Hồi năm 1918, nhà văn Phạm Quỳnh có vào thăm Nam Kỳ. Ông viết bài “Một tháng ở Nam Kỳ” đăng liên tục nhiều kỳ trên báo Nam Phong. Tuy có thái độ tự tôn, nhưng nhà văn Phạm Quỳnh cũng ngạc nhiên thấy mức sống của các ông Cai tổng, điền chủ, Hội đồng trong Nam quá cao, quá sung túc hơn những ông Tổng đốc, Tuần phủ, án sát ngoài Bắc. Các điền chủ lớn trong Nam là những ông vua nho nhỏ tại địa phương. Điền chủ có vài ngàn mẫu ruộng như một ấp riêng, có chợ riêng, hàng chục ngôi nhà nền đúc, có máy điện, máy lạnh, xe du lịch, ca-nô và tôi tớ hàng chục người phục dịch trong gia đình. Trong khi đó, nông dân, tá điền, những người góp phần làm cho họ giàu có chỉ có mỗi căn chòi lá ọp ẹp và chiếc xuồng ba lá... Chúng tôi không có thành kiến như cộng sản “Hễ nhà giàu thì bóc lột, là ác ôn, là trọc phú bất nhơn.” Giới nào cũng có người tốt kẻ xấu. Nhiều điền chủ có vài ba trăm công ruộng, đối đãi thân mật với tá điền như anh em, chỉ những người quá giàu thỉnh thoảng mới có người khắc khe.Thói thường “phú quý thì bất nhơn, còn bần cùng sanh đạo tặc gian trá.” Tá điền, nông dân làm mướn đáng thương mà các điền chủ cũng có khi không đáng trách. Lỗi ấy tại chế độ thực dân dung dưỡng. Thực dân muốn cho một số ít người thật giàu để họ trung thành và áp bức kẻ nghèo thay họ, giúp họ một cánh tay đắc lực trong việc nội trị. Bấy giờ, dưới chế độ cộng sản, người nông dân Việt nam còn nghèo khổ hơn vì nhà nước độc quyền mua sản phẩm, độc quyền bán phân bón, thuốc trừ sâu còn lại thu thuế rất cao. Nếu giàu quá ắt không khỏi mang tiếng bóc lột, mà con cháu sẵn của, ăn không ngồi rồi, sinh lắm thói hư tật xấu, cũng là một khía cạnh khác của xã hội đương thời.Các đại điền chủ ở Nam Kỳ hồi trước đều có hàng chục lẫm lúa. Mỗi lẫm là một dãy nhà liên kế, rộng 4, 5m, bề dài từ vài chục đến hàng trăm mét. Nhiều gia đình giàu quá, không biết xài cách nào cho hết tiền, nên con cái phung phí cũng là chuyện dĩ nhiên. Hễ cha kiếm tiền dễ thì con phải xài phá. Đó là định luật. Ít khi, nhưng vẫn có những người giàu biết nhân nghĩa, làm việc thiện. Hội đồng Đoàn Hữu Nhơn ở Bến Tre tặng nguyên một ghe chài lúa cho làng để cất trường học. Bà Huyện Xây ở Vũng Liêm, cứ mỗi ngày rằm lớn thường làm chay, phát chẩn, dựng rạp trước nhà để đãi người nghèo, hành khất... Không phải hễ phú quý thì tàn ác mà nghèo khổ là đạo đức, đáng thương hại tất cả.Trung thành với chủ trương từ trước tới nay, chúng tôi không phê phán công việc làm ăn của họ mà chỉ liệt kê, tìm hiểu. Một nguồn gốc của sự giàu sang phú quý khác, được cắt nghĩa bằng thuyết phong thuỷ. Tuy mơ hồ, nhưng hồi trước ai cũng tin vào thuyết này. Con người sống nhờ đất. Đất tạo ra của cải nuôi sống loài người. Con người không thể tồn tại nếu thiếu đất. Lịch sử Đông Tây kim cổ chứng minh rằng vấn đề ruộng đất là nguồn gốc mọi sự bất hoà trong mỗi gia đình, sự xích mích giữa dòng họ, sự tranh chấp trong làng xóm, láng giềng và là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh. Nói cho cùng, nguyên nhân gây ra hai cuộc thế chiến hồi đầu thế kỷ 20 này cũng chỉ là cuộc tranh chấp đất đai mà ra. Đất nào sinh ra người nấy. Thuyết phong thuỷ giải thích tại sao có “địa linh sinh nhân kiệt,? Theo quan niệm cổ, ông bà ta cho rằng cuộc đất linh thiêng do núi sông ùn đúc, đã sản sinh những anh hùng, hào kiệt. Đó là thế đất kết tụ khí thiêng