Chương 7

Đêm yên tĩnh với từng cơn gió nhẹ. Tháng tư của San Jose thật hiền lành. Cây lá thay da đổi thịt làm thành phố không còn vẻ trơ trọi, mà trái lại mang nét đằm thắm, tròn trịa như một cô gái vừa tắm xong sau giấc ngủ no đủ. Mùa xuân nơi đây đúng nghĩa là xuân. Tường khép cổng nhà Quán lại, con đường William đang trước mặt với khúc quanh dẫn ngang chiếc cầu nhỏ. Hai bên đường những cây cột điện tỏa ánh sáng vàng vọt, hắt lên các tàng cây những đốm sáng rung rinh theo từng thoáng gió.
Tường dừng lại trên cây cầu nhỏ, nhìn xuống. Khe nước tối om lẫn vào màu đêm. Anh cố tìm con đường nhỏ từ cái park bên kia đường chui ngang gầm cầu, dẫn đến khoảng mát dưới các bóng cây. Con đường vòng quanh giòng suối nhỏ. Thật đẹp và nên thợ Tường đã lang thang trên quãng đường này nhiều lần và cứ mỗi khoảng mát dưới một bóng cây đều dừng lại. Chẳng suy nghĩ hay làm một việc gì cả. Nhưng dừng lại, vẫn dừng lại để cuối cùng thấy sự khác biệt từ mỗi khoảng mát. Đã có lần anh hứa đưa Nhu đi lang thang tại đây.
– Anh vừa tìm thấy một con đường đất nhỏ.
– Có gì lạ không anh?
– Đẹp lắm. Dẫn từ một cái park, xuyên qua cây cầu nhỏ và uốn quanh con suối. Có những tàng cây cao ôm choàng lấy nhau làm con đường như chui qua các hang động. Và nắng rơi từng hạt xuống tay, xuống vai, xuống mặt đường. Nhấp nháy như mảnh thủy tinh vỡ.
– Anh làm thơ đó hả.
– Không. Anh chỉ muốn nói về con đường đất tình cờ tìm thấy ở đây. Và muốn đưa em đến, một dịp nào đó... Em sẽ thấy con đường còn thơ hơn cả thơ nữa.
Bây giờ con đường lẫn vào màu đêm. Cái vẻ thơ hơn là thơ mất tiêu. Chỉ còn bóng đen ôm choàng tất cả. Những bóng đen đậm kịt chen vào những bóng đen mờ nhạt. Không còn những hạt nắng rơi xuống như các mảnh thủy tinh, không còn những khúc quanh với các tàng cây ôm choàng lấy nhau, không còn màu đất đất đỏ nhạt nổi bật giữa sắc của lá... Như một cánh cửa đã đóng lại. Một cánh cửa sơn màu đen của đêm. Tường chợt thèm có Nhu bên cạnh để nói với nàng điều này. Hẳn nàng sẽ bảo “Bài thơ của anh đã thành hình ảnh của cánh cửa sơn đen kịt”.
Bằng những bước chân ngắn, Tường xuống cầu. Tiếng dép lê trên đường vang lên những tiếng “lép nhép” đục và buồn tẻ trong sự yên ắng của đêm. Tường nghe rõ ràng sự khác biệt từ lúc mũi chân đặt xuống đường bắt đầu âm thanh cho đến lúc nhấc gót lên để chấm dứt âm thanh. Dư âm kéo dài từ bước này nối liền sang bước kia. Đôi dép nhật dưới chân như sống dậy. Mỗi bước là một nhịp thở khác biệt. Dài, ngắn không đều như nhịp thở con người. Nhanh chậm cũng thế thôi, mỗi phút như một ngăn của cuộc đời. Tường chợt nhớ câu thơ của ai đó, đã đăng trong một tạp chí văn chương hải ngoại. Có phải tác giả đã viết về nhịp thở của đôi dép không? Và có đúng là nhịp thở của đêm. Như Tường, đôi dép của Tường trong đêm naỵ Nếu thế, đâu phải mình anh cô đơn.
