Xuyên ánh mắt qua khung sắt của chiếc cửa sổ nhà ông Huy xuống căn nhà lụp xụp thấp dưới những lùm cây và các ngọn dừa cao trong khu vườn nhà bên cạnh vườn của ông Huy, ông Hoàng nói: - Sau mấy chục năm mà nhà anh Nghĩa vẫn như xưa! Bà Thu chép miệng: - Tệ hơn lúc chị Nghĩa còn sống là khác! Có một thân một mình, không họ hàng thân thích lại phải nuôi mẹ, nuôi con thì ảnh làm gì được chớ? Tiếng là có vợ đẹp nhất làng và có tiếng đào hoa nhất làng nhưng vợ chết sớm nên phải ở trong cảnh gà trống nuôi con cũng như không! Ông Hoàng quay lưng lại, nhìn quanh nhà rồi nói với bà Thu bằng một giọng ôn hòa và biết ơn: - Anh không ngờ em giỏi như vậy! Đã xây được hai căn nhà lớn ở Sài Gòn lại còn sửa sang nhà cho gia đình mình được như vầy! Ông Huy đang nhấp trà trong yên lặng, nhướng mắt hỏi với vẻ ngỡ ngàng: - Nói như vậy bộ không phải em đã gửi tiền về xây lại nhà từ đường này sao? Ông Hoàng bối rối: - Dạ không, em đâu... không phải em gửi tiền. Sở dĩ ông Hoàng lúng túng bởi vì ông không biết trả lời như thế nào để thỏa mãn nghi vấn của ông Huy khi ông biết rõ tính tình của người anh đầu của ông rất thâm trầm và cực đoan và bởi vì ông linh tính có điều gì bất ổn trong sự kinh ngạc về một điều gì đó mà ông Huy vừa phát hiện ra. Dù là thế, ông Hoàng không thể nào nhận bừa sự việc mà ông đã không thực hiện cũng như không hề có ý định thực hiện khi còn ở Mỹ. Ông thường lý luận với ông Thương và ông Tiến rằng “Gửi Mỹ Kim về Việt Nam là hình thức gián tiếp giúp kinh tế Cộng Sản Việt Nam phát triển chứ chẳng được ích lợi gì!” và thường bàn ra khi nghe các cô thợ bàn chuyện gửi tiền về Việt Nam rằng “Ở Việt Nam đâu phải chạy tiền hàng tháng để trả tiền nhà như ở đây mà mấy đứa cứ lo gửi tiền về hoài vậy? Hơn nữa trời cho mỗi người hai bàn tay đều nhau, sống ở đâu theo đó, chỗ nào cũng làm cũng ăn cho nên có muốn giúp gia đình cũng giúp chừng mực chứ tụi bây giàu có gì đâu mà ráng sức làm giàu cho bên ấy?” và rằng “Cứ nhịn ăn, nhịn mặc để gửi về 'chỉ tổ' làm cho người bên ấy hiểu lầm Mỹ là thiên đường đầy đô la không làm cũng có thể nhặt được!” để rồi kiên định với việc không bao giờ gửi số tiền khá lớn nào về cho gia đình. Số tiền mà ông đồng ý cho bà Kim Cúc gửi về cho gia đình hai bên gia đình nội ngoại thường được coi như là chút quà tượng trưng cho những người thân thuộc còn ở lại và tiền giỗ chạp hương khói cho những người đã mất. - Cũng lại là mày nữa rồi! Ông Huy gầm lên như cọp bị trúng thương - Đã nói nhiều lần nói đừng giao du với tụi tham nhũng hối lộ mà có nghe đâu! Bộ làm ăn lương thiện không sống được hả? Bà Thu cãi lại: - Đúng là em bỏ tiền ra xây sửa lại căn nhà này đó! Không những căn nhà này mà em còn xây cho nhà ba má chồng em nữa kìa. Trước đây sở dĩ em nói láo tiền anh chị Hoàng gửi về để anh yên tâm với tiền từ nước ngoài về thôi chứ làm gì mà có! Có hai bàn tay và một