Tường không thích thái độ của Hoàng trong buổi họp cựu quân nhân. Dù là bạn thân nhưng trước khuôn mặt hầm hầm, ánh mắt đỏ rực và từng câu nói gằn giọng của bạn, Tường khó chịu không ít. Ở Hoàng có một sự phẫn nộ – không, phải gọi là nét quá khích, cực đoan – được lộ ra. Ào ào nói, không dành cho người khác cơ hội phát biểu. Như một con thú dữ bị chọc giận, Hoàng vung tay, vung chân hò hét tại hội trường. Mọi người nhìn nó bằng đủ loại cái nhìn. Ngán ngẩm có, bực dọc có... Nhưng lúc đó Hoàng đâu cần. Nó chỉ biết một điều: cần phải lộ lập trường và thái độ rõ nét. Tường lắc đầu tự trách sao lại để thằng bạn này lôi vào đây.
Đã từ lâu Tường đứng ngoài mọi sinh hoạt của anh em cựu quân nhân. Ngay cả chi hội Biệt Động Quân được thành lập, Tường vẫn không quan tâm, dù đó là binh chủng đã sống trong cuộc chiến. Với anh, chỉ là sự ủng hộ hoặc phụ giúp anh em trong khả năng của mình. Còn bảo tham gia những hoạt động trực tiếp của anh em thì đành chịu. Anh hiểu anh hơn ai hết, và không muốn mình là một mối phiền cho những người còn có lòng. Chỉ lặng lẽ theo đuổi việc đang làm. Nhưng hôm nay không biết tại sao Tường lại yếu lòng theo Hoàng đến tham dự buổi họp này. Lấy tư cách một người làm báo ư? Tường không nghĩ vậy. Bằng cương vị một cựu quân nhân ư? Tường ngờ lắm. Với tình bạn với Hoàng ư? Đâu gì là cần thiết sau hơn hai mươi năm. Thế mà vẫn đến để dành lấy sự bực bội. Hay bởi sự trống rỗng của một buổi chiều tháng tư?
Tháng tư! Mẹ kiếp! Mười lăm lần tháng tư đã qua đời Tường với đủ kiểu suy nghĩ. Có tháng tư ngơ ngác, cởi áo, vất súng dắt thằng lính thân tín tìm đường về nhà. Có tháng tư nuốt không nổi hai miếng thịt heo bằng đầu ngón tay để “mừng ngày ba mươi tháng tư” trong trại tù cải tạo. Có tháng tư xếp hàng lãnh mì gói tại đảo Galang trước khi làm lễ. Có tháng tư lang thang trên đường Hồng Thập Tự với con điếm để nhìn kỹ khuôn mặt mọi người chung quanh. Có tháng tư say khướt, khóc như cha chết ở một thị trấn chỉ có một mình là người Việt Nam. Có tháng tư nóng mặt, đứng giữa đám đông biểu tình tại Santa Ana, Wichita, Washington... rồi mát mặt trong cuộc vui được gọi là gì gì đó. Có tháng tư rỗng tuếch, không biết sẽ làm gì rồi để rơi theo hành động của những người chung quanh một cách vô tình. Những tháng tư chất vào hồn Tường, nằm ỳ nơi đó, khơi dậy bất cứ lúc nào trong năm. Chẳng cần đợi một thời gian chính xác. Anh hiểu rõ ràng nhưng sao lại theo Hoàng đến đây? Trong buổi chiều tháng tư này.
Hoàng đóng mạnh cửa xe, mở khóa máy. Bàn chân ấn mạnh vào chân gạ Động cơ rú lên ầm ĩ. Người chung quanh nhìn về phía bọn Tường. Thêm vài cái lắc đầu của đám người vừa có mặt trong buổi họp. Những cái lắc đầu y hệt những cái lắc đầu đã làm mà Tường nhận được khi Hoàng phát biểu.
– Bớt nóng anh bạn.
– Sùng thật! Ngơ ngơ cả đám.
– Sùng cái chó gì, cũng phải có người này người khác chứ? Mày đòi hỏi ai cũng hừng hực như mày đâu được.
– Cái gì mà hừng hực? Vậy thì vào đây làm gì?
