TẬP III - Phần Thứ Năm - Điện Biên Phủ - 1954
- 13 -

Vào sáng Thứ Sáu đầu tiên của tháng Bảy, ngồi bên bàn điểm tâm nơi vườn hoa lát gạch bên trong khu vực lộ thiên của Khách sạn Palace Continental ở Sài Gòn, Joseph cố tránh không nhìn xuống đồng hồ đeo tay. Thông thường, mỗi khi ngắm vẻ tươi tắn của mấy bụi hoa thơm ngát và đường nét trang nhã trên các bức tượng dựng xen kẽ nhau trong khu vực bày bàn ăn, anh cảm thấy lòng dịu lại. Nhưng giờ đây, sau một đêm trằn trọc trong phòng ngủ trần cao vời vợi của khách sạn, lần đầu tiên anh cảm thấy buồn ngủ lạ thường dù trời vừa rạng sáng. Cảm giác đó có thể là kết quả của việc không quen thức dậy trễ cùng với tâm trạng bồn chồn nôn nóng sáng nay.
Người hầu bàn tới gần. Joseph gọi dâu tây với bánh mì nhỏ và cà phê như thường lệ. Nhưng khi chiếc dĩa nhỏ đựng loại trái cây màu đỏ thẩm ấy vừa được đặt xuống trước mặt, hình ảnh của chúng làm loé lên trong tâm trí anh các vườn rau bậc thềm ngay ngắn, được chăm sóc cẩn thận trên cao nguyên Đà Lạt nơi chúng được trồng. Và anh cảm thấy mình chẳng thể nào nuốt trôi, dù chỉ một quả.
Kể từ ngày Joseph và Lan trải qua những giờ phút thắm thiết bên nhau trên Đà Lạt tới nay đã gần bốn tháng. Và vì sáng nay là thời điểm chấm dứt mấy tuần lễ khắc khoải trông ngóng, lần đầu tiên Joseph bất giác tự hỏi, với lòng nhoi nhói e sợ, rằng làm sao mình chịu đựng nổi một cuộc sống không có Lan nếu sáng nay, ngược với mọi kỳ vọng của anh, nàng quyết định không chịu kết hôn với anh.
Sau đêm đậm đà bên hồ Xuân Hương, cả Joseph lẫn Lan đều đồng ý tránh không gặp nhau thêm trong thời gian chiến cuộc diễn ra ác liệt tại Điện Biên Phủ. Kế đó, sau khi hay tin Paul bị hạ sát đúng buổi chiều tập đoàn cứ điểm ấy hoàn toàn thất thủ, Joseph chờ thêm một tháng nữa mới liên lạc lại với Lan. Anh biết nếu làm đám cưới tại Sài Gòn, Lan phải theo đúng phong tục của người Việt qui định việc tái giá của quả phụ chỉ hợp cách sau khoảng thời gian cư tang ba năm. Về phần Lan, nàng nói với Joseph rằng nàng cần ít nhất bảy tuần cúng cầu siêu cho vong hồn Paul, sau đó mới có thể thảo luận với gia đình về vấn đề đó. Nàng và cha nàng sẽ nói cho anh biết ý kiến dứt khoát sớm nhất vào đầu tháng Bảy này.
Từ Hồng Kông, Joseph đi bằng phi cơ tới Tân Sơn Nhứt tối qua, để lại Tempe với vẻ mặt trắng bệch nhưng trầm tĩnh cứng cỏi. Nàng đang chuẩn bị thu xếp hành lý trở về quê nhà của mình ở Baltimore. Dù Tempe rúng động thấy rõ khi Joseph bất ngờ yêu cầu chấp thuận li dị, nàng phấn đấu lướt qua và lấy lại được sự tự chế của mình. Sự trầm tĩnh của Tempe, thay vì giúp cho Joseph cảm thấy dễ dàng hơn khi ra đi, lại bằng cách nào đó làm tăng mặc cảm phạm tội và khổ sở vốn triền miên dày vò Joseph kể từ hơn ba tháng trước, khi anh đặt chân lên chiếc phi cơ ra khỏi lòng chảo Điện Biên Phủ.
Trong nhiều đêm mất ngủ tiếp theo sau chuyến cuối cùng ghé lại căn cứ quân sự suy sụp đó, Joseph không thể nào gạt khỏi tâm trí hình ảnh Paul đứng hiu quạnh bên ngoài hầm trú ẩn khi chuyến Dakota chót của Hội Chữ Thập Đỏ đưa anh lên thật cao, khuất sau những đám mây đang bay vùn vụt theo gió mùa. Rồi sau khi binh đoàn thất trận được vài ngày, lúc họ và tên của Paul xuất hiện trên danh sách quân nhân tử trận của Hội Chữ Thập Đỏ, Joseph cảm thấy đau đớn khủng khiếp. Anh nằm liệt giường suốt mấy ngày.
Suốt hai tuần lễ kế tiếp, ngày nào Joseph cũng uống cho say, với một lượng rượu còn nhiều hơn thuở làm phi công thời chiến. Trong lơ mơ men rượu, anh gạt khỏi trí óc bất cứ ý nghĩ chớm xuất hiện nào có liên quan tới tương lai. Tới khi cơn đau đớn và nỗi sầu hận lên tới đỉnh điểm, bắt đầu từ từ lắng xuống để chui thật sâu vào bên dưới lớp lớp tiềm thức, Joseph cảm thấy tâm hồn bắt đầu nguôi ngoai. Sau đó, anh phấn chấn trở lại với niềm tin mỗi lúc một mãnh liệt rằng có lẽ từ đầu chí cuối, định mệnh nhất quyết run rủi cho anh thành hôn với Lan. Theo anh, dù gì đi nữa đó là một thực tế đang đòi phải có giải pháp thích đáng, và rốt cuộc dường như mọi sự đã được an bài. Và dần dần, Joseph tin tưởng rằng việc đem Lan và Tuyết đi khỏi Sài Gòn, càng sớm càng tốt, là giải pháp độc nhất để cả ba bỏ lại sau lưng những thảm kịch kinh hoàng của một thời quá khứ.
