Chương III
MẤY KHUÔN MẶT

NÀNG HUÊ
Ở gần hồ Hoàn Kiếm, về phía đường Bảo Khánh đi lên một chút, có ngôi đền Hàng Trống. Ngôi đền hai tầng giản dị, màu vàng. Những ngày rằm, mồng một, lễ, Tết, các con công đệ tử, khách thập phương tập nập đến lễ bái, khói hương nghi ngút, chẳng lúc nào dứt. Khi xưa, ở nơi đây đã có vài lần tổ chức hội thi đàn đáy. Đàn đáy là loại đàn đặc biệt có cần dài 1m20 với khuôn thùng đàn hình chữ nhật khổ 0, 03 x 0, 18 x 0, 09m. Không có mặt hậu. Đàn có ba dây gọi là đàn ca trù hoặc đàn ả đào tiếng đàn có thể đanh, cũng có thề mềm, nhấn nhá, bâng khuâng. Tiếng đàn đục trầm, sâu lắng. Cuộc thi thu hút sự có mặt của nhiều thầy đàn các nơi như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Thôi thì đủ mặt anh tài. Tiếng đàn đáy chỉ được bộc lộ hết cái “hồn” của nó khi nó đàn cho giọng hát và tiếng phách của đào nương có điểm tiếng trống chầu hào hoa, phong trần. Vì vậy, thầy đàn phải có sự giúp đỡ của đào nương và người đánh trống chầu. Các đào nương nuột nà, phấn son, xiêm áo đi lại xênh xang làm ngây ngất cả một vùng. Đẹp như ả đào mà lại. Nhưng chưa hết, các nàng còn là những con sơn ca. Tiếng hát của họ có thể an ủi được cuộc đời làm cho mọi người xao xuyến, ngất ngây. Chính vì vậy mà các danh sĩ, những khách văn chương ưa đàn hát cũng không thể không tụ tập lại ở nơi đây để tìm ý thơ, nét nhạc, để say sưa đóng vai những người khách đa tình. Thảng hoặc có chàng trai ăn mặc bảnh bao, nói nhẹ nhàng: "Xin quý đào nương cho nghe khổ giai nhân nan tái đắc… chót yêu hoa nên dan díu với tình…", lời thỉnh cầu của chàng trai được đáp ứng tức khắc. Nơi đây cũng được gọi là xóm Hàng Hoa. Vào những năm 1900, nước hồ còn ăn vào phố Hàng Trống. Các gia đình trong phố bắc cầu ra ngoài hồ, tắm giặt, rửa rau, vo gạo… Xa xưa hơn nữa, nơi đây nguyên là thôn Cựu Lâu, kéo dài ra tận khu vực mà sau này là những phố Tràng Tiền, Hàng Khay. Đất tài hoa, xướng ca luôn luôn có tiếng đàn tiếng phách. Khôn khí thơm lừng hương hoa, son phấn. Mảnh đất này sinh ra Nguyễn Thị Huệ. Nàng là con gái một vị quan thái y. Nàng có tư chất thông minh từ nhỏ nên cha cho theo đòi đèn sách và trở thành một cô gái giỏi văn chương, thông kinh sử. Nàng mê ca hát. Những phách giòn tan của nàng reo lên làm cho các bậc đàn chị trong xóm phải ngẩn ngơ. Lại nữa, nàng quá xinh đẹp, sắc nước hương trời. Không thiếu gì những sĩ tử hào hoa phong nhã, nhưng khách văn chương ngấp nghé, mến mộ.
Nhưng, thật không may, năm nàng 16 tuổi, người cha qua đời, mẹ lâm bệnh nặng. Cảnh nhà sa sút, nàng phải theo chị em trong xóm luyện tập ca, múa và hành nghề để nuôi mẹ, nuôi em. Mới vào nghề mà tài năng nhiều mặt của nàng đã vượt qua các chị em đến mức không có đọi thủ. Giọng hát và tiếng phách của nàng đã giây nên những vương vấn, bâng khuâng thấp thoáng trong các ngõ xóm bên mặt hồ lau lách… Chất giọng ngọt ngào dáng múa lung linh, danh tiếng của nàng vang dội gần xa, khắp kinh thành. Dạo ấy, phủ chúa mở tiệc lớn. Giáo phường được cử vào hát múa cho nhà chúa. Thấy nàng có tài sắc siêu nhân đi đứng có lời thơ tiếng nhạc, lại giỏi thơ văn, chúa ra lệnh giữ nàng ở lại trong phủ. Nàng khóc với cả kép đào. Ông này nói lớn: "Nàng là người của tôi". Ông liền bị lính xách nách, vứt ra ngoài đường. Về sau, ông chán đời, không đánh đàn nữa, không đệm đàn cho tiếng hát bất cứ một ca nương nào. Chỉ khi nào đàn cho nàng Huệ hát thì tiếng đàn mới đích thực là tiếng đàn của tâm hồn ông. Ông bỏ nghề đàn, đi lang thang. Chúa Trịnh phong cho nàng Huệ là Ngọc Kiều phu nhân, trông coi ban nữ nhạc. Chúa lại sai làm cho mẹ nàng một ngôi nhà nhỏ để nàng đi về cho tiện. Đến khi đứng tuổi, nàng xin phép chúa cho về ở hẳn tại ngôi nhà này để phụng dưỡng mẹ già. Nàng vẫn tiếp tục nghiệp cầm ca. Nơi ở của nàng lại là nơi đi lai của những bậc danh cầm, danh ca một thủa. Khi nàng từ giã cõi đời, nơi đây trở thành một ngôi đền gọi là đền Đông Hương. Nàng được dân chúng thờ cúng với danh hiệu Đông Hương thần nữ.
Cùng với câu chuyện kể trên, trong dân gian còn có một chuyện nữa kể về nàng. Câu chuyện như sau: Đào nương Nguyễn Thị Huệ bị bọn hoạn quan bắt, nạp cho phủ chúa, ghép vào tội nữ nhạc. Nàng được chúa nể vì nâng niu. Chính phi của chúa rất đỗi lo sợ vì nàng có thể chiếm mất địa vị của bà. Bà rắp lòng hại nàng. Bà gọi nàng đến cung riêng của mình, chuyện trò thân mật, kết nghĩa thành chị em. Điều này làm cho chúa rất hài lòng. Một hôm, bà ép nàng uống rượu có pha gan công khiến nàng vừa bị say, vừa bị đầu độc. Bà chính phi liền lệnh cho bọn tay chân khiêng nàng đi, chôn sống. Chôn xong, mọi vết tích được xoá đi rất kỹ. Âm mưu này được xúc tiến rất bí mật. Khi chúa nhớ tới hỏi đến nàng thì các quan đều nói là nàng đã bỏ ra đi một lúc nào đó mà chẳng ai hay biết, và rồi, nhà chúa cũng quên nàng đi. Chỉ có những chị em ca nương, những người yêu mến nàng, yêu tiếng hát của nàng nhỏ những giọt nước mắt thương tiếc mà thôi. Không ngờ, được ba năm sau, bà chính phi bị bệnh điên dại, lúc mê, lúc tỉnh. Thỉnh thoảng, bà lại vừa nói vừa khóc: "Đáng thương quá… sao mà nó lại đẹp đến thế, lại hát hay đến thế… Đến ta cũng phải mê nó"… Nhiều thầy thuốc giỏi khắp nơi được vời đến cũng không chữa chạy nổi. Một hôm, vào một buổi chiều, quần áo tả tơi, bà chạy ra khỏi cung, tới bên bờ hồ, chỉ đúng vào cái nơi mà mấy năm trước bọn tay sai của bà đã chôn Thị Huệ rồi hét to lên: "Đây này, nó nằm đây. Ta đã giết nó… Trời ơi… Ta đã giết em…" Hét xong, bà ngã vật xuống, tắt thở.
