Chương II ( B)

MÙA CỐM, MÙA HỒNG
Bông lúa nặng trĩu xuống vì những giọt sữa nặng tình bên trong đã đông lại như thể trái cây vừa chín, chuẩn bị cho sự sinh nở. Đến giờ phút thích hợp nhất người ta gặt lúa về, tẽ hạt rang, giã, hồ rồi tãi cốm lên những tầu lá sen thơm ngào ngạt… Cả quá trình từ lúc tẽ hạt đến thành phầm chỉ gói gọn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ khẩn trương và hồi hộp, không thể ngắn hơn, cũng không thể kéo dài. Để đạt được kết quả mong muốn thì một loạt thủ thuật cổ truyền phải được nâng niu đến mức nghệ thuật.
Chẳng thế mà chỉ có làng Vòng (Mai Dịch) (cách Hà Nội 5 cây sô) là có cốm ngon và đặc sắc nhất. Cốm Vòng đã từng là quà quý tiến vua ở các triều đại xưa. Quả thật, chưa có loại cốm nào địch được nó, ít nhất là trong vòng 100 năm trở lại đây.
Cốm Lủ, cốm Mễ Trì còn kém xa cốm Vòng. Cốm thượng đẳng là cốm sáng nhạt, mềm, ngọt mát, thơm, đều hạt, màu cẩm thạch, có dư vị khôn nguôi. Loại hai là "Cốm dót"có thuỷ phần cao hơn, nhẽo hơn. Cốm Vòng là món quà vương giả, sang trọng mà cũng rất bình dân như hoa cỏ. Cốm phải được đặt lên trên tàu lá sen gợn phấn, có mùi vị hương đồng gió nội chứ không để vào đĩa Giang Tây hoặc Bát Tràng. Hương thơm và màu sắc của cốm và lá sen ăn ý với nhau. Người thưởng thức sành không ăn kèm với bất cứ một thứ gì khác. Vì như thế là thực bất tri kỳ vị, là phụ lòng cốm.
Tuy vậy, cũng có nhiều người ăn cốm Vòng với những quả hồng chín đỏ có màu hổ phách hoặc ăn với chuối tiêu trứng cuốc. Cốm Vòng còn làm nguyên liệu chính cho một loạt món ăn ngon trong danh mục ẩm thực nổi tiếng của Việt nam: Cốm xào, bánh cốm, chè cốm, chả cốm, cốm nén, vịt hầm cốm với hạt sen và nấm hương, cốm với thịt và mộc nhĩ nhồi chim ngói, kem cốm v.v… Chè cốm là một loại chè ngọt trong muốt, hạt cốm nở ra xanh biếc như những đoá hoa. Chúng lơ lửng trong cái khối nước ngọt sóng sánh, ở dạng huyền phù chứ không lắng xuống đáy bát. Chè cốm ngọt mát, thơm, đòi hỏi một chút nước hoa bưởi. Nó đủ sức để đánh đổ tất cả các loại chè khác. Người ta gọi chè cốm là chè "giai nhân". Cốm Vòng được đưa ra phố phường bán không cần phải rao. Đó là những cô gái làng Vòng quẩy hai thúng cốm. Trên cái mẹt có vài xếp lá sen. Trước quang gánh có buộc một ít lạt rơm xanh sáng để buộc các gói cốm. Chiếc đòn gánh trên vai cô gái có một đầu cong vút lên như ở các mái đình chùa… Các cô đi nhẹ nhàng, tung tẩy khắp nơi. Ai muốn mua, chỉ việc gọi: "Cô hàng cốm Vòng ơi…!"
Cốm ra đời vào lúc thu vàng, khi ngọn gió se lại. Nó đi đôi với những quả hồng có màu đỏ nao nao. Màu xanh của cốm cùng với màu đỏ của hồng đã tạo ra một bức tranh hài hoà. Cũng như hương sắc và các vị của chúng đã tạo ra những vần thơ. Hoặc chí ít, nó cũng mang lại cho nhiều người suy tư man mác đầy hưng phấn nghệ thuật. Cùng với mùa thu xao xuyến, cốm và hồng mang lại nỗi phấp phỏng cho biết bao chàng trai. Họ tính đến việc mang cốm và hồng đến nhà cô gái để được gắn bó với nhau một đời:
"Người ơi! Biết có được không?
Để mẹ mua cốm, mua hồng sang xin"…
 
Người ta nói chanh cốm để chỉ quả chanh vừa đúng lúc nó bắt đầu cho ta cái vị chua, tươi mát, ngon lành nhưng hơi "gắt" một cách kiêu kỳ. Cũng có cái ẩn dụ chỉ người con gái đang ở thì "ngon" như cốm.