khối óc là đủ kiếm tiền chẳng cần phải xin xỏ ai! Cho dù em giao kết rộng nhưng mua đất xây nhà bằng công sức của em thì em đã làm gì nên tội chớ? Thời buổi này mình không biết làm ăn thì có người khác làm ngay, tội gì mà không làm! Cơ hội ngàn vàng chỉ đến một lần, không chụp lấy là mất, thiếu gì người muốn làm mà làm không được! Tại em được nhiều người giúp đõ nên ăn nên làm ra thôi! Nói gì thì nói chứ em cũng phải vận trí óc của mình để mua đầu này bán đầu kia mới có ngày hôm nay chớ đâu phải lượm tiền từ trên trời bay xuống? - Mày làm gì có nhanh dữ vậy? Thiên hạ cũng làm nhưng sao không kiếm được như mày? - Tiền của công không dại gì mà không “mượn đầu heo nấu cháo” hả anh? Cơ quan chưa bảo mình thống kê chưa yêu cầu mình nộp tài khoản thì tội gì mình để tiền nằm yên, tội gì không dùng trước rồi trả sau? Lại nữa, lúc đất rẻ mua chỉ một, sau vài tuần, vài tháng lên gấp bao nhiêu lần thì tội gì mà không mua? Bây giờ không lo làm ăn mà chỉ ngồi khư khư ôm lấy quá khứ như anh để mà chết lần chết mòn trong tâm bệnh à? Ông Huy yên lặng, nín khe như những người đang hiện diện tại phòng khách trong khi cậu Hải nháy mắt ra hiệu cậu Phụng và cô Loan đưa bé Lisa ra ngoài vườn. Vẫn không hài lòng với cái ngột ngạt và nặng nề của không khí trong phòng, bà Thu bồi thêm những tiếng cằn nhằn: - Như người ta học tập bao nhiêu năm có giấy ra trại làm giấy đi Mỹ theo diện H.O phải sướng bản thân không? Ảnh cứ gàn và bướng với những ý nghĩ đâu đâu. Lúc thì nói xứ Mỹ là nơi sung sướng giả tạo sang đó chỉ bị khổ tâm, lúc thì nói chờ Việt Nam có dân chủ tự do như thời Việt Nam Cộng Hòa để sống hạnh phúc nơi chôn nhau cắt rốn. Hoang tưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa giành lại chính quyền có mà chết dần chết mòn thôi! Ông Hoàng sững sốt nhìn ông Huy. Bao nhiêu năm xa cách, ông ngỡ người anh trai lập dị của mình đã quên hẳn hoài bão chính quyền miền Nam lấy lại chủ quyền và đã yên bình sống với những gì ông đang có sau thời gian học tập cải tạo dài hạn thế mà mà lời nói của bà Thu như một cơn lốc xoáy vào đầu của ông. Ông biết ông Huy là người cương trực và là người luôn luôn tự hào mình là chiến sĩ Quốc Gia cho nên dù ông đã giải ngũ trong ngành an ninh quân đội trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì thương tật nơi bàn chân trái, ông vẫn ghi rõ thời gian và quá trình hoạt động của ông cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong bản kê khai lý lịch để rồi sẵn sàng đi tù cùng với những người từng ở trong cùng hàng ngũ. Thế nhưng, chưa bao giờ ông Hoàng nghĩ ông anh đầu của mình ôm dĩ vãng khá lâu như vậy. Chỉ cái giường gỗ trong cái góc tối dưới cầu thang gác bà Thu nhìn thẳng vào mặt ông Hoàng, nói: - Đó, anh coi! Ngày nào cũng ra ruộng ra vườn xong uống dăm ba ly lại chun vào chỗ ấy mà ngủ. Nói lên lầu ở trong phòng đàng hoàng không chịu, nói