Chương II
VUI CHƠI

HỘI CỜ NGƯỜI Ở CHÙA VUA HÀ NỘI
 - Hội mở trong 4 ngày
- "Phi chùa Vua bất thành danh thủ"
- Trận tài tử giữa hai đấu thủ kiệt xuất
- Tuyển chọn quân cờ người là một cuộc thi hoa hậu.
Hàng năm, cứ vào những ngày 6, 7, 8, 9 tháng giêng âm lịch, chùa Vua ở làng Thịnh Yên (chợ Giời) mở hội. Chùa Vua là một quần thể di tích có tiếng, vừa là nơi của Phật, của Đạo giáo và của Nho giáo. Chùa Vua được xây dựng từ đời Lê, là một bộ phận của cung Thừa Lương. Đó là nơi để Vua và các đại thần nghỉ ngơi vài ngày trong năm, chuẩn bị ra tế trời đất ở đàn Nam Giao (nay là địa điểm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) Chùa dành riêng một gian thờ thần cờ Đế Thích. Người ta khen nhau “Cờ cao như Đế Thích” Hội chùa Vua, ngoài phần lễ ngắn gọn, chủ yếu là những trận đấu cờ người truyền thống suốt mấy ngày đêm.
Từ xưa đến nay, hầu như tất cả những cuộc thi đấu cờ tướng lớn đều diễn ra ở chùa Vua. Các đấu thủ qua được “Nhị thắng” là quán quân, được ghi tên vào bia đá.
Từ những năm 1930-1940, bia đá chùa Đế Thích ghi tên những danh thủ: Du, Yến, Lịch, Lục (vô địch Bắc Kỳ), Chu Văn Bột, Đỗ Tâm (vô địch Nam Định), Lại (vô địch Hải Phòng), hổ tướng Nguyễn Thành Hội, Nguyễn Văn Hải v.v… Các đấu thủ siêu hạng ở các tỉnh mà chưa được tỉ thí ở chùa Vua là một điều ân hận: “Phi chùa Vua bất thành danh thu ".
Trẻ, già, trai, gái làng Thịnh Yên đều giỏi cờ. Nếu họ không là đấu thủ thì cũng là những người bình luận, cổ vũ, bình luận, cổ vũ động viên nhiệt tình. Chùa Vua cũng là nơi đi lại tấp nập của các "sởi" cờ trong toàn quốc.
Hội Chùa Vua năm 1995 có 64 đấu thủ chuyên nghiệp, nghiệp dư và tài tử của các câu lạc bộ cờ: Chùa Vua, Quân đội, Đống Đa, Hà Bắc, Hà Tây, Quảng Ninh, Nông nghiệp… tham gia. Thành tích nổi bật đã thuộc về lớp trẻ. Họ dồi dào sức khỏe (điều này quan trọng lắm), kiên trì, hăng hái, nặng về tấn công, có tư duy khoa học, giàu trí tưởng tượng, trình độ văn hoá cao… Vòng đấu loại diên ra từ ngày 6 đến ngày 8 để còn lại 4 đấu thủ tranh ngôi ba, tư và nhất, nhì…
Trong vòng đấu loại, nhiều người " máu" cờ, tiếc cho mấy danh thủ không hề kém ai, nhưng chỉ vì một chút sơ hở mà không vào được vòng trong. Thi đấu là như vậy? có những ván kéo dài mấy tiếng đồng hồ, đấu thủ đi vệ sinh cũng phải có người đi theo, phòng đấu thủ vô danh chơi cờ bên ngoài. Trọng tài còn phải cảnh giác với những ám hiệu mách nước cho các đấu thủ như: Giơ tay trái là thoái, giơ tay phải là tiến, để tay ngang bụng là cầm cự. Những động tác của các ngón tay, việc mời đấu thủ điếu thuốc lá châm lửa sẵn hoặc chưa châm, động tác vuốt mũi, những lời bình luận v.v… đều có thể là những ám hiệu.
Ngày mồng 8 có một trận đấu cờ giữa hai đấu thủ loại kiệt xuất nhưng không dự giải. Hai đấu thủ phải xông pha trên sân cờ gần suốt buổi để đi những nước cờ hào hoa. Trận này gọi là trận tài tử, có nhiều nước đi tài hoa, bay bướm làm cho người xem luôn xuýt xoa, khen ngợi.
