Chương Kết

TRANH SƠN MÀI
Về nghệ thuật tạo hình, sơn mài đóngvai trò hàng đầu về chất liệu truyền thống và tranh sơn mài giữ một vị trí quan trọng trong nền hội hoạ Việt nam. Đối với thế giới, tranh sơn mài Việt nam cũng được đặc biệt chú ý vì nó có sắc thái riêng biệt và biểu hiện rõ tính dân tộc đậm nét. Sơn mài còn gọi là sơn ta, đã có truyền thống lâu đời ở những thế kỷ trước, những tượng gỗ tại các đình, chùa, miếu, được sơn son thếp vàng. Những bàn thờ, câu đối, hoành phi, đồ thờ v.v… cũng được xử lý bằng sơn mài với những màu sắc lộng lẫy và bền chắc. Các đồ mỹ nghệ thủ công cũng đã là những mặt hang xuất khẩu có tiếng vang. Thế kỷ thứ 16, phố Nam Ngư (Hà Nội) là phố của những người làm sơn mài. Thế kỷ 17, một nhà kinh doanh người Anh đã cử một kỹ thuật viên sang Thăng Long (Hà Nội) bọc kỹ nghệ sơn mài của Việt nam. Từ gần một thế kỷ nay, sơn mài đã được giới hoạ sĩ Việt nam tìm tòi nghiên cứu và nâng sơn mài lên một vị trí cao. Họ làm tranh sơn mài, do đó, sơn mài được thêm vào những chất liệu phong phú với nhiều loại bột màu, bột vàng, bột bạc, vàng lá, bạc lá, bột màu thực vật, vỏ trai, vỏ trứng v.v… Chất sơn lấy từ cây sơn. Nhựa cây hứng về, đổ vào các "sải", bằng tre đan, đậy lên một lớp giấy bản. Nhựa này gọi là sơn sống, giữ càng lâu càng tốt. Qua nhiều ngày, nhựa bị mất nước, lên men và lắng đọng, tạo ra nhiều lớp sơn khác nhau, màu sắc khác nhau, gọi là những "tuổi sơn". Lớp trên cùng màu sẫm là loại tốt nhất. Sơn chất lượng cao đổ vào thùng gỗ và dùng chày khuấy trong ba ngày liền. Sơn sẽ trở nên trong hơn có màu giống cánh con gián nên gọi là sơn cánh gián. Nó sẽ trở nên bóng hơn khi được trộn thêm ít nhựa thông. Lại đổ nhựa vào chậu sành và khuấy bằng chày sắt, sơn sẽ ngả màu đen huyền. Các loại bột màu - bình thường khi trộn với sơn, bị sơn làm "đen hoá” hoặc làm xám xỉn lại nên phải dùng những bột màu được xử lý đặc biệt. Người ta dùng vàng và bạc thật ở dạng lá dát thật mỏng hoặc ở dạng bột mịn trộn vào sơn. Một số màu: xanh lá cây, xanh lam, vàng, tím, trắng ở dạng bột không hoà tan. Một vài màu phẩm cũng dùng được. Người ta còn dùng hạt dành dành để tạo màu vàng, dùng vỏ trứng vịt, trứng gà khảm vào tranh sơn mài để tạo nên màu trắng. Còn vỏ trai, ốc thì tạo nên những màu xanh, tím, hồng óng ánh huyền ảo.
Làm một bức tranh sơn mài, hoạ sĩ chọn tấm gỗ khô, nhẵn gọi là "vóc". Vóc được quét một lớp sơn sống lên cả hai mặt rồi dùng vải hoặc lụa quấn quanh tấm gỗ. Khi khô, được sơn lên nhiều lớp sơn khác nhau. Đợi khi các lớp sơn vàng khô, người ta quét lên một lớp sơn nữa và "bó" một lớp mát tít gồm sơn sống, mùn cưa rây nhỏ và đất sét. Khi lớp “bó” khô, sẽ được phủ lên hai lớp sơn sống nữa. Bề mặt tấm vóc được mài nhẵn bằng đá bột với nước. Sau đó, sơn "thi" lên tấm gỗ từ ba đến bốn lớp then chín màu đen. Tiếp sau là nhiều lớp sơn nữa. Hoạ sĩ dùng phấn hoặc bút chì vẽ phác rồi vẽ sơn có trộn màu lên. Lớp một khô sẽ vẽ lớp thứ hai, sau khi vẽ xong, toàn bộ bề mặt còn phải phủ lên một hoặc hai lớp sơn son với lớp màu thích hợp, tức là dựng các màu chồng lên nhau. Nếu tác giả muốn dùng vỏ trứng hoặc vỏ trai, ốc thì dùng dao trổ, cài vào lớp sơn ướt ở mảng thích hợp. Sau đó, lại phải phủ lên một hoác hai lớp và đợi cho khô. Bức tranh khô cũng được mài bằng đá màu với nước làm cho những nước sơn "hiệu quả" cũng như những vỏ trứng, vỏ trai, bạc, vàng hiện dần ra với những mảng màu mong đợi. Muốn sử dụng vàng lá, bạc lá thì đặt lá vàng hoặc lá bạc lên tranh, phủ lên trên một hoặc hai lớp sơn mỏng. Bột vàng, bột bạc, bột màu thì trộn vào sơn mà vẽ.
Cuối cùng, vẫn là động tác mài cho đến lúc những đường nét và mảng màu nổi lên là được. Chúng nổi lên vừa đúng ý đồ của hoạ sĩ, vừa bát. ngờ… Lưu ý đến bảng màu sơn mài, ta sẽ thấy khả năng và tính ưu việt của những loại sơn. Sơn then đen bóng, sâu thẳm đến vô cùng. Sơn cánh gián trong veo, óng ả phủ lên các màu và vàng bạc sẽ làm cho màu sắc biến đổi tạo thành những màu sắc dẫn xuất và tạo nên những âm vang màu sắc đầy kịch tính. Qua sự kết hợp giữa sơn ở tuổi khác nhau, các bột màu cũng trở nên mờ ảo, rực rỡ và có những độ nổi chìm trong bức tranh. Thực ra, mỗi một màu sơn đứng độc lập cũng đã tạo nên những vẻ đẹp của riêng nó. Ngoài những bức tranh sơn mài ra, lại có những tác phẩm khắc chìm và đắp nổi. Những năm 30 của thế kỷ này, tranh sơn mài và các tác phẩm thủ công mỹ nghệ đã trải qua một cuộc phục hưng. Nó khẳng định rằng khả năng biểu hiện của sơn mài trong hội hoạ là không hạn chế. Nó có thể diễn tả được đủ loại nội dung đề tài. Nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), cuộc phục hưng thứ hai của sơn màu mới thực sự rộng khắp và sôi nổi. Nhiều bức tranh sơn mài và các đồ mỹ nghệ thủ công sơn mài Việt nam được đưa ra nước ngoài hàng loạt. Chúng được đánh giá cao ở nước ngoài cũng như ở thị trường trong nước. Những hoạ sĩ gắn bó với sơn mài và có những bức tranh sơn mài có tiếng vang phải kể đến các hoạ sĩ như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Ty, Trần Văn Cẩn v.v… Tranh sơn mài thường được vẽ ít nhiều theo ước lệ, ngẫu hứng. Nó cũng như tình yêu vậy, xuất phát từ tấm lòng chứ không nhất thiết theo những quy luật lạnh lùng của hội hoạ nói chung và cũng không theo những bảng màu được công bố một cách máy móc nặng về kỹ thuật. Rung động trong lòng thế nào, hoạ sĩ thể hiện ra tranh như thế. Có khi nó phớt lờ cả tỷ lệ hoặc luật viễn cận. Nó không lý sự dài dòng. Nhưng chính vì thế mà những bức tranh sơn mài Việt nam trở nên thầm kín, sâu lắng, ấm áp, mơ màng và xôn xao. Về phần mỹ nghệ thủ công, những chiếc lọ sơn mài, những chiếc hộp, đĩa trang trí, ghế, guốc, tượng, đồ thờ và các đồ trang sức v.v… làm bằng sơn mài hoặc trang điểm bằng sơn mài được liệt vào những mặt hàng hiếm mà khách nước ngoài săn tìm. Tương lai của sơn mài rất sáng lạn. Nó đã và sẽ góp vào vườn hoa nghệ thuật Việt nam và thế giới một bông hoa khiêm tốn và độc đáo.