lên lan can trên lầu uống trà ngắm trăng nhìn cây cối, vườn tược cho đỡ buồn cũng không ưng. Phải chi nghe em lên Sài Gòn sống thì đâu đến nỗi càng lúc càng bị chứng trầm uất, lầm lầm lì lì như vầy. Khăng khăng bám vườn bám ruộng của ba má để dãi nắng dầm mưa đày đọa thân xác chứ chẳng được ích lợi gì! Cơn giận dữ của ông Huy bất chợt thay bằng vẻ mặt tối sầm và cái cúi đầu đột ngột khiến bà Kim Cúc đang ngồi đối diện với ông phải chăm chú nhìn. Đôi mắt hai mí to rõ, da nâu đỏ, mũi thẳng, trán cao, râu quai nón lún phún quanh cái cằm vuông và dáng dấp cao nghều của ông đã gợi cho bà tưởng tượng nên một khuôn mặt đẹp đầy nam tính và phong độ của một người đàn ông chỉ huy trong quân phục của sĩ quan Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Nếu không kể mái tóc dài lởm chởm thiếu chăm sóc, cái môi tím đen bởi những điếu thuốc và cái lưng khom tự tạo, ông vẫn còn giữ được cái vẻ hào hùng sẵn có của mình hơn là dáng vẻ của người thất trận. Có lẽ vì nể nang sự diện kiến đầu tiên của cô em dâu và vì sự giận dữ của bà Thu chưa được dịu bớt nên ông Huy vẫn gầm đầu lặng yên. Bà Thu tiếp tục chép miệng, thở dài: - Cứ nhìn tấm thân của ảnh là em đau lòng không tả được. Hành xác mình như vậy ba má còn sống cũng đau lòng chứ chẳng nói gì em. Ông Thắng nói lảng: - Anh Hoàng có đem mấy chai rượu ngoại về cúng ba. Cúng xong tha hồ anh em mình nhậu nghe anh hai! Bà Thu gắt nhẹ: - Ảnh uống rượu để quên chứ để vui đâu mà cần rượu ngoại hay nội! Vụt đứng dậy, bà Kim Cúc lẻn bẻn nói: - Em thật là vô ý, nãy giờ mãi tiếp chuyện với anh hai mà quên bẵng chuyện bày hoa quả, bánh, mứt cúng ba má! Ra vẻ chú tâm đến lời vợ đề nghị, ông Hoàng bước đến những chiếc giỏ ở góc nhà phụ bà Kim Cúc đem các thứ đến bàn thờ nơi đối diện hai cánh cửa ra vào đang mở rộng. Ông đưa ánh mắt cười kín đáo ngầm cảm ơn vợ khéo chuyển đề tài khiến cho sự bất hòa giữa ông Huy và bà Thu được lắng dịu phần nào. Ông biết rất rõ ông anh trai lớn và cô em gái út của ông không bao giờ hợp tính nhau cho nên họ thường cãi vã với nhau ngay từ khi họ còn nhỏ. Bởi cả hai đều thông minh và quả quyết nên họ thường tranh cãi một cách quyết liệt cho lập trường của họ và vì thế, theo ông, câu ngạn ngữ “Nhất đầu nhì út” không thể áp dụng cho hai người con đầu và út của cha mẹ ông. Sự bù trừ có chăng là tình anh em thắm thiết của cô út Thu dành cho các anh mình sâu đậm với vai trò của người em gái độc nhất trong gia đình. Ông Hoàng vặn chiếc đèn dầu giữa bàn thờ sáng hơn để đốt nhang. Chăm chú tấm hình người đàn ông trong chiếc mũ nâu và áo lính biệt động quân trên bàn thờ, ông hỏi vọng về phía ông Huy: - Anh thờ hình anh Hân mặc quân phục xưa như vầy không sợ chính quyền trong xóm để ý làm khó làm dễ sao? Mắt ông Huy đỏ ngầu: - Sợ gì? Bây giờ có ai còn để ý chuyện ai đâu! Người ta tranh nhau kiếm tiền tài và danh lợi chứ để ý