Chương 8

151 miles là khoảng cách giữa hai người. Nhu đón Tường tại bến xe bus Sacramento.
– Anh mệt?
– Không. Anh ngủ được một giấc ngắn trên xe. Em chờ lâu không?
– Em mới đến khoảng 15 phút.
– Bố mẹ biết em đi đón anh chứ?
– Không. Em bảo nhà là em đi bác sĩ và shopping.
Tường theo Nhu đến bãi đậu xe. Một thằng Mỹ đen ăn mặc bẩn thỉu đến trước mặt anh.
– Tao cần gọi phone về nhà. Mày có thể giúp tao 25 cents?
– Được.
Tường móc túi lấy hai đồng 25 xu đưa thằng Mỹ đen. Sau tiếng “cảm ơn” nó quay lưng bỏ đi. Một bên áo của nó dính dầu xe, lem luốc từ vai xuống quá lưng. Nhu đứng chờ, cửa xe đã mở sẵn.
– Gì thế anh?
– Một thằng đen cần tiền gọi điện thoại.
Nhu mỉm cười.
– Anh tin?
– Nó bảo thế...
Họ rời khỏi bến xe bus. Con đường dẫn vào trung tâm thành phố thật đẹp. Hàng cây hai bên đường xanh ngát, tàng ôm choàng lấy nhau làm dịu đi cơn nắng tháng tự Những căn nhà khang trang nằm giữa khoảng sân sạch sẽ, đều đặn, ngăn nắp như món đồ chơi được sắp đặt bởi tay người có óc thẩm mỹ. Xe cộ chạy hiền lành theo tốc độ được giới hạn, chậm đến độ những cánh lá khô rơi xuống cũng được nhìn rõ ràng. Khung cảnh trông thích mắt.
– Con đường đẹp thật em ạ.
– Vâng.
– Hao hao đường Nguyễn Du ở Sài Gòn.
– Anh lại nhớ?
– Không nhớ, nhưng thấy giống.
Nhu mỉm cười, mắt vẫn chăm chú nhìn về phía trước. Lúm đồng tiền trên má phải hũm xuống bởi bóng mát của con đường làm lòng xe tối hơn.
– Anh nhìn gì vậy?
– Đồng tiền trên má em.
Mặt Nhu đỏ bừng, môi mím lại làm nụ cười biến mất.
– Mất rồi.
– Cái gì mất hả anh?
– Đồng tiền trên má em.
– Kỳ cục.
Nhu bật cười, xoay sang Tường khi xe ngừng tại một ngọn đèn đường đang đỏ. Mắt nàng nheo nheo và cánh mũi phập phồng.
– Sao em không đeo kính?
– Trông... già lắm anh ạ.
– Ai bảo?
– Mẹ và Đoan nói lúc em vừa lấy kính về.
– Đeo thử anh xem sao...
– Thôi...
Đèn bật xanh, Nhu đạp chân ga khi Tường nhìn qua khung cửa xe. Cảnh tượng trôi qua thật êm đềm làm những hỗn độn, rối rắm của cuộc sống San Jose như đã qua từ lâu lắm. 151 miles từ một thành phố đến một thành phố sao mà xa lắc. Ba tiếng đồng hồ cho một chuyến xe bus đến đây, như ba tiếng cho một lần tìm về sự an bình của tâm hồn.
– Chắc anh lên đây sống.
– Ở đây đâu có tờ báo nào.
Mắt Nhu có ánh tinh nghịch. Tường lắc đầu.
– Đâu nhất thiết phải làm báo.
– Anh sẽ làm gì?
– Rửa chén, lau nhà, bỏ báo Mỹ, bồi... Thiếu gì cách sống cho một con người tại Mỹ, nếu quả tình muốn sống.
– Vậy thì buồn quá!