Tối qua, vừa tới khách sạn Continental, Joseph nhận được mảnh giấy báo tin rằng Lan đang chờ và hẹn sẽ gặp anh nơi tầng trệt của khách sạn này sáng nay lúc mười một giờ. Vì thế, chưa ra khỏi giường, Joseph đã cảm thấy bồn chồn, cứ vài phút lại nhìn kim đồng hồ đeo tay.
Cảm thấy thời gian lờ đờ trôi qua quá chậm và để làm lòng mình vơi bớt nôn nóng, Joseph cầm lên tờ báo đặt sẵn trên bàn ăn, tờ Journal de Saigon - Sàigòn Nhật báo, một tạp chí viết bằng tiếng Pháp, thường được các ký giả ngoại quốc vừa đặt chân tới Việt Nam lật ra để theo kịp các biến cố.
Nộâi dung bản tin chính nơi trang nhất bao gồm các chi tiết về phong trào cải cách ruộng đất và đấu tố địa chủ được phát động từ tháng Tư năm 1953 tại một số thí điểm ở miền bắc và liên khu 5 Nam Ngãi Bình Phú, thể theo yêu cầu của các cố vấn Trung Quốc. Lúc này, nó được tiến hành tổng quát tại nhiều nơi trên nửa nước Việt Nam phần phía bắc do cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đảng viên Đảng Cộng sản đã ra sinh hoạt công khai cách đây ba năm, dưới danh xưng Đảng Lao Động. Đó là một cái tên do chính Stalin đề nghị, sau khi chấp nhận tiếp kiến Hồ Chí Minh và cho Pắc Bó lập quan hệ ngoại giao bình thường với Mát-cơ-va. Theo báo ấy, từ năm 1951, Việt Minh đã cử cán bộ sang Trung Quốc tập huấn cải cách ruộng đất theo đúng đường lối và phương pháp của Mao Trạch Đông. Khi họ về nước, chiến thuật khủng bố và giết chóc được áp dụng rộng rãi nhằm chống lại những thành phần bị qui kết thuộc giai cấp địa chủ. Cho đến nay, có tường trình rằng số người bị giết đã lên tới hàng trăm, trong đó có rất nhiều người từng hiến của cải tích cực ủng hộ kháng chiến, thậm chí có con là cán bộ quân sự cao cấp trong hàng ngũ Việt Minh. Điển hình là bà chủ đồn điền Cát Hanh Long ở Thái Nguyên.
Joseph thở dài nhớ lại những điều mình đã ghi nhận khi làm phóng viên thời chiến tranh Quốc Cộng ở Trung Hoa. Những phương pháp có mục đích tối hậu là quốc hữu hóa đất đai, tẩy não văn hóa, thiết lập và củng cố chính quyền gọi là vô sản của vị chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc ấy đã đưa tới cảnh con người hủy diệt nhau tàn bạo hơn cả thiên tai và mãnh thú vì có tính toán và thâm hiểm. Ở tổng xã nào cũng có cảnh con giết cha, vợ giết chồng, anh em họ hàng giết nhau. Các cán bộ quân sự và chính trị bị qui là con cháu địa chủ, từng đóng góp xương máu cho thời kỳ chiến tranh của đảng, nay bị tước đoạt công trạng, trở thành những con cá nằm trên tấm thớt của những đảng viên tham tàn. Trong bối cảnh đó, căn bản tín ngưỡng, đạo lý và thuần phong mỹ tục ở làng xã vốn là đơn vị tạo thành sức mạnh của dân tộc, cùng với sự tín nhiệm và bao dung giữa người và người vốn là nền tảng của xã hội, cũng như cuộc sống phong phú tâm linh thanh đạm vật chất và tình nghĩa đồng bào của người á đông suốt mấy ngàn năm nay, đều bị đảng cộng sản phá hoại tới tận nền móng. Rốt cuộc, môät khi tình làng khô héo, nghĩa nước cũng phai tàn và xã hội trở thành một lò lửa trên đó người thiêu nướng người đủ mọi hình thức.
Đặc biệt từ đầu, đảng cộng sản với chủ lực gồm những cá nhân bên ngoài có vẻ hiền lành chất phác, nhưng một khi ngồi với nhau thành guồng máy, dù chỉ ở cấp tiểu tổ, họ trở nên hiểm độc và tàn bạo. Họ từng thoải mái sử dụng những phần tử bất hảo làm nắm đấm trong cuộc lùng và diệt đối thủ từ lúc khởi đầu cuộc cách mạng mùa thu 1945, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Huế cũng như tận các thôn làng heo hút. Sau đó, trong chín năm chống Pháp và vận động quần chúng nông dân, đảng trở thành một tổ chức khủng bố chuyên nghiệp. Lồng trong tuyên truyền sách động, chiến thuật chủ yếu vẫn là uy hiếp tâm lý và thể lý của dân chúng: khủng bố khắp nơi, mọi lúc và đủ mọi hình thức.
