Tiếng gầm gừ của đám đông dân chúng Hà Nội dội vang rền vào tai Mark Sherman nghe như thể tiếng gào thét của những linh hồn bị đọa đày chốn địa ngục. Hàng hàng lớp lớp đàn ông đàn bà và trẻ em vây kín Mark. Nước bọt họ nhổ lên người anh như mưa. Tay họ đấm anh chân họ đá anh. Tóc trên đầu anh bị họ bứt từng nắm. Trong cơn điên dại, không biết bao nhiêu lần họ túm lấy Mark, lôi anh xuống đất, đá vào mặt, đạp lên người, làm anh nằm bẹp dí trên mặt đường nhựa lởm chởm đá giăm. Mark vừa gượng đứng lên chưa vững đã bị họ khoèo chân, xô tới đẩy lui, kéo giật anh quay mòng mòng giống như anh là con thú đang chạy trốn.Trên đầu đám đông sùng sục thịnh nộ ấy, những ống kính đen ngòm hung ác của các máy quay phim vô tuyến đang thu hình cơn thống khổ lồ lộ của năm mươi phi công Không quân và Hải quân Hoa Kỳ đang lóng ngóng giữa một biển người. Những ống kính trông có vẻ đang căng thật thẳng, kéo ra dài ngoằng, và rồi chính chúng cũng tiếp tay hành hạ các phi công bằng dao đâm, tay thụi chân đạp, rất dữ dằn, rất ác liệt, cho tới khi các phi công ngả quị, bò lăn bò lóc trên mặt đường. Đằng sau các ống kính ấy là chuyên viên thu hình người Nga và Đông Âu to lớn, người Trung Hoa mắt ti hí và Việt Nam mắt xếch, tay quay phim, mặt khoái chí, mắt liếc đểu cáng và miệng cười nham nhỡ. Vẻ mặt họ giản ra và vặn vẹo, môi mép há hốc, mở toang hoác, cho tới khi chính họ cũng hiệp đoàn và gào rú man dại theo đám đông dân chúng.- Khấu đầu, Sherman! Đồ khốn nạn! Khấu cái đầu cứt đái của mày xuống mà chịu khổ chịu nhục! Mày, đồ giặc Mỹ ác ôn! Địt mẹ bố tiên sư mày!Giọng nói của lũ cai tù đang nhảy cà tưng bên thân thể tù nhân vang lên thủng tai long óc qua chiếc loa phóng thanh di động họ cầm trên tay, kê sát lỗ miệng. Những tiếng lóng Mỹ mà họ dùng để rủa sả nghe trật lất vì lối phát âm như bắt chước tập nói tiếng Anh của họ. Nhưng hễ mỗi lần nghe xướng tên một người Mỹ, đám đông lại lập tức hè nhau lanh lãnh hô khẩu hiệu. Cuộc gào thét lẹ làng bốc lên tới cực điểm. Rồi Mark cảm thấy một mũi lê nhọn hoắt rạch vô lưng mình, cùng lúc ấy, báng súng của một gã cai tù khác dộng vô bụng dưới, buộc anh phải đau đớn gập người xuống, làm theo những tiếng hò hét đang cất lên:- Khấu đầu, Sherman! Khấu đầu! Cúi cái đầu chó đẻ của mày xuống! Giết sạch bọn giặc lái đế quốc Mỹ! Treo cổ cả bọn chúng nó vì những tội ác dã man chúng nó gây ra cho nhân dân Việt Nam anh hùng! Đả đảo đế quốc Mỹ!Một ngọn lửa buốt và rát đốt giữa hai bắp vế Mark, cháy tới khô háng, khi anh thêm lần nữa chúi nhủi dưới những bàn chân dồn dập xô đẩy nhau. Anh lê người đứng dậy chỉ vì bạn tù thúc giục đứng lên, bằng không chắc hẳn anh cứ nằm yên dưới đất cho tới khi người ta đá anh chết lịm.Thoạt đầu, lớp lớp đám đông biển người ấy đứng có hàng ngũ trên các khán đài được đặc biệt dựng lên ở hai bên vệ đường. Họ im lặng