Chương II ( B)

VĂN HOÁ TẮM
Tắm cũng thiết yếu như ăn, uống, ngủ, yêu, vui chơi v. v… Từ thượng cổ đến giờ, tắm được coi như sự săn sóc, vệ sinh thân thể con người, làm cho các giác quan được tỉnh táo, hài hoà. Tắm còn có nghĩa làm cho thân thể và tâm hồn trong sạch, như được sống và tươi tốt trở lại. Do đó, tắm lại có nghĩa thiêng liêng. Tắm thoả mãn sự thư giãn, sự trở về cội nguồn hoan lạc, yên ổn, âu yếm, vuốt ve… Tắm thầm nhắc đến sự lặn, ngụp và xua đẩy những cặn bã của sự mệt nhọc. Trong Truyện Kiều, Thúc Sinh trở về quê sau một chặng đường gió bụi. Hoạn Thư đã chuẩn bị cho chồng "Tẩy trần vui chén thong dong" và một bữa tắm "tẩy Trần". Nàng nghĩ thầm trong bụng: "Thứ nhất e kẻ ngà ngà, thứ nhì e kẻ đường xa mới về”. Trước ngày cưới, cô dâu và chú rể cũng tắm cầu kỳ với nước có mùi thơm của hoa mùi hoặc hương nhu thơm mát và thánh thiện.
Giáp Tết, mọi người tắm "tất niên" để đón năm mới đầy thanh xuân và phồn thịnh. Cũng trong truyện Kiều, còn có những dòng: "Buồng the phải buổi thong dong Thang lan rủ bước, trướng hồng tẩm hoa Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên…" Cụ Nguyễn Du đã tả cô Kiều tắm với tấm lòng nâng niu và ca ngợi cái cơ thể không có mảnh vải nào của cô Kiều với cái đẹp tuyệt đích. Lịch sử và văn hoá Việt nam còn ghi lại những giờ phút tắm mát của Tiên Dung công chúa dẫn đến cuộc gặp gỡ huyền thoại mà dữ dộivới Chữ Đồng Tử. Ở các đình, chùa, trước ngày lễ và tổ chức đám rước, người ta lấy nước giữa dòng sông về tắm cho tượng của Phật và các thần thánh. Nếu là nữ thần thì sẽ do chị em phụ nữ đảm nhiệm việc tắm. Lẽ dĩ nhiên nước tắm phải có mùi thơm thực vật và xạ hương. Trước khi lên đàn Nam Giao tế lễ trời đất, vua và các quan cũng phải tắm rửa sạch sẽ. Ca dao Việt nam nhấn mạnh: "Muốn tắm mát lên ngọn sông đào". Người ta lại nói: "Ăn no, tắm mát, rủ nhau đi nằm”. Đó là cái mơ ước bình dị mà sâu xa chúng ta ai chẳng qua cái đận 9-10 tuổi cởi truồng tắm trong mưa. Người ta có thể tắm ở khắp nơi: sông, suối, ao, hồ, giếng… ở các nơi miền trung du, cách xa sông, người ta thường tắm ở giếng. Những năm 1949 -1950, bộ đội đóng quân ở các vùng Phú Hộ, Vũ Yến, Lạn Dương rất ngạc nhiên về phong cách tắm ở đây. Anh bộ đội tắm ở giếng. Anh ta được thành giếng cao chừng 60 cm che chắn. Ngay lúc đó, ở thành giếng bên kia có cô gái cũng tắm, cúi lom khom, giơ tay sang phía anh bộ đội: “Cho em xin ít xà phòng". Anh bộ đội bối rối, liền nói: "Vâng. Tôi để xà phòng ở đây, chị cứ dùng": Anh liền vội vàng cầm quần áo khô, trở về đơn vị với cái quần đùi ướt sũng. Cô gái vui, hồn nhiên, gọi các cô khác ra cùng tắm. Họ cười ầm lên, múc nước té nhau.
Ở các nơi miền núi, phong cảnh thật đẹp: mây, núi, cây răng các cô gái Thái tắm ở suối rất tự nhiên. Cô mặc chiếc váy dài đen bóng, đi ra suối. Nước đến đâu, váy được vén đến đấy. Ra đến giữa suối, váy được vén từ từ lên tận đầu. Cô thoả chí vẫy vùng với làn nước. Rồi trong quá trình lên bờ, chiếc váy lại được kéo xuống. Lên đến bờ suối thì chiếc váy đã được buông xuống tận bàn chân. Cả quá trình tắm là một màn múa. Cô đã biểu diễn màn múa một bông hoa lúc toả ra, lúc khép lại. Cùng với cái thân thể là kiệt tác của cô, màn múa như đã tạo ra một vẻ đẹp nín thở. Ở những chỗ ít người qua lại, các cô gái Thái không tắm như thế. Họ cởi phăng tất cả ra, vắt váy, áo lên cành cây bên suối, rồi trần truồng, nhảy ào xuống tắm, nô đùa với nhau. Cảnh này gọi là cảnh "tắm tiên".
Trên đời có vô vàn kiểu tắm. Người ở cao nguyên Tây Tạng coi việc tắm là điều linh thiêng. Họ chọn ngày, giờ tất lành, rủ nhau đi tắm. Đặc biệt là từ ngày 6 đến 12 tháng bảy lịch Tây Tạng, mọi người làm lễ tắm. Nam, phụ, lão, ấu cùng tắm chung với nhau ở những khúc sông, khúc suối. Với họ, tắm là tái sinh để đón nhận những điều tốt lành mới. Họ đều không mặc quần áo gì cả. Người ta cũng chẳng rụt rè gì mà ngắm nhìn những công trình kỳ diệu của tạo hoá phơi bày la liệt. Như thể nhìn ngắm lá, cây, hoa cỏ vậy. Họ tin rằng sau khi tắm, những cô gái không xinh cũng trở nên nhan sắc. Người ấn Độ cảm thấy rất hạnh phúc khi được tắm nước sông Hằng lúc mặt trời mới lên, đó đúng là giờ phút linh thiêng. Tắm xong họ lên bờ, múa hát như điên dại rồi lại xuống tắm. Cứ như vậy nhiều lần.
Ở Nhật Bản có nhiều nhà tắm công cộng. Trước đây, cả nam lẫn nữ cùng tắm chung. Nhà tắm công cộng ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới từ mấy thể kỷ nay. Nhưng buồng tắm sang trọng có các cô gái phục vụ rất ân cần. Nhưng rất đắt tiền vì những buồng tắm kiểu này cũng là những nơi ăn chơi rất mực mà cũng phong tình rất mực. Trung Quốc còn giữ lại được di chỉ các khuôn viên những bể tắm phù hoa của Dương Quí Phi, Đường Minh Hoàng và bãi tắm của Tây Thi. Người Trung Quốc gọi các cô gái đang tắm là những bông hoa đăm nước: "tẩm hoa". Xưa nay, các nhà thơ, hoạ sĩ nổi tiếng trên đời đều trân trọng đề tài về những cảnh tắm và đã có nhiều bài thơ cũng như những bức tranh bất diệt về tắm.
