Cho đến lúc nằm trên mặt chiếc nệm quen thuộc trong phòng, Tường mới nhớ đến câu chuyện về Quán mà Vĩnh vừa nói tại quán cà phê Cheo Leo. Có chuyện gì xảy ra giữa bọn nó chăng? Quán và Vĩnh? Hay Quán và Loan? Hay cả ba người: Quán, Vĩnh và Loan? Chuyện gì là chuyện gì đây? Chuyện gì xảy ra để Vĩnh phải ngượng ngập khi nhắc về Quán. Tường đặt ra vài lý do rồi kết luận. Vẫn chẳng có gì hợp lý cả. Cả bọn là bạn. Lại là bạn thân trong vòng gia đình nên khó thể xảy ra chuyện gì đến độ Vĩnh phải có thái độ đó. Tình cảm? Làm sao có được. Mọi việc rành rành ra đó mà. Làm ăn? Có đứa nào giống đứa nào trong cuộc sống đâu, chơi với nhau thì chơi, giúp đỡ nhau thì giúp đỡ, nhưng có bao giờ bàn với nhau về cú “áp phe” nào đâu... Vậy là cái gì? Tường bỏ rơi ý nghĩ khi hình ảnh Quán và kỷ niệm hiện về.
Hai người yêu nhau thời học chung ở Văn Khoa. Chỉ yêu thôi chứ không có gì hơn. Cả hai đều muốn thế, và hiểu một cách lãng mạn là có những con người chỉ sinh ra để yêu nhau chứ không thể lấy nhau được. Hôn nhân, hai tiếng đó có vẻ xa lạ với những người này. Và họ như bị “dị ứng” với hôn nhân. Nhưng chỉ với nhau thôi, còn với người khác thì được. Nghĩa là yêu một người và sẽ lấy một người. Quán và Tường nằm trong số đó. Hai người yêu và thỏa thuận không nhắc đến hôn nhân, dù chả có gì khó khăn trong việc muốn bước tới. Gia đình, cuộc sống, tôn giáo... mọi điều đều dễ dãi và thoải mái cho cả hai đứa. Nhưng chỉ yêu thôi, chưa đứa nào nhúc nhích hay có ý định nhúc nhích để tiến thêm. Một mối tình kỳ cục đối với mọi người.
Quán đẹp, thông minh và Tường cũng đường được, không đến nỗi nào trong cái nhìn bình thường của mọi người lúc bấy giờ. Lấy nhau hẳn sẽ hạnh phúc. Nhưng vẫn chẳng lấy, bởi theo cả hai, đó là cái nhìn của mọi người đâu phải cái nhìn của mình. Họ nghĩ khác mà. Làm sao mà lấy được khi cả hai đứa đều thấy lẫn nhau một số điểm mà người khác không thể thấy. Cho dù điều không thể thấy là chẳng quan trọng đối với những người lớn tuổi. Cái hố ngăn cách giữa những người khác thế hệ luôn luôn bắt nguồn từ cái nhìn và sự suy nghĩ mà! Nên chẳng nói đến hôn nhân cho đến ngày Tường vào lính.
Tình yêu vẫn còn qua những lá thư và những lần về phép của Tường. Kéo dài, đeo đẳng như chẳng bao giờ chấm dứt được. Tưởng thế, nhưng đùng một cái, Quán báo tin lấy chồng. Một anh chàng đại úy quận trưởng của một quận ven thành phố. Xa lạ với Tường và xa lạ với cả Quán nữa không chừng. Ngày nhận được thư và tấm thiệp báo tin anh hơi ngỡ ngàng. Bất ngờ quá trời! Cái mất mát đến thật nhanh, nhưng cũng đi thật nhanh. Anh hụt hẫng trong tâm trạng mất mát và buồn rầu. Dĩ nhiên phải thế! Sau những lần suy nghĩ Tường đưa đến kết luận đó. Rồi an tâm, rồi hết buồn, rồi quên cũng thật nhanh. Anh trở lại bình thường và ngạc nhiên với chính mình.