– Thì cũng phải có nơi cho họ đến, cho họ tìm lại con người của họ chứ. Giữa lúc này, còn những người có lòng là quí rồi. Còn làm được gì? Đóng góp bao nhiêu là tùy theo khả năng? Ai cũng có một đời sống riêng để lo toan.
– Tao không có chắc? Sao tao vẫn làm được?
– Đi đi, đậu hoài một chỗ sao cha nội!
Hoàng sang số. Chiếc xe rời khỏi bãi. Chiều đã xuống với ánh nắng vàng chói mắt. Thành phố đã bắt đầu vào sinh hoạt của đêm thường lệ. Và Tường cũng sẽ bắt đầu một buổi tối tại nơi chốn xa lạ. Giữa anh và những thành phố Mỹ chẳng có gì ăn nhậu với nhau. Hờ hững trong từng tia nhìn. Dù những thành phố đó đã bao dung và cho Tường cuộc sống hệt như những cuộc sống khác. Nghĩa là cũng ăn, cũng ngủ, cũng hít thở, rong chơi... Anh vẫn có một chỗ đứng tại đây. Nhưng sao chẳng quyến luyến, xúc động mỗi khi rời bỏ một nơi chốn để đến một nơi chốn khác. Quả tình là mình kỳ thị thành phố này. Tường bật cười khi nghĩ đến hai chữ “kỳ thị”, Nhu đã dùng trong buổi tối hôm nào. Hoàng quay sang Tường, lúc xe ngưng tại một ngã tư có bảng stop.
– Cười cái gì?
– Cười cũng không được sao? Con ông cụ hôm nay có vẻ khó tính hẳn ra. Cà khịa trong buổi họp không đủ hay sao? Lại còn tính cà khịa cậu nữa.
– Vậy mà là cà khịa hay sao?
– Còn thế nào mới được gọi là cà khịa? Mặt mày trong buổi họp trông kỳ bỏ mẹ. Tao là bạn của mày còn không chịu nổi huống chi người khác?
–!!!
– May mà hiểu mày từ ngày còn đi học bằng không tao cũng phải nghĩ không đẹp cho mày. Y hệt một thằng đang đóng trò trên sân khấu. Thế nào cũng có vài ý nghĩ loại đó từ những người họp hôm nay dành cho mày.
– Mày nghĩ vậy?
– Cần gì nghĩ với ngợi? Dù lờ ngờ với cuộc sống như tụi mày hằng nghĩ, nhưng tao đâu phải thằng mù. Tao thấy vậy.
Hoàng ngẫm nghĩ trong lúc chờ xe vắng để băng qua khúc quẹo trái. Khuôn mặt trầm tĩnh hơn, nét hung dữ trong buổi họp không còn. Ngón tay trỏ đập đập trên tay lái, nó có vẻ để tâm đến điều Tường nhận xét. Chừng vài phút sau, Hoàng gật gù khi xe bắt đầu chạy.
– Mấy thằng viết lách thật nguy hiểm. Nhận xét và thấy những điều người khác không thấy. Cái vỏ lờ ngờ chỉ là bề mặt, bên trong là con mắt mở to, chăm chú.
Tường nhún vai.
– Điều đó đâu quan trọng. Ai cũng có thể làm được nếu chịu để tâm nhận xét vấn đề. Điều quan trọng là thấy mà có dám nói thật hay không. Khối thằng hiểu rõ ràng những sự việc xảy ra mà vẫn câm như hến, không dám nói những điều cần nói.
– Cái gì là cần và cái gì là không cần?
– Tự mỗi vấn đề, mỗi sự việc đã lộ ra cái cần và cái không cần rồi. Cần quái gì phải phân tích, cân nhắc làm chi cho mệt. Chỉ... ngửi là đủ.
– Thối!
– Sao lại thối? Tao nói không đúng hay sao? Như hôm nay khối thằng bực mình vì mày mà có đứa chó nào nói với mày đâu? Nếu không là bạn cũ của mày, và cùng về bữa nay, chưa chắc tao có dịp để nói và mày đâu biết mẹ gì.
– Nếu không phải là bạn cũ liệu mày có nói với tao không?
Tường khựng lại trước câu hỏi của Hoàng. Phải rồi, nếu chẳng có tình bạn từ bao lâu nay, liệu anh có nói với Hoàng những điều mình thấy không? Hay cũng chỉ im lặng rồi bỏ qua như mọi người đã làm?
