Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 38
XLA-VIN

Anh ngồi vào ô tô lúc 8 giờ. Hai lần, anh thấy các xe đang theo dõi mình, thay nhau. Lúc đầu cạnh anh là chiếc xe "Méc -xê -đét" màu đen, sau đó một chiếc"Sơ-vrô-lê" tiến đến. Không còn vờ vịt làm trò nữa rồi, trò chơi đã mở bài. Xla-vin nhìn vào cửa sổ bệnh viện không chớp, trong đó có Dô-tốp. Cửa sổ đóng bằng những tấm mành a-luy-ni-nhom, nhưng qua kẻ hở có thể nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông, có lẽ là cảnh sát, áp sát vào cửa sổ, có lẽ để hít thở gió mát từ đại dương vào.
....Pôn Đích đi tắc xi đến, nhìn thấy Xla-vin, vẫy tay ra hiệu rủ đi cùng, nhưng Xla-vin lắc đầu. Pôn hét to:
- Tướng Xtau sắp đến chỗ anh mà!
- Họ không cho tôi vào đấy đâu - Xla-vin trả lời - Và cả anh nữa.
- Đừng phải lo cho tôi!
- Nếu họ không cho vào, anh hãy lại chỗ tôi, tôi sẽ mở máy điều hòa nhiệt độ! Đôi khi tôi thấy máy vẫn còn chạy đấy!
Sau năm phút, một chiếc xe "Ca-đi-lắc" lớn của ngài Xtau, tổng giám đốc cảnh sát đã bon đến.
"Họ sẽ không cho các nhà báo bản xứ vào đâu - Xla-vin hiểu thế - sẽ chỉ có một mình Pôn Đích được tham gia trò chơi này. Họ có tính đến cuộc trò chuyện của mình hôm nọ chứ. Và nói chung, tính như vậy là đúng. "
Xtau, có ba người bảo vệ vây quanh, đi vào bệnh viện. Ông ta đi mạnh mẽ, hơi cúi đầu về phía trước, bộ áo quần đồng phục trắng may rất vừa, như gắn liền với cơ thể, các chỗ xẻ ở vết áo ngoài làm động tác của ông ta như nhẹ nhõm lên, hình như chỉ một bước nữa là bay được. "Trông dáng họ rất linh hoạt, uyển chuyển - Xla-vin nghĩ - Không có người da trắng nào đi giống được dáng họ. Có lẽ người da đen là người có dáng đi uyển chuyển bậc nhất. Đúng là những người biết nhảy múa từ lúc lọt lòng. Không biết lão Xtau này ăn bao nhiêu phần trăm của đút mỗi vụ? Năm phần trăm chăng? Mình thấy bất kì tên cảnh sát nào ở ngoài phố, bất kì tên thanh tra nào trong công sở ở đây đều nhận của đút cả. Thế thì Xtau phải kiếm bẫm lắm!!! "
- Ông Dô-tốp, ông có nghe thấy tôi không? Tôi là Xtau, giám đốc cảnh sát.
- Những người của ông không hề cho tôi ngủ - Dô-tốp khó nhọc lắm mới hé được môi - Họ lúc nào cũng giẫm giày đinh ầm ỹ.
- Họ sẽ được ra lệnh phải nhẹ chân hơn. Tôi muốn đặt một số câu hỏi với ông, ông trả lời được chứ?
- Vâng, được.
- Ông Dô-tốp, ông vẫn khăng khăng cho rằng chiếc điện đài đã được vứt vào nhà ông mà ông không được biết, phải không?
- Đúng thế.
- Và những tờ mật mã cũng vậy?
- Đúng thế.
- Ông Dô-tốp,vậy ông giải thích thế nào,khi trên tờ mật mã ấy, chúng tôi phát hiện thấy đúng những dấu tay của ông.
- Tôi không biết.
- Đấy không phải là câu trả lời. Nếu khi giãi mã ra mà trong tờ giấy ấy có gì dính đến các mục tiêu quân sự, ông sẽ bị đưa ra tòa án binh.
- Các ông muốn gì ở tôi?
