Mặt trời vừa lặn bóng tối đã lẹ làng phủ kín trại săn. Chỉ trong vài giây, ánh sáng nhạt nhoà nhường chỗ cho đêm đen ẩm ướt mượt tựa nhung, như thể từ trên trời có tấm màn thình lình rủ xuống khiến mọi hình bóng bên kia ngọn đèn bão lập tức sống động hẳn lên theo những âm thanh đinh tai buốt óc của rừng đêm. Dưới bờ sông, một đạo quân ếch nhái nhỏ bé ồm ộp kêu vang bài ca khản đặc, đối chọi với tiếng râm ran rền rỉ không ngừng của lũ ve sầu giấu mặt. Từ chốn xa xăm đâu đó có con chim nào đó thỉnh thoảng thét lên thảm thiết như đang cơn đau đớn quằn quại.Trong góc lều vải âm u dùng làm nhà bếp, Ngô Văn Lộc ngồi chồm hổm bên chiếc thùng đựng đồ đạc bị anh cố ý lật sấp để tạm dùng làm bàn viết. Tập trung tinh thần, mặt cau lại với bàn tay lóng ngóng, Lộc nắn nót viết chữ quốc ngữ, một biểu hiện ký âm tiếng An Nam bằng chữ cái la tinh. Một loại chữ được các giáo sĩ Kitô giáo phương tây lập thành từ năm 1620 để dùng vào công tác truyền giáo, Về sau nó được cải tiến dần và hiện trở thành thứ chữ thông dụng trên cả nước vì nó dễ tập đọc tập viết. Thỉnh thoảng anh ngừng viết, liếc mắt qua lỗ xỏ dây nơi tấm vải bạt dùng làm vách, dòm chừng Jacques Devraux coi hắn có còn ngồi với mấy người Mỹ săn thú quanh chiếc bàn đặt chính giữa bãi đất trống hay không. Lộc đang nhân cơ hội họ ăn tối để cố sao chép thêm một tờ truyền đơn kêu gọi tham gia cách mạng nhằm mục đích chấm dứt sự đô hộ của người Pháp. Bản chính được soạn thảo bởi Việt Nam Quang Phục Hội, một hội kín do hoàng thân Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm hội chủ mà anh tham gia từ hơn ba năm trước, lúc bị buộc phải rời bỏ đất đai ruộng vườn của mình tại Long An vì không đóng nổi thuế. Trong nỗ lực tuyển mộ thêm đảng viên tại các làng mạc hẻo lánh quanh vùng rừng đất đỏ miền đông nam bộ, anh đã sao chép tờ truyền đơn đó ra hàng chục bản. Gấp rút ghi cho xong bản cuối trước lúc bữa ăn chấm dứt, Lộc nhìn qua khe lều, thấy vợ và hai con trai nhỏ của mình đang bước ra bãi đất trống thu dọn dĩa bát. Anh đặt cây viết chì qua một bên rồi vội vàng đọc lại những gì vừa chép: “Hỡi Quốc dân đồng bào! “Quốc dân đồng bào còn nhớ hay không: nước ta mất đã tám mươi năm rồi đó. Kìa hãy xem các nước Á Đông như Miến Điện, Phi Luật Tân đều đã thoát khỏi vòng nô lệ của Mỹ và Anh. Chỉ còn có một mình nước ta hiện nay vẫn để cho giặc Pháp đè đầu cỡi cổ. Giặc Tây dã man lấy cớ thực hiện sứ mệnh khai hoá để ăn cướp đất đai, ruộng đồng, hầm mỏ, biển cả, núi rừng của chúng ta. Chúng áp bức chúng ta bằng sưu cao thuế nặng. Chúng bóc lột tàn tệ kết quả lao động của chúng ta. Chúng đày ải, xử tử những sĩ phu và nghĩa sĩ yêu nước dám nổi lên chống lại chúng. Chúng ta bị đối xử như trâu như bò ngay trên đất nước của cha ông chúng ta. Hết thảy mọi quyền hành, hết thảy mọi lợi lộc, hết thảy mọi nguồn sinh nhai của chúng ta đều nằm trong bàn tay của bọn