sông núi, đồng bằng như một sự kết hợp hài hoà, mà những người am hiểu địa lý không thể biết được?Ngày nay, khoa học chưa tìm ra mối lương quan ấy. Tuy vậy các nhà doanh nghiệp, nhứt là ở Á Châu, mỗi khi tìm co sở thiết lập hãng xưởng, noi mở văn phòng, luôn luôn nhờ thầy địa lý tìm thế đất vượng phát. Cũng có khi gặp thế đất xấu, nhưng do nhu cầu làm ăn, họ phải “cải tạo bằng cách trấn yểm. Quan niệm về địa lý phong thuỷ còn giải nghĩa tại sao có những người hồi hàn vi lao đao khổ sở, không có cục đất chọi chim, mà chỉ trong một thời gian ngắn trở nên giàu có, trở thành những thế gia vọng tộc, dòng họ nhiều đòi hưởng phú quý. Trái lại, có những người đang giàu có, hưởng phú quý vinh hoa, làm ăn phát dạt, phút chốc sụp đổ, trở thành trắng tay.Viết được loạt bài này tôi mắc nợ ơn nghĩa nhiều người. Trong số đó có nhà văn và bạn đồng hương cũ Hồ Trường An, giúp chúng tôi rất nhiều tài liệu để bài viết được sống động, phong phú. Tôi xin chân thành cám ơn nhà văn Hồ Trường An.Chúng tôi xin bắt đầu từ tỉnh Gò Công.Trong bộ Nam Kỳ lục tỉnh, chúng tôi có nhắc đến Gò Công là nơi phát tích các dòng họ quý tộc. Bài này chỉ kể đến các nhà giàu xưa. So với các tỉnh nằm trong lưu vực giữa hai sông Tiền và Hậu Giang, Gò Công là tỉnh nhỏ, đất hẹp, nhiều phèn và nước mặn, mỗi năm chỉ làm ruộng có một mùa. Tuy nhiên theo nhiều ông già bà cả kể lại đó là một cuộc đất quý, một thế đất “Long đầu phượng y” (đầu rồng, đuôi phượng). Ở đây người ta thường truyền tụng hai câu ca dao:Đầu rộng đuôi phụng le the,Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.Đối với người bình dân, đó là hai câu “thai đố” (xuất quả) tức buồng cau. Thực vậy, ít có nơi nào trên đất nước có nhiều địa danh “long phụng” như vùng Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre. Nào là Côn Rồng (cù lao Rồng) trước chợ cũ Mỹ Tho, Côn Phụng (nơi hành hương của ông Đạo Dừa). Theo thuyết phong thuỷ đã cắt nghĩa vị trí địa lý đắc lợi của tỉnh Gò Công như sau:“Đất Gò Công sở dĩ sản sinh nhiều bậc công hầu khanh tướng (Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, bà Từ Dụ Thái hậu, bà Đinh Thị Hạnh, thứ phi của vua Thiệu Trị...) thì phía Nam Gò Công là nơi tiếp giáp với Mỹ Tho, Bến Tre có Vàm Rồng ở làng Vĩnh Hựu, rạch Long Uông ở xã Tăng Hoà, rạch Long Trọng trên có cầu Ngang. Rạch này làm ranh giới giữa hai làng Thạnh Nhựt (Gò Công) và Hoà Bình (Chợ Gạo). Hồi trước có nạn xét giấy thuế thân, ông bà kề lại, hễ khi hương chức làng xét, dân nghèo trốn qua làng Hoà Bình, còn phía Mỹ Tho xét thì đàn ông trốn qua làng Thạnh Nhựt như trò chơi cút bắt. Chỗ rạch Long Tượng, nối từ Thạnh Nhựt ăn ra Tiền Giang, được gọi là “đầu Rồng”, theo kiểu “long đầu hí thuỷ.” Còn đuôi rồng nằm về phía Bắc. Vùng phía Bắc tỉnh lỵ Gò Công, có địa danh “vườn Phụng” do ông Thôn Cửu lập ra giữa thế kỷ 19, với Gò Lân ở làng Sơn Quy. Thế đất đó gồm đủ “Long Lân Quy Phụng” tức “tứ linh,” nên làng nào nằm trong cuộc đất “tứ linh”, sẽ vượng phát phú quý. Các làng Sơn Quy, Tân Niên Đông, Tân Niên Tây, Bình Thành... chính là nơi phát tích các thế gia vọng tộc của Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này. Đây là quê hương của các ông Phủ hàm Khiêm (Huỳnh Đình Khiêm), Phủ Bảy Lê Quang Liêm, Phủ Hải cùng nhiều nhà giàu lớn khác. Hôi mấy mươi năm trước, ở vùng Gò Công có lưu truyền mấy câu