Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 8

     nh sáng của ngọn lửa ấm phản chiếu reo vui trên tấm thảm và những bức tranh treo trên tường trong gian phòng khách xinh xắn, bộ tách trà cũng bóng loáng.
Ông nghị Bird cởi bỏ đôi bốt ra khỏi chân và sắp mang vào đôi vớ mới, đôi vớ mà bà vợ xinh đẹp của ông đã bỏ công đan cho chồng trong mùa tranh cử vừa qua.
Bà Bird thật đúng là hiện thân của hạnh phúc. Bà đang bận trông coi đám tôi tớ dọn bàn ăn, thỉnh thoảng lên tiếng la rầy lũ con nghịch ngợm, đáng yêu. Chợt bà cất tiếng hỏi chồng:
- Này anh, hôm nay có chuyện chi ở nghị trường không?
Ông Bird có vẻ ngạc nhiên khi thấy vợ mình tỏ ra quan tâm đến hoạt động chính trị. Như một số đàn ông khác, ông cho là đàn bà chỉ biết lo chuyện trong nhà, chăm sóc con cái, may vá và bếp núc thôi. Ông chồng tròn mắt lên, nhưng cũng trả lời:
- Này em yêu quý của anh! Anh và các bạn đồng viện vừa thảo luận và thông qua một đạo luật cấm dân chúng giúp đỡ những tên nô lệ trốn từ Kentucky sang đây. Em biết tại sao không? Thế này này: mỗi ngày bọn nô lệ trốn chủ một gia tăng khiến cho các bạn bên đó tức giận lắm, vì vậy tiểu bang chúng ta phải tỏ ra biết điều và có biện pháp ngay để bênh vực quyền lợi đồng ban, đặng họ dịu lạị.
- Đạo luật này ra sao? Chắc là cũng cấm dân chúng trong tiểu bang ta cho kẻ khốn khổ ngụ qua đêm? Có không, anh? Cấm chúng ta bố thí cho họ bữa ăn, vài bộ quần áo cũ và bắt chúng ta thản nhiên nhìn họ lọt vào tay bọn buôn người chứ gì?
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên, tất những điều em vừa kể đều là giúp đỡ cả đấy.
- Anh John, còn anh thì nghĩ sao? Em muốn biết anh có đồng ý với bạn đồng viện của anh không? Anh có cho là đạo luật này công bằng đúng như lời Chúa dạy chăng?
- Maxy! Anh nghĩ... đúng như vậy.
- John, em không tin là anh cũng nghĩ như vậy. Anh không phản đối ư?
- Chúa ơi! Còn sự nghiệp chính trị, còn tương lai của anh, em phải...
- John ơi, anh không biết xấu hổ sao? Đáng lẽ anh phải chống lại chứ? Những con người khốn khổ vô tội ấy không nhà, không cửa... Cái đạo luật bất nhân, làm nhục con người. Em thề là em sẽ làm trái lại bất cứ lúc nào có dịp. Để rồi đây anh sẽ thấy. Hừ, thật đau xót biết chừng nào khi một phụ nữ bị coi là vi phạm luật pháp chỉ vì lòng nhân mà giúp cho đồng loại khốn khổ, những kẻ bị áp bức suốt đời, hành hạ suốt đời, sắp chết đói một bữa ăn nóng, một chỗ nằm nghỉ lưng.
- Mary yêu quý, hãy nghe anh nói đây. Những ý nghĩ của em rất tốt, rất nhân đạo, anh yêu em vì đức tính đó của em. Nhưng mà đôi khi người dân không nên để tình cảm chi phối bổn phận. Vấn đề ở đây không phải là tư vị một cá nhân, mà là bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ta phải hy sinh tình cảm riêng để phụng sự dân tộc.
- Thôi đi anh, em không biết gì về đường lối chính trị, về lập trường của anh. Em, em chỉ biết đọc Kinh Thánh và em thấy rõ trong đó Chúa dạy ta phải cho kẻ đói ăn, cho người rách rưới mặc, an ủi kẻ khốn khổ. Thánh Kinh là lời Chúa, phải không? Vậy em chỉ biết vâng lời ngài.
- Nhưng vào trường hợp mà những hành động nhân đạo của en lại làm cho người da trắng bị thiệt thòi, bất hạnh thì sao?
- Vâng lời Chúa mà gây bất hạnh thiệt thòi cho kẻ khác ư? Em không tin vậy.
- Nghe anh đây: anh sẽ cho em thấy một chứng cớ rõ ràng...
- Không, John ơi! Dù anh có nói suốt đêm đi nữa anh cũng không lay chuyển được em đâu. Vô ích. Em hỏi anh này, anh có can đảm xua đuổi một kẻ khốn khổ, đói rét ra khỏi nhà vì hắn là tên nô lệ đang trốn tránh không? Anh dám làm không? Anh hãy trả lời thẳng thắn cho em nghe đi!