Là những kẻ đấu tranh chủ yếu bằng khủng bố nhân dân và hủy diệt đối phương, khi tiếp nhận chính quyền, đội ngũ lãnh đạo ấy chỉ thay đổi y trang trên phông màn mới trong khi tâm chất của họ vẫn y nguyên. Như thế, tình trạng trấn áp những người dân bất mãn, khác chính kiến hoặc không chung quyền lợi với giai cấp thống trị mới là điều không tránh khỏi, thậm chí sẽ diễn ra ở mức độ toàn diện, thô bạo và độc hiểm hơn trước đây. Những hành động tham lam, nông cạn, giáo điều và trả hận của những kẻ có tâm chất khủng bố đó sẽ đưa tới đau thương tan nát cho vô vàn con người, gia đình và dòng họ. Rồi hận thù lại tiếp tục truyền hạt giống độc địa xuống nhiều thế hệ và lan tràn khắp Việt Nam, một xứ sở Joseph đã và đang gắn chặt mình vào định mệnh của nó với những hệ lụy đầy thương cảm.
Tới nay, Hội nghị Genève về Đông Dương của các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận suốt hai tháng nay vẫn chưa đưa ra được một hiệp định chính thức. Nhưng rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ của lực lượng Việt Minh đã buộc Pháp, kể từ thời điểm binh đoàn của họ bại trận, phải bắt đầu mưu tìm ngày đình chiến. Nắm được tình hình đó, cộng sản dùng võ lực để áp đặt nhanh chóng các chính sách khủng bố tàn độc tại những vùng đất rộng lớn nằm trong tầm kiểm soát của họ, cách riêng ở miền bắc.
Cũng đăng trên trang đầu của tờ Journal, một bản tin riêng biệt kể lại làm thế nào thậm chí tại đồng bằng sông Cửu Long ở miền nam, Việt Minh cũng đang mỗi ngày một tự tin hơn vào sức mạnh của họ. Đêm qua, một chương trình phát thanh bí mật loan tin rằng hiện ở những vùng xa khuất của đồng bằng sông Cửu Long, trong các khu vực giải phóng hoặc xôi đậu, cán bộ cộng sản đang thăm dò phản ứng quần chúng để có thể phát động phong trào cải cách ruộng đất. Nó sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn một, nhằm triệt hạ các địa chủ, bá hộ, mặc dù hiện nay có vẻ Hội nghị Genève đang kết thúc bằng giải pháp Việt Nam dường như sẽ bị chia thành hai quốc gia với cộng sản cai trị miền bắc và những người không cộng sản cai trị miền nam. Cho tới bây giờ, trong ký ức của nhiều người nam bộ, vẫn còn tươi rói cảm giác kinh hoàng trước những hiện tượng sắt máu xảy ra trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa năm 1940 và sau đó, ba năm giai đoạn đầu cuộc kháng chiến ở nam bộ, từ 1945 tới 1947.
Joseph cố ép cho mắt mình đọc cho hết các bản tin mới ấy nhưng anh thấy không tập trung nổi vào các chi tiết. Công việc chính của chuyến anh tới Sài Gòn lần này là nhằm chuẩn bị một phóng sự về tâm trạng của thực dân Pháp tiếp theo sau cuộc bại trận nhục nhã tại Điên Biên Phủ. Nhưng vì lòng quá lo nghĩ nên sau vài phút rà soát cặn kẽ nội dung tờ báo, Joseph bứt rứt đứng lên rời bàn ăn. Đi xuyên qua tầng trệt của khách sạn, anh bước xuống đường Catinat với lời hứa thầm rằng sẽ dành riêng chiều nay để bắt tay vào việc chuẩn bị bài báo.
Joseph đi lang thang vô định suốt nửa giờ, đắm mình trong miên man suy nghĩ. Nhưng dù trí óc để tận đâu đâu, anh cũng không thể không thấy ngay trước mắt mình thành phố Sài Gòn từng quen thuộc với anh suốt gần ba mươi năm qua, lúc này thay đổi rất nhiều. 
Từ năm 1945 đến nay, trong tám năm trời chiến tranh, ba chục ngàn tây thuộc địa người Pháp, những kẻ ngay sau Thế Chiến Hai tự tái lập mình lên làm chủ nhân ông của Sài Gòn, đang cố tình làm ra vẻ không quan tâm tới thời cuộc. Việc trong khi ngồi nhấm nháp cà phê với hai con mắt lấm lét nhìn ra ngoài coi chừng bộc phá hay lựu đạn, bị đánh giá là có "tác phong xấu". Người ta lúc nào cũng cố ý gạt qua một bên, kiếu từ hoặc xem nhẹ việc thảo luận với nhau về Việt Minh, đồng thời, coi các phong trào chống Pháp chỉ là tạp nhạp, chuyện nhỏ, không thích đáng với cuộc sống đô thị Sài Gòn. Nhưng rồi với biến cố Điện Biên Phủ, hết thảy những thái độ vừa kể thay đổi hẳn.
Khoảng mười ngàn tây thuộc địa đã lên đường bỏ lại Sài Gòn. Hiện nay, vị chủ nhân lúc nào cũng thích bông đùa và thích làm dáng của khách sạn Continental không còn đích thân ra tận tầng trệt chào hỏi khách tới uống cà phê, với vẻ hoa hoèø thường lệ. Thay vào đó, Joseph thấy mặt ông nhăn nhíu hẳn khi cúi xuống ghé sát một bộ mặt khó đăm đăm khác mà Joseph nhận ra đó là của viên thủ quĩ khách sạn.
Tại quán Cái Chùa - tiệm Café de la Paix - nơi tụ tập những tây thuộc địa kỳ cựu, và tại Bodéga, nơi chủ nhân và những người hầu bàn thường thoải mái rôm rả nói cười, lúc này túm tụm thành từng nhóm nhỏ, mặt đầy lo lắng với mắt nhìn lén lút và miệng dè dặt.
Thông thường, bản doanh Sở Liêm Phóng ngay đầu đường Catinat với những cửa sổ song sắt nặng nề, hoạt động rộn rịp. Nhưng lúc này, khi Joseph đi ngang, dường như nó đứng im với vẻ tịch mịch bất thường, ra vào chỉ có vài ba người Pháp hoặc người Việt. Sự yên tĩnh vô hình chung đó cho Joseph có cảm tưởng đã tới lúc nó bỏ rơi những trận chiến bí mật và âm u từng được nó tiến hành trong một thời gian rất dài.