hát:Bóng lân đã hiện Gò Đông,Rùa về quy tụ bên sông Tây Đài.Phụng trương cánh Bắc lố mày,Rồng thiêng uốn khúc Nam Nhai ẩn mình.Dưới con mắt của các nhà địa lý phong thuỷ, chính đây là thế đất có các huyệt Châu Trước, Thanh Long, Bạch Hổ... ai có hài cất tổ phụ được an táng vào những nơi đó, con cháu sẽ trở nên giàu sang phú quý. Thế đất “Gò Sơn Quy” nằm ven một con sông nhỏ, nối rạch Hàng chảy qua chợ Gò Công, là nơi có nước ngọt, phù sa tân bồi, là noi lập vườn, làm ruộng đều tươi tốt. Đất linh sinh người tài tuấn. Phụ nữ ở đây nhiều người xuất sắc, quê của thân phụ Nam Phương Hoàng hậu, hay những người dân giã như cô Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh nữ sĩ), bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), chủ nhiệm tuần báo Phụ Nữ Tân Văn nổi tiếng ở Nam Kỳ (1928-1933), bà Phan Thị Bạch Vân, sáng lập “Nữ Lưu Thơ Quán” xuất bản nhiều sách kêu gọi lòng yêu nước, đến nỗi thực dân lo sợ, phải cấm và bắt bà đưa ra toà... Một thiếu nữ khác, học giỏi, yêu nước, thuộc hạng thượng lưu xã hội là bà bác sĩ Nguyễn Thị Sương. Bà Sương sinh năm 1910, được gia đình cho qua Pháp du học rất sớm lúc mới 17 tuổi. Tại đây, bà Sương học các trường Lyceé de Varsailles (Nice), rồi qua Aix En Provence, tốt nghiệp Tú tài Triết học. Sau đó bà lên đại học ban Lý Hoá và đỗ vào trường thuốc. Năm 1940, bà Nguyễn Thị Sương là người phụ nữ lục tỉnh đầu tiên đậu Y khoa bác sĩ. Bà là lãnh tụ Thanh nữ Tiền phong hoạt động mạnh ở Sài gòn năm 1945, nhưng sau bị Việt Minh giết vì uy tín của bà đối với quần chúng quá lớn. Chồng bà, bác sĩ Hồ Vĩnh Ký thuộc nhóm Trotskyist, cũng chịu chung số phận với bà. Thuộc hàng thế gia vọng lộc bậc nhứt tại Gò Công là gia đình họ Phạm Đăng. Xuất phát từ Quảng Ngãi, dòng họ Phạm Đăng theo đoàn người di dân trong đợt Lễ Thành Hâu Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ, đã đến Gò Công, cất nhà ở tại giồng Sơn Quy. Phải đợi hai thế hệ sau họ Phạm Đăng có người ra làm quan cho tân triều tới chức Thượng Thư, một trong tứ trụ của triều đình. Phạm Đăng Hưng có con gái là Phạm Thị Hàng, gả cho vua Thiệu Trị tức Từ Dụ, mẹ ruột vua Tự Đức. Gò Sơn Quy cũng là quê hương của cô Đinh Thị Hạnh, thứ phi của Thiệu Trị. Đinh Thị Hạnh sinh con trai trước bà Từ Dụ, đặt tên Hồng Bảo, tước An Phong Công, nhưng không được nối ngôi, mặc dầu là con trưởng. Việc này đã lạo ra cuộc đảo chính vua Tự Đức bất thành. Hồng Bảo bị bức tử trong ngục. Các con của Hồng Bảo phải đổi theo họ Đinh của mẹ (Đinh Đạo). Ông Nguyễn Hữu Hào và vợ là bà Lê Thị Bính (con gái ông Huyện sĩ Lê Phát Đạt) đã sinh ra Nguyễn Thị Hữu Lan tức Nam Phương Hoàng hậu sau này. Nhà giàu xưa thuộc hàng dân giả có nhiều người có tiếng tăm như ông Phủ Huỳnh Đình Khiêm ở làng Đồng Sơn, ông Hội đồng Nguyễn Văn Hạc, ông Phủ Hải... Theo nhà văn Hồ Trường An cho biết:“Người giàu nhứt tỉnh Gò Công là “Bà Tư Nói”, tên trong khai sinh là Lâm Tố Liên. thuở hàn vi, cô Tố Liên bán trầu cau tại chợ Gò Công hồi Tây mới qua. Cô Thiên không chồng con. Cô góp nhóp tiền mua một mẫu ruộng. Sau đó, lần hồi cô mua may bán đắt, lại có huê lợi của mẫu ruộng, nên cô sắm thêm ruộng. Công cuộc làm ăn càng lúc càng thạnh vượng, cô bỏ nghề bán trầu cau, mở tiệm bán tơ lụa nho nhỏ. Vào tuổi ngũ tuần, Lâm Tố Liên có lợi tức 400 mẫu ruộng tốt, giàu bực nhì ở Gò Công, ăn đứt ông Phủ Huỳnh Đình