quan sát. Miệng họ há hốc và mắt nhìn chằm chặp các tù binh Mỹ còn đang ngơ ngác vì bị lùa xuống khỏi chiếc xe tải vừa chở tới đây, từ nhà giam Hoả Lò ở trung tâm Hà Nội. Tù binh bị còng từng cặp với nhau và khi người ta chưa kịp tháo khăn bịt mắt của họ ra, đã có tiếng gầm gừ cất lên. Rồi đám đông bắt đầu ùa qua băng ghế, ào ào tràn xuống. Cai tù thét lớn trong loa phóng thanh, sách động cho quần chúng nổi cơn mê loạn theo một phương án có tiên liệu kỹ lưỡng. Sau đó, họ đẩy các tù nhân vào nanh vuốt của đám đông. Và gần như lập tức, tiếng gào thét nổi lên như điên như dại:- Johnson là thằng giết người! Rusk là thằng giết người! McNamara là thằng đồ tể tàn sát đàn bà trẻ con! Chúng mày là quân khốn nạn!Tiếng gào rú chất ngất căm thù đó vang dội trong tai Mark làm anh có cảm tưởng mình bị nhấc bổng lên, bị chuyền đi trên mặt sóng thủy triều của đám đông, như thể bị vùi dập trong lòng biển cả âm u. Quần áo rách tả tơi. Máu từ vết thương trên đầu chảy xuống đầm đìa mặt. Mark ra sức trườn tới, huých đầu gối thúc cùi chỏ vào cái khối thân thể con người ta đó để bơi ra ngoài. Nhưng anh bị kéo giật ngược trở lại một cách hung hãn vì cổ tay phải anh đeo chung còng với một phi công hải quân trẻ tuổi. Người bạn hải quân ấy lúc này nằm mê man và khắp thân thể đầm đìa máu, đã bị chìm sâu dưới mặt nước làm Mark cảm thấy mình bị lôi theo, tuột thẳng xuống, không một điểm tựa cho mình gượng lại. Và anh bắt đầu quằn quại, đắm đuối. Mark vặn vẹo, lật mình, hớp không khí, nhưng anh càng vùng vẩy càng bị đám đông ép chặt hơn. Da thịt họ dường như hoá lỏng thành nước, ùa vào ngập miệng anh, sặc mũi anh.Rồi mặt đất bên dưới Mark bỗng nứt ra. Cảm giác đang chết đuối biến thành một cảm giác cực kỳ kinh hãi hơn: anh đang rơi từ bầu trời cao thẳm và rực rỡ xuống mặt đất xa xa bên dưới, người trơ vơ lăn lộn giữa không trung trong khi mắt cứ đăm đăm ngó chiếc Thunderchief F-105D quay mòng mòng phía dưới mình, tuôn khói mù mịt. Máy bay phát nổ trên một sườn đồi cây cối rậm rạp bên bờ sông Hồng, phun lửa màu da cam chói lọi. Những ngọn lửa cuồng nộ ấy vọt lên không trung cao ba bốn chục thước, liếm trúng thân thể đang rơi của Mark. Chúng đốt cháy phừng phực bộ đồ bay và chiếc dù, nướng khét lẹt thịt anh và làm anh lao xuống nhanh hơn. Nhưng dù sao đi nữa Mark vẫn cảm thấy, như mọi lần, cuối cùng mình bỗng rơi nhẹ nhàng xuống đất và đáp thật lẹ trên hai chân. Ngay lập tức, anh bị bao vây bởi một đám nông dân người Việt đang đua nhau hò hét. Từ bên dưới lùm cây dưới chân đồi nơi trên đỉnh còn nguyên vẹn một pháo đài cũ của Pháp, họ vừa dạâm chân chạy tới vừa gào rú luôn miệng. Rồi cán mã tấu cứng trửng của họ đập lên đầu Mark. Lưỡi mã tấu sần sùi cứa sâu vào người Mark cho tới khi máu trong cơ thể anh tuôn ra làm tắt ngúm những ngọn lửa đang hành hạ mình.Mark rút khẩu súng lục.38, quát