– Có gì mà buồn. Không làm cái này thì làm cái kia. Mỗi công việc đều có một vị trí riêng trong xã hội. Sự khác biệt chỉ nằm trong khả năng và trình độ, nhưng tất cả những điều này đều khởi đi từ hoàn cảnh của từng người... Cùng một thế hệ, một diễn biến lịch sử chung nhưng có người là lính, là thợ lại có người là bác sĩ, kỹ sư v.v... Bọn anh, những thằng lính tốt dỉn trong số gần một triệu thằng lính của cuộc chiến vừa qua chả bao giờ mang mặc cảm khi đứng trước những kẻ hãnh diện vì bằng cấp, khoa bảng, chức vụ. Ít nhất, bọn anh cũng thông minh hơn họ để hiểu được thế nào là chỗ đứng cần thiết hoặc bị ép buộc của mình. Thế này nhé! Nếu không có một triệu thằng lính thất học vì đủ mọi lý do thì làm sao đẻ ra hàng loạt trí thức tại thành phố? Cay đắng hơn nữa là một triệu thằng này bảo vệ những thằng – mà trong đó là đa số, anh không nói tất cả – sẵn sàng nhổ nước bọt hay bỉu môi trước những thằng bị thất học. Tội nghiệp cho thế hệ của anh đã bị cuốn vào cuộc chiến bằng đủ thứ hoàn cảnh. Bỏ trường, bỏ lớp để cầm súng, rồi sang đến đây lại chơ vơ, lạc lõng... Bằng cấp: không. Nghề nghiệp: không... Lại phải mò mẫm để bắt đầu lại, trong khi những thứ bọn anh bảo vệ thì họ đã có sẵn những thứ khả năng, trình độ mượn từ mồ hôi, máu xương của người khác để tiếp tục cách sống... Mẹ kiếp! Anh xin lỗi đã chửi thề. Anh không vơ đũa cả nắm, nhưng anh đã gặp những thằng tốt nghiệp đại học và hậu đại học huênh hoang tại một quán ăn San Jose mà quên hẳn với những thứ có từ đại học và hậu đại học bọn nó đã làm được điều gì cho mọi người chưa...
Nhu im lặng. Xe qua con đường ngập lá và đang lên khúc quanh dẫn vào xa lộ. Tường chợt thấy ngượng vì những lời vừa nói trong lúc phẫn kích. Tại sao lại để tâm đến những việc chỉ đáng là những thứ râu ria, những thứ lẻ tẻ của cuộc sống. Nhất là hôm nay, buổi sáng đẹp và thành phố hiền lành đang cho tâm trạng an lành.
– Anh xin lỗi em.
– Đâu có gì anh.
– Đúng ra anh không nên giận thế, nhưng nhớ lại buổi chiều đó... Hà! Bỏ qua là hơn hết.
– Em hiểu anh.
– Cảm ơn em.

*

Xe ngừng tại một quán ăn Việt Nam.
– Vào đây hả em?
– Vâng! Em sẽ bao anh ăn bánh bèo và chạo tôm.
Không khí trở lại tự nhiên. Tường theo Nhu vào quán. Người hầu bàn ra tận cửa đón và đưa họ đến một bàn gần cửa sổ. Sau tiếng “cám ơn” của Tường, anh ta bỏ đi. Nhu cầm tờ thực đơn in màu đỏ lên. Những ngón tay của nàng đã xanh lại càng xanh hơn. Sau một lúc, Nhu đặt thực đơn xuống bàn. Một tay chỉ vào hàng chữ in trong thực đơn, một tay đưa lên sát cằm với ngón áp út vỗ vỗ lên môi. Chiếc nhẫn vàng tây có khắc chữ “love” nằm trên ngón tay lấp lánh chút ánh sáng từ nắng bên ngoài. Tất cả đều nhỏ nhắn, phù hợp với vóc dáng Nhụ Tường chợt nhớ buổi tối Nhu bị “xét giấy” tại vũ trường Lido.
– Đi bên em, anh thấy mình già hẳn.
– Vậy em phải đeo kính vào.
– Đeo vào anh xem sao...
Nhu lắc đầu khi người hầu bàn quay lại. Tường gọi thức ăn. Người hầu bàn hí hoáy ghi chép. Cây bút nguyên tử trong tay anh ta lia nhanh trên mặt giấy những hàng chữ và những con số. Cây bút màu đen hiệu “Pilot” giống hệt loại bút Tường dùng khi viết. Anh liên tưởng đến những giòng chữ của một truyện ngắn. Số mạng của mỗi cây bút khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của người cầm bút. Nhưng mỗi cây bút đều có một vị trí riêng biệt khi được dùng. Như đời sống của từng con người trong xã hội. Bất giác hình ảnh của quán ăn tại San Jose hiện về trong trí với những con người đã gây cho Tường sự phẫn kích lúc nãy.