Thành thực mà nói, ông nghị Bird không phải là một kẻ cứng rắn, ông vốn nhạy cảm và tốt bụng. Ông không thể nào đang tâm hất hủi, xua đuổi một kẻ cùng khốn lọt vào nhà và cần sự che chở của ông. Hơn ai hết, bà Bird biết rõ tính chồng nên đã dựa vào đó mà tấn công ông tới tấp, làm ông hết đường chống đỡ.
Ông Bird quả thật đang lúng túng, ông đành trì hoãn câu trả lời bằng cách moi túi lấy khăn tay ra lau mắt kính. Trông thấy thái độ chồng, bà Bird biết ngay là ông đang yếu thế, bà càng hăng hái tranh luận để kéo ông ngả về phía mình.
Giữa lúc cuộc tranh luận đến hồi gay cấn nhất, bỗng lão già Cudjox - viên quản gia da đen của gia đình ông bà Bird - từ đâu lừng lững trờ tới, thì thầm với bà vài lời, tức thì bà đổi sắc đứng lên đi xuống bếp với lão, bỏ dở cuộc tấn công tình cảm.
Ông Bird như người được thoát hiểm, cảm thấy nhẹ nhõm, đưa mắt nhìn theo vợ với ánh mắt nửa vui thích, nửa bực bõ, đoạn xoay người lại ngay ngắn, ông tiếp tục đọc báo, tự nhủ rằng mình đã được yên thân.
Không lâu sau đó, ông nghe tiếng vợ gọi mình, giọng bà có vẻ xúc động, hớt hải:
- Này John ơi! Anh xuống đây ngay! Có cái này...
Đoán rằng có gì khác thường, ông Bird buông vội tờ báo đứng lên, hấp tấp bước vào gian bếp. Và rồi ông đứng lặng, ngẩn người vì cảnh tượng bất ngờ diễn ra trước mắt ông: một thiếu phụ gầy guộc, áo quần rách tả tơi, toàn thân ướt đẫm, cứng còng vì rét; một chân bị tuột mất giày, bàn chân bị nhiều vết xước rướm máu.
Nằm dài trên hai cái ghế được kê liền nhau, nom cô ta xanh xao như một cái xác. Quan sát kỹ một chút, ông nhận ra đó là một thiếu phụ mang hai giòng máu: của người da trắng và người da đen, mặc dù nàng không đen như những người mang giòng máu lai trong huyết quản, nàng vẫn có cái sắc đẹp đặc biệt, vừa u buồn vừa quyến rũ của người da đen.
Ông Bird đứng lặng thinh, tim đập mạnh trong lồng ngực, bồi hồi nhìn thiếu phụ bằn bặt, mê man trong lúc vợ ông và vú già da đen Dina đang tận lực cứu nàng hồi tỉnh.
Lão quản gia Cuxjox thì bế đứa con trai của nàng đặt trên gối, loay hoay khó nhọc trong việc cởi giày, tháo vớ ướt đẫm của nó để sưởi ấm đôi bàn chân nhỏ bé xinh xẻo.
Vú già Dina cất giọng thương xót:
- Tội nghiệp cô ta quá, thưa bà! Lúc mới vào đây cô ta cũng còn tỉnh táo. Cô van nài tôi cho cô được sưởi nhờ một chút, tôi hỏi cô từ đâu đến nhưng cô ta không kịp trả lời thì ngả ra bất tỉnh liền. Bà nhìn tay cô ta xem: chắc đó không phải là bàn tay quen làm việc nặng, vất vả đâu.
- Thật đáng thương.
Bà chủ nhà tiếp lời vú già, giọng xúc động. Thình lình, thiếu phụ hồi tỉnh mở to hai mắt đen láy nhìn quanh bằng cái nhìn xa vắng, thất thần như chưa thoát khỏi trạng thái mê hoảng. Rồi vài giây sau, mặt nàng lộ vẻ kinh sợ, nàng kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi! Henri! Henri con đâu?
Nghe tiếng mẹ kêu, thằng bé tuột khỏi vòng tay lão quản gia chạy lại với nàng. Thiếu phụ ôm cứng lấy con vào lòng, thì thầm:
- Chao ơi! Con của mẹ! Con của mẹ đây rồi!
Nàng đã tỉnh hẳn, với dáng bộ nhớn nhác đáng thương, nàng quay sang bà chủ nhà, nói:
- Cháu van bà, xin bà rủ lòng thương che chở cho mẹ con cháu, đừng để họ bắt mẹ con cháu đi, tội nghiệp...
- Em hãy yên lòng! Ở đây không ai xử ác với mẹ con em đâu. Em sẽ được an toàn trong nhà này.
Giọng bà Bird khoan hòa, chứa chạn từ ái.
- Cháu đội ơn bà, Chúa từ tâm sẽ thưởng công cho bà.
Elisa nói thế rồi lấy tay che mặt, khóc lên rưng rức, không cầm giữ nữa.
Thấy mẹ khóc thằng bé biết là mẹ nó khổ lắm, bèn ôm chặt lấy mẹ, khóc theo.
Một lát sau, Elisa bình tĩnh lại nhờ sự săn sổc ân cần của nữ chủ nhân, cử chỉ hiếm có của người da trắng sống trong nhung lụa vốn có thói quen coi đồng loại khác màu da là hạng thấp kém hơn mình.