Trong dáng điệu của từng người Pháp Joseph gặp trên đường phố, đều mang ít nhiều dấu vết lo sợ. Ngược lại, Joseph thấy những toán người Mỹ càng lúc càng đông, từ Đại sứ quán Hoa Kỳ hoặc các cơ quan khác của chính phủ Mỹ, bước ra đường chân đi ung dung tự tại, không thèm để ý tới tâm trạng của người Pháp. Với tiếng cười thoải mái và miệngï cười tự tin, người Mỹ đang biểu lộ một niềm tin thiển cận và tự mãn rằng chỉ có người Pháp là đáng qui trách cho sự thất bại của Pháp tại một xứ sở chậm tiến như Việt Nam. Bằng thái độ ấy, họ có vẻ muốn nói lên một cách rõ ràng rằng nếu họ, những người Mỹ, tham dự cuộc chiến này, kết quả chắc chắn phải khác hẳn.
Khi bước đi trong nhiệt độ ban ngày càng lúc càng nóng, Joseph bắt đầu tự hỏi phải chăng xứ sở của anh đang chấp nhận, tới một mức nào đó, lối lập luận đơn giản và đầy nguy cơ ấy. Trong thời gian Hội nghị Genève lề mề kéo dài, quân đội Liên hiệp Pháp vẫn giữ vững vị trí tại vùng châu thổ sông Hồng, cao nguyên miền trung cùng với Nam Việt. Rõ ràng người Pháp vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến tranh mà về mặt tâm lý, nó đã sụp đổ tại Điện Biên Phủ. Tại lòng chảo đó, không phải chỉ tình cảnh tử trận hoặc bị thương của con số hơn năm ngàn người, phim thời sự của Nga còn cho thấy khoảng mười ngàn người bị bộ đội Việt Minh giải vào trại tù binh với hình hài hốc hác như những bộ xương bê bết bùn. Và hình ảnh đó làm choáng váng nước Pháp và thế giới.
Tại chính quốc, trước đây người Pháp thường dửng dưng với cuộc chiến Đông Dương xa lắc xa lơ. Lúc này, sự đột ngột thay đổi ý kiến của công chúng do hậu quả trận đụng độ ở một thung lũng heo hút tận tây bắc Bắc Việt mang ý nghĩa chắc chắn rằng, rốt cuộc nước Pháp sẽ buộc lòng buông bỏ những tàn dư của chế độ thực dân tại vùng đất này.
Thế nhưng ở Genève, trong khi các ngoại trưởng Liên Sô, Anh, Trung Quốc và Pháp thảo luận về tương lai của Đông Dương, vị ngoại trưởng chống cộng kịch liệt của Hoa Kỳ, John Foster Dulles, ngay từ lúc bắt đầu tiến trình thảo luận, lại dứt khoát không đích thân tham dự. Ông chỉ để phụ tá của mình giữ vai trò quan sát. Thái độ đó cho thấy Hoa Kỳ không sẵn lòng ưng thuận việc nhường đất tại Đông Dương cho cộng sản. Và qua mức độ hiện diện ngày càng tăng của Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Joseph nhận ra tín hiệu Washington đang dự tính tiếp nối cuộc chiến tại vùng đất lúc này dân chúng Pháp muốn bỏ mặc.
Trong thời gian binh lính phòng ngự Pháp và Việt quốc gia anh dũng chiến đấu tại Điện Biên Phủ để chận đứng các đại đoàn Việt Minh đông đảo, Joseph thường nhớ lại làm thế nào anh và một nhóm ít ỏi nhân viên OSS đã huấn luyện các du kích quân hạt nhân xộc xệch, những kẻ chỉ trong vòng chưa tới chín năm, nhanh chóng phát triển thành một lực lượng bộ đội khổng lồ.
Joseph cũng thường tự hỏi sự thể sẽ chuyển biến ra sao nếu thuở đó chính phủ Mỹ phúc đáp những lời đề nghị có vẻ thành thật do Hồ Chí Minh đưa ra, đồng thời bắt đầu tin cậy và triển khai sự thiện chí được OSS sở đắc ấy. Giả dụ thuở đó, tổng thống Truman hồi âm một lá trong khoảng nửa tá thư Hồ Chí Minh đã viết để mưu tìm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chống lại những toan tính của người Pháp nhằm hủy diệt cuộc cách mạng của ông ta - biết đâu giữa Mỹ và Hồ Chí Minh đã có được một loại tình hữu nghị nào đó. Khi Trung Hoa rơi vào tay cộng sản năm 1949, biết đâu tình hữu nghị ấy có thể quyến dụ được Hồ Chí Minh và những kẻ đi theo ông xa lánh Liên Sô và Trung Cộng, như Tito đã làm tại châu Âu. Và hiện nay, lúc cuộc Chiến Tranh Lạnh ngày càng gia tăng xung động, tương lai của đất nước này sẽ ra sao một khi Hồ Chí Minh đã tuyên bố rõ ràng rằng vận mệnh của Việt Nam gắn liền với vận mệnh của Liên Sô và Trung Cộng?
