Đào văn Lật trầm ngâm đứng ngắm hình ảnh lỏa thể của mình phản chiếu trong chiếc gương lớn treo dọc trước mặt và thêm lần nữa, cảm thấy lòng chan chứa tự hào trộn lẫn đôi chút băn khoăn. Rồi bỗng dưng xúc động với cảm giác lâng lâng, anh thương cho vẻ ngoài ẻo lả của thể xác thấp nhỏ ấy khi thấy nó đang đối mặt với những nhiệm vụ to lớn sắp gánh vác. Liệu đôi vai xuôi, hẹp và mảnh khảnh ấy có đảm đương nổi gánh nặng đè lên chúng trên con đường trước mặt? Liệu hai cánh tay khẳng khiu, cổ tay gầy guộc ấy có ôm xuể một tiến trình kiên định và lâu dài? Liệu khung xương chậu nhô hẳn lên trên hai ống chân trơ xương và bắp đùi teo tóp ấy có nâng đỡ nổi những phấn đấu của phần thân thể bên trên nó? Đằng sau Lật, chiếc lồng đèn đỏ đón Tết treo lơ lửng trên trần nhà toả xuống ánh sáng mờ mờ và hồng đậm, làm da anh như được phủ lên một màu nâu nhạt. Mặt trước cơ thể anh, ở phần dưới bụng, là vùng ánh đèn không rọi tới và đầy u ẩn. Anh đưa tay vuốt từ bụng dưới xuống háng như để yên chí rằng thân xác mình vẫn còn nguyên mọi bộ phận.Những câu đối kỳ vọng khang ninh trường thọ, được viết theo thư pháp chữ nho trên giấy hồng điều thắm đỏ như máu, dán trang hoàng trên vách căn phòng tồi tàn anh hiện ở trọ, kế nhà in của tờ báo Hà Nội anh đang cộng tác. Cạnh chiếc gương lớn, những ngọn nến cháy bập bùng trên bàn thờ tổ tiên. Quanh chân nến bày biện các dĩa nhỏ lễ vật gồm thịt heo luộc, đồ chiên xào, canh miến và cơm cùng mấy chén rượu làng Vân. Phía bên vai phải anh, lò trầm và những chung đồng nhỏ chứa bột trầm hương đặt trên mặt bàn sơn son, khói thơm tỏa bồng bềnh thành những vòng tròn xoắn ốc, bay chầm chậm lên trần nhà.Khi nhướng mắt nhìn thật kỹ mặt mình, Đào văn Lật thấy hai con mắt đỏ ngầu như đang sốt. Khuôn mặt tròn, gò má cao, trông có vẻ trẻ thơ nhưng mang đài trán cao của người học rộng. Bộ mặt của một người hai mươi bảy tuổi với quyết tâm hành động triệt để và quyết chí chiến đấu tới cùng. Đó cũng chính là bộ mặt giá như gặp lại, Joseph và Flavia Sherman nhận ra ngay. Dù từ lần gặp gỡ đầu giữa hai mẹ con và người ký giả An Nam này vào dịp nguyên đán trong cung điện của vua Khải Định tới nay vừa đúng năm năm. Nhưng trong khoảng thời gian đó, nó ít biến đổi, nếu không muốn nói vẫn giữ nguyên những đường nét cũ.Đào văn Lật tìm kiếm mắt mình và nhận ra trong đôi con ngươi ấy phản ánh những xung động hỗn tạp thường xuyên ám ảnh tâm tư. Lật cảm thấy kiêu hãnh về sức mạnh tinh thần vô hình đang kích động và khích lệ thể xác mảnh mai này khiến nó dám ôm ấp hoài bão hành động như một nghĩa vụ của chính nó. Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy sợ hãi rằng mình không đủ can trường chịu đựng gian nan đau đớn để đi tới tận cùng con đường chiến thắng.