NGU CÔNG CHUYỂN NÚI
Có một ông già tên là Ngu Công, tuổi gần đến chín mươi, nhà ở bị hai ngọn núi lớn là Thái Hàng và Vương Ốc rộng đến hàng trăm dặm, cao đến hàng ngàn mét, chắn trước mặt. Muốn đi lại phải đi vòng vèo quanh núi rất xa. Ngu Công họp toàn bộ con cháu, chắt trong nhà lại, nói rằng:
– Phải dời hai quả núi này đi chỗ khác mới mong mở được con đường đi thẳng tới Hàm Dương. Ta cùng gia quyến quyết làm điều đó, hẳn là điều rất tốt.
Con cháu đều vui vẻ nghe theo, riêng bà vợ Ngu Công ngại ngần, nói:
– Sức lực của ông như vậy, ngay hòn núi đất Khôi Phủ nhỏ bé kia cũng không đào nổi, nữa là núi Thái Hàng, Vương Ốc. Thế đất đã đào xong ông đổ đi đâu?
Con, cháu, chắt đồng thanh trả lời:
– Đổ ra biển Bột Hải.
Ngu Công cùng con cháu, chắt ra sức khoét núi, đào đá, dùng sọt lớn nhỏ mang ra tận biển Bột Hải đổ. Xóm giềng lúc đầu chê cười, rồi sau thấy là việc có ích, có nghĩa. Xúm lại tham gia đào núi.
Có một lão già tên là Trí Tẩu ở vùng Trà Khúc thấy Ngu Công làm vậy, cười ầm lên và đến tận nơi khuyên:
– Ông là người ngu xuẩn quá. Tuổi cao sống được bao lâu nữa mà đào núi? Ngay mấy gốc cỏ trên núi cũng chưa nhổ hết, nói chi chuyển cả núi!
Ngu Công trả lời:
– Ông bảo thủ như vậy, xem ra không bằng các bà quả phụ xóm tôi. Tôi già rồi sẽ chết, nhưng con cháu, chắt tôi sẽ kế tục. Cháu, chắt lại sinh con của chúng và lại tiếp tục công việc của tôi. Cứ thế mãi, đời nọ nối tiếp đời kia không dứt. Còn hai quả núi lớn này cứ bị bào mòn dần đi, làm gì sinh sôi ra được nữa. Thế sao lại không thể san bằng được.
Trí Tẩu nghe vậy lắng im không biết trả lời ra sao.