 
TRUYỆN VỀ BỨC TRANH "HỨNG DỪA"
Tôi về thăm làng Hồ, tới nhà cụ Quýnh thì cụ cũng vừa ra khỏi gian nhà cổ. Cụ bảo: "Ôi, nhà báo lại có điều gì dạy bảo đây…"
- Dạ, là hàng con cháu, xin đến thăm cụ.
- Cám ơn ông.
Cụ Quýnh đưa tôi vào nhà, mời uống nước chè xanh và hút thuốc lào Tiên Lãng. Cụ vừa mới ở Hà Nội về. Cụ không chịu được cái không khí Hà Nội. Ở Hà Nội không biết trăng sáng tỏ hoặc trăng suông là gì. Thế thì biết làm sao được cái câu: “Sáng trăng sáng cả vườn đào"? Biết được làm sao cái điệu “Suông hời” thảng thốt…? Nể lòng người cháu họ mời ra Hà Nội, cụ chỉ nán lại ba ngày rồi nằng nặc đòi về làng Hồ. Về nhà, cụ còn góp ý cho bọn trẻ khắc lại những ván tranh Đông Hồ cổ, còn đi hết nhà này đến nhà nọ, còn nghe bọn trẻ hát những bài quan họ mà cụ cho là quan họ rởm v.v… Cụ đã 95 tuổi mà vẫn tinh nhanh, quắc thước, râu tóc như bông, nói đến chuyện các bức tranh Đông Hồ, cụ nói một mạch như thể chỉ sợ tôi xen vào sẽ cắt đứt mạch suy nghĩ của mình. Bàn đến bức tranh “ Hứng dừa “ cụ bèn kể lại theo lời của cha, ông cụ đã nói với cụ. Tôi chỉ còn biết nghe và nhớ lại từng chi tiết
Và đó cũng là ước mơ của tôi. Ngày xưa, cứ gần hết ngày Tết là có những đám thanh niên nam nữ rủ nhau đi chơi xuân… họ thách nhau lên trèo dừa. Không kể dừa nhà ai, cứ cây nào dễ trèo là trèo trẩy vài ba quả lấy may. Chủ nhân vườn dừa rất đỗi rộng rãi, cởi mở, không lấy tiền. Chàng thanh niên nhanh nhẩu, hoạt bát trèo thoắt lên cây dừa, giữa tiếng hoan hô ầm ĩ và tiếng tán thưởng của mọi người. Chàng thanh niên mặc quần đùi ống rộng, không mặc quần si líp như bây giờ. Người ta gọi các cô gái ra hứng dừa. Lẽ dĩ nhiên, có một cô nhảy ra làm việc đó cô gái ra khỏi đám đông, đến gốc dừa. Lúc này tiếng ồn ào, cười đùa hò hét vang lên như sấm. Chàng thanh niên sờ tay vào những quả dừa rồi hét lên:
- Ai ơi, xong chưa?
- Xong rồi…
Cô gái và tất cả mọi người reo lên… Một quả dừa nhỏ được tung xuống. Cô gái vui quá, nâng váy lên đỡ. Mọi người ào tới, vỗ tay khen cô gái và khen cả những động tác hớ hênh của cô. Cô gái để mình trần, mặc chiếc yếm điều hờ hững. Giải thắt lung xanh giữ cạp váy trang điểm rất nhiều cho thân thể ngọc ngà của cô. Đây mới là màn một.
Đến màn diễn thứ hai có phần đặc sắc hơn. Một cô gái thứ hai ra hứng tiếp. Lần này, chàng trai mưu mẹo hơn (con trai là thế đó)” Anh ta thả xuống một lúc hai quả dừa to và nặng thật nhanh. Và thế là hai quả dừa quá tải này đủ để làm tụt váy cô gái ra trước thanh thiên bạch nhật. Cô gái bàng hoàng xấu hổ, vứt cả dừa, vội vàng vơ váy lên, mặc lại váy rồi chạy một mạch về phía đình làng.
Bọn trẻ xúm lại, tranh nhau hai quả dừa mà cô gái không nhận này. mang về nhà. Đó là điềm may lớn.
- Chúng tôi được trận cười vui vẻ.
Ông cụ Quýnh nói cười rung cả chòm râu bạc.
- Thưa cụ. Có thể vì vậy mà các cụ sống lâu đấy ạ.
- Tôi không biết. Nhưng không hiểu sao, năm nào cũng như năm nào mà bọn con gái không biết rút kinh nghiệm, cứ để bị tụt váy nhỉ? Phụ nữ họ nhẹ dạ, cả tin chăng? Cứ vui lên là quên không coi trời đất là gì. Lạ thật chú nhỉ? Dạ. Có thể là như vậy.
- Mà thế mới sướng chứ?
- Vâng…
 
MẤY BÔNG HOA NGHỆ THUẬT
Những năm 1976-1977, tôi đi cùng với mấy nhà nghiên cứu âm nhạc người Bun-ga-rỉ đến dự một buổi ca trù và biểu diễn nhạc cổ tại một căn gác nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo.
Đào nương là bà Quách Thị Hồ, ông Trúc Hiền đánh trống chầu. Ông Chu Văn Du đánh đàn đáy. Ông Đinh Khắc Ban thỉnh thoảng hoà vào mấy tiếng đàn nguyệt đầy kịch tích. Tiếng phách dạo lên giòn giã tung tăng như có gió, có mưa, có tiếng lòng tha thiết. Bà Hồ hát lên:
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngày biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ, âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm Ô quan bà
Cỏ vàng, cây đổ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Những giọt đàn đáy rung lên: từng… tưng… tưng… tưng… Nghe như tiếng đàn từ ngàn xưa vọng về. Chát… chát… chát… tom, mấy tiếng trống chầu của ông Trúc Hiền vang lên. Ông lim dim đôi mắt say sưa, ngây ngất về bài thơ của Tản Đà và giọng hát đổ hột mà rất "hàng hoa" của đào nương. Nghe yêu quá. Chính trong cái trạng thái tâm hồn chạng vạng ấy mà ông Trúc Hiền mới góp được vào những tiếng trống hào hoa, xuất thần. Mấy người bạn nước ngoài cũng như mấy chuyên gia âm nhạc Việt nam ngồi nghe chết lặng. Các bạn cảm ơn, vái ông Trúc Hiền. Tôi cũng khen ông: "Tiếng trống của ông hay quá". Ông Trúc Hiền nói ngay: "Năm nay tôi 70 tuổi. Trong tiếng trống của tôi có cả những tiếng khóc và những điều ân hận của tôi. Tôi đã mất mấy chục năm phiêu bạt, ăn chơi. Đời tôi đã mất cả vườn ruộng. Đã làm khổ vợ con vì những tiếng trống này đó. Tôi đã mất đi tất cả. Chỉ còn lại có vài tiếng trống…"…
Qua đi chừng vài năm, tôi đã học được nhiều điều mới thấy lời khen ông Trúc Hiền của tôi năm xưa là dốt nát. Đối với những tiếng trống nghệ sĩ đem lại cái đẹp cho cuộc đời, làm cho người ta trở nên trong sáng như buổi mới sinh ra của một lão nghệ nhân vào cỡ tài hoa bậc nhất Hà thành mà khen một câu như vậy là vụng về. Với ông Chu Văn Du, tôi chắp tay vái ông. Ông cho biết Ông học đàn đáy từ năm 13 tuổi. Đàn đáy là cây đàn thiêng, cần dài lm2, có dây gọi là ba dây tình tang đục. Ông thường theo cha vác đàn đi xin hát cửa đình, hát tế thần, hát giỗ tổ… Đến năm 16 tuổi, ông đã dám đến với các giáo phường Thú Khối, Bát Tràng dự thi đánh đàn đáy với những bậc cao thủ. Giới cầm ca Thăng Long hết sức ngạc nhiên, ông đã chiếm ngay ngôi vương cầm, đáng được ghi vào bảng "Phong thần" nếu ông là một kép già.