Lúc này, những phỏng đoán để tìm cách trả lời các vấn nạn đó như thế rõ ràng là vô ích. Hiện có cơ hội mạnh mẽ để chính quyền Hoa Kỳ tiến hành việc điều chỉnh những sai lầm thuở trước, nhưng bằng cách mưu tìm một cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Hồ Chí Minh! Trong những ngày thân hữu ngắn ngủi giữa Hồ Chí Minh và Joseph, ông đã thuyết phục anh rằng ông và những người do ông lãnh đạo quyết tâm sửa sai những bất công có thật và cực độ mà nhân dân đã phải chịu trong thời Pháp đô hộ. Joseph hiểu rõ rệt rằng cảm giác sâu xa về những thống khổ truyền kiếp là động cơ quyết liệt cho việc mưu tìm chỗ dựa, chọn lựa phương thế và hình thành sức mạnh của họ. Như thế, đối với Joseph, hành động lao mình một cách bất cẩn vào vũng xoáy chính trị phức tạp nhằm đối đầu với Nga Hoa, như ngoại trưởng Mỹ có vẻ đang nhất quyết, dường như là một cuộc mạo hiểm đã bị kết án rằng sẽ thất bại.
Những hồi ức ảm đạm chờn vờn trong tâm trí khi Joseph đi dạo chỉ khiến anh thêm phần tin tưởng mãnh liệt rằng mình phải đem Lan và Tuyết, nhanh hết sức có thể được, vượt thoát những nguy cơ cụ thể đang nằm trước mặt. Thình lình bị những ý nghĩ ấy khống chế, đang soãi bước Joseph bỗng chửng lại, quay ngoắt đi trở về khách sạn Continental.
Nhưng khi anh về tới, nơi tầng trệt khách sạn vẫn chưa có dấu vết nào của Lan dù đã quá mười một giờ. Joseph sốt ruột chờ thêm năm phút rồi lẻn vào phòng giải khát của khách sạn, cố nói với người gác-dan cho anh dùng máy điện thoại đặt sau quầy. Anh hồi hộp lắng nghe tiếng chuông reo hơn một phút mới có người trong nhà Lan nhấc ốâng nghe. Và anh hết sức thất vọng vì kẻ trả lời là một người giúp việc trong nhà. Với giọng Pháp lơ lớ, tiếng mất tiếng còn, chị cố giải thích rằng Madame Devraux đã ra khỏi nhà trước đó ít lâu để ghé lại nhà thân phụ có chuyện gấp. Chị chuyển lời Lan xin lỗi và nhắn lại nếu anh có điện thoại đến, hãy nói với anh rằng trong khoảng hơn mười một giờ rưỡi Mademoiselle Lan sẽ tới khách sạn Continental.
Không chịu đựng nổi việc đứng chờ lâu thêm nơi tầng trệt khách sạn, Joseph bước xuống đường Catinat và thêm lần nữa cất chân đi dạo. Lần này anh đi về phía bến tàu nơi bờ sông Sài Gòn. Tới cuối đường Catinat, anh đi thật lẹ qua các quán rượu nhỏ hẹp và diêm dúa của người Corse với âm thanh ồn ào vang ra làm náo động vĩa hè, rồi băng qua đường, anh tới kè đá kiên cố bên bờ sông.
Dựa lưng vào một cột trụ buộc dây tàu, Joseph đứng ngắm những con thuyền tam bản lũ lượt ngược xuôi giữa các tàu buôn vượt đại dương, với hi vọng hoạt động sông nước có thể làm lòng mình lắng dịu. Nhưng cảnh tượng rộn ràng náo nhiệt của tàu thuyền và sông nước thay vì giúp tâm tư Joseph thư giản lại khiến anh nhớ tới Hồng Kông. Rồi dù không nghĩ đến, Joseph lại thấy hình ảnh bộ mặt trắng bệch và ngoan cường của Tempe. Nàng hiện lên trong tâm trí anh, như từ dưới mặt nước ngó lên và nhìn chằm chặp vào mắt Joseph khiến anh dù cố hết sức cũng không thể gạt bỏ.
Trong ngôi nhà của Joseph và Tempe ở mõm Peak, Hồng Kông, nàng đứng đưa lưng về phía cửa sổ khi anh báo cho nàng biết cái tin kinh khủng đó. Trong lâu thật lâu Tempe mặt trắng bệch nhưng kiên quyết không hé miệng, cứ để mặc Joseph tiếp tục nói, càng nói càng lắp bắp cho tới khi anh thấy mình lạc lõng đuối sức. Những biện minh từng được Joseph nghĩ ra hoặc viện dẫn đều yếu ớt vì tận trong thâm tâm, anh biết rằng điều mình đang làm là một báo đáp tồi tệ cho lòng chung thủy và tình yêu Tempe dành cho anh từ trước tới nay.
Cuối cùng, Tempe mở miệng, có vẻ chua xót hơn giận dữ:
- Té ra cậu bé thuở nào tròn xoe mắt nơi nội điện đặt ngai vua Khải Định cho tới lúc này vẫn đi tìm một vương miện nạm ngọc khác, phải không Joseph?
Tempe nói lời ấy với giọng thì thầm run run. Trong một thoáng, mặt nàng sắp co rúm nhưng rồi nàng lấy lại vẻ điềm tĩnh:
- Có phải anh luôn luôn cảm thấy em không làm anh mãn nguyện? Có phải vì em quá bình thường, cụ thể, còn anh, anh luôn luôn khao khát cái ngoại lai huyền ảo, cái không thể nào với tới? Có lẽ anh không đè nén nổi khát vọng đó. Có lẽ nó nằm ngay trong bản tính của anh. Rồi anh biến cơn mộng lãng mạn giữa trưa đó thành một mớ hổ lốn của tình yêu và ân phúc, đam mê và trách nhiệm? Tới một lúc khá lâu trước khi thành người lớn, hầu hết các cậu bé đều vứt bỏ mọi truyện thần tiên để cố sống theo cuộc đời thực tế - nhưng có thể mẹ anh quên dạy anh điều đó hay có dạy mà anh không nhớ!