Một chỗ nằm tạm thời được gia nhân dọn cho nàng theo lệnh chủ ngay bên lò sưởi. Mặc dù cố gắng song chỉ giây lát nàng chìm trong giấc ngủ mê man. Tuy nhiên, sự hãi sợ bị cướp mất con đã ám ảnh tận trong giấc ngủ, nên dù đang ngủ say, nàng vẫn khư khư ghì chặt đứa trẻ trong lòng. Thật tội nghiệp: hai mẹ con đều kiệt lực vì cuộc hành trình gian khổ vừa rồi.
Trông thấy thế, bà chủ bảo gia nhân bế thằng bé ra đặt nằm riêng cho nàng được thoải mái đôi chút, song mọi cố gắng của họ đều vô ích, không sao gỡ được nó khỏi vòng tay mẹ. Trông thấy thế, mọi người đều nao lòng mà không sao khỏi xúc động trước tình mẫu tử thâm sâu của thiếu phụ. Sau cùng, bà chủ đành bảo gia nhân để cho mẹ con nàng yên trong tư thế đó.
Trở lên nhà trên, ông bà Bird cùng im lặng, một thứ im lặng khác thường, bà vợ ngồi đan áo còn ông chồng thì tiếp tục đọc bài báo bị bỏ dở hai lần.
Một lát sau không chịu được nữa, ông gạt tờ báo sang một bên, lên tiếng:
- Này mình, không hiểu cô ấy từ đâu đến?
- Đợi cô ta khỏe một chút, ta sẽ biết chứ khó chi?
Ông chồng lại cất tiếng sau một phút ngần ngại:
- Này, anh muốn bàn với em điều này...
- Chuyện gì vậy, hở anh?
- Cô ấy... cô ấy có vẻ cao hơn em nhỉ?
- Có lẽ, nhưng sao anh lại quan tâm đến điều này?
- Anh tự hỏi cô ấy có thể mặc được áo em không? Hay là em xuống lai áo em một chút... - Ông có vẻ ngượng ngập - tội nghiệp nó...
Một nụ cười tinh quái nở trên môi bà (một thoáng thôi) vì bà rất hài lòng về ý kiến của chồng. Bà nói:
- Vâng, để em xuống lai cái áo em, chắc được đấy.
Cả hai lại im lặng như cũ. Rồi ông phá tan im lặng lần nữa:
- Này em yêu!
- Lại chuyện gì nữa, hở anh?
- Cái áo choàng em vẫn hay khoác cho anh lúc ngủ trưa đó... Em có thể cho cô ấy không? Cô ấy đang cần.
Đúng lúc ấy, vú già Dina xuất hiện báo cho chủ hay rằng cô gái đã tỉnh và xin được gặp ông bà.
Ông bà Bird liền đứng lên, đi xuống bếp, theo sau họ là hai đứa con lớn (đứa bé nhất giờ này đã ngoan ngoãn lên giường).
Elisa ngồi bên lò sưởi mắt nhìn đăm đăm ngọn lửa hồng, vẻ mặt tỉnh táo nhưng đầy lo âu, khác hẳn với vẻ linh hoạt trong những ngày yên ổn và hạnh phúc trước kia.
- Em hãy kể cho tôi biết việc của em - Giọng bà Bird ôn tồn, ngọt ngào - tôi hy vọng em sẽ vơi bớt buồn phiền.
Elisa thở dài một cái và khẽ rùng mình - ôi, cái thở dài còn ý nghĩa hơn cả ngàn lời kêu than, van vỉ! - Nàng không thốt nên lời dù rằng nàng có không biết bao nhiêu điều cần tâm sự với bà chủ nhà rộng lượng này. Một lúc sau, nàng ngước mắt lên, đôi mắt long lanh đen láy nhìn thẳng vào bà Bird bằng cái nhìn sâu thẳm đầy ý nghĩa khiến cho bà Bird phải cố gắng để cầm nước mắt trước mặt nàng.
- Em đừng sợ gì hết! Tôi rất quý em, hãy coi tôi như một người thân. Hãy cho tôi biết rõ thân thế em, em từ đâu đến và đang cần gì.
- Thưa bà, con từ Kentucky đến.
- Từ bao giờ?
- Thưa, hồi chiều này.
- Em đi bằng gì?
- Thưa, con đã đi trên những tảng băng.
- Đi trên những tảng băng?
Tất cả những người có mặt cùng đồng thanh hỏi lại. Elisa chậm rãi xác nhận:
- Vâng, con đã nhảy trên những tảng băng. Nhờ ơn Chúa, con đã làm được. Con liều thật, nhưng cùng đường rồi, biết làm sao: họ đuổi theo sát gót, không còn lối thoát, phải liều.
- Chúa ơi! Những tảng băng rạn nứt, nổi bồng bềnh và trôi trên sông, thưa bà.