lớn bảo họ lui ra. Nhưng như thường lệ, họ không nghe lời anh. Anh chỉa mũi súng vào mặt người Việt Nam gần nhất. Như lúc nào cũng xảy ra trong thực tế, phát súng đầu tiên vẽø một chấm tròn màu đỏ; nó làm thủng một lỗ ngay chính giữa trán người nông dân. Và cũng như thường lệ, người nhà quê ấy gục xuống, đè lên trên người Mark, ghim chặt anh xuống đất. Nhưng dù Mark có vùng vẫy dữ dội tới mấy đi nữa, anh vẫn không thoát ra khỏi cái tử thi gầy còm đó. Nó nặng không ngờ. Nó đè anh lún thật nhanh và thật sâu xuống lòng đất nhảo nhẹt. Bên trên ngực anh, nó càng lúc càng nặng, còn nặng hơn một toà cao ốc bốn chục tầng.Rồi phía trên lòng đất, một biển cả những bộ mặt người Việt tọc mạch ngó Mark qua một vành đai đang thu hẹp dần, lúc này biến thành một huyệt mộ hun hút sâu, hơn bao giờ hết. Và Mark lại thấy trong số những bộ mặt ấy có mẹ anh, viên đại tá tóc bạc của Lầu Năm Góc nay trở thành người cha kế của anh, và Gary, anh của anh. Họ thinh lặng quan sát anh với ánh mắt trống rỗng, thỉnh thoảng lúc lắc đầu hoang mang. Khi Mark đang rán sức hét lên thật lớn cho họ nghe, họ tan đi thật lẹ trước mắt anh. Lập tức, anh lại quằn quại trong xà-lim tối đen hôi hám nơi lần đầu tiên người ta khoá hai mắt cá chân của anh vào chiếc cùm gỉ sét được chế tạo bởi những tây thực dân thuở trước.Mark không thể thấy hai bàn tay của mình. Chúng bị quặt ngược ra sau lưng trong “bộ còng khốn kiếp” đang siết chặt hai cổ tay anh, ăn hằn vô thịt, sâu tới gân, cho tới khi hai vòng răng cưa lởm chởm của cặp còng nghiến vào xương cườm tay. Chẳng mấy chốc, hai cánh tay Mark tím bầm, sưng lên gấp đôi kích cỡ bình thường. Và rồi trước mắt anh, những vết thương lở lói trên cổ tay anh hoá ra vàng khè, mưng mủ. Lũ bò cạp xanh lè và lũ chuột đen đủi mập nung núc, chạy qua chạy lại thật lẹ trên người Mark. Khắp chân tay anh, mụt nhọt và những vết thương mưng mủ nổi lên như nấm. Những chén đồ ăn nước uống chập chờn lượn lờ ngoài tầm tay với của anh tựa những hồn ma đã lìa khỏi xác.Khi cơn thống khổ vì mất nước và thiếu ăn càng lúc càng tăng một cách ác liệt, trong hai tai Mark rền lên như điên những tràng cười hô hố chế nhạo. Kế đó, bộ mặt đểu cáng của gã cai ngục người Việt tra khảo anh ngay hôm đầu tiên, được anh đặt cho cái tên là “Thằng Chăn Lợn”, vênh váo nhìn vào không gian chật hẹp bên trong xà-lim biệt giam. Bộ mặt gã lớn dần, lớn dần rồi phình ra như trái bong bóng trẻ con thổi chơi, buộc Mark phải lùi dần lùi dần rồi ôm mặt khóc thút thít trong góc xà-lim. Và bộ mặt bặm trợn của gã cai ngục dài ra như mũi chim ưng. Nó mở toang hoác rồi chầm chậm áp thật gần như miệng cá chép khi hắn lặp đi lặp lại hai tiếng: “Báo cáo! Báo cáo!”Dù Mark đã ép mình thật sát vào vách xà-lim để cố tránh những ngọn roi uốn lượn về phía anh, dập dềnh như những cọng rong biển dài ngoằng, nhưng chúng