Khiêm (Phủ hàm) ở Đồng Sơn, ông Cai tổng kiêm Hội đồng Nguyễn Văn Hạc, ông Huyện Quái, ông Phủ Hải, ông Hội đồng Đinh Nhựt Chu...Khi lớn tuổi, cô Lâm Tố Liên được dân Gò Công kêu bang “Bà Tư Nói”. Tiệm của bà bán đủ thứ lãnh: lãnh Bưởi ngoài Bắc, lãnh Nam Vang, lãnh Tân Châu, lãnh Thượng Hải (lãnh trơn, lãnh bông). Ngoài ra, bà còn bán những hàng lụa sản xuất trong nước như lụa Hà Đông ở ngoài Bắc, lụa Duy Xuyên ở Quảng Nam, the La Cai, the và xuyến đất Diên Khánh, hàng Cẩm ở Châu Đốc, lụa Tân Châu, cùng các loại cẩm nhung, cẩm vân, cẩm tự, cẩm trước, cẩm cuốn, cẩm quệt, cẩm kim... (cẩm là loại hàng lụa, còn gọi là “gấm”).Cẩm nhung có nhiều loại màu, đem ra ánh sáng mặt trời thì thấy có vạch sáng rờn rợn. Cẩm vân, màu trắng, màu vàng, là hàng dệt nền khô bông mướt hình cụm mây. Cẩm tự màu đen nền ướt bông khô, dệt hình chữ thọ, Cẩm trước màu đen hay trắng, nền ướt bông khô, dệt hình lá trúc. Cẩm cuốn dệt bông hình quyển sách cuốn tròn, có buộc nơ. Cẩm quyệt dệt bông hình trái quýt có đeo hai chiếc lá. Cẩm kim dệt hình mũi kim nhỏ, thuộc loại nền khô bông ướt. Lại còn cẩm sen loại nền khô bông ướt, dệt hình bông sen. Nếu kêu cho đúng nghĩa phải gọi cẩm quýt là “cẩm quất”, cẩm kim là “cẩm châm”,”cẩm sen” là “cẩm liên”, cẩm cuốn là “cẩm thư” để tránh tiếng Hán ghép vào tiếng Nôm.Hàng cẩm tự chỉ để dành may quần. Còn các loại hàng cẩm vân, cẩm cúc, cẩm kim, cẩm sen... để dành may áo. Ngoài ra còn dùng để may áo lẫn quần là cẩm nhung, cẩm cuốn, cẩm trước, cẩm quýt. Cẩm vân còn có thứ màu tím. Cẩm nhung ngoài màu trắng màu đen, còn có màu tím, màu hường, màu mắm ruốc, màu khói nhang. Về sau, có thứ cẩm phụng mình khô dệt chim phụng đang bay, thường có màu đen hay màu trắng. Người hay chữ thời trước gọi cẩm là “gấm”. Ở Tây Ninh, chỗ gần ngã rẽ vào chợ Long Hoa, có một địa danh gọi là Cẩm Giang (Sông Gấm). Cắt nghĩa hiện tượng này có người lớn tuổi hiểu biết chuyện xưa nói rằng: “Cách nay non một thế kỷ, chỗ này là con rạch đầy rau mát (còn gọi là lục bình, hay bèo Nhựt Bản?) trổ bông màu tím như gấm nên mới đặt tên là Cẩm Giang. Tại tỉnh Tứ xuyên (chỗ hợp lưu 4 con sông, gần ngay tỉnh lỵ) bên Trung Quốc, cũng là quê hương của các loại cẩm lụa. Tương truyền lụa sản xuất tại Tứ Xuyên, đem giặt dưới sông này thì trở nên trong sáng, đẹp hơn, nên họ đặt. tên sông ấy là “Cẩm Giang”.Về sau, bà Tư Nói nhờ một ông thầu khoán ở chợ Gò Công gọi là ông Tư Bảy, cất cho bà một cái nhà ba căn hai chái, nền cẩn đá da quy (giống như vảy rùa), nền cao tới ngực, mái lợp ngói lưu ly. Để có thứ ngói này, ông thầu khoán Tư Bảy phải đặt mua Lái Thiêu. Ngói lưu ly là ngói móc (có người gọi là ngói vảy cá, vì có cái móc để cày vào sườn nhà khi lợp giống như lớp vảy cá, hoặc vảy rồng được tráng men bóng lộn. Ông Tư Bảy mua ngói lưu ly tráng men vàng và ngói lưu ly tráng men lục để lợp nhà bà Tư Nói. Ngói vàng, dưới ánh mặt trời, thì có màu men chậu xứ Giang Tây. Vào mùa gặt lúa vào giữa tháng Chạp tới giữa tháng Giêng, mỗi ngày hàng chục chiếc xe bò chớ lúa tới lẫm (vựa lúa) của bà Tư Nói để đong lúa cho bà. Tuy có nhà đẹp, nhưng bà Tư Nói thích ở căn tiệm bán lãnh lụp xụp của mình, còn ngôi nhà nguy nga tráng lệ của bà, dành cho gia đình bà Bảy em (em gái ruột của bà. Khi bà qua đời, bà Bảy em (chớ không phải Em) làm cái nhà mồ cho bà. Ngôi nhà mồ nguy nga đồ sộ không thua