Có những kiểu tắm như tắm rượu, tắm sữa, tắm dầu, tắm nước dừa, tắm sữa dê có xạ hương, tắm bia, tắm nước trà, tắm trong bồn tắm băng vàng, tắm hơi v.v… Các cô dâu Italia thường đi tắm ở những đoạn suối mà ngày xưa các vị thần đã tắm. Khi ra về, cô đinh ninh là mình không phải là người trần thế nữa, rồi mới về nhà tiếp chú rể. Khánh du lịch nước ngoài đến Việt nam thường ao ước được đến tắm tại những khúc suối huyền thoại ở Mộc Châu, Sơn ra…
VĂN HOÁ THUYỀN
Chiếc thuyền là linh hồn muôn thuở của sông nước, cho nên, con thuyền gắn bó khăng khít với văn hoá của cộng đồng. Người được gọi là "sông nước, đò giang đã từng" là con người từng trải, xuôi ngược. Ở nước ta, nơi nào cũng có bóng dáng những con thuyền: thuyền Nghệ An, thuyền đuôi én Tây Bắc, thuyền miền chiêm trũng, thuyền tam bản, thuyền sông Hương thuyền chùa Hương, ghe trên sông nước Cửu Long, thuyền buồm Hạ Long, thuyền mành, thuyền thúng, thuyền độc mộc sông Đà, thuyền Vác, thuyền Đinh, thuyền phiến…
Thời đánh Mỹ, có con đò của mẹ Suốt. Đò với thuyền là một, có điều chúng khác nhau về kích thước, cách bố trí, cấu tạo và hoàn cảnh mà thôi. Hình ảnh con thuyền rất đẹp và nên thơ, bay bổng. Ta thử tưởng tượng xem, nếu trên mặt Hồ Tây mênh mông mà không có mấy con thuyền thấp thoáng thì cảnh đẹp cũng bị kém đi. Có những ngày mưa, nhà thuyền Hồ Tây nghỉ Những chiến thuyền bị buộc vào cột, sóng đánh bồng bềnh, xích kêu loảng xoảng, gợi nhớ đến cái cảnh: “Thuyền buộc sông mưa, ngựa dừng trang khuyết" trong thơ cổ. Tuổi ấu thơ, các em bé thả thuyền giấy xanh đỏ để rồi những con thuyền thần kỳ ấy sống trong tâm tưởng cái em cho đến khi già.
Thuyền chùa Hương đưa khách vào Thiên Trù, hoa gạo trên cây rơi xuống làm cho con thuyền và cảnh sông nước chùa Hương cũng đẹp hơn lên. Thuyền trong thơ Nguyễn Công Trứ được tả: Lênh đênh một chiếc thuyền nan. Một cô đào hát, một quan đại thần. Con thuyền chăm chỉ: “Thuyền đi xuân sớm, thu chiều. Nắng trang nghiêm hạ, mưa tiều tuỵ đông”… Người Nghệ Tĩnh hát rằng: "Hoa đến kỳ thì hoa phải nở, Thuyền đầy người thì thuyền phải sang sông, Bắt được duyên thì em phải lấy chồng"… Con thuyền là thân phận: "Thân em như chiếc bách giữa dòng". Rồi: "Đời em, sông cái, chiếc thuyền nan". Người con gái đi lấy chồng trong thơ Nguyễn Bính đã dặn cô em gái:
"Chị giờ sống cũng như không.
Coi như chị đã qua sông đắm đò!"
Trong Truyện Kiều có viết:
"Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gãy, bình rơi bao giờ!"
Nghĩ cho cùng, mỗi con người là một chiếc thuyền tình. Con thuyền tâm sự: "Bén hơi chỉ một chuyến đò Anh xẩm hát", "Lời phân ly em chưa cạn, mà con thuyền nó đã quay đi”. Có người lại nói: "Em như chiếc lá ngược xuôi giữa dòng". Cô gái trách chàng tai: "Có lần anh muốn sang sông. Anh ưng anh để con đò đi mất". Và cứ chiều chiều, anh lại hát khúc suông hời. Nhưng chính người con gái lại tự cho mình là chiếc thuyền bị lật giữa trường giang dông bão.
Con thuyền gắn bó với sự phân ly, nhớ nhung. Trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị những năm 1938-1939 có tả: "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy với minh hoạ một người trên bờ, kẻ ở dưới thuyền đứng nhìn nhau. Cũng có cảnh như người lính thú đời xưa từ biệt vợ: “Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. Nhà thơ nặng tình: "Em tiễn chân anh đến tận thuyền”. Lại nữa: "Người ở bên sông, đứng đợi đò". Non khóc mưa xuân nước đợi thuyền. Thuyền hoa, son phấn đợi…" Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết về tâm sự của chiếc thuyền: Chiếc bách buồn về phận nổi nênh Giữa dòng nước cuộn hoá lênh đênh Lưng khoang tình nghĩa giường lai láng Nửa mạn phong ba luống bập bềnh. Con thuyền cũng vô cùng anh dũng. Năm 1952, một số chiến sĩ cách mạng Việt nam bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo đã bí mật đan thuyền bằng nứa và trám thuyền bằng nhựa cây để trốn khỏi Côn Đảo về với phong trào cứu nước. Chẳng may, sóng gió lớn thuyền lại không đạt yêu cầu kỹ thuật nên đã bị đắm. Họ đã hy sinh. Mồ của họ là biển cả.
Những năm chống Mỹ, nổi lên hình ảnh bà mẹ Suốt lái đò chở bộ đội và dân quân qua sông Nhật Lệ ngày đêm, coi bom đạn của giặc như những trận mưa mà thôi. Để phục vụ chiến dịch, những ghe, thuyền miền đồng bằng sông Cửu Long và ở các kênh, rạch Nam Bộ đã trở nên những đoàn quân vận tải khổng lồ, hùng hậu, góp sức vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Những con thuyền đã ghi một nét son vào lịch sử dân tộc.
Trong tín ngưỡng dân gian, còn lưu truyền bài văn chầu bà Mẫu Thoải kèm với những nét diễn xướng chèo đò: "Lênh đênh một chiếc thuyền rồng. Khi êm trôi, cô bẻ lái, lúc sóng to… cô cầm vững tay chèo… lên tiếng hò khoan"… Người ta còn có rất nhiều câu cửa miệng về con thuyền: "Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua", "Thuyền theo lái, gái theo chồng", "Cây đa, bến cũ con đò năm xưa”, "Nước }ên đến đâu, thuyền lên đến đấy”, Đò dọc quan câm, đò ngang không chéo, "Ngồi thuyền rồng, không chồng cũng hỏng". Lại nói một chút về con đò Trương Chi - chàng lái đò nghèo nhưng thổi tiêu thật hay. Nàng My Nương mê tiếng hát của chàng. Họ yêu nhau. Nhưng vì sư chênh lệch quá xa, cũng như có sự can thiệp quyền uy mà họ không lấy được nhau. Chàng Trương Chi trẫm mình xuống dòng sông. Hồn chàng nhập vào cây gỗ bạch đàn. Người thợ tiện lấy khúc gỗ bạch đàn duyên nợ này về tiện một chiếc chén uống trà, dâng lên quan tể tướng, là cha đẻ của nàng My Nương. Đêm khuya thanh vắng, nàng My Nương róc nước trà vào chén thì thấy chiếc đò bơi trong chén cùng anh Trương Chi ngâm khúc tâm tình. Nàng rỏ mấy giọt nước mắt xuống làm tan mất chiếc thuyền tình Trương Chi. Nàng muốn chết theo con thuyền. Đó là một trong những câu chuyện đẹp nhất của tình sử Việt nam. Tổ tiên của chiếc thuyền là mảng, bè, thuyền độc mộc. Chính những con thuyền còn làm giàu cho phôn-cơ-lơ bằng cách làm nảy sinh ra một số những làn điệu “đò đưa” sóng sánh. Đất nước chúng ta nhiều biển, sông dọc ngang. Những con thuyền bình thường làm ăn chăm chỉ và giữ nước. Thuyền An Tiêm chở dưa đỏ, con thuyền Trương Chi… là những hình ảnh và tâm tình đằm thắm của dân tộc chúng ta.
VĂN HOÁ ĐŨA
Cô gái vừa mới về nhà chồng, còn e ấp. Lần đầu tiên ngồi vào mâm cơm của gia đình nhà chồng, bà mẹ chồng bảo cô gái: "Con so đũa cho em đi”. Đôi đũa là cả sự thiêng liêng của cái buổi ban đầu.