vẫn quấn chặt hai cánh tay anh làm nổi lên một cơn đau bất chợt. Hai vai Mark bị siết cụp vào sống lưng. Xương sườn sắp lòi ra khỏi lồng ngực. Và lúc ấy, anh lại cảm thấy nỗi sợ hãi quen thuộc rằng toàn bộ cơ thể của mình sắp bị bung ra khỏi dàn xương khung và trào lên khỏi cổ họng. Bắt đầu có âm thanh la hét nghe thật gớm guốc, lặp đi lặp lại hai tiếng gào thét của gã tra khảo thành một giọng the thé cao hết cỡ: “Báo cáo! Báo cáo!”Tiếng gào thét điên khùng đó cất lên thật lẹ, tới một độ cao cực kỳ, nghe như tiếng huýt tự động của vòi ấm nước đang sôi. Sau cùng, Mark nhận ra rằng mình không còn bị kẹt cứng trong một cơn ác mộng mê mệt, mà đã choàng tỉnh, đang nằm trên thềm xi-măng của xà-lim biệt giam và đang nghe tiếng nói lảm nhảm mất trí của chính mình. Bộ mặt của “Thằng Chăn Lợn” ở sát trước mắt anh cũng không còn là “trái bong bóng” đè anh ngạt thở trong giấc mơ. Nó là một thực tại bằng xương bằng thịt của gã cai ngục thích thú những trò tai ác. Gã đang lắc vai Mark để lôi anh đứng lên. Khi thị giác của Mark rõ dần, trong ánh sáng ban mai màu xám, anh nhận ra người cán bộ Bắc Việt với y phục sạch sẽ tươm tất, kẻ dẫn độ anh trong xe Tatra đêm qua, lúc này đang đứng sau lưng “Thằng Chăn Lợn.” Trên mặt gã đại cán ấy dường như nở mãi một nụ cười yếu ớt. Và đúng lúc tiếng gào thét lịm xuống, gã bắt đầu cất lời với giọng dỗ dành:- Trung úy Sherman ạ, anh vừa nằm thấy ác mộng — nhưng lúc này mọi căng thẳng đã qua hết rồi. Tôi tới đây để đưa anh đến một nơi mình có thể bình tĩnh chuyện trò với nhau.Cúi xuống lượm chiếc chân thỏ đang nằm trên sàn xà-lim và bên cạnh Mark, Trần Văn Kim dịu dàng đặt nó vào lòng bàn tay viên phi công Mỹ:- Đừng lo lắng nữa — mọi sự sẽ ổn thoả ngay thôi.Kim mở cửa xà-lim, đứng tránh sang một bên để Mark đi qua trước mặt rồi ra hiệu cho “Thằng Chăn Lợn” đi theo. Anh đỡ người Mark lên băng ghế sau chiếc Tatra hôm qua lúc này đậu sẵn trong sân nhà tù, rồi leo lên ngồi một bên Mark. “Thằng Chăn Lợn” ngồi trên ghế trước cạnh tài xế. Chỉ ít phút sau, chiếc xe thả cả ba xuống sân sau toà nhà Bộ Tư Pháp, tọa lạc gần Hỏa Lò. Trong phòng thẩm vấn trống trải, người ta bày sẵn trên mặt bàn nhỏ một bữa điểm tâm đạm bạc gồm bánh mì nướng, bánh bột dẹt và nước cam. Vẫy tay ra hiệu cho người Mỹ đi tới bàn ăn, trong khi đó, Kim cũng tới ngồi trên chiếc ghế đẩu kê gần đó. Anh lôi từ xà cột đeo bên mình ra một kẹp hồ sơ bìa màu da trâu, còn gã cai tù đứng canh nơi cửûa ra vào. Sau khi trố mắt nghi ngờ nhìn bữa ăn sáng, Mark ngồi xuống và bắt đầu ăn. Khòm lưng chồm hổm trong lòng ghế như một con thú, anh nhai ngấu nghiến đồ ăn và nuốt ừng ực. Mark vừa ăn vừa uống vừa thỉnh thoảng liếc mắt nghi kị về phía Trần Văn Kim và “Thằng Chăn Lợn” như thể sợ cả hai đổi ý, đòi lại đồ ăn.Kim nói thấp giọng, mặt không ngước lên:- Theo hồ sơ của anh, tôi thấy suốt ba tháng trời kể từ lúc bị bắt, anh thà bị trừng phạt chứ không chịu tiết lộ họ và tên, số quân và ngày sinh của mình. Rõ ràng việc ấy đòi hỏi một sự gan góc cực kỳ.Mark đờ đẩn nhìn người Việt Nam trong một giây, miệng vẫn nhai. Rồi anh khom người xuống sát mặt bàn, ăn cho hết những thức còn lại.