25
Ông Diệm lựa mua đồ sứ cổ

Ngày 15-1-1963 (ngày thứ ba 15 tháng giêng dương lịch, là ngày 20 tháng chạp Nhâm Dần). Vào lúc tám giờ sáng, tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng Viện bảo tàng thì có chuông điện thoại reo. Nơi đầu dây, ông Giá, chủ sự phòng vật liệu phủ Tống thống gọi tôi và mời lên trên đó để giảo nghiệm một mớ đồ sứ cổ.
Khi tôi giáp mặt thì ông nói Tổng thống muốn biết ý kiến của tôi về những cổ vật do Tổng thống đã lựa nơi phòng triển lãm báo chí đô thành và do hai nhà buôn Chánh và Trọng trưng bày từ 16-12-1962 đến 12-1-1963 và hiện đã đem về để tạm nơi tầng dưới trong phủ. Ông Giá liền đó đưa tôi vào phòng xem, khi về sở là hết trọn buổi sáng.
Qua buổi chiều, đồng hồ chỉ mười lăm giờ thì có tiếng điện thoại gọi nữa. Chuyến nầy, tôi lên phủ tổng thống là lần thứ hai trong một ngày, gặp lại ông Giá, ông đưa tôi giới thiệu với chánh văn phòng là ông Võ Văn Hải. Tôi được hai người dắt tôi lên phòng tiếp khách rằng hãy chờ khi nào Tổng thống rảnh việc, sẽ cho vào yết kiến. Phòng nầy rất rộng, nguyên là phòng họp của hội đồng tư vấn (conseil privé) của trào Pháp cũ, và với tôi không lạ vì trước kia tôi từng làm việc nơi toà lâu đài nầy, thuở ông Rivoal làm thống đốc Nam Kỳ. Tôi ngồi chưa nóng ghế: thì thấy một người sĩ quan bưng ra để trước mặt tôi một mâm gỗ, trên mâm có bày một hộp thuốc lá 555 vừa khui (vừa mở), chưa dùng điếu nào, kế bên có để sẵn một hộp diêm quẹt cũng mới, thêm có một tách trà thơm khói bốc ngát và một tách cà phê sữa xem ngon mắt lắm.Vị sĩ quan ấy cúi đầu mời tôi “Xin cứ tự tiện” rồi lui ra bỏ tôi lại bơ vơ với bao nhiêu món cám dỗ ấy. Tôi làm cao không động rớ món nào, ngực thì nhảy thình thịch, mắt vẫn liếc, nhìn từ cái bàn cái ghế sang trọng đến màu sơn trên vách, quả không thấy thay đổi nhiều sau cuộc đảo chánh vừa rồi năm 1945. Quả thật không có chi nặng lòng bằng sự chờ đợi. Tôi khó chịu vì ngồi đã lâu mà không ai nói đến mình, trong khi ấy tôi cố nhìn những vật trước mắt đã biến thành cố tri, từ cây đinh cũ nơi chưn bàn, và thấy tiếc tiếc cho tách cà phê, cho tách trà, ở nhà mình không có để uống, mà ở đây đành để cho nguội không người dùng, thiệt là phí phạm. Đôi giày vẹc-ni đen mới; tôi lấy ra “khai trương” bữa nay nhơn dịp ra mắt ông Tổng thống đã bắt đầu làm tê tê mấy đầu ngón chân, nay khởi sự ngứa rần rần mà ở đây là chốn tôn nghiêm làm sao dám cởi giày ra để gãi cho sướng! Chờ mãi đến mười tám giờ, ngồi nhớ tiếc cái cảnh làm việc ở Viện bảo tàng, tuy ăn lương ít, nhưng cũng “làm vua một cõi” và cũng vì ham chút bã vinh hoa ấy mà nay bị hành phạt như vầy.