Sang đến đây, tình cờ gặp lại Quán trong bữa ăn sinh nhật người bạn. Bọn Tường nói chuyện bình thường như những người chưa từng yêu nhau. Nhưng thân và cao hơn tình bạn. Nghĩa là nếu thích, cả hai vẫn có thể trở lại tình trạng yêu nhau. Đâu có gì cản ngăn. Tường còn độc thân và chồng Quán đã chết. Cả hai đứa mới ngoài ba mươi và đã yêu nhau. Lấy nhau hay làm chung một cuộc sống tại xứ lạ cũng được thôi. Nhưng vẫn không, vẫn chỉ nằm trong vòng giao thiệp thân tình. Như hai người bạn rất thân. Thật thân. Đã có nhiều cái nhìn đầy sự hiểu lầm, của mọi người chung quanh, về quan hệ của hai đứa. Như lần Tường và Quán đi Réno cuối tuần. Chỉ hai đứa hiểu mình đã làm gì với nhau. Chỉ hai đứa thôi, vì sau chuyến đi đó, một trong đám bạn đã hỏi Tường bằng thứ giọng mất dạy.
– Xong rồi hả?
– Cái gì xong?
– Dấu hoài vậy cha nội.
– Cái gì mà dấu?
Tường thật tình ngạc nhiên, thằng bạn cười đểu.
– Tụi mày đi mấy ngày?
– Ba ngày.
– Ngủ mấy đêm?
– Hai đêm.
– Ở mấy phòng?
– Một phòng chứ mấy.
– Vẫn không có gì?
– Có gì là có gì? Giường đứa nào đứa ấy ngủ.
– Phét! Cứ như là thánh...
Tường đâu phải là thánh, và Quán cũng thế. Họ cũng có phút thèm muốn chứ. Đâu có gì khác mọi người chung quanh. Nhưng có, không có nghĩa là có với nhau. Cả hai đều hiểu thế. Ngay cả những phút gần gụi nhất, chỉ còn hai người trong phòng, đủ – nếu không nói là dư – điều kiện để làm những việc mà mọi người đã nghĩ, đã làm. Giữa họ, dù không có sự thỏa thuận, nhưng cả hai đều hiểu cái mức của mình cần đến. Giữ lại, giữ nhau lại như những năm còn học ở Văn Khoa tại mức đến cần thiết để tình bạn giữa người đàn ông và người đàn bà có thể còn suốt đời. Đó là thứ tình cảm cao hơn tình bạn và thấp hơn tình yêu.
Vậy đó, bọn Tường cứ tỉnh bơ có những cử chỉ săn sóc – gần như âu yếm – trước mũi mọi người. Mặc mọi cái nhìn nghi ngờ ném về ngày một nhiều. Riết thành một trò nghịch ngợm của hai đứa. Nghịch ngợm quá thái đến độ người khác khó chịu. Như một lần đi biển chung, Quán ôm choàng lấy Tường, hôn lên môi anh trước đám đông. Trên mình Quán chỉ có hai mảnh vải nhỏ xíu của cái gọi là bikinị Xong, Quán quay sang Nhu, trước cái ngây người của Tường vì không kịp phản ứng.
– Cô Nhu không ghen chứ?
Môi Nhu mím lại, mặt đỏ bừng, chiếc đồng tiền bên má phải lúm xuống. Nhu vẫn không quen với lối đùa giỡn của Quán, của đám bạn Tường... Tường mỉm cười, xoay người nằm xấp lại. Mặt anh úp xuống gối khi ngực trái cấn vào trong. Bức tượng nhỏ, tạc hình một cô gái đang cầu nguyện, bằng đồng thau của Nhu cho, nằm trong túi áo đã cho cảm giác lạ lùng. Lấn cấn giữa cái đau và cái man mát. Trộn lẫn thành thứ cảm giác nửa khó chịu, nửa thích thú mỗi đêm trước khi ngủ. Chỉ cần một động tác thò tay vào túi áo, lấy bức tượng ra, để lên mặt thảm là sẽ được hưởng thứ cảm giác bình thường của thế nằm xấp, úp mặt xuống nệm như trăm ngàn người khác. Nhưng vẫn không làm. Tường muốn thế, như Nhu đã muốn, khi đưa anh bức tượng.