Người ta đon đả mời một người khách vào ăn cùng: "Vào đây nào, thêm bát thêm đũa mà, ngại gì". Bạn bè then thiết khuyên nhau: "Năm nay, ông bà cũng cố lo cho cháu X. đi, cho nó như đũa có đôi mới ổn được”. Cần phải “trả đũa” nghĩa là phải có hành động đáp lại cái hành động mà người ta đã tác động đối với mình. Có người khoe: "Tôi đã ăn mòn bát mòn đũa ở cái làng Mông Phụ đó, làm sao tôi không yêu nó chứ!". Ca dao có câu:
 
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng
Lại như: "Vợ dại không hại bằng đũa vênh"? Đũa còn biểu hiện sự gắn bó: "Bao năm bát đũa bỏ nhau sao đành". Đòi hỏi quá cao, được cho là: "Đũa mốc chòi mâm son"? Bà lão bảo: "Nó ăn phải đũa bọn láo toét nên mới hư hỏng như vậy". Vợ chồng không hoà thuận gọi là cái cảnh: "Đũa chẳng ra đũa, bát chẳng ra bát". Đũa cả là đôi đũa lớn, dài, bẹt, dùng để ghế cơm, xới cơm. Có nơi gọi là đũa cái, đũa mẹ. Đũa dùng để ăn rượu nếp nhỏ và ngắn hơn đũa thường. Đũa bông là đôi đũa được vót 7 hoặc 9 ngấn lởm chởm, rồi cắm lên quả trứng luộc trên bát cơm cúng người chết. Trong những bữa ăn tiệc lớn ở cung đình, có một chức quan riêng phụ trách việc phát đũa cho từng người dự tiệc, gọi nôm là quan đũa, là chuyên viên của mật vụ. Đôi đũa thật thân tình và năng động. Chúng có thể gắp khuấy, vớt, rẽ, gỡ… thức ăn, rồi đưa lên miệng tiện và gọn nhẹ, dù thức ăn ở dạng nào: rắn mềm, dai, cứng v.v… Chúng là sự kéo dài của 5 ngón tay. Người dùng đũa chỉ cần một bàn tay mà thực hiện được đủ mọi động tác trong khi người châu Âu phức tạp hơn, bữa ăn của họ cần đến cả dao và dĩa. Trong việc dùng đũa, người ta tránh những hiện tượng như: chống đũa xuống mâm; đũa chiếc dài, chiếc ngắn; gắp thức ăn quá nhanh hoặc liên tục; gõ đũa lên mâm bát lanh canh; dùng đũa gắp cặp díp, bới món ăn, múa đũa, khoắng canh v.v… Ở nước ta, có nhiều loại đũa: đũa mộc, đũa tre, đũa sơn, đũa ngà, đũa mun, đũa nhôm, đũa bạc v.v… có những đôi đũa cầu kỳ khắc chữ Thọ, hoặc tên họ như chữ Trần, Phạm… có khi lại sơn hình hoa lá. Một bó đũa thường là 10 đôi hoặc 12 đôi.
Đũa tre là thông dụng, phổ biến và rẻ nhất. Các thầy tướng xưa bảo: Người cầm đũa bằng ba ngón tay là người dễ tính, cầm bốn ngón là người có lòng nhân từ, cầm năm ngón là người giỏi giang, thận trọng. Xưa ở xóm Linh Quang (Cuộng), nay ở vào phố Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội, là cả một phường làm đũa, có phố Hàng Đũa. Nơi đây sản xuất đũa, đưa đi bán khắp nơi. Ngày nay, việc sản xuất đũa đã được công nghiệp hoá. Năm 1990, Việt nam xuất khẩu đũa sang Rumani. Công ty kinh doanh đũa là SADAU của Sài Gòn Đắc Lắc đã ký kết liên doanh với Đài Loan một hợp đồng sản xuất đũa trong 10 năm. Năm 1992, ta đã xuất khẩu sang Đài Loan 700 triệu đôi đũa tre. Năm 1993- 1994, ta đã xuất khẩu 3 triệu đôi đũa bồ đề (bằng gỗ bồ đề)… Đũa được dùng ở Trung Quốc đã 8.000 năm. Người Triều Tiên thích đũa kim loại. Đũa Nhật Bản ngắn hơn đũa Việt nam. Trung Quốc cũng có đủ loại đũa như ở nước ta. Có những đôi đũa được chạm, khắc rất tinh vi mang cả những tình tiết trong các pho truyện cổ cô dâu Trung Quốc đi lấy chồng mang đôi đũa quý của mình về nhà chồng. Năm 1995, ở Thượng Hải đã mở nhà bảo tàng đũa. Triển lãm lần đầu đã trưng bày 1.200 đôi đũa Trung Quốc với 800 loại khác nhau. Có cả những đôi đũa rất quý bằng ngọc bích, bạc, vàng có chạm khắc những bức tranh cổ và những chữ viết thảo của các danh nhân. Người ta giữ lại được cả những đôi đũa bạc từ thế kỷ 17. Ngày mồng 4 tháng tám, ở Nhật Bản, mọi người sống trong bầu không khí náo nhiệt của ngày hội đũa. Trong ngày hội, có nhiều cuộc tế lễ rước, tỏ lòng biết ơn thần đũa đã phục vụ con người hạnh phúc. Cũng có nhiều trò chơi giải trí. Những năm 710 đến 794, đũa mới chỉ được sử dụng trong cung đình. Sau đó đến các gia đình quý tộc, rồi mới đến bàn dân. Cứ đến vụ xuân (tháng tư), nhân dân có tục lệ thay đũa mới. Người Nhật thường dùng đũa làm bằng gỗ bạch dương. Trong cung đình chỉ dùng đũa có một lần. Sau này, trong dân cũng hình thànhtập quán này. Đũa của nhà vua ngắn, của các quan dài hơn một chút. Đũa của dân thì ngược lại. Đũa của cha mẹ dài hơn của các con. Đũa của chồng dài hơn đũa của vợ. Đôi đũa gắn bó thân thiết với đời sống của mọi người. Chúng ăn đời ở kiếp với mọi người. Chúng là họ hàng của văn hoá ẩm thực. Chúng đóng góp một nét đẹp trong nền văn hoá truyền thống dân tộc.
CÁI QUẠT
Từ phương Đông, cái quạt du nhập sang phương tây. Châu Âu máy móc và lý trí gọi cái quạt là chiếc bình phong nhỏ di động, dùng để quấy đảo không khí, làm cho mát. Châu Âu cũng có nhiều quạt. Đặc biệt, giới quý tộc dùng nhiều quạt rất cầu kỳ vì họ coi chúng là một loại đồ trang sức năng động và tế nhị: quạt có đăng ten, quạt lụa màu, quạt có gương, quạt có đá quý quạt đồi mồi v.v… Phụ nữ và nhất là các bà mệnh phụ hay dùng quạt để nhìn kỹ một hiện tượng, dáng nét nào đó mà vẫn không trắng trợn hoặc sỗ sàng. Trong các màn trai gái yêu nhau kiểu mèo vờn chuột, cái quạt lẳng lơ đã thể hiện được nhiều điều xuất sắc Chiếc quạt mở ra một phần hay toàn phần che ngang bộ ngực thiếu nguỵ trang, cầm ngược, cụp lại xòe ra từ từ, huơ lên, hạ xuống v.v… đều là những tín hiệu quan trọng mà chỉ người trong cuộc mới giải mã được. Cái quạt còn dùng để nguỵ trang, đánh lừa, nũng nịu đối phương. Tại bảo tàng Louvre (Pháp) có lưu trữ nhiều loại quạt của thế kỷ 17, 18. Bảo tàng Manhattan giữ nhiều bức danh hoạ có các thiếu nữ cầm quạt của nhiều thời đại. Bức nổi nhất là bức "Cô gái cầm quạt" của hoạ sĩ Barthe Marisat. Bức hoạ này vừa được lưu ý về cô gái đang ở trạng thái nóng nực, vừa được lưu ý về cái quạt được xoè ra, say sưa hết cỡ.
Nước ta là một trong những quê hương của cái quạt. Ở Hà Nội xưa, tại phố Hàng Quạt có đình Phiến Thị (chợ quạt), cũng gọi là đình Hàng Quạt, có thờ tổ sư nghề làm quạt họ Đào, người làng Đào Xá, Ân Thi, Hải Hưng. Chính dân Đào Xá đã ra Kẻ Chợ lập phường làm quạt và dựng lên ngôi đình này. Gần đây, quạt Hưng Yên, quạt Phù Ủng, quạt Hữu Bằng (Lúa)… là có tiếng nhất. Có rất nhiều loại quạt: quạt trầm hương, đồi mồi, lá nan, lông gà… Quạt hầu bóng, quạt thằng Bờm, quạt lễ quạt rước quạt tiến, quạt kéo, quạt thước v.v… Quạt kéo có cánh 1m80 x 0, 70m, lợp vải và có hệ thống dây cho một người kéo, làm mát được không gian rộng. Nó xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1914. Quạt thước dài chừng 45cm dùng cho những người có tuổi ở nông thôn. Nó vừa che nắng vừa che mưa, đuổi chó. Cho nên, còn gọi là quạt đánh chó. Năm 1944, nhà văn Nguyễn Tuân mặc áo gấm, khăn đóng, tay cầm cái quạt thước to xòe ra, vào quán TAVERRNE ROYALE, được mọi người xúm xít lại nhìn ngắm, trầm trồ. Đặc biệt là những khách người Pháp đánh giá rất cao cách ăn mặc này kèm cái quạt thước độc đáo.