- Thật tội nghiệp cho anh khi anh chọn lựa cách như thế để biểu dương lòng can đảm của mình. Nếu ngay từ đầu chúng tôi biết rõ anh là ai thì anh đã được cứu xét một cách rất đặc biệt.Mark vẫn không trả lời. Kim tiếp tục đọc hồ sơ. Sau một hai phút im lặng, Kim ngước lên:- Trung úy ạ, lý ra tôi không nói với anh điều này nhưng vì có một số rất nhỏ các tù binh Mỹ, trong đó có anh, không chịu kết án sự can dự lầm lạc của chính phủ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Gần như hết thảy các đồng đội của anh đều đã nói để ghi âm hoặc viết lời cáo giác, và sau đó, chúng được xuất bản hoặc phát thanh ở nước ngoài. Và tại sao không làm như thế nhỉ? Hiện nay, tại Washington, một số thượng nghị sĩ cùng một số nhân vật quan trọng và nổi tiếng đang bắt đầu mô tả vai trò của xứ sở anh tại Việt Nam là “một sự phản bội trầm trọng nhất.”Người Việt Nam lấy trong xà cột ra chiếc máy ghi âm nhỏ rồi đặt lên mặt bàn kê sát bên ghế đẩu. Kim bật máy và căn phòng tràn ngập những giọng nói căng thẳng của các phi công tù binh Mỹ. Giọng này kế tiếp giọng kia kết án sự tham chiến của chính mình. Các tính từ như “đê hèn,” “bất hợp pháp” và “vô luân” được dùng tới và lặp đi lặp lại. Đồng thời, các phi công mô tả nhiều lần rằng bản thân mình là “tên tội phạm độc ác nhất”, kẻ thực hiện các “cuộc không tập bất nhân.” Nhưng Mark không tỏ dấu hiệu nào cho thấy anh có để ý tới nội dung những lời ghi âm ấy hay không. Chúi người tới trước, Kim tắt máy và gõ gõ ngón tay trỏ vào tập hồ sơ đặt trên đùi:- Trung úy ạ, anh biết không, đọc hồ sơ của anh là một việc rất thú vị vì chính trong khi quyết tâm không chịu khai báo đúng theo những điều chúng tôi đòi hỏi, anh đã nói ra với cán bộ chấp pháp mọi sự khác trên đời. Thí dụ, tôi rất buồn khi biết anh bất hoà với cha anh lúc anh mười sáu tuổi và kể từ lúc đó anh chưa bao giờ gặp lại ông ấy. Anh biết không, tôi cũng có quen biết với cha anh. Ông ấy là một người đặc biệt — ông ấy dám gánh hoàn toàn trách nhiệm về hành động cứu mạng Hồ Chủ tịch hồi năm 1945. Vì thế, chúng tôi có lý do để ngưỡng mộ ông. Và đó cũng là lý do chính đáng khiến chúng tôi phải làm một điều gì đó để đáp tạ lòng tử tế của ông — thí dụ, thả cho về nhà đứa con trai có thểø ông tin rằng lúc này nó đã chết.Mark chầm chậm ngước mặt lên ngó người Việt Nam. Dù ánh mắt của Mark vẫn lãng đãng, Kim để ý thấy lần đầu tiên anh cau mày như thể khó chịu. Kim nói chậm rãi hơn:- Có thể lúc này anh quên, nhưng đã có lần anh nói với cán bộ chấp pháp rằng sau khi cha anh bỏ mẹ anh, anh