Tôi vẫn ngồi tựa mình vào cành sung cổ thụ nghiêng tán ra sông là là sát mặt nước. Chiều đã xuống, nắng nhạt dần cuối chân trời xa. Gió nhẹ nhàng ru qua từng khe lá đưa hàng tre già xào xạc. Bầu trời trên cao xanh màu cẩm thạch, những cụm mây trắng bồng bềnh trôi mãi, tôi nhìn theo bâng khuâng thầm hỏi: Mây ơi, mây đi về đâu?Bên kia sông là thôn Vỹ Dạ. Màu xanh mát mắt của vườn cau sai quả, của ruộng bắp bạt ngàn ôm ấp những mái ngói đỏ đã thẫm màu trong bóng hoàng hôn.Có tiếng gọi:- Ti ơi, Ti.Tôi thòng chân xuống nước, từng đợt sóng gợn tròn lan tỏa ra xa, đám lục bình dập dờn chạm nhẹ vào chân lành lạnh:- Ti ơi, Ti!Tôi nhảy một bước lên tới bờ đất, mang vội đôi dép nhựa màu vàng, chị Quí đã ra tới:- Mi làm chi ở đây?Tôi phủi hai tay vào vạt áo:- Từ từ chớ, chị kêu chi mà giựt giọng rứa?Chị Quí kéo tay tôi:- Tao tìm mi mải chừ, qua nhà con Xuân, con Ngọc cũng không thấy mi mô. Con gái chi mà ham chơi, tới giờ cơm cũng không thèm về ăn, vô duyên.Tôi giật mạnh tay chị chạy ù vào nhà:- Chị có duyên ghê.Trong nhà đã lên đèn. Trên chiếc bàn vuông trải tấm khăn hoa, mâm cơm đã dọn sẵn. Chưa có ai ngồi vào bàn, may quá, tôi đi xuống bếp, me đang rửa tay bên ảng nước, thấy tôi me la:- Đi mô không chịu về lo cơm nước..... Chị Quí sắp sẵn một khay cơm nhỏ, chiếc chén kiểu men hồng và một đôi đũa son chạm long phụng, chị bảo tôi:- Đem cơm lên cho ông nội.Tôi lên lầu, bước đến phòng gõ nhẹ hai tiếng rồi đẩy cửa vào. Ông nội đang ngồi đọc sách bên án thư, bóng đèn ẩn dưới cái chụp lụa hồng phả sắc hồng hào lên gương mặt quắc thước của ông, vầng trán cao và chòm râu bạc lấp lánh. Ông ngẩng lên, tay gỡ kiếng đặt xuống bàn.- Ti đó à?Tôi rụt rè bước tới chiếc bàn con cạnh cửa sổ, đặt chiếc khay lên:- Dạ mời ông nội thời cơm.Ông gấp sách lại, hiền từ nhìn tôi:- Lại đây, ông vừa đọc một đoạn sách hay lắm, để ông kể cho mà nghe.Tôi đến bên ông nội. Ông không mở sách ra nữa, nhưng lại bắt đầu nói, vẫn điệp khúc muôn thuở của ông, đó là lòng hoài vọng quá khứ, tưởng nhớ đến một thời vàng son đã mất, một dĩ vãng huy hoàng xa tít mù xa. Giọng ông sang sảng, trầm hùng, từ chuyện nầy bắt sang chuyện khác, ông dẫn tôi đi du lịch qua các triều đại xa xưa, vua Lê chúa Trịnh, nhà Trần nhà Nguyễn rồi đến cả nhà Đường bên Tàu... Khay cơm để trên bàn đã nguội tanh.Tiếng ba gọi dưới nhà đưa tôi về thực tế:- Ti ơi, xuống ăn cơm.Ông nội như tỉnh cơn mơ:- Thôi con xuống đi.Cả nhà đã ngồi đầy đủ quanh bàn ăn, ba me, chị Quí và cu Nô. Ba kéo ghế bên cạnh, nhìn tôi cười thông cảm:- Ông nội lại kể chuyện phải không?Chị Quí vừa so đũa vừa nói:- Ông nội thì lui tới cũng chừng đó chuyện.Me trừng mắt nhìn chị:- Con chỉ được cái nói bậy, ông nội già rồi, những người già thường sống bằng quá khứ...Cụ Nô la lên:- Chị Ti xới cơm mau lên, em đói quá rồi. Tôi ngả mình vào chạc cây, nhìn những quả sung xanh đong đưa. Trời chưa tắt nắng nhưng dưới bóng râm của tàng cây, hơi nước tỏa lên mát rượi, đám lục bình nở hoa tím ngắt theo sóng nổi trôi. Gió