Cơ đơn? Tường khựng lại khi hai tiếng này hiện trong trí. Cô đơn hay không cô đơn đây? Anh nhìn quanh, những căn nhà đã chìm trong giấc ngủ. Ở đó có hạnh phúc, có sự đầm ấm của những con người đang sống. Nếu không bằng một gia đình thì những con người này cũng có nơi để về. Còn Tường, Tường sẽ về đâu? Không một nơi nào để anh trở về. Đã lâu lắm tiếng về mất dấu trong anh. Đến và đi trong suốt thời gian tại Mỹ. Chưa bao giờ Tường thắc mắc về những điều này cả. Nhưng đêm nay, tại con đường này anh chợt có.
Về đâu chứ? Tòa soạn tờ báo với tấm đệm rách nát đâu phải là nhà của anh. Đó chỉ nơi ngưng lại sau thời gian làm việc. Để ngủ, để ăn, để nhậu, để làm tình... Khung cảnh hiu quạnh với các bóng đèn néon trắng đục. Vài cái bàn bừa bãi sách, báo, giấy, bút. Hai cái máy computer, một cái máy typesetting nhô đầu lên trên ba cái bàn. Như ba cái đầu người không óc. Tiếng” e e” của chiếc máy in pha với tiếng nhạc trong đêm như tiếng con nít khóc trộn tiếng rụ Chấm hết! Chỉ máy và máy sống quanh anh. Không một con người để gần gũi. Không một hơi thở để làm ấm không khí. Vậy đó! Tường đã sống một thời gian dài tại khung cảnh như vậy. Ra, vào, ngêu ngao hát, ngâm thơ giữa máy móc. Bài thơ này hay chứ hỡi máy typesetting? Câu hát này tình tứ phải không máy computer? Bức tranh này đẹp quá, đúng không máy photo copỷ Đã bao lần Tường đối diện những cái máy, lảm nhảm nói chuyện để cố gắng tìm lại chính mình. Rồi sợ hãi khi tỉnh giấc lúc nửa đêm. Lại ngắm nghía, rờ mó từng cái máy. Và tưởng tượng đến người chung quanh trong phút đó, để hiểu nơi chốn này không phải là điểm mình định đến.
Bỏ một nơi để đi là tìm một nơi để đến. Tường đã mất tất cả để đến nơi này hay sao? Một thế giới của máy và cô đơn. Nếu đây không phải là nơi mình tìm kiếm thì đây là nơi duy nhất mình tìm được. Tường tự an ủi như thế, nhưng vẫn có một điều gì đó bất ổn dấy lên trong lòng. Anh không thể tự mình đeo mặt nạ để đánh lừa chính mình như đã lẩn tránh mọi người chung quanh. Đêm nay, điều đó lại về.
Tường dừng lại trước hàng rào của một căn nhà. Một ngọn đèn bóng tròn treo phía trước cánh cửa được sơn nước sơn xám đang khép kín, nằm cuối con đường nhỏ dẫn từ cổng vào. Đầu lối đi là Tường. Cuối lối đi là cánh cửa đang đóng. Bên ngoài là thế giới yên lạnh và cô đơn. Bên trong là hạnh phúc và đầm ấm. Tường mới bắt đầu đứng nhìn lối vào từ bên ngoài mà cửa đã đóng kín bên trong. Không một ngõ nào cho anh tìm về hay sao? Tường thở dài bước đi khi điều mong ước đè nặng trong lòng.
– Mỗi buổi tối em lại nhớ và thương anh hơn.
– Sao lại buổi tối?
– Sau khi ăn cơm, cả nhà quây quần xem ti vị Đông đủ mọi người bao quanh em, em nhớ đến anh đang lủi thủi một mình tại tòa soạn.
– Anh quen rồi!
– Anh dối em làm gì. Một mình buồn lắm hả anh?
– Anh thèm một nơi để về.
