Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 13

 

Cô giáo vừa nhìn bâng quơ về đám học trò qua đôi gọng kiếng mỏng manh rồi hỏi:

- Có em nào nhắc lại được năm điều bác Hồ dạy không?

Mái tóc của cô là một mớ vừa quăn vừa rối, xoã xuống che gần hết khuôn mặt trừ ra có cái chóp mũi bóng nhẫy cùng hai cái vành môi đỏ và mỏng. Nước da của cô nom nhờn và điểm những mụn đỏ nhỏ xíu. Ngồi thẳng người trên một cái ghế gỗ sau bàn giấy, thân hình của cô nom ốm nhách trong bộ đồng phục rộng thùng thình. Trên tấm bảng đen, cô viết tên của mình bằng phấn trắng, như sau: " Cô San ". Đó là buổi học đầu tiên của lớp hè nhưng mặt trời đã hun nhiệt độ trong lớp học lên bằng cái nóng như nung nấu.

Ngồi ở cuối lớp, tôi ngập ngừng giơ tay. Nhiều cặp mắt đen lay láy hướng về phía tôi với vẻ tò mò. Tôi ngạc nhiên, không ngờ chẳng có ai biết được câu trả lời.

Cô giáo lên tiếng: " Được " Tôi nhận thấy một bên tròng mắt của cô chạy ngược lên mí mắt khi cô nhìn thẳng về phía tôi. Đó là cái nhìn vô cảm của một con ngươi trắng toát hình trái hạnh nhân.

Tôi đứng thẳng lên và đọc năm điều mà anh bộ đội miền bắc đã dạy tôi hôm nào trên chuyến xe nhà binh:

- Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Cô giáo vỗ hai tay vào nhau khen: " Giỏi quá " Mấy giọt mồ hôi từ trán tôi nhễu xuống mặt bàn, biến mất một cách nhanh chóng vào lớp gỗ sần sùi. Cô hỏi

- Tên em là gì?

Tôi chưa kịp trả lời thì đâu đó trong lớp có tiếng xì xào " Tên là Mỹ lai " làm cho cả lớp chợt phá lên cười.

- Im lặng!

Cô ra lệnh cho cả lớp rồi hướng bên mắt lành lặn của cô về phía có tiếng cười rộ, phê bình:

- Bạn cùng lớp với nhau mà ăn nói những lời lẽ như vậy à? Các trò phải lấy làm xấu hổ về chuyên ấy chứ.

Trong khi nhìn những vết mồ hôi loang lổ trên mặt bàn, tôi quyết định rằng cô San là một trong những người tốt nhất mà tôi được thấy trong cái thành phố đổi mới này.

Mặc dù bị giễu cợt, hôm đó tôi nhận được một cái khăn quàng đỏ và tôi là thằng con trai đầu tiên trong trường nhận cái vinh dự này. Cô giáo nói tôi được đeo khăn quàng đỏ vì tôi xứng đáng là cháu ngoan của bác Hồ. Tôi phải đeo chiếc khăn này trên vai mỗi ngày cho đến khi nó ngả mầu bạc phếch. Đến lúc đó, tôi sẽ trở thành một công dân hoàn hảo mà tổ quốc mong chờ.

Mãi tới bữa cơm tối tối hôm đó, ông bà ngoại tôi mới nhận ra sự vắng mặt của chị Loan, bèn cuống cuồng đi tìm. Nhưng đến quá giờ giới nghiêm chị mới trở về, trên tay ôm một hộp carton mà chị đặt ở ngoài cửa trước khi bước vô nhà.

Ông tôi đang ngồi trên chiếc ghế đu đưa, trầm ngâm với một cuốn sách nói về Thiền Phật giáo. Chị bước lại và qùi xuống trước mặt ông làm ông phải bỏ sách xuống, nhìn chị. Cặp kiếng trễ hẳn xuống sống mũi của ông. Chị mân mê lớp vải mềm của quần ông và nói:

- Thưa ông, con xin phép được thưa chuyện với ông ạ.