chúng. “Hỡi hai mươi lăm triệu đồng bào! Chuyện ta ta phải tính sao bây giờ. Không lẽ cứ ngồi yên chờ chết, giương mắt trông của hết dân cùng. Vậy chúng ta phải kíp đoàn kết một lòng; phen này chúng ta quyết chẳng dong thứ cho quân thù. Hãy gia nhập hàng ngũ với chúng tôi để quang phục đất nước. Chúng ta không phải thuộc giống nói hèn nhát. Cha ông chúng ta trước đây đã bình Ngô, sát Thát, giữ gìn bờ cõi. Ngày nay, tại sao chúng ta cam chịu cúi đầu, làm tôi tớ Pháp như trâu như bò. Nếu chúng ta đoàn kết với nhau mấy chục triệu người, chắc chắn chúng ta phải thắng mấy ngàn thằng Tây ít ỏi. Nếu quốc dân đồng bào đứng chung một hàng ngũ, cùng chung một ngọn cờ, chúng ta sẽ đánh cho giặc Pháp thua không còn manh giáp, để quang phục xứ sở, xây dựng đất nước Việt Nam tự do độc lập và phú cường, noi gương Nhật Bản mà canh tân để nước ta không thua kém bất cứ nước nào ở đông á.“Dù biết rằng thành hay bại là do bởi ý trời nhưng muốn nên công chuyện cũng phải do người gắng công. Vậy nay tôi có lời thành thật khuyên quốc dân đồng bào nên hợp sức đồng lòng, tham gia hàng ngũ với chúng tôi. Người xuất của kẻ xuất công. Người ở nước ngoài vận động, người ở trong nước thực hành. Khi đó, có thêm sự giúp tay tiếp sức của kẻ khác thì chúng ta còn lo gì việc sẽ không thành công. Miễn sao cốt ở sự hết lòng thì thôi, hy vọng chỉ trong vòng năm nay là chúng ta quang phục được đất nước.”Nghe có tiếng chân bước bên ngoài lều Lộc lật đật xếp tờ sao và bản chính lại, giấu vô rương. Nhìn qua lỗ bạt anh thấy Mai, vợ mình, đang đi tới, tay bê chồng dĩa bát vừa thu dọn trên bàn. Tuổi chưa tới ba mươi, vợ Lộc mặc váy dài sẩm màu, phía trước ngực và bụng buộc chiếc yếm vải rẻ tiền màu nâu nhạt, để lộ hai cánh tay, vai và lưng. Bộ mặt nhà quê bè bè đầy nhục cảm. Nét gợi dục ấy cuốn hút thêm bởi đôi mắt thường nhìn xuống với vẻ cam chịu và mái tóc đen, dày mượt mà, phủ xuống tận eo, làm mảng lưng trắng khi ẩn khi hiện. Chị đi chân đất, thân thể uyển chuyển tự nhiên theo từng bước nhịp nhàng của người quen gồng gánh. Ngô Văn Lộc nhìn quá ra sau lưng vợ, thấy Jacques Devraux chợt nhướng cặp mắt đang nhìn dĩa thức ăn lên ngó theo chuyển động hông háng đong đưa của chị lúc chị từ bàn ăn đi vô lều bếp. Trong một hai giây, nét mặt của “chú bồi” trại săn người An Nam đanh lại khi ngó ông chủ của mình. Rồi anh bước khỏi lỗ nhìn lén, bắt đầu hí hoáy cọ rửa đống soong chảo vừa dùng vào việc nấu nướng bữa ăn chiều.Khi Mai vào tới và nhúng tay vô chậu nước xà-phòng đặt bên cạnh chồng, Lộc thì thầm với giọng háo hức: - Hôm nay thằng Devraux nói với tôi rằng hắn sắp đi Quảng Đông lần nữa. Lần này, hắn muốn tôi đi theo để lái xe cho hắn.Bộ mặt an phận của Mai không tỏ phản ứng nào. Lộc nghiêng đầu sát tai vợ hơn để nhấn mạnh tầm quan trọng của tin đó, đồng thời liếc thật lẹ về phía người Pháp còn ngồi nơi bàn ăn: - Có biết việc đó có ý nghĩa như thế nào không? Nghĩa là tôi có thể gặp những nhà cách mạng của ta đang lưu vong ở Quảng Châu bên Tàu. Vừa mới xảy ra vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, đồng bào ta thương cảm lắm. Các đồng chí của ta vừa uất hận, vừa lên tinh thần. Chúng ta may mắn đang ở vào vị trí được thằng Devraux tin tưởng.