Một nhà hát ả đào nổi tiếng ở Khâm Thiên cứ người đi săn các danh cầm, đã 10 lần đến tận nhà ông để mời ông về đàn cho nhà hát. Thực tình, ông không muốn dừng gót phiêu lưu. Nhưng buổi ấy, ông đã gặp một con người phi phàm. Con người này, ở nhà hát đi ra tiếp ông. Đó là ả đào Đàm Mộng Hoàn. Một đào nương ca trù số một của Hà Nội mà lại hát được của những làn điệu tuồng, chèo, cải lương. Còn về ngâm thơ thì ông Du, nhà báo Phùng Bảo Thạch, nhà văn Vũ Trọng Can… bảo rằng chưa từng thấy ai ngâm thơ hay bằng Đàm Mộng Hoàn. Thế là, không chút do dự, ông ở lại nhà hát, đàn cho Đàm Mộng Hoàn hát và ngâm thơ. Ông đã mấy lần được mời cùng với các ông Ngô Thế Tuấn, Đinh Khắc Ban, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Đàm Mộng Hoàn sang Hồng Ông đàn, hát ca trù và ngâm thơ để thu vào đĩa cho mấy hàng Pa thé, Asia, Colum-bia. Sau đó, riêng Đàm Mộng Hoàn và ông còn được liên tục trình bày nhiều bài hát, bài thơ để ghi vào những đĩa nhựa, bán trong cả nước và cho nước ngoài (Hồng Kông, Pháp, Thượng Hải). Trong làng cầm ca tính từ hơn 60 năm trở lại đây, chưa có giọng ca trù nào vượt được Đàm Mộng Hoàn. Chị đã làm "lên hương" được những điều chính trong ca trù như: Bắc phản, mướt, hát nói, gửi thư, ngâm vọng, nhịp ba, cung bắc, tỳ bà hành, đọc thơ, đọc phú, hát ru, hãm, kể chuyện, xầm nhà trò, 36 thứ giọng… cũng chưa hề có giọng ngâm thơ nào vượt được Hoàn. Hơn nữa, Đàm là nhan sắc của làng hoa khôi Khâm Thiên (người ta quen gọi như thế): Một sắc đẹp hơi lẳng lơ, gợi cảm… ông Du bảo: "Tiếng đàn của tôi chỉ thực sự là tiếng đàn khi tôi đánh cho riêng tôi nghe hoặc khi đệm cho Đàm Mộng Hoàn. Ngoài ra, là tiếng đàn để vụ sinh nhai…"
Ông Bùi Trọng Đang ngâm lên mấy câu sổng tả nỗi thất vọng của Lưu Bình khi vừa mới thi đỗ, về đến nhà thì không thấy bóng người đẹp: Nàng bỏ đi đâu? Lạnh ngắt phòng loan Trông lên bức gấm… nhớ tới tay ngà Cây kia ai xới… cho thắm giò hoa… Giọng ông ấm áp, âm vực rộng, lúc bổng lúc trầm, như phun châu nhả ngọc. Ông Ban phơi đàn đáy, đàn nguyệt, đánh trống chầu, hát chèo… Cả mấy môn đó, ông đều được xếp vào loại siêu việt. Nhà báo Phùng Bảo Thạch rất mê ông, biết ông từ cái dạo ông lên 13 tuổi, đeo cây đàn theo ông chú đi đến các đền làm cung văn. Một hôm, ông chú đang chầu văn thì lăn ra ốm. Không tìm được người thay thế, mọi người đành phải để chú bé 16 tuổivừa đàn, vừa hát. Kết quả, ông hát và đàn còn hay hơn cả ông chú. Hát rất nổi "màu". Mọi người rất đỗi mừng rỡ, gọi ông là cung văn “Kim Đồng, Ngọc Nữ" của Mẫu. Cho đến tận bây giờ, ông đã dạy trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn học trò về đàn, trống, hát trong mấy chục năm. Trong số những học trò của ông, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ, những diễn viên tài ba. Họ có mặt trên khắp miền đất nước. Họ lấp lánh như những vì sao trên bầu trời ca nhạc truyền thống Việt nam. Ông sống trong nghèo nàn, thanh bạch cả cuộc đời. Những năm còn lại, ông sống thanh bần với tiếng đàn tiếng trống và với những người ái mộ ông. Ông sống có phần ẩn dật, ít nói, tình cảm, chẳng mấy khi cười.
Các bạn đề nghị bà Quánh Thị Hồ trình bày cho nghe thêm một đoạn “Dòng phách". Tiết tấu tiếng phách thật kì diệu Lối dòng phách của bà không giản đơn là cầm hai cái thanh tre, gõ lên một mảnh tre. Phải gõ làm sao cho một bên dẹt, một bên tròn. Một bên phát ra tiếng nặng, một bên tiếng nhẹ, một bên trong, một bên đục, một bên cao, một bên thấp, lúc khoan, lúc dồn. Hơn nữa, bà là ngươi vừa dòng phách vừa hát. Tiếng hát thanh tao là bà ngân lên, quyện với tiếng phách nao nao với tiếng đàn trầm ấm, ngọt ngào. Trong khi đó, những tiếng trống chầu hùng biện đệm vào. Chúng tán thưởng, khen ngợi và ra tuyên ngôn: "Kẻ này đã gặp tri kỷ. Kẻ này yêu tiếng hát và tiếng phách của đào nương lắm lắm"!
Đúng như trong quan họ bảo: "Ta yêu người lắm lắm người ơi!"… Chỉ có 3-4 người ngồi trên một chiếc chiếu hoa, cùng với mấy nhạc cụ: phách, trống, đàn… đã làm cho những người Phải nghe say mê: say thơ, say nhạc, say tiếng hát, say tình bạn, say đời… Nghệ thuật ca trù của ta có sức sống trường tồn. Không chỉ riêng Việt nam ta yêu thích mà nó còn làm cho nhiều nhà nghiên cứu "âm nhạc trên thế giới say mê đến nỗi đứng ngồi không yên.
 
VẼ MẶT TÀO THÁO
Nghệ thuật hoá trang là một phần không thể thiếu, được của điện ảnh và sân khấu. Cứ thử hình dung mà xem, 25 tập phim Tây Du Ký làm say mê hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ mà không có hoá trang thì Điện ảnh Việt nam cũng đã nhiều lần giới thiệu với các bạn những thành công của nghệ thuật hoá trang trong phim truyện. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn cách vẽ mặt Tào Tháo, nhân vật nổi tiếng trong bộ tiểu thuyết trường thiên Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung Quốc. Nhân vật này cũng đã từng nhiều lần từ văn học bước lên sàn diễn sân khấu và điện ảnh… Kép hát tuồng nổi tiếng suốt vùng Bưởi và Hà Nội những năm 1935-1946 là Kép Thuyên. Ông là nghệ sĩ tuồng toàn diện, được các cụ trong nghề khen là "toàn thân giai nghệ ", nghĩa là nghệ thuật đầy mình. Các đoàn tuồng phải mời ông đến diễn mới mong bán được nhiều vé, nhất là vai Tào Tháo lại càng cần đến ông. Tôi vốn là người yêu thích tuồng từ thủa bé và thường được ở trong buồng trò những khi Kép Thuyên sắm vai. Tôi say mê các động tác diễn xuất, hát và nhạc. Nhưng tôi say mê hơn cả là nghệ thuật vẽ mặt các nhân vật tuồng. Cho đến bây giờ, sau nhiều nam được trang bị một số kiến thức về hội hoạ, tôi lại càng say mê nghệ thuật này, nhất là nghệ thuật vẽ mặt Tào Tháo của Kép Thuyên. Tôi cho rằng nửa thế kỷ nay, chỉ có hai người đóng thành công vai Tào Tháo là Kép Thuyên và nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Tốn. Những người vẽ mặt Tào Tháo một cách nghệ thuật cũng chỉ có Kép Thuyên rồi đến ông Tốn. Cái khéo của việc vẽ mặt không chỉ là vẽ đẹp nét mặt về phương diện tạo hình mà phải vẽ sao cho lột tả được tính cách của nhân vật Tào Tháo. Người ta gọi là mặt trắng Tào Tháo. Thật là khó khi bộ mặt nhân vật tuồng không có nét đỏ, nét đen, không có dằn di, lốm đốm. Mặt Quan Công đỏ, mặt Bao Công đen, mặt Trương Phi rằn ri v.v… đều dễ vẽ. Mặt Tào Tháo rất khó vẽ, lại là cái màu trắng độc đáo. Nó không phải là cái trắng nhễ nhại của các cô gái trong phòng the, không phải là cái trắng kiểu bạch diện thư sinh; không phải là cái trắng tang tóc mà phải là màu trắng của bụng con cá. Thường thường, màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch, cao đẹp, nhưng ngoài cái màu trắng ở bụng con cá lạ lùng này, không một màu sắc nào lột tả được cái thần của Tào Tháo. Trong văn học, Tào Tháo được miêu tả: hùng tài đại lược túc trí, đa mưu, văn võ kiêm toàn, vũ phi phàm, anh hùng đủ mặt, đa nghi, ghen ty, khẩu phật tâm tà, gian trá, hung ác, ích kỷ hại người, gian ngoan cùng cực v. v… Một nhân vật như vậy thì phải dùng màu gì để vẽ mặt cho thật khớp với cái chất của con người ông ta thật là khó. Bất kỳ màu sắc nào vẽ lên mặt ông ta đều mờ nhạt và vô duyên không tài nào lột tả được cái, "thần" của ông. Cái khoan dung hơn người cũng trùm lên cái lòng ghen ty vô kể, cái khí khái khác thường che đậy cái lòng riêng quá quắt. Cái mưu lược thiên tài đi liền với cái gian tà khôn xiết tả. Cái chí khí đại bàng lại chứa đựng chút nhỏ nhen, khôn ngoan giảo hoạt, thịnh tình và giả dối, khẳng khái và hèn mạt, hào hoa và cay độc… Tất cả những thứ trái ngược với nhau đều khó có ranh giới rõ rệt trong con người, Tào Tháo. Tất cả quyện lại rất hài hoà trong một thể thống nhất. Màu sắc của tính cách Tào Tháo phức tạp nhiều màu vẻ khôn lường. Do vậy, chỉ có bộ mặt trắng mới có thể bao quát được. Màu trắng là không màu mà cũng là tất cả mọi màu cộng lại. Ve mặt Tào Tháo vì thế phải dùng đến màu trắng của bụng con cá.