Quả tình lúc ngồi nhìn những con người đó, Tường hoàn toàn không thấy khó chịu hay nóng giận. Chỉ thương hại và tội nghiệp bọn họ. Những trí thức khoa bảng quên hẳn mình là ai trong lúc hùng hổ chứng minh mình là ai. Bia và đồ nhậu dĩ nhiên phải có trên bàn để các khuôn mặt đỏ hơn và lời nói lưu loát, nhiều nhạc điệu hơn. Vài ông văn thi sĩ, dăm ông học giả, nghệ sĩ chiếm một bàn gần cửa sổ. Vung tay, trợn mép bàn luận những điều không đáng bàn một cách say sưa. Bắt đầu từ một buổi ra mắt sách với những lần dành chụp micro để nói. Thêm tí rượu vào làm máu nóng hơn, phê bình bạo hơn. Tất nhiên sẽ thành hai phe: bênh và chống. Ào ào với đủ thứ lý luận căn cứ vào sách vở và những thứ nhồi nhét trong đầu, không tiêu hóa được. Như hai đường thẳng song song không thể gặp nhau, cuộc tranh cãi kéo dài cho đến khi chấm dứt buổi ra mắt sách vẫn chưa chịu dừng lại. Bèn lôi nhau đến quán ăn. Bấy giờ Tường vừa vào, định ăn chiều.
Tường đã ngồi im theo dõi câu chuyện một cách ngán ngẩm. Chỉ ngán ngẩm thôi chứ không muốn gì cả. Mọi thứ đã thành quen thuộc đến độ nhàm chán. Rập một khuôn khi rượu và bia đã được đổ vào mồm các đấng này. Trong thái độ được đúc sẵn, ông học giả lôi câu chuyện sang vấn đề bằng cấp để khỏa lấp những sai sót của mình. Rất thách thức, ông học giả nói về trường lớp và sức học. Tường hơi nhột. Mẹ kiếp! Ba năm lính, năm năm tù, vài năm lang thang ở Mỹ để theo đuổi con đường của mình, anh chỉ có mớ bằng không thể xài được ở đây. Thứ bằng cấp lấy từ các quân trường và không có con dấu của trường đại học nào cả. Đã ngán, Tường lại càng ngán hơn khi ông nhà văn không chịu thua, đứng bật dậy, trợn mắt phun ra mảnh bằng tiến sĩ. Suýt nữa thì Tường bật cười. Từ một câu chuyện văn nghệ bị chuyển tông sang việc khoe khoang bằng cấp. Chả đâu vào đâu cả. Nhưng họ, bấy giờ, đang nghĩ là đã làm được điều gì lớn lao lắm. Họ đang quên vị trí của họ với những điều làm được.
Có vài cái nhìn khó chịu của đám thực khách chung quanh ném về. Đó là những con người bình thường đang sống tại xã hội này, và hiểu được họ đang đứng ở đâu, làm gì. Có thể một vài người là thợ lao động tay chân, có thể là một vài anh kỹ sư, hay vài ông bà đang hưởng trợ cấp... Còn quá khứ, chắc cũng rối chung với cuốn chỉ bị vò viên của thế hệ. Như Tường, như những con người đang trợn mắt, to mồm tại bàn rượu. Anh cảm thấy ngượng khi bắt gặp những cái nhìn đó. Và đột nhiên tội nghiệp đám người đang vong thân trong vòng gai của chính họ dăng ra. Cục cựa, dãy dụa tuyệt vọng khi con đường trước mặt tối bưng, ngược hẳn với dĩ vãng rực rỡ. Họ chỉ biết ngoái cổ nhìn lại phía sau lưng khi đời vẫn trôi trước mặt.
Vậy đó, Tường đã có ý nghĩ nhìn xuống dưới khi chứng kiến cảnh đó. Tưởng thế, nhưng hôm nay, rất tình cờ những điều đó đã thành lần phẫn kích. Cơn nóng giận bùng lên thật nhanh, anh không thể kìm hãm được.