thề sẽ không bao giờ nói chuyện với ông nữa. Hồ sơ cho thấy có một đêm, anh mê sảng và kể hết từ đầu tới cuối câu chuyện anh bất hoà với cha anh.Mark có vẻ như cố làm cho mình bình tĩnh trở lại, tập trung tinh thần chuẩn bị thầm lặng phản bác những gì Kim đang nói, và rướn người tới gần bàn hơn. Thấy thế, Kim đứng lên, chầm chậm rảo bước quanh phòng cho tới khi dừng lại sát bên người Mỹ:- Anh có biết rằng thái độ của anh làm cho cha anh bị tổn thương sâu sắc vì anh không chịu nói chuyện với ông? Có phải anh hả dạ khi biết rằng cha anh đau khổ vì hành động khinh suất của ông trong quá khứ? Và chính cái đó khiến anh không chút nào sẵn lòng gặp lại ông, chuyện trò với ông. Bằng sự im lặng của mình, anh muốn cho cha anh đau đớn hết mức có thể được. Bằng mọi giá, anh muốn trả đủa cha anh. Kim ngừng một chút để thăm dò tác động của lời mình nói trên mặt người nghe, và thấy cặp lông mày của Mark nhíu lại rõ nét hơn. Kim mỉm cười:- Nhưng rõ ràng bất chấp những cái như thế, cha anh vẫn lo lắng cho anh, đúng không? Bằng không ông đã không chấp nhận rắc rối khi nhân danh anh mà viết thư năn nỉ Bác Hồ kính yêu của chúng tôi. Bất chấp sự khắc nghiệt của anh đối với ông, rõ ràng cha anh vẫn rất quan tâm tới anh. Và nếu so sánh với hành động đó của ông thì thái độ của anh có thể nói là bất tương xứng, không ngang bằng, đúng không?Trong khi Kim quan sát, vẻ mặt của Mark thêm lần nữa căng thẳng như thể bị tra vấn bởi những ý nghĩ trong đầu mình. Kế đó, Mark nhìn người đại cán Việt Nam với ánh mắt hoang mang. Kim nói tiếp:- Đôi khi chúng ta đi quá xa trong mối oán hận những người ruột thịt của mình. Chúng ta thèm khát trả thù cho những tổn thương mà ta tưởng rằng mình đã phải chịu và không nhận ra rằng chính mình cũng đang cực kỳ tàn nhẫn. Bản thân tôi cũng biết sự bất hòa giữa cha và con gây đau khổ tới mức nào vì chính tôi, khi còn trẻ, cũng đã cãi nhau dữ dội với cha mình. Cũng như anh, tôi đã thề sẽ không thèm và không bao giờ dính dáng tới ông ấy. Ông bị giết mười bốn năm trước đây, vào lúc chấm dứt cuộc chiến tranh Việt-Pháp. Và dù lúc đó cái lý do gây ra phân ly giữa hai cha con tôi vẫn còn nguyên, tôi luôn luôn cảm thấy buồn thấm thía mỗi khi nghĩ rằng trước lúc ông qua đời, tôi đã chẳng làm gì để nói cho ông biết những cảm xúc của tôi. Có thể cũng sẽ xảy tới cho anh một điều giống y như vậy. Có thể anh sẽ ở lại đây nhiều năm vì sự bướng bỉnh của anh. Và tới ngày anh được phóng thích, có thể cả cha lẫn mẹ anh đều đã qua đời. Có bao giờ anh nghĩ tới khả năng đó không? Sớ thịt quai hàm của Mark săn lại, anh nhìn Kim ngỡ ngàng. Thấy Mark bắt đầu có loại phản ứng đúng như mình tiên liệu, người Việt Nam làm như tình cờ quay qua chỗ khác. Kim bước trở lại chiếc ghế đẩu trên đó đặt kẹp hồ sơ.