Sáng ngày mồng 9, đoàn quân cờ của xã Đồng Cổ, làng Dương Xá (Nhổn) đến chiếm lĩnh sân cờ. Đoàn gồm 16 quân nữ mặc quần áo xanh, mười sáu quân nam mặc quần áo đỏ, hai tổng cờ nam và nữ. Họ ăn mặc giống như các hình ảnh trong cỗ bài tam cúc. Hai tổng cờ ra lệnh cho hai đấu thủ đại diện ra lễ vua cờ trước khi cho trận đấu bắt đầu. Hai đấu thủ làm lễ kiểu con nhà võ với mấy động tác nhanh, gọn, kèm theo mấy động tác vo thuật hoa mỹ truyền lại từ ngày xưa. Sau đó, tướng sĩ hai bên xanh và đỏ đi kiểm tra lực lượng, quan sát biên giới bằng những bước đi cách điệu có chất vũ đạo rồi về vị trí. Hai tổng cờ phất cờ, ra lệnh bắt đầu trận đấu. Chỉ huy bên xanh là danh thủ Nguyễn Tấn Cường, 27 tuổi, thuộc sởi cờ Quân đội Anh đã xông pha "trận mạc" từ những năm còn ở tuổi thiếu niên, lại là con nhà nòi. Chỉ huy bên đỏ là Bùi Dương Trân, 31 tuổi, thuộc sởi cờ Nông nghiệp. Anh nổi tiếng về những "trận đánh” chuyển bại thành thắng.
Trận đấu này là trận tranh ngôi nhất nhì với giải thưởng khá lớn. Bên ngoài, trống liên hồi, mỗi vị chỉ huy đều bị một tiểu đồng đi sát cạnh, đánh lên những tiếng trống con giục giã. Họ đấu rất thận trọng. Lúc thăm dò, lúc cầm cự, lúc tiến nhử mồi… Họ phải ở tư thế đứng và đi lại để điều binh khiển tướng suốt 5 giờ liền. Cuối cùng, trận đấu hoà, phải đấu ván thứ hai, kéo dài thêm hơn 3 tiếng đồng hồ nữa Nguyễn Tấn Cường mới hạ được Bùi Dương Trân. Nước cờ đầy những yếu tố bất ngờ. Mọi người vỗ tay rào rào, hò reo ầm ỳ rồi ngừng lại xem lễ thu quân. Lúc này, đoàn quân cờ làng Dương Xá trình diễn điệu múa thu quân, chạy cờ, quấn cờ, bái tổ… Họ đứng thành hai hàng. Đúng là một bộ tam cúc sống. Một bên đen, một bên đỏ, trang nghiêm mà thân thuộc. Nhớ lại ngày xưa, các cụ còn chu đáo hơn. Đội quân cờ gồm toàn những trai chưa vợ, gái chưa chồng mặt hoa da phấn. Họ đều là những người có thanh sắc được lựa chọn.
Thế là tự nhiên hình thành một cuộc thi hoa hậu nhỏ trong hội cờ xuân. Hội cờ chùa Vua khép lại qua ván cờ quyết liệt. Người ta lại chờ đón những ngày này năm sau.
 
XUÂN XƯA QUẢNG LẠC
Dạo ấy, cuối những năm 30, Hà Nội chỉ còn hai rạp tuồng và cải lương nổi tiếng. Đó là rạp Hiệp Thành toạ lạc ở cuối phố Tạ Hiền và rạp Quảng Lạc, nay ở vào nhà số 50 Đào Duy Từ. Rạp Quảng Lạc phần nào có tiếng hơn. Muốn châm biếm một ai đó làm ra vẻ "ta đây”, hoặc nói năng hách dịch, khoe khoang, người ta nói với anh rằng: "Gớm, cứ làm như ông tướng Quảng Lạc ấy".