Đêm đó, những người yêu mến nàng đã đào chỗ đất ấy lên. Họ thấy nàng Huệ. Hài cốt của nàng được xếp vào một cái tiểu sành và được đem chôn ở dưới nền nhà của nàng. Và ngôi đền được lập nên để hương khói cho nàng. Mọi người thắp những nén hương để tiếc thương nàng và để nói lên rằng tài hoa và nhan sắc của nàng là bất tử, và cái chết oan khiên bi thảm của nàng được ghi vào bia miệng muôn đời… Đền Hàng Trống bây giờ, chính là đền Đông Hương ấy.
 
TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu lên ba tuổi thì bố mất. Mẹ ông là vợ ba, phải bỏ nhà ra đi cùng cô con gái nhỏ. Bà là một ca sĩ tài hoa, nhan sắc. Bà ra đi với tấm lòng của một người mẹ cao cả, phi thường đến nỗi cuộc đời chật hẹp không hiểu nổi.
Từ đó, cậu ấm Hiếu sống với người anh cùng bố khác mẹ. Lúc 5 tuổi, cậu đã biết đến câu: “đường hoa son phân đợi”. Cậu được học nhiều có khiếu văn thơ và cuộc đời xê dịch theo đường hoan lộ nay đây mai đó của người đỡ đầu. Vì vậy ông được dạy dỗ theo khoa cử của nghiệp nhà khoa bảng đã sáu đời làm quan.
Nhưng đến lúc cậu mười lăm, mười sáu tuổi, cảnh nhà lâm vào thế túng quẫn, nghèo khổ. Năm mười bảy tuổi, đã có bài đăng báo. Cậu ấm cựu học được rất nhiều qua tiếp xúc với những cuốn sách của phương Tây được dịch qua Hán văn. Chính những cuốn sách đó đã thổi vào ông nhiều tư tưởng mới mẻ. Thế là trong ông đã được thổi lên những trận mưa Âu, gió Á. Hành trang của Tản Đà ngổn ngang nỗi lòng với làng Khê Thượng, Bất Bạt, Hà Tây, lòng say mê vẻ đẹp của đất nước, lòng yêu quý mọi người, về hình ảnh tài hoa và đầy bi kịch của người mẹ và em gái, mong muốn làm một việc gì giúp nước mà không được, cái nghèo đói dữ dội luôn bám chặt lấy mình… ông đi khắp nơi, từ Nam chi Bắc, vừa làm thơ văn, vừa làm kẻ giang hồ phiêu bạt. Ông gắn cuộc đời của mình vào số phận đất nước.
Trong khoảng 20 năm, từ 1915-1935, ông đã trải qua nhiều công việc mệt nhọc, đầy khó khăn: làm thợ, làm văn, làm chủ bút nhiều tạp chí, dịch thuật, mở nhà xuất bản để tự nuôi mình. Ông cam chịu nghèo nàn, vất vả sống tự do phóng khoáng chứ không chịu đi làm quan, mặc dù một số những người họ hàng thân thích và bạn bè sẵn sàng thu nhận hoặc tiến cử ông.Cuộc sống no đủ, giàu sang không cám dỗ được ông. Trong khoảng 20 năm này, ông đã viết hàng loạt tác phẩm đồ sộ với nhiều hình thức: thơ, văn, báo, dịch thuật biên kịch, làm các bài hát cho các kiểu diễn xướng dân gian và ca kịch cổ truyền… Ở mặt nào ông cũng thể hiện được sự sắc sảo, có góc cạnh, độc đáo, tài hoa, tràn đầy tình cảm với con người và cuộc sống. Ông có cách nhìn, cách hiểu, cách nói riêng của mình. Chất và lượng những cuốn sách và những trang báo của ông làm rực rỡ cả một thời kỳ.
Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhân đã có can đảm làm thi sỹ một cách đàng hoàng, bạo dạn. Ông dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi… ".Ta có thể thấy cái tôi của ông đắt giá vì nó cũng là cái tôi của đại đa số. Cái vui, cái buồn, cái giận dữ, cái hờn dỗi của ông cộng hưởng với cái vui, cái buồn, cái hờn dỗi của mọi người. Bài thơ "thề non nước" của ông đã làm rung động tâm hồn bao thế hệ. Ai nấy đều thuộc lòng là vì nhân dân lúc ẩn, lúc hiện đều có một lời thề son sắt, thương nước non tươi đẹp bị chà đạp và quyết chí trả nợ non sông, tô điểm non sông cho con cháu mai sau. Cái lời thề mà tất cả mọi người Việt nam đều có trong lòng đó thống nhất với đầu đề và nội dung bài thơ "Thề non nước". Ông cũng kêu gọi mọi người bồi lại Bức dư đồ đã rách nát qua 4 bài thơ tha thiết… trình bày rằng bản đồ của đất nước bị rách nát, chúng ta phải quyết tâm bồi lại và hy vọng, tin tưởng sẽ làm được công việc vá trời lấp biển đó. Bài "Thề non nước", "Bức dư đồ” cùng với một số bài thơ, văn khác đã không chỉ có mặt trên sách báo mà còn được dùng vào những bài hát, dùng cho ngâm vịnh, biểu diễn ca trù, xẩm… để chúng lan toả đến tận các bến tàu, quán chợ, các ngõ ngách hẻo lánh khắp đạt nước. Sau hai bài thơ đó, ông lại bổ sung thêm một loạt những bài theo điệu Đò đưa, Hành Vân, Cổ bản, Xâm chợ, Xâm nhà trò, Nam Ai, Tuồng… Những bài hát đó được khắp nơi yêu mến. So với thời gian lúc đó, chúng rất mới mẻ, làm cho tiếng phách, tiếng đàn và cách hát cổ truyền cũng trở nên thanh tân, tươi mát, gần gũi với cuộc sống. Ông có tâm huyết và đi nhiều nơi. Đến đâu cũng say sưa với cảnh với người. Cảnh những người đáng yêu hoặc đáng thương đều được ông đưa vào thơ. Ông tả phong cảnh thật tài tình mà bay bổng:
Một dãy lau cao làn gió chạy
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha
Ngoài xa trơ một đống đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà…
Ông tả tình thì sâu lắng, đầy hình ảnh và nhiều nhạc tính, kịch tính:
Một đôi kẻ Việt, người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi móng
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ Việc quân vương
Duyên nợ tình kia dở dang
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngàn thu khói hương…
Thơ kể chuyện của ông làm người đọc xúc động, say mê và bâng khuâng cùng dư vị của nó:
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh Một phút trần ai
Uớc cũ, duyên thừa có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy huê trôi
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây cách xa mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lôi cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng chơi…
 
Tản Đà say mê con mắt Phú Yên, tiệc xòe Văn Bán, giọng ca xứ Huế, các món ăn đặc sản từng vùng… ông đưa việc thưởng thức và cách chế biến các món ăn lên mức nghệ thuật, lên mức văn hoá ẩm thực. Riêng thịt chim, ông cũng tìm đến: chim sào, chim ngóng chả, chim hấp cách thuỷ… ông thưởng thức các món ăndân tộc rất sành đã đành, ông còn nhấn mạnh thức ăn phải ngon lúc ăn phải là lúc "ngon", người ngồi ăn với mình cũng phải "ngon". Ông cho biết cửa hiệu nào có các sản phẩm đáng lưu ý về chè tàu, thuốc lá, rượu cúc cháo gà, gỏi cá… Ông trân trọng từng ngọn rau bí, rau sắng, quả cà xứ Nghệ… Ông nổi tiếng hơn cả là về thơ tình có chất hiền hoà, êm dịu, nhẹ nhàng mây nước, bình dân. Nhưng phong lưu và trang nhã:
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá bay hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mây lá năm hồ hết
Hờ hững, ai xui thiếp phụ chàng…
Thơ ông nhiều bài buồn, sầu lắng nhiều lúc lại hờn dồi, trách móc. Ông hay lấy cái ta ra làm nhân vật chính. Nhưng, đúng hơn là cái chúng ta. Vì ông hoà cái thân thế quá khốn khổ của ông vào thân thế của mọi người mà ông yêu: chồng người đốt than, người yêu của ông, mẹ ông, những người mạt hạng, cô gái trong kỷ niệm, cô gái hái hoa đào, cô hàng cau, Mỹ Thâu, cô Tây về già, cô gái nhà chài, cô hái dâu… Bốn người tình qua cuộc đời của Tản Đà với 4 cuộc tình: Tình yêu thất Vọng, tình yêu lãng mạn vô vọng, tình yêu kỷ niệm thời thơ ấu và tình yêu nghệ sĩ. Tất cả đều có kết cục bi thảm. Tản Đà cũng được ca ngợi về mặt văn xuôi bóng bẩy, sâu sắc, tha thiết, nhiều lượng thông tin, thành thực, ngây thơ mà lại cũng rất thơ.