– Em thương anh.
Phải! Tường thèm một nơi để về. Đã có lần anh thú thật với Nhu khi nói chuyện. Thèm một nơi nào đó để về. Gia đình chẳng hạn. Nghe thật đơn giản nhưng với anh lại là mơ ước. Tường đã thấy mình lạc lõng giữa không khí gia đình của bạn bè. Những con người dù rất gần gũi, rất thân mật nhưng sao xa lạ. Luôn luôn có một lớp vỏ bọc quanh. Lớp vỏ hạnh phúc cho mọi người và lớp vỏ cô đơn cho Tường. Anh khát khao tình cảm gia đình. Một cử chỉ săn sóc, một thái độ âu yếm dành cho người thân đã lâu Tường không được làm. Và đã dành tất cả những điều mất đó cho bạn bè và đám bụi đời. San xẻ, đón nhận bằng những gì mình có và mọi người có. Để sau cùng, còn lại một mình, mơ ước đó lại lớn hơn trong anh. Như đêm nay Tường thấy lại mình giữa những căn nhà hạnh phúc chung quanh.
Có tiếng động cơ vang lên từ xa, rồi ánh đèn lóe lên. Một chiếc xe đang chạy về phía Tường. Tiếng động cơ mỗi lúc một lớn khi ánh đèn sáng dần, sáng dần và cuối cùng là một chùm sáng hắt vào mặt, chói chan. Anh nhắm mắt khi chiếc xe vụt quạ Tiếng động cơ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Đêm bị khuấy động rồi lại lặng yên. Khung cảnh như chưa có gì xảy ra. Chỉ là một chiếc xe ngược chiều chạy vụt qua như trăm ngàn chiếc xe ngược chiều đã vụt qua trong đời. Mất tăm như hòn sỏi vất trên mặt hồ, không để lại dấu vết gì sau những vòng tròn bị khuấy động, tan loãng trong thời gian ngắn.
Còn ba khoảng đường nữa sẽ đến ngã tư William và Fifth. Có nghĩa là còn khoảng gần ba trăm bước nữa Tường sẽ đến trước cửa rạp chiếu phim X và cái bar rượu. Ở đó sẽ có những thằng bụi đời không nhà nằm lăn lóc trên thềm xi măng. Không chừng lại có vài thằng bạn của anh. Những thằng bạn kỳ quái trong mắt mọi người mà đến giờ này Tường cũng chưa biết tên và ngược lại. Chỉ vỏn vẹn những tiếng “Men, Guy” khi nói chuyện. Còn câu chuyện? Vẫn sẽ là thứ chuyện quái đản trong lỗ tai mọi người. Những chuyện tình kỳ cục, phi luân mà anh đã nghe một cách bình thường. Những lần đưa nhau từng lon bia, chai rượu với bọn này anh đã làm. Chẳng thấy một khoảng cách nào cả. Luôn luôn là sự thoải mái. Ngồi phệt dưới thềm xi măng, bưng lon bia, tu một hơi, chửi thề vung vít khi kể và nghe chuyện... Đâu có gì khác biệt khi như đang ngồi trong một buổi tiếp tân hay một cuộc họp. Ranh giới không có trong anh khi nhìn những thằng bụi đời đủ sắc tộc hay những thằng người với một thứ bằng cấp, chức vụ nào đó trong bộ quần áo sang trọng. Bất bình thường hay từ bản chất Tường đã vậy? Cả hai câu trả lời đều không quan trọng đối với Tường từ cái nhìn tất cả đều là người.
– Anh không giữ gìn gì cả?
– Giữ cái gì?
– Chơi lăng nhăng, ai cũng chơi được, Mỹ đen, Mỹ trắng, Mễ, bụi đời... có ngày mang họa à.
– Nhằm nhò cái gì? Anh còn cái gì mà mang họa.
– Mấy người đó ghê thí mồ!
Đó là Quán và Tường khi nhắc đến bọn bụi đời.