Lão quản gia kêu lên. Vẻ kinh hoàng trở lại trên khuôn mặt người mẹ phi thường:
- Đúng vậy đó, những tảng băng nứt rạn và vỡ ra nhưng con cứ nhảy bừa lên. Con không ngờ là được sang bờ bên này an toàn. Qua sông hoặc chết, con phải chọn một. Chắc Chúa từ tâm đã giúp con. Ngài luôn luôn thương kẻ cùng đường.
Mắt Elisa rực sáng, cương quyết. Ông Bird buột miệng hỏi:
- Cô là nô lệ phải không?
- Thưa ông, con là nô lệ, đúng vậy. Chủ con hiện ở Kentucky.
- Chắc họ đối xử tàn nhẫn với em?
- Thưa không, ông ấy là một người chủ tốt, tất nhất.
- Thế bà chủ ra sao? Bà dữ không?
- Thưa không, ông bà chủ con đều hiền lành, tốt bụng...
- Tốt? - Vậy sao cô lại bỏ trốn đi? Sao lại tìm đến đây, trải qua bao nhiêu nguy hiểm, để làm gì chứ?
Elisa ngẩng mặt nhìn dăm đăm vào bà Bird, tia nhìn dò xét và nàng thấy bà có để tang. Đột nhiên, nàng hỏi:
- Thưa bà, bà đã bao giờ mất một đứa con chưa?
Câu hỏi bất ngờ khơi lại vết thương đau: cách đây hơn một tháng, đứa con trai cưng nhất của gia đình này đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất lạnh.
Ông Bird quay lưng, đi về phía cửa sổ, còn bà vợ không cầm được nước mắt, song cũng cố nén mà trả lời vắn tắt:
- Có, chúng tôi vừa mất một đứa con...
Và bà hôi tiếp:
- Nhưng tại sao em đặt câu hỏi này?
- Thưa bà, nếu bà có một đứa con mất đi thì bà hẳn thông cảm cho con: con đã mất liên tiếp hai đứa con. Con đã chôn chúng trên mảnh đất mà con bắt buộc phải rời bỏ. Con chỉ còn lại một đứa này đây. Con không thể ngủ yên nếu không có nó bên cạnh. Nó là tất cả những gì quý nhất mà con còn lại trên đời: nguồn an ủi, tình thương yêu. Thế mà, thưa bà, họ định cướp lấy đứa con độc nhất của con để bán cho bọn buôn người miền Nam. Họ sẽ bắt nó đi xa một mình, chia rẽ hai nơi, mẹ một chỗ, con chỗ khác, làm sao con chịu nổi?
Elisa ngừng lại một giây, giọng nàng buồn bã hơn bao giờ:
- Thưa bà, từ nhỏ đến giờ, mẹ con con chưa rời nhau một ngày, một giờ nào. Nếu để họ bắt con của con đi, con sẽ không sống nổi, vì vậy, con đã liều lĩnh đưa nó đi trốn trong đêm khuya khi vừa biết tin này. Người mua liền mở cuộc săn đuổi con ngay. Cùng đi với lão buôn người còn có hai gia nhân của chủ con, họ suýt tóm được con nếu con không liều mạng nhảy bừa lên băng sang đây. Thật con cũng kinh ngạc thấy mình thoát được họ. Khi đến bờ bên này con gặp một người đàn ông da trắng tốt bụng, ông ấy đã giúp con và chỉ con đến đây.
Elisa không khóc nữa, mắt nàng ráo hoảnh. Nàng đã trải qua nhiều thống khổ đến nỗi giờ đây nước mắt cạn khô đi. Song mọi người quanh nàng ai nấy cùng bồi hồi xao động.
Hai đứa con của ông bà Bird, sau một hồi lục lọi các túi để tìm khăn tay một cách vô ích - vì chúng luôn luôn bỏ quên đâu đó, các bà mẹ hẳn biết rõ điều này - liền sà đến ôm lấy gấu áo mẹ, òa lên khóc và lau nước mắt nước mũi của chúng vào cái áo đẹp đẽ của mẹ chúng. Bà Bird giấu mặt trong chiếc khăn tay, vú già Dina thì mặc cho nước mắt chảy rưng rưng trên khuôn mặt đen trũi hiền từ. Bà kêu to lên:
- Lạy Chúa, xin Chúa che chở cho chúng con!
Còn già Cudjox thì lấy hai tay chùi hoài lên mắt, trông ông ta vụng về lúng túng đến buồn cười.
Riêng ông nghị Bird, với tư cách đại diện dân chúng, ông không thể khóc lóc như một kẻ tầm thường: ông quay lưng về phía mọi người, nhìn qua cửa sổ, thở dài. Ông hỉ mũi lia lịa, tháo kính đeo mắt xuống, rút khăn lau, chừng như để tỏ cho mọi người biết rằng ông đủ tự chủ trước câu chuyện thương tâm, bi đát vừa nghe. Thình lình, ông quay lại phá tan bầu không khí ảm đạm bằng một câu hỏi:
- Thế sao lúc nãy cô nói chủ cô tốt lắm?
- Thưa ông, thật vậy: chủ con rất tốt, cả ông lẫn bà đều tốt, nhưng vì hiện ông bà đang gặp vận rủi, họ thiếu nợ lão buôn người nên bị lão ấy bắt chẹt phải bán con trai của con...