Ngoài ra, Tản Đà còn dịch vào khoảng 100 bài thơ Đường Nhiều bài thơ dịch của ông được coi là phổ biến nhất, được nhắc đến nhiều nhất, được đăng đi, đăng lại nhiều nhất. Trong khoảng hai mươi năm (từ 1915 đến 1935) và ngay cả đến bây giờ, hầu như chưa ai có được những bản dịch vượt được ông. Đặc biệt là những bài dịch như: Hoàng Hạc Lâu, Biệt hữu nhân Giang hành, Dạ Vũ, Thu giang tông khách, Khuê oán, Thiên Thai… Ông uyên thâm Hán học. Ông thích xê dịch, đa tình. Ở ông, yêu, vui, buồn đều cực đoan, gần như đến mức điên dại, ngông cuồng, thấm chất nghệ sĩ. Xét về con người và tác phẩm, ông là một trong những nhà văn hoá có bản lĩnh và bản sắc độc đáo của Việt nam. Ông đứng sừng sững trong nền văn học Việt nam như là một hiện tượng. Ông đáng được xếp vào ngồi hầu rượu 28 vị thánh hiển linh của Việt nam trong Việt điện u linh. Có người cho rằng tác phẩm của ông như một người đàn bà đẹp. Tuy vậy, người đàn bà đẹp nhất trên đời cũng chỉ có thể cho ta những cái gì mà họ có như Thôi Oanh Oanh đã nói trong truyện Tây Sương Ký có mùi son phấn mà nổi tiếng. Xưa kia, Napoléon trong lần đầu tiên gặp Goethe, ông ta nói với thi hào: "Ông là một Con Người…"
Thi sĩ Tản Đà cũng là một Con Người…
 
NHƯ HOA
Đêm ngày mồng hai tháng mười một, năm Giáp Tý, sau khi đóng xong vai Thị Mầu lên chùa phục vụ Đại hội Thông tin quân đội tại Bắc Giang, Như Hoa xếp lại vài chục bó hoa được tặng trong và sau lúc diễn, chị vội vàng tẩy trang, ăn suất bồi dưỡng rồi lên xe về Hà Nội cùng với 9 diễn viên. Ô tô phóng nhanh, về đến cầu Chui gần Gia Lâm thì tai nạn ập đến. Chiếc xe bị lật đổ. Một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra. Các nạn nhân được đưa về trạm xá địa phương rồi về bệnh viện Việt Đức.
Sáng ngày hôm sau, từ bệnh viện, tin báo đi cho biết nghệ sĩ chèo Như Hoa đã mất. Thư từ, điện chia buồn khắp nơi gửi về tới tấp và liên tiếp. Cả nước biết được tin này rất nhanh chóng. Người nọ bảo người kia tất cả những người yêu hát chèo trong cả nước và cả ở nước ngoài, ai mà không được nghe tiếng hát hoặc đã học tiếng hát của Như Hoa. Người nghệ sĩ cần mẫn này đã từng hát rất nhiều bài trong các chương trình, lại đảm nhiệm luôn cả nhiệm vụ dạy hát chèo trên làn sóng điện của Đài Phát thanh tiếng nói Việt nam mỗi tuần một buổi trong suốt từ những năm 1958 cho đến cũng không ai quên nổi những buổi dạy hát đậm đà đó với những bài "Lới lơ" man mác, có đoạn “lưu không”: tinh… tinh… tinh… chát… rồi ngả sang: "Ai xui là xui cây lúa… chín… í a… chín ngập… đồng”. Đến buổi khác lại hát “Sắp qua cầu”, "Sắp đường trường”, "Chức cẩm hồi văn “truyện năm cung”?… rồi đến “Sổng”, "Hát văn”…
Cũng không phải là ít người có thể dạy hát chèo trên làn sóng. Nhưng, Như Hoa được chọn. Giọng của Như Hoa là giọng chèo trong sáng, mượt mà, tròn vành rõ chữ, chân chất "đổ hạt” xênh xang, dân dã mà kiêu sa. Hơi chèo và giọng chèo này đu đưa, ngân nga một dư vị ngọt ngào. Chúng lấp lánh hình ảnh những cánh đồng như lụa, dòng sông Cầu, những đình chùa, miêu mạo xứ Kinh Bắc. Nơi mà một làn gió cũng mang điệu dân ca. Tiếng hát của Như Hoa có sự say đắm, có chút, buồn pha màu sương khói. Như Hoa thường không nguôi nhắc lại. "Mẹ em mất đi khi bà còn rết trẻ". Chị luôn nhớ lời bà láng giềng nói với chị: "Khi xưa, mẹ cô đẹp và hát hay lắm. Tiếng hát của bà làm cho cả vùng Bắc Ninh này say mê"… Chính tất cả những điều đó đã hoà tan vào tiếng hát của Như Hoa làm cho nó có những vần ví riêng biệt.
Nghệ sĩ Như Hoa đã ngừng thở, nằm trên chiếc bàn bệnh viện. Các chị em trong tổ chèo đứng quây xung quanh bàn như hàng rào danh dự để tránh mọi sự ồn ào xô đẩy, chen lấn của một số người muốn đến nhìn mặt chị, làm khó khăn cho công việc khâm liệm. Chị Phương Nhung vợ nhạc sĩ Vũ Thanh trang điểm, son phấn cho chị, sửa lại đôi lông mày cong và dài. Mấy chị em khác mang trang phục của vai Thị Mầu lên chùa mặc cho chị. Thế là Như Hoa được mặc yếm vàng màu mỡ gà, áo dài đỏ màu hồng, thắt lưng xanh màu hoa lý, khăn chít cài hoa… Mớ tóc được để đuôi gà vắt Vẻo. Chị Phương Nhung chỉnh lại phục trang, đặt một cái quạt vào tay Như Hoa. Rồi mọi người đặt cô Thị Mầu Như Hoa vào áo quan như thể Như Hoa còn sống vậy chị ở tư thế chuẩn bị diễn vai kịch của mình. Chỉ đến mấy tiếng trống là Như Hoa sẽ ra chiếm lĩnh sân khấu Nhưng, Như Hoa nằm bát động, xung quanh chỉ là nước mắt, tiếng khóc và hoa. Thương quá và yêu quá ở một số nước phương Tây, người ta chôn một vài diễn viên hoặc mệnh phụ nổi tiếng với một vài cuốn sổ tay hoặc mấy lá thư tình. Ở ta, Như Hoa được chôn với đầy đủ phục trang của vai diễn Thị Mầu thì thật là độc đáo.
