PHẦN THỨ NHẤT
Chương 2

Khi Hồng cùng Nga và vợ chồng chị về đến căn nhà ở phố chợ Hôm thì đêm đã khuya lắm, hơn một giờ sáng.
Hảo, vợ Căn, mệt nhọc kéo lê đôi giày cao gót trên cầu thang, chiếc thang gỗ sơ sài, đặt sát tường trên cái bệ gạch và ngay sau cái tủ ngăn chia phòng dưới ra hai phần: cửa hàng và phòng ngủ của trẻ con cùng vú bõ.
Lên đến gác, nàng ngồi tựa vào một chiếc ghế dựa bằng cói bện, thở hổn hển:
- Ðã bảo không đi, lại cứ lôi người ta đi cho bằng được;
Căn nói mỉa:
- Ban nãy cười như nắc nẻ thì không sao.
Chàng đứng chống tay vào lưng ghế hỏi:
- Mợ có đói không, tôi bảo nó đi mua gì về ăn?
Sau cái ngáp, Hảo trả lời:
- Bây giờ còn hàng gì mở cửa mà ăn với uống?
Rồi nàng đứng dậy uể oải bước vào phòng nói tiếp:
- Chẳng ăn gì nữa, đi ngủ đây.
Ðến cửa phòng, nàng quay lại bảo em gái và em chồng:
- Dì với cô cũng đi ngủ thôi, chẳng mệt. Mai còn đưa nhau đi sắm sửa các thứ chứ.
Hồng mỉm cời, đáp:
- Vâng chị cứ để mặc chúng em.
Vẻ mặt Hồng vẫn vui tươi hớn hở. Chờ cho anh rể và chị vào phòng trong, nàng thì thầm hỏi Nga:
- Buồn ngủ chưa?
- Chưa.
- Vậy ra ngoài kia ngồi chơi mát nhé?
- Vâng, cũng được.
Cái cửa hẹp ra bao lan vừa mở, một luồng ánh trăng ở phía tay phải chiếu xiên chếch vào sàn. Hồng không giữ nổi một tiếng "à" khoan khoái. Nga xách hai cái ghế mây, đặt gần kín khoảng vuông nhỏ, ba phía có lan can gỗ bao bọc. Rồi nàng rón rén bước vào tắt đèn.
Có tiếng ở trong phòng hỏi:
- Hai cô ngủ rồi đấy chứ?
Nga cười láu lỉnh, đáp:
- Vâng, chúng em ngủ rồi.
Ra bao lan, nàng khẽ khép cửa lại, bảo Hồng:
- Chị phán chị ấy vừa ở cữ được hơn một tháng nay, nên người còn yếu lắm. Chứ chúng mình thì thức thế đã mùi mằn gì, phải không chị?
- Vâng, chính thế. ở nhà, nhiều khi tôi thức suốt đêm, sáng dậy cũng chẳng sao.
Nàng thở dài nói tiếp:
- Chỉ những cái khổ về tinh thần mới làm cho người ta gầy mòn khô héo đi, chứ thức đêm mà trong lòng vẫn vui vẻ thì cũng chả sao.
Nga buồn rầu nhìn bạn và an ủi:
- Chị sắp sửa đi ở riêng còn cần gì nữa.
Hồng ngồi im mấy giây cúi nhìn phố vắng, rồi nói lảng sang chuyện khác, chuyện diễn kịch, chuyện nhà hát. Nga lơ đãng nghe Hồng. Chờ khi bạn ngừng, nàng hỏi:
- Người ta vẫn cứ xử tệ với chị như thường?
Hồng chép miệng:
- Trách người ta làm gì... Chỉ tại thầy tôi chiều người ta quá.
Cho là mình lỡ lời, Hồng cười đánh trống lấp, hỏi Nga:
- À chị có trông thấy cái anh chàng ném hoa không?
- Có Lương đấy chứ gì. Hắn trơ quá đi mất thôi. Có người bảo tôi rằng chính hắn nhắc mời chúng mình đến bán chương trình đấy.
Hồng cười ngất, nhớ đến những cử chỉ của Lương lúc thi xe hoa và trong khi diễn kịch:
- Hắn học cao đẳng đấy à, chị?
- Hình như hắn học trường Luật có một hay hai năm gì đó. Nhưng bỏ rồi thì phải.
Nghe đâu bây giờ hắn dạy trường tư.
Sợ Nga gợi đến chuyện gia đình của mình, Hồng rủ bạn đi ngủ. Từ khi được tin chắc chắn sắp sửa về nhà chồng, Hồng không muốn ai nhắc đến người dì ghẻ nữa. Nàng cố quên, quên hết những sự khốn nạn nhỏ nhen trớc khi thoát ly cái gia đình mà nàng cho là một nơi ngục tối.