lay nhẹ ngàn bông lau trắng xóa, bến sông như hừng lên bởi bầy chuồn chuồn ớt xôn xao bay lượng trên những cụm bông dừa màu hồng tía mọc hoang bên bờ sông. Một chú chuồn chuồn nhỏ chợt lạc bầy bay đến bên tôi, đôi cánh mỏng bé xinh nâng chiếc mình đỏ thắm, chao nhẹ trong không khí ngân vang lời vi vu êm tai. Sóng vỗ về bờ đá, tiếng chim hót trên nhánh sung, tiếng lao xao cành lá... Khúc nhạc chiều êm ả đó đưa tôi về tìm lại thời ấu thơ. Tuổi bé dại của tôi đã hòa lẫn trong không gian nầy, đối với tôi, từng ngọn cỏ, từng nụ hoa, trên những cánh bèo trôi dạt, những ngọn sóng lăn tăn... hình như có linh hồn, có một trái tim đập cùng nhịp với tôi... và nhiều khi, tôi còn cảm thấy chung quanh chập chờn những đôi mắt đầy ưu ái nhìn tôi như thầm hỏi: "Cô bé Ti lớn đến thế nầy rồi sao?".Một ngọn lá vàng khô rơi lên tóc tôi, chiều xuống lạnh, tôi ngồi thẳng người dậy, tay bám lấy sợi rễ phụ cứng nhắc, lần bước lên vệ cỏ tìm đôi dép. Chiếc rổ nylon màu xanh lăn lóc cạnh đấy làm tôi chợt nhớ ra, hú hồn, mẹ dặn chiều nay hái ít rau mưng về ăn với ruốc, suýt quên, hèn chi chị Quí hay la tôi: "Con gái chi mà hay quên trước quên sau như đồ ăn cháo lú". Tôi cầm chiếc rổ đi về phía cuối vườn, bụi rau mưng bên hàng rào xanh tươi lạ, những đọt non mượt mà búp lá nhung tơ lung linh trong nắng nhạt. Bất giác tôi nhìn lên cao, lơ lửng từng đám bông gòn trôi nổi lang thang, mây ơi mây đi về đâu?Tôi vào nhà, chị Quí đang ngồi bên máy may, nhìn lên:- Mi đi mô về rứa, khi hồi có thằng Hưng tới hỏi.- Em ở ngoài bến hái rau, răng chị không kêu em?- Ai biết, tau tưởng mi đi chơi.Có tiếng Cu Nô reo vui ngoài cổng:- A mệ lên, mệ lên.Bà ngoại bước vào nhà, hai tay xách hai giỏ nặng, tôi và chị Quí chạy lại đỡ lấy. Chị Quí kêu lên:- Mệ già rồi mà na nặng làm chi không biết.Bà ngoại cười, chiếc miệng móm chỉ còn vài cái răng:- Ai nói mệ già? Mệ già mà đi Nam đi Bắc đi mô cũng tới à?Tôi kéo chiếc ghế xích đu:- Mệ nằm nghỉ một chút cho khỏe.Bà ngoại khoát tay, đôi mắt hiền từ:- Dẹp đi, chật nhà, mệ không nằm mô.Cu Nô đến bên hai chiếc giỏ, tay sờ vào lớp lá bọc ngoài:- Mệ ơi, có chi trong ni mệ, mở ra coi nghe.Chị Quí cốc vào đầu nó:- Mi chỉ được cái tài ăn là giỏi.Bà ngoại ngồi xuống đi văng, lấy chiếc khăn ướt trong giỏ ra lau mặt:- Trái cây với nếp đầu mùa, con Ti sắp một ít trái lên bàn thờ, còn nếp mai nấu xôi cúng rằm.Me đi bán đã về, thấy bà ngoại, me kêu:- Mạ!Rồi me quay sang chúng tôi:- Răng không ai pha nước cho mệ uống hết hè.Bà ngoại đỡ lời:- Mạ mới lên tới thôi. Nước non chi, mạ uống ngoài bến xe rồi.Me lại nói:- Cu Nô đi mua cho mệ tô phở.Bà ngoại lắc đầu:- Chạng vạng rồi mà phở phúng chi, để bụng ăn cơm.Chị Quí đến bên bà ngoại:- Mệ ra sau rửa ráy cho mát rồi con dọn cơm.- Ba bây mô rồi?- Ba con đi Đà Nẵng, chắc mốt mới về.Me đỡ bà ngoại ngồi vào bàn ăn, cu Nô gắp một miếng mực xào bỏ vào chén mệ, mệ cười hiền lành:- Cứng lắm, mệ ăn không được mô, chan canh cho mệ thôi.Me bảo tôi:- Ti đem cơm lên cho ông nội đi con.