- Vậy còn chồng cô đâu?
- Thưa, chúng con cùng một hoàn cảnh: chồng con cũng là nô lệ nhưng anh ấy lại thuộc quyền một ông trại chủ khác. Ông này rất độc ác, đối xử tàn nhẫn với chồng con và còn bắt anh ấy không được gặp con. Mỗi ngày ông ấy mỗi ác thêm lên, ông ta còn dọa sẽ bán chồng con về miền Nam. Chắc là con không hy vọng gặp anh ấy nữa đâu, thưa ông.
Giọng cô bình tĩnh lạ thường, người ngoài cuộc có thể lầm là nàng đã chai lỳ trước thống khổ, song nhìn kỹ người ta thấy trong ánh mắt nàng một nỗi tuyệt vọng làm não lòng người.
- Giờ em định đi đâu?
Bà Bird dịu dàng hỏi Elisa.
- Thưa bà, con sẽ qua Canada, không biết có xa lắm không, thưa bà?
Elisa hỏi bà Bird bằng giọng ngây thơ, tin tưởng. Bà ôn tồn đáp:
- Xa hơn em tưởng. Nhưng em hãy bình tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp em. - Bà quay sang vú già Dina:
- Vú dọn ngay cho mẹ con cô ấy một cái giường trong phòng vú, gần bếp nhé! Sáng mai, tôi sẽ tính lại xem. (Bà lại bảo Elisa) Dù sao đi nữa, em đừng lo lắng thái quá, đừng sợ hãi gì nữa. Hãy tin tưởng ở Chúa từ tâm. Ngài sẽ che chở cho em. Và ta nữa, ta cũng gắng giúp em.

*

Vợ chồng chủ nhân trử lên phòng khách. Bà vợ đến ngả người trên ghế dựa canh lò sưởi, ông chồng đi đi lại lại trong phòng khách, vẻ tư lự, miệng lẩm bẩm:
- Rắc rối thật! Phiền phức thật!
Cuối cùng, ông tiến lại gần vợ:
- Này mình! Cô gái đó phải đi khỏi nhà ta trong đêm nay. Tên buôn người ma mãnh sẽ theo dấu cô ta mà đến đây sáng mai. Nếu như cô ấy một thân một mình thì việc che chở, giấu diếm cô cũng khá dễ dàng, đằng này lại thêm một đứa con nít nữa. Mình phải biết: tụi chó săn đánh hơi tài tình lắm, hắn chỉ liếc qua một cái là biết liền. Mà hắn khám phá ra mẹ con đứa bé trong nhà này thì... tương lai sự nghiệp chính trị của anh sẽ tiêu ma tức khắc. Một ông nghị mà chứa chấp nô lệ trốn trong nhà! Em nghĩ sao?
- Đi ngay đêm nay? Đi đâu mới được chứ?
- Đi đâu? Anh biết rõ chỗ mà mẹ con nó có thể dung thân...
Ông vừa nói vừa đi lấy đôi bốt. Mang xong một chiếc, ông chợt ngồi yên, chiếc kia cầm trên tay, mắt đăm đăm nhìn tấm thảm ra dáng nghĩ ngợi. Và rồi, ông nghĩ thành tiếng:
- Phải làm như vậy, không thể khác hơn, cho dù rằng... Chậc!...
Rồi ông tiếp tục mang thêm chiếc bất nữa và đến bên cửa sổ.
Vốn là một người đàn bà tế nhị, kín đáo, suốt đời không bao giờ thốt lên câu “Em đã bảo anh mà”. Vì vậy, trong trường hợp hiện tại mặc dù bà rất băn khoăn trước lối giải quyết của chồng, bà vẫn không tỏ ý phản đối. Bà ngồi yên, có vẻ sẵn sàng chờ nghe quyết định tối hậu của ông.
- Này em, anh có một ông bạn thân, anh Van Tromp, anh ấy từ Kentucky sang. Anh ấy có rất nhiều nô lệ song đã giải phóng hết rồi. Anh rất tốt, lời nói đi đôi với việc làm. Hiện anh ở cách đây cỡ bảy dặm, phía bên kia rạch, một vùng hẻo lánh ít ai lui tới, trừ khi có việc cần. Đó là một chỗ khó tìm thấy trong chốc lát, cô gái sẽ được yên thân khi ẩn náu tại đó. Hiềm có điều hơi bất tiện là không ai có thể đưa cô ta đến đó trong đêm nay, trừ anh.
- Ủa, chứ già Cudjox không đánh xe được sao?
- Cudjox cẩn thận, anh công nhận, nhưng muốn đến đó phải băng qua rạch hai lần, phải thuộc đường, biết chỗ nào nông, chỗ nào sâu. Anh thì anh lại đi hàng trăm bận, anh thạo từng khúc quanh. Vậy không còn cách nào hơn. Cudjox sẽ thắng ngựa vào xe lúc nửa đêm, anh sẽ đích thân đưa mẹ con cô ta đi. Muốn tránh nghi ngờ, lão sẽ cùng với anh ra đến quán rượu, làm như thể chở xe đi Colombus vào lúc ba hay bốn giờ. Người ta sẽ ngỡ là anh đến đấy vì công việc. Mà anh cũng có nhiều việc ở đấy vào sáng mai. Anh cũng không hiểu rõ thái độ anh ra sao vào sáng mai, trước vấn đề nô lệ. Thôi, mặc kệ!