Nói về cái quạt, chỉ cần đọc bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là đủ:
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Chành ra ba góc, da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Thì thào ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
Chuyện chị em chỉ nói nhỏ được với nhau gọi là "chuyện sau cái quạt". Đơn vị bắn pháo cao xạ đầu tiên của Việt nam đã ra lệnh: "Bắn rẻ quạt" tức là bắn toả để đạn rải ra, chặn máy bay địch. Ở một vài cấu trúc chạm trổ trong những đình chùa có những chi tiết từ không gian hẹp mở ra không gian rộng gọi là chi tiết rẻ quạt. Người con lấy làm sung sướng được săn sóc mẹ trong những lúc nóng bức cũng như những lúc lạnh lùng được gọi là "quạt nồng ấp lạnh". Người con trai được quạt cho người con gái hoặc ngược lại, người cầm quạt cảm thấy mát mẻ hơn người được quạt: Dễ ai rấp thảm, quạt sầu cho nguôi. Cái quạt giấy Việt nam, dù to dù nhỏ bao giờ cũng chỉ có 17, 18 nan. Chưa bao giờ có quạt 16 hoặc 19 nan. Hồ Xuân Hương đã rất đúng khi viết:
Mười bảy hay là mười tám đây!
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay
Tình yêu của đôi lứa đến mức: Để cho cái quạt long nhài là đến cái mức tan nát, vô phương cứu chữa. Vị trọng tài cao quý của võ sĩ Sumô Nhật Bản tay cầm quạt chỉ huy, ra lệnh, chỉ định người thắng, kẻ thua. Nó đại diện cho quyền uy và chân lý. Trong những cuộc múa Chăm của đồng bào Chăm, múa quạt là một đỉnh cao. Cái quạt trong tay các vũ nữ là con công, gà, phượng, rồng, bướm, là gió, mây, là tất cả… Vai giáo đầu của chèo bao giờ cũng cầm cái quạt trong tay để giãi bày, giở bài thơ ra ngâm, hơi che mặt nghiêng nghiêng làm duyên. Khi thi đỗ, Lưu Bình trở về thấy người yêu đã biến mất. Trong tay cầm cái quạt không biết mở ra hay cụp vào. Chàng bỗng vung quạt lên và ngâm một câu "sổng" bất hủ và ngơ ngác: Nàng bỏ đi đâu? Phòng loan lạn li ngắt… Trong vở "Tuần ty đào huế" anh Tuần Ty trong tay chỉ có một cái quạt. Bên anh ta là vợ chính thức và người vợ "nhặt" yêu quý đang đánh ghen với nhau. Anh phải can ngăn dàn xếp. Cái quạt đã giúp anh che bên nọ, chắn bên kia. Cái quạt đã giúp anh lột tả được những giây phút bối rối, năn nỉ, bực mình, vui vẻ, hối hả, dàn hoà v.v… Cái quạt thật trung thành với anh. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng thề bồi với cô Kiều cũng xòe quạt. Quạt này gọi là quạt thề, quạt ước. Nó giúp chủ nó thể hiện trạng thái tâm hồn vui sướng hay sầu muộn, điên loạn hoặc mơ hồ hoặc chói chang sắc lạnh. Có lúc lại chập chờn mê sảng. Cái quạt có giá trị biểu đạt rất lớn trong nghệ thuật chèo vì nó được sử dụng triệt để. Cái quạt Việt nam vừa được dùng để quạt mát vừa là vật trang trí rất quan trọng và thật đáng yêu. Thật vậy cái quạt giấy 1 7 hoặc 18 nan được nhuộm bằng nước vỏ cây với màu hồng nâu nhạt thân thiết của Hưng Yên hay Hữu Bằng (Lủa) vẫn có duyên nhất, phổ biến nhất, tiện dụng nhất: Hồng hồng má phấn duyên vì cây Chúa dấu, vua yêu một cái này…
CÁI VÕNG
Cái võng là từ cái thuyền linh hồn của sông nước mà ra. Võng liên quan đến trẻ thơ, thời thơ ấu, sự bú mớm; lời ru ạ ời; sự chăm sóc ân cần và vồ vập của người mẹ đối với đứa con. Câu “Ba gian nhà nhỏ đầy tiếng võng biểu thị không khí ấm cúng, thân thương tha thiết của gia đình Việt nam. Nhà nào có tiếng võng kẽo kẹt là eo niềm vui sinh sôi. Với tiếng võng bay bổng, bà ru cháu trong trưa hè vời vợi là cả hình ảnh và âm thanh không thể nào quên trong một đời người. Những giây phút hạnh phúc nhất của người mẹ khi con còn nhỏ là ru con ngủ. Đã có bà mẹ ở trạng thái điên loạn khi đứa con nhỏ bị chết, cứ đu đưa cái võng không. Cánh võng không trẻ, cũi không chỉ là cái cảnh đau buồn. Chiếc võng đầy lời ru đẹp, êm ái lấy trong ca dao. Từ những năm 1935 trở về trước, ở các gia đình Việt nam, nhất là ở nông thôn, nhà nào cũng có 1 đến 2 chiếc võng, có nhà thơ đã viết:
Những trẻ nhỏ nôi đưa hay nằm võng
Sớm hay chiều đều mượn cánh cò bay…
Cái võng giản dị, được đan bằng sợi đan se kỹ, dài chừng hơn 2 mét, rộng chừng 1 mét rưỡi, dễ dàng giăng rộng ra và nó tự động cụp lại. Thân võng kết thành những hình thoi gọi là mắt võng. Hai đầu không kết lại mà là những sợi dây hợp lại tạo thành một cái vòng hình bầu dục. Vòng hình bầu dục này là đầu cùng của võng được mắc vào một miếng gỗ có đường rãnh loam sâu xuống gọi là guốc võng. Một sợi dây thừng thật chắc có hai đầu. Một đầu buộc vào cột nhà, một đầu khác buộc vào guốc võng. Người ta giăng võng ra, nằm xuống và đưa đi đưa lại. Cái võng cũng là phương tiện gọn nhẹ để được thư giãn một cách lý tưởng. Đã nằm võng, hoặc ít hoặc nhiều, đều phải đưa cho thoáng mát. Đã có anh chàng nghiện rượu thách mọi người:
Đố ai đánh võng không đưa
Ru em không hát, anh chừa rượu tăm…
Và anh ta luôn nắm phần thắng. Có nhiều loại võng: võng tiến vua, vông đào (điều), võng đơn, võng kép, võng dân dã, võng nhà quan, võng mộc v.v… Thời hậu Lê, có loại võng giống kiểu cái cáng của đội quăn dưới thời vua Quang Trung đã giúp đỡ nhiều cho cuộc hành quân thần tốc lịch sử. Nhất là trong các cuộc trường kỳ chống pháp, bộ đội và dân quân ta đã dùng võng để tải thương binh, chuyển lương thực, phương tiện phục vụ chiến đấu. Những chiếc võng thừng đang dần dà được thay thế bằng những chiếc võng vải buộc dây dù. Những chiếc võng này thật kỳ diệu và thiêng liêng. Vải võng là chiến bào, còn dùng để liệm khi người chiến sĩ ngã xuống: "Ao bào thay chiếu, anh về đất”? Và đất mẹ gào lên, nhận đứa con yêu quý trở về với đất trong bom đạn. Cái võng trở thành một bản hùng ca không bao giờ quên của dân tộc, bản hùng ca thế kỷ.