– Có lẽ không, việc này quá nhỏ nhặt, không đáng nhắc nếu không thù oán mày.
Hoàng cười giễu cợt.
– Như vậy mọi người đều... thương tao!
– Chưa chắc! Biết đâu mai mốt mày lại nhận được vài cái nhìn đố kỵ, xa cách.
– Tao đếch cần điều này, cái chính là nói và làm được việc.
– Nhưng dù sao cũng nên tế nhị.
Hoàng buông một tiếng chửi cho xe vào một exit dẫn đến down town. Con đường uốn quanh với hai hàng cột xi măng hai bên. Từ free way rộng thênh thang, thẳng băng có những vạch trắng phóng túng bất thần lọt thõm vào một exit chật hẹp, uốn éo với độ dốc thoai thoải tưởng như đang sống trong khung cảnh tự do bị ném vào vùng trời tù túng, trói buộc. Chiếc xe giảm dần tốc độ ngược với nhịp sống đang nhanh dần. Bây giờ dãy cao ốc hai bên đường hiện lên rõ ràng. Từng khung cửa sổ, từng bảng hiệu, từng vệt sơn... Bọn Tường đi vào lòng thành phố như đi vào lòng cuộc sống Mỹ.
*
Xe vòng qua đường Second. Hoàng lên tiếng.
– Ăn ở đâu?
– Đâu cũng được. Cơm, phở, cháo, bún... thứ nào cũng như nhau. Mà thôi, vào Mini Club đi.
– Mini Club?
– Ờ... Cái vũ trường nằm ở bên trái kia kìa. Ngay cái bảng dựng trước cột đèn đó.
Hoàng ghé xe sát lề, móc túi lấy vài đồng cắc bỏ vào đồng hồ đậu xe. Chiếc kim đỏ, sau cái bật tay của Hoàng, xoay lưng chừng. Hoàng nhìn chăm chú vào mức số của kim đang chỉ. Xong, cẩn thận bỏ thêm một đồng cắc vào. Lại bật tay thêm lần nữa. Chiếc kim nằm sát đáy, Hoàng xoa tay.
– Vậy là đủ.
– Chiều rồi còn lo gì nữa.
– Cẩn tắc vô áy náy mà...
Tường không nói, cùng Hoàng vào quán, chọn một bàn sát cửa sổ. Bên ngoài khung kính là cảnh chiều đang hết. Nắng cuối ngày tỏa sau dãy cao ốc bên kia đường, hắt xuống bãi đậu xe trước mặt quán một vùng đen. Khung cảnh vắng tanh, không một người qua lại và những chiếc xe trong bãi như đang say ngủ. Cảnh buồn và không có một ý sống nào dấy lên. Ngay cả chớp đèn màu hồng của hàng chữ “Hilton Hotel” đang nhấp nháy trên sân thượng một tòa nhà cũng mang vẻ ảm đạm.
Hoàng vất gói thuốc lên bàn.
– Đây có gì ăn?
– Thiếu giống gì. Bún chả, cơm, bún riêu...
– Gì ngon nhất chứ?
– Tao làm sao biết được mồm mày thế nào? Nhưng theo tao thì xôi vò chè đường ở đây là nhất!
– Tao thấy không giống quán ăn.
– Đã bảo là một vũ trường mà. Tao thích ngồi ở đây. Khung cảnh dễ chịu cho cái nhìn. Từ chỗ này, tầm mắt của mình được phóng ra rộng rãi, không bị ngăn chận. Hơn nữa, quán này ít ồn ào.
– Mày đi ăn hay đi ngồi?
– Ăn thì ở đâu chả thế, món gì cũng vậy. Cũng thừa mứa và ngán tới cổ. Tao cần chỗ ngồi nhiều hơn.
Hoàng gõ điếu thuốc xuống mặt bàn. Đảo mắt nhìn chung quanh. Lối bài trí có vẻ xa lạ đối với nó. Tường thích thú trước nét lơ ngơ của thằng bạn vừa có thái độ hung hăng trong buổi họp. Ngơ ngáo như một học sinh của những năm 60 vừa đến vũ trường lần đầu. Cũng may cho nó hôm nay không phải cuối tuần. Chỉ là buổi chiều với sự im ắng của một quán ăn vắng khách.