– Anh sao thế?
– Nghĩ lại lúc nãy, anh thực tình ngạc nhiên. Trong cuộc sống này, tưởng mình yêu đời và người hết lòng, ai ngờ còn những điều nhỏ nhặt khác chen vào nếp suy nghĩ. Vậy ra, mình vẫn còn lấn cấn trong lòng.
– Rất nhiều điều lấn cấn chứ không ít đâu anh.
– Em nói đúng. Giữa ý nghĩ và hành động còn rất nhiều điều gây nên khoảng cách.
– Hãy nghĩ đó là những cái lẻ tẻ, như anh vẫn nói nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.
– Những cái lẻ tẻ làm bực mình.
Người hầu bàn quay lại với khay thức ăn. Cây viết nguyên tử đã được giắt lên túi áo trắng. Nếu không có khay thức ăn trên tay, anh ta giống hệt một thầy ký cần mẫn, tận tụy suốt đời không đổi nghề. Dáng ốm, cao và lưng hơi cong. Một cặp kính cận vuông làm khuôn mặt có vẻ trí thức. Lại trí thức, anh lại sắp sửa quay về với những cái lẻ tẻ đó rồi. Ngồi xe bus 151 miles đến đây, đâu phải để nghĩ đến điều đó khi trước mặt là Nhụ Tường đưa Nhu đôi đũa.
– Ăn đi em.
– Vâng. Mời anh.
– Em điệu quá!
– Con gái Bắc Kỳ phải lễ phép chứ anh.
Nhu nhắc lại một kỷ niệm chung của hai đứa. Tường gật đầu.
– Em thành một cô nhỏ Bắc Kỳ chuyên nghiệp rồi đó.
Có thoáng vui hiện trong mắt trước khi Nhu cúi xuống. Những ngón tay của nàng vụng về khi cuốn bánh tráng.
– Để anh cuốn cho.
Tường đỡ lấy chiếc đĩa từ tay Nhu, nàng cười.
– Em cuốn vụng lắm. Chả ra làm sao cả. Lần trước đi ăn cũng phải nhờ người khác cuốn hộ. Bây giờ là anh, anh là người thứ hai cuốn cho em khi ăn món chạo tôm.
Bàn tay đang cuốn bánh tráng của Tường khựng lại.
– Ai là người thứ nhất?
– Bố em!
Giọng Nhu như pha lẫn tiếng cười. Tường thấy tai mình nong nóng. Bàn tay đang khựng lại được tiếp tục khéo léo hơn. Xong chiếc cuốn, Tường đưa lên ngắm nghía.
– Được không em?
– Anh khéo tay quá, hơn cả... đàn bà. Anh cuốn cho bao nhiêu người rồi?
– Em là người thứ hai.
– Ai là người thứ nhất.
– Bà ngoại anh!
Nhu bật cười. Tường lắc đầu.
– Anh không giễu đâu. Thật đấy. Nguyên thời nhỏ, anh sống với bà ngoại tại Ban Mê Thuột. Bố mẹ Ở xa, chỉ có hai bà cháu lủi thủi. Bà ngoại là người nấu ăn có tiếng tại Gia Lâm, Bắc Ninh. Anh “học nghề” từ hồi đó...
– Anh kể em nghe đi.
– Ăn đi đã.
Nhu đón lấy chiếc cuốn với tiếng “cám ơn anh” khi Tường bắt đầu từ những ngày thơ ấu tại Ban Mê Thuột. Câu chuyện lẫn vào bữa ăn. Có những con đường lầy lội dưới mưa từ nhà đến chùa Khải Đoan. Có những đêm hai bà cháu rang bắp, ngồi trong chăn ăn, kể chuyện khi cái lạnh bên ngoài thật dữ dội. Có những món ăn cầu kỳ bà ngoại đã dạy Tường cách làm và cả hai bà cháu đều không ngờ đứa bé mười một tuổi đến bây giờ còn nhớ. Có những trò chơi với đám bạn cùng lớp người Radé... Và những lần chơi chồng vợ với cô bé nhà bên cạnh. Trí nhớ đang rực sáng bằng kỷ niệm đột nhiên tối om. Tường nhíu mày cố nhớ. Cô bé nhà bên cạnh, cách một hàng dâm bụt... Tên gì nhỉ? Tên của người bạn gái thủa ấu thời lọt thỏm vào vùng sâu thẳm của quên lãng. Tường vỗ lên trán, ngưng ngang câu chuyện đang kể.
