Dượng Lâm đứng chắn ở ngay lối ra vào và hỏi:
- Vô được không?
Tôi lùi lại. Dượng bước vô, mặt ngơ ngáo ngó quanh quan sát cái vườn ngổn ngang phía sau lưng và những mảnh vỡ rơi vương vãi trong phòng khách. Mặt dượng nghệch ra như không thể tin nổi, thảng thốt hỏi:
- Ôi trời! Xẩy ra chuyện gì thế này?
Hỏi thì hỏi vậy, dượng cũng thừa biết chuyện gì đã xảy ra, nên tự trả lời:
- Lại chúng nó tới quậy phá phải không... mẹ của...
Dượng ngưng ngang vì bây giờ thì ông ta đã trông thấy mẹ tôi đang trừng mắt nhìn từ phía bên kia căn phòng. Khuôn mặt lem luốc của dượng đỏ ửng lên vì ngượng ngập, rồi dượng lắp bắp:
- Chào... chào... khoẻ không...
Mẹ tôi cau mày nhìn sốc vào mặt ông ta, rồi không thèm trả lời, bà khoanh tay đứng dựa vào tường, vẻ mặt lạnh tanh trước sự bối rối của dượng. Ông ta đưa tay lên gãi gãi vào đầu, vẻ lúng túng, nói:
- Cô tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại thằng tôi nữa phải không? Ừa! mà còn biết nói gì, tôi cũng đâu có thoát. Hẳn cô phải khoái tỉ lắm rằng tôi đã gặp hết rủi ro này đến xui xẻo khác kể từ ngày tôi bỏ rơi mấy người đấy nhỉ.
Rồi tặc lưỡi:
- Mẹ kiếp, khủng khiếp thiệt, suýt chết ngoài phi trường mấy lần đấy! Nhưng nhờ trời, chưa có sao. Đôi khi tôi cũng tự hỏi sao một thằng trời đánh như tôi mà lại may mắn thế. Hôm nay tôi quay lại là vì cho rằng biết đâu cô chẳng nghĩ tới tình xưa mà bỏ qua mọi chuyện. Với lại biết đâu sẽ chẳng có lúc cô cần tới tôi chớ.
Mẹ tôi im lặng vì chối tai. Giọng dượng Lâm xìu xuống:
- Hừ... cũng có thể là không...
Bây giờ thì mẹ tôi cất tiếng, bằng một giong cố trấn tĩnh nhưng nét mặt thì đầy vẻ thù ghét:
- Cút ngay!
Ông ta gượng gạo bào chữa:
- Coi kià! Tôi biết là cô đang nổi doá, nhưng tôi không trách đâu. Xin hãy nghe tôi nói đã, chứ chưa gì mà đã phủi ra như thế. Ôi da, cả cái tháng vừa rồi tôi cứ như người đã xuống điạ ngục biết bao nhiêu lần. Tôi không nghĩ rằng tôi còn có thể lãnh thêm búa bất kể từ cô hoặc ai khác. Nhưng tin tôi đi, thưa bà, tôi đã được bài học cay đắng về nhân quả, nghĩa là bất cứ điều gì sai trái mà tôi đã gây ra cho cô thì tôi đã phải trả giá, kèm luôn cả phần lời! Nào bị ăn cướp, nào bị đánh đập. Rồi đến cái lũ Cách mạng ba mươi của bọn Cộng sản lạc hậu kia lại còn nhốt tôi vào tù hai tuần liền vì chỉ mỗi cái tội ngủ ngoài công viên nữa chứ! Chắc ngoài tụi nó ra thì chẳng còn ai quan tâm đến sự sống chết của tôi. Để thoát khỏi cái cảnh ấy, có bao nhiêu tiền tôi đã phải móc hết ra rồi, bán luôn cả thẻ căn cước cũng như cái giấy thông hành. Đã ba bốn ngày nay tôi chẳng có hột gì vào bụng, chao ôi là mệt! Thôi, hãy cho tôi ở lại đây, ít ra cũng đôi ba ngày.
Mẹ tôi vẫn giữ im lặng trong khi dượng vẫn cứ tiếp tục lải nhải:
- Mà dù cô có muốn tống khứ tôi ra thì hãy cho tôi chút gì vào bụng và tắm táp cái đã... thôi đi mà...