- Nếu ông thú nhận, rằng ông đã làm việc cho cơ quan tình báo Mỹ, chúng tôi sẽ chỉ trục xuất ông, ngay sau khi tình trạng sức khoẻ của ông cho phép.
- Thế còn nếu tôi không thú nhận? - Dô-tốp nói chậm rãi chỉ đủ nghe được, đôi mắt anh không động đậy, như đang nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó trên trần.
- Chẵng lẽ ông lại là người chơi ra-đi-ô nghiệp dư?
- Chưa bao giờ.
- Vậy cái máy ở đâu ra?
- Người ta lén vứt vào phòng tôi.
- Để làm gì?
- Ông hãy tự tìm hiểu lấy.
Xtau cúi xuống gần Dô-tốp, nói nhỏ:
- Tôi đã tìm hiểu cả. Tất cả các báo thân Mỹ ở đây - tôi thừa biết, ai làm cho ai và được trả bao nhiêu tiền - đều mở một chiến dịch bảo vệ ông, ông Dô-tốp ạ. Tôi mang đến cho ông các tờ báo ấy đây. Hoặc ông sợ những người đồng bào của ông? Có hai xe của người Nga thường xuyên đỗ gần bệnh viên, họ đang còn ở đấy đấy.
- Sao họ không được vào?
- Vì ông đang bị điều tra...
- Tôi muốn được nói chuyện với báo chí.
- Xin mời ông. Tôi sẽ cho ghi âm lời tuyên bố của ông, các phóng viên Mỹ cũng đang ở đây.
- Không cần ghi âm, tôi muốn các ông cho họ vào đây.
- Họ chỉ được vào sau khi ông tuyên bố, và như vậy những người bạn tin cậy của ông sẽ có thể bảo vệ cho ông?
- Tôi rất muốn được yên tĩnh, dù là yên tĩnh để chết. Vậy xin mời ông hãy lui ra, như vậy có được không?
- Nếu ông không chịu trả lời tôi với cách trả lời tích cực, ông Dô-tốp ạ, tôi sẽ buộc phải đưa cho báo chí tất cả những tư liệu, do các nhân viên của tôi tìm kiếm được. Các tư liệu đó đủ chứng tỏ ông là một điệp viên Mỹ, và quá trình tố tụng sẽ không thể bỏ qua, cũng như ông cũng không thể tránh khỏi phải ra trước tòa án.
°

*

Pôn Đích đến gặp Xtau ngay sau khi Xtau ra khỏi chỗ Dô-tốp. Hành lang cũng bị bao vây, hai thám tử đứng ngay cạnh tấm cửa bằng kính lớn.
- Thưa ông Xtau, tôi là Pôn Đích, phóng viên tờ "Tin Điện". Tình trạng của bệnh nhân người Nga ra sao rồi ạ?
- Ông hãy hỏi bác sĩ, tôi là viên chức cảnh sát, không phải nhà phẫu thuật. - Xtau trả lời, không đứng lại.
- Người Nga này bị buộc tội làm điệp viên?
- Phải.
- Hắn ta làm việc cho ai?
- Ông sẽ nhận được câu trả lời sau khi toàn án xử.
- Khi nào tôi được phép hỏi chuyện người Nga ấy?
- Ông hãy hỏi các luật sư của ông, khi nào một người bị buộc tội làm gián điệp, có quyền được trả lời các câu hỏi của nhà báo.
- Ông có thể bình luận gì về những bài vở đăng trên tờ "Tin Tức" ở đây, về việc cảnh sát các ông vi phạm pháp chế và về việc không đủ căn cứ buộc tội ông Dô-tốp?
- Một trò chơi hết sức phức tạp, thưa ông! - Xtau phá lên cười - Nhưng chúng tôi không phải các cầu thủ đá bóng, chúng tôi là người phục vụ pháp luật, tôi chỉ có thể trả lời ông như vậy.
- Tờ "Tin tức" theo ông, có phải là con đẻ của CIA không?
- Tôi có nói điều ấy bao giờ đâu? Ông hãy học cách biết hài hước. Cảnh sát cũng có cái quyền tự do ngôn luận chứ. Thôi, xin chào ông, ông Đích ạ.