gì mấy chuyện này? Người sống sờ sờ họ còn không ngán huống hồ người chết! Mà bây giờ cũng không có ai biết ai là ai nữa! Thời buổi này đố mà biết ai là Việt Cộng ai là Quốc Gia, ai là tư bản ai là vô sản! Đổi đời đổi người, có bắt đi học tập không chừng bắt lầm người cũng nên! Bà Thu đột nhiên giận dữ: - Đó, anh tư coi đi! Nói gì ảnh cũng thốt ra những lời “tiêu cực” thì sao chữa được cái chứng tâm bệnh được chớ? Suốt ngày cứ châm chích em là Việt gian, lúc thì méo mó em là Việt Cộng. Em nói thật, con người chứ chẳng phải là thánh thần! Có người có “máu” Quốc Gia, thì cũng có người có “máu” Việt Cộng! Trên đời này ai cũng tốt và cũng giống nhau thì hóa ra trái đất là thiên đường của “thiên thần tập thể” rồi! Nhiều lúc em muốn nhịn mà nhịn không được phải cãi với ảnh. Thử hỏi ảnh chống Cộng cỡ nào đi nữa, du lịch ra khỏi nước, người ta có gọi ảnh là Việt Cộng, là dân của một nước Cộng sản và người đã từng bị tiêm nhiễm bởi chế độ Cộng Sản không mà châm chích em? Là anh em trong nhà mà còn nói với nhau như vậy chứ nói gì người ngoài đường! Anh cứ nói Việt cộng, Việt gian hoài mà chẳng ai nghe toàn em nghe không hà! Làm ơn coi em là người Việt Nam và đánh giá em là người Việt Nam xấu hay người Việt Nam tốt chứ đừng mỉa mai, xiên xỏ nữa! Bây giờ Việt Cộng hay không Việt Cộng thì mạnh ai lo thân nấy, mạnh ai lo cho gia đình nấy chứ không ngồi ôm chặt dĩ vãng như anh để mà đau khổ một mình đâu! Ông Hoàng nín hơi trong khoảnh khắc để ngăn tiếng thở dài của mình sau khi nghe những lời kể lể dài dòng của bà Thu. Ông biết ông anh trai đầu của ông ngông đến nỗi có lần trước ngày anh em ông chia tay đi học tập cải tạo, ông đã nhắc đến chuyện mơ ước tàn quân Quốc Gia trở về phục quốc và lấy lại chính quyền sau thời gian lẩn trốn và tụ tập trong rừng. Lúc đó, cha mẹ của ông vốn đã lo lắng khá nhiều vì chuyện biệt tăm thất lạc của cô con dâu thứ khi cô còn ở Sài Gòn trong ngày thủ đô bị thất thủ, vì chuyện đứa cháu nội đã mồ côi cha từ mới lọt lòng nay phải bơ vơ không mẹ, vì chuyện hai đứa con trai sắp đi học tập mỗi người mỗi ngã, và vì chuyện đứa con gái út nhất định không chịu về ở dưới quê, mà còn phải lo lắng thêm nhiều hơn vì thái độ cực đoan của ông Huy. Lo sợ ý nghĩ ngông cuồng và bản tính thẳng thắn của ông Huy sẽ không cho họ ngày gặp lại, cha mẹ ông đã khuyên nhủ ông rất nhiều lần trước khi ông lên đường học tập cải tạo. Dù là vậy, họ đã không gặp lại ông Huy sau ngày ông chia tay đi học tập cải tạo. Họ đã không gặp mặt ông Huy không phải vì ông Huy mất xác tại miền Bắc trong thời gian cải tạo mà vì họ chết vì bệnh già trước thời gian trở về sau mười năm học tập của ông Huy tại Hoàng Liên Sơn. Thắp hương cho cha mẹ xong, ông Hoàng cảm thấy bùi ngùi. Chiếc áo bà ba nâu của mẹ ông và chiếc áo đen của cha ông khiến ông liên tưởng đến thời gian cực khổ mà cha mẹ ông đã trải qua trong