phủ thờ (nơi thờ bà Từ Dụ Thái hậu, cách chợ Gò Công 4 cây số). Khi bà Từ Dụ mất, được an táng tại Vạn Niên Cơ (Khiêm Lăng) ở ngoài Huế, nhưng con cháu của Phạm Đăng Hưng ở Gò Công thuộc hàng quốc thích, xúm lại lập đền thờ bà, gọi là “Phủ thờ.” Hồi trào Tây lẫn trào Bảo Đại, các con cháu của dòng họ Phạm Đăng khỏi đóng thuế thân lẫn thuế điền cho nhà nước.Người giàu thứ hai là ông Tri phủ Huỳnh Đình Khiêm ở làng Đồng Sơn. Đất Đồng Sơn thuộc vùng có mùa nước mặn lẫn mùa nước ngọt, nên có thể lập vườn. Lập vườn có huê lợi bán quanh năm, còn làm ruộng chỉ được một mùa lúa. Dân Gò Công ở vùng Tân Niên Đông, Tân Niên Tây, Kiểng Phước vì gần biển, nên có nước ngọt khi có mưa già, nên khó lập vườn. Họ chỉ làm ruộng được vào đầu mùa mưa. Ông Phủ Khiêm nhờ có ruộng lẫn vườn nên mau giàu. Ông là ông ngoại của luật sư Nguyễn Hữu Châu, nguyên Bộ trưởng dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Châu là rể của luật sư Trần Văn Chương, chồng trước của bà Trần Lệ Chi, là anh em cột chèo với ông Ngô Đình Nhu.Người thuộc hàng dân giã, giàu thứ nhì ở Gò Công là ông Hội đồng Nguyễn Văn Hạc (tên một loài chim). Ông có một người con gái đầu lòng, tên là cô Hai Én. Mấy người em trai của cô Hai Én, đều có tên thuộc loài chim ở miền đồng bang sông Cửu Long. Đó là cậu Ba Nhạn, cậu Tư Quắc, cậu Năm Sắt, cậu Sáu Sẻ, Bảy Trích và Tám Diệc. Cô Hai Én kết hôn với quan thầy thuốc, tức bác sĩ Nguyễn Như Ánh. Cô có mở một tiệm may thiệt lớn ngoài chợ Gò Công. Cậu Ba Nhạn mua chức hương hào, một chức nhỏ trong ban hương chức hội tề. Hồi tiền chiến, các dân cậu ở miệt vườn, tuy có tiền của, nhưng chẳng có chức phận chi, thường bỏ tiền ra mua chức hương hào hay hương thân. Nhờ hai chức đó mà mai sau, họ có thể leo tới chức hương trưởng, hương sư, hương cả.Vào năm 1945, gặp lúc phong trào Việt Minh nổi dậy, thầy hương hào bị ghép tội Việt gian, tội địa chủ bóc lột tá điền, nên Việt Minh xử bắn thầy. Năm Sắt ôm mối thù không đội trời chung với Việt Minh, nên tình nguyện điềm chỉ cho Tây những ổ kín của Việt Minh (khi Tây làm chủ được lục tỉnh), những cơ quan bí mật của Việt Minh trong lãnh thổ Gò Công để báo thù cho anh mình... Về sau, Năm Sắt lên Sài gòn, làm phóng viên nhiếp ảnh cho nhựt báo Thần Chung. Ông ta giỏi phong cầm, được quái kiệt Trần Văn Trạch mời trình diễn phong cầm (accordéon) trong các buổi phụ diễn tân nhạc cho hai rạp hát bóng Văn Cầm (Chợ Quán) và rạp Nam Việt (Chợ Cũ).Ông Đốc phủ Hải, ngoài ruộng đất ra, còn là người lập hãng nước đá đầu tiên ở Gò Công. Người con trai của ông là cậu Bé Sáu, được du học bên Tây, ăn học thành tài. Ông Huyện Quái có người con trai là ông huyện Hải. Về sau, ông Huyện Quái có nạp một người vợ goá của một anh tá điền để làm thiếp. Chị này đẻ một đứa con trai, đặt tên là Ba Huệ. Cậu Huệ được cha mẹ cưng, được anh trưởng chiều chuộng. Cậu đi học, có tài xế lái xe nhà đưa rước. Người thiếp của ông Huyện Quái có nhan sắc, được chồng sủng ái. Trong đám tôi tớ có đứa ghen tức, đặt điều là ông Huyện Hải thông dâm với dì ghẻ, cho nên Ba Huệ là con của ông Huyện Hải với người thiếp. Nói như vậy tức là bề ngoài Huyện Hải là anh Ba Huệ, nhưng thiệt ra là cha của Ba Huệ. Hư thực ra sao chỉ những kẻ trong cuộc mới biết. Ông Hội đồng Đinh Nhựt Chu có người con trai là hương quản Dương (Đinh Nhựt Dương) ở Tân Niên Tây. Ruộng đất của