– Sao thế anh?
– Không... tên cô bé đó là... là...
Hình ảnh người bạn gái cách đây gần ba mươi năm hiện rõ mồn một. Khuôn mặt trái soan, tóc búp bê, mắt to đen, má lúm đồng tiền, thân thể ốm o, bàn tay nhỏ nhắn... Từng nét nhỏ, ngay cả màu áo xanh cô bé hay mặc cũng rõ ràng trong trí Tường. Bây giờ anh lại thấy rõ vết bùn lấm trên vai cô bé lúc chơi chồng vợ Ở sân sau nhà. Bàn tay có những ngón nhỏ nhắn thái, cuốn từng lá dâm bụt để bày cỗ. Màu xanh của lá, màu đỏ của hoa, chất nhờn của nhựa cây... tất cả rành rành trong trí. Nhưng tên cô bé đành chịu! Tường lẩm nhẩm đủ thứ tên con gái, cố tìm một âm quen thuộc để dẫn đến tên cô bé. Vẫn không được. Anh vỗ lên trán thêm mấy cái, ráng gợi lại những mẩu đối thoại ngày xưa, để tìm cái tên trong các câu nói. Nhưng lạ lùng thay, những câu nói trở về hoàn toàn thiếu chủ từ. Mất đầu, mất đuôi, ngược với hình ảnh nhận được thật đầy đủ trong trí.
– Chịu thôi! Anh không thể nhớ nổi cô ta tên gì.
– Có gì quan trọng không anh?
– Chả có gì, nhưng đột nhiên lại quên tên cô tạ Kỳ quái thật. Bọn anh thân với nhau lắm, mãi đến lúc anh về Nha Trang sống vẫn còn liên lạc với nhau. Như một người bạn thôi!
– Em đâu có nói gì?
Tường ngập ngừng sau câu nói của Nhu.
– Cho đến lúc cô ta lấy chồng anh vẫn nhận được thiệp cưới, dù bấy giờ đã đi lính và đóng quân tận Bồng Sơn, Tam Quan.
– Anh có buồn không?
– Buồn? Có em ạ! Anh thấy như vừa mất một cái gì quí lắm. Nhưng sau đó là mừng và lọ Mừng vì cô đã yên ổn, còn lo là không biết cô ta sẽ ra sao. Nhưng chỉ vài ngày rồi anh quên tuốt. Lính tráng mà. Gần gũi với cái chết và sự tàn nhẫn làm mọi thứ trở nên tầm thường... Thủa nhỏ, quả tình anh vô cùng lãng mạn, gần như yếu đuối nữa là khác. Chỉ cần một sự việc nhỏ nhoi nào xảy ra cũng đủ làm anh xúc động. Một con dế chết, một cảnh tung xe, hay cành hoa mai cắm trong nhà héo úa và bị vất bỏ sau mấy ngày tết cũng đủ làm anh buồn... Kỳ quá hả em?
– Đâu có gì anh? Đó là lòng nhân.
– Cảm ơn em đã nghĩ là lòng nhân mà không nghĩ đó là tính yếu đuối, bịnh hoạn của một đứa trẻ như mọi người hằng nghĩ.
– Mọi người nghĩ sai...
– Ừ thì sai như em... binh vực anh. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ hình ảnh của con dế bị chết trong hộp sữa bò. Cái bụng hóp lại, hai cọng râu cong queo và đôi cánh khô, xác xơ chứ không còn mềm mại óng ả như lúc còn sống. Anh buồn mất mấy ngày em ạ. Hệt như lúc anh thấy mẹ anh vất cành hoa vào thùng rác. Lá còn xanh và đang ra lá mới, hoa cũng thế, cũng có những nụ hoa mai vàng vừa hé. Nhưng pha vào đó là những cánh lá đang úa và những xác hoa héo, rụng. Nhất là thời gian. Đã hết thời gian để chưng hoa mai, nghĩa là hết tết đó em. Phải vất bỏ. Anh ngơ ngẩn buồn khi nhìn thấy cành hoa mai bị bẻ gãy để nhét vào thùng rác... Buồn cười thật em nhỉ! Vậy mà chỉ sau mấy năm lính, mọi thứ thành tầm thường... Ngay cả người bạn gái thân nhất của ấu thời.