Rồi vì sắp ứa nước mắt, Tempe bật cười thành tiếng nghèn nghẹt trong cổ họng. Và thật kỳ cục, âm thanh ấy làm Joseph nhớ lại những tiếng nức đầy nhục cảm lúc nào cũng thoát ra trong cổ họng nàng những khi cuộc làm tình của hai người lên tới cực điểm. Tuy không hoàn toàn ý thức nhưng Joseph thường cảm thấy âm thanh đó lúc nào cũng mơn man kích thích mình. Rồi bỗng dưng nổi giận một cách phi lý, Joseph quay mặt chỗ khác để cố dằn lòng xuống bằng cách tập trung mắt nhìn vào những chiếc thuyền mành và thuyền tam bản lũ lượt xuôi ngược ở chốn xa xa.
Tempe bước lại gần anh, giọng êm ái:
-Joseph ạ, có phải mười ba năm trước anh cố tình nói dối em? Anh có nhớ trên chuyến tàu trở về nhà sau buổi lễ khánh thành khu vực triển lãm mới chắp thêm trong nhà bảo tàng không? Hôm đó em hỏi rằng anh có ăn nằm với cô tiểu thư con quan ấy chưa? Em còn nhớ, rất rõ từng tiếng. Anh trả lời với giọng như thể anh hay cô ấy bị sỉ nhục, rằng: "Không. Không có. Các gia đình quan lại người An Nam rất nghiêm khắc về các sự việc thuộc loại như vậy". Trong khi anh nói như thế, đứa con gái của cô ta sinh ra cho anh đã bốn tuổi, phải không? Kể từ giờ phút đó, anh du mình vào cuộc sống dối trá. Nếu hôm đó anh kể hết sự thật với em, anh thành thật với em, chưa chắc chúng ta bị lâm vào tình huống hôm nay.
Xoay mình lại đối mặt Tempe, Joseph chống chế một cách tuyệt vọng:
- Chín năm sau khi xa cô ấy anh mới biết ra mình có con. Em có hiểu như vậy không? Trước đó, anh có yêu cầu cô ấy thành hôn với anh. Ban đầu cô ấy có vẻ đồng ý. Nhưng sau đó hai tuần lại chấp nhận lấy người khác. Lúc ấy anh hoài nghi không biết cô ấy có quả thật chân tình với anh không.
Tempe cắn môi, gật đầu thật lẹ:
- Và anh quay về xứ sở Hoa Kỳ tìm kiếm một nơi ẩn náu để an ủi mình. Lúc ấy, tận trong thâm tâm mình, em cũng biết có điều gì đó không ổn khi anh muốn làm đám cưới thật gấp, nhưng em nghĩ mọi sự rồi cũng sẽ đâu vào đó. Joseph ạ, em đã cho anh những gì anh muốn và những gì anh cần - hai đứa con trai kháu khỉnh và một người vợ hết lòng! Một người đàn ông nhiều nghị lực thì đã vì thực tại trước mặt mà để quá khứ lại đằng sau.
Nàng lắc đầu thương xót:
- Nhưng chẳng may người đàn ông đó không phải là anh. Anh mê mải những bức hình trong sách sử ký và phiêu lưu ký. Anh triền miên khao khát những huyền ảo đầy ma lực của một phương đông đã hớp hồn anh lúc anh mười lăm tuổi. Giờ đây tuổi đã trung niên nhưng anh không thể nào chịu đựng nổi việc mình không còn tiếp tục đi tìm lại cái lâu đài được anh xem là hoa lệ, phải vậy không. Cho dù trước cổng "lâu đài hoa lệ" ấy đang chất một đống ba cái chết: của một tình bạn, của một người bạn, và của một tình vợ chồng mười tám năm!
Lúc ấy Joseph nhắm mắt lại để cảm thấy bớt đau và khỏi thấy vẻ chiếu cố không chịu nổi trên mặt Tempe. Anh thì thầm:
- Tất cả chỉ do bởi việc anh tình cờ trở lại Sài Gòn, biết ra mình có con gái, thấy rõ trong anh mối tình ấy không chút phai nhạt và cũng vì những cái đó, cô ấy không thể sống mặn nồng với chồng. Em hiểu cho anh! Tất cả chỉ là hệ quả của một khởi đầu có tính ngẫu nhiên của định mệnh.
- Joseph, đó cũng chỉ là biện minh. Nhưng em nghĩ rằng việc anh trở lại xứ đó không hoàn toàn do bởi tình cờ.
Nghe vậy, mắt Joseph mở lớn kinh ngạc:
- Em có ý nói gì?
Tempe lắc đầu bối rối:
- Em không biết. Nhưng có điều gì đó không tránh nổi về hết thảy cái chuyện đó. Em nghĩ là em hoàn toàn hiểu rõ rằng anh hẳn sẽ làm một cái gì đó đại loại như thế. Nếu không ở Sài Gòn và không phải với vợ của viên sĩ quan Pháp đó thì sẽ ở Trung Hoa, hoặc với một phụ nữ Ấn Độ nào đó. Anh sẵn sàng đem hết linh hồn mình đặït vào bàn tay một thần nữ mà anh nghĩ có khả năng phục sinh và cứu khổ cứu nạn!
Tempe nói câu đó trong khi cầm trên tay ly rượu vang Pháp. Trong một thoáng Joseph nghĩ có thể nàng đang vượt quá cá tính trung dung, uống một hơi tới đáy ly rượu. Nhưng rồi nàng thở dài, bàn tay run lẩy bẩy cố sức từ từ đặt ly xuống bàn như trong một khúc phim quay chậm, và bước ra khỏi phòng. Người nàng hơi chúi, hai tay ôm lấy mình nhưng mắt vẫn nhìn thẳng tới trước.