Đám ma Như Hoa đầy hoa, kéo dài suốt dãy phố Phủ Doãn rồi lan toả ra những dãy phố khác cho đến tận nghĩa trang Văn Điển. Hai bên đường, ở nơi nào cũng đầy người. Mọi người đứng kín cả những gác hai, gác ba, gác bốn để nhìn kỹ xe tang và đưa mắt chào vĩnh biệt. Chúng tôi mang vòng hoa viếng, đi từ phố Bảo Khánh để đến nơi Như Hoa nằm chỉ có một quãng đường ngắn mà phải đi mất 15 phút vì đám đông chen lấn nhau dữ dội quá. Chúng tôi cứ bị dạt đi hết chỗ này đến chỗ khác như bị lạc trong biển người. Thật là một hiện tượng. Sau đó, chừng vài tháng, những điện văn, thư từ, những bài thơ tiếc thương Như Hoa từ mọi miền lại tới tấp gỉ ri về Đài Phát thanh tiếng nói Việt nam, là nơi mà Như Hoa làm việc và gia đình Như Hoa.
Anh Cầm Phong là chồng chị có cho tôi xem hàng chồng những bức thư gửi đến anh, tỏ lòng thương xót và quý mến Như Hoa. Có bức thư viết: "Như Hoa đã không chỉ là đứa con của xã Liên Sơn, huyện Tiên Sơn Bắc Ninh nữa mà đã là ca sĩ, kịch sĩ của cả đất nước rồi.
Nhà thơ Vân Trình đã viết: Tiếng hát Như Hoa Như những cánh hoa Theo làn sóng điện bay khắp gần xa Mang niềm vui đến mọi nhà Cho những trái tim thêm tươi thắm Cho cuộc sống thêm hài hoà Cả những tâm hồn còn tràn trề nước mắt Tiếng hát này cũng có thể lau khô… Đúng vậy, tiếng hát của Như Hoa đã nuôi sống được tinh thần con người, một nghệ sĩ đích thực mới làm được điều đó. Về mặt biểu diễn, Như Hoa chỉ diễn một số vai mà mình thích. Chúng hợp với tạng của chị như những vai nữ chính trong các vở đường về trận địa", "Con đường hạnh phúc”, sao đổi ngôi vai Mẹ Đốp trong Quan âm Thị Kính, vai Thị Mầu trong Kim Nham, vai Chị Dậu trong Tắt đèn… Vai nào chị cũng diễn được rất xúc động. Đó là tài năng của chị đã nói lên được sự xúc động của mình. Những vai diễn của chị đều ngẫu hứng, tài tử, toả sáng như lời lão nghệ sĩ Năm Ngũ nhận xét. Như Hoa là học trò yêu của những cây cao bóng cả làng chèo: Bà Cả Tam, bà Dịu Hương, bà Phẩm, Hoa Tâm, ông Năm Ngũ…
Ông Đinh Khắc Ban là một trong những cây đàn đáy hàng đầu của Việt nam nhận được tin Như Hoa mất, ông đờ đẫn một lúc lâu rồi mới bảo: "Ôi! Nó là con chim, trước khi chết nó đã hót hay lắm…" Những năm 1963-1964, Như Hoa đã sang biểu diễn ở Campuchia và Trung Quốc vài lần. Và lần nào Như Hoa cũng nhận được sự hoan nghênh đặc biệt hiếm thấy ông cục trưởng Cục nghệ thuật út Chon, bảo: Tiếng hát của Như Hoa đầy thuyết phục và mỏng manh. Người nghe như được gặp một Bự gì trọng đại lắm…" Như Hoa còn hát được Quan họ, Xa Mạc, Bồng Mạc. Có điều Xa Mạc chị đưa thật não nùng. Hơn ba năm sau, chiếc tiểu đựng nắm xương cô quạnh của Như Hoa được mang về làng quê Tiên Sơn. Cả làng xóm chôn rộn hẳn lên. Mọi người đến thăm hỏi. Cả những người làng bên cạnh cũng sang. Trong làn khói hương nghi ngút, mọi người thương cho Như Hoa nhưng cũng tự hào vì họ có được Như Hoa. Chúng ta đã mất Như Hoa. Nhưng, những lớp trẻ đã tiếp nhận tiếng hát của Như Hoa và tiếp bước Như Hoa. Ngày nay, mỗi khi có tiếng trống chèo, có điệu Lới Lơ hoặc thấy Thị Mầu xuất hiện, chúng ta không khỏi chạnh nhớ đến Như Hoa. Có được một nghệ sĩ vừa hát, vừa đóng kịch, nhan sắc và tài hoa của đất Kinh Bắc như Như Hoa thật đáng tự hào. Như Hoa đã hết lòng vì nghệ thuật mà nghệ thuật cũng đã làm cho Như Hoa được sống lâu hơn trong lòng người ngưỡng mộ.
 
THANH THANH HIỀN
Năm 1994, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa nói với nhau: "Thanh Thanh Hiền làm náo động cả đảo. Hiền đổ bộ lên đảo và các buổi biểu diễn liên tục của Hiền luôn gây nên những đợt sóng vỗ tay không dứt”. Chưa bao giờ đảo Trường Sa lại sống động với sự có mặt của các đoàn văn công hoặc đoàn ca nhạc nào đến đảo như lần ấy. Là một diễn viên đa năng, tài sắc, nhỏ nhẹ tha thiết thanh xuân có dáng dấp một nữ thuỷ thần, Hiền vượt biển, đến đảo biểu diễn. Và cuộc biểu diễn này được coi như là một sự kiện. Sao vậy? Vì Hiền đáp ứng được sự khao khát nhiều mặt: cải lương, dân ca, nhạc nhẹ, nhạc rock, kịch… Riêng về cải lương, Hiền biểu diễn được cả đào chính, đào lệch, đào thương và đào lẳng. Mà tất cả đều ở đỉnh cao của thành công. Phần nhiều các chiến sĩ đều đã được xem Hiền diễn cải lương và ca nhạc trên vô tuyến truyền hình. Tuy vậy, họ vẫn ngỡ ngàng. Họ chưa thấy một người diễn viên nào lại cóđược một chân trời biểu diễn rộng lớn như vậy. Đảo đã tặng Hiền huy chương chiến sĩ Trường Sa và Hiền xúc động sáng tác một số bài thơ về đảo để tỏlòng biết ơn.