- Anh John! Anh đã hành động đúng. Mình phải tỏ ra có lương tri - Bà vợ nói và đặt bàn tay nhỏ bé lên bàn tay chồng mình - Nếu em không hiểu anh, hiểu rõ tư cách anh thì làm sao em có thể yêu anh được, hở John?
Đôi mắt long lanh ngấn lệ vì sung sướng, thiếu phụ nhìn chồng âu yếm và ông nghĩ rằng mình quả hạnh phúc hơn người vì được có người vợ như bà.
Rồi ông xuống nhà để coi xe ngựa sẵn sàng chưa, nhưng đi đến cửa, ông dừng lại và sau một giây lưỡng lự, ông bảo vợ:
- Mary ơi! Em nghĩ sao về cái ngăn kéo đựng đầy di vật của... của thằng Henri yêu quý... Em nghĩ có nên...
Ông bỏ dở câu nói, quả quyết bước ra khỏi phòng.

*

Bà Bird mở cửa bước vào gian phòng ngủ nhỏ cạnh phòng bà, đặt đèn lên kệ và thò tay vào cái hộp, lấy chìa khóa ra, cho vào ổ khóa ở ngăn kéo quay một vòng, vẻ mặt đăm chiêu.
Bà chậm rãi mở ngăn tủ ra. Bên trong đầy những áo quần trẻ con đủ màu, đủ kiểu, một chồng khăn và vớ xinh xắn.
Tất cả đều không hẳn mới tinh khôi. Tất cả đều được dùng qua vài bận rồi. Có cả những đôi giày be bé được mang nhiều lần, có đôi hơi mòn ở gót, mũi nhọn, những chiếc giày ấy đâm thủng giấy gói bày ra ngoài. Có cả những món đồ chơi quen thuộc của trẻ con: con ngựa, chiếc xe, quả bóng tròn, con quay, cái vụ...
Ôi! Những kỷ niệm yêu dấu, chất chứa biết bao nước mắt và bao nhiêu tiếng thổn thức xuất phát tự con tìm người mẹ! Đứa con đã nằm trong lòng đất nhưng hơi hướm nó như còn lẩn quẩn đâu đây... Người mẹ đã cầm lòng, cố gắng nhiều bận, ngăn mình mở cái ngăn tủ này ra, nhưng hôm nay...
Bà Bird ngồi xuống bên ngăn tủ, gục đầu trong đôi cánh tay, rưng rức khóc. Những giòng nước mắt nóng trào ra, lăn dài xuống đôi cánh tay, có giọt rơi vào ngăn tủ. Rồi bà chợt ngẩng lên, vội vàng, nóng nảy chọn trong số những kỷ vật của con những món tốt và chắc, gói lại trong một gói.
Đoạn bà mở tủ áo lấy ra vài cái áo của mình, thứ vải giản dị, còn dùng được lâu rồi đem hết lại bàn may của mình. Bà soạn kim, kéo, chỉ, mang cái đề vào tay và bắt đầu chăm chỉ xuống lai áo cho dài như lời chồng đề nghị.
Bà Bird hăng hái làm việc này cho đến khi cái đồng hồ cũ kỹ treo trong góc phòng đổ mười hai tiếng đều đặn, tiếp đó bà nghe tiếng bánh xe ngựa lăn trước sân và đừng lại ở cửa ra vào. Bà cũng đã xong việc.
Ông bước vào, áo choàng vắt ngang cánh tay, giục vợ:
- Mary! Mình đánh thức cô ấy dậy, ta phải đi ngay, em à!
Bà Bird vội vã sắp xếp tất cả các thứ trên vào một cái hộp, đậy nắp lại và đưa cho ông nhờ ông mang ra bỏ vào xe. Phần bà, bà đi đánh thức Elisa.
Vài phút sau, người ta thấy Elisa xuất hiện ở cửa, con trai trong tay. Cổ quàng khăn ấm, mình khoác áo choàng, đầu đội mũ, mẹ con Elisa chững chạc trong những thứ do bà Bird tặng. Ông Bird giục nàng lên xe, bà giúp nàng leo lên ngồi vào trong. Elisa thò đầu ra cửa và giơ tay ra. Một bàn tay trắng trẻo thật đẹp giơ lên vẫy lại. Elisa dán chặt đôi mắt đen, to, chan chứa sự biết ơn và xúc cảm nhìn bà chủ. Nàng định thốt lên một câu ngỏ ý cảm ơn nhưng cố gắng một cách vô ích, môi nàng mấp máy không thành lời. Rồi nàng ngẩng cao mặt nhìn lên trời với cái nhìn mà người ta không sao quên được và tựa người ra thành ghế, hai tay bưng lấy mặt.