Một tiếng đồng hồ sau, lúc Joseph từ giã ra sân bay, Tempe điểm trang thật tươm tất. Nàng lặng lẽ đưa anh một tờ giấy trắng vuông vắn với những dòng chữ nét đều đặn, có đôi chỗ bôi đi xóa lại. Trong đó, nàng tỏ ý xin lỗi vì những câu nói vừa rồi có xúc phạm đến anh hoặc Lan. Nàng viết dù đã sống với nhau mười tám năm nàng vẫn không muốn và không thể níu kéo kẻ xem nàng là một chướng ngại tình cảm. Nàng chấp nhận thực tế ấy và tiến hành thủ tục li dị; anh nên dành cho nàng quyền bảo dưỡng hai con để nàng đem chúng về quê ngoại ở với nàng. Nàng chúc anh ra đi bình an trong Thánh ý Quan phòng. Chờ Joseph đọc xong và gật đầu, nàng đứng nhìn anh lên đường. Môi Tempe mím chặt, mặt xanh xao nhưng vẫn hoàn toàn tự chủ. Trên tất cả mọi sự, nàng nhất quyết không để nhỏ giọt nước mắt nào trước mặt Joseph và thậm chí, cho cả Joseph từ nay và về sau.
Và lúc này, khi nhớ lại sự ngoan cường ấy của Tempe, Joseph hổ thẹn tới độ anh không thể đứng lâu thêm trên bến cảng. Quay lưng với mặt nước, nhìn sang mặt tiền của quán cà-phê La Rotonde rồi nhìn dọc theo đại lộ Catinat, Joseph thấy mình đang thêm lần nữa thấy lại quang cảnh lần đầu tiên tới Sài Gòn khi con tàu Avignon chạy men theo lòng sông này ba mươi năm trước. Cũng vẫn hàng cây làm nơi nghỉ trưa cho các cu-li nhai trầu bỏm bẻm thuở ấy lúc này vẫn trải bóng trên những đường phố nóng nực. Cũng vẫn hai ngọn tháp song đôi của nhà thờ chánh toà nhô lên thật cao, trông rõ mồn một trên các mái nhà. Đột nhiên, Joseph nghe trong lòng mình trào dâng mối thương thân và thương cảm cho hết thảy những người có liên hệ tới anh.
Làm thế nào một cậu bé thơ ngây mười lăm tuổi, kẻ từng hiểu lầm những con người mệt lã kia là nạn nhân của một cuộc tàn sát, lại được người ta kỳ vọng rằng có thể ứng xử nổi những phức tạp đa đoan của một cuộc đời tiếp liền sau tuổi thơ đó? Người nào và bằng cách nào chuẩn bị cho đứa bé ấy có thể đối phó với hết thảy những cạm bẫy khủng khiếp nằm trên con đường nó sẽ đi? Tempe bao giờ cũng tự chủ, trung dung, minh bạch, đúng với kỳ vọng của vị mục sư thân phụ nàng đã đặt vào cái tên cho nàng. Làm sao anh có thể kể hết với Tempe trọn vẹn câu chuyện có liên quan tới cha anh, mẹ anh, Guy và đêm rừng mưa bão làm mọi sự quay cuồng đão lộn. Sống phản bội đứa trẻ thơ trong mình hay trung thực với nó, phải chăng đều đưa tới hậu quả phức tạp và đáng trách. Tại sao diễn tiến của một đời người không khác chút nào diễn tiến của một tổ chức của con người: khởi đi với mơ mộng lý tưởng và hoài bão trách nhiệm, để rồi rơi vào tình trạng lạc lối vong thân, cuối cùng nếu không gây tổn thương thì may ra, chỉ còn đủ năng lực duy trì cái sống hiu hắt. Như thế, ai dám bảo con đường loài người đi ngày càng tốt đẹp khi các dân tộc phải kinh qua sa mạc chiến tranh và vũng lầy chính trị với nhiều tan nát của gia đình, xiêu lạc của tình yêu và khổ nạn của tuổi trẻ. Để rốt cuộc, như một chuyện thần thoại: tảng đá sau khi được vác nhọc nhằn lên đỉnh núi lại lăn ngược trở lại chân núi, và người vác đá lại tiếp tục cam chịu vác lên đỉnh, rồi đá lại lăn xuống, rồi người cứ vác đá cứ lăn tới thiên thu bất tận.
Trên đường thả bộ về lại khách sạn Continental, những ý nghĩ ảm đạm ấy mải miết quay cuồng trong tâm trí Joseph. Khi sắp bước hẳn vào tầng trệt khách sạn, anh đột nhiên thấy Lan đang đi dưới hàng me về hướng anh. Lan mặc áo dài lụa trắng hoa văn gợn sóng, hai tà áo như hai cánh bướm vờn quanh chiếc quần trắng. Trên mái tóc thay vì đội khăn tang, nàng chít chiếc khăn lụa xanh nhạt, trông rất giống màu sắc và kiểu khăn đêm tế lễ ở đàn Nam Giao. Và trong khi đi, nàng tíu tít trò chuyện với ai đó đi bên cạnh.
Phải mất một hai giây Joseph mới nhận ra người ấy là thân phụ của Lan. Tuổi gần bảy mươi, hồng hào phương phi nhờ những năm tháng sống an lành sung túc, Trần VănHiếu lúc này diện bộ vét-tông theo kiểu doanh gia phương Tây, may bằng vải lanh nhạt và đắt tiền, thay cho chiếc áo bào quan lại. Bên trên bộ mặt đẩy đà, tóc ông bạc và hớt gọn gàng. Bộ mặt ông vẫn mang vẻ sắc sảo và đầy cảnh giác như thuở nào nhưng vì mãi tập trung tinh thần vào những gì con gái nói nên ông không nhận thấy Joseph đang từ đám đông người trên thềm cao bước xuống và sắp đi về phía mình.
