đường vinh quang mở ra trước mắt cô mà cô lại không chịu bước lên, nhà tôi tiếc lắm. Nhà tôi bảo kỳ sau cô sẽ nhận được những tờ báo có bài phê bình về bức tranh “Người gánh lúa” của cô.
- Ông bà tử tế với tôi quá. Chỉ tiếc là tôi chưa thể nghe lời khuyên của ông.
- Nhà tôi tin chắc cô sẽ nghe lời khuyên của nhà tôi khi cô gặp họa sĩ Giang. Nhà tôi gặp ông Giang ở phòng triển lãm tranh ấy. Ông Giang rất mừng khi thấy bức tranh của cô được phần thưởng khuyến khích. Theo lời ông Giang nói với nhà tôi thì ông ta có quen với cô lúc cô chưa có chồng.
Phi Nga không muốn nghe bà Quỳnh nói mãi về chuyện bức tranh, nên nói:
- Bà để cháu nghĩ kỹ lại đã. Lần này có lẽ cháu phải nghe lời ông mới được. Gặp lại bà, thấy bà khỏe mạnh, cháu mừng lắm.
Rồi Phi Nga chỉ bé Hoàng:
- Cháu cũng đã lớn. Chập chững đi rồi. Đã biết gọi ba, má...
Bà Quỳnh khen:
- Cháu dễ thương quá nhỉ.
Rồi bà thở dài:
- Tại vậy mà cô không muốn nghĩ chuyện tương lai, sự nghiệp của cô.
- Cháu đã nghĩ nhiều về vấn đề này, bà ạ. Người đàn bà có chồng thì tương lai, sự nghiệp là con cái của mình.
- Nhưng cậu giáo có bao giờ nghĩ đến sự nghiệp của cậu không? Hay là cậu an phận với nghề gõ đầu trẻ này, an phận ở đây, không cần biết nơi nào khác?
Bà Quỳnh thấy Phi Nga không để ý đến gói quà mà bà vừa mang lại thì nói:
- Cô mở thử cái gói kia và đọc bức thư mà nhà tôi gởi cho cô.
Nể lời bà Quỳnh, Phi Nga mở cái gói thì đó là một quyển sách bách khoa về hội họa, có cả những bức tranh nổi tiếng từ xưa đến nay ở những nước trên thế giới.
Phi Nga mừng rỡ:
- Ông cho tôi quyển sách này thật có ích. Lúc nào ông cũng lo nghĩ đến tôi. Tôi biết nói gì để cám ơn ông bà. Chỉ tiếc hiện giờ tôi đang có thai.
Bà Quỳnh nói như một tiếng thở dài:
- Lại có thai!
Phi Nga mở bức thư của ông Malê ra đọc lớn cố ý cho bà Quỳnh cùng nghe. Nhưng bức thư vỏn vẹn có mấy hàng:
Cô Phi Nga, cô còn nhớ những lời khuyên nhủ của tôi không? Tôi đợi mãi không thấy thư cô, chắc là cô chưa cần đến sự giúp đỡ của tôi. À, bức tranh của cô được nhiều người chú ý lắm. Tôi sẽ gởi những tờ báo có bài phê bình về cho cô. Tôi có gặp họa sĩ Giang chắc cô biết ông ta. Nếu từ nay đến ngày ông Giang về nước mà cô không thay đổi ý kiến thì lúc ông Giang gặp cô, ông ấy lãnh phần chinh phục cô đó. Luôn luôn nhớ đến cô.
Malê
Bà Quỳnh tươi cười:
- Tôi không thấy người nào săn sóc cô như nhà tôi, đó chẳng qua là lòng liên tài. Nhà tôi đã dắt dẫn không biết bao nhiêu người bước lên con đường vinh quang, danh vọng. Vậy mà bây giờ gặp cô, nhà tôi không thuyết phục cô được, kể cũng lạ. Chắc ông ta đang bực mình về việc này.
- Nhờ bà viết thư nói dùm với ông là hiện giờ tôi đang có thai.
- Tại sao cô không viết cho nhà tôi? Viết cho ông vài hàng cũng được.
- Bây giờ tôi có viết cho ông cả chục bức thư, dài năm bảy trang giấy mà nếu tôi bảo tôi chưa thể học vẽ được, chưa muốn nghĩ đến tương lai và sự nghiệp nào khác ngoài chuyện tương lai và sự nghiệp của chồng con, thì ông cũng liệng những bức thư ấy vào sọt rác mà thôi. Ông chỉ cần tôi viết một câu thôi, nhưng cái câu ấy hiện giờ tôi chưa viết được...