Thanh Thanh Hiền ca cải lương từ khi mới bập bẹ. Lên sáu tuổi học đàn hát. Mười ba tuổi đã trở thành diễn viên Nhà hát Cải lương Trung ương. Sau đó, Hiền là sinh viên duy nhất đặc biệt của trường Đại học Sân khấu đã đạt điểm tối ưu ở cả ba môn: ca, diễn, múa. Lúc 15 tuổi, Hiền đã diễn thành công vai xuất sắc một nhân vật có số phận éo le, phức tạp đầy bi kịch. Nhân vật đó đã có được một tuyên ngôn âm thầm: "Người ơi! Ta lặng nghiệp phong trần". Thế rồi, tiết mục này đẩy nhà hát phải tăng thêm nhiều buổi biểu diễn. Hiền đã luôn luôn làm mọi người phải ngạc nhiên về sự đằm thắm và thanh xuân trong biểu diễn của mình. Năm 1991, Thanh Thanh Hiền đoạt giải Tài năng trẻ, rồi lần lượt đoạt thêm một giải khác. Rồi Hiền diễn vai chính trong chừng 20 vở cải lương để trở thành ngôi sao cải lương không có đối thủ ở miền Bắc và miền Trung. Một số nhạc sĩ mời Hiền hát những ca khúc cách mạng. Hiền có một đình duyên, hàm răng xinh đều mắt phượng, lông mày quét ngang, đã hoá thân vào cô du kích, cô gái Tày thực sự mà hư ảo hát lên những bài Bắc Sơn, Nhớ chiến khu… Hiền hát với giọng trầm lắng, có ngọn lửa bên trong, và thêm vào đôi cánh của sự ngợi ca nhớ nhung, bi tráng. Lại có thêm một chút mơ mộng, tâm linh làm cho giọng hát và phong thái biểu diễn khác hẳn với mọi ca sĩ khác, bừng lên cái khí thế thúc giục lòng người. Hiền đóng vai Thị Mầu trong vở kịch có tên là "Khát vọng bi thương", đã gặt hái được hiệu quả cặp díp cả về sân khấu lẫn điện ảnh. Đạo diễn Trần Phương quả là có con mắt tinh đời, đã chọn Hiền đóng vai Thị Mầu. Người ta bảo Trần Phương cao tay về việc chọn diễn viên Hiền vào vai Thị Mầu làm nghiêng ngả cả chiếu chèo. Thị Mầu của Hiền không chỉ lẳng lơ mà còn lột tả được tình yêu mãnh liệt với những đường nét vờn, chào, khao khát, quyến rũ đầy chất đời, mà cũng thiêng liêng nữa, vì các thần thánh cũng yêu đương dữ dội như người trần thế. Thuỷ Tinh còn yêu Mỹ Nương đến tận bây giờ và mai sau kia mà. Nhưng đến lúc Thị Mầu lã chã nước mắt thương con thì thật cảm động. Trường đoạn này có cái sắc thái của Truyền kỳ mạn lục, có pha chút thánh thiện. Cảnh Hiền ca cải lương, sắm vai Dương Quý Phi trước lúc uống thuốc độc tự tử là một cảnh độc đáo nhất, mà cũng là cảnh biểu thị được toàn phần tài toa của Hiền. Người ta thấy Hiền đôi mắt xa vời chìm vào hương khói. Động tác lắc vai làm cho khán giả lạnh toát cả người. Động tác cúi xuống đầy nét hoa mỹ sao mà nặng nề thế. Hiền lột tả đến tận cùng trạng thái tình cảm của người đẹp nát đá tan vàng lâm vào bi kịch không lối thoát: rối bời, yêu thương, nhớ nhung, buồn tủi, giận hờn, nuối tiếc… với một gam màu giọng kim pha cổ, mượt mà, nồng ấm, bi thương… Cảnh diễn độc đáo này, từ 65 năm trở lại đây chỉ có hai người diễn được và ca được đến đỉnh hoàn thiện là quái kiệt Phùng Há và Thanh Thanh Hiền. Nó đựng nên một bầu trời ảm đạm có thác nước dữ dằn, có máu lửa, có tiếng gió thê lương, tiễn một giai nhân sang thế giới bên kia.
Những năm gần đây, ngoài việc biểu diễn cải lương và ca nhạc trong nước, Thanh Thanh Hiền được mời đi biểu diễn ở Thái Lan, Lào, Phần Lan, Na Uy; Thuỵ Điển. Ở đâu Hiền cũng gây được ấn tượng sâu đậm làm say đắm lòng người. Hiền đã đưa những nét đẹp trong ca kịch Việt nam vào vườn hoa nhạc kịch của thế giới. Hiền còn trẻ, còn đi xa. Hiền phối hợp nhịp nhàng dáng dấp, con tim và trí tuệ với nhau để tạo ra được cái vẻ đẹp tổng hợp đến mức huyền ảo. Hiền diễn và hát bằng tâm hồn, đó là một nghệ sĩ giàu có về tình cảm và ý chí, có sự nhạy cảm tinh tế. Hiền có cái mũi bán Hy Lạp, nét phúc hậu phương Đông. Hiền có nét suy tư Do Thái, học nhiều, đọc nhiều và còn sáng tác thơ. Hiền là một ngôi sao sáng trên bầu trời sao nghệ thuật của sân khấu Việt nam.
 
ANH LUÂN TRỨNG
Những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, anh Luân sống phóng khoáng đó đây. Anh ít học nhưng hiểu biết về cuộc sống vì anh va chạm với đủ lớp người. Anh có thể và đã là thợ cắt tóc, thợ giặt là, buôn bè buôn chuyến buôn vải, buôn trứng… Người ta gọi anh là con dao phay pha. Có lúc anh rất nhiều tiền, có lúc "ba đào" không một xu dính túi. Anh có tài xoay xoả, cái "xoay xoả" mà cuộc đời cho phép nên anh bình tĩnh, đàng hoàng ngay cả những lúc gặp khó khăn. Có điều anh thường mê đọc sách, báo, truyện… và xem cải lương, tuồng chèo. Bần cùng, anh mới phịu xem kịch nói. Anh thuộc nhiều chương, hồi trong Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông Chu Liệt Quốc v.v… có lúc anh nói: "Tớ thương Đơn Hùng Tín, tớ thích Kinh Kha"…
Anh không có tài kể chuyện nên kết bạn với anh Bội, là công nhân nhà máy thuốc lá, hay kể chuyện ngày xưa rất duyên và đủ mọi tình tiết lấp lánh. Những điều anh Bội kể ra cứ nhảy múa trong đầu óc anh, mặc dù đó là những chuyện mà anh dễ đọc. Anh thuộc rất nhiều bài thơ. Cả thơ mới, thơ cũ, thơ chữ Hán, mặc dù anh không biết chữ Hán. Anh giao du rất rộng, bạn của anh có cả những ông nọ ông kia, trí thức, nhà văn nhà thơ, bác xích lô, những người ngổ ngáo, bác Yên bán bánh quế, bác Chín bán mía tiện mía cả hai tay cứ như múa kiếm… Trong số bạn của anh có một điểm giống nhau là họ đều là những người phóng khoáng và có một vài điểm đặc biệt nào đó, hoặc trong đời họ có một vài sự tích. Như kiểu nhà văn X. chuyên viết những chuyện tình dào dạt nhưng đứng trước phái yếu là đỏ mặt và tìm đường lảng tránh, bác Phổ Đất lừng danh cả khu an toàn Quảng Nạp, yên Thông những năm xưa. Lại như bác Chín Khế thổi kèn đám ma hay đến nỗi chinh phục chín cô vợ ở chín làng khác nhau tại vùng Bưởi. Trong số bạn đông đảo của mình, anh thân thiết nhiều nhất với giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ mà tác phẩm của họ đã làm cho anh xiêu lòng. Anh cho rằng những người đó “nhả” ra những bài văn, hay thơ có ích cho cuộc đời. Do đó, là những người chơi được. Nhưng họ sống nghèo nàn. Họ lại cần phải có những cái "dư" thi mới tìm được những điều hay, điều mới. Họ sống quá vất vả… Không no cơm ấm áo thật sự thì còn đâu mà có thể "dư" được. Các cụ nói rất đúng: “Lập thân tối thị hạ văn chương”. Anh hạ quyết tâm giúp đỡ họ về nhiều mặt. Anh luôn mời các bạn văn, thơ đến nhà chơi để anh được học hỏi và tạo điều kiện cho họ gặp nhau trao đổi “ý kiến, bàn luận văn chương và đủ mọi chuyện trên đời. Những buổi họp mặt “tao dân” như vậy đều do anh đứng ra bố trí, tổ chức, đài thọ mọi chi phí một cách hào hiệp kể cả cơm rượu lại còn giúp thêm tí chút để bạn bè có tiền tàu xe đi lại. Nhà anh bao giờ cũng có một vài bạn văn ở lại làm thực khách. Có người ở lại một thời gian tương đối dài. Ai cũng quý mến anh, cảm ơn anh và bầu anh làm Mạnh Thường Quân. Để có tiền giúp đỡ mọi người, đỡ đần một số tác phẩm ra đời anh phải ra tay buôn bán trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có lần, người ta gặp anh đi buôn vỏ dó tại phố Ẻn (Phú Thọ) bán cho người làng Bưởi làm giấy đó lụa in những tập thơ văn đặc biệt có chữ ký của tác giả có lần, gặp anh buôn trứng ở bến Phà Đen. Anh đã "phất" một dạo đủ nuôi chừng 10 người thực khách. Mọi người được nghe anh kể lại các mẩu chuyện về đời anh, vui có, buồn có.
