Quán thay đổi đến không ngờ. Mắt sâu và má hóp xuống. Gò má lốm đốm những chấm xám nhạt nổi lên gần hai quầng mắt thâm. Nguyên một sự thảm não hiện trên khuôn mặt. Tường bàng hoàng khi Quán bước vào tòa soạn.
– Em sao vậy?
– Không. Không có gì anh ạ. Anh vẫn khỏe chứ?
– Vẫn vậy. Có gì xảy ra cho em trong thời gian vacation?
– Đâu có gì anh.
Quán mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế cạnh máy computer. Mái tóc không chải xõa từng lọn xuống vai trông bệ rạc. Nắng hắt vào chói chan làm nét thiểu não hiện rõ hơn. Một cô Quán hồn nhiên với nhan sắc lộng lẫy đã biến mất, chỉ còn lại người đàn bà ngán ngẩm bước về chiều.
– Nói anh nghe đi Quán. Có gì xảy ra mà em thay đổi dữ vậy. Xanh xao và...
– Thảm não hơn hả anh?
Quán cười như mếu, cắt ngang câu nói của Tường. Bàn tay đặt trên bàn giấy có những ngón tay bị tróc sơn nơi móng. Từ bao lâu nay, nhan sắc và lối phục sức là một trong những điều cần thiết cho Quán, như một phần đời sống, vậy mà hôm nay đã bị bỏ quên. Tường nhắc lại câu hỏi.
– Có gì không Quán?
Cô bạn cũ lần này không phủ nhận bằng câu nói hay cái lắc đầu. Chỉ ngồi yên, mắt đăm đăm nhìn vào cây bút chì vừa được cầm lên. Hai ngón trỏ và cái xoay xoay những vòng bút chì đều đặn. Quán như rơi vào một thế giới nào xa lắm. Mãi lúc sau mới lên tiếng.
– Ngày mai anh có bận gì không?
– Không. Thứ bảy anh chỉ đọc sách, lang thang và viết.
– Đi với em được không?
– Đâu?
– Réno.
– Réno?
– Vâng! Được chứ?
Tường nhìn vào mắt Quán, cặp đồng tử đen láy đã lõm xuống và tránh ánh mắt anh.
– Em yếu thế này đi làm gì? Ở nhà nghỉ ngơi tốt hơn. Nghe lời anh đi.
Ánh mắt Quán được đưa lên.
– Anh đi với em được chứ?
–!!!
– Được chứ?
Tường gật đầu trước ánh mắt đó.
– Để anh lấy phòng trước.
– Khỏi anh ạ. Lên đó rồi tính cũng được. Mai em đón anh lúc 10 giờ sáng.
Quán đứng dậy, hai vai trĩu xuống khi bước đi. Tường đưa Quán ra cửa. Lúc bàn chân vừa đặt xuống nấc thang đầu tiên Quán quay lại.
– 10 giờ nghe anh.
Tường gật đầu. Dưới nắng tóc Quán khô và xác xơ hơn.
*
Như những lần trước, đến đầu free way 80, Quán rẽ vào đường North Gate Road tại Sacramento để đến quán ăn quen thuộc.
– Mình vào đây nghe anh?
– Em chỉ hỏi anh những chuyện đã rồi.
Quán có vẻ vui hơn. Suốt quãng đường từ San Jose đến đây họ nói chuyện rất ít. Quán lặng lẽ lái xe, nói nhát gừng và mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Trước sự thay đổi của cô bạn cũ, Tường chỉ biết im lặng. Những câu đối thoại hoàn toàn vẩn vơ, anh chưa tìm được cách nào để biết nỗi buồn của Quán.
Quán ngưng xe dưới một tàng cây nhỏ, cạnh ba chiếc máy điện thoại công cộng. Họ xuống xe, đến chiếc bàn đá vẫn ngồi trong số ba chiếc bàn đá đặt phía hông quán ăn Mac Donald. Hai tàng cây lớn, phủ bóng mát xuống khoảng sân làm dịu đi cơn nắng giữa trưa. Khung cảnh thoáng và bát ngát tại đây cho thân thể thoải mái hơn.
– Ngồi đây hay vào trong hả anh?