- Cô bảo nhà tôi chỉ cần cô viết một câu. Câu gì vậy?
- Nhờ ông ấy giới thiệu cho một họa sĩ, hay là tôi sẽ gặp ông tại... Chỉ một câu như thế, nhưng câu ấy sẽ định đoạt cả cuộc đời tôi, thay đổi cả cuộc sống của tôi.
- Thế tại sao cô không viết?
Phi Nga cười một cách hồn nhiên:
- Bà hiểu vì lẽ gì rồi.
Phi Nga cầm tay bà Quỳnh đặt lên bụng của mình:
- Bà nghe đó, đứa bé đã bắt đầu cử động mạnh. Một mầm sống đang lớn dần trong tôi. Cái việc này cần thiết hơn tất cả mọi việc trên đời.
Bà Quỳnh nhìn kỹ nét mặt hồn nhiên như một đứa trẻ của Phi Nga lúc ấy. Đôi mắt đen sáng rực, đôi môi hé mở như một đóa hoa hàm tiếu, để lộ những cái răng vừa trắng vừa nhỏ. Phi Nga không có vẻ gì là một thiếu phụ đã có một lần sanh đẻ và giờ đây sắp làm mẹ một lần nữa. Nàng bé bỏng, ngây thơ và xinh đẹp một cách lạ lùng.
Bà Quỳnh nghĩ:
- Một con người không biết tham vọng. Và có lẽ hạng người này mới dễ hưởng được hạnh phúc.
Bà Quỳnh bất giác cảm thấy yêu thương Phi Nga một cách lạ lùng. Bà đặt lên mái tóc Phi Nga một cái hôn:
- Chồng tôi phải đợi cô sanh xong, chờ biết sao? Cô phải biết nàng nghệ thuật không chịu chờ đợi ai mà thời cơ cũng không đến hai lần trong đời người ta.
Phi Nga cảm động và sung sướng vì cử chỉ thân yêu của bà Quỳnh nên nói:
- Cháu có bắt nàng nghệ thuật đợi cháu bao giờ?
Bà Quỳnh nguýt yêu Phi Nga:
- Tôi chịu thua cô rồi. Cô cứng đầu không ai chịu nổi, nhưng khổ cho tôi là tôi lại phải nhượng bộ trước sự cứng đầu mới tức chớ.
Nói xong bà đưa tay choàng qua vai Phi Nga rồi cả hai đi ra cửa:
- Tôi sẽ còn đến thăm cô. Bao giờ thì cô sanh?
- Cuối năm. Còn những bốn tháng nữa. Bà có vui lòng nhận làm mẹ đỡ đầu cho cháu bé này không?
Bà Quỳnh cười:
- Tôi thì sao cũng được, chớ còn nhà tôi thì ông ấy bảo chỉ làm cha đỡ đầu cho những bức tranh sắp tới của cô mà thôi.
Phi Nga reo lên:
- Ông nói hay thật, nhưng chuyện ấy còn lâu.
Bà Quỳnh lên xe rồi còn nói:
- Tôi nghe ông hội đồng Tích nói ở đây ai cũng phục cô hết, kể cả bà Châu, vợ ông hiệu trưởng. Bà ấy phục cô đến nỗi giờ đây bà ấy đi học vẽ để theo kịp cô. Nhưng bà ấy lầm, vẽ phải có thiên tài mới mong nổi tiếng, nổi tên, chớ còn vẽ theo lối bắt chước thì suốt đời cũng chỉ làm anh thợ sơn mà thôi.
Đợi cho chiếc xe của bà Quỳnh chạy khuất sau lũy tre xanh. Phi Nga mới lững thững đi vào nhà. Nàng ngồi phệch xuống chiếc ghế dựa, đeo đuổi theo những tư tưởng mà nàng bỗng thấy hiện ra trong đầu óc từ khi bà Quỳnh ra về. Lúc nãy khi đọc bức thư vắn tắt của ông Malê, Phi Nga có vẻ như không chú ý đến nhưng bây giờ thì nàng nhớ lại từng câu, từng chữ không sót một ý nào.