Tên Luân Trứng được đặt trong lúc này. Trong công việc buôn trứng, anh tỏ ra rất sành. Anh là người chưa bao giờ bị bọn lái buôn ranh ma đếm thiếu và không hề nhận lầm những quả trứng kém phẩm chất. Anh chỉ cần trông và nâng quả trứng lên là có thể biết được là trứng chưa ấp hay đang ấp dở… có dạo anh em ngạc nhiên thấy anh thường hay sang giúp đỡ nhà bà láng giềng ru ngủ chú bé Đan bằng một giọng ru vời vợi qua những câu như: đồng tiền Vạn Lịch anh thích bốn chữ vàng" hoặc những câu trong "Lỡ bước sang ngang"? Vì bé quen rồi, có được nghe mấy câu ru của anh bé mới chịu ngủ.
Dạo đó (1959-1969), nhà thơ Nguyễn Bính mới viết xong vở chèo cô Son với sự động viên và giúp đỡ của anh Việt Dung là phó giám đốc Sở Văn hoá, phụ trách nghệ thuật. Anh được lĩnh tạm ứng 300 đồng. Nhưng anh nợ trên 400 đồng nên phải chi tiêu dè sẻn. Anh qua phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm và sà vào hàng thịt chó. Đó là một cửa hiệu nhỏ nhìn ra cái vườn hoa nhỏ rất vắng người lui tới. Những người tới đây thường là những khách bần cùng, vì đó là vườn hoa sau nhà Hoả Lò. Chếch một chút là chùa Bích Lưu, am thanh cảnh vắng có nhà sư bán một loại tương nổi tiếng gọi là tương của sư cụ chùa Bích Lưu. Trước cửa hàng có kê một tủ kính bày ớ a nhựa mận, một đĩa lớn bầy khúc thịt chó luộc cắt ngang với mấy khúc dồi, ít chanh giềng…Vào nhà hàng, anh Nguyễn Bính chỉ dám gọi. một cút rượu và băn khoăn tính đến gọi thêm một chút gì qua loa cho đỡ cơn thèm. Bỗng từ bên trong có người nói: "Cháu ơi! Dọn tất cả ra cho ông khách mặc áo đại cán nhé!”. Lát sau chú bé dọn đến cho nhà thơ hầu như tất cả các món mà nhà hàng có, làm cho khách hàng lúng túng, không hiểu ra sao. Hay là có sự lầm lẫn chăng. Mọi băn khoăn được giải quyết ngay lập tức khi anh Luân chạy ra ôm lấy anh Nguyễn Bính và reo lên: "Cố nhân, cố nhân". Anh tiếp:
Bẵng đi một thời gian, vật đổi sao dời.
Ta mừng gặp mặt, ta mừng cố nhân chén rượu.
Kẻ này "đói” chữ nghĩa chứ không nghèo tấm lòng. Kết giao với các nhân tài là một việc đẹp đẽ. Xin vài ngày để anh sửa soạn cho vở cô Son thật hay.
- Anh đã xem vở cô Son rồi à?
- Có anh bạn đưa cho tôi xem. Xem xong tôi “đổ” đấy
- Thế à? Cám ơn anh. Tôi không biết anh ở đâu mà đưa anh xem trước.
- Này. Đọc xong tôi xúc động quá. Anh nêu lại câu chuyện cô Son tài sắc yêu anh khoá Hồng. Khi anh này đi thi thì cũng đúng lúc cô ta bị ép vào kinh làm cung phi của Minh Mạng. Mười lăm năm sau vua mới nhớ ra và vời nàng đến gặp mặt. Nhưng trong cuộc gặp gỡ lứa đôi, cô Son phải bịt kín hai con mắt. Cái lệ luật quái ác này được đặt ra vì nghe đâu Minh Mạng không muốn để phái đẹp phải thất vọng khi thấy mình quá xấu xí (ông bị bệnh đậu mùa). Ông muốn cho cung phi tưởng tượng ra một thiên tử đẹp như hoa. Cô Son đã vi phạm luật lệ đó, giật tung băng the khi gặp Vua. Cô thuyết phục Vua bằng những lời thông minh. Vua đành phải tha cô và cho về quê cũ ở ven Hồ Tây. Về đến quê, cô còn phải trải qua nhiều cay đắng rồi mới gặp lại người yêu cũ. Khoá Hồng vẫn say mê cô, bỏ án từ quan về làm dân đen sống nghèo nàn lam lũ với cô Khi cô mất, mọi người thương cảm dựng lên miếu "Cô Son"… Tôi xin có hai câu đúc kết vớ vẩn cho cả câu chuyện:
"Mười lăm năm mới biết mặt chồng
Tên son đỏ mà cuộc đời đen tối…"
Hay! Hay tuyệt! Anh không được nói đó là hai câu kết vớ vẩn. Họ chuyển các món ăn ở ngoài bàn vào buồng trong để vừa mừng gặp lại nhau giữa một thực khách với một Mạnh Thường Quân. Chừng nửa giờ sau, anh Luân có một yêu cầu với anh Bính. Anh nói:
- Tôi biết anh bạn từ trước đến nay chỉ làm thơ tình, thơ lãng mạn, ví vu…Nay tôi muốn có quả rải mùa ở anh. Anh hãy làm cho tôi mấy câu thơ quảng cáo cho cửa hàng của tôi được đông người đến ăn, rất khó, tôi lại chỉ tin anh mới làm nổi.
- Tôi sẽ làm.
Anh Luân sai em bé mang ra tờ giấy hàng mã màu vàng, lọ mực và một chiếc que tre, anh Bính nghĩ một lát rồi viết:
"Không qua Bông Nhuộm thì thôi
Hễ qua chốc lát, xin mời tới đây”
Cổ truyền có món thịt cầy
Xào lăn, yến, chả, bóng, cay khôn bì…"
Anh Luân vui quá, vỗ đùi đen đét, mời thêm bạn mấy chén rượu và tự thưởng cho mình một chén vì đã phát hiện ra đúng người làm được bài thơ mình mong đợi. Anh cho dán bài thơ lên tủ hàng. Lại qua nhiều năm, tháng…Anh Luân đi nơi khác sinh sống bằng nhiều nghề. Nhưng đến giờ, anh vẫn giữ kỹ cái tờ giấy hàng mã màu vàng đã biến màu có bốn dòng thơ quảng cáo chính cống mà lại rất thơ ấy. Đó là bút tích của người bạn thân, là tác giả của các bài "Chân quê, tương tư", "Cô lái đò", "Ghen", "Cô hái mơ" v.v… đó là kỷ niệm của tình bạn. Anh còn gọi là tình văn chương. Thỉnh thoảng có dịp, anh lại giở bài thơ ra xem, rồi trân trọng xếp lại và cất đi, coi là của "gia bảo".