Bà chưa kịp trả lời thì từ bên ngoài có tiếng xe vận tải ồn ào. Như thế là tên Trần đã tới với đám công an. Qua khung cửa sổ, chúng tôi nhìn họ đậu xe bất kể chắn cả lối ra vào rồi hối hả chạy vô theo con đường dài dơ dáy xuyên qua khu vườn. Vừa thoạt thấy mẹ tôi đứng bên trong, tên Trần đã cười toe toét, vẻ sỗ sàng. Mái tóc của hắn ướt nhèm, chải tém về phía sau nom giống như một cái đuôi vit.. Vai hắn đeo lủng lẳng một cái sà cột bằng nylon mầu đen theo đúng mốt của những cán bộ thời bấy giờ. Hắn ra hiệu cho nhân viên đi theo mình vào nhà. Mẹ tôi quay về phía dượng Lâm:
- Anh muốn ở lại phải không? vậy báo cho anh một tin chớp nhoáng: tôi không còn là người có quyền quyết định việc đó nữa. Anh phải hỏi ông ta trước.
Dượng Lâm bối rối:
- Ông nào? Ai vậy?
Mẹ tôi nhún vai:
- Nhìn đi rồi biết!
Dượng nhìn ra đám đông, vẻ bối rối:
- Chuyện gì thế này? Sao lại có công an đến nhà? Cô đã làm gì động trời vậy, Khuôn?
Mẹ tôi bước ra chào tên Trần ngay khi hắn ta đặt chân lên tới mép thềm đá:
- Chào ông. Ông tới thật đúng lúc. Chúng tôi vừa mới xếp dọn xong. Ông có còn nhớ anh Lâm này không?
Quay về phía dượng, bà tiếp:
- Còn anh Lâm, chắc anh chả cần tôi giới thiệu về ông Trần đây. Nhưng có một điều mà anh đáng được biết, đó là kể từ hôm nay, ông Trần, vị chủ tịch phường của chúng ta, sẽ là chủ ngôi nhà mới này. Vậy thì, nếu tôi là anh thì tôi sẽ thận trọng tỏ thái độ cung kính đối với ông ấy ngay bây giờ đấy.
Dượng Lâm nhướng đôi lông mày lên như muốn hỏi, nhưng lại thôi. Còn tên Trần thì phá ra cười khi nhận ra dượng. Hắn bước lại gần, chộp bàn tay phải của dượng lên, lắc lắc:
- Đừng mang cái vẻ quá ngạc nhiên như thế. Tôi có khác đi bao nhiêu đâu. Mà cứ nhìn con mắt của anh thì tôi cứ tưởng mình thay đổi nhiều lắm rồi. Nhưng mà chính anh kìa, có thay đổi đấy. Trời, suýt nữa thì tôi cũng không nhìn ra anh nữa ấy chứ. Biết nói gì đây...
Rồi hắn nhún vai đổi giọng nghiêm chỉnh:
- Kể ra mắt anh cũng tinh vi khi còn nhận ra cái tên làm vườn này. Chính tôi lúc trước vẫn từng tưới những giỏ phong lan cho anh và ngủ sau cánh cửa bếp nhà anh. Chỉ có khác một điều bây giờ tôi là người chủ mới, giống như ngạn ngữ có câu: "Sông có khúc, người có lúc ". Bây giờ đã tới cái lúc của tôi rồi!
Hít vào một hơi dài, hắn tiếp tục:
- Nào, cả hai vị. Đừng có thảm sầu quá. Anh vẫn còn ở với chị ấy đấy chứ?
Chỉ tay về phía mẹ tôi, hắn nháy mắt với dượng:
- Bây giờ chị ấy không còn là bà lớn Nguyễn chủ nhà băng, hét ra lửa, mửa ra khói nữa đúng không?
Dượng Lâm cố giữ điềm tĩnh, nhưng tên Trần không để ý tới dượng. Quay về phía mẹ tôi, hắn quài tay ra phía sau móc ở trong sà cột ra một xấp giấy:
- Tôi đã lấy đại cái bằng khoán sở hữu chủ căn nhà của chị từ sở nhà đất rồi đấy. Chị phải biết đó không phải là chuyện dễ đâu nhé. Kiếm được nó chẳng khác gì đáy bể mò kim. Nhưng tôi cũng mò ra được. Tôi cần chị ký vào, kèm theo cả dấu tay nữa, đó là điều ta làm ngay được. Mấy cái chuyện lẻ tẻ còn lại, để đó tôi lo sau. Nào, chị đứng qua bên đây để tôi chỉ cho chỗ phải ký vào.
Mẹ tôi bước qua phía bên hắn và nói:
- Tôi sẽ ký bất cứ cái gì ông muốn, nhưng còn hộ khẩu của gia đình tôi thì sao? Tôi phải có cái đó thì mới rời khỏi nơi đây được.
Hắn gật đầu:
- Chắc chắn rồi. Tôi biết nỗi lo lắng của chị. Chẳng ai được coi là hợp pháp nếu không có sự chấp thuận của tôi. Mà điều đừng lo. Tôi đã mang đủ giấy tờ đây rồi. Ta sẽ hoàn tất mọi thứ ngay trong buổi sáng hôm nay.