Bỗng ông Giá mở cửa phòng bước vô nói năm điều bảy chuyện, cho hay Tổng thống quá bận khách có lẽ không liếp được, thôi thì hãy về nhà và dặn kỹ đêm nay đừng đĩ đâu hãy túc trực sẵn, phòng hờ Tổng thống rảnh sẽ cho xe đến rước! Nghe mà chết được trong lòng, không lẽ kêu mình ban đêm để ngủ chung? Huống hồ gì, đêm nay lại được lần thứ nhứt, vợ mua vé tặng xem cải lương gánh Năm Châu, diễn tại rạp Thống Nhứt tuồng “Tây Thi gái nước Việt” mà mình ao ước muốn xem diễn lại. Thôi thì trối kệ, cứ đi xem hát cái đã, rủi mất chức thì cũng đành, chớ không lý bỏ vé vợ mua sẵn để bận đồ lớn ngồi nhà chờ xe Tổng thống. Tuy vậy, ngồi xem diễn tuồng mà lòng đã thất hứng, lát lát liếc ngó chừng phía cửa rạp, chỉ sơ có lịnh đòi.
Nhớ buổi chiều tài xế trên phủ lái xe đưa về, nay thấy ai bước vào bận áo bâu cứng cao cổ cũng tưởng đó là bác tài xế Hiệp. Vãn hát về không ngủ được vì vẫn hồi hộp.
Ngày 16-1-1963 - Buổi sáng đi làm, vô sự. Buổi chiều vững bụng, nên ăn quen vẫn mặc bộ đồ “xườn xám” cho gọn. Dè đâu vừa vô sở, thì điện thoại gọi.., lật đật đạp xe về nhà (lúc ấy nhà ở Vườn Dâu bộ Canh nông, đường Hồng Thập Tự) hối hả thay bộ đồ lớn, trở lại Viện bảo tàng thì vừa kịp có xe lại rước đưa lên phủ.
Phen nầy, trong lúc ngồi chờ, ông Giá đưa một xấp giấy trắng và mời viết vào đó những ý kiến của mình đối với từng món cổ vật bày trong phòng mật viện cũ. Viết thẳng thét trong hai tiếng đồng hồ, được bảy trang chữ bút atomic xanh. Thấy thấm mệt, nên tự thưởng một tách cà phê sữa ngon lành và nốc luôn một tách nước trà. Không làm kiêu nữa, và dại gì của sẵn không dùng? Đúng mười tám giờ, có xe đưa về, không quên dặn đừng ra cửa, e có lịnh đòi, nhưng trọn đêm vô sự, ngủ bằng an.
Ngày 17-1-1963 Nghe theo lời ông Giá dặn hôm qua, nên sáng nầy vận đại phục vô sở, ngồi chờ tới trưa không việc gì. Buổi chiều có giờ dạy nơi Đại Học văn khoa, vừa dạy từ mười bốn giờ rưỡi, đang ngon trớn, kế có lịnh đòi. Lật đật từ giã sinh viên xách cặp bước mau qua phủ, cũng may ở gần cùng một khu. Chưa đi bươn bả theo ngõ tắt, lính kêu mặc lính, vừa đến kịp gặp ông Giá, ông đưa qua phủ, đến ngay phủ nơi phòng có trưng bày cổ vật, chưa kịp mở cửa vào phòng thì có điện thoại gọi giựt dội từ trên lầu ra chỉ thị xuống, dạy ông Giá phải đưa tôi thẳng lên từng thượng, để yết kiến ông Tổng thống, vì ông vừa rảnh tay và hiện chờ tôi tại văn phòng của người. Xin nhắc lại dinh Gia Long, nay Tổng thống lấy đó làm phủ từ ngày ở “điện Toàn quyền cũ” về đây, nguyên là dinh cũ Phó Soái Nam Kỳ và từ năm 1935 đến 1942, tôi từng làm việc ở đây, nên vốn không xa lạ đối với tôi. Chân tôi bước theo bén gót ông Giá, mỗi lần gót giày nện mạnh lên thang gỗ lòng thấy nao nao nhớ lại buổi thanh xuân còn ghi dấu đâu đây. Lên đến từng lầu trên, thì phong cảnh dấu vết cũ không thay đổi chi nhiều, nền gạch bông vẫn bóng láng như xưa, duy trên vách gạch, tấm tranh sơn dầu “cảnh