Đứng bên chồng, Mai gật đầu đồng ý nhưng vẫn tiếp tục chà soong, không trả lời cũng không nhìn Lộc. Sau cùng anh hỏi, giọng có vẻ bực bội:- Tại sao lại không để ý gì tới tin mừng đó? Bộ không hiểu tôi muốn nói cái gì sao?Mai đáp gượng gạo: - Có. Tôi hiểu chớ. - Đang xảy ra chuyện gì vậy? Trong một lúc Mai im lặng chà soong. Rồi chị lưỡng lự, hình như không dám chắc lắm điều mình muốn nói: - Hôm nay thằng Jacques cư xử lạ lắm. Thường ngày hắn đâu có để ý gì tới tôi. Không hiểu vì sao hôm nay hắn ngó tôi tới hai ba lần — mắt hắn ngó thật là kỳ quái!Đăm đăm nhìn vợ một lúc rồi Lộc lại dòm ra bãi đất trống. Anh chợt nhớ cái nhướng mắt của Devraux ngó theo lưng Mai, bị anh bắt gặp hồi nãy. Mai tiếp tục nói với giọng đều đều:- Tôi nghĩ là con mụ Mỹ kia làm hắn khó chịu sao đó. Ở chỗ bàn ăn, thằng Jacques không chuyện trò gì với mụ ta — còn mụ ta thì lâu lâu lại ngó hắn một cách quái đản.Lộc lật đật giải thích:- Có lẽ lại tưởng tượng ra chuyện thôi. Tôi chắc chắn chẳng có việc gì phải lo lắng.Lộc đưa mắt liếc xéo thật lâu, thấy Flavia Sherman đứng lên rời bàn ăn, bắt đầu đi thơ thẩn về lều của bà. Dù bà bước chầm chậm, anh vẫn nhận ra thái độ của bà có vẻ rất xao xuyến. Mấy lần bà đưa tay lên day day đầu như có ý nói rằng cái nóng quá ngột ngạt. Rồi bà dùng ngón tay chải tới chải lui mái tóc đen dài. Lộc quan sát bà hồi lâu nhưng bỗng có tiếng cười ré từng chặp, vang khắp trại, làm tâm trí anh xao lãng. Lộc quay mình, thấy hai con trai, Đồng và Học, đang ngồi chồm hổm cạnh Paul và Joseph bên mé bên kia bãi đất trống. Tiếng kêu xa xôi của con chim cô độc nào đó họ nghe từ lúc mặt trời lặn lúc này hình như sầu thảm gấp bội. Lộc nhận ra đó chính vì Paul Devraux đang thổi ngọn cỏ rừng kẹp giữa hai ngón tay cái, bắt chước tiếng chim kêu thê thiết ấy. Anh thấy Joseph Sherman cũng đang vận hơi phồng má, thổi ra tiếng inh ỏi như kèn đồng, tranh đua với ngón nghề điêu luyện của Paul. Chính cái trò biểu diễn khôi hài đó của hai thiếu niên Pháp và Mỹ làm hai đứa nhỏ An Nam bò nghiêng ngửa và cười sặc sụa.Đột nhiên sợ thái độ của các con có thể làm Jacques Devraux nổi quạu, Lộc vội lao ra bãi đất trống, tới chỗ bọn trẻ. Anh vừa chạy vừa nói lớn bằng tiếng Pháp: - Monsieur Paul, xin cậu đừng chọc chúng nó cười nữa. Đã tới giờ chúng nó đi ngủ.Anh chưa tới nơi, Paul và Joseph đã nhấc bổng hai đứa nhỏ — đứa mười một tuổi và đứa mười ba tuổi — cho mỗi đứa ngồi lên vai mỗi cậu rồi hò hét cổ vũ chúng giao đấu nhau bằng hai chiếc đũa lấy trên bàn ăn. Thêm lần nữa Lộc đưa mắt lo lắng nhìn về phía