– Em muốn anh luôn luôn cất bên mình.
Tường ngắm nghía bức tượng, chả có gì lạ cả, hệt như tất cả mọi bức tượng khác được bán tại nhà thờ để làm kỷ niệm. Ngạc nhiên, anh hỏi Nhu.
– Sao thế?
Nhu hơi ngượng, có sắc đỏ từ mép dưới tai trái lan xuống vùng má. Mãi lúc sau Nhu mới nói, thật nhỏ.
– Em... em... đã “làm phép”...
Sự xúc động trong Tường đến thật nhanh, dù hai chữ “làm phép” anh hoàn toàn không hiểu thế nào. Tường đâu có đạo. Anh chỉ mới mến Chúa từ ngày biết Nhu.
– Làm phép là thế nào?
– Là... Mà nói ra anh cũng đâu hiểu...
– Nói đi.
– Em không nói đâu... Kỳ lắm. Anh cứ để trên mặt bàn viết là được.
– Anh sẽ để bên cạnh tấm ảnh của mẹ anh.
Có nét cảm động hiện trên mặt Nhụ Màu đỏ từ mép tai lại lan nhanh. Vậy đó, lúc nào cũng đỏ mặt được. Giận cũng thế và cảm động cũng vậy. Người con gái dịu dàng trong Nhu luôn luôn sống với nàng. Tường mỉm cười bỏ bức tượng vào túi áo.
– Mà thôi! Anh sẽ không để lên mặt bàn viết đâu, nơi đó chỉ có ảnh mẹ anh thôi.
Nhu ngỡ ngàng ngước lên, mặt đỏ hơn.
– Vâng, anh để trên kệ sách cũng được.
– Trên mặt bàn chỉ có mẹ anh, để anh lấy thêm ý chí lúc làm việc, còn bức tượng của em, anh sẽ bỏ vào túi áo, nơi gần tim anh nhất!
Xong, Tường mới giật mình vì câu nói đầy tính cải lương của mình. Mẹ kiếp! Đám bạn mà biết chuyện này bọn nó sẽ cười thối mũi. Anh bối rối tránh ánh mắt có vẻ giễu cợt của Nhu, nhưng cố làm mặt tỉnh lái câu chuyện sang hướng khác...
Tường nằm ngửa trở lại, lôi bức tượng cô bé đồng thau ra. Dưới ánh sáng trắng bệch của ngọn đèn néon treo trên tường, màu vàng sơn nhũ nổi bật trên nền nỉ xanh. Anh đưa ngón tay cái của bàn tay trái xoa nhẹ lên cô bé đồng thau. Cái lành lạnh của chất kim khí truyền vào tay rồi tan loãng, như chưa hề có trong thân thể. Trong anh có ý tưởng dịu dàng, yên ổn hơn mỗi khi làm hành động này.
*
Có tiếng đập cửa phía trước, Tường nhỏm dậy, nhét bức tượng cô bé đồng thau vào túi áo, nghĩ đến người mình sẽ gặp. Giờ này chỉ có hai người: một là Quán hai là thằng Mễ bụi đời. Cả hai đều đến bất tử, không báo trước và có lối đập cửa như ăn cướp giống hệt nhau. Thằng Mễ là dân bụi đời chuyên nghiệp thì chả nói làm gì. Còn Quán, một người đàn bà mà vẫn thế. Đã có lần Tường nói với Quán về việc này, Quán cười.
– Em thích thế.
– Bất lịch sự.
– Em chỉ lịch sự với người khác. Còn anh và cô Nhu, em chẳng khoái biểu diễn trò lịch sự tí nào cả.
– Lập dị.
– Ai bảo thế?
– Anh.
– Em đâu “care” lời anh nói.
Tường nhận được ở Quán luôn luôn là nét tự nhiên và các trò nghịch ngợm. Giữa hai đứa đã là những người yêu nhau, những người bạn thân hơn bạn thì còn điều gì phải nói nữa. Cười xòa lên một tiếng cho xong chuyện. Tường mỉm cười, mở khóa cửa với hình ảnh Quán trong đầu.
Không phải Quán, đó là thằng Mễ bụi đời.