Cụ thể đó là nét độc đáo trong nghệ thuật hoá trang mà nhiều người chưa biết.
 
CA TRÙ DÒNG NHẠC DÂN CA HÀ NỘI
Nguyên lý của ca, nhạc cổ kim là nhằm khai thác những nhân tố tương phản về âm sắc, âm chất để đi tới sự hài hoà qua những phức điệu đan kết lại với nhau. Ca nhạc ca trù phù hợp với nguyên lý đó. Tiếng đàn đáy vừa cứng vừa mềm, đục, khàn (giọng khàn là giọng được giải phóng). Cây đàn đáy dài lm2, có ba dây chùng. âm thanh của nó phát ra là sự chắt lọc của đàn nguyệt, đàn tứ, đàn thập lục, đàn tỳ bà hợp lại. Một mình chiếc đàn đáy thay thế được cho nhiều nhạc cụ. Thùng đàn không có mặt hậu. Tiếng phách khô giòn, tung tăng, ấm, nặng tình. Tiếng hát của đào nương dẻo, mềm, mượt… Tiếng trống chầu thảng thốt, bâng khuâng, xa vời… Tất cả quyện lại với nhau tạo nên cái thao thức ngàn năm mà người Trung Quốc gọi là "Thiên cổ chi mê"? Giản đơn hơn gọi là sự hấp dẫn lớn.
- Ba loại nhạc cụ: Phách, đàn đáy và trống chầu là những nhạc cụ 100% Việt nam. Năm 1980, chuyên gia văn hoá của tổ chức A.C.C.T là ông Zakpa đã phát biểu sau khi dự một buổi ca trù Văn Miếu: “Buổi biểu diễn ca trù đã cho tôi hưởng một loạt những: nước mắt, tình cảm, dữ dội, tình yêu, sự vuốt ve âu yếm và tâm linh… Ca trù có đủ các thể loại: trữ tình, lãng mạn, sử thi anh hùng ca, giáo huấn… Các bài hát ca trù giàu chất thơ, ca. Chúng thoáng có nét thơ Đường, tranh thuỷ lạc, lại thấm chất dân gian, nhiều nhạc tính và kịch tính. Ca trù có chút buồn. Nhưng chất buồn này không phải là cái buồn bình thường mà là cái buồn to lớn: trầm ngâm, sâu lắng, suy nghĩ, cảm xúc nó làm cho những công việc bề bộn của trái tim được hài hoà. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã bỏ ra nhiều năm tháng để nghiên cứu và học ca trù. Năm 1940, ông viết trên báo Ngày Nay. "Đứng về phương diện hoà âm mà xét, lối hát ả đào là không thể chỉ trích vào đâu được. Ta chỉ nên lắng tai mà nghe sự hợp nhất, đối chiếu, thăng bằng hoàn toàn của mấy loại nhạc khí góp vào với lời ca. Năm 1944, ông lại viết trên báo Thanh Nghị: Chúng ta có thể tự hào rằng, không một tiếng hát nào trên thế giới có thể đẹp như tiếng hát của đào nương ca trù! ông lại thêm: "Đào nương là con chim hoạ mi của thơ ca Việt nam"
Suốt cả chặng đường gần 1000 năm trở lại đây, người Hà Nội không bao giờ sao lãng nghệ thuật ca trù kể từ khi dòng nhạc này còn là hát ở cửa đình, hát ở thành thị rồi vào kinh đô. Và rồi nó lại từ kinh đô mà trở về với thành thị, với các xóm làng. Nó không ngừng được cải tiến, hoàn thiện cả về hình thức lẫn nội dung để trở nên lối hát ca trù ngày nay. Nó được lan toả đi mọi nơi và cũng đi nhiều nước trên thế giới. Ở đây, thanh và sắc của nó cũng được nâng niu, kính nể. Từ những năm 1980 - 1940, ở Hà Nội luôn tổ chức những cuộc thi hát ca trù và đánh đàn đáy với sự tham gia của nhiều đào kép quái kiệt, hạng nhất ở Hà Nội và từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Sơn Tây, Thanh Hoá, Hà Tĩnh v.v… Các cuộc thi được tổ chức long trọng tại đền giáo, phường Lỗ Khê, Đền Hàng Quạt, đền Phố Huế, đền Ngọc Hà, Hàng Giấy, Thủ Khối, Gia Lâm, Bát Tràng… Người đoạt giải nhất được phong làm thủ khoa. Người đoạt giải nhì được gọi là á khôi. Phải là người được giải trong các cuộc thi này ở Hà Nội mới là tuyệt mỹ, là đáng mặt. Họ bảo nhau: “Phi Hà thành bất xứng cầm ca".
Có một lần, cụ thân sinh ra bà Quách Thị Hồ là người Kinh Bắc, có tài ca nhất Kinh Bắc, lại có nhan sắc lộng lẫy, đã chắc mẩm được thủ khoa. Nhưng không may, bà chỉ được á khôi, bà ăn năn mãi và quyết tâm rèn luyện cho con gái cố đoạt danh hiệu thủ khoa thay bà. Đó là cả một sự ân hận truyền kiếp. Từ những năm 1930, thành phần nhóm trình diễn ca trù luôn được các nhà nho, nhà thơ, học giả cùng với các tài năng dân gian hoàn thiện để nhóm được rút thật gọn nhẹ đến nỗi không phải thêm một thành viên nào mà cũng không thể rút đi được một thành viên nào. Những năm 1930 - 1935, các danh ca Đàm Mộng Hoàn, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm và các danh cầm Đinh Khắc Ban, Ngô Thế Tuất, Phí Văn Thọ… thường đến Hồng Ông để ghi những đĩa hát về ca trù. Danh cầm Phí Văn Thọ là thầy dạy của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Tính đến năm 1942, ở Hà Nội có nhiều xóm ca trù nổi tiếng, như các xóm Hàng Giấy, Hai mươi bốn quan, Vạn Thái, Khâm Thiên, Thái Hà ấp, Ngã Tư Sở, Phùng, v.v… Xa một chút có các xóm Gia Lâm, Thủ Khối, Bát Tràng, Bắc Ninh, Quốc Oai, Từ Liêm…
Năm 1977, ở Hà Nội có nhóm câu lạc bộ ca trù ở đền Bích Câu Chủ tịch câu lại bộ là người Lỗ Khê. Nhiều khách nước ngoài cũng đến tham gia câu lạc bộ. Năm 1979, tại Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Á Phi tổ chức tại Ran, bà Quách Thị Hồ đã được bằng danh dự với bài ca trù: "Xuân rồng chắp cánh rồng bay" Lời bài hát của Chu Hà.