Nhu chia đôi đĩa bánh cuốn vào hai chiếc chén, đẩy một sang phía Tường. Đó là phần nhiều chả. Những miếng chả được Nhu xắp trên các khoanh bánh thật khéo, dù đã chiết bánh vội vàng. Tường nhìn sang chén kia, chỉ một miếng chả nằm chỏng chơ trên giá và rau. Thoáng cảm động dấy lên, Tường đổi hai chiếc chén.
– Em ăn chén này đi.
– Không...
– Không cái gì. Anh ghét... chả luạ.
– Cảm ơn anh.
Nhu đón lấy chiếc chén từ tay Tường và xẻ nhanh những miếng chả vào chiếc chén trước mặt nàng. Tường ngồi yên, nhận sự săn sóc đầy nữ tính của Nhu.
– Ăn đi em.
– Vâng!
Tường cầm đũa nhìn hai chén bánh cuốn được chia đều. Hạnh phúc chia đồng đều cho hai đứa. Hạnh phúc không được đánh giá quan trọng và to lớn tại đây. Chỉ là những miếng chả độ vài xu một miếng. Hệt như sự chia xẻ từ hai chén nhựa làm đồ chơi được đựng đồng đều lá và hoa dâm bụt thái nhỏ trong trò chơi đám cưới với Phương! Tường vỗ trán la lên.
– Phương!
Nhu ngẩng lên.
– Cái gì phương hả anh?
– Cô ta tên Phương. Cô bạn của anh hồi nhỏ.
Bây giờ trong trí của Tường tên và hình ảnh người bạn gái năm xưa hiện về rõ ràng. Những kỷ niệm cũ trôi lại từng nét, từng thời gian, từng nơi chốn. Tường trôi nổi với kỷ niệm và đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài, nắng rực rỡ trên tàng cây xanh. Không gian của thành phố này đúng là an lành. Tâm trạng nhận được thật bình yên với người con gái trước mặt.
Tường quay vào bàn ăn. Người con gái trước mặt đang cúi xuống chén bánh cuốn. Bàn tay nhỏ nhắn với chiếc nhẫn có chữ “love” trên ngón tay áp út đang cầm đũa. Khuôn mặt thanh tú với lúm đồng tiền trên má phải khi cười. Đôi môi nhỏ hồng, hài hòa với hai cánh mũi xinh xắn. Khuôn mặt thân quen và thân yêu của Tường. Anh nhìn chăm chăm vào nàng với lòng thương yêu dâng tràn. Trong tâm trạng bồi hồi Tường thèm gọi tên nàng. Tên nàng? Mẹ kiếp! Là gì nhỉ? Anh hốt hoảng nhìn người con gái trước mặt. Rõ ràng tình yêu có giữa hai đứa, rõ ràng đã trăm lần nói chuyện và gọi tên. Rõ ràng là thân quen như hơi thở, như ý nghĩ của mình... Nhưng tên gì nhỉ? Tường ngơ ngác nhìn vào khuôn mặt nàng. Tất cả đều quen thuộc với nét dịu dàng. Nhưng tất cả cũng không nói lên một cái tên nào cả. Mồ hôi dấm dấp trong bàn tay, anh ngập ngừng.
– Em... em.
– Gì thế anh?
Người con gái ngước lên, ánh mắt vẫn hiền lành. Ngay cả ánh mắt này cũng không nói lên một cái tên nào cả.
– Em... đừng giận anh nhé!
– Giận gì anh... Cô ấy là bạn anh hồi nhỏ và chỉ là bạn như anh nói... mà có là người yêu cũ thì cũng đâu có gì.