– Chào.
– Rượu.
– Vào đây.
Thằng Mễ theo Tường vào phòng. Ở thân thể nó bốc ra mùi nằng nặng của hành và mồ hôi.
– Tao khoái uống rượu với mày.
– Tao biết.
– Hôm nay tao hết tiền.
– Không sao. Mai mày lại có.
– Chắc gì.
Tường rót rượu vào ly rồi đưa chai rượu cho nó. Bàn tay thằng Mễ với những ngón to, bẩn thỉu như những con đỉa trắng chạm vào tay Tường. Cảm giác đến thật quen thuộc và gần gũi như những ngón tay thon, nhỏ của Quán, của Nhụ Anh không – phải nói là chưa – bao giờ phân biệt được sự khác biệt giữa ngón tay của người này và những ngón tay của người khác. Tất cả đều là những ngón tay người. Sự chết lịm cảm xúc có từ bao giờ Tường không rõ. Từ những ngày đi lính? Từ những ngày đi tù cải tạo? Từ những ngày trốn chui trốn nhủi ở Saigon sau lần vượt trại? Từ lúc ngồi trên thuyền vượt biên? Từ đảo hay tại đây? Làm sao định được. Chỉ biết hình ảnh của những bàn tay người vẫn còn lẩn quẩn trong trí Tường. Có những bàn tay xiết cò súng một cách thản nhiên hay hối hả đến độ ngón tay tê cứng. Có những bàn tay nhám nhúa nắm lấy dụng cụ đi làm, rời rã trong cố gắng và gượng gạo. Có những bàn tay chới với, khuấy tung bọt nước trắng xóa lên mặt biển. Có những bàn tay tròn lẳng mỡ thịt, hờ hững đặt trên từng xấp đô la xanh ngoét. Có những bàn tay khô queo, đưa ra chờ đợi những gói mì Cao Ủy... Lẫn lộn và sống trong trí. Tưởng mất những mãi còn. Những bàn tay của người khác và những bàn tay của Tường là thế.
– Mày đang nghĩ gì vậy?
– Không!
– Sao không nói chuyện.
– Có chuyện gì mà nói?
Thằng Mễ cười ngu ngơ, tợp một hớp rượu. Đôi mắt nó mở lớn nhưng không ánh sáng. Gương mặt lì lì những xúc cảm nhục dục. Chút rượu bám trên bộ râu bẩn thỉu lóng lánh ánh điện.
– Tao thích mày. Thằng Mễ mở lời. Tường gật đầu.
– Tao biết.
– Còn mày?
– Tao cũng thích mày.
– Tại sao? Tao là thằng không nhà cửa, lang thang và lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt và trả về.
– Nhưng mày tốt.
– Tốt? Tại sao?
Biết nói thế nào với thằng Mễ này bây giờ? Chẳng lẽ lại bảo mày tốt vì mày không phải là thằng ăn cắp hay ba xạo. Đã nhiều lần nó ngủ lại tại đây, sáng sớm bỏ đi lúc Tường còn ngủ mà chẳng bao giờ mất một cái gì cả. Ào ào đến rồi lặng lẽ bỏ đi. Khóa cửa cẩn thận. Nhưng dù không tin nó, anh cũng chẳng còn gì để mất.
– Bọn mình quen nhau mấy tháng rồi?
– Tao không nhớ.
Thằng Mễ gục gặt cái đầu.
– Chắc hơn nửa năm.
– Chắc vậy.
– Tao vẫn chưa biết tên mày, và ngược lại.