Năm 1983, tại Mông Cổ, trong cuộc thi nghệ thuật của 29 nước, bà Quách Thị Hồ lại đoạt bằng danh dự và đặc biệt về “bài ca trù "Tỳ Bà Hành, " Một thành viên trong ban giám khảo quốc tế đã bình: "Tiếng phách của bà Hồ là một tiến hành khúc của tâm hồn". Nhạc sĩ Trần Văn Khê rất say mê ca trù, ông đi khắp thế giới. Đến đâu, ông cũng giới thiệu ca trù. Hồi tôi gặp ông ở Paris, ông nhờ tôi nhắn lại với các bạn trẻ: "Giờ đây, chúng ta không được nghi ngờ về giá trị cao siêu của ca trù"…
Ở làng Lỗ Khê, còn có đền giáo, phường ca trù. Nơi đây thờ tổ sư ca công và tổ giáo phường. Trong đền còn giữ lại được các bản ghi chép về sự tích các vị thần do Nguyễn Bính là tiến sĩ đời Lê Hồng Phúc soạn. Trong đền còn bức hoành phi, bức cửa võng chạm trổ tinh vi, có khám thờ hai pho tượng gỗ sơn son thếp vàng ngồi uy nghi. Đó là tượng ông Đinh Dự và bà Đường Hoa là tổ sư nghề đàn, phách, ca, múa và lập giáo phường. Nay ở Lỗ Khê còn hơn một chục "họ" ca trù. Các ca nương và các danh cầm của Lỗ Khê vẫn đi khắp nơi trình diễn. Cũng như xưa, họ đều có mặt trong các cung đình vua chúa. Nơi đây còn nhiều gia đình giữ được nhiều bộ phách và nhiều cây đàn đáy gia truyền. Họ thường tổ chức hát ca trù trong ngày lễ tổ sư, trong các dịp lễ, Tết của hai mùa xuân thu. Khách ở các nơi đến thăm họ trong những ngày này rất đông như thể người ta rủ nhau về thăm làng quan họ vậy. Ở Từ Liêm cũng còn đền thờ tổ ca trù. Ở phố Hàng Trống có đền thờ một đào nương từ đời Lê. Nàng tên là Huệ. Ở ngay gần chợ Hôm cũng còn đền thờ tổ sư giáo phường ca trù. Chúng ta đều biết, dòng nhạc ca trù của Hà Nội đã có rất nhiều đệ tử. Trong đó có những vị lừng lẫy như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tản Đà, Hoàng Tích Chu, Xuân Thuỷ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xuân Khoát, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Khắc Viện, Ngô Linh Ngọc, Hồ Tùng Mậu, Trần Huy Liệu, Trần Huyền Trân, Hồ Duyếch, Lê Hồng Phong, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Khê, Văn Cao, Nguyễn Tuân v.v… và v.v… Họ là những nhà nho, nhà trí thức, nhà văn hoá. Họ yêu mến ca trù và sáng tác ra những bài hát cho đào nương.
Mấy thập kỷ nay, đã có một số nhạc sĩ vớt được một chút hương hoa ca trù và kết nạp họ vào làng ca trù. Họ là: Nguyễn Cường, phó Đức Phương, Văn Thành Nho, Huy Thục, Đoàn Bổng, Nguyễn Ngọc Ninh. v.v… Người xưa đã cho họ ăn “lộc”. Ca trù là dòng nhạc truyền thống, dân gian được nâng lên mức bác học của Hà Nội. Nó cũng như dân ca quan họ của Kinh Bắc, ví dặm của Nghệ Tĩnh, ca Huế của Huế, ca tài tử của Nam Bộ v.v…
Ca trù là của Hà Nội.
 
GIỌNG HÁT XẨM BÂNG KHUÂNG
Xẩm là loại hình hát nói dân gian ở Việt nam do những người mù tài năng, có nhiều tâm tư, mang tiếng đàn, giọng hát góp vào với cuộc đời. Đó cũng là cách kiếm ăn duy nhất của họ. Người hát xẩm thường vừa hát vừa đàn (đàn bầu ống bơ). Cũng có khi anh ta kéo nhị, kéo hồ hoặc sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Bạn hoặc vợ xẩm đánh trống một mặt và đánh cặp kè. Các bài hát xẩm thường mang tính chất tự sự, kể về những nội dung phản ánh hiện thực xã hội. Có bài lên án những hiện tượng không hay. Có bài lên án, phê phán, than vãn, khuyên răn… Theo lời văn, giai điệu được biến hoá trên những âm hình, tiết tấu chủ đạo từng đoạn hoặc kéo dài, sâu lắng, lúc sôi nổi, rộn ràng, lúc buồn thảm. Thỉnh thoảng lại có những đoạn “Lưu không”: Xẩm không hát mà chăm chú, say sưa biểu diễn nhạc cụ. Anh dồn cả tâm lực, trổ hết tài hoa rồi tạo đà để hát đoạn sau. Đến những đoạn trữ tình, huê tình, bi hùng… anh xẩm rượn mình, ngẩng cao đầu. Đôi mắt không nhìn thấy gì cứ hướng vào xa lắng mênh mông. Tay gấy đàn hoặc kéo nhị nhấn nhá, vuốt ve và ca lên nồng nàn, sôi nổi, đầy kịch tính. Những lúc này là những giờ phút xuất thần của xẩm, gây được một sự vương vấn lâu dài trong lòng người nghe.
Do vậy, những người thưởng thức thi nhau vứt tiền vào chiếc chậu thau bẹp để thưởng cho xẩm. Các làn điệu của xẩm thường toát lên tính cách tiêu biểu của tâm hồn Việt nam: Quý trọng nghĩa tình, chung thuỷ, yêu lẽ phải và đạo đức, lạc quan, tintưởng vào tương lai. Mặc dù, xẩm luôn luôn ở vào một cuộc sống đầy vất vả, gieo neo. Những bài hát của xẩm dễ hiểu, dễ thuộc, thuộc rồi càng muốn nghe. Cái hay của xẩm là "đàn ngọt, hát chín", lột được tình cảm, có kèm cử chỉ, dáng điệu sống động, giàu chất biểu diễn. Có những đêm khuya thanh vắng, xẩm ca, kể chuyện chồng con đã làm cho nhiều người chảy nước mắt. Để nhớ đến chiến công của các chiến sĩ trong Trung đoàn Thủ đô ngày nào đã vượt sông, anh dũng chiến đấu để rồi trở về giải phóng Thủ đô, anh xẩm thay mặt một người dân, hét lên khúc tráng ca:
Khăn gói trên vai, kẻ giang hồ chậm bước
Nghe hát bài: "Anh khoá bâng khuâng"
Hồn nước mang theo gót vạn trùng
Người đi, không mấy người trở lại…
Non nước ta, ngày nay tưng bừng vĩ đại.
Ơn người một buổi… đã qua sông…
Bài xẩm "Thập ân" là một làn điệu trong những làn điệu chính của xẩm. Nó ngang thưng với những làn điệu đặc trưng của xẩm như: xẩm chợ, xẩm xoan, chênh bong, riềm huê, phần huê, hát ai… Nó mang một sắc thái riêng. Nó dân dã, được quần chúng nhân dân bao giờ cũng tán thưởng một cách say sưa, xúc động. Bao giờ nó cũng cộng hưởng với tâm tư, tình cảm của con người ở nhiều cung bậc. Nó nói về tình mẹ con muôn đời. Người ta đón nghe “Thập ân” rồi mở rộng chân trời suy ngẫm. Nó buồn rầu, thực cảm, hùng hồn, khêu gợi, hao hao cái chất "oán thập điều” trong chèo. Nó lại có họ hàng với nhạc và Phật, kể lại công lao của cha mẹ. Nhưng nhất là mẹ đối với đứa con từ lúc đứa con ra đời cho đến khi được nuôi dạy lớn khôn. Đứa con là trái tim, là linh hồn, mà cũng là giấc mơ của mẹ. Bài hát cũng nhắc nhở một cách khéo léo đến nhiệm vụ làm con đối với công lao trời biển của mẹ. Lại còn có ý nghĩa nữa gài vào là đối với người con xứng đáng thì mẹ đẻ cũng là quê hương, là đất nước. Có thể lầm lạc đối với cha mẹ sẽ dẫn đến lâm lạc với quê hương.