Rồi hắn ta rút ra một tập hồ sơ dầy, bìa mầu xanh. Ở trang đầu tiên thấy có dòng chữ đánh máy bằng kiểu chữ đậm, mầu đen: " Sổ Hộ Khẩu - Tổ số 4 - Hộ Khẩu số 125091 - Chủ Hộ Khẩu: Nguyễn Thị Khuôn "
Hắn dò ngón tay cục mịch lên trang giấy giải thích:
- Con số 125091 là số của gia đình chị. Chúng tôi không muốn dùng chữ gia đình, nó đầy tính chất tư hữu, quá xa lìa tập thể. Cho nên chuyển thành hộ, giống như sinh vật học những tế bào riêng rẽ tập hợp thành một cơ thể vậy. Tôi khuyên chị một điều là sống chết chị cũng phải giữ lấy cái giấy này. Bây giờ thì nó chính là căn cước của chị đấy. Dù đi đâu, ở đâu chị cũng phải mang nó theo, cho đến khi các vị lãnh đạo thiết lập một hệ thống khác hoàn hảo hơn. Mặt khác, tên tuổi của mọi người trong gia đình chị đều nằm hết trong đây. Vậy mọi người phải luôn luôn ở cùng nhau. Khi tới đăng ký ở chỗ mới, chớ có điền thêm tên của ai vào mà cũng không được rút tên của ai ra. Sau sáu giờ chiều mỗi ngày là có lệnh giới nghiêm, mọi người phải ở hết trong nhà, vì sẽ có thể nhiều đêm trong một tuần lễ, nhà chị bị khám xét mà không cần báo trước. Đó là luật! Tới lúc đó, các đồng chí công an sẽ chiếu theo tờ này và đếm từng đầu người một trong hộ. Nếu họ phát hiện ra có thêm người thì cả chủ nhà lẫn người dư ra là đều bị tống vào trại tù. Hiểu rõ tất cả chưa? Được rồi, bây giờ thì tôi cần chị đọc chầm chậm cho tôi nghe cái điạ chỉ nơi sắp tới của chị.
Trong khi mẹ tôi đánh vần cho tên Trần cái điạ chỉ mới thì chị Loan và mọi người bước vào im lặng quan sát sự việc đang xẩy ra. Gã Trần hỏi mẹ tôi:
- Hộ của chị có bao nhiêu nhân khẩu?
- Thưa ông, có kể đứa bé trong bụng của tôi không?
Hắn nhướng mày lên:
- Đừng vớ vẩn. Bao nhiêu người trong hộ của chị, chỉ kể những người già, người lớn và con nít. Quên cái bầu đi. Khi tới lúc thì chị sẽ khai nó ở nhà hộ sanh.
Mẹ tôi trả lời:
- Vậy sáu người. Hai cụ già, hai phụ nữ và hai đứa con trai.
Dượng Lâm từ nãy vẫn đứng ở một góc như bị bỏ quên, bây giờ mới chen vào:
- Bẩy chớ! kể cả tôi là một người đàn ông trong nhà. Đừng có quên tôi chớ!
Tên Trần ném cho dượng một cái nhìn hăm doạ, quát:
- Tôi có cái vẻ gì là đang nói chuyện với nhà anh không?
Mặt của dượng đỏ lên, nhưng dượng không trả lời. Gã Trần nói tiếp:
- Chủ của cái hộ này không nhắc nhở gì với tôi về một nhân khẩu đàn ông hết. Vậy là tôi đồ chừng anh đã tự ý nhét đại tên anh vào hộ khẩu nhà này. Đúng vậy không?
Dượng Lâm cố nở một nụ cười:
- Thưa ông, tôi đã sống ở đây từ hơn nửa thập kỷ nay. Tôi có đủ tư cách là một thành viên trong gia đình, như bất cứ ai đang hiện diện, dĩ nhiên là ngoại trừ ông.
- Anh có cưới chị ấy hả?
- Không, nhưng tôi là bố đứa nhỏ trong bụng cô ấy.
Đến lượt mặt mẹ tôi đỏ bừng lên khi gã Trần quay về phía bà:
- Nghe này, chị Khuôn. Tôi không thể lý sự gì với cái tên điếm đực này. Tôi để tùy ý chị. Vậy thì sáu hay là bẩy đây?
Mẹ tôi trả lời một cách quả quyết:
- Hộ của tôi chỉ có sáu người thôi!