ông đều ở vùng nước mặn (ruộng biển). Nhưng lúa ở các ruộng biền (biển ở đây có nghĩa là bưng biền) như lúa tiêu, lúa nàng cơ, lúa nàng qướt... đều cao hơn lúa ở vùng khác, hột lại nặng hơn hột lúa thường. Thầy hương quản Dương giữ chức thấp trong 12 vị hương chức của ban hương chức hội tề, nhưng tía thày giữ chức hội đồng địa hạt, thầy quen biết các quan tai to mặt bự ở ngoài tỉnh. Vào thời thái bình thịnh trị, tuy giữ an ninh cho làng Tân Niên Tây, nhưng thầy vẫn ngồi xe máy đi đá gà, đi hột me. Thầy là người đầu tiên mua máy đèn, mua giàn hát máy Columbia, mua điã hát nhạc Tây... Sau đó, thầy cũng là người đầu tiên mua xe hơi, chiếc Renault Celt 4. Bởi thầy giàu, giao thiệp rộng, quen biết nhiều nên các ông hương chức hội tề từ hương cả xuống xã trưởng, không dám khinh lờn thầy. Còn các ông Phủ, ông Huyện, thầy Cai tổng, thầy Bang biện, không dám cậy oai hùng hiếp thầy.Thầy Thôn Thọ, trước làm thầy giáo. Vì thầy là nhà giàu, nên nghề gõ đầu trẻ chỉ là nghề để thầy giải muộn, chớ không phải việc mưu sanh chánh của thầy. Được ít năm, thầy nghỉ việc chỉ giữ việc công nho cho làng. Đó là chức “thôn”, công nho là tiếng xưa, có nghĩa là công quỹ hay ngân quỹ. Thầy Thôn Thọ có tiệm sửa xe đạp, bán đồ phụ tùng xe đạp. Ngoài ra, thầy còn bán đèn Ti to Landy của Tây đốt bằng xăng, sau đó bán đèn Ai da bằng dầu lửa, và đèn Pétromax của Đức hai loại này thuộc loại man chon. Về sau, thầy dẹp tiệm sửa xe, lập một cái đề bô (dépot) rượu, xéo xéo chợ Gò Công. Nhà giàu chót là ông Hội đồng Lợi nhờ làm ruộng và lập vườn mà giàu có, chớ không có nguồn lợi nào khác. Ngoài ra còn thầy Ba Vị, có nhà máy chà gạo ở Vĩnh Trị, cách chợ Gò Công 7 cây số, cách giồng ông Huê 3 cây số cũng là một nghiệp chủ đáng kể. Năm 1945, khi Việt Minh cướp chính quyền, thì ông Huyện Hải (con ông Huyện Quái), hương hào Nhạn, thầy Thôn Thọ, ông Hội đồng Lợi, thầy Ba Vị cùng hai đứa con trai mới 15, 16 tuổi của thầy đều bị xử bắn. Lúc đó trong đám Việt Minh ở chợ Gò Công, có chủ tịch Côn, là thợ hớt tóc ở tiệm Minh Hồng, làm chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, giữ chức trưởng ban Quốc gia tự vệ cuộc (Công an). Thầy giáo Philippe (thủ lãnh Thanh niên Tiền phong), Trần Thanh Liêm bí thơ uỷ ban Nhân dân và tên chủ tiệm tạp hoá Vạn Lợi (không giữ chức vụ gì). Khi Tây tới chiếm tỉnh Gò Công, có khuyên dân chúng ai lỡ theo Việt Minh trong thời kỳ Việt Minh cướp chính quyền, hãy ra đầu thú, sẽ được ân xá để làm ăn như xưa. Chỉ trừ chủ tịch Côn, tên thợ hớt tóc tiệm Minh Hồng, thầy giáo Philippe, tên Trần Thanh Liêm, tên chủ tiệm Vạn Lợi, là 4 tên tội phạm đầu sỏ, cần phải bắt giết để trừ hậu hoạn.Về sau thầy giáo Philippe, ban đêm băng qua con lộ Giây thép, bị lính partisan đi tuần tiểu bắn chết. Tên thợ hớt tóc tiệm Minh Hồng, ban đêm lẻn về thăm vợ ở làng Vĩnh Trị cũng bị lính ở đồn Vĩnh Trị phục kích bắn chết tại trận. Họ cột thây hắn treo lên cây ở lộ Giây Thép để cho thân nhân của những kẻ chết đến nhòm mặt. Còn chủ tịch Côn thoát chết trong một trận ruồng bố, cảm thấy ăn năn tội cũ, nên cùng tên chủ tiệm Vạn Lợi trốn lén núi Thiên Giải ở Bà Rịa để tu hành. Từ năm 1946 trở về sau, cả hai không bao giờ chường mặt ở lãnh thổ đất Gò Công nữa. Trải qua bao cuộc biển dâu, không ai còn nhắc tới họ nữa”.Ngoài ra, trong tỉnh Gò Công cũng còn nhiều nhà giàu xưa, kẻ ở