Trong khi bé Lisa cất chiếc túi đựng sách vở của nó trong nhà, bà Kim Cúc lấy vội chiếc xách tay của mình rồi cả hai cùng đi thẳng đến vào nhà để xe nơi chiếc xe Mercedes mới tinh và sáng bóng đang nằm cạnh chiếc xe Honda đỏ cũ kỹ. Mùi thơm của xe mới lan tỏa trong xe đã làm bà nhớ ra là đã khá lâu, bà chưa hề sử dụng chiếc xe sở hữu của riêng mình. Chiếc xe, chẳng một đứa con lớn nào của bà hỏi mượn khi mà chúng luôn luôn tôn trọng tặng vật mà ba của chúng dành riêng cho mẹ và bà Kim Cúc thường dùng chiếc xe hiệu Honda cũ của bà sau là của ông cụ Đức, bố của bà, làm phương tiện đi lại các nơi loanh quanh trong vùng, nằm yên trong ga-ra này từ khi hai cụ thân sinh của bà về Việt Nam. Ngày hôm ấy là ngày mà bà Kim Cúc sử dụng lại chiếc xe đầy nghĩa tình mà bà trân quý từ hơn ba tháng và là ngày bà làm một việc khá đặc biệt là lái xe đưa Lisa ra ngoài chơi sau giờ tan trường. Thường thường, sau khi đón bé Lisa về nhà, bà phải vội vội vàng vàng về nhà làm những công việc mà trước đây bố và mẹ của bà làm giúp, trước khi cả gia đình quây quần trong bàn ăn. Sau khi cho Lisa ăn một chút thức ăn nhẹ như bánh xốp, cháo lỏng, bột bánh canh, hay súp để lót dạ cho đến bữa ăn chính, bà bắt tay ngay vào chuyện nấu nướng cho bữa cơm tối. Ăn xong, Lisa thường lẩn quẩn bên cạnh mẹ để tâm tình những chuyện ở trường của nó, quan sát việc làm của bà, hoặc giúp bà những việc lặt vặt. Công việc của nó là lấy thức nọ hay cất thứ kia như lấy trái cà, trái chanh, rau xà lách, cây ngò, củ hành hay cất hũ muối, chai mắm, hũ đường, chai dấm. Thỉnh thoảng, nó hỏi bà cho phép được mở hũ muối, rắc tiêu hộp, xịt nước mắm, múc đường vào các món thịt cá mà bà cần ướp gia vị hoặc xin xếp khăn ăn, chén, đũa, muỗng, nĩa theo cách trình bày riêng của nó. Lo cơm nước xong, bà Kim Cúc thường giúp con Lisa làm bài tập ở trường. Bà ngồi ngắm nó làm bài, chờ nó hỏi để giải thích rồi nghe nó đọc những tin ngắn trong báo. Sau khi Lisa làm bài xong, bà thường cho nó coi ti vi trong khi bà rảo qua các phòng, kiểm tra vật dụng trong nhà, xếp đặt ngăn nắp các thứ cần thiết, hay lấy cất áo quần từ phòng giặt. Những công việc mà bà Kim Cúc làm cho gia đình trong thời gian gần ba tháng chỉ là công việc của người đàn bà nội trợ nhưng đối với bà thật là phức tạp và tốn thời gian bởi vì nó là tổng hợp công việc mà cả bố và mẹ của bà thường làm cho toàn bộ gia đình bà. Từ lúc ông bà cụ Đức lên đường về Việt Nam, bà Kim Cúc đã ở nhà suốt ngày. Phần vì sức khỏe của bà vốn đã không ổn định lại bị suy yếu trầm trọng, phần vì nghe theo lời căn dặn của ông bà cụ, bà đã giao toàn bộ công việc của ba tiệm móng tay cho ba người quản lý đáng tin cẩn và ký thác việc kiểm tra cũng như giải quyết các vấn đề của công việc kinh doanh cho ông Hoàng xử lý sau giờ làm việc cho chính phủ của ông. Ông Hoàng và bà đều nhìn nhận là không dễ gì kiếm người có đủ uy tín để có thể vừa chu toàn hết việc nhà lẫn dạy dỗ bé Lisa nề nếp như bố mẹ của bà đã đổ công ra vì thế họ đã chung sức cố gắng chu toàn những nề nếp mà hai vị thân sinh của bà đã tạo nên cho gia đình họ và nhất là cho con bé Lisa từ khi nó sinh