Rạp này thường diễn một đêm tuồng và hai đêm cải lương. Có hôm lại gọi là tuồng cải lương. Lúc này cải lương hơi lên giá một chút. Đàng sau sân khấu (rạp hát) là cả một cái buồng dài và rộng, hơi tối. Nơi đây được coi như nhà tập thể của những nam, nữ diễn viên không có nơi cư trú ở ngoài phố. Mỗi người hoặc mỗi cặp vợ chồng chiếm lấy một khoảng nhỏ. Của cải chẳng có gì mấy, sang lắm là chiếc bàn, vài chiếc va li gỗ hoặc bằng da cũ. Cũng có vài cái tủ gỗ con. Cứ trải cái chiếu ra là "Vua" và "ái khanh" có thể nằm xuống nghỉ được rồi. Về mặt xã hội, nếu "Vua" và "ái khanh" không có thực tài làm cho khách mến mộ thì cũng dễ ra khỏi nhà hát mà đi bán phở hoặc bán nước ở đầu phố. Xen kẽ có vài khoảng cho các diễn viên độc thân. Phía trên nhùng nhằng những sợi dây để mắc màn và treo quần áo. Chăn, gối cứ việc xếp lên phía đầu chiếu. Người đâu giang sơn đó. Giản đơn thôi, "sống gửi thác về"…
Ban ngày thì thế mà tối đến họ đều là quan to, như là thư sinh, công chúa… cả đấy. Chỉ cần có tiếng hát với cuộc đời là được. Có vài người nghỉ ngay tại rạp bằng cách ghép mấy chiếc ghế lại, coi như giường ăn uống thì gặp đâu ăn đấy. Chẳng ra bữa gì cả cũng có khi nấu nướng tí chút hoặc góp gạo thổi cơm chung. Việc gì cũng hình như hứng lên thì làm. Tuy vậy, ngày Tết lại khác hẳn. Nhà nào nhà nấy xào xào nấu nấu, chuẩn bị một vài món ăn kéo dài được vài ngày như thịt bò om gừng hoặc thịt đông. Họ góp nhau lại gói bánh chưng. Vài gia đình đặt bát hương ở đầu chiếu cúng cha mẹ, ông bà. Nhà nào có con nhỏ thì dán tờ tranh tết có con lợn, "âm dương" hoặc "Hứng dừa". Có anh hay chữ, viết đôi câu đối chữ Hán lên đầu giường: Nhân tình tự chỉ, chương chương bạc Thế sụ như kỳ, cục cục tân… Các đào kép độc thân và ở dạng Đồng Ấu được các gia đình anh chị mời ăn Tết cùng trong vài ngày. Các đàn em cũng sắm Tết mừng anh chị, vài thức góp vào. Ngày 28 Tết là ngày ăn uống tưng bừng, vì từ ngày này trở đi cho đến ngày 7 tháng giêng là những ngày vào Xuân. Những ngày 29, 30, mồng một, mồng hai Tết đều diễn tuồng sớm để mọi người còn chơi Xuân, chơi phố, thăm bạn bè. Họ chơi chắn, tổ tôm. Nữ chơi tam cúc, chơi bài, lật bài, đi đêm, tốt đỏ đè tốt đen v.v… Những buổi chơi này đều có mứt và rượu. Cả nữ cũng uống rượu…
Trong những ngày này xuất diễn rút ngắn chỉ còn chừng 1 giờ đồng hồ để đón những khách đến bói tuồng, loại khách này nhiều và thật "sộp". Họ mua vé, vào một lát rồi ra ngay. Đến người khác cũng thê. Như vậy là bán được rất nhiều vé. Mỗi chỗ có thể bán được mấy lần vé. Để thưởng các đào kép yêu mến, nhiều người tung tiền lên sân khấu rào rào. Nhiều diễn viên được khán giả “phong bao”. Tuỳ theo tình hình, có thể diễn thêm buổi. Trước cửa rạp, dán một đôi câu đối giấy đỏ chữ đen thật nổi: Đào Đào Kép Kép, ra ra, đào đào, vừa diễn, vừa hát, say sưa vở. Nam nam, nữ nữ, nhìn nhìn, nghe nghe, chẳng cười chẳng nói, nghĩ suy đời…
Chiều 30 Tết, ai muốn làm gì thì làm. Nhưng diễn từ 7 giờ đến 8 giờ tối. Đó là buổi diễn tiễn năm cũ đón năm mới. Đến 10 giờ đêm thì tất cả đào kép, nhân viên trong rạp tập trung lại. Bàn thờ tổ đã được trang trí và bày biện chu đáo. Có đôi câu đối mừng tổ:
Bức tranh vân cẩu treo rồi cuốn
Thế sự tang thương phá lại bày…
Có đĩa ngũ quả, bánh chưng, mứt, hương, hoa, nến. Ông chủ Nguyễn Văn Long đến thắp hương, chúc tết tất cả mọi người. Mọi người chúc lại, ông chủ mở hàng đồng loạt, mỗi người hai hào. Ai cũng như ai. Sau đó, ông đi ôtô về Bưởi. Mọi việc giao cho ông Nhã trông nom.