phía Bắc tỉnh lỵ, người ở phía Nam như ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm, ông huyện Hiền, ông Hội đồng Nguyễn Minh Chiếu (có tên đường ở Phú Nhuận).Nhà giàu lớp trước nữa, thuộc thế kỷ 19, được người đời nhắc tới là ông Mai Tấn Huệ, một cự phú đã khai thác nhiều sở ruộng, lập vườn, xây đập để ngăn nước mặn tràn vào ruộng. Nghe đâu hồi trước ông làm quan võ dưới triều Nguyễn tới chức Chưởng cơ, nên dân chúng nhớ ơn gọi chỗ đó là “đập ông Chưởng”, nay vẫn còn. Gò Công còn là quê hương của một chàng công tử ăn chơi khét tiếng được dân chúng tôn là “dân cậu” hay “công tử” tiền phong của Nam Kỳ. Cuộc đời của công tử Hai Miếng, con lãnh binh Huỳnh Công Tấn, chúng tôi có viết lại trong bài Gò Công, nơi phát tích các dòng họ quý tộc. Làng Đồng Sơn, trù phú nhứt trong tỉnh, ruộng sâu, đất cát phì nhiêu, vườn tược nhiều cây trái tươi tốt. Đó là cuộc đất của nhiều bậc cự phú trong tỉnh. Đồng Sơn cũng là quê quán của người viết tiểu thuyết tiên phong ở Nam Kỳ là Lê Sum, tự Trường Mậu (Viết báo Nông Cổ Mạn Đàm). Chỗ này là trung lâm văn hoá của Gò Công hồi giữa thế kỷ 18. Từ miền ngoài, các vị khoa bảng lỡ vận, các ông đồ theo đoàn người di dân đến đây lập nghiệp. Lớp người có căn bản Nho học đầu tiên ấy, đã đào tạo các ông Nhiêu Phan, Nhiêu Chánh ở địa phương.Tới đây chúng tôi xin nói thêm về nguồn lợi kinh tế trầu cau ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này để độc giả thấy sự quan trọng của nó trong các thứ huê lợi của miền Nam. Người đời nay khó hình dung được nhu cầu của trầu, cau, thuốc hút, thuốc xỉa hồi trước quan trọng thế nào trong đời sống. Thế hệ sinh ra và lớn lên vào cuối thế kỷ 20 có thể không biết gì về tập quán xã giao hồi trước: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhiều bà già xưa thường nhắc câu “ăn cơm không đặng, ăn trầu giải khuây”. Trai gái gặp nhau mời trầu. Khách tới nhà, việc đầu tiên là mời ăn trầu, bất luận đàn bà hay đàn ông. Hồi đó, hễ ra đường người ta luôn luôn có gói trầu, bịt đựng thuốc đem theo như vậy bất ly thân. Những bà nhà giàu xưa, mỗi lần đi đâu có tôi tớ bưng ô trầu đi theo. Chẳng những ở Gò Công mà còn nhiều nơi tại Nam Kỳ như Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long... nguồn lợi về trầu cau chiếm hàng đầu, theo tài liệu địa phương chí Nam Kỳ in năm 1903. Hồi trước, ông bà ta ít ăn trái cây như cam, quít, dừa, chuối nhưng bắt buộc phải ăn trầu luôn miệng. Nói theo tiếng bình dân “miếng này chưa hạ nông, tới miếng kia động quan”. Điều đó cũng chứng tỏ rằng nghề bán trầu cau đem lại một món lợi lớn cho bà Tư Nói để khởi đầu sự nghiệp làm giàu của bà. Cũng thuyết “địa linh nhân kiệt” đã cắt nghĩa tại sao làng Điều Hoà ở Mỹ Tho lại có nhiều vị Đốc phủ sứ nhứt Nam Kỳ. Đó là quê hương của các ông Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Thâm, Phủ Lê Minh Tiên, Phủ Lê Văn Mầu, Phủ Lê Công Sủng (thân phụ công tử Phước George). Ông Phủ Nguyễn Văn Kiên sinh năm 1878 lại làng Điều Hoà Mỹ Tho, thuở nhỏ theo học trường Le Myrle de Vilers, rồi sau tiếp tục lên Sài gòn theo học trường thông ngôn tức “College des Stagiaires”. Những thập niên cuối thế kỷ 19, Pháp mở trường thông ngôn có mục đích đào tạo lớp người công chức bản xứ, nên họ hàng nâng đỡ, cấp học bổng để theo học. Nhiều gia đình nghèo, nhưng có con hiếu học, chỉ vài năm sau trở thành thầy ký, thầy thông, rồi từ từ leo lên hàng phủ, huyện cũng dễ dàng. Tốt nghiệp năm 1898, ông Kiên lần lượt thăng huyện, rồi phủ và từng ngồi chủ quận ở các quận Thủ Thừa, Bình Phước (Tầm Vu) thuộc tỉnh Tân An và Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.