 
BÀ LÝ TẾ
Bà Lý Tế đã 92 tuổi, (năm 1995). Mắt bà đã kém Lắm nhưng vẫn đi lại được đàng hoàng. Bà về ở một gian nhà thờ họ ở Quốc Oai mà bố bà là trưởng họ. Từ những năm 1931, bà đã mở rạp Tam Kỳ hí viện, nay ở khu Kim Mã, gần chùa Kim Sơn và sau đó vài năm lại mở 10 gian hát ả đào, cách rạp hát chừng vài trăm mét. Tam Kỳ hí viện diễn cả tuồng, chèo, cải lương.
Rạp có hai đoàn diễn một đoàn lấy tên một diễn viên chính là Anh Đệ và một đoàn là Tạo Lý. Các diễn viên bổ sung cho nhau. Họ thường diễn được cả ba loại và luân lưu diễn ở khắp các tỉnh và các miền quê, miền núi. Mỗi đoàn gồm chừng 40 người. Trước tiên, bà chủ Lý Tế là một giai nhân, vì yêu nghề mà bỏ tiền ra, chiêu hiền đãi si.
Bà được nhiều Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Các vị chức sắc từ cao đến thấp đều sẵn sàng giúp đỡ bà mở rạp và ra mặt khách thập phương, không có người đàn ông nào mà bà có cảm tình lại không yêu bà. Cả Hà Nội, nhất là khu vực gần Kim Mã đều biết bà. Với sự chỉ huy của bà, các buổi biểu diễn nhất thiết phải có mặt từ hai đến ba đào kép hạng nhất gọi là kép "hoa" hoặc đào "hoa" là những người tài hoa, nhan sắc làm cho khán giả mê mệt, như bây giờ người ta gọi là diễn viên ngôi sao.
Khi họ ra diễn, tiền tung lên sân khấu như mưa. Bà tính đến hiệu quả của buổi diễn. Có buổi được cô Hoa Tâm hoặc bà Ái Liên sang diễn cho rạp. Chủ rạp khuyến khích các diễn viên nổi tiếng tiếp xúc với mọi người và cử những đào hát xinh đẹp và tài năng đi “ngoại giao” và nhận các suất diễn. Họ nhận những suất diễn ở các phủ, huyện, xã hoặc ngay cả trong các dinh thự, phủ đường, các hội hè đình đám.
Cũng có nơi chỉ có vài người diễn, hai người hoặc một người. Đó là những suất diễn "thiêng". Những việc ngoại giao lớn quan trọng hoặc chuyên xoay xoả sao cho luôn có tiền nuôi nhau do chủ rạp đảm nhiệm. Hoa Tâm và Ái Liên đều là chủ của hai gánh hát. Họ cũng là hai diễn viên "vàng". Nhưng họ sẵn sàng diễn giúp Tam Kỳ hí viện. Cũng có thể vì yêu cầu đặc biệt mà vài diễn viên nổi tiếng được “tiếng bo” qua lại giữa các gánh hát. Họ có thể nhường diễn viên này cho gánh hát nào đó trong một thời gian ngắn. Đó cũng là một kiểu mà bây giờ gọi là Makerting hoặc là "chuyển nhượng cầu thủ".
Có lần, rạp mời ông Đinh Khắc Ban, đào Đàm Mộng Hoàn và cụ Trúc Hiền để mở một màn dạo chầu văn không chê vào đâu được trước khi diễn vở chính. Mà thế thật. Tiếng đàn đáy của ông Đinh Khắc Ban là tiếng đàn giang hồ số một. Tiếng trống chầu của cụ Trúc Hiền phải đổi bằng giá của cả một cơ ngơi nhà cửa, ruộng vườn và sự hi sinh của vợ con cụ trong suốt nhiều năm mới có được. Còn Đàm Mộng Hoàn thì khỏi phải nói. Đó là con chim oanh mỏng manh nhưng hót hay mà hai hãng đĩa hát Fathé và ASIA phải tranh nhau mời mọc và gọi nàng là viên ngọc của làng ca sĩ. Bà Lý Tế bảo rằng lớp biểu diễn đặc biệt này là để “chiều” những vị khách sành và làm say lòng khách, nói chung để có được lòng tin. Chủ rạp rất biết giá trị của từng người, thậm chí cả từng câu hát, dáng múa. Bà biết rõ tâm lý tác phong và cuộc sống riêng tư của từng người. Bà luôn nhắc nhở các diễn viên là diễn đẹp thế mới có thể nuôi nhau được. Những Lê Chiêm, Sĩ Tiến, hề Năm Ngũ, kép Thi, kép Nhã… thường có những suất diễn cho bà. Nghĩa là bà huy động được tất cả những đào, kép hạng nhất và siêu hạng của Hà Nội và cũng đón được những anh tài ở miền Trung và Sài Gòn ra. Do đó, Tam Kỳ hí viện mới có thể cạnh tranh được với Quảng Lạc, Hiệp Thanh và một vài rạp chớp bóng.
Thế rồi, vi vật đổi sao dời… Tam Kỳ hí viện chỉ còn một nhóm. Tuy vậy, họ vẫn đến diễn cho các đơn vị bộ đội cách mạng. Ông Lý là chồng bà đã mất. Bà đi bước nữa với một vị chỉ huy cao cấp trong quân đội. Ông có lòng với sân khấu và say đắm bà… Ngày nay, ở địa điểm gần chùa Kim Sơn (Kim Mã) chỉ còn vết tích một mảng tường có bốn chữ Tam Kỳ hí viện và gần đó còn có vết cũ của mười gian phòng hát ả đào, để đánh dấu một vùng đã từng là nơi nhộn nhịp ngựa xe, tài tử giai nhân, tối nào cũng vút lên những giọng hát cùng đàn sáo xôn xao. Những tích hát như: Duyên chị tình em, Dự Nhượng đả long bào, Giang tả cầu hôn, Kiều, Nhị độ Mai, Toà án lương tâm, Lã Bố hí Điêu Th quyền, Tông Trân Cúc Hoa, Phan Trần, Hoàng Trờn, Mộ cô Phương… không bao giờ vắng khách…
Sau Tết Ất Hợi (1995), bà chủ rạp Tam Kỳ hí viện xưa đến thăm lại bức tường có bốn chữ Tam Kỳ hí viện. Bà đã 92 tuổi, không còn nhìn rõ nữa. Nhưng trí nhớ của bà còn tốt lắm. Bà đã lui về quê từ lâu với hai bàn tay trắng, chỉ còn giữ lại làm kỷ niệm một hòm đạo cụ bằng gỗ và cây đàn cổ. Tuy vậy, chiếc hòm gỗ đó còn chứa cả nỗi niềm hân hoan siêu tuyệt. Suốt đời bà chỉ bỏ tiền ra, xoay xở mọi cách để nuôi anh em diễn trò chứ không hề xà xẻo của anh em một đồng xu. Tôi cảm động lắm về điều này, đến nỗi chẳng nói được nên lời. Bà nói thêm:
- Mình vì anh em, làm cái nghề múa hát này để mua cái vui, cái buồn bất tử… Bà nói sâu sắc mà tinh nghịch.