Pôn ngồi vào xe của Xla-vin, nhổ một bãi nước bọt ra khỏi cửa xe, đóng cửa lại và nói:
- Anh hứa có máy điều hòa nhiệt độ đấy nhé.
- Anh giữ lấy nút này - Xla-vin trả lời và ấn một nút đen dưới nệm lót.
Trong ca-bin mát lạnh hẳn, dù hơi mát có thoảng mùi xăng.
- Vít, anh có hiểu gì không?
- Hiểu chứ, còn anh?
- Chả hiểu gì cả. Lúc ở chỗ Pi-la, tôi không kịp chào anh, tôi gọi điện cho Lô-ren-xơ, anh chàng điệp viên, à quên, nhân viên công ty "Điện thoại quốc tế". Anh ta nói là Dô-tốp là bạn anh ta. Vậy ra Dô-tốp là người của chúng tôi à? Họ giữ anh ta là nghĩa lý gì?
- Anh hãy hỏi Lô-ren-xơ ấy.
- Anh tưởng là tôi chưa hỏi sao?
- Vậy anh cũng hãy hiểu cho sự tế nhị của tôi, tôi đã không hỏi anh, rằng Lô-ren-xơ đã trả lời anh như thế nào?
- Tôi đã viết về việc đó, cho nên anh khỏi phải bẻ những đốt ngón tay băn khoăn làm gì, câu chuyện đã được bán cho hết tất cả mọi người rồi. Anh ta bảo rằng Bê-liu và Dô-tốp là các mắt xích của một dây xích, nhưng Lô-ren-xơ thật láu, anh ta tung hỏa mù thôi. "Tôi chỉ là một thương gia bình thường - anh ta nói - tôi cũng có rất nhiều bạn bè ở lĩnh vực khác nhau. Tất nhiên rất buồn, khi người bạn mà anh vẫn giao du lại, bị người ta đánh vào đầu, chỉ do cái lỗi là đã sinh ra trên những góc khác nhau trên Trái Đất."
- Anh cho rằng, anh ta định nói: "Họ đánh Dô-tốp, vì anh ta là người đã trao các tài liệu cho tôi" chứ gì? Anh có muốn anh ta thú nhận điều đó không? - Xla-vin cười nhạt và nghĩ - "Pôn ạ, xin lỗi anh, tôi không có quyền nói rõ với anh sự thật. Tôi buộc phải công nhận cái màn kịch của Lô-ren-xơ khởi xướng, tôi không làm khác được, anh bạn cũ ạ, anh thật xông xáo, ngây thơ và trung thực, có lẽ vì thế mà anh nát rượu vì chán đời."
- Thế những người bên anh không hoảng sợ à? Đấy, cả lãnh sự của các anh cũng đến ngay đấy. Như một chú diều hâu dòm ngó....
- Chúng tôi chẳng có gì để hoảng sợ bây giờ cả, Pôn ạ. Vì có gì làm chúng tôi hoảng sợ đâu -Xla-vin nói một cách phấn chấn - Mọi điều phải nghĩ ra sớm hơn chứ. Ta đi uống bia nhé!
- Vít, thế sao anh lại quan tâm đến việc này vậy?
- Khi các anh quan tâm, thì ai cũng bỏ qua, đấy là tự do báo chí, quyền săn tin, vân vân, còn nếu là một người Nga quan tâm, thì nào là gián điệp, nào là định đánh tháo tên phản bội. Thế thì bình đẳng ở đâu, hở Pôn?
Xla-vin mở máy, xe rời chỗ, và sau anh lập tức có chiếc "Méc -xê đét" đen bám theo. Chiếc "Sơ-vlô-lê" xanh đang đi ăn trưa, giờ nghĩ mà, bọn "cớm" cũng có chế độ, giờ giấc ăn uống chứ, nếu bị bệnh đau dạ dày thì cảnh sát mật đâu còn mất công thuê chứ,hỏng rồi!