Con người hãy coi chừng! Mẹ đẻ và mẹ Tổ quốc bao giờ cũng thương yêu và rộng lượng với những đứa con. Chính vì những ý này gắn bó với nhiều ẩn ý sâu xa làm cho bài hát xẩm "Thập ân" đã có từ rất lâu đời mà vẫn còn tươi mãi đẹp đẽ và ấm áp đến tận bây giờ và mai sau. Khi chuyển từ đoạn này sang đoạn khác, xẩm tài năng dùng thủ thuật hát và nhạc lúc tươi màu, oán màu, lúc lại thắm màu… Số lời hát của xẩm thường theo lời sáu, tám, có sân si đôi chút. Xẩm hay đưa bốn chữ của câu sau lên đầu để nhấn mạnh và phát triển:
Mẹ mới có thai
Kể từ mẹ mới có thai
âm dương, trai gái, trúc mai đều… (là) tình.
Những nhóm xẩm phiêu lưu, xê dịch hết nơi này đến nơi khác. Họ sống rất kham khổ mà yêu đời, mang tiếng đàn, câu hát đi lang thang nhân thế, nhận tiền thưởng và sự cưu mang của người đời. Xẩm thường hoạt động ở những nơi có đông người tụ họp, bên cạnh một cái quán hàng, mái chợ, bến tàu, bến xe, bến đò, ven sông hoặc những nơi có hội hè, đình đám… có khi, vài nhóm xẩm họp lại với nhau. Trường hợp này xẩm có thêm nghệ sĩ, thêm nhạc cụ: tiêu, sáo, thanh la, hồ v.v… có khi thêm cả đàn thập lục. Họ diễn tả hẳn cả một tích chuyện lớn và tập trung vào nhiều đoạn lâm ly, làm xúc động lòng người. Có khi họ hát thâu đêm suốt sáng. Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật dân gian, phản ánh được hơi thở của cộng đồng lao động, những biến cố lịch sử bi hùng, tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Nó góp phần đưa thêm vào nền văn hoá dân gian Việt nam một chút hương sắc của hoa ngâu, hoa mộc.
 
CHUYỆN VỀ NHẠC HIẾU XƯA
Xưa kia (và cả bây giờ), những đám tang thường mời phường hiếu đến giúp đỡ. Phường hiếu còn gọi là phường kèn hát, phường bát âm. Mọi người rất coi trọng điều này, bảo: "Sống dầu đèn, chết kèn trống". Nhà nghèo thì mời phường nhỏ, chỉ có kèn, nhị và trống cơm. Phường bát âm gồm đủ tám nhạc cụ: hồ, nhị, hồ gáo, sáo, đàn tứ, trống cơm, tiu cảnh, kèn; kèn lại có kèn đại, kèn pha. Mỗi nhạc công điều khiển một nhạc cụ. Có người điều khiển 2, 3 nhạc cụ. Người chỉ huy tối cao là ông trùm phường, ông trùm phường đảm nhiệm kèn. Vì kèn giữ vị trí "soái âm". Nhạc hiếu truyền thống của ta có 10 làn điệu chính là: Lâm khốc, Nam Ai, Nam Xuân, Nam Thương, Ngũ Đối, Lưu Thuỷ, Con nhạn lạc đàn, Điếu Quân, Xuân Nữ, Mã đáo vô nhân. Nhưng mỗi làn điệu lại có nhiều biến tấu và những đoạn đệm, đoạn chuyển màu của nó. Do vậy mà trở nên có rất nhiều làn điệu vô cùng phong phú, mang sắc thái truyền thống sâu sắc và có giá trị cao. Chính những nét nhạc Xuân Nữ đã gợi ý để chúng ta có được những “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính, những " Cô gái Việt nam" của Hồ Dzếch.
Những năm 1975 - 1980, người viết những dòng này đã đưa những nhà nghiên cứu âm nhạc của Hunggari, Bulgarie, Nga, Pháp đến thăm một vài phường ở Bưởi, Sài Sơn Hà Bắc. Họ đều đánh giá rất cao nhạc hiếu Việt nam. Họ rất cảm động khi được tiếp xúc với những ông trùm phường như ông Kha, ông Sinh, ông Côn. Họ đã vái các ông. Làn điệu Lâm Khốc còn gọi là Lâm Khốc, Lấm là từ cổ, có nghĩa là cũng khóc. Điệu Nam Ai buồn, bi thống. Nam Xuân đỡ buồn hơn. Ngũ Đối và Lưu Thuỷ nhẹ nhàng, lăn tăn, vồ vập. Con nhạn lạc đàn miêu tả sự cô đơn, tan tác. Điệu Quân tả cái chết bi hùng của một tướng quân chết trận. Xuân Nữ buồn cho tuổi xuân của một thiếu nữ. Nó nhắc đến những giấc mộng ban đầu rất xa. làn điệu này rất hay và rất đẹp. Mã đáo vô nhân mô tả sự bi thương, hùng tráng khi con ngựa chiến trở về mà trên mình nó không có người… Xưa kia, ở nhiều nơi có những phường hiếu do một số người tập hợp lại.
Họ mời thầy về, luyện tập với nhau trong những lúc nhàn rỗi. Mỗi phường thường có một, hai chàng trẻ học nghề. Họ phải hầu hạ rượu, thuốc, nước cho những người được gọi là quan viên của phường. Nhạc cụ do phường tự mua sắm. Nhà có đám đến mời phường. Một nhóm người đi theo nhà đám, gọi là đi nhận đám. Người chết nằm xuống được liệm đặt vào áo quan. Cả gia đình, các con, cháu, họ hàng túc trực sẵn quanh áo quan. Lúc này, phường kèn cử lên đoạn Lâm Khốc với sự hoà tấu náo nhiệt của tất cả các nhạc cụ. Nhưng tiếng kèn vẫn là chủ đạo. Chính vào lúc này, nhà đám tiến hành phát tang… Tiếp theo, phường kèn tấu những điệu Nam Ai, Nam Xuân, Lưu Thuỷ, Ngũ Đối v.v…
Phường kèn ngồi tập trung vào một hai chiếc chiếu bên cạnh bàn thờ. Phía trong bàn thờ là áo quan người chết. Khi có đoàn nào hoặc người nào đến phúng viếng, ban nhạc gõ mấy tiếng trống báo tin khách đến rồi cả ban nhạc cứ những làn điệu: Con nhạn lạc đàn, Điếu quân, Mã đáo vô nhân hoặc Xuân Nữ sao cho phù hợp phần nào với thân phận và sự nghiệp lớn hay nhỏ của người chết. Trên đường đưa linh cữu người chết ra mộ, đám ma phải qua cái cổng làng. Lúc này linh cữu phải khiêng hạ xuống thấp, và ban nhạc cử bài "con nhạn lạc đàn" để người chết có lời cáo biệt. Ra đến mặt trước cổng làng, linh cữu phải quay lại 180 độ để mặt người chết được nhìn cái cổng làng lần cuối. Lúc này, ban nhạc rúc lên bài Điếu Quân hoặc Mã đáo vô nhân. Tiếng kèn nổi lên rất hùng tráng, bi thương mà cũng tiêudao, sương khói.