Tất cả chỉ ba bàn có khách ngồi. Vỏn vẹn sáu người khách. Một cặp trai gái ngồi tại chiếc bàn sát quầy thu tiền, hai người đàn bà ngồi phía bàn bên trái và bọn Tường. Câu chuyện từ họ và từ hai người đàn bà được cả bốn người nghe chung. Còn đôi trai gái chỉ thấy những cái gật đầu và những nụ cười trên môi. Hai người đàn bà đang nói chuyện về một kiểu xe mới của năm 1989. Câu chuyện theo Tường thì bình thường, theo Hoàng có lẽ là nhạt nhẽo, nhưng hai người đàn bà có vẻ thích thú ra mặt. Màu sơn, cửa tự động, mở mui... sau cùng là giá tiền. Con số được nói làm Tường giật mình. Mẹ kiếp! Một cái xế với giá như vậy, tàn đời anh cũng chưa rớ được. Tường bắt đầu chú ý đến hai người đàn bà nhiều hơn.
Người đàn bà ngồi phía trong có khuôn mặt bầu bĩnh, mắt to, cánh môi ướt nhẫy son. Nhan sắc thuộc loại trung bình nhưng thân hình quả là hấp dẫn. Ngực căng cứng và da tươi mát. Sinh lực tràn đầy và gợi sự ham muốn của giống đực. Bà ta (hay cô tả) trạc ngoài ba mươi. Ngược lại, người đàn bà ngồi bên ngoài thân thể ốm o, không có nét gì hấp dẫn. Khuôn mặt cũng không nhận được bởi xoay lưng lại. Chỉ có mái tóc được nhuộm màu nâu thẫm và bàn tay đeo nhẫn là rõ. Một chiếc nhẫn kim cương to tướng, đè lên ngón tay trỏ ốm yếu và khẳng khiu. Cả hai đều là những người lạ mặt với Tường. Tại sao Tường lại để ý đến họ? Từ con số của giá tiền chiếc xe vừa nhắc đến hay sao? Kỳ cục quá vậy, giữa anh và chiếc xe cùng hai chị đàn bà này có gì dính đến nhau đâu. Lại ấm ớ với loại suy nghĩ này rồi! Tường quay lại với Hoàng, thằng bạn cù lần hẳn cũng vừa làm xong một màn quan sát.
– Lối bài trí lạ thật.
– Mày không thấy cái “piste” nằm chình ình ở giữa quán hay sao? Đây chỉ đông vào những ngày cuối tuần, vũ trường được mở cửa, còn ngày thường thì như mày thấy, vắng teo.
Người hầu bàn đến, đó là một thanh niên khoảng hai mươi, mặt mày sáng sủa và thông minh. Bọn Tường gọi thức ăn. Người thanh niên quay đi. Hai người im lặng cho đến lúc người thanh niên trở lại với khay thức ăn.
Phía bên trái hai người đàn bà đã ăn xong. Chuyện của họ đã chuyển từ cái xe qua một mốt áo mới vừa được phổ biến. Người đàn bà phía trong ngả vào thành ghế, khuôn mặt hiện lên nét thỏa mãn. Tường liên tưởng đến một con heo vừa ăn xong, đang nằm phưỡn bụng bên máng cám đã cạn. Mắt chị ta lờ lờ như đôi mắt cá ươn, cặp môi vẫn ướt nhẫy son nhưng thiếu hẳn vẻ linh hoạt ban đầu, lúc nói về chiếc xe năm 1989. Hai cánh môi rời rạc, buông từng lời phẩm bình về kiểu áo. Hình như tiếng nói của chị ta cũng bị ướp một lớp màng no đủ, thừa mứa. Bây giờ thì nọng thịt hai bên má nổi bật trên khuôn mặt. Nét hấp dẫn, gợi dục biến đâu mất. Chỉ trần truồng một vẻ ê chề, rã rượi như khuôn mặt được thỏa mãn quá mức sau một đêm truy hoan. Bất giác Tường cảm thấy lợm giọng.