- Nhưng có thể tôi xét đoán lầm anh. Có thể anh không giống như tôi; anh không phải là người cảm thấy ân hận và bận tâm tới những gì người khác đang cảm thấy. Có thể anh khép kín được anh trong thế giới ích kỷ của riêng anh, chỉ để làm khoan khoái bản thân anh thôi. Nói cho cùng, tại sao anh lại để cho mình phải quan tâm tới việc làm an lòng người cha đang lo lắng kia — và thậm chí người mẹ của anh nữa? Tôi đoán anh đang tự nhủ rằng mối quan tâm hiện nay của anh đâu phải là việc cha mẹ anh có vui mừng hay không khi anh được trở về nhà. Tôi đoán như vậy có đúng không? Tôi nghĩ là trong trí óc anh, anh chưa bao giờ suy nghĩ theo một lối khác, rằng trong khi anh chọn lựa để cho mình tiếp tục chịu khổ sở lâu thêm nữa ở đây thì chính vì sự bướng bỉnh đó của anh mà cùng lúc ấy, tại quê nhà, cha mẹ anh cũng phải chịu khổ sở, dưới một hình thức khác. Kim quay mình ngó người Mỹ và thấy Mark đang đăm đăm nhìn chòng chọc tới đằng trước. Trong mắt viên phi công bắt đầu xuất hiện tia nhìn đau đáu và hơi thở bắt đầu dồn dập, đứt đoạn.Kim nói tiếp với giọng an ủi:- Nếu việc này chỉ giao cho một mình tôi quyết định thôi thì trung úy ạ, tôi sẽ vì cha anh mà lập tức thả anh ra. Nhưng chẳng may còn có những đồng chí lãnh đạo khác tôi phải tham khảo ý kiến, mà họ thì không quen biết với cha anh. Phải làm cho họ tin rằng việc phóng thích anh không làm hại tới chính nghĩa của chúng tôi. Đó là lý do khiến tôi bị buộc phải yêu cầu anh đưa ra một lời tuyên bố nếu tôi muốn thả anh về nhà. Đó chỉ là biện pháp phòng ngừa — và nó cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn cái mà các bạn của anh đã làm trong tù. Nhưng thật ra tôi không biết anh có muốn được phóng thích hay không, đúng không? Vì anh vẫn chẳng chịu chuyện trò với tôi nên tôi không thể xét đoán rằng anh có quả thật muốn trở về để làm an lòng gia đình mình ở quê nhà hay không. Có thể anh đủ kiên cường chịu đựng cuộc sống tù ngục ở đây mà có lẽ sẽ kéo dài tới vô tận...Kim rút rừ trong kẹp hồ sơ ra một mảnh giấy đánh máy và xem xét nó cẩn thận trong khoảng một phút. Qua khoé mắt, anh để ý thấy Mark xoay người trên ghế, nhìn thẳng vào anh có ý dò hỏi.Kim tiếp tục, giọng tiếc rẻ:- Dĩ nhiên nếu anh bác bỏ cơ hội mà hôm nay tôi cống hiến cho anh thì nó sẽ không được đưa ra thêm lần nào nữa. Nếu anh quyết định không muốn đọc những lời đã được viết ra trên mảnh giấy này thì tôi chỉ còn một chọn lựa duy nhất là trả anh về cho cán bộ quản giáo để anh ta săn sóc anh. Và anh phải quay trở lại cái xà-lim biệt giam ấy mà chịu sự trừng trị.Ngẩng đầu và liếc thật lẹ về “Thằng Chăn Lợn” đang đứng bất động bên cửa ra vào, Kim im lặng mấy giây. Xong, anh quay lại nói với Mark:- Nhưng tôi hy vọng anh không ép buộc tôi phải làm điều đó. Nếu anh quyết định anh có thể đọc cho chúng tôi, tôi cam đoan rằng anh sẽ nằm trong danh sách sớm được phóng thích. Rồi anh có thể về lại nhà mình và cám ơn cha