Sau đó, trên đường ra đồng, ban nhạc cử những nét nhạc bồng bềnh, thanh thản không buồn lắm mà tung tăng, hao hao cái vị "Đường trường tiễn đưa” của chèo… Lúc hạ huyệt, phường kèn biểu diễn hầu hết cả mấy làn điệu chính có biến tấu và xen kẽ vào nhau. Lúc thật buồn, lúc lại nhẹ nhàng như gió thoảng, mây bay với những Kim Tiền, Lưu Thuỷ… Đến chiều tối, nhà đám cúng vong, khách đến phúng viếng đã vãn, phương kèn dạo đi, dạo lại một số làn điệu để chuẩn bị cáo từ nhà đám. Nhưng, lúc này lại là lúc sôi nổi. Một số người thân thích của người chết mượn một người trong phường có giọng hay, khóc hộ mình. Những tiếng khóc đó được cả phương đệm nhạc, nghe thật thấm thía, não ruột. Nhưng lại là tiếng lòng. Cô em gái người chết làm ăn ở nơi xa, lận đận về chịu tang người anh. Cô ta nhờ bác trong phường khóc hộ mình, bác Giáp của phường kể lể trong tiếng nhạc: "Em có ngờ đâu, em định bụng về thăm làng… lại được tin nhắn… anh lạc đường mệnh chung… tưởng đâu nhớ họ hàng… Lại thành ra chuyện… em về chịu tang…". Tiếng nhị ngẩn ngơ vuốt theo: "Cò cò… cư… cư ư"
Người nhờ khóc hộ biếu phường một số tiền nhỏ, đặt vào chiếc đĩa giữa chiếu. Việc làm này gọi là "thưởng". Rồi cứ thế, tiếp tục với những đoạn khóc hộ như: Cha ơi! các anh các chị vuông tròn Đời con rách nát, mỏi mòn cha không hay Hoặc: Bây giờ hồn thác không còn Thì thím trông cậy vào ai bây giờ…? Lại như: Cây rầu rầu, cỏ rầu rầu Chú đi đê nhớ, để sầu cho ai? Hoặc: Ai làm cho phấn xa hương Cho duyên lìa phấn, cho tôi mất chồng v.v… Trời đã về khuya, phường kèn rúc lên hồi kèn "Tế vong" rồi xin ra về. Nhà đám đưa chân phường ra ngoài ngõ, biếu phường một số tiền lót tay, nói lời cảm ơn, biếu phường 1 chân giò, một đĩa xôi và một nải chuối. Tất cả những thứ này được cậu bé đi theo học nghề cho vào tay nải.
Đến đây, tôi phải kể về một ông trùm phường kèn. Tên ông là Kha, là con người phiêu bạt, đi theo phường kèn của cha từ năm còn 8 tuổi. Đến năm 20 tuổi, ông đã là một cây kèn nổi tiếng. Ông có mặt trong hầu hết các đám tang của cả vùng Bưởi, vùng Từ Liêm. Ông là người rất hiểu đời, thông cảm với những cảnh đời khác nhau và rất lịch lãm. Sau đó ít lâu, người các tỉnh khác phải mời ông về, dạy cho một vài miếng độc về nhạc hiếu. Gọi là những "miếng" để đời. Tiếng kèn của ông đã trở nên vô địch. Đám nào mời được ông đến là một điều vinh hạnh. Lúc này, người ta gọi ông là ông chân Kha. Tại sao vậy? Tại ông có 9 vợ, ông đi đến đâu cũng có người xin tình nguyện làm vợ ông. Ông mỉm cười: "Thì… duyên phận phải chiều ông đến thổi kèn ở làng nào thì ở lại với bà vợ ở làng đó vài ngày. Sau đó, lại phiêu lưu đến làng khác. Cứ thế… đến lúc ông chừng 60 tuổi, ông thường sai các học trò của ông đi nhận đám. Còn ông, ông ở nhà để dạy những người đến xin học kèn ở mức độ cao. Những năm 1957 - 1960, tôi được biết một số nhạc công trong mấy đoàn nghệ thuật và ca nhạc Trung ương cũng như địa phương đến học ông. Đến năm 1994, ông đã 80 tuổi. Nhưng ông còn tỉnh táo và nhanh nhẹn. Hồi đó, bà dì tôi mất. Bà là người đàn bà khổ, tận tình giúp đỡ tất cả mọi người trong họ và coi đó là hạnh phúc của mình. Bà không có chồng.
Tôi có đặc ân mời được chính ông dẫn phường đến “thổi”cho đám ma của dì tôi. Suốt hai đêm liền, phường bát âm có tiếng kèn của ông chín Kha đã làm cho cả khu xóm Ao Ngang của chúng tôi không một ai ngủ cả. Họ thích nghe tiếng kèn của ông chín Kha… Giờ đây, ông đã là người thiên cổ. Ông để lại cho cuộc đời 11 người con và cháu là những nhạc công tài hoa và nổi tiếng. Còn học trò của ông thì đếm không xuể. Thiết nghĩ, nhạc hiếu của ta cũng là một mảng quan trọng trong kho tàng âm nhạc Việt nam. Chúng tôi đã từng nghe và để ý đến những nhạc đám, những musique, funébre, những funerailles của phương Tây và nhạc hiếu của Trung Quốc. Thiết nghĩ, giới âm nhạc của nước ta cần phải chú ý hơn nữa đến mảng nhạc hiếu. Nó cũng rất xứng đáng nếu không muốn nói nó có thể làm lung lay giới âm nhạc quốc tế…
 
CHẦU Ả ĐÀO CUỐI NĂM
Đó là chuyện của Hà Nội những năm trước kia. Sau ngày tiễn ông Táo lên chầu giời, nhiều nhà hát ở phố Khâm Thiên rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên. Các nhà hát được gọi theo tiếng lóng là: Nhà sang, nhà phố, nhà phường. Loại "Nhà sang" là mấy nhà hát sang trọng nhất, khách là những người có "phương diện", các quan chức sắc, quan tham, quan phán, nhà báo, kẻ sỹ, kẻ giang hồ cao cấp hoặc lữ thứ, khách có chữ nghĩa nhiều. Khách của "nhà phố" là khách hang trung lưu. Còn "nhà phường" là nhà hát bình dân gọi là khách tứ xứ, thập thành. Ở những nhà hát loại sang, các nàng ai nấy đều ăn diện sang hơn hẳn mọi ngày. Những kiểu quần áo mới được đưa ra. Trang điểm cũng rất kỹ. Có cả những cô em thuộc lớp "ca-valie" đăng xinh (gái nhảy đầm) về giúp thêm việc trang điểm. Các nàng đón các ông anh, các bạn ra vào rầm rập suốt ngày để hát một chầu tất niên. Bằng nhiều hình thức khác nhau. Các vị khách đã tặng cho các cô em mà mình "say" hoặc có cảm tình những tăng vật đắt tiền hoặc một số tiền đủ để các em “chu toàn" cho cả mùa xuân. Ở góc này, người ta hát: Ai cầu phong, mà gió tự đâu sang Hay mải khách văn chương tìm kết bạn… Tom tom tom - chát… Ở một góc khác, một khách một nàng ngồi bên nhau trên ghế ngựa.
Chàng là thi sĩ, nắm lấy tay nàng, nhìn nàng đắm đuối và ngâm lên: Ôi mắt xa xôi, mắt ly kỳ Ta trông thấy cả trời ta mơ ước Thấy bóng cả vầng đông thuở trước Cả con đường sao sáng lúc ta đi Cả đường mây bao phủ lối ta về… Người ta hát ở trên gác mấy câu trong bài "Tống biệt" sao mà buồn thế: Lá đào rắc lối Thiên Thai Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi Nửa năm tiên cảnh Một phút trân ai Đá mòn rêu nhạt Cửa động Đầu non Đường lôi cũ… Ngàn năm ngơ ngân bóng trăng chơi! Cô gái ngồi với chàng thi sĩ là một người đẹp đã lên bìa của mấy số báo Tết ở Hà Nội. Có tiếng người khóc với nhau. Mọi người kháo nhau về việc ông tham Trác đưa cho nhà hát một số tiền lớn để chuộc đào Uyển về làm vợ. Nghe đâu ông ta đã tậu hẳn một ngôi nhà cho cô. Vài cô đào chuẩn bị về quê, khách yêu các cô theo kiểu yêu lắm, yêu vừa hoặc yêu lang thang của họ cũng nhắn điều chào gửi tới những người thân ở làng quê và gửi cho họ chút quà. Bữa hát tất niên gồm tất cả chừng 6, 7 vị khách thân quen hay lui tới nhà hát nhất gọi là khách Mạnh Thường Quân và tất cả các cô em cùng dự chung.Trước hết, bằng một bữa ăn thật sang mà các cô đều trổ hết tài ba ra để tổ chức bữa tiệc, cô Tuyên chuyên môn làm món yến, cô Lan món long tu, cô Đào món vây cá. Đó là những món chính. Còn vài món phụ do các cô em khác phụ trách. Nghệ thuật làm các món ăn của họ thật tuyệt vời, kiểu cách, cầu kỳ, đúng vị. Họ nấu ngon vào bậc nhất Hà Nội, chẳng kém đầu bếp của những nhà hàng nổi tiếng như Đông Hưng Viên, Mỹ Kinh. Những món ăn thật ngon miệng và bày biện thật ngon mắt được bày đầy bàn.
