Khoảng hai giờ sáng, chúng tôi tới bãi biển. Khu bến tầu, nơi tôi nhận cá để đem giao cho ngoài chợ lúc này vắng hoe. Ở cuối chiếc cầu tầu nhỏ hẹp và hẻo lánh, một chiếc thuyền chèo bằng gỗ nhỏ đã đợi sẵn. Chúng tôi chaỵ ngang qua bờ biển, cứ mỗi bước lại thấy nền cát trở nên ướt và mềm hơn, ngấm vào đôi dép của tôi. Bóng một người tối đen nhẩy từ trên thuyền xuống và giơ tay vẫy dì Đặng. Dì vẫy lại.
- Chào bà. Bà canh giờ đúng lắm.
Trên tấm ngực trần, những chỗ có ánh sáng chiếu vào, những đường nét bắp thịt vồng lên lấm tấm mồ hôi dầu. Cặp môi mỏng của hắn không che kín hết hàm răng vổ sáng lên trong bóng tối như ánh đèn huỳnh quang.
Dì Đặng và tôi ngồi tụm lại với nhau trên một băng ghế gần đuôi thuyền. Người đàn ông chèo một cách thiện nghệ, thỉnh thoảng lại dùng một cái địa bàn để dò phương hướng. Con thuyền hướng mũi về phía đông và đi qua dẫy đảo đen tối, mờ mờ qua màn sương.
Trên cao, bầu trời lung linh cả triệu vì sao. Trăng chiếu trên lớp sóng biển thành hình những đồng tiền bằng bạc, toả ánh sáng chan hoà trên mặt nước. Bầu không khí mặn mùi biển mơn man trên làn da của tôi. Con thuyền lướt đi nhẹ nhàng trong im lặng, mỏng manh như một chiếc lá.
Tôi hỏi dì Đặng:
- Mình đi đâu, hả dì? Còn những người khác đâu?
Người đàn ông trả lời:
- Yên lặng. Nhãi con, càng biết ít bao nhiêu càng tốt cho mày bấy nhiêu.
Dì Đặng nói với tôi:
- Chúng ta đi tới hòn Rùa. Tới đó, mình sẽ chờ thuyền khác, lớn hơn.
Càng đi, biển càng trải rộng thêm ra quanh chúng tôi. Ở bên mạn thuyền, sóng vỗ thành tiếng thì thầm đều đặn. Cuối cùng, người đàn ông nói:
- Đến rồi.
Ngồi quay mặt về phía đuôi thuyền, tôi không nhận ra là đã cập tới đảo cho tới khi đáy thuyền chạm phải những hòn đá ngầm.
Trong lúc tìm chỗ để cập bờ, người đàn ông nói:
- Nghe này, đây là đảo con rùa. Hình dáng nó khòm khòm như mu rùa nên người ta gọi nó như thế. Đảo nằm ngoài khu vực giới hạn của dân cư. Thân rùa là núi. Bãi biển là chân rùa. Ngọn núi có tới ba lớp. Mình sẽ tới lớp giữa. Nếu leo cao hơn nữa, đám tàn quân của chế độ cũ còn sót lại sẽ giết mình đấy. Còn nếu gần dưới thì lại rơi vào tay bọn Cộng Sản. Tụi nó cứ bắn tới trước rồi mới hỏi sau. Cho nên phải cực kỳ cẩn thận. Cũng có khi mình đi lạc vô vùng của toán đốn gỗ rừng. Cũng tránh họ đi, nếu có thể. Tầu lớn sẽ tới vào đêm mai. Bây giờ, hãy chuồn khỏi đây ngay trước khi bọn chó vàng đánh hơi thấy mùi chúng ta.
Anh ta muốn ám chỉ toán công an Cộng Sản, vốn vẫn mặc đồng phục mầu vàng sậm..
Đảo rùa là một khu rừng rậm rạp với những cây nhiệt đới và dầy đặc những bụi dâu dại. Bụi cây mọc tràn ra bãi biển, lấn tới tận mé nước, nên là một chỗ lý tưởng cho việc ẩn núp. Chúng tôi đi sâu vào trong rừng theo một con đường nhỏ hẹp xuyên qua một khu đầm lầy. Ruồi và muỗi cuốn lên đen nghịt theo bước chân chúng tôi, những tiếng vo vo ồn ào phá vỡ sự yên lặng.