- Quả thật là chúng nó bám theo anh khắp nơi - Pôn Đích nói - Tôi sẽ chuyển bài cho báo tôi về việc gián điệp của các anh, rồi bay đi gặp Ô-ga-nô, nước Ô-ga-ni-a được giải phóng một cái, rồi thì cóc cần gì nữa, bay thẳng về Mỹ cho khoẻ, ở đây hại thần kinh lắm.
- Sao? Anh rời bỏ rượu chè ở đây dễ thế kia à?
- Cũng khổ tâm lắm. Nhưng ở đây lắm cơn ác mộng, đầu như muốn vỡ ra, rồi cảm giác vô vị vì mất thì giờ, thấy thương mình, thương cả nhân loại, mà mình cũng là con đẻ của khối người ấy.
- Pôn này, tôi đang có một ý nghĩ hay hay!
- Ý gì?
- Có thể, chúng ta cùng đến Lô-ren-xơ, cả hai người?
- "nhảy xuống giữa hai lằn đạn chéo à": CIA ở giữa hai lằn đạn - một nhân viên của tư bản và một nhân viên của chủ nghĩa cộng sản cùng tiến hành cuộc phỏng vấn với đại diện công ty "Điện thọai quốc tế" mới chuyển từ Chi-lê sang làm việc tại Luy-bxua. Đầu đề hay đấy chứ, hả? Vít à, ý tưởng của anh rất hay, ta đi thôi!
- Anh không ngại có những phiền hà sao?
- Ngại chứ!
- Vậy có đáng để liều mạng thế không?
- Cuộc đời mà không biết liều, giống như món thịt ăn không có gia vị ấy. Ta đi thôi!
Pôn gọi điện đến phòng Lô-ren-xơ bằng điện thoại, đặt ngay trong tiền sảnh của khách sạn.
- Ông Lô-ren-xơ, tôi là Pôn Đích đây! Tôi muốn đến thăm ông cùng với một người Nga, ông Xla-vin, chỉ xin hỏi ông vài câu thôi, không dám làm phiền nhiều...
Anh ta nghe thấy tiếng trả lời trong máy.
- Các ông có thể lên.
Rồi tiếp đến những tiếng "tút tút" ngắn.
- Có ai ngồi đó, không phải ông ta trả lời, Vít ạ, thôi kệ, ta lên thôi.
Tới cửa thang máy, người bồi gọi Pôn:
- Thưa ngài, ba lần có chuông điện thoại gọi ngài, chắc có việc gì gấp lắm, người ta bảo con đi tìm ngài.
- Vít, anh lên trước vậy, chờ tôi một lát.
Xla-vin lên tầng mười lăm, gõ cửa phòng Lô-ren-xơ. Không thấy ai trả lời, dù rằng phía trong nghe có tiếng nhạc vọng ra. Anh gõ thêm lần nữa. Tiếng nhạc vẫn vui vẻ ồn ỹ, điệu nhạc da đen ở Niu Oóc-lê-giăng. Nhưng vẫn không có ai trả lời như trước.
Xla-vin nhún vai, xuống phòng báo chí ngồi đợi - phòng tê-lê-típ và điện thoại quốc tế. Pôn Đích vẫn chưa quay lại.
- Anh bạn của tôi đâu? - Xla-vin hỏi người bồi vừa gặp lúc nãy ở cửa thang máy.
- Ông ấy gọi điện - thưa ngài - và vội vã đi ngay. Tôi đoán là ông ấy đến sứ quán.
- Ông ấy bảo anh thế à?
- Không, tôi đoán vậy thôi, thưa ngài.
Xuống lại tiền sảnh khách sạn, cạnh quầy gửi chìa khóa. Xla-vin cảm thấy sau lưng mình có cái gì đó khang khác, khó chịu. Có ai đó ngồi xuống và nhìn thẳng vào gáy anh.
Xla-vin quay lại. Giôn Glép tiếp tục nhìn anh không chớp và nụ cười quen thuộc trên mặt hắn đã biến mất, khuôn mặt hắn lúc này sao mà nặng nề như thể được tạc nên bằng đá.
- Có chuyện gì vậy Giôn?
- Cũng không có gì đặc biệt - Giôn Glép trả lời chậm chạp - Nếu không kể đến việc Lô-ren-xơ vừa bị giết.