Tường ngỡ ngàng vì điều thằng Mễ vừa nói. Lâu lắm rồi, dễ chừng đến hơn nửa năm kể từ hôm nó đến xin Tường điếu thuốc. Anh cho và hỏi vài câu bâng quợ Nó trả lời nhát gừng với cái nhìn ngạc nhiên ném vào Tường. Rồi lần thứ nhì cách đó vài ngày, nó quay lại và thản nhiên xin tiền mua bia uống. Tường đưa tiền. Lát sau nó quay lại với xâu bia rẻ tiền và mời lại anh. Uống rồi tỉnh bơ ngủ lại. Nói chuyện trên trời dưới đất với thứ ngôn ngữ không phải của hai đứa. Nói, nghe và ráng hiểu nhau. Nó đã kể đủ thứ chuyện về nơi đã bỏ đi. Một ngôi làng nhỏ, nghèo nàn sát biên giới Mỹ và Mễ. Tường kể về quê hương với những trại giam, với những con người đang lui lại cuộc sống của thời kỳ đồ đá. Nói như một nhu cầu cần thiết và chẳng cần người trước mặt có hiểu hay không. Cũng có nhiều đêm nó nói toàn bằng tiếng Mễ với giọt nước mắt đọng ở đuôi mắt. Dĩ nhiên Tường không hiểu gì hết. Cũng có đêm Tường đọc những bài thơ tiếng Việt, nó nghe và cũng chẳng hiểu gì hết. Nhưng vẫn im lặng nghe. Giữa Tường với nó như đã có sự thỏa thuận ngầm về các lần đối thoại. Muốn nói gì thì nói. Bằng ngôn ngữ nào cũng được. Mỹ, Mễ, Việt. Đâu có gì là quan trọng trong phút cô đơn tại xứ lạ, không một người thân bên cạnh để tâm sự. Đêm không còn nghĩa là đêm bình thường. Đêm đã thành nỗi cô đơn đầy đe dọa.
– Mày muốn biết tên tao chứ?
Tường lắc đầu sau câu hỏi của nó.
– Biết chi vậy?
– Tốt.
Nó lại gục gặt cái đầu và rót thêm rượu vào ly của cả hai. Màu vàng óng của chất rượu Rémy Martin quyện tan trong nước suối thật đẹp mắt. Như những sợi khói vàng óng tỏa nhạt bầu trời trong ly.
– Mày sang đây mấy năm rồi?
– Sáu, bảy năm gì đó.
– Sao mày không làm thẻ xanh, vô quốc tịch.
– Tao không thích.
Thằng Mễ có vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên là phải. Đã có lần Tường gặp nó mân mê tấm thẻ xanh của Nhu bỏ quên trên mặt bàn. Những ngón tay thô kệch bò trên lớp plastic bọc chiếc thẻ. Sự thèm thuồng hiện trong thái độ. Tấm thẻ xanh trên đất nước giàu có và văn minh nhất thế giới này đã có một giá trị riêng biệt cho một số người nào đó. Tường hiểu thằng Mễ lúc đó. Cái ngạc nhiên của nó về anh hệt như cái ngạc nhiên của đám bạn và mọi người chung quanh.
Thằng Mễ tợp một hớp rượu, lắc lắc chiếc ly chỉ còn đá. Dưới ánh điện bàn tay bẩn thỉu của nó bám lên thành ly trong suốt trông thật tương phản.
– Uống đi. Tao đã hết.
Tường đưa ly rượu lên, uống một hơi cạn sạch và cũng làm động tác y hệt như nó vừa làm. Anh thấy bàn tay mình khô khốc, nổi gân xanh trên thành ly trong suốt. Cũng tương phản như tay nó.
– Ngon lắm. Nó đưa bàn tay phải với ngón trỏ và ngón cái cong vào nhau thành một vòng tròn lên tán thưởng. Tường cười méo mó khi rượu lại được rót vào hai chiếc ly.
– Tao được như mày, tao sẽ làm khác.
– Được?
– Ờ, tao sẽ làm thẻ xanh, rồi vô quốc tịch sau năm năm.
Tường bắt đầu bất thường dưới mắt thằng bạn Mễ này.
– Tao sẽ đi học hoặc chọn nghề khác?
–!!!
– Như một lần mày nói, tao thấy nghề làm báo của tụi mày thật bấp bênh. Bọn làm báo Mỹ “bảnh” hơn nhiều. Ngay tại nước tao cũng thế, dù nghèo nhưng những thằng viết văn, làm báo vẫn khá hơn.