anh đã lo lắng giúp đỡ cho anh một cách đầy đủ!Kim cầm máy ghi âm lên và đi tới bàn của Mark. Anh ra lệnh cho gã cai tù dọn dẹp khay đựng đồ ăn. Xong, anh đặt mảnh giấy với máy ghi âm xuống trước mặt Mark và nói rất dịu dàng:- Chỉ đọc mất một hai phút thôi. Và chẳng việc gì phải gấp. Anh muốn kéo dài ra tới bao nhiêu lâu cũng được.Khi Mark ngước mặt lên nhìn người Việt Nam, anh bắt gặp một nụ cười rất thân thiện. Đột nhiên trong mắt người Mỹ ánh lên tia nhìn dao động cực độ và anh gục đầu xuống giữa hai cánh tay. Một hai giây sau, vai Mark bắt đầu run rẩy. Và tiếng khóc sụt sùi của anh, ban đầu thầm lặng, rồi dần dần lớn hơn cho tới khi vỡ oà, tràn ngập cả căn phòng. Mark khóc nức nở suốt mười lăm phút. Trong thời gian đó, Kim nhẫn nại đứng chờ một bên. Sau cùng, khi Mark lặng yên trở lại, Kim vỗ vai anh như chia xẻ, an ủi và khích lệ. Và mở máy ghi âm. Kim nói dỗ dành, giọng ngọt ngào dễ chịu như thấm vào xương:- Trung úy Sherman ạ, chỉ đọc một chút thôi, với giọng bình thường thôi. Chỉ cần anh làm như vậy thôi. Có mất gì đâu. Chỉ có được thôi. Mark ngồi im trong lòng ghế một hồi lâu, không nhúc nhích. Kế đó anh chầm chậm vươn thẳng lưng lên, cầm mảnh giấy có chữ đánh máy. Trong khi Mark xem tờ giấy, hai gò má anh thỉnh thoảng co giật. Rồi anh lắc lắc đầu, hít vào một hơi dài và thở ra thật lẹ. Hướng mặt về phía máy ghi âm, anh đọc lớn tiếng với giọng trống rỗng và ngập ngừng:- Tôi là trung úy Mark Sherman thuộc Không lực Hoa Kỳ. Ông nội của tôi là thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman, người làm thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ của tiểu bang Virginia từ hơn bốn mươi năm nay. Tôi muốn mọi người biết rõ rằng quan điểm của tôi trái ngược với quan điểm của ông nội tôi. Tôi thấy cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo mà Hoa Kỳ đang tiến hành nhằm chống lại nhân dân Việt Nam anh hùng là một tội ác chống lại toàn thể loài người. Tôi bị bắn rớt trong khi thực hiện các cuộc oanh tạc bất nhân vào nhà thờ, đình chùa, nhà thương và trường học tại Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và tôi đánh giá vai trò của tôi trong cuộc chiến này là ác ôn và đáng hổ thẹn...Thỉnh thoảng Mark vấp váp chữ này chữ nọ, nhưng mỗi lần như vậy, Kim kiên nhẫn bảo anh đọc lại câu đó thêm lần nữa. Hễ lần nào Mark dừng lại và ngó lên, anh đều thấy “Thằng Chăn Lợn”, từ chỗ đứng một bên khung cửa, đang lỏ mắt gườm gườm ngó anh. Và anh miễn cưỡng đọc tiếp cho đến hết:- ...các chính sách man rợ và vô luân của chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn bị kết án bởi các dân tộc tiến bộ trên thế giới.Mark tiếp tục trong khi cuộn băng ghi âm thầm lặng quay trên bàn bên cạnh anh:- Và lương tâm tôi sẽ không yên ổn cho tới khi tên lính xâm lược cuối cùng của đế quốc Mỹ bị quét sạch khỏi đất nước Việt Nam...