- “Lòng ta sắt đá há lung lay!”Giữa hai hàm răng siết chặt, Lật đọc thêm lần nữa câu thơ của Phan văn Trị, một thi sĩ sống giữa thế kỷ mười chín. Được viết ra gần tám mươi năm trước, khi các lực lượng cướp bóc của Pháp hoàn tất cuộc chiếm đoạt sáu tỉnh làm thành vùng lãnh thổ bao la Nam kỳ, từng chữ trong câu thơ ấy phản ánh một niềm tin bền vững và sâu xa của ông, rút tỉa từ kinh nghiệm toàn bộ và muôn hình muôn vẻ về vai trò tối thượng và tối hậu của tinh thần con người. Không phải chính anh từng du học Pháp và thấy tại đó những con người văn minh tự nhận là thượng đẳng sống giữa những máy móc tối tân và những thể chế chính trị và xã hội tốt đẹp của họ sao? Không phải anh đã từng đọc các triết gia của Pháp, Đức và các nước châu Âu khác sao? Không phải hết thảy những người ấy đều hoàn toàn đồng ý với Phan văn Trị rằng ta chỉ có thể tìm thấy những mầm mống chiến thắng ở trong tinh thần của con người sao? Rằng không phải tinh thần hy sinh, kỷ luật của con người Siêu Nhân của Nietzsche là biểu lộ tinh tế nhất của lý tưởng cao đẹp sao? Nói cho cùng, không phải từ lúc mới bắt đầu, những chiến thuyền sắt thép và bất khả chiến bại, những vũ khí hung hản, những cổ máy dùng chỉ để xâm lăng của bọn đế quốc thực dân đều phát sinh từ tinh thần kiên quyết của người phương Tây sao? Chính tinh thần ấy với những hệ quả của nó đã đưa tới hiện tượng tại phương tây, cách đây nửa thế kỷ, đã hình thành triết lý về Siêu Nhân của Nietzsche, trong khi suốt mấy ngàn năm trước các nước á đông đã un đúc nên người Quân Tử hiếu đễ tín nghĩa. Rốt cuộc, khi đông tây gặp gỡ cũng chính là thời điểm bổ khuyết giáo huấn của Đức Khổng Tử cổ xưa bằng những luận thuyết của triết gia Nietzsche thời nay. Để hình thành con người phi thường, khắc kỷ và triệt để, mới có thể đáp ứng thỏa đáng các yêu cầu của cách mạng trong thế giới hiện đại, đặc biệt tại những nước chậm tiến và bị trị!Lật nôn nao gật đầu như để khẳng định dòng suy tưởng ấy của mình rồi anh xoay nghiêng người cho ánh đèn chảy tràn lên phần trước thân thể. Anh lại nhìn hình ảnh mình trong gương từ vai xuống tới chỗ dưới bụng, và thấy sự biểu lộ nam tính nhất, về mặt thể xác, lúc nào cũng xuất hiện nơi khu vực tầm thường và teo tóp nhất của cơ thể, như một bổ khuyết cho cân bằng. Thêm lần nữa, Lật lại thắc mắc về sức mạnh vĩ đại và vinh quang của sự sống đang tuôn tràn mãnh liệt và bất tận qua cơ thể mảnh khảnh và không chút đẹp đẽ của mình. Những đam mê vũ bão và mang tính hủy diệt đó dường như khó có thể tuôn trào bất tận từ một hình hài chẳng mấy hứa hẹn này! Lật lắc đầu nhè nhẹ, tỏ vẻ chẳng chút tin tưởng. Nhưng anh biết rằng mình không còn có thể lùi bước. Mình chẳng còn chọn lựa nào khác nếu muốn phấn đấu vượt qua những thèm muốn nhục dục đang hằng ngày ám ảnh và cám dỗ tâm trí xao lãng nghĩa vụï, và hơn nữa, nếu muốn dâng hiến trọn vẹn cuộc đời để giải phóng đất nước khỏi sự cai trị tham tàn của bọn Pháp.Lật bóp chặt hai bàn tay, vận hết sức gồng cứng hai bắp tay và ép sát chúng vào cạnh sườn như để làm tăng thêm sức chịu đựng cho quyết định ấy. Nếu muốn nương theo lời giảng của Nietzsche và Khổng Tử để hoàn thành con người Siêu Nhân Quân Tử phương đông, mình phải chuyên