Ông Nhã bưng rượu và mứt ra để mọi người cùng thưởng thức. Mỗi diễn viên hát lên một bài hoặc đoạn ngắn mà mình tâm đắc nhất để nhớ đến tổ và mừng xuân. Những lúc này là lúc họ hát được hay hoặc cố tình lệch lạc đi một chút theo ngẫu hứng. Họ rất nể nhau về tay nghề. Ví dụ như kép Ba Thân “ba mươi hai đồng” mà hát đoạn Tô Vũ mục dương thì mọi người phải nín thở. Cô Mão "hai mươi tám đồng” hát cái chỗ: Yến Phi Long tiễn chồng ra trận thì đến đào kép nhà nghề cũng phải "chết lịm" chứ chẳng nói gì đến khán giả. Gọi quen là kép Ba Thân "ba mươi hai đồng”, là vì anh là kép nhất, được lĩnh 32 đồng một tháng. Lúc này giá một tạ gạo có một đồng bạc. Anh Sỹ Tiến, ông Mẫn được 28 đồng. Anh Đào Mộng Long là cây nhị phụ, được 6 đồng. Vang bóng một thời những kép như Ba Thân, Tư Liên, Tư An, Tam Huỳnh Kỳ, Bản Vân, … những đào như Kim Chi, Thúy Mão, Khánh Hợi… là những tài năng được công chúng mến mộ. Có mặt họ, bao giờ cũng đông khách hơn. Họ được bốn chữ: diện, bộ, thanh, phần, tức là được về bộ mặt, dáng điệu, tiếng hát và thần thái.
Đi xem Quảng Lạc mà có một trong "ngũ nam quái" (5 kép giỏi) hoặc "tam nữ kiệt" (ba đào kiệt xuất) thì mọi người mới yên tâm. Nhất là vào dịp Tết hoặc đầu xuân. Ban nhạc ngồi xung quanh đệm cho các khúc hát đón xuân sôi nổi, phóng túng. Thảng hoặc có một, hai đào kép nào đó nhớ quê, khóc lên rưng rức. Mọi người đâu về đấy, đợi tiếng pháo giao thừa. Trong mấy ngày Tết, ông Nhã trông nom săn sóc tất cả mọi người. Trách nhiệm của ông chỉ tóm gọn trong một câu: Làm sao cho buổi diễn có khách. Tuy vậy ông phải làm thế nào cho thấy tuồng và các đào kép làm việc ăn khớp với nhau. Phải biết khai thác mặt mạnh của từng người. Phải gần mọi người. Trong những ngày Tết, ông giảng hoà những mâu thuẫn, hiềm khích. Bản thân ông cũng xin mọi người bỏ qua nếu ông có những điều gì không phải với anh em trong năm cũ. Ông phải lo khoản trợ cấp hoặc cho vay tiền một số anh em quá nghèo vì trót đánh bạc, hút xách hoặc ăn chơi lãng phí.
Để làm quản lý như ông Nhã, trước hết phải tốt bụng, quí mến mọi người. Phải giữ ý cẩn thận. Chẳng hạn như từ mua bán các thứ như rượu, mức hoa quả, thuốc lá v.v… ông đều nhờ các đào đi mua rồi về tính toán chứ không bao giờ để vợ con ông đi mua. Ngày thường, trong rạp có thể xảy ra xích mích, cãi cọ gì đó là việc thường. Nhưng trong mấy ngày Tết, ít nhất là đến ngày mồng bảy, những điều đó không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng được can ngăn và dàn xếp vui vẻ ngay. Đúng giờ tý, ông quản lý đã treo sẵn một tràng pháo đặt trước cổng rạp. Người châm lửa đốt là một kép được mọi người yêu mến và kính nể về tài năng. Tiếng pháo giao thừa của rạp Quảng Lạc vừa dứt, các diễn viên, từng đôi từng đôi đi xuất hành, hái lộc.