ra đời. Cả chồng bà và bà đều thấu hiểu là lối giáo dục của ông bà cụ Đức khá hữu hiệu và thành công trong việc trợ giúp hai người dạy dỗ hai người con đầu. Cậu Phụng, cô Loan là hai người học giỏi, có học bổng ở hai trường đại học nổi tiếng quanh vùng. Họ nói tiếng Mỹ lẫn Việt lưu loát, và làm việc rất siêng năng cả công việc nhà lẫn công việc thiện nguyện cho cộng đồng Mỹ lẫn Việt. Họ còn là người có tính tình đằm thắm điềm đạm, biết thương người, quý trọng gia đình, thương lẫn nhau và hết lòng chiều chuộng con bé út Lisa. Trước khi chuẩn bị về Việt Nam, hai vị thân sinh của bà Kim Cúc đã dặn đi dặn lại những việc mà bà cần làm cho Lisa bởi vì cả hai đều lo lắng là con bé sẽ không được chăm sóc dạy dỗ tường tận như anh chị của nó. Ông bà cụ Đức xuất thân từ thầy cô giáo ngay từ trong nước nên họ luôn luôn áp dụng những nguyên tắc giáo dục cho đời con rồi đời cháu. Cả hai thường cho rằng đời cháu là trách nhiệm của đời con thế nhưng họ lại lao vào bổn phận làm cha mẹ thay con của họ khi mà họ thấu hiểu con rể và con gái của họ không thể nào có đủ thì giờ để dạy dỗ cho con của chúng chu tất và nề nếp ở xứ Mỹ này như ông bà đã làm cho các con của ông bà khi còn ở Việt Nam trước đây. Mặc dù gắn bó với công việc của mình trong suốt bao nhiêu năm trời, bà Kim Cúc đã phải nghe theo lời bố mẹ. Bà khoán hết tất cả công việc của mình cho những người quản lý để chuyên tâm hoàn thành bổn phận của người mẹ tốt và để đáp ứng những câu nói xa gần bởi bố mẹ của bà trước khi họ lên đường. Đại để những câu nói xa gần thường là: “Cứ lo làm giàu mà bỏ con cái đến khi chúng hư hỏng không nghe lời thì có bao nhiêu tiền cũng chẳng ích lợi gì đâu! Lúc đó có hối hận cũng đã muộn rồi!”, “Măng mọc không chăm không lo uốn, đợi thành tre cong vòng, uốn éo, xiêu vẹo lúc ấy muốn bẻ ngay cũng không được!” “Hai đứa Phụng, Loan đã tạm yên, chỉ còn có con Lisa nữa thôi, lo cho nó để nó được bằng như anh chị”, “Đừng quên mình là người Việt Nam, không nói chuyện với con bằng tiếng Việt, gián tiếp biến con thành kẻ mất gốc!”, “Dạy con từ thuở còn thơ, nhỏ không dạy chờ đến lúc nào?”. Bên cạnh những câu nói xa gần ấy, bà Kim Cúc còn thuộc lòng thêm những câu căn dặn lập đi lập lại mỗi ngày khi bà gặp hai ông bà cụ:”Không phải dạy chữ cho con là đã làm tròn bổn phận cha mẹ. Phải luôn nhớ rằng đức, trí, thể, mỹ, và hướng nghiệp là tổng hợp giáo dục cho một đứa trẻ!”, “Phải dạy cho chúng biết làm việc! Phải dạy cho chúng học tính ngăn nắp, thứ tự!”, “Phải biết kết hợp những cái tinh túy của hai phong tục tập quán giữa Mỹ và Việt để tạo được một đức trẻ toàn mỹ!”, “Đã làm cha mẹ thì phải làm gương tốt cho con noi theo!”, “Phải dạy cho chúng biết phong tục tập quán người Việt Nam tại gia đình trong khi chúng học phong tục tập quán của Mỹ từ học đường và xã hội”. Những cái “phải” làm cái này, “phải” làm cái nọ của bố mẹ căn dặn từ lúc bà còn là con gái mãi cho đến khi lấy chồng đã làm bà Kim Cúc chán ngán cái nghề giáo của họ đến nỗi bà không ghi học một lớp nào về giáo dục mà là vài lớp sức khỏe y tế khi bà ghi danh vào Đại học M. ở Boston và toàn khóa học thẩm mỹ khi