Khá hơn hay không khá hơn? Thằng Mễ này làm sao hiểu được những người cầm viết mà bị bứng ra khỏi quê hương thì xem như đã chết. Chỉ còn sự cố gắng để vượt ra khỏi những vòng gai đang cuốn mình vào. Nhưng khi vượt được, sẽ vượt khỏi cái mà nó vừa nhắc: khá hơn hay không khá hơn. Nó không hiểu. Nó không làm những công việc mà anh đang làm. Hệt như Hoàng và Vĩnh. Tường đã thành một thằng bỏ đi dưới mắt thằng Mễ.
– Tao thấy “uổng” giùm mày.
Tường vẫn im lặng.
– Mày có thể làm được những việc khác hơn, nhưng không hiểu tại sao không làm?
– Tao không thích.
– Mày không thích, nhưng mày phải nghĩ đến việc lập gia đình chứ. Vợ mày sẽ quyết định chứ không phải là mày.
– Bữa nay mày nói hơi nhiều.
Thằng Mễ cười cười uống cạn ly rượu lên và làm những động tác như cũ. Tường cũng uống cạn, và làm y hệt như trước.
– Mày bực mình?
– Không.
– Ờ! Mày là thằng bạn tốt nhưng là thằng...
– Thằng bỏ đi.
Tường cắt lời nó bằng ba tiếng “Thằng bỏ đi”, tiếng Việt Nam, khi liên tưởng đến Vĩnh và Hoàng. Thằng Mễ trố mắt lên nhìn Tường, ngọng nghịu lập lại ba tiếng đó. Rồi hỏi bằng tiếng Anh.
– Là thế nào?
Tường giải thích bằng thứ tiếng Anh hỗn độn, cố gắng làm cho nó hiểu bằng cách lôi Hoàng và Vĩnh vào câu chuyện. Thằng Mễ có vẻ hiểu.
– Hai thằng bạn mày nói đúng.
Thằng Mễ ngập ngừng một lúc rồi hỏi.
– Người con gái để quên tấm thẻ xanh tại đây là bạn gái của mày?
Tường im lặng khi nghe nó nhắc đến Nhụ Bây giờ ngoài những thằng bạn Việt Nam lại thêm một thằng bạn Mễ xen vào đời sống của anh. Cái vòng tròn của Tường vẽ cho mình vừa bị phá thêm một mảnh để thằng Mễ bụi đời chui vào. Bất giác Tường đưa tay vào túi áo. Ngón tay trỏ chạm vào bức tượng cô bé bằng đồng thau.
– Cái gì vậy?
– Không có gì cả.
– Đêm nay mày có vẻ kỳ cục.
Phải! Đêm nay Tường có vẻ kỳ cục vì Tường bắt đầu biến thành thằng bỏ đi dưới mắt thằng bạn Mễ bụi đời. Như đã kỳ cục vì là thằng bỏ đi dưới mắt mọi người chung quanh. Trừ Nhu và cô bé bằng đồng thau vẫn nằm trong túi áo của lồng ngực trái.
*
Nhật ký tháng ba.
Thứ tư của tuần lễ thứ nhất.
Thẳng thừng mà nói, đêm nay không có gì cần thiết để ghi vào nhật ký. Những chi tiết của một ngày tưởng nhiều và mới lạ, nhưng thật ra chỉ là những điều lập lại. Cuộc sống của tôi bình lặng không ngờ. Sự thay đổi của một con người bị ném từ nơi chốn này sang chỗ khác đã làm tôi thành tôi hôm naỵ Nghĩa là thành một thằng bỏ đi như lời bạn bè thường gọi. Và gần đây nhất, cả thằng Mễ bụi đời cũng công nhận thế.
Nếu vậy, bắt đầu một cuốn truyện dài lại là sự trống không của đầu óc, khi nhìn về cuộc đời hay sao? Hơn thế nữa, điều mong nuốn của tôi là viết về cuộc sống này, với những con người đang sống tại đây. Như tôi, như bạn bè tôi, như mọi người chung quanh tôi. Nghĩa là viết về cuộc sống thật. Mà, với cái nhìn của một thằng bỏ đi, tôi làm sao ghi nhận được?
Đành hoãn lại đến tuần sau. Ngày mai, sẽ đăng lời cáo lỗi.