Trong cuộc kháng chiến. chống Mỹ, giữa rừng mưa bom đạn ở Trường Sơn, tình yêu của những người lính trẻ gắn liền với những kỷ niệm của một thời không bao giờ quên: "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đạn ở hai đầu xa thẳm“. Chiến tranh đã kết thúc được hơn hai mươi năm, những người chiến sĩ của một thời bom đạn nay trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội đã bật khóc khi thấy cảnh một người lính trẻ nằm ở chiếc võng. Anh đặ hy sinh mà không ai biết. Các đơn vị cũng đã rút lui sau một trận đánh ác liệt. Hai thân cây trong rừng nay đã cao hơn nhiều và chúng vẫn giữ hai đầu võng, cái võng rách mướp vẫn đu đưa theo gió.
Ngày xưa, các quan đi võng điều, có hai người lính đội nón dấu khiêng hai đầu. Ông Nghè về vinh quy bái tổ cưỡi ngựa hoặc nằm võng. Bà Trạng cũng nằm võng đi theo sau. Đó là: võng anh đi trước bước nàng theo sau và cũng là cái cảnh: "Tình tang võng ngứa công hầu"? có chuyện, hai vị trí sĩ nằm trên hai chiếc võng kề nhau do bốn người khiêng. Các vị đó hoạ thơ hoặc đánh cờ tướng với nhau trên đường đi.
Ở các đình, chùa, các nghệ nhân đã lấy một phần hình ảnh cái võng mà chạm trổ nên những hoạ tiết tranh trí hoành tráng rồi bơhép lại thành cái cửa võng sơn son thếp vàng. Cái võng gắn với ca dao, với bầu sữa mẹ, với quê hương đất nước. Nó in một dấu ấn đậm đà trong văn hoá Việt nam.
 
NGÕ
Các làng xã ở ta thường có những cái ngõ thân thương, ấm cúng. Ngõ là nơi mà những người trong cộng đồng nhỏ sinh sống, đi lại, giao tiếp với nhau. Nó cũng có tâm hồn, tình cảm, có cái duyên thầm. Nhan sắc của nó có màu dĩ vãng. Có khi nó vui hẳn lên. Cũng có khi nó ngơ ngác như qua một cuộc phân ly. Ở nông thôn, mỗi ngõ có vài xóm. Mọi người sống với nhau, tắt lửa tôi đèn có nhau. Cái ngõ được đánh dấu bằng một cái cổng xây đơn giản, cái cổng bằng tre, một rặng cây hoặc một cây cổ thụ ở ngay bên cạnh. Vì vậy, có ngõ "cổng xây", ngõ "gốc gạo"…
Ở làng Bưởi, khoảng giữa làng Nghĩa Đô và làng Dâu có một cái ngõ mà khắp vùng đều biết tiếng. Đó là ngõ Noi. Nó ăn sâu hun hút vào con đường dẫn tới làng Cổ Nhuế. Nó đã nổi tiếng từ lâu về vẻ đẹp của nó. Nó hình thành bởi hai rặng tre xanh tươi bám chặt lấy nhau, chồng chéo lên nhau ở bên trên, để lại một con đường nhỏ dài chừng 100 mét. Những cây đầu ngõ được vít xuống như một cái cổng tò vò, như cái cổng chào thiên nhiên hoành tráng. Những cây tre hai bên đường rủ xuống che kín cả quãng đường vào ngõ. Đây là nơi tránh ánh nắng mặt trời gay gắt của những ngày hè oi ả. Gió từ mọi phía thổi vào cứ mát rượi. Về phía trái, gần ngõ Noi là một mảnh vườn xanh mướt, có những luống hoa được trang điểm xung quanh bằng những hàng cỏ tóc tiên. Đó là vườn của nhà báo Phùng Bảo Thạch. Ngay bên phải ngõ Noi là một cái vườn hoa lớn nhất vùng được gọi là Vạn hoa trang, nghĩa là cái vườn này có rất nhiều loài hoa cho cả bốn mùa. Những hoa thơm cỏ lạ đều có trong vườn này. Đây cũng là nơi gặp gỡ của những tao nhân mặc khách. Đứng ở ngõ Noi, nhìn ra cây gạo chùa Dâu và cây đa An Phú của làng làm kẹo mạch nha. Những ngày hè, mọi người ở xung quanh và cả những người ở Kẻ Chợ (Hàng Ngang, Hàng Đào…) về đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh, mua hoa. Những cặp tình nhân cũng rủ nhau đến đây để tâm sự với nhau những lời như “Thương ai về ngõ vắng" hoặc như: "Ngõ cũ chiều nay em lại về"… Cái ngõ Noi này đã gây cảm hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm có được hai câu thơ rất hay trong kịch thơ Kiều Loan nổi tiếng của ông: Tôi đứng chờ thu xanh biếc ngõ Thấy ông ôm mặt khóc Tần phi… Nhà văn Phùng Bảo Thạch tâm sự: "Trong lòng tôi sẵn có chất liêu trai là nhờ có cái ngõ Noi cạnh nhà. Nên gọi nó là ngõ Tương tư mới phải…" Hình ảnh cái ngõ chiếm một vị trí đáng kể trong quan họ. Chẳng thế mà có hẳn một bài hát làm cho mọi người cứ thao thức. Đó là bài: "Ra ngõ mà trông…" Người ta trông ngóng nhau, đợi nhau, đi đi lại lại, ngắm cái ngõ mà tìm nhau, mà bồn chồn, kháp khởi, hy vọng và có lúc cũng thất vọng…Người ta dặn dò to nhỏ với nhau ở cái ngõ. Cái ngõ gắn liền với họ. Hình ảnh cái ngõ này thật thân thiết với họ. Ở Hà Nội cũng có rất nhiều ngõ. Vì thành phố cần phải làm nhiều con đường to, nhỏ. Cũng cần xây dựng nhiều khu phố.
Do vậy, có nhiều khu nhà ở được mở cửa ra ngoài đường. Cũng có nhiều cụm nhà ở phải lui vào bên trong, hình thành nhiều cái ngõ. Có những cái ngõ được xây lên tử tế, có cổng tò vò: thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau? Cũng có cái ngõ được đặt tên theo một bụi găng, duỗi. Ngõ Trại Găng là như vậy có khi gọi là ngõ chỉ vì nó có con đường đi sâu vào bên trong. Ngõ Trại Găng ở khu Bạch Mai xưa có mấy xóm gồm những người dân lao động nghèo, những phu kéo xe, những người làm trong lò lợn thành phố. Ở đây có lò võ có phường múa sư tử nổi tiếng, có khách sạn Đồng Lợi. Sau này bãi đua ngựa của Tây chiếm đất nên khách sạn Đồng Lợi phải dọn lên phía nhà ga. Ở ngay gần ngõ Trại Găng là ngõ Văn Chỉ. Một thời gian, nhà văn Nguyễn Đình Lạp ở trong ngõ này, viết phóng sự "Ngoại ô" và một số truyện.Sau đó một thời gian, ông lại chuyển sang ngõ Nghè Bô ở ngay bên cạnh. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp có cô em gái thật xinh, tên là cô Tuyên. Nhà thơ Nguyễn Bính đem lòng yêu mến cô. Ông đã đi lại mòn hai cái ngõ này và làm rất nhiều bài thơ tại đây. Đi xuống một chút nữa là Ngõ Bò, là nơi cư trú của nhà thơ Đinh Hùng. Đối diện với Ngõ Bò là nhà của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Gần chợ Mơ có ngõ Giếng Mứt. Xưa, đây có cái giếng nước trong và ngọt nên gọi là giếng Mứt. Ngõ Quỳnh có hồ Quỳnh, chùa Quỳnh. Ngõ Cống Trắng phía sau Khâm Thiên ngập ngụa và lầm than. Nhưng nhà thơ đau khổ mà lạc quan Trần Huyền Trân đã tả nó thành cái Ngõ Trúc mơ mộng, xinh đẹp và đa tình: "Ngõ hoang đá nở dăm màu bướm Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau…" Người ta gọi ngõ Cống Trắng là ngõ "Thương cảm". Ngõ Hàng Bún, ngõ Yên Ninh xưa kia chỉ có mấy gia đình ngâm giá bán, họ ở cùng làng với nhau rồi cùng rủ nhau ra Hà Nội. Họ sống với nhau như ở quê nhà. Họ sang nhà nhau cứ như vào nhà mình, săn sóc nhau, bàn nhau cách làm ăn rất thân mật. Buổi trưa ngõ yên tĩnh lạ lùng, đến nỗi nghe rõ tiếng chim cu gù nhau. Nơi đây thật sự là cái cảnh làng trong phố.
