Chương 14

Ông lang Tặng lấy cô thằng Vũ. Cô Vũ là chị ruột ba nó. Vũ gọi ông lang Tặng bằng bác. Bác Vũ có ba đứa con, đứa lớn nhất mới lên năm. Bọn thằng Vũ hễ hôm nào kéo nhau xuống Cống Đậu phá phách là thường ghé thăm bác nó và được cô nó cho ăn canh bánh đa nấu với cua đông. Canh bánh đa nấu với cua đồng ngon "bá chê". Gạch cua đóng từng mảng trên bát canh giống những hòn đảo nhỏ vẽ trên bản đồ. Nước mầu phi hành mỡ, vàng ngậy, thơm phức, quyến rũ. Chỉ tưởng tượng đã thèm nhỏ rãi rồi chứ đừng nói chuyện trông thấy người ta bê bát canh và vào mồm, húp sùm sụp.
Vũ yên chí thế nào nó cũng được tiếp đón niềm nở và ăn canh bánh đa thỏa thê. Tung tăng cái bị cói. Vũ rảo bước mong chóng tới nơi. Vũ xuống cái dốc đê thoai thoải, quen thuộc. Nhà bác nó ở ngay chân đê bên cạnh cái cống lớn. Cống này thông sang sông Trà Lý. Đến mùa cầy cấy, người ta mở cửa cống để nước theo con sông đào ùa vào đồng ruộng. Chỗ bác nó lập nghiệp là làng Đậu nên cái cống đó mang luôn tên làng: Cống Đậu.
Vũ rất ngạc nhiên. Hiệu thuốc của bác nó đóng cửa im ỉm. Nguy to. Bác nó đi vắng thì "hiệp sĩ" Vũ đành "khăn gói quả mướp" hồi hương mất. Hiệp sĩ hồi hương với cái bị cói ê mặt chết. Bọn "lâu la" và "phó đảng" Côn sẽ coi nó ra cái "thớ" gì nữa. Vũ không thể lầm lũi về một cách "hèn nhát" được. Dì nó phải xuống đây, vuốt ve nó, nịnh nọt nó, dúi vào túi nó mười đồng nó mới về. Phải về "vinh quang". Vũ nghĩ thế. Nó lẩm nhẩm "lạy trời bác Tặng có nhà" và hăng hái gõ cửa.
Bác nó đẩy tấm liếp, ló đầu ra. Vũ mừng quýnh. Nó lách mình chui tọt vào nhà. Chưa kịp ném cái bị xuống, Vũ đã méo xệch cái mồm, cố tình tủi thân cho nước mắt ứa ra vài giọt rồi tả oán khiến bác nó mủi lòng. Vũ nhìn quanh quẩn. Trên cái sập gỗ, ba đứa nhãi mình trần trùng trục đang nằm ngửa tênh hênh. Rãi nhớt đã khô từ lúc nào, đóng vệt trắng hai bên mép chúng nó. Mấy con muỗi ngày đốt no căng bụng, vỗ cánh không nỗi, bám chặt ăn vạ thân thể mấy đứa bé Vũ ngán ngẩm. Sống với bọn "chết dấp" này hai ngày chắc nó sỉu mất.
Bác Vũ bảo cô nó bị đau mắt nặng, mấy hôm rày không nhìn thấy gì. Cơm nước không ai thổi nấu, ăn uống thất thường, mấy con lợn đói kêu eng éc điếc cả tai. Vũ thất vọng. Nó an ủi rằng nó "giang hồ" có hai ngày, hai ngày thôi, thế nào dì nó cũng xuống đây đón nó về. Hiệp sĩ Vũ cắn răng chịu đựng vậy.
Vũ vào buồng thăm cô nó. Cô nó che khăn kín mít nên Vũ khỏi méo xệch cái mồm và trổ tài nhỏ nước mắt cá sấu. Nó chỉ cần kể lể câu chuyện thật bi thảm. Cô nó nghe xong, kéo nó sát gần, nắm tay nó, rờ rờ đầu giường một lúc rồi an ủi nó một đồng bạc. Vũ đút vội vào túi quần. Cô nó hỏi:
- Dì cháu đánh cháu đau lắm hở?
- Vâng, dì cháu đánh cháu nổi lươn ở mông. Cháu cho cô xem nhé?