Hai đứa con của chồng bà được bà nuôi nấng từ bé nay đã trưởng thành. Chúng coi bà như mẹ đẻ. Những đào kép khi xưa làm việc với bà chẳng còn mấy. Bản thân bà không có con. Bà biết những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính… thường là thực khách của bà. Rạp hát cũng là nơi mà cái bạn văn chương đó đến viết văn và hoàn thành những bản thảo. Bà lại bảo, nếu không có mặt của các đào nương, son phấn và những sự trông nom chăm sóc, vuốt ve chiều chuộng tuyệt vời của cái mùi trần thế nồng nàn thì làm sao mà có nhà văn giỏi… Bà Lý Tế sống trong cô đơn và kỷ niệm. Tuy vậy, bà vẫn mang theo mình một mối khát vọng siêu phàm về sân khấu. Khát vọng này không bao giờ rời bà vì bà cũng không muốn rời nó.
 
CÁI TẾT CỦA NHÀ THƠ QUANG DŨNG
Năm đó, vào khoảng 1945-1960, gia đình anh Quang Dũng Tây Tiến (xung quanh hàng xóm gọi anh như vậy) ở một căn nhà nhỏ, hẹp ở phố Lý Thường Kiệt. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh chẳng mấy lúc có nhà. Anh đi khắp nơi, hết đến nhà bạn này lại đến nhà bạn khác. Anh rất nhiều bạn. Nhiều bạn và những người quen thường mời anh đến nhà và mời anh ăn những bữa cơm dưa muối. Anh dễ ăn. Có bữa chỉ vài củ khoai luộc cũng xong. Anh nói đùa là đã ăn mấy củ nhân sâm. Anh còn đi thư viện đọc sách và la cà ở các hàng quán hoặc bị hút vào đám xẩm, một trận cãi nhau…
Đi đâu với anh cũng là làm việc cả. Anh nghe nhiều, nhìn nhiều, giữ lấy những hình ảnh, những âm thanh rồi tổng hợp lại thành những chất liệu để dùng dần trong sáng tác thơ, văn. Anh gọi là đi nhiều để “nạp điện” rồi mới “nhả điện” được. Tôi ngạc nhiên vì anh đã dùng nhiều từ kỹ thuật chính xác và đắt khi nói chuyện với tôi. Thì ra, anh biết tôi đang theo đuổi công việc về kỹ thuật, khoa học. Và tôi cũng hiểu rằng anh Quang Dũng mày mò đến nhiều mặt: khoa học, kỹ thuật, y học, công nghiệp, mỹ nghệ thủ công… Cái gì cũng tò mò, muốn biết và học hỏi.
Hôm đó là trưa 30 Tết. Anh về nhà sớm và hạ quyết tâm ở với gia đình suốt 3 ngày Tết cho trọn vẹn (anh nói vậy). Anh về nhà, cửa nhà còn ngổn ngang. Chị Thạch, vợ anh đang bận túi bụi. Chị đang thổi xôi và cũng còn đang bực bội với cái tội lớn của nhà thơ là đã để kẻ cắp móc mất một số tem, phiếu mấy tuần trước đó. Chị bảo: "Ông đã chẳng giúp đỡ gì cho vợ con, lại còn…". Anh cười, xua tay:
Người ơi! Ta nặng nghiệp phong trần
Tôi nguyện dâng đời hết tuổi xuân
Tình bạn nơi tim, tôi kính giữ
Mặc dầu trôi nổi áng phù vân…
 
Chị dịu đi và trình bày một loạt vấn đề. Nào là chồng được 13 cân gạo, vợ 10 cân gạo, lương chẳng bao giờ đủ cả. Năm nay, chị lại thổi xôi. Anh Quang Dũng nói: "Thế là có bánh chưng rồi. Bà dỡ xôi ra lá, cho một ít nhân vào giữa, gói lại như chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh, đem nấu lên một lát. Thế là ta cũng có bánh chưng như ai, lại không phải đun lâu tốn củi”. Chị Thạch cười: "Ông thật khéo bày trò", rồi làm đúng như vậy. Năm ấy, nhà chị có 12 các bánh chưng cải tiến. Tối 30 Tết, anh mở hàng cho vợ và các con, mỗi người một phong bao giấy đỏ. Chị Thạch cảm động bảo các con: “Phong bao của bố đấy”. Cũng có nghĩa là thơm thảo thôi chứ không có nhiều. Sau đó, mọi việc trong nhà lại do chị Thạch đảm nhiệm. Anh treo bức tranh Tết lên tường. Gọi bức tranh này là "Tĩnh vật" hoặc "Cúc vàng" đều được cả. Trong bức tranh này, anh vẽ mấy quả cam mọng vàng nằm trong đĩa. Cạnh đó là mấy bông cúc vàng xòe ra. Xa một chút là ông phỗng bằng giấy ở các chợ quê xưa. Bức tranh này anh vẽ từ mấy hôm trước, không ai biết. Nó gây một xúc động mạnh. Hoạ sĩ Phạm Viết Song thích bức tranh lắm, gọi nó là bức "Hương xưa". Hoạ sĩ Văn Đa ngắm bức tranh hàng nửa tiếng đồng hồ và gọi là bức "Hồn dân tộc". Thế là xong. Anh ra hẳn một góc riêng. Anh thổi sáo. Anh thổi mỗi bài chỉ một đoạn. Mà là đoạn anh thích nhất. Thôi thì đủ cả những: “Hòn vọng phu", Hà nhật quân tái lai, Si na nôi u ru, Biệt ly nhớ nhung, Trở lại Sôriăngtô…
Anh ra ngoài phố một lát, đúng 12 giờ, khi pháo giao thừa nổ ran mới về nhà "xông đất”, nói một vài lời chúc mừng vợ con, hy vọng năm mới gia đình sẽ được khoẻ mạnh, và nhất định sẽ nhấm khá hơn năm cũ.
Sáng mồng một Tết, anh "xuất hành" đi thăm chùa. Lúc về nhà gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến chúc Tết và biếu hai chiếc bánh chưng. Nhà viết kịch Huỳnh Chinh cũng biếu anh hai chiếc bánh. Tối mùng một Tết, anh cầm bút viết đoạn đầu của bài thơ "Đường chiều thứ bảy”. Bài thơ này, sau được đăng trong tập, "Mây đầu ô” của anh. Đó là một bài thơ dài mang âm hưởng một trường ca, gồm 195 câu in trong 10 trang khổ 13 x 19cm. Bài thơ ấy đồng thời cũng là một bản nhạc, là bức tranh mà cũng là một khúc tâm tình. Nó kể lại quãng đời của một cô gái trong triệu người thời đại: Người thiếu nữ hay hát bài hát ưa thích mỗi khi lên hoặc xuống thang gác. Cô yêu một anh cán bộ quân đội đang chiến đấu ngoài mặt trận. Anh đã ngã xuống trong chiến đấu, không trở về. Ngày hoà bình lập lại, cô bé xưa đi bên người chồng mới. Cô thấy cuộc đời to, rộng và đã có bao nhiêu người thân yêu đã hi sinh cho mình, cho Hà Nội rực rỡ. Bài thơ đã có tiếng vang nó ngậm ngùi mà lóe lên những tia nắng lạc quan. Nó là một bản Sonate bi hùng mà chỉ có một nhà thơ lớn và đầy tài hoa mới viết nổi. Ngày mồng bốn Tết, anh Quang Dũng lại hăm hở đi nơi này nơi nọ, chẳng mấy lúc có nhà. Anh đến với mọi người, với người quen, người chưa quen. Anh có duyên làm quen với bất cứ ai và rất dễ xúc động. Tâm hồn cử mỏng manh và rung rinh. Anh tâm sự với tôi: "Phải biết làm quen và học tập những người giỏi hơn mình".