Họ kéo xuống Cống Đậu từ lúc tám giờ rưỡi. Hai cái xe tay chở bốn người: ba Vũ, dì Vũ, thằng Khoa và thằng Côn. Tối hôm qua, trong lúc Vũ đợi giấc mơ thì ở nhà, ba nó cằn nhằn dì nó suốt đêm. Ba nó đi kiếm khắp cái thành phố Nam Định, hỏi hết các hiệu ăn Tầu, chẳng ai biết thằng Vũ với thằng Coóng cả. Ba nó chán nản về Thái không thiết ăn uống gì, cứ nghĩ đến con là điên đầu, điên ruột. Dì nó nằm khóc tấm tức. Bà Thụy xôn xao, thằng Khoa sợ anh tự tử, bà cả Hồng cũng hối hận. Mãi tám giờ sáng hôm sau, con nhà Côn xách lồng bẫy chim đem đến nhà con Thúy và nhắn lại những lời thằng Vũ dặn con Thúy, chuyện giang hồ của Vũ mới vỡ lở. Vô phúc cho thằng Côn, lúc ấy ba thằng Vũ ngồi đằng nhà bà Thụy. Ba nó bắt nọn thằng Côn mấy câu, Côn ta phun ra hết. Thế là ba người theo thằng Côn, thuê xe tay kéo xuống Cống Đậu. Ông lang Tặng bối rối nhất. Ông không biết trả lời sao vì “hiệp sĩ” Vũ cậy liếp đi câu thuyền với anh em thằng Vũ sún từ sớm tinh mơ. Ba Vũ vặn hỏi, ông lang ấm ứ, tắc họng. Ông nhận thằng Vũ có ở nhà ông nhưng ông bịa rằng Vũ bảo dì nó cho phép nó đi thăm vợ chồng ông. Ba Vũ trách ông anh rể đã không săn sóc Vũ cẩn thận. Đôi khi ba Vũ nói nặng lời khiến dì Vũ phải xua tay can khéo. Bốn người nóng ruột ngồi chờ. Nước mời chẳng ai thèm uống. Côn chỉ cái bị giang hồ của Vũ cho Khoa xem. Khoa chỉ cho mẹ nó, mẹ nó nhăn mặt ra hiệu bảo Khoa đừng đùa! Giữa khi mọi người đứng ngồi không yên ấy thì trên giòng sông Trà Lý, xuôi về mạn dưới, Vũ “hiệp sĩ” đang gạ anh em thằng Vũ sún: - Chơi cướp biển đi, câu buồn bỏ mẹ đi ấy! Vũ sún hỏi: - Chơi cướp biển như thế nào? Vũ “hiệp sĩ” giảng giải: - Dễ lắm, chúng mình xông lại thuyền của những thằng khác, xô chúng nó xuống sông. Thân lắc đầu: - Anh em “tứa” yếu lắm, chúng “tứa” không dám chơi cướp biển đâu đằng “ưới” ạ! Vũ “hiệp sĩ” tán tỉnh: - Các đằng ấy sợ chúng nó à? Đừng sợ, đã có tớ, một mình tớ đánh được mười thằng. Mà các đằng ấy bơi cừ không? Vũ sún lạ lùng: - “Cừ” là gì hả đằng “ưới”? Vũ “hiệp sĩ” trả lời: - “Cừ” là giỏi, bơi “cừ” là bơi giỏi, dìm không chết đuối. Vũ sún cười hềnh hệnh: - Tụi “tứa” đi thuyền thằng nào bơi cũng “cừ” cả. - Thế còn chờ gì không chơi cướp biển? Vũ sún gạ anh: - Chơi cướp biển nhá anh nhá! Thằng Vũ nó sẽ “oánh” hết bọn thằng Ngải, thằng Hợi, thằng Bẩy anh ạ! Thân gật đầu bằng lòng, Vũ súng quay nói với Vũ “hiệp sĩ”: - Đằng “ưới” hỏi chúng nó xem chúng nó có thích không đã. Vũ “hiệp sĩ” vênh mặt: - Không cần chúng nó thích, cần các đằng ấy thích thôi. Chúng mình đánh “cớp” hết cá của chúng nó, về sớm. Tớ làm tướng cướp, hai anh em đằng ấy làm lính, chịu chưa? Vũ sún hỏi lại: - “Cớp” là gì hả đằng “ưới”? - Là ăn cắp hết cá của chúng nó. Vũ sún vỗ bụng ha hả cười: - “Tứa” chịu. Thân hùa theo: - “Tứa” cũng chịu. Vũ “hiệp sĩ” nói: - Bây giờ anh em đằng ấy phải nghe tớ. Tớ bảo cái gì anh em đằng ấy làm cái ấy nhá! Vũ sún lặn “cừ” không? - Anh em “tứa” cùng “cừ” … - Tốt, “bravo”! Vũ sún khen Vũ “hiệp sĩ”: - Đằng “ưới” nói tiếng Tây giỏi quá “nhả”? Vũ cởi phăng quần soóc, buộc vào khúc cây dài mà nó mang sẵn theo, dựng lên và buộc chặt vào thanh gỗ ngang của chiếc thuyền gỗ. Đó là “cánh buồm máu” tưởng tượng của nó. Vũ “hiệp sĩ” bắt anh em Vũ sún lôi hết mồi câu xếp trong khoang thuyền. Nó dục thằng Thân chèo nhanh lại chiếc thuyền của anh em thằng Đường là hai thằng gấu nhất trong bọn trẻ đi câu. Cách chừng mười thước, Vũ hét: - Tao là tướng cướp “cánh buồm máu”. Ê, hai tên nhãi ngóe, nộp cá cho tao mau lên! Thằng Đường nghe tướng cướp “cánh buồm máu” bảo nộp cá, ngứa tai quá, nó đứng lên, hai tay chống hai bên cạnh sườn, trừng trừng nhìn thằng nhãi mới nhập nghề câu thuyền. Nó thách: - Tao không nộp, mày làm gì! Vũ hết lớn hơn: - Nọp ngay không ông đánh bỏ bố! Em thằng Đường là thằng Lại, buông chèo tụt quần: - Nộp cái củ c… đây này … Vũ ra lệnh: - Chèo nhanh! Thân vận hết sức, chèo. Thuyền của tướng cướp “cánh buồm máu” rẽ nước xô mạnh chiếc thuyền địch khiến nó bị đẩy lùi khá xa. Vũ “tướng cướp” nháy mắt. Vũ sún nhận lệnh nhẩy tọt khỏi thuyền mình. Anh em thằng Đường đứng lên khiêu khích. Thân chèo sát gần. Cách ba thước, Vũ phóng sang tóm cổ thằng Đường. Nó vung tay đấm vào bụng Vũ. Vũ trả miếng đạp nó ngã. Đường lồm cồm bò dậy. Chiếc thuyền chòng chành. Nó sấn tới ăn thua với Vũ. Hai thằng ôm nhau nhào xuống nước vật lộn. Trận đấu tay đôi giữa hai “sừng” lớp nhì một trường tỉnh và tay “anh chị” thuyền chài giữa lòng sông diễn ra hết sức sôi nổi, ngoạn mục mà chỉ có cá thưởng thức. Vì cá mới biết mở mắt. Còn người kể cả tay tướng cướp “cánh buồm máu” Vũ và tay gầu “sông bến” Đường cùng chẳng nhìn rõ nhau. Chúng nó nhắm mắt vật, túm tóc, cấu bẹo lung tung. Chừng hai thằng cùng thèm thở, chúng nó bèn tự ý buông nhau ngoi lên mặt nước. Đường gấu thấy em mình là thằng Lại hỗn đang loay hoay lật ngửa cái thuyền lên gì thuyền bị Vũ sún bất thần lập úp. Bao nhiêu cá của anh em con nhà Đườnd được thả “tự do” hết. Đường gấu mím môi nhìn “tướng cướp” Vũ bằng đôi mắt căm tức. Nó bỏ địch thủ, bơi lại tiếp sức em dìu cái thuyền vào bờ, hắt mạnh cho sạch nước rồi chèo về phía bọn thằng Ngải, thằng Hợi. Đánh tan thuyền địch, “tướng cướp” Vũ bắt “lính” Thân bơi thuyền ra giữa sông. Nó bô bô gạ tụi nhãi chia bè đánh nhau. Có mười lăm chiếc thuyền. Năm chiếc theo thằng Vũ thành một phe. Còn mười chiếc kia có tụi thằng Hợi, thằng Bẩy, thằng Ngải theo phe con nhà đường quyết trả thù thằng Vũ. Chúng nó chửi nhau ỏm tỏi, đánh nhau loạn xạ, lội bì bõm dưới nước không khác gì cuộc thủy chiến của hải tặc thời xưa. Đánh nhau chí chóe từ chín giờ đến mười hai giờ trưa mới dứt. Bọn thằng Vũ thắng nhờ chủ tướng đã từng xem phim “Thuyền trưởng Bờ Lắt” nên giàn trận tuyệt vời. Năm chiếc thuyền chiến thắng, no nê cá của bọn thua trận, men bờ bơi trở về. Bọn chiến bại còn phải câu mờ người mới bù được