– Tao không hiểu nổi mày.
– Gì mà không hiểu?
– Tại sao mày có thể chịu nổi cái đám đó?
– Tao thấy chả có gì khác biệt.
– Khác chứ sao không? Bọn nó lang thang, mang đủ tật xấu, tội ác, mày coi chừng.
– Có đếch gì phải coi chừng. Tao thấy mấy thằng đó chơi với tao hệt như bọn mày...
Đó là Vĩnh và Tường.
– Mày vừa vừa chứ.
– Sao?
– Đổ đốn vừa vừa chứ, hết người chơi rồi hay sao lại giao thiệp với những thứ không ra gì, mất tư cách thấy rõ.
– Cái gì mà mất tư cách?
– Bọn homeless, đầu trộm đuôi cướp, du thủ du thực...
– Sao mày biết là đầu trộm đuôi cướp?
–!!!
– Bọn nó chỉ thua tụi mày và những người khác vì không ăn khớp với vòng quay của xã hội này do hoàn cảnh, do khả năng, hoặc do một điều gì đó. Những lần chơi với tụi nó, đôi lúc tao còn thấy thoải mái hơn là tại một buổi dạ vũ với đuôi cà vạt lua...
– Mày cũng không khớp với cái vòng quay mà mày vừa nói!
– Tao không nói thế, nhưng tao thích làm vậy.
Đó là với Hoàng. Còn Nhủ Lòng Tường dịu lại sau khi nhớ lại những mẩu đối thoại với ba người bạn. Chẳng bao giờ Nhu đặt vấn đề với anh cả. Sự thông cảm đã có giữa hai đứa. Dù với Tường, Nhu chỉ biết qua những đoạn quá khứ tình cờ được kể lại. Đáng lẽ ba người bạn này phải hiểu anh nhiều hơn Nhu chứ? Ít nhất bọn nó cũng biết Tường là thằng bỏ nhà đi lang thang từ năm 14 tuổi và chuỗi ngày khôn lớn nằm ngoài gia đình. Như một thứ cỏ dại mọc trong vườn cuộc đời, anh lớn lên bằng đủ thứ tình thương. Từ một thằng đánh giầy cho đến một người con gái buôn hương tên Hoa. Tường sống, Tường đã sống bằng những tình thương đó. Và bây giờ, tại đây bằng tình thương của chính mình và mọi người chung quanh. Bất giác anh đưa tay lên túi áo trái. Cô bé bằng đồng thau của Nhu vẫn nằm ngoan ngoãn cạnh lồng ngực có trái tim đang đập.
Lại có tiếng xe phía sau lưng lúc Tường đến ngã tư đường Sixth và William. Bước chân đang đều đặn bỗng chậm lại. Ánh đèn phía sau hắt tới làm cái bóng của Tường dài ngoẵng rồi thu lại thật nhanh và khi chiếc xe vụt qua thì chụm dưới chân anh. Mắt Tường dõi theo cái bóng của mình. Dừng lại lúc cái bóng chui xuống phía dưới đôi dép, rồi mất biến. Anh đứng lại đúng lúc đó và tưởng như đang dẫm lên chiếc bóng của mình. Hình như dưới hai chiếc dép có vật gì đang cục cựa. Sự dấy động nhẹ nhưng truyền vào gan bàn chân. Tường cảm thấy vậy. Và có ý nghĩ nếu nhấc chân lên lúc này, chiếc bóng sẽ chui ra, dài ngoẵng trên đường. Cũng có thể nó ào ra bay mất vào đêm. Anh thích thú nhấc chân từ từ để chờ chiếc bóng ào ra. Bàn chân mở lên, mở lên rồi nhấc hẳn khỏi mặt đất. Chẳng có gì cả. Có thể chiếc bóng nằm dưới chân kia chăng? Tường lại cảm thấy có gì lúc nhúc dưới chân mình, và nhấc nhanh bàn chân còn lại. Vẫn chẳng có gì. Tường băng qua đường. Đó chỉ là ý nghĩ trong đêm.