định cư tại California. Tuy xác định nghề nghiệp mình khác với bố mẹ, bà Kim Cúc vẫn cố gắng chiều lòng hai ông bà cụ khi mà chồng bà, ông Hoàng, chấp thuận lời nói của họ như một kim chỉ nam dẫn đến sự thành công tuyệt đối và chắc chắn. Với chừng mực của khả năng, bà Kim Cúc đã nghe lời và làm theo những điều bố mẹ đã đặt vào khuôn khổ. Riêng những chuyện bà không thể áp dụng được từ thân sinh của bà là ngồi hàng giờ coi phim bộ Hồng Kông hay Đài Loan tiếng Việt với Lisa, mà theo mẹ của bà, đó là điều kiện tốt nhất cho con bé nghe và nói tiếng Việt thông thạo hay là lái xe chở nó các lớp học thêm do cộng đồng người Việt tổ chức tận quận M. rồi ghé các quán ăn, tiệm ăn mà theo ông bố của bà, đó là phương cách để cho con bé có dịp giao tiếp và thưởng thức các món ăn bên ngoài. Chiếc xe Mercedes vượt qua những con đường rộng, và thẳng băng giữa những hàng cây một lúc bà Kim Cúc mới nhận ra những hàng cây có lá đủ màu của những tuần lễ trước đó không còn là những hàng cây của mùa thu rực rỡ với hàng ngàn màu sắc. Những màu đỏ thắm, vàng rực xen kẻ những màu xanh lá nhạt màu xanh lá đậm, màu vàng chanh của lá cây mới thấy tuần trước đã bị đổi bằng một màu đỏ khô khan mất nhựa, màu nâu thẫm cằn cỗi quắt queo, màu xanh tái buồn bã se sắt, và màu vàng nhạt nhòa ủ rũ. Hình như cái lạnh của khí trời đang từ từ gay gắt hơn mỗi ngày và những cơn gió thổi tốc đang mang mùa thu rực rỡ lá màu hôm nào từ từ đi vào cõi chết. Khi bà ngừng xe tại ngã tư nơi có bảng chỉ đường với chữ dừng lại để chờ vài người bộ hành dắt con qua đường, hàng loạt chiếc lá vàng tái, đỏ úa và nâu xẫm xoáy tròn trong các luồng gió rồi chao đảo trong không gian phía trước mặt kính xe. Những chiếc lá vô tình rơi hàng loạt, phủ đầy mặt đường đã gây cho bà cảm giác bồn chồn và lo lắng, tuy nhiên, thay vì im lặng và chìm đắm vào những cái riêng tư của mình, bà hất mặt về phía bên trái và vui vẻ hỏi con bé Lisa: - Lisa nhìn ngôi trường của Lisa xem có đẹp không? - Con biết trường con đẹp mà! Trường con là trường lớn nhất vùng này nên phải đẹp chứ! Im lặng một lúc, con bé nói thêm khi chiếc xe chạy ngang các khu nhà cao thấp không đều, và những chung cư cũ kỹ tồi tàn: - Mấy cái nhà ở chỗ mình ở cũng đẹp hơn mấy cái nhà lầu cũ ngoài đường này. - Nhưng mà khi ba mẹ mới sang Mỹ, rồi đến khi có anh Phụng, chị Loan, ba mẹ và anh chị con đã sống ở những chỗ còn xấu và tệ hơn những khu nhà này nữa con à! - Con nghe mẹ kể nhiều lần rồi, nhưng con chỉ nói “thật thà” cái mà con nghĩ về mấy cái nhà cũ này thôi! - Mẹ biết con so sánh một cách thành thật nhưng sở dĩ mẹ nhắc với con như vậy vì lỡ khi nào con nói điều này với những người trong những khu nhà đó, người ta sẽ buồn. - Nếu chú Duy Anh nghe mình nói, chú sẽ buồn phải không mẹ? - Vì sao con biết là chú Duy Anh ở đó? - Hôm nọ chú nói ở khu nhà thuê ngoài đường lớn là con biết liền. Bà Kim Cúc yên lặng không nói gì. Bà hiểu y phục của người thanh niên kia cũng có thể làm cho con bé Lisa hiểu anh ta đang sống ở đâu trong vùng này. Chỉ cách chừng mười lăm khu nhà, phong thái hai khu vực trong và ngoài con đường lớn hoàn toàn khác hẳn