 
THÚ CHƠI CÂY CẢNH
Trồng cây cảnh là một nghề đặc biệt của Việt nam nói chung và Hà Nội, Nam Hà, Thái bình v.v… nói riêng. Đây là một nghề tài tử, có từ đời Lý, Trần được cha truyền con nối với những “miếng” kỹ thuật bí truyền. Những làng trồng cây cảnh lâu đời và nổi tiếng là Quảng Bá, Nghi Tàm, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vị Khê, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Mai, Vĩnh Tuy… Các gia đình trồng cây cảnh thường phối hợp với nghề trồng hoa và nuôi chim, cá cảnh… ở những nơi đó tràn ngập mùi hương của hoa và nuôi chim, hoa ngâu, hoa hồng… Xung quanh vườn cây cảnh là những hàng rào dưới, ô rô, dâm bụt… được xén tỉa công phu, gọi là những "bờ hoa".
Để có cây cảnh, người làm vườn, ngoài việc vun tưới, xới, chăm bón, còn phải nắn nót, cắt, tỉa cây rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Muốn có một cây tùng nhỏ, một con rồng bay, phải mất 5, 6 năm. Những hòn non bộ có rê si bám vào cũng cần có một lớp rêu phong cổ kính phía dưới. Để tạo được một lớp rêu đẹp “ngày tháng" như ý muốn cũng Phải mất 3, 4 năm. Người ta chia cây cảnh thành ba nhóm: Nhóm trồng ươm chuẩn bí cho công việc ghép, nén, uốn. Nhóm cây cảnh phối hợp với non bộ. Cuối cùng là nhóm cây thế có dáng đứng, điệu vươn, hình hài… toát lên một chủ đề một ý niệm tư tưởng, một nỗi niềm. Một chậu cây thế có thể ghép với một hoặc hai loại cây khác nhau để có những cành, lá khác nhau hoà vào một tổng thể, nhằm thể hiện một tâm trạng. Những loại cây như sanh, si, đại, vọng cách, tùng, bách, phi lao, thông, duỗi, cơm nguội v.v… đều có thể chiết và lấy xuống trồng ở vườn hoặc chậu. Chúng đều có thể “vào thế". Cây thế phải thật già mới có giá. Càng "cổ thụ" càng quý. Người ta chọn những cây non có dáng đứng thẳng, gọn, khoẻ hoặc có dáng xiêu vẹo, dáng ngang, dáng trườn qua mép chậu, rủ xuống rồi lại vươn lên v.v… để tạo nên nhiều thế cây khác nhau như thế "ngũ phúc", thế "phượng bay", thế "huynh đệ”, "rồng sa", "rồng vươn", "sóng đôi”, thế "đợi gió” thế “người ơi” thế “nhà hiền triết", thế "tiên ông", thế "chờ đợi”, "mẹ con", "bồ tát tụng kinh". v.v… Để nhóm cây có thế "mẫu tử" phải trồng ghép hai cây lại với nhau cùng một gốc. Hai cây sát nhau. Có cao, có thấp, có lớn có bé bám vào nhau. Cây to có dáng mạnh hơn nhưng mềm mại. Cây nhỏ nũng nịu, quấn quít ngả vào cây lớn. Cành cây đan vào nhau có hình tượng khăng khít, nâng niu, âu yếm. Để tạo được hình tượng trên cho nghệ thuật, phải sử dụng cây, thân cây, cành, lá, rễ, ngọn, rêu v.v… làm vật liệu giống như nhà điêu khắc sử dụng đất sét, gạch, thạch cao… để nặn tượng vậy.
Người làm vườn có được những cây cảnh tạo thế, những hòn non bộ kỳ vĩ để gửi gắm tâm hồn, tình cảm, ý niệm thẩm mỹ, đã là một nghệ nhân. Họ phải chọn lựa, sưu tầm những loài cây, loài hoa quý hiếm rồi trồng xuống đất hoặc trong chậu cảnh và quanh năm suốt tháng chăm chút, xén, tỉa, uốn hình, tạo thế để cây có hình con hổ, con voi, phượng, hạc… Họ còn sử dụng các khối đá bọt, đá xanh có dáng dấp tự nhiên, đem về đẽo đục, gia công thành các hình khối đa dạng làm thành hòn non bộ để ghép cây vào. Vườn cây thế như núi, rừng thu nhỏ lại, có cây, có lá, có hang động, chùa chiền, cầu cống, rồi có cả bàn cờ tiên, tiều phu gánh củi v.v…
Hơn thế nữa, các nghệ nhân còn tạo các thế cây theo tứ của một vài bài thơ hay, gợi lên mơ hồ một cô gái tài sắc, một quán vắng bên đường… làm nên vương vấn, bâng khuâng… Nào cảnh người đẹp hoặc thi nhân, khi thấp thoáng bên bóng trúc, rặng tre, trên bến đò có dòng sông tưởng tượng xanh rờn mà lau lách. Cây cảnh Việt nam là một mảng tâm hồn nghệ thuật Việt nam. Chúng sánh ngang với nghệ thuật của vẽ tranh Đông Hồ, với dân ca quan họ Bắc Ninh, với gốm Bát Tràng. Những làng có cây cảnh là những công viên độc đáo, luôn có nhiều khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, hành hương. Cứ vào dịp cuối năm ngần Tết âm lịch, khách nước ngoài nườm nượp kéo đến các làng cây cảnh. Họ hết lời ca ngợi, ký họp đồng…
Cây cảnh Việt nam đã từng đoạt nhiều giải, huy chương cao quý trong nước và trong các hội chợ Quốc tế.