Ánh mắt của nàng pha thêm nét bao dung. Tường quệt tay ngang trán. Những hạt mồ hôi đọng trên bắp tay kéo thành vệt dài làm những sợi lông bám sát trên da, trông bẩn thỉu.
– Không... không phải là Phương... mà là em...
– Em?
– Phải! Em tên gì?
Tường nói nhanh và chờ nét giận hờn của nàng. Nhưng không, sau thoáng ngạc nhiên nàng mỉm cười.
– Anh lại quên nữa?
Tường gật đầu, nàng tiếp vẫn trong nụ cười.
– Và lần này là tên em?
Tường lại gật đầu. Nàng gật gật cái đầu.
– Anh ráng nhớ xem sao.
Tường nhíu mày, cố nhớ. Nhưng đành chịu. Tên nàng cũng mất tăm, như tên của Phương lúc nãy, dù nàng đang ngồi trước mặt. Tường lắc đầu.
– Anh không nhớ nổi... em nói anh nghe đi...
Người con gái cũng lắc đầu, nụ cười trên môi biến mất.
– Anh không nhớ nổi thì ráng chịu. Chết thật! Đến tên em, người ngồi trước mặt mà anh cũng quên.
– Anh xin lỗi em!
Tường bối rối vỗ vào trán mấy cái. Sự đụng chạm giữa bàn tay với gò xương trán vang lên những tiếng “lộp bộp” bên ngoài và trong đầu. Hình như có nước nằm trong óc Tường. Anh chăm chăm nhìn nàng, ráng lục lọi trí nhớ. Người con gái cũng chăm chăm nhìn anh. Mắt hai người chạm nhau.
– Anh gặp em ở đâu?
Nàng hỏi. Tường nói tên một người bạn của hai đứa và căn nhà tổ chức buổi tiệc sinh nhật nơi họ gặp nhau lần đầu. Nàng gật đầu.
– Đúng rồi! Em của em là ai?
Tường nói tên Đoan. Nàng lại gật.
– Đúng rồi! Bạn của anh là ai?
Tường nói tên Quán, Vĩnh, Hoàng và Loan. Nàng tiếp.
– Còn ai nữa?
Tường nhắc đến thằng Mễ và hai thằng Mỹ đen.
– Còn ai nữa?
Nàng lại hỏi. Tường lắc đầu.
– Hết rồi em ạ!
– Anh tên gì?
Tường nói tên mình. Nàng mỉm cười.
– Vậy em tên gì?
Tường lắc đầu thiểu não. Không thể nhớ được điều cần nhớ lúc này, trong trí anh chỉ toàn là những cái tên, những con người không cần nhớ. Tường nhìn nàng thêm lần nữa. Lúm đồng tiền vẫn nằm trên má phải. Mắt lại chạm mắt nàng, anh ngượng ngịu cúi xuống. Trước mặt vẫn là chén bánh cuốn còn nguyên. Nàng đẩy chiếc chén đến gần Tường hơn.
– Ăn đi anh. Biết đâu sau khi ăn anh lại... nhớ em!
Tường sượng trân. Cầm đôi đũa cắm cúi ăn. Trong đầu rối tung những cái tên, những khuôn mặt của từng người nhưng tuyệt nhiên không có điều gì dính dấp đến tên nàng cả. Đến miếng cuối cùng, Tường từ từ nhìn lên. Hình ảnh đầu tiên anh nhận được là chén bánh cuốn đã vơi của Nhụ Tường mừng rỡ nói lớn.
– Em là Nhu! Tên em là Nhu!
Nhu mỉm cười.
– Anh... giỏi lắm! Thấy không, sau khi ăn xong chén bánh cuốn là anh nhớ em liền.
– Đó là nhờ chén bánh cuốn của em gợi lại.
– Thì cũng là bánh cuốn. Sau này, em phải mua sẵn vài ký bánh cuốn, để sẵn trong nhà, đề phòng lúc anh quên...
Hai người vui vẻ đứng dậy. Đến quầy trả tiền, Nhu quay lại. Vai nàng chạm vào ngực Tường, như đêm họ đi bộ tại hè đường San Jose.
– Anh hư lắm! Có tên em mà cũng quên. Để phạt anh, hôm nay em... sẽ trả tiền.