Tuy vậy, mọi người đều chỉ nếm tí chút, nghĩa là ăn chơi bời. Họ chú ý nhiều đến việc tâm sự với nhau, nhìn nhau và hay nhau. Các món tráng miệng cũng đặc biệt. Họ bổ cam tách múi cũng nghệ thuật. Cách mời ăn cũng lịch sự, trân trọng, yêu quí và thân tình Một vài ông bạn tôi cho rằng các tiếp viên và các đầu bếp nữ ở các khách sạn ngày nay còn thua xa chị em Khâm Thiên ngày xưa. Sau bữa tiệc, ăn tráng miệng, rồi uống trà ướp hương nhài xong vào chầu hát tất niên… Chầu hát này rất đặc biệt, hai ba cô em vào loại có thể làm cho ai khó tính nhất cũng phải "nhào" và người đứng đắn nhất cũng phải lạc đường, cỡ như Đàm Mộng Hoàn trước đây và cụ Quách Thị Hồ bây giờ, thay nhau lên hát vài khổ tâm đắc nhất. Kép đàn phải đủ ngón, vừa bay bổng, vừa hào hoa. Người cầm chầu là người được phong là "Tư mã" mới được mời ra cầm roi chầu tất niên. Đến ngày mồng một Tết, nhà hát có cắm cành đào do chính một cô em có con mắt tinh đời lên tận Nhật Tân mua về. Chủ nhà và các cô em ăn mặc lộng lẫy, ra tận cửa đón vị khách quý đến “xông nhà" lấy may. Khi đến xông nhà, khách mang theo vài anh em, chủ nhà và các em mời khách ngồi uống trà thiết quan âm. Họ chúc nhau những lời tốt đẹp. Cô em đặt lên trên bàn một chiếc sáp sơn son thếp vàng có những ô nhỏ đựng các loại mứt ngũ vị. Khách đứng dậy đặt lên giữa chiếc tráp một phong bì hồng điều đựng số tiền hào phóng chừng cả tháng lương của một công chức loại trung bình. Khách còn phong bao cho các cô em mỗi người một số tiền có thể duy trì sinh hoạt trong tháng. Những người giúp việc, phu xe, bà bếp cũng được khách mở hàng.
Khi khách đến xông nhà ra về là lúc nhà hát mở cửa đón các quan khách vào xuân.
Khi đó tiếng pháo mới nổ.
 
NGHỆ THUẬT HÁT Ả ĐÀO
Chừng những năm 1940 - 1941, ở Khâm Thiên có nhiều nhà hát ả đào. Có hạng sang, thật sang, hạng giữa và bình dân… Lúc này, ở các nơi khác như Vặn Thái, Hai mươi bốn gian hoặc Ngã Tư Sở cũng có đủ mấy hạng như vậy, nhưng thưa thớt hơn nhiều mà cũng không có hạng thật sang dành cho các quan lớn từ tri phủ trở lên, các quan chức cao cấp vào làng Tây hoặc những tay giàu có thích chơi ngông. Loại sang thường dành cho những quan nhỏm các ông tham, ông phán, một số văn nghệ sĩ có gia đình buôn bán hoặc được nhờ cậy vào cha mẹ, anh em… Loại sang ở Khâm Thiên phải kể đến nhà hát của bà đốc Sao và của danh ca Đàm Mộng Hoàn. (Nữ ca sĩ này được các hãng thu đĩa hát Pathé, Asia, Columbia tranh nhau mời thu đĩa hát nên rất nổi tiếng về ngâm thơ, ca trù… Những đĩa hát của cô đã được phát hành khắp Việt nam, tại Hồng Kông và tại Pháp). Loại bình dân gồm đủ mọi thành phần khách thông tục hơn, nhưng cũng đậm nét cuộc đời hơn… Các nhà hát thường theo yêu cầu của khách mà tổ chức những chầu hát và chầu rượu. Có khi chầu hát kéo theo chầu rượu hoặc ngược lại.
Nhà hát thường có hai tầng. Tầng dưới dành cho hạng khách trung và bình dân. Tầng trên dành cho khách sang, được bố trí như ở những gia đình quan sang, quyền quý. Thường có một hai bức bình phong ngăn cách từng khoảnh. Ở chính giữa là một giá lộ bộ sáng quắc. Sập gụ, tủ chè đều khảm những chữ: phú, quý, thọ, khang ninh; những hình tượng con dơi và đồng tiền. Một bàn thờ có chiếc đỉnh đồng lớn, một lọ độc bình cổ và một bát hương lúc nào cũng có khói bay lên làm mây gió để giữ cái màu dĩ vãng, toả mùi thơm ngào ngạt và làm nên một bầu không khí mơ màng sương phủ. Trên tường cũng treo một vài bức tranh cổ và một bút thơ pháp với những nét chữ bay bổng để gây cảm hứng mạnh với những ai có chút lưu luyến đến chữ nghĩa và nghệ thuật.
Hôm ấy, nhà hát nhận được phong thư báo sẽ có 4 vị khách quý đến mở chầu rượu vui vào lúc 8 giờ tối… Khách đến trước giờ chừng 15 phút. Cậu Phán Ngôn ăn mặc sang trọng nhất. Cô Xuyến ra đỡ mũ, áo ngoài cho khách và vắt lên mắc áo. Các vị khách ngồi xuống mấy chiếc ghế gụ có mặt đá. Gian phòng vang lên: Tom tom tom, chát… Tưng tưng, tưng… Tiếng phách chảy tung tăng như nước suối. Cô Huệ hát lên: Ai cầu Phong, mà gió tự đâu sang! Hay mải khách văn chương… tìm kết bạn Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán Cánh chim bằng, chín vạn những chờ mong Nên chăng gió cũng chiều lòng… Chỉ là vài câu thôi, nhưng ca nhi, thầy đàn và người đánh trống chầu đều là những tay cự phách nên hay lắm. Nó ngân nga, trầm bổng, da diết. Nó mang theo chất thơ Đường, những đám mây lang thang xa xôi, ảo ảnh… Cậu Ngôn làm duyên với ông Bàn một bao thuốc Craven A. Ông đã khước từ canh hát ở nhà đầu phố để đến đánh đàn cho người tri kỷ. Đào Huệ được biếu chiếc khăn san Bombay. Mấy cô đào khác được mỗi người một tá khăn mặt mùi soa. Các cô còn có thể được nhận một chút tiền biếu. Nhưng nhận vào lúc không ai biết đến. Mọi người vào cuộc rượu đầy hân hoan, phấn khởi. Ông tham Trác ngâm mấy câu thơ say của Vũ Hoàng Chương rồi nâng chén chúc mừng sự gặp mặt, chúc mừng nhà hát. Các chị em đã thuộc tính từng người. Cậu Ngôn và ông Phán toà sứ được mời hai ly rượu Tây.
Còn hai vị khác dùng hai ly rượu Mai Quế Lộ… Các nàng hát ngồi bên cạnh các quan khách, rót rượu rất khéo rồi với hai bàn tay ngà, nhẹ nhàng đưa lên miệng khách: "Em dâng chàng… rượu trường sinh…". Uống xong, họ thưởng thức một vài miếng ngon trong bát bóng như miếng bóng thủ, thịt, tôm, rấm và chút nước dùng. Và cứ thế, vừa uống tràn vừa nếm nạp. Những món nhấm nháp này do các cô em lấy từ chiếc phạng sứ Giang Tây ra rồi để vào bát con, đưa đến cho khách. Các cô gái mời, giục khách ăn kẻo nguội. Họ phe phẩy cái quạt, quạt cho khách. Họ giới thiệu khéo cho khách để cho khách biết những món mình đang ăn được chế tạo bởi những bàn tay thân yêu. Những bàn tay ấy cũng nhắc nhở đến những bàn tay của người em gái, chị gái hoặc chính người mẹ thương yêu của khách.
- Nào… tất cả… ta cạn chén. Uống !!!9705_15.htm!!! Đã xem 39594 lần.

Đánh máy: Mõ hà nội
Nguồn: Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội)
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 19 tháng 8 năm 2007