Bà định nói thêm gì đó nhưng tên Trần đã ngoắc cái ngón tay sần sùi vì chai cứng ra hiệu ngưng. Lông mày của hắn nhiú lại như để suy nghĩ rồi hắn nói:
- Gượm đã! Cái tên hài hước nửa mùa này cũng có điểm xài được. Hộ này chẳng có ai là đàn ông ngoại trừ ông già của chị cũng có thể mút mùa trong trại cải tạo vì những tội ác của ông ta. Mà ngay như nhà nước có khoan hồng vì ông ta bệnh hoạn, yếu đuối thì cũng không đủ lực lượng lao động cho hộ này. Vậy nếu tôi thêm cái tên đĩ đực này vào hộ khẩu của chị thì năng xuất lao đông nhà chị sẽ tăng gấp đôi. Ý kiến hay đấy, chị nghĩ sao? Ờ, có thể nhất thời chị không đồng ý với tôi, nhưng mai mốt rồi chị sẽ phải cám ơn tôi.
Như thế coi như hắn ta đã quyết định. Chẳng để cho mẹ tôi có dịp phản đối, hắn ta quẹt xuống sổ hộ khẩu gia đình tôi thành bẩy người. Ngay sau khi mẹ tôi ký tên vào cái bằng khoán nhà đất, gã Trần giao cho bà xấp hồ sơ đăng ký. Sắp xếp những giấy tờ còn lại cho vào túi sà cột, hắn quay sang chú ý tới chị Loan. Như một nông gia đánh giá một con bê, hắn lặng ngắm chị một lúc khá lâu và khi lên tiếng, giọng hắn không mang một vẻ gì gọi là thù hận:
- Loan! Năm nay cô mười tám phải không?
Chị Loan đáp:
- Dạ phải.
- Tốt! Tốt! Đây là cuốn cẩm nang chính trị mà tôi muốn cô đọc. Trong đó nói về một tổ chức gọi là Thanh Niên Xung Phong bao gồm những người trẻ như cô. Tôi khuyên cô hãy đọc để có thể tìm hiểu thêm về chuyện đó, tới lúc nào cô quyết định gia nhập, hoặc muốn biết thêm chi tiết thì, hoặc là hỏi các cấp lãnh đạo điạ phương, hay là hỏi tôi. Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của cô. Thực tế là, tôi quan sát cô lớn lên ở trong gia đình này và tôi đã thấy cô đã trở thành một thiếu nữ giỏi giang. Đất nước đã thay đổi rồi, cô sẽ có cơ hôị tiến xa hơn vì bây giờ là thời điểm những kẻ nghèo như chúng ta phải đứng lên để nhận lãnh trách nhiêm về vận mệnh của mình. Hứa với tôi là cô sẽ đọc hết cuốn này. Hãy giúp đỡ cho bản thân mình và cho đất nước, thay vì cứ quanh quẩn ở đây với cái mớ đang hấp hối này. Chẳng có luật lệ nào buộc cô phải chết theo bọn tư bản mà trước kia cô đã từng phục vụ. Cái thời của bọn bóc lột cô đã qua rồi, cô hiểu chưa?
Rồi hắn dúi cuốn sách vào tay chị Loan. Lúc hắn bước qua trước mặt mẹ tôi, hắn ta huýt sáo giòn tan, cái đầu bóng nhẵn gật gù lên xuống theo nhịp điệu. Ở phòng bên, những người công an khởi sự khuân vác những đồ đạc của chúng tôi ra xe. Chừng non một tiếng sau, chúng tôi cùng yên vị trên chiếc xe tải và chiếc xe chuyển bánh. Tôi ngồi ở phía sau, mắt chăm chú nhìn qua cửa xe để ghi nhận lần chót quang cảnh cũ. Qua bức tường vỡ và giàn dây leo đã sup. đổ, căn nhà còn đó nhưng mang vẻ trống rỗng và hoang tàn dưới ánh mặt trời chói lọi. Trong tâm tưởng của tôi, những hình ảnh của kỷ niệm cũ trôi qua như trong một giấc mơ. Tôi vẫn như thấy mình đang chạy từ phòng này qua phòng khác, cười giỡn với chị Loan đang đuổi theo phía sau. Mái tóc mới gội của chị bay tung lên như mây, toả ra mùi thơm như mùi gió biển. Tôi cũng hồi tưởng những lại những buổi liên hoan bất tận của mẹ tôi, ở đó, mọi người khiêu vũ bên cạnh hồ bơi, dưới ánh sáng mờ ảo đượm nhiều mùi hương lan toả trong không khí. Hình bóng của mẹ tôi như còn đó, ngồi trước bàn trang điểm thoa phấn lên bàn tay,suối tóc xoả xuống hai bờ vai.
Trong lúc những tư tưởng ấy làm tôi sao lãng, thì ở ngay bên cạnh tôi trong xe, mẹ tôi hai tay ôm lấy bụng, theo đuổi những ý nghĩ riêng của bà. Liệu cảm xúc của bà có giống như của tôi hay không? Phía bên kia là em Jimmy, nom nó có vẻ như chẳng biết gì về những chuyện đang xảy ra. Nó cười với tất cả mọi người, phô ra hai cái răng cửa sún và nhìn ra đường phố với sự say mê, vô tư lự.