vẽ cột cờ thủ ngữ và cầu tàu tán dóc” (Pháp gọi “poinle des blagueurs”) vì có tánh cách thực dân, nên đã bôi mất dấu, cũng như cảnh vẽ “vườn cao su” nơi sau chỗ ngồi của hai ông Rivoal và Weber độ nàohao bất tuyệt rán diễn sát nghĩa và giữ đúng tinh thần của người thợ cổ để lại trong phiến đá câm. Sự thật lúc ấy tôi cố đem sở trường học hỏi bấy lâu cố thuyết phục vị tân khách Tàu và ông Tổng thống công giáo nầy rằng đạo giáo miền Nam từ nhiều đời vẫn có truyền thống riêng và vẫn có chứa ẩn nhiều diệu thuật mà những người theo đạo nước khác chưa khám phá được tường tận. Vừa nói tôi vừa nhìn kỹ nét mặt Tổng thống. Tuy lúc ấy ông đang giữa thời kỳ cực thịnh, nhưng mặc dầu tôi không phải nhà tướng gia, nhưng đầu mày cuối mắt, tôi quá thấy dường như có một cái gì đen tối sắp phát hiện. Một, hay là ông đau gan đau thận? Hai, hay là thời vàng son đã xuống dốc lần lần đây? Tôi tự cười thầm không phải thầy coi tướng tại sao vơ vẩn tìm hiểu chuyện đâu đâu. Nhưng tánh tọc mạch khiến tôi nhìn kỹ quả dưới mắt Tổng thống có một nốt ruồi “yểm luỵ” quả trong đời ông luôn luôn có sự lo buồn, nhưng hà cớ mỗi lần chào cờ trong rạp chớp bóng, bác phó nhòm nào đã quá nịnh, nên đã tẩy mất vết ruồi xúi quảy báo điềm nầy.
Tổng thống vui vẻ bước qua phòng Đế Thiên Đế Thích, nhưng đến đây ông khách thân mật lấy tay chỉ một pho tượng Phật bằng gỗ cao trên ba thước dựng sát vách và lấy mắt hỏi Tổng thống.
Ông Tổng thống lấy cây gậy nhịp nhịp dưới sàn gạch hoa, tôi biết ý bước lại gần, ông hất hàm hỏi:
- Phật nầy bằng gỗ gì, làm đời nào?
- Thưa Tổng thống, vị Phật nầy, trước năm đảo chánh 1945 nhà học giả Malleret đem về từ ruộng sâu làng Phong Mỹ ở Đồng Tháp Mười. Phật làm bằng gỗ mù u và có lẽ đã có từ đời Tiền Đế Thiên Tiền Đế Thích, tức đã lâu đời lắm. Gỗ mù u, danh từ chuyên môn La tinh gọi gỗ “Calophyllum inophyllum”.
- Gỗ chi? - Tổng thống cắt ngang lời tôi nói, vì có lẽ ông không biết nên dịch ra làm sao danh từ lạ tai “Calophyllum inophyllum” nầy.
- Dạ thưa, gỗ mù u. - Và để ông dễ hiểu, tôi lật đật nói trớ lại - Thứ gỗ nầy, ở miền Nam mọc nhiều, quả nó tròn làm gáo múc dầu, mủ nó xức ghẻ mau lành lắm.
- Đây là Phật bằng gỗ, - Tổng thống nương lời tôi nói mà dịch lại - Phật bằng gỗ tìm gặp ở Đồng Tháp Mười, xưa gần ngàn năm làm bằng gỗ mù u, thứ gỗ nầy mủ nó dùng trị ghẻ chốc. (Voici un bouddha en bois, trouvé au Tháp Mười, de près de mille ans d'âge, fait dans un bois qui s'appelle “mù-u”, et dont la résine sert à guérir la gale, là?)
Tổng thống dịch và đưa mắt liếc tôi, tựa hồ nói: “Ta dịch sao, mi không cần biết”.
Thú thật tôi đâu dám bất kính tìm hiểu Tổng thống dịch sát nghĩa hay dịch không sát nghĩa. Tôi cần ông đừng la lối rầy rà tôi là quý, và tôi nói thầm trong bụng: “Ai nói sao, theo mình “ông già nầy” quả là người khá xài được, có thiện chí, nói phải biết nghe, hiềm vì lũ nịnh sàm ngôn quá nhiều nên hư việc”.