nhau. Những căn nhà riêng biệt sang trọng ở vùng sâu tận đến công viên lớn là của những người có mức thu nhập cao và có địa vị vững vàng trong xã hội. Trái lại, những khu nhà thuê cũ kỹ và lớn nhỏ khác nhau ở vùng ngoài dọc theo đại lộ K. là cư xá của những người mới định cư, những người có cuộc sống bấp bênh về cả tài chính lẫn công ăn việc làm. Lisa yên lặng như bà Kim Cúc; nó lặng lẽ ngắm cảnh vật hai bên đường khi chiếc xe Mercedes bon bon trên các đại lộ, xa lộ, ngã tư, rồi các con đường nhỏ dẫn vào bãi đậu xe của thương xá. Khi chiếc xe ngừng hẳn trong một chỗ đậu, nó khăng khăng vòi bà Kim cúc vào tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo cạnh tiệm Mc Donald. Tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo là tiệm bán thức ăn Việt Nam duy nhất trong thương xá M. và là tiệm ăn Việt Nam tệ nhất trong bang Maryland và cả vùng Hoa Thịnh Đốn mà bà Kim Cúc chỉ vào trong trường hợp bất đắc dĩ. Ngạc nhiên trước sự lựa chọn thay đổi bất ngờ của con bé nhưng bà Kim Cúc đã không hỏi nó lý do vì sao. Tối hôm qua, chồng bà và bà đã cùng dự đám cưới lớn trong một nhà hàng sang trọng tại Virginia, và hai ông bà đã nếm nhiều món ngon lạ khác hẳn những món của các nhà hàng mà ông bà thường lui tới trước đây. Lúc ấy, bà cảm thấy rất áy náy vì được ăn những món mà bà biết là những đứa con của bà chưa được nếm bao giờ. Cảm giác có tội thường xuất hiện sau những lần đi ăn như thế; cho nên vào những ngày hôm sau bà thường chiều con cái qua những mấy cuộc điện thoại đặt mua thức ăn đến tận nhà hay đưa chúng đến các tiệm ăn Việt Nam, hay các tiệm ăn Tàu ở bang Virginia để chúng tự do chọn lựa các món mà chúng thích. Lách mình qua tấm cửa kính theo bước chân con gái, bà Kim Cúc đứng vào sau những người đang chờ phục vụ trước quầy thu tiền. Ngạc nhiên trườc cảnh đông đúc của tiệm ăn, bà Kim Cúc ngơ ngác nhìn xung quanh. Hôm ấy là ngày thứ hai, cứ ngỡ ghé tạt vào tiệm ăn thường xuyên vắng khách để chiều con bé Lisa trong phút chốc nào ngờ phải đứng chờ bao nhiêu người khách ngoại quốc trước mặt. Bà cảm thấy hối tiếc hơn khi người bồi bàn hướng dẫn bà đến chiếc bàn dài còn dư hai chỗ ngồi mà nơi đó anh Duy Anh đang ngồi với thằng bé Kevin và hai cô gái trẻ mà bà vừa tiếp chuyện nơi gốc sồi cách đó chỉ hơn một giờ đồng hồ. Hai cô gái gật đầu chào bà, mỉm cười cầu thân và tỏ ý rằng họ vừa mới gặp nhau, mới nói chuyện với nhau lại hội ngộ thêm lần nữa. Lisa nắm tay bà, ngầm cho bà biết vì sao nó muốn vào tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo. Kế đó nó bước đến chiếc ghế đen bóng, ngồi thẳng người và len lén nhìn sang thằng bé Kevin đang ngồi bên cạnh. Anh Duy Anh nghiêng người sang phía nó nói một cách từ tốn: - Đây là Kevin cháu của chú. Đáng lý chú chở Lisa đi chơi với Kevin và chú như đã hứa nhưng chú không thể. Lisa nhìn chàng thanh niên một cách hững hờ vẻ như chẳng hiểu lời vừa được nghe rồi tíu tít hỏi chuyện với Kevin bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh. Bà Kim Cúc lịch sự chào mọi người trong bàn, và thay ánh mắt ngỡ ngàng bằng ánh mắt cười bình thản. Bà nhẹ nhàng ngồi cạnh cô gái cao