– Đây được rồi. Anh không thích những hàng ghế bọc da màu nâu nhạt với tiếng máy lạnh chạy rầm rì bên trong. Ngồi đây mình có gió, có nắng và tiếng Việt khi nói chuyện không thành lạc lõng.
– Anh lại lãng mạn.
– Cho anh một ly cà phê, nhớ lấy đường.
Quán đẩy cửa kính bước vào trong, bước nhanh và khỏe. Cô bạn cũ đang lấy lại dáng dấp cũ. Tường ngồi xuống chiếc ghế đá, phóng tầm mắt nhìn chung quanh. Qua khỏi trạm xăng Shell là con đường dẫn vào xa lộ nằm chia đôi khu này. Phía bên kia là những dãy nhà với khoảng sân đậu xe rộng rãi. Một cột trụ cao nhú lên tấm bảng “Taco Bell” nằm cạnh tấm bảng “Traveller Inn” của cái khách sạn giữa đường. Khung cảnh của một trạm nghỉ giữa đường tại Mỹ đâu đâu cũng giống nhau. Chẳng có một nét nào khác biệt của từng địa phương. Bất giác Tường nhớ đến những con đường tại Việt Nam. Hình ảnh chiếc xe đò cũ rích, bẩn thỉu, đông đúc hiện lên cùng lúc với Quán trở ra. Trên tay Quán là hai ly cà phê.
– Cảm ơn em.
– Anh nghĩ gì vậy?
Quán ngồi xuống, đẩy ly cà phê về phía Tường, những ngón tay của cô bạn xanh mét.
– Em có thấy gì khác không?
– Cái gì khác hả anh?
– À... quên mất! Anh phải nói rõ mới được, em có thấy những trạm nghỉ giữa đường của Việt Nam và Mỹ khác nhau nhiều không?
– Thì mỗi xứ mỗi khác chứ? Vậy mà cũng nghĩ ngợi, anh rõ là lẩn thẩn.
Tường lắc đầu, đổ đường vào ly cà phê, khuấy nhẹ chiếc muỗng nhựa những vòng nhỏ. Mặt nước cà phê sóng sánh sắc nâu đậm làm mép ly giấy trắng loang lổ những vệt vàng nhạt.
– Chẳng phải lẩn thẩn như em nghĩ đâu. Sự khác biệt rõ ràng lắm. Tại Mỹ, nơi nào cũng vậy, cũng các quán ăn Mac Donald, Tacobell, Denny với những món y hệt nhau: hamburger, cheese burger, hot dog... thiếu màu sắc địa phương. Việt Nam thì khác hẳn, mỗi nơi một khác, đến Cần Thơ thì trái cây, đến Nha Trang thì hải sản, đến Thủ Đức thì nem... Mỗi nơi chốn đều có thứ để... chứng minh nơi đó là nơi đó và chỉ là nơi đó. Địa phương tính biểu hiện rõ trong từng món ăn. Em có bao giờ đi xe lửa từ Sài Gòn ra Nha Trang chưa? Anh còn nhớ đĩa cơm tôm rim tại ga Tháp Chàm, Phan Rang tới giờ này. Tuyệt lắm em ạ!
Tường chép miệng, nuốt một ngụm nước bọt. Quán cười.
– Anh có vẻ tham ăn. Đó chưa hẳn là “địa phương tính” như anh nói.
– Cũng được đi, nhưng địa phương tính của Việt Nam – anh biết tiếng này hơi kỳ cục – nhưng chả sao, ngoài thức ăn chúng ta còn cảm nhận được từ không khí. Đến Nha Trang thì mùi biển lồng lộng...
– Đến Phan Thiết thì mùi nước mắm nồng nàn trong hơi thở.
Quán cắt câu nói bằng lời giễu cợt. Tường gật đầu.
– Em có vẻ thông minh.
Cô bạn cũ lại phá ra cười. Tường chợt nhớ đến Nhu, phải chi có nàng lúc này. Hẳn không phải là trận cười ròn rã như Quán vừa làm mà sẽ là một lần nắm tay thật thông cảm. Tường ngước mắt nhìn lên khoảng trời xanh bên trên, lẩm bẩm trong miệng những tiếng “Nhu”. Nơi đây là Sacramento, Nhu đang sống. Giờ này Nhu làm gì tại nhà? Học, ăn, ngủ, xem truyền hình... và có biết anh đang ngồi đây, thật gần gũi. Khoảng cách 151 miles đã thu ngắn lại.