Người đàn ông trao cho chúng tôi mỗi người một túi xách và nói:
- Giữ lấy. Trong đó có phần ăn và mấy cái mền cho tối nay. Coi chừng cát lún. Giữ chân chỉ bước trên đá thôi. Đừng có quên cả rắn nữa đấy.
Chúng tôi chaỵ theo một hàng qua con đường ẩm ướt và ngoằn nghèo dẫn đến khu vực chính giữa của mu rùa. Dưới chân chúng tôi, đất bùn bị bao phủ bởi những lớp lá rụng trơn tuồn tuột làm chúng tôi đi chệch choạng lúc leo lên đồi.
Những người còn lại của nhóm vượt biên đang chờ đợi chúng tôi tại một vùng đất trống cách con đường mòn không xa lắm. Có tất cả chừng ba chục người, toàn phụ nữ với trẻ em, không có ai nhỏ dưới mười tuổi. Những tấm chiếu nylon của họ trải rải rác trên mặt đất được chặn giữ bằng những cục đá. Vài người đàn bà rúc vào trong mền để tránh gió lạnh. Những người đàn ông duy nhất trong nhóm là hai người lãnh đạo. Người trẻ hơn dẫn chúng tôi tới chỗ hẹn tên là Cần. Người lớn tuổi hơn là bố anh ta, tên là Can. Cách đây vài tháng, ông ta mới đi cải tạo về. Nghe nói rằng ông ta đã từng là trung sĩ dưới chế độ cũ. Ông ta cũng cởi trần và đi chân đất. Cái quần ka ki cắt ngang ống đã bạc mầu che nửa thân dưới, và ở chỗ thắt lưng của ông, tôi thấy thò ra một cái báng súng lục bằng thép. Bên má trái của ông có một cái thẹo to tướng, sấu xí mà mỗi lần ông nói nó bò lồm ngồm như một con thằn lằn. Đôi mắt đen của ông sáng ngời, khi ông giới thiệu chúng tôi với mọi người.
Chúng tôi được sắp xếp chung chỗ với hai người khác đưới một cây me dại, gồm một thiếu nữ với em trai.
Đì Đặng ngồi trên một phiến đá, mệt lả sau một cuộc đi bộ dài. Dì vừa vẫy tôi lại vừa lau mồ hôi trán và nói:
- Lại đây, Kiên. Ngồi nghỉ đây với dì.
Thằng nhỏ gật đầu chào tôi:
- Chào cậu đã tới đảo Rùa.
Nó trạc tuổi mười lăm, mặt đầy tàn nhang và cặp mắt xếch nhỏ xiú như mắt con hình nộm trong tuồng Tàu. Nó và tôi là hai thằng con trai lớn tuổi nhất trong nhóc ở đây.
Chị của nó lớn hơn, lớn hơn nó độ vài tuổi, tay chân thon thả. Tôi giúp chị dọn đống lá khô để lấy chỗ nghỉ ngơi. Chị ngước lên, mỉm cười với tôi. Khuôn mặt của chị với hai gò má cao có vẻ xanh xao tương phản với đôi môi hồng. Cả chị ấy nữa, bộ dạng thanh cao như nàng công chúa làm bằng con rối.
Tít trên cao, qua khỏi những vòm cây, vầng thái dương hé dạng toả xuống mặt nước mầu xanh thẫm, xua tan đi cái bóng tối bàng bạc. Vài đứa trẻ moi đồ ra ăn sáng từ trong những cái túi xách. Các bà thì trông chừng những đứa nhỏ và tơ tưởng đến đời sống mới tại Mỹ. Dì Đặng nói với tôi:
- Lại đây cưng, để dì chải đầu cho.
Tôi ngồi xuống trước mặt dì. Tay dì mềm mại vuốt ve da đầu của tôi. Dì nói với tôi dịu dàng:
- Hết xẩy. Đêm nay mình sẽ lên tầu. Biết đâu đấy, chỉ trong một tuần ngắn ngủi mình đã tới Hồng Kông hay Phi Luật Tân, hay Mã Lại, rồi thì tới Mỹ. Dì thì nhất quyết sẽ định cư ở Cali và đi tìm lũ nhỏ. Cháu cùng ở với dì, mình sẽ kiếm một căn nhà ở bờ biển, cũng đại khái như hồi ở Nha Trang. Khi đã kiếm được lũ nhỏ rồi thì cháu sẽ là anh của tụi nó. Cháu sẽ đến trường và học bất cứ cái gì cháu thích. Rồi cháu lại có thể bảo lãnh cho gia đình đi Mỹ. Cháu có thích giấc mơ đẹp này không?