Ngõ Chùa Liên Phái là cái ngõ ngoằn ngoèo đi ngay bên cạnh ngôi mộ xây của cô Ba Tý, Hàng Bạc (mộ phần vẫn còn nhưng không được nguyên vẹn). Ngõ Đồng Nhân có mộ cô Tư Hồng (nay không còn nấm mộ mà nằm vào sân Trường Phổ thông cơ sở Bạch Mai). Hà Nội ta còn rất nhiều cái ngõ nổi tiếng đã đi vào ca dao như: Ngõ Sầm Công, ngõ Vạn Thái, ngõ Tạm Thương ngõ Trạm, ngõ Phất Lộc, ngõ Trúc Lạc, ngõ Sơn Nam, ngõ chợ Khâm Thiên, ngõ Cấm Chỉ, ngõ Mai Hương, ngõ Huy Văn, ngõ Văn Chương, ngõ Hội Vũ, ngõ Thổ Quan, ngõ Trung Phụng, ngõ Yên Thái, ngõ Trung Yên v.v…Nhiều khi cái ngõ là "quảng trường La Mã" của trẻ em, chúng đến đây họp mặt, đùa vui, chơi bi, chơi đáo… nhất là vào những đêm trăng cổ tích. Với người lớn, cái ngõ là nơi gặp gỡ, bàn tán một chuyện, nơi đón nhau, nơi ly biệt nhau. Cũng là nơi hò hẹn tình tự… Vì vậy mà nó trở nên thiêng liêng. Người ta hay nói: "Vui từ trong ngõ vui ra ", "Ngõ nhà ai thơm ngát hương đưa”, "Ai về ngõ lạnh bước mau mau". Nhà thơ Đinh Hùng viết:
Chuyên tâm tình dưới hoa thiên lý
Còn lối bâng khuâng ngõ trúc đào.
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện tâm sự: "Tôi bắt đầu yêu quý và say mê cái ngõ ở xóm tôi từ thửa bé, rồi yêu đến cái đình, cái chùa… rồi sau này trở thành kiến trúc sư, tôi phải cảm ơn cái ngõ". Rồi đây, những cái ngõ thân thương, rêu phong ghi kỷ niệm của nhiều mảnh đời sẽ mất dần. Chúng sẽ chỉ còn trong sương khói ký ức. Chúng là chứng nhân lịch sử của một cộng đồng nhỏ. Chúng ta, chẳng ai là không nhớ đến và yêu quý cái ngõ…
CHỌN HOA HÂU KIỂU TRUYỀN THỐNG
Xưa kia, đã từ lâu rồi, các hội làng đều có chọn hoa khôi, hoa hậu, nhưng không ồn ào, nhộn nhịp như bây giờ và cũng không cần phải cân, đo, đong, đếm.
Ví dụ như hội làng Đồng Ky chọn 16 nữ chưa chồng khiêng kiệu; hội làng Cả ở Bưởi chọn các cô gái khiêng long đình; hội Chữ Đổng Tử tuyển các cô gái chấp kích; hội Tràng Yên chọn 4 cô gái chít khăn vành dây vàng, thắt lưng xanh v.v… Những cô gái được chọn kể như vào diện hoa hậu, á hậu hoặc non một chút. Việc chọn này được tiến hành lặng lẽ.
Người ta quan sát các đối tượng được chọn hàng năm trời và có so sánh giữa người này với người khác. Đứng đầu là một, hai vị chức sắc lịch lãm, hiểu đời và tài hoa cùng với những vị quân sư "quạt mo" của họ. Việc tuyển chọn được tiến hành theo các tiêu chuẩn: thanh, sắc, tài, duyên. Sắc tài duyên thì dễ hiểu. Còn thanh thì rộng nghĩa hơn, nó gồm: nụ cười, vẻ cười, dáng điệu, cử chỉ, đi đứng tiếp xúc v.v… và nhất là tiếng nói, cách nói năng: Người xinh tiếng nói cũng xinh, Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn. Về sắc nhấn mạnh vẻ đẹp hiền hậu, nhẹ nhàng như kiểu mặt Phật. Mắt phượng, mày ngài. Mắt phải dài, sắc kiểu "nhãn trung hữu thuỷ". Lông mày phải bóng, có dáng nét con ngài " trường mi hâu tố mao" nghĩa là lông mày dài và rõ nét thì có hệ thống lông tóc phồn thịnh. Da trắng như trứng gà bóc, dáng cao, mỏng mày hay hạt.
Còn trẻ tuổi mà đã mập sẽ bị coi là "gà mái đoảng”.
Chân dài sẽ nhanh nhẹn, xốc vác, thanh tao mà dữ dội về đường chăn gối. Đẹp mấy mà chân đi vòng kiềng, chữ bát hoặc "vơ rác" không được chọn. Mặt trái xoan dễ được chấp nhận hơn cả. Môi đỏ, mũi cao, má hồng, răng đen đều là quan trọng. Lông mày sắc cũng được đánh giá cao:
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.
Eo thì phải thắt đáy lưng ong. Người như vậy vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Bụng lép, ngực cao, lưng chữ cụ, vú chữ tâm là lưng không thẳng đuỗn, vú cao và nhọn. Trong các hội làng cũng có tuyển hoa khôi nam. Đó là các "cô" mà người ta gọi là "Đĩ đánh bồng” do nam giới đóng giả. Đúng ra, ngày xưa, người ta chọn 2, 3 người con trai có dáng có sắc, nhanh nhẹn cầm cái que tròn, sơn son thếp vàng, đánh vào một cái ống kẹp bao vải đựng bột xạ hương. Người con trai ăn mặc giả con gái đệm vú thật to, đập vào cái bao thơm cho bột tung ra, bay lên như kiểu bây giờ vẩy nước hoa quanh kiệu thánh cái ống thơm ấy gọi là "hinh bổng" (gậy thơm). Động tác đập vào bao thơm gọi là đánh hinh bổng. Sau này thấy khó gọi và sai lệch chữ nghĩa mà gọi là "nữ đánh bổng” rồi “Đĩ đánh bổng”. Cũng về sau này, người con trai giả gái đeo trống cơm, vừa đi vừa lúng liếng. Lúc làm ra vẻ thẹn thùng, lúc làm ra vẻ lẳng lơ.
Có một năm ở làng Cả, vùng Bưởi việc chọn những người đẹp không được mọi người tán thưởng. Người ta nghi có ông trong ban giám khảo thiên vị một cô gái có bộ ngực mênh mông. Sau ngày hội, đám trai làng thường kể vè:
Quan viên chẳng biết khen chê
Cứ vú ấm giỏ là phê "nhất làng.
Ạ ỜI TÌNH RU
Thu ngồi xuống ghế công viên. Chị mệt rũ qua mấy ngày nằm trên xe lửa chen chúc, ồn ào, ngột ngạt. Xuống ga lại đúng vào lúc 1 giờ sáng. Nghe lời khuyên của mọi người, chị ngủ gà ngủ gật cùng với một số hành khách trong ga, đợi đến khoảng năm giờ sang mới vào thành phố. Chị phải đi một cuốc xích lô rồi ghé vào công viên. Chị soi gương, sửa lại mái tóc, nghỉ ngơi cho tỉnh lại một chút rồi mới tính đến chuyện đi tìm địa chỉ theo giấy giới thiệu của anh bạn nhà báo. Chị say sưa ngắm nghía những dãy nhà cao vút, dựng lên như những con tàu đậu bến. Những lâu đài lát đá hoa, những ngôi nhà màu sắc, sừng sững như trong chuyện cổ tích, vườn hoa xinh xắn và mát rượi…
Tất cả đều tươi đẹp và hấp dẫn khiến chị cứ ngắm mãi không chán mắt. Phong cảnh lạ đưa đến cho chị những ý nghĩ cảm động. Đặc biệt, đây đúng là cái vườn hoa làm nên hai câu hát thật đẹp:
Công viên bừng trong giấc nắng.
Chuyện chúng mình ngày xưa…
Đến nhà chủ, Thu được đôi vợ chồng trẻ tiếp đãi thật ân cần.