Hoàng cắm cúi ăn. Món xôi vò chè đường có vẻ làm nó khoái khẩu. Chiếc muỗng trong tay Hoàng được làm việc liên tục và nhịp nhàng. Khoắng một ít xôi bỏ trong chén chè, múc đầy, đưa lên môi, húp, nhai. Xong tắc tắc vài cái trong mồm. Thằng bạn này tự nhiên giông giống chị đàn bà bàn bên kia. Cũng có vẻ mãn nguyện và thỏa thuệ Tường hất hàm, buông đũa xuống.
– Ngon không?
– Ngon.
– Thấy mày ăn đã thật. Cứ làm như chưa bao giờ biết xôi vò chè đường là gì.
Hoàng thản nhiên trước câu giễu cợt của Tường, vét nốt muỗng chè còn sót lại trong chén. Lập lại những động tác: húp, nhai, nuốt một cách ngon lành hơn. Rồi cũng tắc tắc vài tiếng trong mồm y hệt anh vừa thấy. Và rất tình cờ, nó cũng ngã ngửa, dựa lưng vào thành ghế y hệt chị đàn bà vừa làm. Tường chăm chăm nhìn nó y hệt cái nhìn dành cho chị đàn bà. Không có hai nọng thịt dưới cằm. Ít nhất thằng bạn này cũng còn nét khác biệt với một con heo vừa ăn xong.
– Mày dạo này ra sao?
– Sao là sao? Vẫn vậy, ngày hai buổi, làm báo, viết lách.
– Còn Nhu?
Gì nữa đây? Lại đến phiên thằng bạn này hỏi tội nữa sao? Chuyện của Tường và Nhu có ăn nhậu gì đến tụi nó mà bị nhắc hoài? Hết Vĩnh đến Hoàng.
– Thì cũng vậy. Nhu vẫn ở với gia đình, đi học đều và thỉnh thoảng bọn tao gặp nhau, gọi phone, thư từ.
– Tao thấy tội cô nhỏ đó...
– Im mẹ miệng mày lại.
– Im cái gì? Mày lơ ngơ, chả lo gì hết.
– T.. ao...
Tường buông lửng tiếng “Tao... ” được kéo dài, nhỏ dần, rồi tắt hẳn tại âm ”... ao”. Quả tình là “tao” thế nào đây? Anh chỉ biết bực bội, tìm cách khỏa lấp trước bạn bè bằng một tiếng chửi thề. Nhưng đó là với người ngoài, còn với chính mình làm sao lẩn tránh được? Anh đừng lẩn tránh em như đã lẩn tránh mọi người. Ngay cả Nhu cũng nói thế. Tường lẩn tránh mọi người? Phải thế không? Khi anh đang sống trong cuộc sống này. Mà lẩn tránh cái gì khi những điều thật đang được phơi lộ rạ” Nhu, Nhu, Nhu... ” Tường lẩm bẩm gọi thầm khi bàn tay phải theo thói quen đặt lên ngực trái. Những ngón tay lần mò trong túi áo, chạm vào bức tượng cô bé bằng đồng thau. Lòng dịu lại, anh nói nhỏ.
– Bỏ chuyện đó đi.
– Có gì đâu mà phải bỏ với không bỏ, đó là chuyện bình thường như trăm ngàn chuyện khác. Đâu quan trọng đến nỗi mày phải né tránh.
– Đã đành là chuyện bình thường, không quan trọng như mày nói nhưng tao không muốn nhắc đến. Vả lại có những điều người ngoài không hiểu đâu, chỉ riêng hai đứa tao biết thôi.
– Gì mà không hiểu? Tao thấy bọn mày lấy nhau thì vừa đẹp.
– Ờ...
– Sao không tiến tới?
– Ờ... Ờ... thì vài năm nữa...
– Rồi lại “ân hận cả đời” con ạ!
Tường ngờ ngợ khi Hoàng nói. Câu này hình như anh đã nghe ở đâu rồi, cũng trong trường hợp nhắc đến Nhụ Trí nhớ bỗng trống rỗng. Tường bực bội đập tay vào trán mấy cái.
– Gì vậy?
– Chẳng có gì.
– Mày đúng là thằng lơ ngợ Thôi bỏ chuyện đó cũng được, có dịp mình sẽ bàn lại. Bây giờ tao hỏi mày: tại sao mày lại đứng ngoài, không nhảy vào với tụi tao? Dù sao mày cũng là thằng lính, thằng tù, và gia đình mày...