Chiếc xe lăn bánh...
Thật oái oăm: ông nghị Bird, một công dân yêu nước, người suốt tuần qua đã đem hết hăng say tin tưởng của một vị dân cử trong việc thông qua đạo luật trừng trị thẳng tay những ai chứa chấp và giúp đỡ bọn nô lệ đào tẩu, giờ đây đang có một hành động trái lại hoàn toàn!
Ông Bird đã tỏ ra hùng biện không thua bất cứ một bạn đồng viện nào trong việc cổ võ để cho ra đời đạo luật này. Trên diễn đàn, ông cực lực đả kích những kẻ chỉ vì chút tình cảm yếu đuối, thứ tình cảm rất đàn bà mà đặt quyền lợi của bọn nô lệ đào tẩu trên quyền lợi chính đáng của quốc gia! Đối với vấn đề này, ông quả đã tỏ ra hùng hồn như một luật sư, đã toàn thắng và sự tự tin của ông ảnh hưởng khá mạnh vào đám đông cử tọa.
Sự thật, cho tận đến lúc đó ông nghị của chúng ta chỉ mới biết kẻ đào tẩu qua tên tuổi trên giấy tờ truy nã, hay hơn thế, trên tranh vẽ khôi hài của một tờ nhật báo: một gã da đen gân guốc đang lầm lũi bước mau, gậy trên vai, lủng lẳng một gói hành trang!
Còn giờ đây, hình ảnh sống động của kẻ đào tẩu là hiện thân rõ ràng của thống khổ cùng tột: ánh mắt van vỉ, bàn tay run rẩy, xanh xao, tiếng khóc não lòng và tuyệt vọng của kẻ không nơi trú ẩn, bị săn đuổi như loài thú.
... Tất cả những thứ này, đối với ông thật xa lạ, làm sao ông có thể tin rằng kẻ nô lệ lại là một phụ nữ, một người mẹ và một đứa trẻ yếu đuối đáng thương, không thể tự vệ trước nanh vuốt bọn săn người?
Ông chợt nhìn thằng bé trong xe, và nhận ra là nó đang đội cái mụ bé nhỏ của con ông, đứa con cưng quý nhất đã xa lìa ông vĩnh viễn.
Phải! Mẹ con đứa trẻ hiện đang ở trong tay ông, giao phó sinh mạng cho ông, còn hơn thế nữa, trao trọn cả sự tự do mà người đàn bà còn coi trọng hơn sinh mạng.
Nếu ông đã lầm lẫn ở nghị trường thì giờ đây ông đang chuộc lỗi bằng hành động, ông thân hành đưa mẹ con cô ta đến nơi an toàn giữa đêm khuya thay vì quấn mình trong chăn ấm.
Mùa mưa đã đến từ lâu và đất đai của miền Ohio màu mỡ này giờ đây thành bùn dẻo quánh, lầy lội dưới cơn mưa. Đây là một con đường xưa lắm, cũ lắm, quanh co, khúc khuỷu. Ở những vùng đất rộng bao la của miền Tây, nơi mà bùn sình lầy lội có chiều sâu khó dò được, những con đường ở đó làm bằng những thân cây to lớn nằm sát nhau: người ta đổ đất, cỏ, lá cây và tất cả những gì có thể được lên sàn gỗ đó. Thổ dân trong xứ cho đó là một con đường tốt nhất, và họ rất sung sướng mà được đi lại trên con đường như thế.
Thời gian qua, nước mưa cuốn trôi lớp cỏ và đất bên trên, cuốn luôn những khúc gỗ, vứt chúng rải rác khắp nơi, phân tán chúng một cách vô trật tự, trông khá lạ mắt và để lại đây kia những khoảng lồi lõm, gồ ghe.
Chính trên một con đường như thế, ông nghị Bird đang đánh xe vượt qua, đầu óc căng thẳng vì nghĩ đến tai nạn sắp xảy ra, đang chờ đón mình ở dọc đường, tuy ông rất cẩn trọng.
Trời gần sáng khi chiếc xe vượt qua rạch lần thứ hai, dừng lại trước cánh cổng của một trang trại lớn. Phải rất kiên tâm mới đánh thức nổi những người ở trong đó. Và sau cùng, chính chủ nhân thò mặt ra mở cổng. Đó là một người đàn ông to lớn, vạm vỡ, mặc cái áo đi săn viền đỏ thẫm, mái tóc vàng hoe, biếng chải, nom ông có vẻ là một người không chú ý đến bề ngoài. Bộ râu, cũng như mái tóc không được cạo song toàn thể biểu lộ một người có tư cách, đáng tin.
Chủ nhân đứng yên mấy phút, cây đuốc cầm nơi tay, quan sát khách với vẻ lúng túng trông khá buồn cười. Làm sao ông không ngạc nhiên cho được? Và ông Bird phải dài lời thuật lại cho bạn nghe câu chuyện về mẹ con người phụ nữ mà ông phải cất công đưa lên xe giữa đêm khuya.
Van Tromp - chính đó lả ông Van Trorap - trước kia là một trại chủ giàu có nhất nhì tại xứ Kentucky, có rất nhiều nô lệ cũng như đất đai thuộc quyền sở hữu.