Thấy Lan nâng khuỷu tay cha, Joseph giật mình. Anh nhớ lại rõ ràng, không thiếu một chi tiết, cảnh nàng ngồi im lìm bên cha với thái độ từ khước anh khi anh từ Hà Nội vào lại Sài Gòn mười tám năm trước. Kể từ lúc đó tới nay, đây là lần đầu tiên Joseph trông thấy hai cha con nàng bên nhau, và điều đó làm tâm thần anh chới với.
Kế đó, nhận thấy cả hai đang trò chuyện có vẻ tương đắc và vui vẻ, Joseph tin chắc rằng, rốt cuộc, Lan hẳn đã có quyết định có lợi cho anh. Không kềm chế nổi lòng nôn nóng, Joseph bước theo tầng cấp khách sạn xuống vĩa hè để đón cả hai. Và anh suýt ngã vì cú húc của một thiếu niên Việt Nam đang lóng ngóng chạy vội vã dọc theo mé trong vĩa hè.
Cậu thiếu niên ấy trượt chân rồi gượng người lại. Con mắt phóng viên của Joseph tự động dán chặt vào chiếc áo bà ba nâu rộng thùng thình, quần màu lam lem luốc và đôi dép râu mòn vẹt nó mang dưới chân. Thêm nữa, trong cách chạy của nó có điều gì kỳ quái lôi cuốn toàn bộ sự chú ý của Joseph. Lằn vải quần áo bên ngoài của nó tự nhiên trương phồng lên, u một cục, như có một cục gì phình ra mé dưới hông. Và trong khi chạy, hai tay nó ép cứng một bên hông, giữ cho cục u đó nằm yên.
Nhớ lại bản tin đăng trên tờ Journal de Saigon sáng nay, Joseph hốt hoảng hét lên cảnh giác. Anh bắt đầu chạy theo nhưng các đám đông bên ngoài khách sạn không tức thời nhận ra như anh, rằng thiếu niên ấy là một phần tử thiện chiến của biệt đội cảm tử Việt Minh thuộc Trung đoàn 905.
Lúc này, cậu thiếu niên ấy chạy nhanh hơn để thực hiện cuộc ám sát đầu tiên và tiêu biểu nhằm cân đo phản ứng của quần chúng, lấy khí thế cho nghị quyết phát động phong trào cải cách ruộng đất vừa được ban hành. Và Trần VănHiếu, một kẻ hợp tác lâu đời, một địa chủ không ở tại chỗ và là chủ nhân những đồng ruộng mênh mông vùng châu thổ sông Cửu Long, chợt ngước mắt nhìn cậu đội viên cảm tử đúng khoảnh khắc nó vung cánh tay định mệnh lên vòng qua cổ ông.
Trong chớp mắt phù du, Joseph thoáng hy vọng là mình lầm - rằng cậu thiếu niên ấy chỉ bày tỏ lòng cảm tạ một ơn huệ nào đó mà Trần VănHiếu đã làm cho gia đình nó nơi đồng ruộng. Kế đó, Lan tránh qua một bên. Joseph thấy nụ cười khựng lại trên khuôn mặt nàng khi cậu thiếu niên nhà quê bỗng kẹp cứng cần cổ của Trần VănHiếu và cho bàn tay còn lại lòn vào vạt áo của nó rồi hung hãn giật một cái thật mạnh. Trong chốc lát, cậu bé nông dân ăn mặc tồi tàn và một trong những nhà quí tộc giàu có bậc nhất Việt Nam làm thành một cặp không cân xứng. Cùng vùng vẩy quẫy lộn như điên trên hè phố, cả hai đang nhảy múa điệu khiêu vũ của thần chết. Cánh tay người trẻ kẹp chặt cuống họng người già.
Đám đông kinh hãi bắt đầu dạt ra xa. Joseph thấy Lan đang cố lôi cậu thiếu niên ra khỏi cha nàng. Nhưng cậu bé kẹp cứng cuống họng Trần VănHiếu trong khuỷu tay cảm tử của nó, như cậu từng kẹp nhiều "nạn nhân" như thế trong những buổi thực tập tại trại huấn luyện trong rừng. Hai con mắt của người già bắt đầu trợn tròn khiếp đãm. Joseph cố lao mình về phía cả hai nhưng một người đàn bà bán hàng rong cũng hiểu ra sự thật, thất kinh quay lưng bỏ chạy. Đôi quang gánh xoay tròn quất vào anh làm anh té sóng soài xuống rảnh nước.
Quả lựu đạn miểng buộc nơi bắp đùi cậu bé phát nổ chát chúa. Nó hất tung toàn thân Trần VănHiếu và cậu bé lên khỏi mặt đất, rồi cả hai cùng rớt xuống thành một đống nhầy nhụa. Nhiều người đi ngang cũng gục xuống chung quanh cả hai, dưới con mắt kinh hoàng của đám tây thuộc địa đang ngồi uống cà phê bên trong tầng trệt khách sạn Continental. Máu của người đi ngang trộn với máu của kẻ sát nhân và nạn nhân thành một vũng lênh láng trên vĩa hè.
Nhờ té ngửa người dưới đất khi lựu đạn nổ nên Joseph thoát nạn. Nhưng khi đứng lên và đi loạng choạng tới vị trí vừa xảy ra cuộc ám sát, anh nhìn thấy Lan. Thân thể nàng nằm cách cha nàng khoảng nửa thước, co quắp và rạn vỡ. Anh không thấy được mặt Lan vì nàng nằm sấp trên vĩa hè nhưng chiếc áo lụa trắng nàng mặc biến lẹ làng thành màu đỏ thẩm trong ánh nắng chói lọi. Và từ trên đầu chít chiếc khăn xanh kỷ niệm tới khắp chân tay mảnh mai của nàng không có một dấu hiệu động đậy nào.