Viết báo bao giờ cũng dễ hơn viết văn. Tôi chợt nhớ lời một người bạn lớn tuổi đã nói. Nhưng trong trường hợp này, quả là kỳ và khó hơn, dù chỉ là một lời cáo lỗi láo khoét. Bởi cho đến giờ này, tôi cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Và liệu tuần tới, tôi có tìm được chưa?
*
Thứ năm của tuần lễ thứ nhất.
Đêm qua tôi bỏ quên một chi tiết lạ. Đó là hình ảnh người nhạc sĩ trong quán Cheo Leo. Tại sao tôi không bắt đầu từ đó? Cheo Leo không phải là một quán cà phê tại San Jose hay sao? Và người nhạc sĩ, và Vĩnh, và Hoàng... ngay cả tôi nữa. Tất cả, không phải là những con người đang sống tại đây sao?
Đêm nay, tôi sẽ bắt đầu.
*
Thứ bảy của tuần lễ thứ nhất.
Niềm vui vẫn còn trong tôi. Việc mở đầu cuốn truyện theo, cách này, thật dễ dàng. Đời sống hiện ra trước mắt, chỉ cần nhìn, gạn lọc, suy nghĩ và ghi nhận là đủ để diễn đạt trên giấy. Cuốn truyện sẽ được hình thành không cần theo tiến trình định sẵn bởi người viết. Mọi việc đều nằm trong đời sống hôm naỵ Cái gì ngươi tìm kiếm, đã được viết trong kinh thánh. Tôi chợt nhớ câu nói của thánh John, được viết trong kinh Patmos. Những sự kiện được sắp sẵn bởi nhà văn, tuy là hư cấu, nhưng vẫn nằm trong các dữ kiện thật. Tôi hiểu điều này từ lúc bắt đầu cầm viết. Vậy, tạo dựng một câu truyện đã xẩy ra hay viết một câu truyện sẽ xảy ra đâu có gì khác biệt. Tất cả đều là cuộc sống.
Điều quan trọng là nhân vật và những điều ghi nhận, sau khi gạn lọc.
Đêm nay, Nhu vui hơn khi nói chuyện qua phone.
*
Thứ hai của tuần lễ thứ hai.
Như vậy là xong phần mở của cuốn truyện. Cảm ơn Vĩnh, cảm ơn Hoàng, cảm ơn Nhu, cảm ơn Quán, cảm ơn thằng bạn người Mễ đến giờ này vẫn chưa biết tên... Cảm ơn tất cả mọi người đang sống chung quanh, đã cho tôi trở thành một người cầm viết.
Vết thương cũ tại gò xương má trái đêm nay hơi buốt. Chắc tại thời gian này tôi uống rượu nhiều.
*
Thứ ba của tuần lễ thứ hai.
Ngày mai tôi muốn lên thăm Nhu nhưng không đủ tiền đi xe bus. Mười ba đồng chỉ đủ uống một chầu rượu hạng bét với thằng Mễ.
Hạnh phúc cuối tuần này sẽ chia cho thằng Mễ vậy. Đành thế! Dù sao, Nhu cũng hiểu tôi yêu nàng.
*
Thứ hai của tuần lễ thứ ba.
Vết thương cũ càng đau hơn. Mẹ kiếp! Mấy thằng Việt Cộng ở trại giam Đồng Bò đánh mạnh tay thật, hơn chục năm mà vẫn còn đau. Phải chi có tiền tôi sẽ đi khám bác sĩ để biết thế nào. Đám bác sĩ ở Mỹ này chặt còn đau hơn cả Việt Cộng đánh. Đành quên chuyện này.
*
Thứ tư của tuần lễ thứ ba.
Đã xong chương một của truyện, các nhân vật đã được thành hình và quen thuộc với tôi. Họ bắt đầu cùng tôi bước vào đời sống San Jose, tháng ba năm 1989. Tôi không cần phải dựng bố cục cho cuốn truyện. Tất cả mọi diễn biến xảy ra chung quanh tôi sẽ được nhân vật chính tham dự. Ý nghĩ, cách thế sống, hành động sống của một con người trong một đoạn đời không phải là truyện hay sao?
Tôi sẽ tiếp tục theo cách này.