Ông Phủ Nguyễn Văn Thâm sinh năm 1882, sau khi tốt nghiệp tại trường Mỹ Tho, ông lên Sài gòn, thi vô trường lớn Chasseloup Laubat. Năm 1900, ông ra trường làm thư ký tập sự tại dinh Thống đốc (còn gọi Soái phủ), rồi đổi ra làm đại lý hành chánh (như Quận trưởng) tại các tỉnh Sa Đốc, Tân An, Trà Vinh... tới năm 1935 thì về hưu với nấc thang chót của quan trường ngạch thuộc địa: Đốc phủ sứ.Các ông Lê Minh Tiên, ông Lê Văn Mầu, dân cố cựu ở Mỹ Tho Vĩnh Long đều nghe danh tiếng về sự giàu có. Riêng ông Phủ Lê Văn Mầu, đương thời làm chủ trọn cù lao Rồng trước chợ Mỹ Tho. Cù lao Rồng, tên chữ là Long Châu, do vua Gia Long đặt ra, nằm án ngữ trước châu thành Mỹ Tho, dài 2 cây số. Thời Pháp thuộc, chỗ này là nơi an trí người bịnh cùi. Sau Trần Bá Lộc, ông Đốc phủ Mâu có lẽ là người giàu nhứt nhì trong tỉnh Mỹ Tho. Theo dư luận những vị cao niên kể lại cho biết giai thoại “ác lai ác báo”. Đó là sự nghiệp của hai cha con Tổng đốc Trần Bá Lộc và con là Trần Bá Thọ (Hội đồng quản hạt, kiêm Tổng đốc hàm). Nguyên vào năm 1876, Trần Bá Lộc có mua trọn cù lao Dài, còn gọi là cù lao Ngũ Hiệp hay cù lao “Năm Thôn” (sau này là xã Quái Thiện, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Sở dĩ gọi “Cù lao Năm Thôn” vì trên cù lao này có 5 ấp: Thanh Bình, Thanh Lương, Phù Thới, Thới Bình... Cù lao này, hồi Pháp mới chiếm được Nam Kỳ (1872) có bán cho hai Đại uý Hải Quân giải ngủ là Brou và Taillefer với giá tượng trưng chỉ có 3000 quan (Francs). Hàng năm Taillefer và Brou phải trả thêm 3180 quan (Francs) như tiền thuế và phải trả mãn đời. (Xin xem thêm bài “Cù Lao Năm Thôn và lãnh chúa Taillefer”, sách Nam Kỳ lục tỉnh, tập I, Văn Hoá xuất bản).Tân An là một tỉnh nhỏ, đất nhiều phèn, nhưng là chỗ khởi nghiệp của ông Huyện Sĩ (Lê Phát Đạt), nhà giàu nhứt Nam Kỳ, được dư luận gọi là “Thiên hạ đệ nhứt gia”. Tân An cũng có nhiều người giàu lớn như ông Cai Nguyên, ông Hội đồng Vận, và nhứt là gia đình họ Nguyễn tại làng Tân Trụ, dược người địa phương gọi là “gia đình danh giá nhứt” trong tỉnh. Dưới con mắt của người dân quê, ai giàu có, may mắn có nhiều con trai, gái ăn học thành tài, dỗ đạt ra làm quan, cũng nhờ phước đức ông bà kiếp trước ăn ở hiền lành:Khen ai kiếp trước khéo tu,Ngày sau con cháu võng dù nghinh ngang.Gia đình họ Nguyễn làng Tân Trụ gồm có các ông:Người anh cả là Nguyễn Văn Ca, làm Quận, tột bực trong ngành hành chánh tức Đốc phủ sứ, từng ngồi ghế chủ quận Ô Môn.Người thứ hai là Nguyễn Văn Vinh, cũng học trường Chasseloup Laubat, trước làm thơ ký Phủ Thống đốc Nam Kỳ, rói được thăng huyện, đốc phủ sứ từng ngồi chủ quận nhiều nơi khắp lục tỉnh.Em trai thứ ba Nguyễn Văn Duyên, giáo sư, du học Pháp, đỗ bằng Brevet Superieur, từng giữ nhiều chức vụ cao trong ngành giáo dục.Hai em kế là Nguyễn Văn Liễn, Nguyễn Văn Phán đều là dược sĩ, tốt nghiệp trường Dược Hà Nội. Người em út Nguyễn Văn Khát, y sĩ Đông Dương, cùng khoá với các bác sĩ Phương Hữu Long, Nguyễn Bính (thân phụ nhà văn An Khê) ông là thân phụ của luật sư Nguyễn Văn Huyền, nguyên chủ tịch Thượng Nghị Viện thời Việt nam Cộng hoà.