Jacques Devraux. Thấy Lộc khẩn khoản mãi rằng đã tới giờ chúng phải đi ngủ, Paul phi như ngựa tế qua bãi đất trống với chú nhỏ Đồng túm chặt tóc trên đầu rồi thả nó, đang cười nắc nẻ, xuống manh trải dưới đất. Joseph cũng làm y như vậy với Học. Khi tiếng cười đùa giòn giã lắng xuống, Paul và Joseph chào hai chú nhỏ An Nam, chúc ngủ ngon. Rồi cởi áo sơ mi vắt lên vai, hai cậu đi tới cái bục bằng tre dùng làm bàn lột da, nơi Chuck vừa quay lại tiếp tục lột da con trâu đực của mình.Trong lều, bên cây đèn bão, tâm trí của Flavia Sherman cũng bị xao lãng vì tiếng huyên náo vui nhộn ấy, không thể tiếp tục đọc sách. Bà bứt rứt đi tới cửa lều mở sẵn. Chiếc áo đi săn dán sát da lưng. Và bà cảm thấy mồ hôi tươm thành dòng, nhỏ từng giọt trong khe ngực. Từ một chốn xa xôi nào đó nổ lên tiếng sấm, rền thành chuỗi qua bầu trời đen kịt. Đột nhiên Flavia luồn các ngón tay vào trong tóc rồi đưa hai tay ôm chặt thái dương cho tới khi bặt hẳn tiếng sấm rền.Ở chính giữa trại, thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman vẫn ngồi một mình bên bàn ăn nhâm nhi ly cô-nhắc thứ ba sau bữa ăn căng bụng. Trong lúc ăn tối ông uống thật nhiều rượu: “để ăn mừng con trâu mạnh bạo và ngon lành của Chuck”. Flavia nhận thấy kết quả là thái độ của chồng càng lúc càng ồn ào và cởi mở hơn. Mé xa bên kia trong khu vực trại, tại bục lột da, bà thấy thấp thoáng bóng dáng Jacques Devraux đang ở trần, bắt đầu tiếp tục công việc lột da. Bỗng dưng cảm thấy mình không thể ở lại trong lều thêm nữa, bà bước ra khỏi lều, đi thơ thẩn qua bãi đất trống. Dừng chân bên chiếc xe bò hồi chiều chở ba xác trâu bị bắn gục từ đồng cỏ về, Flavia đứng quan sát mấy người đàn ông đang lột da chúng. Những người Mọi tóc xoăn đóng trên mình vỏn vẹn một mảnh khố. Khi họ di chuyển với cử động tràn trề nhựa sống, hai bắp đùi trần loang loáng dưới ánh đèn. Bên cạnh họ, thân thể hai con trai của bà nước da trắng nhợt cũng ánh lên màu gần như lấp lánh đen. Tấm lưng rộng bè bè của Chuck trong từng chuyển động đứng lên cúi xuống khi làm việc có thể cho thấy rõ lòng kiêu hãnh của cậu về việc đã bắn được con thú ấy. Đứng kế bên anh, Joseph vóc người mảnh khảnh hơn, cũng làm những động tác giống y như anh nhưng trông không nhiệt tình bằng.Nửa trên thân trần của người Pháp chắc nịch, đầy sinh lực. Flavia đoán Jacques Devraux trạc tuổi mình. Các bắp thịt vai và cánh tay hắn săn chắc, gân guốc, hết co lại duỗi như những sợi thừng bện thật chặt, xoắn lấy nhau và tẩm lóng lánh những hạt mồ hôi như hạt đậu từ trong da ứa ra. Dưới ánh sáng lung linh của mấy cây đèn bão treo bốn phía, Flavia có thể thấy một vết sẹo trắng nhợt, bóng láng, do săn bắn hoặc chiến trận, từ yết hầu hắn trổ xuống, chạy vắt qua sườn. Trong vài phút người đàn bà Mỹ đứng yên lặng ngắm hắn, lòng lại thấy rúng động những rạo rực gần như đã lãng quên từ lâu. Còn Devraux, nếu có để ý tới