số cá bị cướp giật. Con nhà Vũ sún hỏi chủ tướng: - Đằng “ưới” là con ở của ông lang Tặng hả? Vũ “hiệp sĩ” gật bừa: - Ừ. - Con ở mà đằng “ưới” giỏi ghê. Đằng “ưới” định ở cho ông lang Tặng mấy năm? - Tớ ở hai ngày thôi, tối nay tớ về. Vũ sún buồn bã ra mặt: - Đằng “ưới” về chóng thế? - Ừ. - Đằng “ưới” về mai chúng “tứa” đi câu chúng nó bắt nạt “cớp” hết cá thì sao? Vũ bắt đầu mến anh em thằng Vũ sún. Chúng nó thành thật và ngộ nghĩnh quá chừng. Vũ an ủi chúng nó: - Tớ nói dối đằng ấy đấy. Vũ sún hớn hở: - Đằng “ưới” không về à? - Không, tớ nói dối chuyện khác cơ … - Chuyện gì hả đằng “ưới”? - Tớ không phải con ở của ông lang Tặng đâu. Tớ là cháu ông ấy, nhà tớ ở tỉnh, tớ xuống Cống Đậu chơi. Đứa nào bắt nạt anh em đằng ấy bọn tớ đánh bỏ mẹ. Bọn tớ đông lắm, thằng nào cũng “cừ” gần bằng tớ cả, các đằng ấy đừng lo. Vũ kể chuyện thằng Côn, thằng Luyến, thằng Long, thằng Lộc cho anh em Vũ sún nghe. Vũ sún đỡ buồn. Nhưng khuôn mặt anh em nó vương vương ít nhiều lưu luyến. Đôi khuôn mặt rạm nắng ấy không ngờ lại có lần ưu tư vì một thằng nhãi láu tôm, láu cá thành thị. Thuyền cập bến, Vũ móc túi quần soóc lấy hai đồng cô nó cho nó, tặng anh em Vũ sún. Vũ tặng luôn anh em Vũ sún hai chiếc bánh chưng mang đi ăn mà chưa ăn. Anh em thằng thuyền chài ngẩn người sung sướng. Chưa ai cho nó một hào chỉ. Vũ vỗ vai hai thằng bạn, chia tay. Chúng nó nhìn theo Vũ không chớp mắt. Vũ đặt chân lên mặt đê. Vũ đã thấy bác nó hớt hơ hớt hải chạy tới nắm lấy tay nó, dặn dò: - Ba cháu có hỏi, cháu bảo cháu nói dối bác rằng dì cháu cho phép cháu xuống thăm vợ chồng bác nhá! Vũ buột miệng nói: - Ba cháu chiều mới xuống cơ … Bác nó không hiểu nó “tuých” dì nó, gắt giỏng: - Ba cháu đã xuống đón cháu rồi! Vũ vớ được dịp trả thù bác, nó lắc đầu: - Thưa bác cháu không dám nói dối ạ! Nói dối là một thói xấu. Bác Vũ dúi vào túi nó năm đồng, dỗ ngọt: - Cháu nói dối một tí thôi … Vũ suýt phì cười nó vòi thêm: - Bác cho cháu ít táo tầu nữa bác nhé! Bác nó dặn lại: - Cháu nói thế nhá, cháu ngoan của bác nhá! Vũ gỡ tay khỏi tay bác: - Vâng ạ! Rồi nó rảo cẳng chạy về. Nó hết sợ hãi vớ vẩn. Đã liều thì không sợ bị đòn. Trông thấy Vũ áo quần nhầu nát, tóc tai bơ phờ, ba nó thương quá, ôm chầm nó vuốt ve âu yếm. Vũ cố lách cái đầu. Nó nhìn dì nó, mắt nó đỏ hoe. Dì nó lại gần nắm tay nó. Vũ khe khẽ xin lỗi dì. Dì nó gật đầu tha thứ. Khoa cũng đến hỏi han anh. Côn sợ bạn giận lỉnh đâu mất. Vũ ôm chặt ba nó hơn. Nước mắt nó trào ra, sung sướng. Vũ không còn tủi thân, không còn cô độc nữa. Hai chiếc xe tay vẫn đậu chờ khách. Bây giờ có thêm Vũ là năm người. Họ từ biệt ông lang Tặng. Ông lang Tặng không quên gói táo tầu cho Vũ. Côn đã gặp Vũ. Hai đứa nháy mắt ra cái điều ăn “giơ” lắm. Vũ ngồi chung xe với Côn và Khoa. Xe chạy được một quãng, không hiểu con nhà Vũ “phiệu” chuyện gì mà thằng Khoa cười như nắc nẻ. Dì nó nhìn xuống. Ba đứa đang thay phiên nhau gậm củ thục địa.