Rồi Phi Nga nhớ lại những lời bà Quỳnh đã nói với nàng. Phi Nga ngồi thừ người cả giờ không để ý là bé Hoàng vịn hai tay vào thành ghế và đi từ ghế này qua ghế khác, miệng thì kêu “Ma! Ma!”. Nàng không còn nghe thấy tiếng động bên ngoài mà chỉ còn nghe những lời trong bức thư của ông Malê. Nàng nghĩ:
- Bức tranh của ta được một giải thưởng an ủi trong một triển lãm tranh ở kinh đô của một cường quốc ở Châu Âu, thật là một vinh dự ngoài sức tưởng tượng.
Dù chưa có thể đeo đuổi theo sự nghiệp của mình nhưng Phi Nga cũng cảm thấy lòng đang mở rộng, đón một niềm vui mới mẻ.
Giữa lúc ấy Dũng đi dạy về, chàng đã bước vào trong sân mà Phi Nga cũng không hay biết. Dũng đi vào nhà, bé Hoàng reo lên khi thấy chàng:
- Ba! Ba!
Và thằng bé đưa hai tay về phía trước, chờ chàng ẵm lên. Dũng cười hỏi vợ:
- Em nghĩ gì mà trông bơ phờ như thế?
Phi Nga giật mình như rơi từ cung trăng xuống:
- Mấy giờ rồi mà anh đã về?
Dũng cười có vẻ tha thứ:
- Tội nghiệp em tôi chưa? Quên cả thời gian, chắc cơm nước gì cũng chưa có. Vậy để anh đi nấu nhé.
Phi Nga vội vàng đứng lên. Bé Hoàng nhảy trong đôi tay cha và cười reo ầm ỹ. Dũng hỏi bé Hoàng:
- Mẹ ở nhà làm gì mà giờ này chưa lo cơm nước cho cha con mình?
Bé Hoàng lấy tay đập vào má Dũng, cười toe toét để lộ hai hàm răng chưa mọc đầy đủ, Phi Nga lấy cái gói trên bàn và nói:
- Ở nhà em có khách, bà Quỳnh đến thăm.
Dũng nói như có vẻ tiếc rẻ:
- Đã từ lâu bà ấy không đến.
Và Dũng nghĩ nhưng không nói ra:
- Và như thế hay hơn. Mỗi lần bà ấy đến là một lần tâm hồn Phi Nga bị xáo trộn.
Phi Nga nói:
- Đây là quà của ông Malê gởi từ Pháp qua. Một quyển sách nghiên cứu về ngành hội họa. Có đủ những bức tranh nổi danh từ trước đến nay, và ở khắp các nước của các họa sĩ tên tuổi.
- Món quà đặc biệt quá. Ông Malê vẫn còn ở bên Pháp chứ.
- Còn...
- Chỉ có một quyển sách ấy thôi à!
- Có một bức thư rất ngắn.
Rồi Phi Nga nói tiếp:
- À, bức tranh “Người gánh lúa” của em được một giải thưởng an ủi.
- Nghĩa là em sắp được ngang hàng với những họa sĩ có tên tuổi?
- Đây là cuộc triển lãm những bức tranh của các nghệ sĩ tự do, chưa thuộc hẳn về trường phái nào, chưa có tên tuổi, chưa có thầy hướng dẫn. Ông Malê cho biết ông có gặp họa sĩ Giang trong cuộc triển lãm này. Anh Giang cũng sắp về nước.
Dũng hôn lên mái tóc tơ của Hoàng và nói một cách như không quan tâm đến chuyện của vợ:
- Lớn lên con sẽ làm gì hả Hoàng? Đi dạy học làm ông giáo quèn ở một làng nhỏ, hay vẽ tranh để nổi tiếng như mẹ con?
Hoàng nhìn cha cười:
- Ma! Ma!
Không thấy Dũng hỏi về bức thư của ông Malê, Phi Nga đi xuống bếp làm cơm.
Đêm hôm ấy, đang ngủ ngon lành, Phi Nga giật mình thức dậy vì bỗng có cảm giác Dũng không còn nằm bên nàng. Mà đúng như thế, Dũng đã ra đứng chống tay trên thành cửa sổ để nhìn ra vườn. Cánh cửa sổ đầu hôm Phi Nga mở rộng cho mát vì trời nóng bức quá. Ánh trăng lọt vào phòng. Bên ngoài trời quang đãng. Lúc ấy đã ba giờ.
Phi Nga tự hỏi:
- Tại sao đêm nay Dũng lại không ngủ được? Thường ngày vừa đặt lưng xuống giường là ngủ một giấc ngon lành đến sáng.