sự có mặt của Flavia hắn cũng không để lộ chút dấu hiệu nào.Khi họ đã lắt và móc hết mỡ bên trong da trâu, Jacques Devraux chỉ dẫn những người khác cách xát bột thạch tín để xua ruồi nhặng, không cho chúng bu vào da. Dần dần, mùi hôi nồng nặc của xà-phòng thạch tín cùng với đủ loại mùi khác, mùi mồ hôi người, mùi mỡ thú vật, quyện vào nhau, lơ lửng thấm đẫm không khí. Từ chốn xa xa, lại rền lên tiếng sấm như cộng thêm âm hưởng trầm hùng vào dàn nhạc đinh tai buốt óc của rừng đêm nhiệt đới. Trong vài giây, Devraux ngẫng đầu, nghe ngóng. Đoán trước thế nào cũng mưa, Devraux bảo người Mọi móc da trâu lên sào và chuyển gấp chúng vào lều vải bạt dựng kế bên. Tại đó, hắn tháo vài bao muối, ra lệnh mấy người thượng khởi sự sấy khô da trâu. Thấy họ làm đúng ý mình, hắn cầm chiếc sọ con trâu đực lên, mang ra bờ sông. Lội xuống nước bùn và ấm tới ngang đầu gối, hắn rút con dao săn to bản gài bên đai lưng ra, bắt đầu lóc thịt.Người đàn bà Mỹ cũng rảo bước tới bờ sông, thầm lặng quan sát hắn. Khi những mảnh vụn thịt sống trôi lềnh bềnh theo dòng nước, Flavia thấy mặt nước sủi bọt trắng vì những đàn cá háu ăn đang tranh mồi. Ngây ngây và tởm lợm, bà miên man ngắm cảnh tượng rùng rợn đó, môi hé mở, mắt long lanh như xuất thần. Kế đó bà đưa mắt nhìn người Pháp, cất tiếng nói dịu dàng bằng ngôn ngữ của hắn: - Monsieur Devraux, thật vinh dự cho chúng tôi khi ông vì cuộc thám hiểm của chúng tôi mà làm việc đêm hôm như thế này.- Nếu chúng tôi không bắt đầu sấy da lúc này, nội vài giờ nữa thôi cái ẩm và cái nóng sẽ làm hỏng hết mọi công khó của chúng ta. Ngừng tay lâu một chút, Devraux nhìn thẳng mặt Flavia rồi cúi xuống tiếp tục lóc thật sạch sọ trâu bằng những đường dao gọn gàng, chính xác. Bà nói, giọng thật trầm:- Tôi cũng muốn cám ơn ông vì điều ông đã làm chiều nay. Phát súng giết con trâu bị thương đó thật tuyệt vời.Người Pháp lội khỏi mặt sông, lên đứng trước mặt Flavia. Bà đứng mé bờ phía trên hắn, chân đi ủng, hai tay thọc trong túi chiếc quần cụt bó sát người. Trong một thoáng, Devraux nhìn bà bằng tia nhìn ngắm nghía như hắn đã từng lén lút ngó bà trong buổi tiếp tân tại dinh thống đốc. Rồi hắn tra dao vào vỏ, vừa nói vừa nhìn chiếc sọ toả ánh lập loè dưới bàn tay trái. - Madame Sherman ạ, tôi nghĩ có lẽ bà sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu lúc này bà quay về khu trại của mình. Chúng tôi sắp tự tay liệng bỏ máu và mở trâu trong khi tắm sông.Khi Devraux ngước mắt nhìn Flavia lần nữa, đôi môi mỏng của hắn đã trở lại đường lằn khắc nghiệt thường ngày; lập tức bà quay mình cất bước. Từ trong lều, bà nghe hắn gọi mấy người Mọi và hai con trai của bà. Lát sau, tất cả đều cởi quần áo, trần truồng phóng mình xuống sông. Trong vài phút, bà nghe tiếng nước họ té nhau, tiếng cười vang mặt sông, rồi khu vực trại săn dần dần im ắng trở lại. Chuck và Joseph, người đỏ ửng, tóc rối bù ướt