thời gian nuôi dạy anh em ông ăn học thành tài. Tuy gia đình ông thuộc dạng “có của ăn của để” trong xóm nhưng cha mẹ ông đã bỏ công sức rất nhiều cho mảnh vườn và đồng ruộng mà họ có. Cuộc đời làm việc cực khổ, gian nan với công việc đổ mồ hôi và công sức cho tương lai con cháu chẳng được một ngày đáp đền chỉ là hai bức hình lộng kính trên chiếc bàn thờ hương khói. Cảm nhận sự hy sinh của cha mẹ như chính sự hy sinh của vợ chồng ông đã dành cho con cái mình, ông Hoàng cảm thấy cuộc đời làm cha mẹ là những dòng sông mà những nước chảy luôn luôn đổ xuống một chiều chứ chẳng bao giờ ngược lại. Cuộc sống của vợ chồng ông rồi cũng chẳng khác gì của cha mẹ ông: nuôi con khôn lớn để tiếp tục tạo cho chúng điều kiện lo cho con cái của chúng sau này. - Chị này là ai mà đẹp vậy anh? Bà Kim Cúc hướng mắt nhìn chiếc hình bán thân của một cô gái tuổi độ hai mươi ngoài với nụ cười khả ái và hiền hậu. Hàm răng trắng đều và đôi mắt đen sáng sống động dưới ánh đèn chớp nháy của hai ngọn đèn điện sáp giả tạo cho khuôn mặt cô ta linh hoạt như người sống thực sự. - Đó là chị hai, vợ của anh hai Huy đó! Hai người quen nhau từ khi học chung trường trung học. Chỉ thua ảnh bốn tuổi. Hai người vừa cưới nhau một tháng trước sự cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ảnh bị bắt đi học tập cải tạo luôn. Ông Hoàng đáp. - Khi ảnh về, ảnh gặp chỉ được có hai tháng thì chỉ mất. Chỉ bị ung thư mà giấu gia đình. Sau khi ba má mất, một mình chỉ lo cho thằng Hải con trai anh Hân cho tới ngày anh hai về. Nói đến chỉ là em nhớ nhiều chuyện chỉ làm cho gia đình mình trong thời gian em không thể về ở với ba má được. Càng nghĩ thì càng thương, nhưng đừng hỏi hay nói gì về chỉ nữa, không thôi cái bệnh trầm uất của ảnh lại phát thêm lên thì khổ! Bà Thu thì thầm bên tai vợ chồng ông Hoàng. Gật đầu, bà Kim Cúc đề nghị: - Vậy giờ mình kêu tụi nhỏ vào dọn thức ăn ra dùng cơm chiều đi nghe cô út! Bà Thu vui vẻ đáp: - Để em nói thằng Hải với thằng Minh chặt mấy trái dừa xiêm đem vô cho anh chị. Tụi nhỏ đang uống dừa và hái trái cây ngoài vườn chứ chẳng làm gì khác đâu! Sẵn tiện, em mời má anh Nghĩa và anh Nghĩa sang đây dùng cơm với gia đình mình cho giãn bớt sự căng thăng giữa ảnh và anh hai được chút nào hay chút nấy. - Hiềm khích từ năm đó mà đến nay chưa hết sao? - Làm sao hết được? Một ông thì Quốc Gia rặc một ông thì “ba phải” lúc này lúc nọ, có thấy nói chuyện hay giao tiếp gì với nhau đâu! Người này nghi ngờ người khác... nhưng mà ai sao thì sao em vẫn lui tới kết tình với gia đình anh Nghĩa và chòm xóm quanh đây để phòng lúc hữu sự còn nhờ được chứ lỡ có chuyện gì một bác, một cháu làm sao lo cho xuể? - Dù sao đi nữa thì tối nay anh chị cũng phải sang nhà anh Nghĩa để thăm má ảnh và biếu quà luôn. Ông Hoàng nói. - Chuyện đó “hạ hồi phân giải” đi anh! Giờ mình lo ăn uống cái đã anh à! Bà Thu đáp lời.