Phi Nga bỗng nhớ đến món quà của ông Malê đến bức thư,Nlến chuyện bức tranh được các báo nhắc nhở, phê bình suốt cả tháng. Chiều hôm qua trong bữa cơm Dũng không hề nhắc đến chuyện ấy, chàng tỏ ra vui vẻ, nói cười luôn miệng, nhưng trong sự vui vẻ ấy Phi Nga thấy rõ là Dũng cố giấu một sự bực mình. Đêm nay chàng lại không ngủ. Phi Nga nhè nhẹ ngồi dậy, đi chân không lại đặt nhẹ bàn tay lên vai chồng:
- Sao anh không ngủ?
Cử chỉ đột ngột ấy giữa đêm khuya, trong sự im lặng hoàn toàn của vũ trụ, lại không hề làm Dũng giật mình. Chàng cứ đứng im như pho tượng đá.
Phi Nga sợ hãi kêu lên:
- Ô kìa, sao anh không...
Nàng chưa nói hết câu thì Dũng đã quay phắt lại. Trên đôi mắt của Dũng, Phi Nga thấy dường như long lanh nước. Phi Nga vẫn chưa tin nên lấy tay sờ lên mặt Dũng và hốt hoảng hỏi:
- Anh khóc sao anh Dũng?
Dũng cũng hốt hoảng khi thấy Phi Nga khám phá ra là mình khóc. Anh cố chối:
- Tại anh ngáp nên nước mắt chảy.
Phi Nga ôm chầm lấy Dũng:
- Không, anh đã giấu em, anh có chuyện buồn.
Dũng nhè nhẹ gỡ tay của Phi Nga ra, rồi quay mặt nhìn lên bầu trời đêm. Trăng sáng đang lơ lửng giữa trời, những vì sao lấp lánh như những hạt kim cương. Phi Nga choàng tay qua vai Dũng, đứng sát vào người chàng, rồi cũng nhìn lên không trung. Cả hai đều im lặng không ai nói với ai lời nào. Họ đứng như thế không biết là bao lâu.
Dũng buồn, điều ấy thấy rõ, nhưng giờ đây chính Phi Nga cũng cảm thấy một nỗi buồn khó tả. Nàng nghe ngột ngạt khó thở, như vừa bị đầu độc bởi một chất gì mà nàng chưa khám phá ra được. Nàng bỗng thấy căn phòng ấy thiếu không khí, quá chật hẹp đối với vòm trời cao lồng lộng giữa đêm khuya. Giữa lúc ấy một con vạc đi ăn đêm buông lên những tiếng lẻ loi như phá tan cái không khí yên tĩnh. Phi Nga nghĩ:
- Con vạc kia và ta, ai lẻ loi, cô đơn hơn?
Có tiếng Dũng thở dài bên tai nàng:
- Anh vô lý thật, đã làm em mất ngủ.
Phi Nga siết chặt đôi vai của Dũng:
- Nhưng tại sao anh không ngủ? Anh buồn chuyện gì?
- Không, anh nghĩ vơ vẩn vậy thôi.
Rồi Dũng siết đôi vai của Phi Nga bằng một cử chỉ âu yếm thật sự:
- Tự nhiên anh đâm ra cuồng trí. Anh đã nghĩ như một kẻ điên.
- Anh nghĩ cái gì?
Dũng bẽn lẽn:
- Nói ra xấu hổ lắm. Em sẽ cười anh, khinh anh và oán anh là khác.
- Việc gì thế?
Dũng thú thật:
- Anh đang ngủ bỗng có cảm giác mất em. Anh ngồi ngay dậy và khi anh ra đứng đây, anh đã cố tìm một giải pháp. Nếu không có em thì anh sẽ sống như thế nào?
Trong khoảnh khắc ấy, Phi Nga hiểu tất cả, vì lẽ gì mà Dũng lại nghĩ như thế. Chỉ vì cái giải thưởng mà ông Malê vừa cho nàng hay. Sự thật Phi Nga cũng chưa biết dư luận bên ấy đã bàn tán như thế nào về tài của nàng.
- Con vạc lẻ loi trong đêm tối, nhưng nó còn tự do tung cánh bay giữa bầu trời bao la. Chớ còn ta, ta có khi nào được tung trời mà bay như thế?