đẫm, ló đầu vào lều chúc mẹ ngủ ngon. Sau khi các con về lều riêng, bên cây đèn bão Flavia cố mở sách ra đọc. Nhưng lúc này nghĩa chữ trong sách không đủ sức mạnh át tiếng giòn giã của những khẩu súng săn bà nghe nổ trở lại trong óc não mình. Qua con mắt tâm trí, bà thấy lại thân xác đồ sộ nặng nề của con trâu đực đang vật vã trong cỏ với cái chết dữ dội của nó, thấy thêm lần nữa con nghé mất mẹ đang cuồng dại lao tới phía bà, và bầy kên kên đen đủi trụi lông từ lưng chừng trời lờ đờ chao xuống. Hết thảy những hình ảnh ấy xô đẩy nhau trong tâm trí Flavia làm lòng bà lâng lâng một cảm giác xao xuyến mơ hồ, càng lúc càng dâng lên thật cao theo cơn bão đang tụ về.Khi có tiếng Jacques Devraux cùng chồng mình cụng ly rượu sau cùng bên bàn ăn giữa bãi đất trống, Flavia cố lắng tai nghe cuộc nói chuyện của hai người. Vẫn không nghe ra họ nói gì nhưng rõ ràng người Pháp lâu lâu mới đệm vào tiếng ậm ừ để ngắt quãng lối nói lê thê lè nhè của Nathaniel. Cả hai trò chuyện theo kiểu rời rạc đó trong ít phút rồi khi nghe họ chào nhau đi ngủ, Flavia vội vàng chui vào mùng bên chiếc giường dành riêng mình. Bà nằm xuống, để nguyên quần áo.Bên trong lều mé bên kia khu trại Ngô Văn Lộc cũng nghe hai người ấy chào chia tay nhau. Anh tiếp tục cảnh giác canh chừng Jacques Devraux trong khi vất vả sao thêm một tờ truyền đơn vận động tham gia cách mạng. Rồi ngừng viết, anh dòm chừng người Pháp đang đi về phía lều mình. Phía cuối lều, Mai ở trần, ngồi xổm rửa mình bên thau nước. Nghe Lộc thình lình xuỵt tiếng báo động, chị đứng lên, lẹ làng vớ chiếc khăn che bộ ngực trần. Liếc nhìn lui, Mai thấy chồng luống cuống giấu vội cây bút chì và tờ giấy anh đang viết. Mấy giây sau, Jacques Devraux đột nhiên thò nửa người vào tấm liếp vải che cửa lều. Mai thẹn thuồng cuống cuồng quay mặt nhưng vẫn cảm thấy tia mắt của người Pháp làm rờn rợn da lưng của mình. Chốc lát sau, chị nghe hắn nói cụt ngủn:- Bảo Mai hai phút nữa tới lều tôi. Tôi muốn ra lệnh về việc nấu nướng ngày mai. Nói nó đem theo cả kim chỉ.Khi Devraux đi rồi, người đàn bà An Nam quay sang nhìn chồng. Ánh mắt của chị run rẩy: - Tôi sợ quá. Trước đây có bao giờ hắn gọi tôi tới vào giờ này ban đêm đâu!Tránh đôi mắt vợ, giọng Ngô Văn Lộc cam đành: - Nếu chúng ta không làm theo lời hắn tôi có thể mất cơ hội đi Quảng Đông, mà việc đó rất quan trọng cho đại cuộc. Mặc áo vô rồi đi lẹ lên. Tôi tìm kim chỉ cho.Cẩn thận không làm giật mình các con đang nằm co hai chân ngủ trên chiếu, vợ của Ngô Văn Lộc mặc yếm, vuốt tóc rồi lủi thủi ra khỏi lều, không nhìn chồng.Nathaniel Sherman vấp chân suýt té ngoài cửa lều. Flavia nghe tiếng chồng làu bàu chửi thề và sờ soạng hồi lâu nơi tấm liếp chặn cửa. Vào được bên trong, ông chậm chạp tháo giày, cởi quần áo rồi lê người tới bên chiếc giường dành riêng cho vợ. Nathaniel nhếch mép cười với bà trước khi lảo đảo đáp người xuống