 
TRÒ CHƠI LỐI XÓM
Đêm nay trăng sáng. Mấy nhóm trẻ trong các xóm họp lại với nhau. Chúng đến từ xóm Luỹ dập dềnh những búi hoa dâm bụt, từ xóm Ao có rặng cúc tần hoặc từ xóm Chẽ. Chúng hát ầm lên: "ánh trăng trắng ngà"… Chúng chia nhau ra từng nhóm nhỏ, chơi đủ trò, nào ô ăn quan, oẳn tù tì, bịt mắt bắt dê, đáo đầm ú tim, nhảy ngựa, trồng hoa trồng nụ, đánh chuyền, rắn xin thuốn v.v… Có những trò chơi dành riêng cho các em trai hoặc riêng cho các em gái. Cũng có những trò mà cả trai lẫn gái cùng chơi chung chúng chơi một lát ở trò này rồi tham gia ngay trò khác để chơi được nhiều trò.
Chúng vui cái vui của trẻ lên 10, mắt sáng, môi tươi. Chúng chỉ có một niềm vui bất tận. Hãy chú ý xem chúng chơi trò ú tim. Kẻ đi trốn và kẻ đi bắt đều ngớ ngẩn như nhau. Tuy vậy, hai nhân vật này gặp toàn những điều bất ngờ, ngộ nghĩnh làm cho mọi người cười mờ cả mắt. Trò "trồng hoa trồng nu " khá đặc sắc. Một đôi em trai hoặc em gái ngồi duỗi hai chân. Bàn chân em này chồng lên bàn chân em kia để cho hai, ba em khắc nhảy qua. Sau đó, lại chồng lên mấy bàn tay nở xòe hoa lên. Cứ mỗi lần chiều cao được nâng lên là hai em phải nhảy qua thanh thoát cái ngọn núi do những bàn tay chồng lên nhau, làm thành ngọn núi hoa, quả. Nếu nhảy không cao, chạm vào chân, tay, hoa quả chất cao là thua, phải ngồi xuống, trồng hoa, trồng nụ cho người khác nhảy qua. Trò chơi này luyện sự nhanh nhẹn nhưng lại là chuyện của cuộc đời. Trò chơi "đánh chuyền” chủ yếu dành cho các bé gái. Nhưng có khi các bé trai cũng tham gia. Bốn, năm em bé cùng biểu diễn một cỗ chuyền gồm 10 que nhỏ dài chừng 20 centimét. Người chơi phải tung hứng hòn cái (hòn sỏi hoặc quả bóng), phải xếp sắp và chọn từng que chuyền và đỡ hòn cái từ trên cao rơi xuống. Trong lúc phối hợp mọi động tác chơi, miệng còn phải hát lên. Suốt cả quá trình không bị một sai phạm nào là thắng. Bài hát trong lúc đánh chuyền gồm những câu hát thật hay ngẫu hứng, nhiều hình ảnh và nhịp điệu. Nhưng chúng mang nhiều điều huyền bí và triết học: "Giã giò, cò bay… Sang sông, giồng cây cải Vãi hạt vừng… Xin cô nàng… Mười cái lẻ…" Người chơi chuyền cứ láy đi láy lại những câu hát có từ xa xưa đó với cái vẻ say sưa và buồn buồn tựa như những lời hát ru. Người xưa nhắc lại rằng nội dung bài hát nói về cuộc sống của một người đàn bà từ lúc còn bé cho đến lúc về chiều.