- Mời chị. Nhà báo M.Đ giới thiệu chị đến đây với chúng tôi tức là chị ở cấp "siêu" rồi - Anh chủ nhà nói.
Chị vợ nói tiếp:
- Mời chị vào nghỉ và coi đây như nhà mình.
Hai vợ chồng gia chủ còn trẻ. Họ tranh nhau lấy cốc chén, mở chai nước ngọt, đưa khăn mặt cho Thu, xếp đặt hành lý và giường chiếu… Căn phòng bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Họ hỏi khách cần những gì để đáp ứng ngay. Họ cố gắng làm sao để Thu được thoải mái. Ngày mai, nhà văn hoá thành phố khai mạc liên hoan hát ru. Chị là ca sỹ được mời đến dự mà cũng là đến dự thi. Đó là một cuộc liên hoan độc đáo, giới nhạc sĩ khai thác, nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến những bài hát ru ở nhiều nơi trong cả nước. Những người có tâm huyết lo lắng nhiều về tiếng hát ru, tiếng ạ ời vời vợi muôn thuở thưa thớt. dần. Các bà, các chị đã quên bẵng đi cái thiên sứ ru hời của mình. Tình trạng này làm cho "đồng ruộng” di sản văn hoá của dân tộc bị bạc màu. Liên hoan được hưởng ứng nhiệt hệt. Nhiều bà mẹ tuổi cao đến bảy mươi cũng hăng hái tham gia cùng với các ca sỹ trẻ măng.
Nhạc sĩ X.H nổi tiếng, có mặt trong ban giám khảo cũng lên thi mấy bài hát ru thật sâu lắng. Vé chỗ ngồi đã được bán hết từ mấy hôm trước. Người ta phải kê thêm ghế phụ. Thu đã chuẩn bị kỹ hành trang của mình. Chị đã có một cái vốn khá phong phú để thể hiện những bài hát ru của mình. Trong những lần đi biểu diễn, chị đã qua nhiều nơi, học tập các cụ già, các nghệ nhân và thuộc chừng năm mươi đến sáu mươi bài. Nhưng chị để tâm hồn nhiều vào những cánh cò bay lả bay la hay vô tận, một vài đoạn hay nhất trong Lỡ bước sang ngang, trong Truyện Kiều, Đồng tiền Vạn Lịch, những lời ru xa xưa mà chỉ vài nét cũng đã gây xao xuyến lòng người như: Trèo lên cây bưởi hái hoa; Ra đường người tưởng còn son, về nhà thiếp đã năm con cùng chàng. Bao giờ trạch đẻ ngọn đa; Bao giờ anh lấy được nàng. Trên trời có đám mây xanh… Anh Trang cùng mấy chị hàng xóm chuyện trò với khách như thể với những người bạn quen biết từ lâu. Mọi người hỏi chuyện xung quanh những bài hát được khen ngợi hết lời của Thu và về cuộc liên hoan hát ru ngày mai. Từ trong bếp chị Trang nói vọng ra:
- Nem rán xong rồi đấy nhé!
Thu tưởng như lời nói của chị Trang có cả mùi thơm phức của các món ăn đặc biệt, ăn một miếng là nhớ mãi. Cuộc trao đổi vẫn tiếp tục sôi nổi ồn ào. Bỗng có tiếng cháu bé khóc thét lên. Chị Trang xin lỗi, vào bế con và cho con bú. Đứa bé mọc răng. Mẹ nó ru mãi vẫn không nín và không chịu bú. Anh Trang liền tranh lấy ẵm con, ra hiệu cho vợ tiếp khách thay mình. Anh bế đứa bé trên tay không được gọn gàng, đu đưa một cách vụng về. Nó vẫn không nín. Anh bảo:
- Cháu nó quen bà ru cơ! Hôm nay bà cháu về quê…
Hai vợ chồng chủ nhà sốt ruột. Một phần vì đứa con khóc càng to. Một phần ngại làm phiền lòng khách.
- Anh đưa cháu cho em nào. Em sẽ cố dỗ cho cháu nín.
Thu vừa nói vừa chìa tay đỡ lấy đứa bé. Đứa bé tưởng mình nằm trong vòng tay của mẹ nó. Nhưng rồi nó hiểu ra, thấy mình lầm. Nó lại càng khóc thét lên. Thu liền đu đưa đứa bé, mắt dịu dàng nhìn bé và cất lời ru vời vợi… Đồng tiền Vạn Lịch, anh thích bốn chữ vàng. Công anh dan díu với nàng bấy lâu Bây giờ nàng lấy chồng đâu… Khi xưa thề thốt một hai Giờ đây ghé nón ngang vai chàng chào… Ngủ đi con… ạ ơi… Bồng bông… Bồng bồng bế bế bồng bồng. Cò con theo mẹ ra sông đắm đò Đắm đò ướt hết thân cò Cò con cò mẹ lò dò sang sông… Giọng Thu mượt mà. Chị thật say sưa. Trong tâm hồn chị náo nức những áng dân ca bâng khuâng, tiếng võng trưa hè, làn gió sầu vĩnh cửu… Những cái đó chào mời sự sáng tạo, làm cho lời ru của chị trở nên bay bổng, đượm buồn mà ngọt ngào tha thiết. Chị hoà nháp vào tâm trạng của những nhân vật huyền ảo trong những câu hát ru truyền qua nhiều đời người. Chị làm sững lại cái nỗi đau xót của cặp vợ chồng Vạn Lịch. Bản thân chị cũng từng là con cò theo mẹ qua sông… Tiếng ru của chị xuất thần, du dương hơn bao giờ hết. Thế là, từ lúc nào không biết, cả gian phòng, gian bếp trở nên im phăng phắc, tràn ngập tiếng ngân nga trầm bổng xa xôi, mơ hồ, đắm đuối…
Mọi người bị những lời ru thôi miên đến thẫn thờ, lại thêm mấy bà láng giềng ùa sang ngồi chật kín cả gian phòng. Chị Trang ngồi trên ghế, hai tay bắt chéo trước ngực ngả người về phía Thu. Giọng hát xao xuyến cứ cuồn cuộn chảy như một dòng suối, tắm cho đứa bé, làm cho nó nín bặt rồi ngủ. Sự thực, Thu chưa có được niềm vui làm mẹ. Chị ẵm đứa bé trong tay, nhớ đến lời mẹ ru ma  tưởng tượng ra tất cả. Chị cũng nghĩ đến đứa con sau này của mình. Chị mê mệt ngắm cái mũi Hy Lạp rất xinh, đôi môi đỏ tươi và mớ tóc đen nhánh của đứa bé. Chị sung sướng đến cực điểm được biết là việc biểu diễn của mình đã ru được đứa bé tiên đồng ngủ ngon giấc.
- Ôi sao cô hát hay thế.
- Mai vào thi, cô định hát bài gì nào? Chắc là cô phải đoạt giải nhất. Cô hát hệt như mẹ tôi ru tôi ngày xưa, có điều hay hơn nhiều - Bà Ba xuýt xoa khen rồi đến nắm lấy tay Thu.
Bà ngẩn ngơ lần cổ tay, vuốt tóc vỗ lên vai Thu. Chị ca sĩ cũng bâng khuâng như người say rượu chẳng nghe thấy tiếng mọi người khen ngợi mình: Chị nhấm nháp cái nỗi mềm hưng phấn âm thầm mà dữ dội do đứa bé mang lại.
- Cô ơi! Ngày mai cô cứ hát những bài ru này. Tiếng hát có thể ru ngủ được các cháu bé và ngay cả người lớn nữa. Người lớn cũng cần ru đấy - Một bà khác nói.
- Thu ơi! Hôm nay chị ru được cháu ngủ, nhưng ngày mai trở đi, khi chị trở về nhà thì ai ru được cháu nhỉ?
- Em sẽ dạy chị - Thu cười, tươi tắn mà mơ màng.
- Chị có thể dạy tôi nhớ lời ru. Nhưng cái giọng hát, làm sao tôi có được? Và cả cái dáng dấp ru cháu?… Sẽ có băng cát sét giúp chị thêm.