giường. Bên ngoài, tiếng sấm rền lớn hơn, mưa bắt đầu nhỏ từng giọt kêu tí tách nơi mái lá trên đầu hai vợ chồngï. Nathaniel nghiêng đầu về phía Flavia, gần tới độ bà ngửi ra mùi cô-nhắc trong hơi thở ông. Thượng nghị sĩ nói, lưỡi mười phần líu hết chín:- Mình ơi! Em vẫn là một phụ nữ… xinh đẹp… nhất thế gian! Anh biết rằng không phải lúc nào anh cũng làm đúng vai trò một người chồng mà anh thật sự muốn làm với em... nhưng như vậy... không có nghĩa là anh không tán thưởng, không ngưỡng mộ nhan sắc tuyệt trần của em... Em có biết cho... như vậy... không...?Flavia nhắm nghiền mắt, cố giấu thật kín cảm giác ghê tởm khi Nathaniel áp chiếc miệng rộng mở lên đôi môi bà và bắt đầu sờ soạng hàng nút trên chiếc áo đi săn bốn túi bà đang mặc. Sau đó, ông luồn tay vô nịt ngực của Flavia, bắt đầu xoa nắn một bên ngực. Nhưng thay vì cảm ứng, bà nằm bất động và chờ, như bà vẫn thường làm. Từ từ, cử động của bàn tay Nathaniel lơi dần, nhịp thở của ông đều đặn. Cuối cùng, khi ông nằm yên, Flavia gỡ tay ông khỏi y phục xô lệch của mình, trườn ra khỏi bên dưới người ông. Lập tức, ông lăn ngửa người ra giường của bà, nằm xuôi chân xuôi tay, bắt đầu ngáy vang. Ngay lúc đó, mưa bắt đầu nặng hạt, rơi lộp độp rồi đổ ào ạt xuống mái lá bên trên làm chìm lĩm mọi âm thanh khác của đêm. Trong một hai giây, Flavia lưỡng lự. Rồi không nhìn quanh, bà giựt tung sợi dây buộc liếp cửa, bước ra ngoài lều. Mưa tuôn xối xả đầm đìa mặt đất khô. Chỉ trong mấy giây, tóc Flavia ướt đẫm, dán sát hai bên má. Chớp loé hình chữ chi trên đầu làm toàn khu trại săn sáng rỡ như ban ngày. Tiếp đó, qua màn đêm dày đặc, tiếng sấm rền tới, điếc tai. Trong ánh chớp chói lòa Flavia chạy băng mình qua bãi đất trống lênh láng nước, không dừng lại, cho tới khi đến trước cửa lều của Jacques Devraux.Bên trong, cây đèn bão treo cao giữa lều vẫn lung linh sáng. Vì Devraux không buông mùng, ánh mắt Flavia lập tức rơi trên thân thể màu vàng mảnh dẻ của vợ Ngô Văn Lộc đang căng ra bên dưới người hắn, dán sát mặt giường. Lúc bà bước vào, Devraux đang ngó về phía liếp cửa. Hắn chửng lại khi thấy Flavia. Bà im lặng chằm chặp nhìn đáp trả tia mắt hắn. Trong cùng một khoảnh khắc, bà vừa kinh hoảng vừa rúng động khắp người. Thấy Flavia không bỏ đi, Devraux nhịp tiếp, nhịp sâu hơn, ban đầu chậm, sau dồn hết sức mạnh, nhịp nhanh hơn. Không biết bao nhiêu lần hắn dồn xác thịt của hắn dập xuống thân thể người đàn bà An Nam. Trong khi cơ thể chuyển động càng lúc càng nhanh, Devraux kềm ánh mắt hắn gắn chặt vào mặt Flavia Sherman, thách thức.