– Đừng nhắc đến gia đình tao theo luận điệu lý lịch cộng sản. Tao đủ rồi. Gia đình tao chả ăn nhậu, dính dấp gì đến những việc tao làm cả. Đâu phải tao sinh ra trong một gia đình bị nát bét bởi Cộng Sản là bắt buộc phải thế này hay thế khác, theo kiểu mọi người. Tao có kiểu sống của tao chứ. Nói đi, mày muốn nói gì?
– Mày nên tham gia vào sinh hoạt của các hội đoàn. Đứng ngoài làm gì?
– Tao không thích.
– Tại sao thế?
– Tao muốn độc lập. Một thằng như tao không thể bị buộc vào một cái gì hết. Tao, như mày biết, từ năm mười bốn tuổi đã sống xa gia đình. Lớn lên như loài cây, loài cỏ hoang. Không một ai uốn nắn được. Tự tao tao lớn dậy và lớn theo cách thế suy nghĩ của tao. Không có thứ luật lệ nào áp đặt, trói buộc tao được.
Hoàng có vẻ suy nghĩ. Nó rít từng hơi thuốc dài. Điếu thuốc trên môi rực lên đốm sáng đỏ. Quán đã bật đèn và hai người đàn bà đã bỏ đi. Cặp tình nhân đã đổi thế ngồi. Người con trai qua ngồi cạnh cô gái. Trong ánh sáng mờ, bóng cặp tình nhân lẫn vào nhau thành một khối đen xì.
– Đâu có ai áp đặt lên mày điều gì? Chỉ là vấn đề tự nguyện tham gia và cùng làm việc. Rõ hơn nữa là ý thức trách nhiệm về sự có mặt của mình tại đây. Dù sao mày cũng không quên tại sao mình ở đây chứ?
– Tao hiểu điều mày muốn nói và chẳng bao giờ tao quên được lý do tại sao đang có mặt tại đây. Nhưng tham gia vào một hội đoàn nào đó, với mục đích gì, có cần thiết hay không, đó là điều tao muốn nói. Tao không phủ nhận những việc tốt đẹp mà cộng đồng đã làm được và cũng không xoi mói những lỗi lầm của cộng đồng. Nhưng trở lại căn nguyên của vấn đề là lý do tại sao mình ở đây không có nghĩa là xây dựng một cộng đồng tốt đẹp vững chãi tại đây. Đâu phải xứ sở của mình mà cần làm việc đó? Không lý chúng ta bám rễ ở đây suốt đời? Vậy thì đi để làm gì? Và quả là chúng ta bám vào ngọn mà quên mất gốc. Phải có hướng về rõ ràng chứ. Mẹ kiếp, tao tưởng những câu nói này mày mới là thằng phải nói ra chứ. Đâu đợi đến lượt tao phải nói hộ mày.
– Mày có vẻ khá hơn rồi đó.
Tường bật cười sau câu giễu cợt của bạn. Hoàng tiếp.
– Lâu lắm rồi tao mới nghe mày nói một câu nghe được. Nhưng chỉ mới nói thôi. Còn làm thì chưa thấy. Bao giờ mày bắt đầu với tụi tao.
Tường nhún vai.
– Tao đã bắt đầu, nhưng không phải với tụi mày.
– Là thế nào?
– Chả thế nào cả. Mỗi thằng có một hướng đi để mình đi. Dù cùng chung một cái gốc, nhưng sự chọn lựa phải khác biệt. Tao xin lỗi, tao không muốn thành một mối phiền cho bọn mày, cho anh em. Hãy để tao tiếp tục con đường của tao.
– Con đường của mày? Sống bấp bênh, lang thang với đám Mễ, đám Mỹ đen bụi đời, yêu không ra yêu, bỏ quên tương lai... Có gì chứng tỏ những lời mày nói và hành động mày đang làm là giống nhau đâu?
Hoàng bắt đầu lớn tiếng. Nó châm thêm điếu thuốc. Đốm lửa đỏ rực sáng liên tục trên đầu điếu thuốc tỏa ánh hồng trên mặt. Chập chờn, chập chờn một cách ma quái với tia mắt long lanh. Giữa hai người như có một khoảng cách không thể lấp bỏ được. Hẳn cũng từ những ánh sáng hồng lập lòe từ đầu điếu thuốc, Hoàng cũng cảm thấy điều đó khi nhìn vào mặt Tường.