– Anh lại nghĩ gì vậy?
– Nhu.
– Thảo nào mặt anh đực ra, trông khờ căm. Sao anh không gọi cho cô ấy một tiếng cho đỡ nhớ. Đâu tốn tiền long distance mà lo.
Bưng ly cà phê lên Tường uống một ngụm nhỏ. Vị cà phê nhạt nhẽo và thiếu hẳn mùi thơm quen thuộc của ly cà phê tại quán Cheo Leo.
– Em với Hoàng chừng nào chính thức sống chung?
– Em... em chẳng biết nữa. Có lẽ cuối tháng này Hoàng sẽ sang nhà em ở.
Quán mất hẳn nét vui trên mặt, thở dài thật khẽ.
– Rồi cũng xong phải không anh?
– Em nói thế là thế nào? Em không yêu Hoàng hay sao?
Quán không trả lời, mắt nhìn thẳng vào khoảng tường phía sau lưng anh. Trong mắt Quán, Tường thấy không còn đốm sáng nào.
– Quán.
Im lặng thêm một lúc, rồi Quán nói thật chậm rãi.
– Đến một lúc nào đó người ta phải dừng lại anh ạ. Đâu thể rong chơi mãi được. Gia đình là nơi chốn cuối cùng để trở về. Dừng lại là một hình thức tìm về. Em nghĩ thế! Nhưng điều quan trọng là nơi chốn để dừng lại thế nào. Và Hoàng, như anh biết...
–!!!
– Em cũng lớn rồi, đã gần bốn mươi chứ ít sao? Lúc nào anh cũng nghĩ em như ngày còn học tại Văn Khoa đâu được? Đã hai mươi năm rồi anh ạ!
Có nếp nhăn hiện trên khóe miệng Quán khi nói. Hai mươi năm đã sống, tưởng như không có hôm nay chợt được nhắc và hiển hiện trên khuôn mặt cô bạn cũ. Hình ảnh một Quán hồn nhiên, tung tăng trong sân trường Văn Khoa năm nào trở về khiến Tường bàng hoàng. Thời gian đã làm mọi việc thay đổi đến không ngờ. Bây giờ là người đàn bà ngồi đó với tuổi bốn mươi đang rình rập. Mệt mỏi, chán chường tìm một nơi chốn để trở về. Rồi hai mươi năm nữa, sẽ là một lần nằm xuống trong chuyến trở về cuối cùng. Bỏ hết lại phía sau những khoảng thời gian làm nên một kiếp người. Cái còn lại sẽ là gì? Một căn nhà, một cái xe, một trương mục cho đám trẻ đang lớn lên, tiếp tục những khoảng thời gian của một kiếp người khác. Rồi cứ thế để thành cái vòng sống với tiến trình phát triển xã hội. Tại sao không tách ra để làm cho mình một cuộc sống riêng biệt với việc làm cần thiết. Nhưng để làm gì? Tường cảm thấy nhức nhối trong đầu khi trở lại với những vòng tròn luẩn quẩn của ý nghĩ.
– Em nói cũng phải. Đến lúc nào đó người ta phải dừng lại và chỗ dừng lại là thế nào? Tình yêu nếu có thì tốt, bằng không cũng chả sao. Như một hình thức bắt đầu cuộc sống mới, an lành.
– Vâng, em cũng nghĩ thế và hy vọng sẽ an bình như anh nói.
Quán cúi xuống, bàn tay mân mê chiếc ống hút nhỏ. Hành động nhỏ nhặt được làm một cách chăm chú để tránh nhưng điều khác cần phải làm. Hệt như sự chọn lựa nơi để dừng lại được làm để chấm dứt những việc khác phải làm trong một đoạn sống còn lại. Nén tiếng thở dài, Tường buông xuôi một câu.