Ý nghĩ ấy vừa hiện ra trong trí Phi Nga thì cái bào thai trong bụng nàng chợt cựa quậy như nhắc nhở nàng bổn phận trước mắt. Phi Nga lấy tay Dũng đặt lên bụng mình:
- Anh lắng nghe con chúng ta đạp kìa. Nó đạp mạnh lắm rồi. Chắc là một đứa con gái.
Dũng cảm động nói bằng một giọng buồn buồn:
- Anh cũng thích có thêm một đứa con gái. Thôi, chúng ta đi nghỉ. Anh xin lỗi em.
Phi Nga không nói không rằng đi theo Dũng. Khi nằm lên giường, Dũng nói:
- Nếu không có em, cuộc đời của anh mới ra sao nhỉ?
Phi Nga thở dài:
- Đừng nói nhảm mà anh.

*

Nhân ngày giỗ ông, Phi Nga về thăm cha mẹ, mang theo bé Hoàng. Vì gần ngày sanh, Phi Nga được mẹ và các em cho ngồi ở trên nhà, không phải xuống bếp nấu nướng hay dọn dẹp. Bà Minh nói:
- Con lên nhà trên nói chuyện với cha con. Để mẹ và các em nấu nướng được rồi. Còn mấy bà hàng xóm qua làm phụ nữa.
Phi Nga ẵm con lên nhà, ông Minh đang ngồi trầm ngầm nhìn lên bàn thờ, thấy Phi Nga với dáng điệu nặng nề, tay dắt bé Hoàng thì nghĩ:
- Mới đó mà tay bồng tay dắt.
Phi Nga vừa cười vừa nói:
- Mẹ không cho con làm gì hết. Con gái có chồng, về nhà cha mẹ là được nuông chiều.
- Chớ bụng dạ như thế kia lại thêm con nhỏ nữa thì làm cái gì. Con ngồi đây cha hỏi cái này.
Phi Nga ngồi xuống ghế bên cha. Ông Minh nói:
- Hôm nọ cha có gặp ông hội đồng Tích, ông ấy có nói về bức tranh mà con gởi dự thi ở Pháp.
- Không phải con gởi dự thi đâu, cha ạ. Con bán bức tranh ấy cho bà Quỳnh và ông Malê đưa đi dự thi.
- Nhưng con đã được một giải thưởng an ủi và người ta khen bức tranh ấy, có phải vậy không?
- Dường như vậy. Con chưa biết rõ mà chỉ nghe bà Quỳnh nói lại mà thôi. Ông Malê có hứa sẽ gởi những số báo có viết bài phê bình về bức tranh cho con xem nhưng con chưa nhận được.
- Như vậy là con may mắn lắm. Có phải ông Malê muốn con học thêm về ngành hội họa không?
- Ông ấy khuyên thế thôi, còn học hay không là quyền của con.
- Ông ấy khuyên như thế, có gì là quá đáng đâu? Con nên thu xếp thì giờ để học.
Phi Nga ngó xuống cái bụng của mình:
- Lúc này con chưa tính đến chuyện ấy được cha ạ. Còn nhiều việc khác phải lo.
Ông Minh lặp lại:
- Con nói phải. Còn nhiều việc khác phải lo. Nhưng con nên nhớ cái cưa, cái cuốc, con dao để lâu không dùng rồi cũng rỉ sét. Con bỏ không vẽ thì rồi con cũng không còn thích sờ mó đến cây cọ nữa.
Ngừng một lát, ông Minh nói tiếp:
- Dùng nghĩ thế nào về việc con được giải thưởng?
- Anh ấy không nói gì hết.
- Nó cũng phải có một phản ứng chớ, hoặc vui, hoặc buồn.
- Anh Dũng bảo lúc nào cũng nghĩ đến hạnh phúc của con, nếu con có vì sự nghiệp mà không lo nổi việc gia đình thì anh cũng không lấy thế làm phiền con.
Ông Minh gật đầu:
- Nó nói vậy là phải lắm. Con không thấy bà Châu đó à, bà ta đã lớn tuổi như vậy mà vẫn cố gắng học vẽ để trở thành một họa sĩ thì sao. Con không chịu học thêm là uổng lắm.
Phi Nga cười:
- Đời có nhiều bà Châu...
Ông Minh hiểu ý con gái nói gì, nên cũng cười:
- Nhưng đời chỉ có một mình Phi Nga, con gái của cha. Con có ý tự phụ như thế cũng được lắm.