– Nói đi.
– Nói cái gì?
– Nói về “con đường” của mày xem sao?
Thái độ của Hoàng hiện đầy sự mai mỉa. Tường làm sao giải thích cho bạn hiểu được những điều, theo tụi nó là đầy bê bối, mất tư cách mà anh đã làm. Những điều Tường đã gặp, đã không muốn gặp mà vẫn gặp, và những điều đó Tường đang tránh, đang không muốn những người khác gặp. Như thằng Mễ, như thằng Mỹ đen lùn, như thằng Mỹ đen cao, như những con điếm ế khách ngủ la liệt trong tòa soạn... Hoặc tình bạn với Vĩnh, với Loan và ngay cả Hoàng nữa, Tường chỉ muốn tròn vo trong vòng tình cảm yêu thương... Hoặc Nhu... Anh dịu giọng, nói với Hoàng, khi bàn tay tình cờ đặt vào túi áo trái.
– Có bao giờ mày đem điều gì khó chịu, theo mày là khó chịu, đến cho người khác không?
– Tao không hiểu.
– Bỏ qua chuyện đó đi. Mình về nhà mày hay ghé tòa soạn tao chơi. Kiếm ít bia về uống được chứ.
Hoàng ngần ngừ như chưa muốn dứt câu chuyện nhưng Tường đứng dậy, ra quầy trả tiền. Hoàng đi theo với cái níu tay.
– Để tao trả cho.
– Ờ, tao ra trước.
Tường bước ra ngoài. Không khí mát lạnh hắt vào mặt. Bất giác anh nhớ có một đêm cũng mang tâm trạng giống hệt như vầy, khi bước ra khỏi một quán nào đó, sau khi ngồi với một thằng bạn. Ngồi với ai? Quán nào? Nói chuyện gì? Tường lắc đầu cố nhớ nhưng đành chịu. Chỉ biết mang tâm trạng giống hệt đêm đó. Ngán ngẩm và mệt mỏi.
Hoàng mở cửa xe cho Tường.
– Bây giờ đi đâu?
– Mày muốn đâu?
– Đâu cũng được.
Tường chợt nhớ đến Quán. Phải rồi, tại sao giờ này không đến nhà Quán để uống bia, tán dóc. Tình bạn giữa anh với Quán đã rõ ràng hơn cả những quan hệ bình thường, đến độ không có gì là e ngại. Vả lại bây giờ cũng còn sớm chán. Tường chui vào xe.
– Mình ghé tiệm rượu, mua một chai gì đó rồi xuống nhà Quán uống.
– Quán?
Tiếng Hoàng hơi thảng thốt khi hỏi lại. Tường gật đầu.
– Ờ! Giờ này cô ấy có nhà, lại là dân thức khuya quen rồi. Đến thoải mái.
Hoàng ngập ngừng, chưa chịu mở máy xe.
– Liệu... liệu có gì phiền không?
– Phiền chó gì? Quán thì cũng như bọn mình. Tự nhiên, thoải mái như đàn ông. Nhiều khi tao thấy Quán còn bạo hơn cả mày nữa.
Suốt quãng đường từ Mini Club đến một tiệm rượu nằm trên đường Santa Clara, Hoàng không nói tiếng nào. Cho đến lúc Tường mua xong rượu, mang ra xe nó mới nói bằng thứ giọng khàn khàn, rất ít khi Tường được nghe.
– Sống như mày đôi lúc cũng thích thật. Thản nhiên và bất cần mọi thứ ràng buộc. Tao không thể như vậy được.
Tường đặt túi giấy đựng rượu vào băng sau.
– Có gì đâu mà không được. Sống như tụi mày hay lè phè, lang thang như tao đều như nhau. Cái quan trọng là có dám sống theo mình hay không.
– Mày nói đúng, điều quan trọng là có dám sống theo mình hay không. Hà! Muốn làm một thằng bỏ đi cũng đâu dễ gì phải không?
– Vậy ra tao vẫn còn chút giá trị của riêng tao. Mày nhớ đường đến nhà Quán chứ?
– Nhớ.