- Không được đâu…
Mấy hôm sau, đứa bé nằm trong lòng mẹ. Nó áp mặt vào bầu vú mẹ nó, nghe những lời hát ru qua băng cát sét ghi những tiết mục hát ru của buổi liên hoan. Trong đó, có mấy bài hát ru do Thu biểu diễn. Ôi? Chỉ mấy bài hát ru nhẹ nhàng ấy mà có đủ cả đêm trăng sáng, bụi tre xào xạc, lời trao duyên rồi trách móc, hờn dỗi, đằm thắm, tha thiết, trao tình… Bao nhiêu hình ảnh và âm thanh cứ xoắn lấy nhau mà bập bềnh trôi nổi… Tuy cũng vẫn cái giọng của Thu, nhưng không hay được bằng cái buổi Thu ru cháu nhỏ con chị Trang ạ ời tình ru sẽ còn mãi vơi thời gian
 
NHỚ MỘT LỜI RU
Đó là vào khoảng năm 1949, đường qua ghềnh Quệt Tuyên Quang thường có nhiều người đi qua. Họ là những bộ đội, cán bộ đoàn thể, những người ở dưới xuôi lên. Họ đi men theo bờ con sông Lô, đi mãi vào sâu trong phía rừng, qua một trại làm giấy mới dựng lên của những gia đình người làng Bưởi. Từ chỗ này, họ lại toả đi nhiều nơi: Chiêm Hoá, Cầu Hai, Quảng Nạp, quán ông già… Người ở phía trên đi xuống, người phía dưới đi lên, cứ nườm nượp. Họ đều phải nguỵ trang bằng lá cây, cành cây. Bên những quãng đường mới hình thành này mọc ra mấy cái quán nhỏ đơn sơ. Đó là những quán nhỏ để người qua lại dừng chân uống bát nước, ăn quà bánh hoặc hút điếu thuốc lào. Cũng có người uống một, hai chén rượu trắng gọi là có chút "phừng phừng" để hăng hái lên đường. Nghỉ ngơi xong, họ đi tiếp. Vui nhất là khi có một nhóm "tuyên truyền" sà vào quán. Nam có, nữ có, họ mang theo mấy cây đàn, cây sáo, cười cười nói nói… Họ hát những bài ca kháng chiến và láy đi láy lại những đoạn:
Ngàn bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi… vang lửng câu quyết chiến…
Bước ta đi… theo tiếng xuất quân oai hùng…
Quê hương ta… đẹp lắm…
Mọi người đều xúm lại, vây lấy cái quan Họ hát theo vào, cùng vỗ tay. Trẻ có, già có. Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ ôm đàn ghi ta, nhảy ra ngoài, trình bày bài hát: "Ta là gươm tráng sĩ… "? Anh được hoan nghênh nhiệt liệt. Sau một lúc, nhóm tuyên truyền phải lên đường ngay. Người đi, kẻ ở nhiệt tình vẫy tay, chào hỏi nhau, hẹn gặp lại như những người đã thân thiết từ lâu… có những buổi yên ả, bờ sông vắng, quán thưa khách. Chị chủ quán "nghiệp dư" lui vào phía liếp bên cạnh, nằm võng ru con. Chị đưa võng, kẽo kẹt, ru con bằng đủ các làn điệu. Chị cũng ru cả chính trị nữa với cái giọng trầm trầm rất “truyền cảm. Nào là những đoạn hay nhất trong Truyện Kiều, Lỡ bước sang ngang… Nào là những bài ca dao chấp chới những cánh cò cánh vạc…có lúc chị nhắc đến một vài nơi thân yêu của chị:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu, nạm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò…
Rồi đến:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng…
Hỏi ra mới biết, chị là người ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội lên đây. Chị có dáng một cô giáo tản cư, sắc sảo hiểu biết rộng, nhẹ nhàng lịch thiệp. Chị có cái vẻ đẹp của nhiều nơi cộng lại. Các chú lính trẻ rất kính mến chị, luôn giúp đỡ chị. Họ phát hiện ở chị có nhiều điều bí mật đáng quý. Chị là người Tày, nhưng chị sinh ra ở Lạng Sơn mà được ăn học tại Hà Nội từ bé. Vốn liếng tiếng Pháp của chị khá tốt. Chị hay đọc sách. Lại một điều bí mật nữa, chị là con một viên quan cấp cao của chế độ cũ. Nhưng ông cụ lại được cách mạng giác ngộ và đi theo kháng chiến. Tổ tiên của chị làm quan triều Lê, được triều đình cữ lên cai quản miền núi và trở thành những người con xứ Lạng… Chị giúp đỡ trông nom việc gia đình cho chồng miệt mài vào những công việc của kháng chiến. Chồng chị là một cán bộ cao cấp của Chính phủ Cụ Hồ. Ông rất có uy tín với nhân dân trong nước và cả nước ngoài. Ông lại là một học giả trẻ… Chiều hôm đó, quán đỏ lửa. Tôi đến chào chị để đêm đi. Công tác theo đơn vị. Lẽ dĩ nhiên là phải giữ bí mật. Tôi lặng lẽ bước vào quán, thấy chị đang thiu thiu, mơ màng, nửa thức nửa ngủ… Tôi ngồi yên, tôn trọng những giây phút này… Chị cất nhẹ lời ru:
Non sông kháng chiến trường kỳ
Mẹ theo tiếng gọi…õ.ơ… quên thì phấn son…
Lời ru cứ nhắc đi nhắc lại, lúc gần gũi lúc xa xăm và nhỏ dần… Tôi lặng người, thưởng thức âm điệu và nội dung sâu sắc của lời ru. Dư vị của nó ngân đi ngân lại trong tôi. Một niềm vui đượm chút buồn man mác lan toả trong tôi. Tôi thấy lúc này đây, chị là một thiên thần, là một huyền thoại. Chị là một người trong triệu người thời đại có một cuộc đời như thế, có một tinh thần, một khát khao như thế trong một thoáng lịch sử của dân tộc. Biết hy sinh, biết chờ đợi là một huyền thoại. Trong lời ru, lấp lánh những ký ức của thời xa xưa hào hùng, những đau thương oán hận của dân tộc, có tiếng gọi của cha ông thùa trước, những tiếng vẫy gió của lịch sử. Tôi đã sưu tầm nhiều bài hát ru, nhiều ca dao… Nhưng, giờ đây mới thật sự có được một ấn tượng mạnh. Chị nằm ôm con, chiếc võng đu đưa, đi lại. Xa xa, dòng sông chảy như lụa, mấy tàu chuối trong vườn phất phơ, lửa trong bếp bập bùng. Xa chút nữa… có tiếng súng… Tất cả, tất cả đều là hiện thực. Nhưng khi lời ru tuyệt vời vừa được cất lên, tất cả đã trở nên huyền thoại… Một lát sau, chị dậy. Tôi từ biệt chị. Chị bảo: "Luôn nhắn tin về nhé…". Thế rồi nhiều năm tháng trôi qua, tôi là chuyên viên văn hoá. Tôi gặp chị, lúc này chị đã lên bà. Bà mời tôi đến thăm phòng triển lãm tranh của bà. Bà đã trở thành hoạ sĩ và đã có triển lãm riêng với chừng 30 bứa tranh màu dầu… Trong đó, có một bức bà vẽ về cái quán tản cư khi xưa. Cái quán toàn tre, nứa bên sông có người mẹ ru con trên võng… bên cạnh bức trong này có dòng chữ: "Tuyệt đối không bán”… Tôi lại gọi bà bằng chị. Chị mời tôi uống cà phê, nhắc lại một chút xíu cái dào ngày xưa. Chị nói là thính. Tôi chẳng nói gì, chỉ đọc khẽ: Non sông kháng chiến trường kỳ… "Mẹ theo tiếng gọi quên thì phấn son…". Chị cúi xuống, xúc động Một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, đến bên cạnh bàn, cúi nhẹ người chào tôi. Chị ngước mắt lên, bảo: "Con chào chú Hoàng đi… một giờ nữa mẹ về…". Người con chào tôi rồi đi. Chị nói với tôi: “Đấy thằng bé nằm võng năm xưa mà chú khen nó có đôi má như hoa hồng mà lại ngọt ấy Bây giờ nó là tiến sĩ mỹ học". Tôi bảo: vâng… tôi tin tưởng vào nh úng người như chị, như con cháu chúng ta… Tôi có niềm tin mà"…