- Thôi, cô không nhìn thấy.
Vũ cười, nó bịa thêm:
- Dì cháu đuổi cháu, dì cháu bảo giỏi đi đâu mà sống thì đi!
Cô nó dễ tin. "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Trẻ con không biết nói dối. Nhưng thằng Vũ biết nói dối, nói dối hết mọi người. Nói dối là thói xấu. Hồi học lớp ba, thầy giáo cho tập đọc bài ngụ ngôn trong cuốn "Luân lý giáo khoa thư". Bài này kể chuyện thằng nhãi thích nói dối. Cả làng đi làm lụng ngoài đồng, nó ra hô ầm lên "cháy nhà!" khiến mọi người vất cả cầy cuốc tất tả chạy về. Đến nơi, chẳng thấy cháy thiêu gì hết. Thằng nhãi đánh lừa được người lớn, hả hê cười. Ít lâu sau, nhà nó cháy, nó ra đồng tri hô song người lớn sợ mắc mưu nó, không ai thềm về. Kết quả, vì thích nói dối, nhà nó cháy ra tro. Vũ không thích nói dối để cười. Nó thích nói dối để người ta thương nó. Nó nói dối cô nó để cô nó thương nó, nói dối dì nó để dì nó thương nó, nói dối bà Thụy để bà Thụy thương nó, nói dối bọn "lâu la" để bọn "lâu la" phục nó. Xấu gì mà xấu. Vũ lý luận vậy. Và nó cứ tiếp tục nói dối. Cô Vũ bảo:
- Dì cháu đuổi đi thì cháu ở với cô. Cháu có bằng lòng ở với cô không?
Vũ khe khẽ đáp:
- Có ạ!
- À, tại sao dì cháu đánh đuổi cháu?
- Tại cháu nhận cháu là Mẫn Tử Khiên.
- Mẫn Tử Khiên là làm sao?
- "Mẫn Tử Khiên vốn đường hiếu nghĩa, Xót nhà huyên quạnh quẽ từ lâu" cô ạ! Mẫn Tử Khiên không ăn cắp mà dì ông ta cứ bảo ông ta ăn cắp. Ông ta tức quá bỏ nhà đi như cháu ấy.
Cô thằng Vũ chẳng hiểu mô tê gì, gật gù cái đầu tỏ ý thương cảm. Vũ xin phép cô nó ra nhà ngoài. Bác nó dục nó treo bị, cởi áo cho đỡ nực. Vũ răn rắp tuân lời. Bác nó hỏi:
- Cháu có biết thổi cơm không?
Vũ tần ngần một lúc. Biết nó trả lời "không", bác nó khuyến khích:
- Thổi cơm dễ lắm, bác dậy một lần là cháu thổi được. Con trai tập thổi cơm cho quen đi chứ!
Nó đơ người tựa hiệp sĩ hạng bét bị vây kín bốn phía. Bác nó nói tiếp:
- Rồi bác dậy cháu nấu cháo, sắc thuốc, nấu cám lợn. Cháu giúp bác vài hôm thôi. Cô cháu khỏi bệnh, cháu sẽ ngồi chơi. Ở với bác sướng như tiên. Về nhà, dì cháu đánh chết.
Bác thằng Vũ không để cho nó mở mồm. Ông với tay lên tủ bưng cái liễn sứ, mở nắp rón năm quả táu tầu cho Vũ. Vũ chìa tay nhận như mắt dán chặt lấy cái liễn táo tầu xem đếm từ ngoài vào trong nó đứng thứ mấy.
Ngay trưa hôm ấy, bác Vũ dạy Vũ bài học thổi cơm. Trời mùa hè, ngồi trong bếp, nóng chảy toát mồ hôi. Một tay cầm que đun, môt tay trải rơm cho đều, Vũ loay hoay làm bồi. Nó thấy nó giống thằng nhỏ ở nhà nó quá.
Thổi cơm chẳng khó khăn gì. Chúng nó đi cắm trại vẫn thổi cơm lấy mà ăn.!!!2164_16.htm!!! Đã xem 124394 lần.


Nguồn: Kelly, vietmessenger.com
Được bạn: Mickey đưa lên
vào ngày: 22 tháng 11 năm 2004