– Dù sao cũng là một thái độ sống em ạ. Vả lại, Hoàng cũng là một người tốt. Chỉ cần... nguội lại một tí là đủ để thành một người chồng gương mẫu. Cả hai hẳn sẽ hạnh phúc.
– Anh chắc vậy?
Tường cảm thấy ngượng bởi những điều vừa nói ra. Quả tình anh hoàn toàn mù tịt về cái gọi là đời sống hạnh phúc gia đình. Chỉ vì muốn an ủi Quán mà Tường cộng trừ những sự kiện về hai người bạn để nói ra những điều mà mình không biết, nếu không bảo là ngược với quan niệm sống của mình. Hơn ai hết, Tường hiểu, với anh hạnh phúc phải có tình yêu trong cuộc sống chung. Không thể biểu hiện bằng những xấp dollar dày cộm hay tiện nghi phủ khắp... Sự chọn lựa cho chính cuộc sống của mình đã là bằng chứng rõ ràng nhất cho Tường. Anh cảm thấy nong nóng ở tai.
– À... à anh nghĩ vậy... Với Quán và Hoàng hẳn sẽ thế...
Quán lắc đầu.
– Em cũng mong vậy thôi. Còn lối cộng trừ như anh chưa hẳn đúng đâu. Mà thôi, mọi việc như đã xong. Mình đi chưa anh?
Tường theo Quán ra xe, trên tay vẫn còn ly cà phê uống giở giang. Đoạn đường đến Réno còn dài, Tường cần một cái gì đó để uống. Sự tính toán nảy ra trong đầu một cách chi li làm anh bật cười. Quán mở máy xe, hỏi khi Tường thắt giây an toàn.
– Có gì vậy anh?
Tường nói ý nghĩ trong đầu. Quán nhún vai, lái xe vào free way.
– Anh lúc nào cũng lẩn thẩn, chẳng chịu... nghiêm chỉnh để sống.
– Nghiêm chỉnh?
– Chứ sao? Anh cũng nên đàng hoàng để chuẩn bị ngừng lại. Cô Nhu là một điểm ngừng lý tưởng cho cái nghề kỳ cục của anh, cho cuộc sống quái đản của anh... Nhưng không phải vì thế mà anh cứ tà tà mãi được. Dù sao anh cũng phải lo toan đến tương lai chứ? Đừng nhíu mày khi em nhảy xổm vào đời tư của anh. Em nói với tư cách một người bạn, rõ hơn là một người thân trong gia đình. Em rất có cảm tình với Nhu, và giữa bạn gái với nhau, em không muốn Nhu khổ. Lại nhăn mặt nữa rồi! Anh là chúa xúi người này, người khác làm những điều mà mình không chịu làm. Anh không bảo em ngưng lại là đúng hay sao? Còn anh, hãy ngưng lại để bắt đầu.
Tường cảm thấy nhồn nhột, bưng ly cà phê lên uống một ngụm. Quán vẫn bằng giọng đều đều tiếp tục câu chuyện khi xe đã nhập vào giòng xe trên free waỵ Tình bạn mấy mươi năm giữa họ đã cho sự thân mật này.
– Em cũng giống như người khác khi dùng chữ quái đản và kỳ cục dành cho anh.
Quán lắc đầu.
– Anh giận em làm gì? Còn chữ nào khác để dùng đúng hơn trong trường hợp này?
– Nói như em thì muốn khỏi kỳ cục và quái đản anh phải bỏ nghề này? Trời đất, đây là điều anh chưa hề nghĩ đến.
– Em đâu bảo anh phải đi làm cho Mỹ hay bỏ làm báo, viết lách? Em chỉ bảo anh nên đàng hoàng lại, đừng... nghệ sĩ quá. Vậy thôi, và điều đó em nghĩ cũng đâu khó khăn gì?
– Em có vẻ lớn hẳn.
– Phải nói là già hẳn đúng hơn! Mau thật anh nhỉ, mới đây mà đã gần hai mươi năm...
Giọng Quán chùng lại và đứt hẳn. Tường bấm nút hé khung kính cửa sổ xe, gió tạt vào với những tiếng động làm ù tai. Không khí trong xe thoáng hơn. Vẫn giọng bùi ngùi, Quán nói.