chú, đặt trọn vẹn thân xác cùng tâm trí vào công cuộc duy nhất trước mặt và gạt sang một bên hết thảy những tơ tưởng khoái lạc và thỏa mãn tính dục.Lật nhắm mắt, tập trung trí óc nghĩ tới mối cừu hận của mình đối với giặc Pháp. Sau lưng anh, chúng nó gọi anh là tên “jaune: da vàng” — tiếng “da vàng” ấy rõ ràng hàm ý là “hèn nhát, bạc nhược”. Nếu cảm thấy lịch sự hơn, chúng nó gọi anh là người “An Nam” — nhưng như thế không phải chính xác là có ý nói tới những kẻ thuộc một xứ thuở xưa từng bị giặc Tàu đô hộ cả ngàn năm và bị bọn chúng xem là đất thần phục, “Phương Nam Ổn Định” sao? Quả thật đất nước này từng bị Trung Hoa đô hộ trong chín thế kỷ dài đăng đẳng — nhưng không phải sau cùng, chính con tim “như sắt và đá” của chúng ta đã đập tan gông xiềng của giặc Tàu khi nhà Đường sụp đổ sao? Không phải chính chúng ta từng đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi biên cương đất nước và đánh bại những đạo quân xâm lược của các hoàng đế suốt bốn triều đại Tống, Nguyên, Minh và Thanh sao? Không phải Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã được Viện Khoa Học Hoàng Gia Anh nhất trí bầu là vị thống soái lỗi lạc nhất của loài người thời Trung cổ sao? Không phải đối với dân tộc này, tính chính thống của các triều đại được thiết lập và minh định chủ yếu bằng sự nghiệp hiển hách chiến thắng ngoại xâm, bảo vệ độc lập của tổ quốc sao? Không phải từ cả ngàn năm trước, nhà Lý từng đem quân ra ngoài biên giới, phương bắc tới tận Khâm Châu và Liêm Châu, phương nam vượt Chiêm Thành vào tới tận đất Chân Lạp ở Phan Thiết và Bình Tuy sao? Không phải chỉ mới cách đây một trăm bốn mươi năm, Đại đế Quang Trung chỉ trong mấy ngày, đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, tạo uy lực cho việc đòi thu hồi miền đất bao la của tổ tiên là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây sao? Cuối cùng, vào một trăm ba mươi năm trước, khi Hoàng đế Gia Long vĩ đại khởi nghiệp từ đồng bằng sông Cửu Long rồi thống nhất toàn thể dân tộc từ Sài Gòn tới Hà Nội, không phải ngài đã đổi danh hiệu của vương quốc này thành Việt Nam sao? Và rằng đó chính là điều phải khắc sâu trong tâm khảm!Bọn thực dân Pháp đến đây vài thập niên sau đó chỉ tạo thêm cơ hội cho dân Việt chứng tỏ tinh thần bất khuất của mình. Bọn người tây dương da trắng ấy có thể chia cắt và cai trị đất nước này trong bảy mươi năm nhưng sự việc đó không thể biến đồng bào chúng ta thành lũ “da vàng” hoặc bọn “An Nam”. Cách đây bốn ngàn năm, người Việt phương nam đã dựng nước Văn Lang ở vùng đất giao lưu này. Chúng ta là giống nòi “Việt Giao Chỉ”! Chúng ta là dân nước “Việt Nam”! Chúng ta là “Người Việt Nam”! Chúng ta hùng cứ một cõi, uy linh một phương! Trong tinh thần của chúng ta tiềm tàng bất diệt một sức mạnh đang ngủ và sức mạnh đó có khả năng khiến chúng ta thêm lần nữa làm người kiêu hãnh và tự do! Sức mạnh kết tinh trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đóù phải được giải toả để nó