Cả tuổi thơ của cô bé chỉ còn nhớ có một lần vui lắm, là lúc gia đình chuẩn bị ăn Tết nguyên đán, mọi người quây quần xem giã giò. Ngay sau đó là lúc thân cò phải bay sang sông đi lấy chồng xa, phải tay trắng cấy lúa, trồng vườn, nghênh chiến với muôn vàn những khó khăn chẵn và khó khăn lẻ sẽ xảy ra… Đó là những lời gửi gắm muốn gửi lại cho thế hệ sau mà không tiện nói thẳng ra… Sự thực, bài hát nói về cuộc sống hoà với thiên nhiên, lao động ý nghĩa về văn hoá của nó rất lớn, làm rung động lòng người mãi mãi…
Trò "rắn đi xin thuốc” gồm một bé làm ông lang già và vài em Dằm chặt lấy đuôi áo nhau để hình thành thân hình một con rắn dài. Một em làm đầu rắn. Một em là đuôi rắn. Các em khác làm thân rắn… Thầy lang xin khúc đầu và khúc giữa, rắn không cho. Đến khi xin khúc đuôi thì rắn thách ông thầy đuổi: “Thầy cứ đuổi xem, đuổi được thì cho"… Đuổi sao nổi, vì rắn là vật trường sinh, lúc nào cũng có sức trẻ và nhanh nhẹn. Còn thầy lang thì già rồi… Cứ như thế… những trò chơi lối xóm tiếp diễn đời này sang đời khác. Lớp trẻ này qua đi, lớp trẻ mới lại kế tiếp… Chúng chơi, chúng hát, say mê với những nụ cười muôn thủa, với trăng, với gió, với những âm thanh thân yêu của xóm làng…
 
CÁ VÀNG HÀ NỘI
Chơi cá vàng là thú chơi truyền thống có từ lâu đời ở ta. Ngày xưa, ở các nơi như phòng khách, nhà, vườn của các gia đình quyền quý, những tao nhân mặc khách, các nghệ nhân và ngay cả những lóp người bình dân đều có đôi chỗ cho bể nuôi cá vàng. Có những cái bể còn có cả hòn non bộ rải rác và gập ghềnh những chiếc cầu nhỏ, tán cây, ngôi đình, chùa cổ kính, những ông lã vọng, người đốn củi, con hổ, con nai… bằng đất nung vẽ màu. Những con cá vàng với hình dáng khác nhau đến kỳ lạ bơi lội tung tăng. Mỗi con đẹp một vẻ, chúng bơi xuyên qua các đám rong xanh như bơi vào trong mây, rồi lại bơi đi bơi lại qua chiếc cầu độc mộc. Chúng tung ra những tà áo đỏ thắm, đỏ nhạt, đỏ vàng rực, vàng thau… để làm nên một bình minh rực sáng hoặc một buổi chiều tà đỏ ối óng ánh những tia ánh sáng bạc. Chúng bơi sát vào nhau như vợ chồng, đùa rỡn, nâng tà áo cho nhau, âu yếm nhau, vuốt ve nhau thật tình tứ. Có con ra vẻ kiêu hãnh, có con làm dáng e lệ, cũng có con lại rạo rực tuổi thanh xuân… Cũng có lúc như phong ba nổi dậy, những chú cá đực chọi nhau trước mặt các cô nàng. Nhưng rồi, cũng chính các cô nàng ấy kéo các chú ra khỏi cuộc đấu. Chúng lại đi dạo với nhau vui vẻ và cuồng nhiệt.