Đứng chôn chân tại chỗ, Flavia nhìn lại Devraux như thể bị thôi miên. Bà chăm bẳm ngó da mặt hắn đang căng ra chầm chậm trên xương gò má. Dần dần, ngang chỗ mấy sớ thịt thắt lưng trần truồng của hắn, nhịp dập xuống thúc bách hơn, loạn cuồng hơn. Khoảnh khắc cuối cùng của cơn co giật, nét mặt Devraux dãn ra, dàn rộng thành một chiếc mặt nạ dát mỏng. Giữ nguyên tư thế bất động trong một lúc, lưng hắn ưỡn lên, răng hắn cắn chặt, môi trề ra, miệng há hốc im lặng giữa phút quằn quại xuất thần. Rồi người đàn bà An Nam bắt đầu khóc nấc. Sau cùng, Devraux dịu lại, cất mình khỏi người chị. Vẫn thầm lặng khóc tủi thân, từ trên giường chị trườn mình xuống mặt đất nhớp nhúa. Lật đật quơ mấy mảnh váy và yếm bị xé tả tơi, chị vọt ngang người đàn bà Mỹ, chạy vào mưa.Vợ Lộc vừa bỏ chạy, Flavia Sherman đưa tay sờ soạng búp nịt của mình. Nhưng tay bà run lẩy bẩy không kềm lại nổi. Phải mất khá lâu bà mới cởi xong quần áo. Jacques Devraux ngắm nghía Flavia khi bà từ trong bộ y phục ướt đẫm bước ra. Dưới ánh đèn bão chập chờn, cơ thể trần truồng của Flavia lấp lánh nước mưa pha lẫn mồ hôi. Khi thấy tia nhìn thèm khát trong mắt hắn, bà khuỵu đầu gối quì xuống bên hắn.Với sự dịu dàng Flavia không ngờ, người Pháp vòng hai tay ôm người bà, đỡ bà lên bên hắn trên giường. Trong một thoáng, cùng ánh kỳ lạ loé lên trong đôi mắt đỏ ngầu, Devraux nâng đầu Flavia trong hai bàn tay mình, tìm khuôn mặt bà. Rồi hắn kéo bà sát vào mình, hôn thô bạo lên môi bà. Flavia bắt đầu rên lên khi hắn vuốt ve thân thể bà. Và khi hắn nhập vào bà, bà thét lớn như thể đau đớn cực độ. Cùng với tiếng gầm của cơn bão đang ập tới âm vang đầy tai mỗi người, cả hai buông xả thể xác cho sự ham muốn dữ dội sau nhiều năm cô độc, nay kích động mê loạn với những nhịp điệu điên cuồng trong cơn xuất thần mãnh liệt, hết đợt này tới đợt nọ.Đôi khi Flavia nức lên như đang quằn quại thống khổ và dù cơn bão nhấn chìm hầu hết tiếng rên rỉ của bà, Joseph vẫn nghe loáng thoáng tiếng mẹ kêu rấm rứt khi cậu đứng ngoài túp lều của Jacques Devraux trong trời mưa bão như trút nước. Không ngủ được Joseph chống liếp cửa ngược vào phía trong lều mình, đứng ngắm cảnh tượng bão và giật mình trông thấy mẹ lao người qua bãi đất trống ngập nước dưới ánh chớp chói lòa. Nghĩ rằng có thể mẹ cần mình giúp, cậu lật đật mặc quần áo, tất tưởi chạy theo mẹ. Nhưng khi tới bên ngoài túp lều của người Pháp, cậu dừng lại, hốt nhiên sợ hãi. Thoạt đầu, khi mới nghe tiếng Flavia thét lên, Joseph nghĩ hình như mẹ mình đang thống khổ. Và tưởng bà ngã bệnh, cậu dợm chân muốn rướn tới mấy bước nữa như có ai thúc sau lưng. Rồi cậu cảm thấy choáng váng mặt mày khi nghe ra, một cách khủng khiếp, dấu vết hoan lạc trong những tiếng kêu rên như nghẹt thở kia. Âm thanh ấy chớp nhoáng chiếu lại trên màn hình tâm trí Joseph cảnh sắc mịt mùng nơi nhà sàn sóc thượng chiều hôm qua. Paul với cổ họng nghèn nghẹt. Joseph hổn hển lăn lộn. Tiếng thở dài của người nữ bên cạnh như tiếng vũ trụ rùng mình. Trong vài phút, Joseph đứng yên bên ngoài lều, mình mẩy ướt sủng, lắng nghe những tiếng rên rỉ cuồng nhiệt đó với cảm giác càng lúc càng hiu quạnh. Rồi cậu tê dại quay người, bì bỏm lội qua khu trại lênh láng nước về lại lều mình.