Tuy nhiên, ông vốn có một trái tim dễ xúc động, ông rộng lượng và vị tha. Nhiều năm qua, ông chứng kiến hậu quả đáng buồn trong cách cư xử của chủ nhân da trắng đối với dân da đen nô lệ. Sau rốt, không chịu nổi nữa, ông bán trại, vượt qua sông Ohio, mua một trang trại khác và giải phóng hết đám nô lệ dưới quyền mình. Ông chất họ lên một cái xe đầy nhóc: đàn ông, đàn bà, con trẻ, cho họ đi khẩn đất. Phần ông thì lui về phía vịnh và sống ẩn dật trong khu trại vắng vẻ này với lương tâm yên ổn của mình.
- Này anh Van, anh có thể cho mẹ con người này trứ tạm được không? Hiện cô ta bị săn đuổi...
- Tại sao không? Anh biết tối mà!
Giọng tự tin, ông chủ trại nói. Rồi ưỡn ngực phô cái thân hình lực sĩ của mình ra, ông thêm:
- Có tôi đây! Tôi và sáu thằng con trai tôi nữa, chúng đều cao lớn như cha và cha con tôi đón chờ bọn săn người đây! Anh nói với bọn săn người là tôi thách chúng đó, nghe? Rằng chúng muốn đến lúc nào tùy ý, tôi sẵn sàng nghênh tiếp!
Nói xong ông vò vò mái tóc rối của mình, cất tiếng cười to, sảng khoái.
Tinh thần cũng như thể xác đều kiệt quệ sau những lo lắng của cuộc hành trình, Elisa như người chết dở, bế con lê vào cửa, thằng bé thì ngủ say trong vòng tay mẹ.
Ông Van, đưa ngọn đuốc soi tận mặt nàng - dáng bộ cứng cỏi nhưng thật ra ông rất thương xót. Trông thấy nàng tiều tụy, khiếp hãi, ông không kìm giữ được một tiếng kêu tỏ sự trắc ẩn và ông mau mắn mở cửa một căn phòng ngủ nhỏ ngay bên gian bếp rộng lớn mà mọi người đang có mặt. Ông đưa nàng vào trong, đốt ngọn đèn, đặt lên bàn, cố dùng giọng từ tốn trấn an nàng:
- Giờ đây, cô không có gì phải sợ nữa, nhé! Có chuyện gì thì đã có tôi đây!
Vừa nói bằng giọng quả quyết, ông vừa chỉ mấy khẩu cạc-bin treo lủng lẳng trên thành lò sưởi:
- Ai biết tôi rồi thì cũng công nhận là bọn buôn người cũng như bọn săn người đều mất mạng nếu muốn vào nhà tôi bắt một kẻ nô lệ. Cô ngủ đi, cứ coi như có mẹ cô ngồi bên cạnh vậy đó, nghe rõ chưa?
Rồi bóng dáng to lớn của ông Van rời khỏi phòng. Đôi bạn trở lại câu chuyện về người đàn bà với đứa con đang trốn tránh:
- Tội nghiệp thật! Tôi không ngờ đấy nhé! Bị săn đuổi y như loài thú chỉ vì tuân theo tiếng gọi của lương tri, của tình mẫu tử. Mà cô ta can đảm đấy chứ! Tôi phục cô ta thật đấy...
Van dùng lưng bàn tay thô tháp và sạm nắng dụi mắt:
- Quên, tôi có điều này muốn kể cho anh biết luôn: tôi đã bỏ đạo từ lâu rồi. Anh biết tại sao không? Các giáo sĩ giảng trong nhà thờ là Hội Thánh cho phép duy trì chế độ nô lệ. Mà tôi, làm sao tôi nghe lời khuyên vô lý đó được? Cho nên tôi từ bỏ hết, Hội Thánh và giáo sĩ, nhà thờ. Tôi sẽ trở lại nhà thờ khi nào có một giáo sĩ chống lại việc duy trì nô lệ.
Ông ngừng lại, mỗ một chai rượu chát, mời bạn nâng ly:
- Uống đi và ở lại với tôi cho đến sáng mai - Giọng ông thân mật - Tôi sẽ gọi nhà tôi dậy, lo sắp chỗ nghỉ cho anh, không có gì phiền phức đâu.
- Cảm ơn anh, anh bạn thân nhất của tôi ơi! Nhưng rất tiếc là tôi phải đi ngay trong đêm nay, có việc cần đang đợi tôi ở Colombus, anh ạ!
- Thế thì thôi vậy. Nhưng hãy gượm, tôi sẽ chỉ cho anh một lối đi tắt, tốt hơn con đường lúc nãy. Con đường anh vừa vượt qua thật tồi tệ.
Ông Van lấy ngựa và cầm đèn lồng đưa bạn ra, theo con đường dọc theo trại.
Trước khi chia tay, ông Bird đặt vào tay bạn tấm chi phiếu 10 đô la:
- Anh cho tôi gửi cho cô ta.
Rồi họ chia tay.