Nằm bên cạnh Nga, nàng yên lặng vờ ngủ say, bạn hỏi cũng không đáp lại. Và muốn không nghĩ đến nhà, đến cha, đến dì ghẻ, đến lũ em láo xược, đến việc hôn nhân của mình, nàng cố ôn lại những điều mắt thấy tai nghe, những sự xảy ra trong nhà hát. Nàng tưởng như còn văng vắng trong máy truyền thanh tiếng oang oang của người sinh viên trường Luật. Nàng nghĩ thầm: "Lần này là lần đầu mình được trông thấy cái máy truyền thanh. Tiếng to quá, mà chẳng còn giống tiếng người nữa, nghe như tiếng ma tiếng quỷ ấy. " Và nàng mỉm cời nghĩ tiếp: "Chả trách chị Nga bảo mình quê mùa. Thực chẳng oan tí nào."
Rồi nàng nhớ đến nhân vật trong vở kịch. Nàng thấy người đóng vai thi sĩ hơi gàn, chẳng đáng được Thúy Lan yêu. Còn cái anh chàng công tử xinh đẹp, có duyên thì lại bị Thúy Lan coi thường chế giễu nữa. Nàng chua chát tự nhủ: "Ðó là ở trong kịch mà thôi, chứ ở đời vị tất đã thế. "
Tự nhiên hiện ra bức ảnh mà vị hôn phu của nàng gửi từ bên Pháp về mấy tháng trước. Vì Thân, người chồng tương lai của nàng, cũng có cái đầu chải lật giông giống như cái đầu của anh công tử trong vở kịch, tuy không đẹp trai bằng.
Ðiều nàng lấy làm lạ nhất, là những vai trò táo bạo quá. Họ nói với nhau, họ âu yếm nhau như ở chỗ vắng người vậy. Bất giác nàng bật cười thành tiếng.
- Chị chưa ngủ à?
Nghe tiếng Nga hỏi, Hồng luống cuống đáp:
- Không... tôi vừa thức giấc...
Nga cười khúc khích:
- Chừng nói mê phải không?
Hồng ghé tai bạn thì thầm:
- Ðể cho anh chị ấy ngủ chứ.
Nga vẫn cười:
- Chà! anh Căn mà anh ấy đã ngủ say thì dẫu bắn súng bên tai, anh ấy cũng chả thức dậy đâu mà sợ. Còn chị Căn thì mệt nhoài cũng ngủ như chết. Hai người lại nói chuyện. Giữa những tiếng thì thào, thỉnh thoảng điểm một dịp cười to. Gần một người vui tính như Nga, Hồng cảm thấy sự buồn nản trong lòng dần dần tiêu tán. Một luồng tư tưởng lạc quan như vụt thổi vào tâm hồn nàng những sự sung sướng bồng bột, không cỗi rễ. Nàng thấy tương lai hiện ra với đủ các trạng thái sáng lạn. Và thành thực đem những chuyện riêng, những hy vọng ra kể với bạn. Trong lúc sốt sắng yêu đời, nàng trở lại kính mến người cha đã rẻ rúng nàng và sẵn lòng tha thứ người dì ghẻ đã ác nghiệt tàn nhẫn với nàng. Nàng cần gì, chậm lắm là một, hai tháng nữa nàng đã rời bỏ hẳn cái gia đình ấy để về nhà chồng; mẹ chồng dù cay độc đến bực nào cũng không thấm vào đâu với người dì ghẻ của nàng được.
Cần người chồng, nàng biết chỉ đỗ tú tài. Trong buổi kinh tế khủng hoảng này, cái bằng cấp ấy người ta cũng khó lòng mà tìm được việc. Nhưng điều đó nàng không ngại mấy, miễn là thoát ly cái gia đình đầy kẻ thù: vì ở đấy không những nàng bị người dì ghẻ áp chế hành hạ mà còn phải luôn luôn chống lại một đàn em cùng bố khác mẹ. Nàng sẽ hết sức yêu chồng, cùng chồng lập nên một gia đình đầm ấm, quả quyết làm việc giúp đỡ chồng...
Hồng nói rất nhiều, chậm rãi se sẽ. Nàng như say sưa với những sự sung sướng đâu đâu sung sướng không phải vì sắp có một tương lai tất đẹp, nhưng vì sắp rời bỏ được cái hiện tại mà nàng cho là không thể sống nổi.
Nghe tiếng thở đều đều, nàng biết rằng Nga đã ngủ, liền nằm im. Nhưng nàng vẫn tỉnh như vừa uống một chén chè đặc. Nàng cố không nghĩ, song những tư tưởng cứ dồn dập lấn vào tâm hồn và những kỷ niệm cứ kế tiếp hiện mãi ra.