dong dỏng và mỉm cười với tất cả người ngồi chung bàn. Nhìn thẳng vào mặt Lisa đang ngồi đối diện, bà hỏi nó thích món ăn gì trong lúc người bồi bàn trao cho bà tấm thực đơn. Lisa lơ đễnh cho bà biết là nó chỉ muốn một chén xúp măng cua, và một ly sữa đậu nành. Trao lại tập thực đơn cho người bồi bàn, bà Kim Cúc gọi thêm một phần cho mình giống hệt như phần ăn mà con bé Lisa vừa yêu cầu. Người bồi bàn đi khỏi, tất cả những người lớn trong bàn yên lặng chờ thức ăn mang đến và lắng nghe những lời đối thoại của hai đứa Lisa và Kevin. Hai cô gái trẻ trở nên khép nép hơn trước sự hiện diện của bà Kim Cúc; họ cúi mặt e thẹn rồi nhìn mông lung như không muốn bắt chuyện với ai trong bàn. Cử chỉ lúng túng và ngượng ngập của họ khiến bà Kim Cúc phải lên tiếng hỏi cô bé cao dong dỏng: - Lúc nãy cô đã được biết tên của Vân, còn cháu tên gì cô chưa được biết. - Cháu tên Linh. Cô Linh nín lặng sau khi trả lời xong và không khí ngột ngạt tiếp tục vây tròn quanh bàn ăn của họ. Bà Kim Cúc lại nói: - Các em cứ tự nhiên chuyện trò vui vẻ nhé! Mẹ con tôi chỉ ngồi một chút là đi ngay. Mặc dù nói như thế, giọng nói của bà Kim Cúc không được tự nhiên lắm. Chiếc bàn lớn dành cho sáu người ở chính giữa tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo này là nơi bà và anh Duy Anh đã ngồi dùng món phở gà và nước ngọt hôm bà lái xe chở anh trên đường về từ chỗ thi lấy bằng luật. Vì quá bữa trưa và mừng thi đậu, anh Duy Anh đã đề nghị bà ghé vào khu thương xá M. tìm món ăn Việt. Hôm ấy, tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo vắng đến nỗi đa số những chiếc bàn nhỏ dành cho hai hoặc bốn người kê sát tường trống không, thế mà bà Kim Cúc đã chọn chiếc bàn lớn này. Trong lúc hai người đang ăn với nhau, anh Duy Anh đã buông đũa đứng dậy và bảo với bà là anh có một chút chuyện cần phải đi ra ngoài. Sau đó, anh ta trở lại với hộp băng keo cá nhân và hỏi xin bà chìa ngón tay đứt ra để anh băng lại. Bà đã hết sức bối rối và ngượng ngập đến độ không tỏ được phản ứng nào ngoài chấp thuận sự tận tâm chăm sóc của anh. Từ lúc sống trên đất Mỹ, người thường quan tâm đến bà là ông Hoàng, người chồng sống với bà hơn hai mươi năm hạnh phúc. Bố mẹ và con cái của bà, dù ở chung một nhà, chỉ giúp bà những cái chung chứ ít khi chăm chút những cái riêng. Tuy nhiên, dù được quan tâm hay không, bà không có tính làm phiền bất kỳ người nào trong gia đình khi có những chuyện nhỏ nhặt như một vết bỏng nhẹ, một vết đứt nhỏ, hay một dấu trầy sơ sài. Cử chỉ ân cần và thân mật quá đáng của người thanh niên đã làm bà vừa cảm động, vừa ái ngại. Ái ngại hơn nữa là sau khi dùng thức ăn xong, anh ta đã khăng khăng trả tiền thức ăn kể cả tiền thưởng cho người phục vụ. Để khỏa lấp sự ái ngại và ngượng ngập của mình lúc ấy, bà Kim Cúc đã hỏi anh ta bằng một câu bông đùa “Đáng lý phải để chị trả tiền bởi vì chị lớn tuổi hơn em, hơn nữa, em chưa đi làm, làm sao có tiền đãi chị?” và anh ta đã nghiêm trang trả lời rằng “Em là đàn ông con trai và là người mời chị đi ăn nên em phải trả tiền. Em thường phụ cắt cỏ mướn với anh hàng xóm quen nên cũng có tiền chi tiêu. Chị đừng lo!”