Sau bữa giỗ, Phi Anh và Phi Yến đều hỏi chị về chuyện được giải thưởng. Phi Nga cười:
- Giải thưởng ấy thì thấm tháp vào đâu so với cái giải thưởng mà chị sắp nhận được trong một ngày gần đây.
Phi Anh hỏi:
- Giải thưởng gì nữa?
Phi Yến cũng hỏi:
- Chị lại gởi tranh dự thi nữa à?
- Không, đây không phải là chuyện tranh, chuyện vẽ, mà chị sắp có con. Một đứa con gái.
Phi Anh bĩu môi, tỏ vẻ thất vọng:
- Đẻ cho nhiều, vài ba năm nữa trông chị già khú và mộng đẹp ngày xanh không còn thực hiện được.
Phi Yến cũng nói:
- Chị chỉ biết có anh Dũng, nhưng anh ấy làm sao ngăn cản con đường tiến thủ của chị được.
- Anh ấy ngăn cản làm gì? Các em cứ vu khống cho anh Dũng, tội chết, anh ấy hiền lắm, cắn cơm không bể mà!
Phi Anh nói:
- Chính những hạng người ấy mới đáng sợ, lạt mềm buộc chặt mà!
Phi Yên cười vì nghe câu nói hay hay của chị. Phi Anh được thể liền nói:
- Bà Châu bất tài như vậy mà còn đi học vẽ, còn chị, chị lại định dẹp tất cả để lo cho mỗi một mình anh Dũng. Mà nào anh ấy có phải là người có tài gì cho cam.
- Các em không nên công kích anh Dũng hoài vậy. Chị không muốn nghe các em bàn đến công việc của chị. Thế nào, cha bằng lòng rồi đó, sao Phi Anh chưa đi học?
Phi Anh nói:
- Em sắp đi rồi. Lần này chị sanh cháu nhỏ chắc không có em ở nhà. Từ nay em không bàn gì về chuyện của chị nữa.
Từ hôm ăn giỗ ở nhà cha mẹ về, Phi Nga thấy Dũng có vẻ băn khoăn, lo nghĩ. Sau cái đêm Dũng ra đứng ở cửa sổ đôi mắt ngấn lệ, Phi Nga nhận thấy Dũng ít nói hẳn, có khi ngồi sững cả giờ không buồn nhìn đến bé Hoàng. Rồi một hôm ở trường về, Dũng đột ngột nói với vợ:
- Anh xin đổi về Biên Hòa.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Từ miền Tây xin đổi về miền Đông? Lại xin đôi giữa niên khóa thế này? Ông hiệu trưởng có chịu chuyến đơn của anh lên cấp trên không?
Dũng chậm chạp nói:
- Lẽ ra anh nên bàn với em về việc này, trước khi gởi đơn đi. Nhưng anh nghĩ, chúng ta là một, em không bao giờ phản đối việc làm hợp lý nào của anh, mà việc anh xin đổi đây cũng rất hợp lý.
Phi Nga dằn từng tiếng:
- Hợp lý? Hợp lý khi niên khóa chưa mãn, khi em đang thai nghén gần ngày sanh... Đổi lên Biên Hòa, mình không quen với ai hết, nhà cửa phải thuê mướn. Trả ngôi nhà này lại cho ông Châu, em tiếc lắm. Đây đang là tổ ấm của chúng ta.
- Giữa niên khóa xin đổi khó lắm chớ đâu phải dễ. Anh có một người bạn dạy ở Biên Hòa. Anh ấy có việc nhà, cần về đây, anh ta năn nỉ anh hoán đổi cho nhau. Có vậy mới mau chóng. Em có sanh cũng còn vài tháng nữa.
- Anh đã có ý đổi đi nơi khác thì mọi việc anh lo lấy, em không lo được nữa. Em thấy mệt lắm rồi.
- Từ trước đến giờ anh không bao giờ nghe em kêu mệt.
- Nhưng lần này thì em mệt. Anh lo sao cũng được, miễn là có nhà ở, đồ đạc chuyển lên trên ấy đầy đủ cho em thì thôi.
Dũng buồn bã nói:
- Em không lo thì anh lo chớ sao. Nhưng anh lo thì không thể nào đầy đủ bằng em. Theo lời anh Phong thì có một biệt thự nhỏ rộng bằng hai ngôi nhà này. Nhà ở trên bờ sông, mát mẻ. Cái biệt thự ấy anh Phong thuê nhưng bây giờ người ta muốn bán, vài trăm nghìn gì đó. Em nhắm mua được thì mua.