phóng tới. Đúng, Đào văn Lật này phải đi tiên phong, phải nêu gương, phải là ngọn sóng đại dương gây hứng khởi cho đồng bào mình.Lật mở mắt xem chiếc đồng hồ đặt bên giường. Chỉ năm giờ nữa tới giao thừa. Ngày đầu tháng đầu của năm Canh Ngọ đang cận kề. Theo lịch phương Tây thì năm 1930 này cũng bắt đầu một thập niên mới — đúng thời điểm cho một khởi đầu mới.Cảm xúc mãnh liệt được kích động thêm bởi dòng suy tưởng ấy làm hơi thở Lật dồn dập. Anh bước thật lẹ tới kệ sách kê ở đằng kia phòng, kế bên bàn thờ tổ tiên. Ngón tay Lật rà lẹ làng trên gáy những cuốn sách do thân phụ để lại hoặc được chính anh mang từ phần bên kia địa cầu về. Những cuốn sách này được cất giữ bất hợp pháp kể từ lúc người Pháp không những chỉ kiểm duyệt báo chí mà còn ra sắc lệnh qui định loại sách nào anh và đồng bào anh được luật pháp cho phép đọc. Trên kệ, có những tác phẩm của Flaubert, Kant, Platon, Nietzsche, đặït bên cạnh Tứ Thư, Chiến Quốc Sách, Sử Ký Tư Mã Thiên, Vạn Kiếp Bí Truyền, Hổ Trướng Khu Cơ... Rút ra một tập sách đóng bìa da mỏng, cuốn Thus Spake Zarathustra: Zarathustra Đã Nói Như Thế, của Nietzsche, Lật đem tới phía có ánh sáng từ một trong các ngọn nến đang cháy bập bùng trên bàn thờ. Cuốn sách sờn gáy ấy mở đúng ngay trang có nhan đề “Về Sự Trinh Nguyên”. Môi Lật mấp máy đọc, xuỵt xoạt thành tiếng như thì thầm cho mình nghe một đoạn:“Và hãy nhìn những gã đàn ông kia! Đôi mắt chúng thú nhận một điều — rằng chúng chỉ biết tới cái vô tích sự nhất cõi đời là ngủ với đàn bà!Vùng đất linh hồn chúng tục tỉu dơ dáy. Ôi không biết có chút trí tuệ nào trong sự tục tỉu dơ dáy của chúng không!Ít nhất ngươi cũng phải hoàn hảo như mãnh thú, loài mãnh thú thơ ngây!Có phải ta khuyên ngươi giết chết giác quan của ngươi? Không, ta khuyên ngươi hãy làm cho giác quan ngươi ra thơ ngây!”Để cuốn sách tự động gập lại trong lòng bàn tay, Đào văn Lật nhìn lên bàn thờ gồm ba chiếc bàn sơn mài cao thấp khác nhau. Ở gờ trước của bàn thờ, những đường nét chạm trổ trau chuốt các đám mây, những con rồng và cỏ cây quấn quít nhau. Trên mặt bàn thờ cao nhất đặt chiếc tráp sơn son thiếp vàng trong đó đựng cuốn gia phả đượïc bắt đầu ghi chép từ nhiều thế kỷ trước. Với cảm xúc mãnh liệt và sâu xa, ánh mắt Lật dán chặt vào chiếc tráp như thể cưỡng bách hương hồn tổ tiên thấu hiểu những tư tưởng ngoại lai anh vừa đọc. Rồi anh nhắm mắt, thì thầm sôi sục: - Zarathustra đã nói như thế!Trong khi thì thầm lời ấy, từ hai hàng mi khép lại nước mắt anh trào ra, chảy xuống má. Lật đứng bất động trong đôi ba phút rồi mở mắt, hít một hơi thật sâu cho tới khi lòng lắng xuống. Với vẻ gần như kính ngưỡng, anh đặt cuốn sách của Nietzsche lên lại kệ sách rồi đi vào nhà bếp, mở một ngăn kéo. Lật rút ra con dao dài, lưỡi dao lóe lên lấp lánh dưới ánh sáng của các ngọn nến trên bàn thờ. Ngắm nghía con dao trong một lúc, anh lấy từ trong ngăn kéo ra hòn đá mài. Lật bắt đầu dùng hòn đá chà vuốt lên cạnh sắc của lưỡi dao vốn đã bén như dao cạo.