Cốm là nét đẹp văn hoá đời đời. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang đến nhà gái một khay khảm có chân quỳ trên khay là hai gói cốm bọc lá sen và 12 quả hồng đỏ. Tiếp đó là 100 chiếc bánh cốm vuông vắn có buộc lạt đỏ. Chú rể tương lai đội khăn đóng, mặc áo trong đoạn (đoạn là một loại vải mịn, đẹp, bóng), cô dâu tương lai mặc áo dài, chít khăn vành dây… Sau những lời nói tất đẹp, thà gái biếu tất cả những người có mặt trong buổi vui, mỗi người một chiếc bánh cốm. Một người nước ngoài, sau khi dự lễ ăn hỏi đã xúc động nói: “Cốm là một vật thiêng liêng, vừa có sức mạnh vật chất, vừa có sức mạnh tinh thần. Cốm cũng là tình yêu"…
CÚNG CHÁO Ở XÓM AO NGANG
Năm ấy, dân làng cảm thấy nao núng. Làng Giấy có nhiều nhà sản xuất đóng cửa. Những người tứ chiếng đến làm thuê, ít việc cứ nhởn nhơ, lúc xóm này, lúc xóm khác. Tiếng chày giã bột giấy thưa thớt. Chỉ những người làm thuê thuộc loại giỏi mới tạm đủ việc làm. Trời lại sắp vào hè, ôn dịch hoành hành… Nhưng ở xóm Ao Ngang, mấy ngày hôm nay nhộn nhịp hẳn lên. Dường như người ta bỏ qua tất cả mọi việc sắp xảy đến mà chỉ nghe ngóng theo dõi ngày rằm tháng năm sẽ có lễ “cầu mát” mà nội dung chính của nó là "cúng cháo lá đa”.
Trước ngày lễ một ngày, ông đĩ Yên, một chân ngắn một chân dài lễ mễ xách cái thúng đi khuyên giáo. Ông đi khắp mọi xóm quyên tiền, các thứ quà bánh và khoai, gạo, ngô, giấy bản, hương, nến. Nhiều gia đình tỏ ra kính trọng đặc biệt, mời ông ở lại uống nước và hỏi han mọi chuyện. Chuyện gì ông cũng biết. Trước đây ông thuộc lớp người phong lưu mã thượng, nhà ngói cây mít, nhưng vì bệnh tật và ăn chơi quá trớn nên giờ phải ra ở túp lều bên cạnh cầu Ao Ngang. Nhân thể, ông trông nom cầu và thắp đèn nhang.
Cầu là một gian nhà khá rộng, có mái cong. Chính giữa có một bệ nhỏ cao chon von đặt bài vị thần, bát hương, bộ đỉnh nến bằng gỗ sơn son thếp vàng. Dưới là một bệ rộng đủ cho chừng hai, ba chục người ngồi nghỉ ngơi, tán chuyện ngẫu. Họ bàn luận say sưa về kẻ hay người dở, những sự việc rắc rối hoặc tốt lành rất thời sự Giữa bệ, ông đĩ Yên đặt một cái chõng tre, vài cái ghế dài bằng một thân cây nhỏ trên hai khúc gỗ bắt chéo. Mấy cái bát đàn để uống nước, một gói kẹo bột, mấy tấm mía, vài gói thuốc lào, bánh chưng, hoa quả… Hễ ai nhắc đến cái thân phận xưa kia của ông đĩ Yên để so sánh với hoàn cảnh hiện giờ ông phải ở cầu ở quán, ông chỉ cười và nói: "Ở cầu gió bông lau càng mát. Miệng à ơi, tay sát ghé tàu…"
Trưa ngày mười lăm, lúc gần 12 giờ, rất nhiều người tụ tập ở cầu lớn có bé có, người lớn đứng hơi xa một chút. Mọi người im lặng lúc bác khán Mão và ông hương chàng mặc áo the, chít khăn xếp, thắt lưng bó que ngồi lên bệ. Nhạc cụ trước mặt gồm: mõ, chuông, song loan. Bên trái và bên phải các ông là hai chiếc nia lớn rải đầy những đồ cúng đủ thứ: khoai lang, bánh đa, bỏng gạo, bánh mật, oản, bánh khảo, xôi nắm, chuối, ổi, kẹo vừng, kẹo bột… Giữa mỗi nia có một khúc thân chuối để cắm hương. Bác khán Mão tung vào mỗi nia một nắm lá đa xanh làm cho nia quà trở nên mát mẻ. Thằng cu Thư rỗ đưa đến cho ông một chiếc đàn nguyệt cổ lỗ sĩ và gói vải đỏ bọc tiu, cảnh… Người được công chúng để ý nhất là bác khán Mão có giọng lên bổng xuống trầm, vừa hát vừa điều khiển nhạc gõ. Có lúc bác chỉ dùng chiếc đũa gõ lên miệng bát chiết yêu đệm cho hát mà cũng rất hay, sôi nổi đến nỗi ai nghe một lần sẽ nhớ mãi.