- Anh thấy nhà chưa?
Dũng lắc đầu:
- Sắp có lễ được nghỉ hai ngày, anh định đi Biên Hòa xem nhà cửa ra sao? Anh sẽ hỏi kỹ càng hơn, rồi chúng ta định liệu sau.
- Anh cứ quyết định đi, không cần có ý kiến của em. Anh xin đổi, anh có hỏi ý kiến em đâu?
Từ ngày cưới nhau, đây là lần đầu Phi Nga nói lẫy với chồng. Dũng biết Phi Nga đang giận vì Phi Nga hiểu rõ nguyên nhân khiến Dũng không muốn ở đây nữa. Dũng không thích cho Phi Nga gặp bà Quỳnh thường. Nếu Phi Nga ở Biên Hòa, mỗi lần về thăm ông hội đồng Tích, bà Quỳnh sẽ không đến thăm Phi Nga được. Nàng sẽ không nhận được tin tức của ông Malê. Không ai nhắc nhở nàng về chuyện vẽ. Bà Châu cùng không lui tới kể chuyện học vẽ với các họa sĩ ở Sài Gòn. Như thế hạnh phúc của Dũng không bị hăm dọa nữa.
Dũng thấy rõ là Phi Nga đang tức giận nên hỏi:
- Em không muốn cho anh đối lên Biên Hòa à?
Phi Nga bực dọc:
- Anh đặt em trước một việc đã rồi như thế, anh còn hỏi em bằng lòng hay không thì thật là dư sự. Em hiểu vì lẽ gì anh không muốn ở đây nữa. Em nói cho anh hiểu, với em, ở bất cứ nơi nào, em cũng có thể tạo một nếp sống yên vui, hạnh phúc. Hạnh phúc do mình tạo ra. Nhưng dời chỗ ở giữa lúc em mang thai gần ngày như thế này, em thấy anh nông nổi và thiếu suy nghĩ.
Trước những lời trách móc của vợ, Dũng thấy hối hận, liền đi lại ngồi bên Phi Nga. Để nàng bớt tức giận, Dũng bắt chước những cử chỉ mà trước đây nàng dùng để làm Dũng đừng nghĩ ngợi lan man. Dũng cầm lấy tay Phi Nga đặt lên bụng của nàng:
- Nghe kìa, con đạp mạnh thật. Nó đang đòi quyền được sống.
Nhưng lần này nghe Dùng nói thế, Phi Nga cau mày:
- Anh nói đúng, nó đang đòi quyền được sống và chắc chắn nó là một đứa con gái. Đàn ông các anh tha hồ ngang dọc, còn đàn bà chúng tôi thì lúc nào cũng đóng vai phụ vì thế lắm lúc cũng bực mình, muốn đạp tiêu phòng mà ra.
Trong khi Dũng đang sững sốt vì câu nói của Phi Nga thì nàng nói tiếp, giọng mỉa mai:
- Đạp tiêu phòng là cảnh các cung nữ ngày xưa, còn con bé trong bụng em thì chắc chắn là nó muốn đạp cái bụng em để trông thấy ánh sáng.
- Tại sao em biết nó là một đứa con gái? Em muốn mà được sao?
- Sao lại không được? Ý chí em mạnh lắm, anh biết mà. Nhưng thôi, bàn chi chuyện viển vông. Anh nhất định đổi về Biên Hòa phải không? Được, em không làm trái ý anh, nhưng mọi việc anh hãy lo lấy.
Phi Yến và Phi Anh được tin chị sắp dọn về Biên Hòa liền đến thăm và phản đối:
- Anh ấy làm mà không hỏi ý kiến chị à?
- Và chị bằng lòng đi theo anh ấy à? Cha mẹ biết chuyện này đều không được vui. Cha bảo có chồng thì phải theo chồng, cha mẹ đâu có quyền gì trong việc này, cha nói vậy nhưng em thấy cha buồn. Còn mẹ thì không yên lòng vì nghĩ đến lúc chị sanh không có ai ở bên chị.
Phi Anh nói tiếp:
- Bây giờ em mới thấy, anh Dũng ngó vậy mà khó chịu thật.
Phi Yến nói:
- Hôm nọ em chất vấn anh Dũng thì anh bảo anh nể bạn nên mới chịu đổi như vậy. Anh không ngờ chị không vui.