Thì ra, không phải là chiến tranh mà chỉ là đùa rỡn, tập võ với nhau vui vẻ và cuồng nhiệt mà thôi. Chúng tung tăng bên nhau trong bản nhạc êm đềm. Cũng có nơi nuôi cá vàng trong chiếc ang cổ, có mấy chữ "Dương liễu xanh", hoặc ang thuỷ tinh. Nói chung, những đàn cá vàng đã tạo nên một thế giới thần thoại dưới thuỷ cung, tạo nên những bức hoạ di động, những bài thơ cho mọi người, ít nhất cũng là trong những giờ phút thư giãn, nghỉ ngơi, những giây phút suy tư, trầm ngâm. Ở bể cá vàng, ta thấy sóng nước, xa khơi, thấy những kỷ niệm, nhớ nhung. Ở nước ta, đâu đâu cũng có nuôi cá vàng. Riêng ở Hà Nội, tập trung nhất vào mấy làng Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Hoàng Mai, Yên Phụ… Nhất là Yên Phụ, cả làng đều chơi, mua và bán cá vàng. Có thể gọi là quê hương của cá vàng, vì nghề này có từ lâu đời
Trước đây, những ngày giáp Tết trung thu và Tết nguyên đán, mọi nhà ngoài phố đều bày những bể và ang cá vàng ra ngoài cửa để bán. Những năm chiến tranh, thú chơi cá vàng không được chú ý đến. Ngày nay, nó lại được khôi phục và phát triển rộng rãi. Các chợ lớn trong thành phố đều có bán cá vàng Cá vàng đã trở thành một mặt hàng xuất và nhập để thu được những món tiền lớn.
Tháng 8-1994, một con cá Thanh Long lớn có tất cả các gam màu của nhiều loại cá vàng tập trung lại bằng giá gần một cây vàng 9999. Một con cá Hồng Long sớm chiều thay màu sắc như đoá phù dung nước cũng đến xấp xỉ 3 chỉ vàng. Cá vàng bao giờ cũng được nâng niu. Có điều, các giống cá, loại cá được đổi mới qua nhiều biến dạng, di truyền, lai giống, kỹ thuật nuôi vv… Giá trị nhan sắc và sự ưa chuộng cá vàng cũng thay đổi từng thời kỳ với thời trang, quan niệm thầm mỹ.
Những năm 1954-1955, dân chúng ưa chuộng các loại: Ngũ Hoa Chân Châu, Vọng Thiên, Đan Phượng, Kiếm, Chọi, Mã, Giáp, Thần Tiên, Mưa Chiều, Hắc Hồng, Ngọc ân…
Những năm 70, du nhập từ Hồng Ông, Đài Loan, các loại Khổng Tước, Giáng Mây, Ngân Long, Hải Thanh, Trà Hoa Nữ… Những năm 1989, Malaixia, Braxin nhập vào ta các loại Thanh Long, Hồng Long. Những cao thủ chơi hoặc nuôi cá vàng, những người có những bể cá siêu hạng cũng được mọi người tôn trọng và được đánh giá cao chẳng kém gì những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Đã từlâu, người dân Hà Nội và cả nước vẫn còn nhớ bể cá vàng, hòn non bộ nhà cô Ba Tý phố Hàng Bạc, nhà cụ Tổng Trinh phố Hàng Chiếu, nhà ông Tiềm (Quảng Bá), ông Hai (Yên Phụ) hoặc bể cá vàng trong thửa vườn xanh biếc và yên tĩnh nhà ông Cả Bản, ở Bưởi, đã dựng lại cả một bầu không khí trong liêu trai chí dị. Chúng cũng đã gợi ý cho những vần thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Thú chơi cá vàng thanh nhã để cố được sự nghỉ ngơi tích cực, có được những giờ phút lơ lửng thoáng qua, chứa đựng nhiều điều kỳ diệu bất chợt đến, gọi là những giây phút "lơ lửng con cá vàng". Ở nơi có núi non bộ và bể cá vàng, cảnh vật đầy thơ, ca, nhạc, hoạ. Vả lại bây giờ việc nuôi cá vàng đã là một hạng mục kinh doanh của thương nghiệp. Các trẻ em rất thích chơi cá vàng. Bể cá đưa lại cho các em những bài học vỡ lòng về thẩm mỹ.
Nó đưa các em vào thế giới thần thoại và hiểu rằng trên đời còn có nhiều điều thú vị, mỗi con cá như một bông hoa nở dưới nước. Các con cá bơi mới giỏi và nhẹ nhàng làm sao. Có con như mặc áo giáp đội mũ trụ, xông xáo như một chàng dũng sĩ. Nó chiến đấu với kẻ địch. Có con khóc sưng cả hai mắt. Nó khóc thương người bạn bị tử trận. Có con lại như chít lên đầu một vành khăn ngũ sắc như thể là một vị anh hùng vừa mới chiến thắng trở về… Cùng với thú chơi cây cảnh, nuôi chim cảnh… thú chơi cá vàng cũng là một nét đẹp văn hoá vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Thú chơi cá vàng cũng là một nghệ thuật…