– Thời gian qua đi thật không ngờ. Mới ngày nào bọn mình còn lang thang tại đường Nguyễn Du, Lê Lợi... Anh lúc đó thật hiền lành, hồn nhiên.
– Anh vẫn hiền lành.
Quán mỉm cười.
– Vâng, anh vẫn hiền lành nên mình mới có những lần đi chơi thế này.
Tường cười theo.
– Em hỏi thật nhé.
– Sao em?
– Ngày xưa, lúc còn ở Văn Khoa anh có yêu em không?
Tường gật đầu. Quán tiếp.
– Còn cô Nhu bây giờ?
Tường lại gật đầu. Quán xoay sang anh.
– Giữa em ngày xưa và cô Nhu bây giờ, anh yêu ai hơn... Nghĩa là tình yêu nào lớn hơn.
Tường im lặng. Quán chăm chú nhìn về phía trước.
– Anh nói đi.
– Tại sao em hỏi thế?
– Em biết thế nào anh cũng hỏi câu này. Nhưng đừng né tránh em. Em muốn biết.
Tường nhìn ra ngoài cửa xe. Dãy núi đá bắt đầu hiện trong tầm mắt với những khoảng xám đậm.
– Anh chẳng bao giờ đem tình yêu lên bàn cân để cân xem nặng nhẹ thế nào. Chỉ biết yêu, còn như em nói lớn thế nào, “lớn hơn hay kém” thì quả tình anh chẳng biết. Chỉ cảm thấy một cách mơ hồ thôi.
– Thì bây giờ anh cân thử xem, giữa em ngày xưa và Nhu bây giờ.
Tường ngạc nhiên xoay sang Quán.
– Cân? Anh đâu biết cân thế nào. Em đừng bắt anh phải làm điều mình không biết chứ?
– Đâu khó khăn gì, anh chỉ cần so sánh cuộc sống của anh là rõ liền. Ai chiếm thời gian nhiều hơn là biết chứ gì.
Suýt nữa Tường bật cười trước “phương pháp” cân tình yêu của Quán. Thật giản dị và dễ dàng. Như đọc được ý nghĩ của anh, Quán cười.
– Anh buồn cười phải không? Thì cười đi, rồi cân thử.
Tường gật gù.
– Nếu đó là một lối cân như em nói thì để anh cân thử.
Im lặng giữa họ một lúc. Xe đã xuống hết dốc của ngọn đèo đầu tiên. Bắt đầu lên dốc của rặng núi thứ hai. Con đường được tẻ ra làm hai nhánh ngược xuôi.
– Thế nào anh?
– Anh xin lỗi em.
– Em đâu cần anh xin lỗi. Em chỉ muốn biết, anh cứ nói thật.
Im lặng giữa họ thêm một lúc nữa. Cuối cùng Tường nói thật nhanh.
– Nhu.
– Em cũng nghĩ thế.
– Anh xin lỗi em, anh yêu Nhu nhiều hơn.
Quán cười nhẹ, đưa tay sửa lại cặp kính râm.
– Đây là một trong những điểm em quí mến anh.
– Cám ơn em.
– Có một người bạn như anh thật là thoải mái, ít nhất anh cũng dám nhìn vào sự thật chứ không vòng vo như Vĩnh.
–!!!
– Mấy anh chơi với nhau thật thân mà tính tình khác nhau đến độ kỳ cục. Nghĩ cũng buồn cười anh nhỉ.
Tường uống ngụm cà phê cuối còn lại trong lỵ Bên ngoài khung kính xe, hai bên đường bảng quảng cáo các khách sạn và sòng bài tại Réno đã có nhiều hơn.
– Sao em không để anh lấy phòng trước, sợ hôm nay đông.
– Đâu có gì mà lo... Em sẽ đưa anh đến một nơi bất ngờ. Mà không có phòng thì ngủ xe cũng được. Lâu lâu bụi đời một lần thì đã sao.
Tường nhắm mắt lại. Nắng gay gắt hơn khi giấc ngủ kéo đến. Lẫn trong tiếng máy xe là tiếng nhạc vừa bật. Một bản nhạc cũ được Khánh Ly hát mà Tường và Quán đã nghe những ngày còn học tại Văn Khoa.