Ông tôi gật đầu:

- Được chứ, có chuyện gì thế, con?

Chị nhỏ nhẹ:

- Thưa ông, con có ý định là sẽ phải từ giã ông để ra đi.

Mọi người trong phòng thốt nhìn chị với đầy vẻ ngạc nhiên, nhưng chẳng ai cất lên lời. Ai cũng chờ đợi phản ứng của ông ngoại tôi. Ông gấp cuốn sách lại và đặt nó xuống sàn, rồi nói bằng một giọng buồn bã không nhuốm vẻ ngạc nhiên:

- Con định đi đâu vậy?

- Thưa ông, mấy hôm trước, ông Trần có đưa cho con một cuốn cẩm nang nói về một tổ chức gọi là Thanh Niên Xung Phong. Điều này làm con suy nghĩ đến tương lai của con. Cho nên, sáng nay con đã lên phường để gặp mấy đồng chí ở đó để tìm hiểu thêm về tổ chức này. Con nhận thấy mục đích chính của họ là ghi danh tất cả những người trẻ trên cả nước để trợ giúp cho những lực lượng quân sự. Trên căn bản thì họ được coi như là một bộ phận hỗ trợ của quân đội. Mặc dù hiện nay chiến tranh đã chấm dứt nhưng đất nước còn cần đến nhiều nỗ lực để thu dọn những đổ vỡ do chiến tranh gây ra. Con vốn là một kẻ hầu hạ, don dẹp, cho nên con nghĩ cái công việc dọn dẹp này thích hợp với con và con đã ghi tên gia nhập rồi. Cũng không lâu lắm đâu, chỉ bỏ ra ba năm ngắn ngủi của đời con nhưng đến khi hoàn tất thì lý lịch của con sẽ trở nên tốt đẹp vì khi đó sẽ được nhà nước chứng thực hẳn hoi.

Từ ngoài cửa dượng Lâm xen vào:

- Ôi trời ơi!cái con này nó điên rồi.

Rồi dượng lại tiến một bước nữa lại phía chị Loan:

- Phải rồi, mày điên thực rồi, Loan.

Rồi dượng quay về phía ông tôi:

- Nó không thể làm cái chuyện ấy được. Ngăn nó lại, bác ơi. Ngăn nó đừng làm cái chuyện dại dột ấy.

Chị Loan cứ lờ đi, làm như chỉ nói chuyện với ông tôi, coi như không nghe thấy lời của dượng:

- Con đã gia nhập cái tổ chức ấy rồi, mặc dù không có phép của ông là vì gấp gáp quá. Sáng mai thì con đã ra đi rồi. Họ cho phép mọi người về nhà tối hôm nay để sửa soạn đồ đạc và từ giã người thân. Con thì chẳng còn ai thân thích nữa sau khi cha con đã mất đi. Con chỉ còn có ông mà thôi. Thưa ông, dù rằng ông chưa bao giờ thừa nhận chuyện này với con, nhưng con biết ông vẫn tự trách mình về cái sự rủi ro xảy ra cho cha của con. Cả hai người đã trúng cùng một viên đạn nhưng chỉ có cha con là chết thôi, ông thì còn đó. Nhưng dù cho chuyện đã xảy ra như thế thì đã sao? Ông đã cư xử quá tốt với con ngay từ khi con mới bước chân vào nhà này. Con xin ông đừng ân hận gì nữa. Ông chẳng mắc nợ gì với cha con hay là với con hết. Cha con chết vì cái số của ông mà thôi. Vả lại con cũng cảm tạ ông từ đáy lòng con. Thưa ông, thôi, con muốn nói lời từ biệt ông bây giờ vì ba giờ sáng mai con đã đi rồi. Cám ơn ông đã yêu quý con trong suốt bao nhiêu năm trời nay. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, con sẽ quay trở lại gặp ông.

Ông tôi nắm chặt lấy tay chị Loan và chớp mắt liên hồi:

- Ông hiểu, cháu gái ơi. Hứa với ông là hãy giữ gìn sức khoẻ và tránh xa mọi sự rắc rối nhé.