Tổng thống và vị tân khách bước qua phòng mỹ thuật Trung Hoa, đến đây tôi mừng được thoát nạn như kẻ tắm sông sắp lội vào bờ, vì đối với một ông Tàu và một ông cựu quan Thượng triều đình Huế, trước mỹ thuật Trung Hoa, tôi nào dám “Ban môn lộng phủ”. Qua tới phòng mỹ thuật Việt Nam, hai ông dừng lại trước một tủ kính, trong có chưng một bức bình phong Pháp lam (cloisonné) xinh xinh, đế làm bằng gỗ trắc quý trổ ra hình chữ “Vương” có vân mây bao trùm, xem khéo lắm.
- Cái ni là cái chi? - Tổng thống hỏi.
- Dạ thưa, đây là bức bình phong Pháp lam của vua Minh Mạng, có bài thi ngự chế.
Ông chống gậy cúi xuống xem, hai người cùng đọc bài thi chữ Hán. Bỗng ông Tổng thống dõng dạc nói:
- Mấy người biết chứ! Các vị tiên vương nước Đại Nam đều là thi sĩ. Đây là một bài ngự chế của ngài Minh Mạng đó. (Vous savez que les anciens Empereurs du Đại Nam étaient tous des poètes. Voici une poésie écrite de la min de lempereur Minh Mạng.Voi là).
Cắt nghĩa xong, Tổng thống đưa khách qua phòng mỹ thuật Ốc Eo, không ngó vật nào, và ông bước đi thoăn thoắt, không cần biết đến ai, tay xách gậy ngoe nguẩy bước ra Đại môn, bọn tuỳ tùng ráp lại tiền hô hậu ủng và tôi thoát nạn. Vị tân khách Tàu nán lại day qua tôi, nói một tràng tiếng Quan thoại, trong xâu dài dọc tôi chỉ hiểu được hai tiếng “tố chè” (đa tạ). Ông tướng quân to lớn xiết tay từ giã, niềm nở như bạn quen từ thuở nào.
Tôi tiễn ra cửa, đứng nhìn, khỏe trong lòng như có uống sâm nhung. Phái đoàn lên xe đi mất dạng, tôi còn tần ngần đứng đó suy nghĩ viễn vông. Nhớ lại lúc chín giờ ban mai, có lão Ngô Quang Huy lại kéo đi ăn hủ tíu cá khu Canh Nông, nếu ăn rồi ăn quen như mọi ngày, cút về nhà luôn, không trở vô sớ để tiếp Tổng thống thì ắt là mất chức. Thiệt là phước ông phước cha để lại? Ủa? Mà sao ông Tổng thống ra về, không bắt tay mà cũng không một liếc mắt chào? Á! Mà thôi! Hơi nào phiền trách. Tội nghiệp bây giờ ông đã chết, nhớ ông, vừa có người hù, ông đã bỏ ngôi chạy mất. Chớ chi lão kia sớm biết thân như ông, thì đỡ khổ cho dân biết mấy?
Trở vô lấy xe đạp, đạp về nhà, kim đồng hồ chỉ đúng mười hai giờ rưỡi.
Vừa đạp xe, vừa suy nghĩ: “Cũng chưa phải là thần thánh gì. Vậy mà có đứa vào chầu, khi trở ra, đi thụt lùi làm chi đến bể chậu quý? Lại có thằng nào đó, nịnh thôi là nịnh, bỏ cả cha mẹ ông bà, để xin rửa tội nhập đạo Thiên chúa, rốt cuộc rồi cũng bị cho ra rìa. Còn mình, biết chừng nào được thảnh thơi, khỏi kiếp làm công chức tạm, khỏi chào cờ, khỏi chầu hầu phiền phức? Lại khỏi mỗi thứ hai hát bài “suy tôn”. Ông không nắm tay tôi, mà ông tự làm thông ngôn cho tôi. Còn khoái gì bằng, rán nhớ để viết bài trước khi đậy nắp quan”.
Cuối tháng chạp, y như lệ, xin điện thoại lên phủ Tổng thống, muốn biết quý danh hai vị tân khách viếng Viện bảo tàng để làm tờ phúc trình hằng tháng, trên phủ trả lời “khỏi hài tên làm gì”.