Ông hương chàng cao tuổi là người cầm chích mọi thủ tục, lễ tiết. Ông luôn đeo mục kỉnh giở tập sách chữ Hán dầy cộm rồi lầm rầm những điều gì không ai biết. Thỉnh thoảng ông dạo vài nét đàn nguyệt nghe như tiếng mưa rơi. Hai con người quan trọng này thay nhau, bổ sung cho nhau hát cúng cháo. Họ hát lên gần đủ 184 câu bi hùng trong bài văn tế thập loại chúng sinh. Bác khán Mão say sưa: "Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt" Toát hơi mây, lạnh ngắt xương khô Ngàn lau khóm bạc, lá ngô dòng vàng"… Thế là những tiếng hát với cái giọng đùng đục, vừa như kể lể, vừa như mong mỏi khẩn cầu mà lại như kêu gọi ấy lấy lại ngay được sự im lặng và trật tự của đám đông nhốn nháo la hét. Thật vậy, ngay cả bọn trẻ con tinh nghịch, hiếu động là vậy mà cũng im thin thít, há mồm nghe… Bài hát cất lên, ê a… dịu ngọt, tha thiết, thương cảm đã dựng lên cả một thế giới bi thảm của kiếp người.
"Thở than dưới đất, ăn nằm trong sương.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn.
Lặn mặt trời, lân thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ, dắt già
…"
Cái thế giới cô hồn ấy là hình ảnh của sự bất trắc, những oan uổng chồng chất trong cuộc đời thực. Có hàng chục loại cô hồn, là chúng sinh đáng thương. Như những người đi lính ngày xưa: Trong chiến trận, coi người như rác. Bãi sa tràng, thịt nát xương tan". Những người đàn bà xấu số, những trẻ con chết oan:
"Liều tuổi xanh, buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già…
Kia những đứa hài nhi tấm bé
Lỗi giở sinh, lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng…
"
Bác khán Mão gần như run lên khi kể về những mảnh đời đói rách vật lộn với miếng ăn manh áo mà không xong.
"Sống đã chịu một bề thảm thiết.
Ruột héo khô, da rét căm căm.
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chai rạn đôi vai…
Cũng có kẻ nằm cầu, gối đất
Rọi tháng ngày, hành khất ngược xuôi…"
Công chúng bùi ngùi trước những cảnh ngộ do những câu hát và những tiếng tiu cảnh, đàn vẽ ra. Vì đó là những cảnh ngộ của chính họ, của những người thân thiết như ông bà, cô, cậu, anh em của họ. Đám đông nhốn nháo hẳn lên khi bác khán Mão đọc đến câu:
"Ai đến đây, dưới trên ngôi lại
Của làm duyên, chờ ngại ít nhiều…"
Ai cũng biết là lúc này mọi thủ tục cúng lễ đã xong, đến giờ tháo khoán. Bọn trẻ con xô vào cướp bánh kẹo. Có đứa đút hai ba thứ vào túi rồi lại xông ra cướp thêm. Nồi cháo đã được hai người khiêng ra, đặt ngang cạnh chiếc cột gạch. Cậu Tân cầm cái gáo dừa, khoắng nồi cháo rồi đong thật nhanh vào mấy chục chiếc bát sành. Cậu cũng cố tình vung vãi ra những chiếc lá đa để xung quanh những chồng bát xếp ngổn ngang, không hàng lối gì cả. Bọn trẻ con bưng lấy những bát cháo. Chúng húp từ từ khi cháo còn nóng. Đến khi cháo bớt nóng chúng húp soạn soạt, trông thật ngon lành. Có cả những bà già, cô gái… ra xem cảnh tưng bừng nhộn nhịp, nghe đọc văn cúng cháo, cũng "cướp" một chút ít quà để lấy “khước” cho vui. Tất cả mọi người vừa hò reo, vừa ăn, vừa nói chuyện hể hả. Cho đến khi hai chia quà và nồi cháo đã sạch không, mọi người mới dần dà kéo nhau về trong tiếng reo hò, chuyện trò, cười nói râm ran. Thu dọn chiến trường" là ông đĩ Yên người giữ cầu Ao Ngang. Người ta cảm phục cái tài năng của bác khán Mão. Có những đoạn bác hát “bốc” như đang trong cơn say rượu, đây ngẫu hứng dào dạt. Đó là những tiếng hát tạo nên những ấn tượng đi vào kỷ niệm của nhiều đời người, nhiều năm tháng. Đó là những câu thơ thế sự. Những người.được dự những buổi lễ cúng cháo như thế này luôn luôn nhớ mãi một nghi lễ vừa sâu xa, vừa rất đời thực. Chất “Liêu trai" bất chấp thời gian vẫn tồn tại trong bài "Văn tế thập loại chúng sinh qua hiệu quả biểu diễn đã được thăng hoa lên thành tình thần đồng loại khiến mỗi người xích lại gần nhau, thương yêu nhau. Chúng ta hãy cùng nhau cứu lấy cuộc đời, không tham lam, không chạy theo danh vọng, không tranh giành, không chiến tranh… Đó là một bài ca bất tử.