- Thưa ông vâng, con sẽ nhớ.

Hai người ôm lấy nhau trong khoảng khắc ngắn ngủi, câm lặng. Rồi chị Loan quay về phía bà ngoại tôi mỉm cười. Những ngón tay của chị rờ rẫm nhẹ nhàng lên làn da mặt nhăn nheo của bà. Chị nói:

- Bà giữ gìn sức khoẻ nghe bà. Con thương bà lắm.

Bà tôi hỏi:

- Họ có cho con biết là đi đâu không? Nhà có được viết thư cho con không?

- Bà ơi, con cũng chả biết tương lai sẽ ra sao. Con chỉ được thông báo là sẽ đi bộ để tiến về phía Huế. Trên dọc đường đi, chúng con sẽ giúp dân cất nhà, phá rừng để lấy thêm đất trồng trọt và dọn dẹp những tàn tích của chiến tranh. Điều này cũng khá cam go và con e rằng sẽ có lúc con chẳng có điạ chỉ nhất định đâu, bà ạ. Nhưng con sẽ viết thư thăm hỏi đều hai ông bà.

Bà ngoại tôi cười mỉm:

- Nghe cứ như là con đã sắp xếp tất cả mọi thứ rồi. Nhưng với sức lực của con thì chẳng lo gì. Con lại là người tốt lành. Ráng mau mau trở về nhé.

Chị Loan quay về phía mẹ tôi lúc đó đang đứng ở giữa phòng. Chị cúi đầu xuống sàn nhà để tránh cái nhìn chăm chú của mẹ tôi, nhưng bà đã phá vỡ cái ngột ngạt giữa hai người:

- Nói thẳng thừng ra thì tôi chẳng bao giờ yêu cầu cô ra khỏi nhà. Tôi muốn cô biết rõ điều đó.

- Em biết chứ, thưa bà. Mà chính em cũng chả muốn bỏ đi đâu, đặc biệt là bây giờ, bà lại sắp sửa sanh. Nhưng em có lý do phải đi. Xin bà giữ gìn sức khoẻ.

Một tia sáng thoáng hiện trong đôi mắt u tối của mẹ tôi khi bà nhìn trừng trừng về phía dượng Lâm:

- Cô đừng vì cái tên Lâm đó mà bỏ đi nhé.

Chị Loan quay về phía dượng và trầm giọng:

- Chào ông Lâm. Hãy săn sóc bà chủ của tôi và đối xử tử tế với bả vì bả cũng mang đứa con của ông trong bụng. Tôi nói cho ông biết, nếu mà ông xử tồi tệ với bả thì ông phải trả giá khi tôi trở về. Tôi thề độc đó! Đừng có tưởng tôi giỡn chơi. Giữa tôi với ông lẽ ra chẳng nên dính líu đến nhau ngay từ đầu. Trước đây thì tôi không thể có gì lựa chọn, nhưng vì hiện tại và tương lai, tôi quyết định ra đi để cho ông được ở lại

Dượng không trả lời mà chỉ nhếch mép cười gằn

Chị Loan quay lại nhìn anh em tôi. Chị qùi gối xuống, giang rộng cánh tay và ra dấu cho anh em tôi tiến lại phía chị. Chị rờ những vết bầm trêm mặt tôi và thì thầm:

- Coi kìa. Em làm sao thế này. Đánh nhau hả? Chị mới rời em có một ngày mà em đã ra nông nỗi này. Nghe chị này. Chị không còn ở bên em để coi sóc em nữa. Vậy em phải tự lo cho mình và Jimmy, lại còn phải phụ giúp mẹ khi em bé ra đời, nhất là đừng có quên chị, nghe em.

- Không đâu, chị Loan. Em không bao giờ quên chị đâu.

Chị mỉm cười:

- Chị biết mà, cưng. Chị có quà mừng sinh nhật cho em đây nè. Món này sẽ giúp cho em thực tập trước khi em bé sinh ra. Có muốn coi không?