Thay vì trả lời, tôi chỉ nhích sát lại gần dì hơn.
Tối hôm ấy chúng tôi ăn gà nướng gói sẵn trong ba lô, trong khi anh Cần rời khỏi trại để chờ tín hiệu của tầu ở ngoài bờ biển. Túm tụm vào nhau trong bóng tối, mình choàng tấm mền mỏng, chúng tôi tuy khá lạnh nhưng lòng tràn trề hy vọng. Vài đứa nhỏ đã ngủ lăn ra trong khi những đứa khác thì lục sục không ngừng. Một bà cụ già ngồi chồm hổm dưới đất để đi tiểu.Có người thì cố nén tiếng ho. Quanh chúng tôi, rừng cây ẩn dấu sau lớp sương dầy đặc. Co tròn mình dựa vào thân cây, tôi chìm vào giấc ngủ say trong vòng tay dì Đặng.
Khi tôi tỉnh dậy, bầu trời buổi sáng đã trở nên trắng như sữa. Trên các chòm cây cao, sương mù đã tan chỉ còn vài cụm lảng vảng ẩn hiện trong khu rừng cây xanh. Phía đằng trước tôi, dì Đặng và một vài phụ nữ nữa đang nói chuyện vói anh Cần. Tôi cuộn tấm mền vòng quanh vai rồi tiến lại nhập bon với họ. Một bầu không khí ảm đạm bao phủ chung quanh mọi người. Anh Cần nói:
- Cháu không biết gì hết. Chỉ có nước là ngồi đợi thôi.
Có tiếng ai đó hỏi:
- Đợi bao lâu?
Anh ta bước đi:
- Làm sao biết được, nhưng cũng có thể mình phải ở lại đây vài ba ngày nữa.
Tôi hỏi dì Đặng:
- Chuyện gì xảy ra thế gì?
Bây giờ dì mới chú ý đến tôi. Cặp mắt của dì có vẻ hoảng hốt như con hươu mắc bẫy:
- Đêm hôm qua, có đứa nào lấy mất thuyền mang đi rồi.
Tôi thốt lên kinh hoảng:
- Ôi trời. Cái thuyền lớn chở chúng ta đi Mỹ ấy ư?
Dì lắc đầu:
- Không cái thuyền nhỏ thôi. Còn cái tầu lớn thì chưa thấy tín hiệu gì cả, nên mình mới kẹt ở đây, không có lối ra.
- Mình làm gì bây giờ?
- Chờ thôi.
Dì trả lời như một cái máy, như thể nhái lại lời của anh Cần.
Ngày hôm sau trôi qua một cách lặng lẽ. Chúng tôi xúm lại với nhau để giữ hơi ấm. Dì Đặng nhìn tôi ăn thức ăn nguội mà không động đũa. Trên đầu chúng tôi, mây đen bắt đầu vần vũ.
Qua ngày thứ ba, trời mưa. Tôi chaỵ ra ngoài trên nền đất ướt sũng, nhập bọn với lũ trẻ để tắm mưa, đồng thời hứng nước mưa vào những bình trống để dự phòng về sau. Đám người lớn thì ẩn dưới các tàng cây xung quanh để tránh bị ướt. Niềm hy vọng cứ teo dần với số thực phẩm mang theo. Phía dưới chúng tôi, biển như một đĩa thạch mầu xanh lam khổng lồ, rung rinh theo những cơn giông.
Tới ngày thứ năm, các bà đi rải rác vào rừng để kiếm nấm dại, dâu và rau cỏ trong khi hai người đàn ông thì câu cá ở ngọn suối gần đó. Đảo chỉ cung ứng được chút đỉnh tạm gọi là đồ ăn. Rau dền biển, dâu dại là những loại rau cỏ đạm bạc mà chúng tôi hái được gần đầm lầy. Mặc cho những người lớn cảnh cáo, chúng tôi đem luộc lên ăn và đến đêm hôm ấy thì ngã bệnh kịch liệt. Sáng hôm sau, khi mưa lạnh lại đổ xuống đảo, chúng tôi vẫn phải mang đi giặt mớ quần áo đã bị ói mửa lên. Sau vụ này, mặc dù có đói đến thế nào, chúng tôi cũng chẳng dám đi kiếm thực phẩm bậy bạ nữa. Đám con nít thì đã mút tới viên đường phèn cuối cùng trong khi đám người lớn thì ngủ cho quên đói.