Không có thằng bụi đời nào nằm trên thềm rạp chiếu phim X cả. Cái bar rượu cũng đóng cửa im ỉm. Khung cảnh vắng tênh, khác hẳn mọi hôm. Mới buổi tối, khi ngồi trên xe của Hoàng chạy qua đây Tường còn thấy tụi nó mà? Có thể đêm nay cảnh sát bố ráp khu này chăng? Nếu thế thì bọn nó ngủ đâu và đứa nào đã bị bắt? Tường chợt âu lo khi nghĩ đến cái án giết người của thằng Mỹ đen cao và tình trạng cư trú bất hợp pháp của thằng Mễ. Dám có sự không may xảy đến cho tụi nó trong khi anh ngủ như con heo chết tại nhà Quán. Nếu điều này thật sự đã xảy ra thì lỗi cũng tại Tường một phần... Tòa soạn tờ báo, nơi Tường ở vẫn là nơi trú ẩn của bọn nó trong những đêm cần thiết. Điều bất ổn dâng lên thành nỗi ân hận, anh nhìn quanh quất cố tìm một con người đang nằm co quắp trên thềm nhà nào đó. Nhưng vẫn trống không. Những thềm nhà lạnh băng và phẳng phiu như chưa từng có chân người.
Bây giờ đã có vài chiếc xe chạy qua lại. Những ánh đèn hắt từ mọi phía khi Tường bước nhanh về tòa soạn. Chiếc bóng vẫn gắn liền với anh. Tỏa ra, thụt vào khắp mọi hướng theo bước chân. Hết những đoạn đường với cái đầu trống rỗng, không có một ý nghĩ nào ngoài tâm trạng bất an, Tường về đến tòa soạn.
Quay một vòng khóa, Tường đẩy cửa bước vào. Phía sau lưng anh trời đã mờ sáng.

*

Nhật ký tháng tư.
Thứ hai của tuần lễ thứ hai.
Tôi ghi lại những ý nghĩ trong đêm từ nhà Quán trở về. Ít nhất mình cũng gạn lọc được một số điều cho cuốn truyện đang viết. Đêm thường làm cho người ta thông minh hơn. Nhưng đêm cũng làm cho con người dễ cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng. Nhân vật chính phải lạc quan để bước vào cuộc đời. Hắn không sống cuộc sống của tôi. Tôi vẫn nhớ điều này.

*

Thứ tư của tuần lễ thứ hai.
Sau khi nói chuyện, ông chủ biên của tờ báo có vẻ ngạc nhiên về cách viết này. Đã có những câu hỏi được đặt ra về cuốn truyện khiến tôi khó trả lời. Quả tình lối viết này làm mọi người không tin tưởng. Nhưng biết sao? Tôi tin vào điều mình đang làm.

*

Thứ bảy của tuần lễ thứ hai.
Sự có mặt của nhân vật chính trong đời sống thật thú vị. Tôi tìm thấy mình sau khi tìm thấy hắn. Như vậy, sự có mặt của hai con người giống hệt nhau tại một nơi, cùng một thời điểm, nhưng khác vị trí trong xã hội thì sẽ lạ hơn cả người lạ. Nếu như tôi bỏ con đường đang đi để sống như hắn hẳn là thú vị và có nhiều điều bất ngờ. Bố Nhu chẳng hạn. Ông cụ sẽ không còn xía vào chuyện hai đứa. Ít nhất tôi cũng thoải mái khi nghĩ đến một chỗ dừng lại... Nhưng để làm gì? Sống như hắn, cũng được đi, nhưng bấy giờ tôi có còn là tôi không? Hay sẽ biến thành một trong những mẫu người chung của xã hội. Và Nhu, nàng sẽ thế nào, khi tôi không còn là một thằng bỏ đi.
Đừng quên hắn chỉ là một con người do mình đẻ ra.