Tôi gật đầu. Chị chạy ra ngoài. Khi quay lại, trên tay chi mang theo một thùng carton. Chị hạ tay xuống ngang tầm mắt của tôi. Cái thùng không đậy nắp. Jimmy và tôi nhìn thấy một con chó nhỏ nằm úp vào một góc, giương đôi mắt to, đen lay láy nhìn lên chúng tôi. Mình của nó được bao phủ bằng bộ lông ngắn, mầu hơi nâu. Tai nó cụp, cái mũi ướt nhẻm loang loáng trên cái mõm ngắn củn trông như một cái nút áo còn mới toanh. Con chó nhìn chúng tôi, rên lên ư ử. Tôi khoái quá hôn như mưa lên mặt chị Loan.

Chị thì thầm:

- Sờ thử nó coi, Kiên! Con chó này là của em đó.

Tôi lùa tay vào trong hộp và sờ lên con chó nhỏ. Bộ lông của nó mượt như nhung. Rồi tôi bế nó lên, ôm sát vào lòng và cảm thấy trái tim nó đập thình thịch. Nó ngẩng đầu liếm lên mũi tôi. Một cử động nhỏ nhoi, nhưng mà tình cảm thân thuộc đã được tạo ra giưã tôi và nó. Tôi cúi sát xuống nó, để cho làn áo vải mỏng của bộ pyjama của tôi áp vào mặt nó, một cảm giác êm ả thấm vào trong tôi.

Chị Loan nói:

- Nó mới chỉ được hai tháng thôi, Kiên.

Giọng của chi nghe thoảng như rất xa vì tôi còn tập trung sự chú ý vào con vật bé bỏng mà tôi đang bồng trên tay. Chị tiếp:

- Chị vừa có tin vui, vừa có tin buồn cho em đấy. Tin vui là nó đã thôi bú mẹ nó, nên là từ ngày mai em có thể cho nó ăn đồ ăn được rồi. Tin buồn là con chó này có bẩm tật từ lúc sinh ra. Như em thấy đấy, chân trước của nó bị veọ đi nên nó chỉ có đi được bằng có ba chân thôi. Chị lựa con này cho em vì con này cần nhiều tới sự săn sóc mà điều này lại giúp em tập cho quen đi để sau này còn săn sóc em bé. À mà này, em nghĩ cho nó một cái tên thật hay, nghe!

Quay về phía em tôi chị tiếp:

- Jimmy, chị không quên quà của em đâu. Con chó nhỏ cũng là một phần của em đó. Em hãy phụ với anh Kiên trông nom cho nó nhé. Em còn bé quá để có riêng một mình một con chó. Vậy bây giờ hãy tập chơi chung với nhau đã nhé.

Jimmy gật đầu, đôi mắt của nó cứ dán vào con chó. Rồi chị Loan hỏi mẹ tôi:

- Thưa bà, các em bé có thể giữ con chó được không? Em rất ân hận là đã không hỏi bà trước nhưng thực tình là em mong muốn để lại một cái gì cho các bé để tụi nó nhớ đến em trước khi ra đi.

Mẹ tôi gật đầu với vẻ ngần ngại. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi nói với chị Loan:

- Em nghĩ ra tên cho nó rồi. Em muốn đặt cho nó là Lulu.

Chị đáp:

- Ừ, tên LuLu hay đấy. Em kiếm ở đâu ra vậy?

- Tại nom nó giống cô LuLu...

- A... Cái cô ca sĩ người nước Anh ấy à?

- Vâng em rất thích những bài hát của cô ấy.

- Được rồi. Vậy là LuLu. Biết đâu một ngày kia LuLu sẽ tập tru lên bài To sir with love để kiếm sống không chừng.

Mọi người cười rộ lên, ngoại trừ mẹ tôi.

Đêm hôm đó, LuLu ngủ trong hộp giấy, ngay bên cạnh tôi. Thân hình của nó cuộn lại thành hình bán nguyệt, mũi của nó rúc vào mấy cái chân. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì Chị Loan đã đi rồi.