Vào buổi chiều của ngày thứ sáu, dì Đặng lén lút kéo tôi vào tận sâu trong rừng, tránh xa đám người kia. Khi cách trại ít nhất vài chục thước, dì mở chiếc khăn choàng ra và cho tôi thấy vật bên trong. Trên tay dì ba qủa trứng luộc nổi bật lên như một phép ảo thuật. Dì thì thào với tôi:
- Đây, cưng. Ăn lẹ lẹ đi kẻo có người trông thấy.
Mắt tôi thèm thuồng dán vào món ăn trong tay dì, tôi hỏi:
- Dì lấy ở đâu ra vậy?
Dì trả lời:
- Của dì. Để dành cho con.
Tôi nhai nhồm nhoàm:
- Thế còn dì? Dì không đói à?
Dì mỉm cười lắc đầu:
- Không, cưng, của con hết đó. Cứ tự nhiên, ăn hết đi.
°°°°
Khi chúng tôi quay lại trại thì ông Can đang chủ trì một phiên họp khẩn cấp trên nền đất bẩn. Dì Đặng và tôi cũng nhập bọn. Ông ta đứng trên một phiến đá, nhìn xuống lũ chúng tôi, lưỡi liếm môi một cách bồn chồn. Cũng như những người khác, ông ta cũng bị gầy sút đi trong sáu ngày vừa qua. Bộ ngực của ông lép lại, xương sườn lồi lên thấy rõ. Ông nêu câu hỏi với đám đông:
- Chúng ta bắt đầu bầu đi. Có ai ở đây muốn ra đầu hàng bọn chó vàng không?
Bà con nhao nhao lên phản đối. Mọi người nhẩy lên đông đổng, nguyền rủa cái tầu đã không tới, than trách chính họ đã xui xẻo, la lối giữa người này với người kia. Ông Can phải xua tay để làm họ dịu xuống. Ông la lớn:
- Im lặng. Mình còn hy vọng mà.
Cả toán bỗng khựng lại. Ông tiếp:
- Còn một lối thoát. Chúng ta có súng. Chúng ta có thể lấy cắp một chiếc xuồng máy của đám đốn gỗ lậu và chuồn đi. Ai chịu làm chuyện liều mạng đó thì giơ tay lên.
Một bà lên tiếng hỏi:
- Đám làm rừng ấy có võ khí không? Nếu mình thất bại thì sao?
Ông Can nhún vai:
- Mình đâu có nhiều cách để lựa chọn, thưa bà. Nếu thua, mình sẽ chết, nhưng bó tay đầu hàng thì mình cũng chết vậy.
Tôi ngó mặt dì Đặng để ngầm hỏi ý kiến, nhưng dì vội quay mặt đi. Tôi liền đứng dậy. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía tôi, chăm chú nghe những lời tôi nói:
- Cháu không muốn đầu hàng. Cũng như tất cả mọi người, cháu bị kẹt ở đây chỉ vì cháu đi tìm tự do. Vậy hãy để tự do vạch cho ta một lối thoát.
Một ai đó to tiếng biểu đồng tình:
- Nói khá đấy, nhóc con. Đánh để mở đường về nhà.
Vài người phụ nữ rên rỉ không đồng ý, nhưng cuối cùng, hầu hết cả đám đều đồng tình là phải chiếm lấy cái xuồng máy. Ông Can nhìn tôi và hỏi:
- Tên con là gì?
- Kiên.
Ông quay về phía thằng bé có cặp mắt xếch, đang đứng cạnh chị nó dưới một cái cây:
- Còn cháu tên gì?
Thằng bé đáp:
- Văn
Ông già nói:
- Thằng con tôi và tôi sẽ đánh úp bọn đốn gỗ. Vậy hai cháu có hỗ trợ chúng tôi được không?
Cả dì Đặng và chị thằng nhỏ cùng kêu lên một lúc:
- Không được đâu!
Ông già nói:
- Xin thứ lỗi, thưa các bà, tôi cần chúng nó để quân bình trận đánh.
Tôi hỏi ông:
- Chúng cháu sẽ phải làm gì?
Dì Đặng ghì chặt lấy cánh tay của tôi lắp bắp:
- Vậy thì cho tôi thay nó. Nếu cần thì tôi có thể uýnh lộn được. Nó còn nhỏ lắm, tha cho nó.
Ông già nói:
- Không thể được. Ngày xưa, bất cứ khi nào tôi giỡn mặt với tử thần, tôi cần lính của tôi. Bây giờ cái chết đang cận kề ngay tại đây, con bà cũng sẽ qua cầu ngon lành.