Buổi trưa hôm ấy tiệm Bàn Tay Đẹp im ắng hơn lúc nào. Từ lúc mơ hồ với chuyện bất bình của bà Kim Cúc với cô Thủy, các cô thợ trở nên thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói để tránh mích lòng cả hai bên; họ chấm dứt chuyện xì xào riêng lẻ và hạn chế việc tụ năm tụ bảy để bàn những chuyện không đâu vào đâu như trước kia. An vị tại chỗ làm việc của mình, các cô chỉ trao đổi bằng tiếng Anh với khách, và như thế, mặc chuyện ai người ấy làm. Những tiếng rì rầm đối thoại từ các bàn làm việc đã tạo không khí trong tiệm ngày càng trở nên nghiêm trang, xa lạ và gượng gạo hơn thời gian trước đó rất nhiều. Phòng ăn sau tiệm không còn là nơi tụ tập ăn uống của một nhóm đông người; các cô ăn riêng lẻ và thưa dần vì tiệm luôn luôn đầy khách. Thi đua với các “tua” làm, các cô thợ thường không có thời gian để ăn trưa kể cả thời gian uống nước. Thức ăn mà họ mang đến tiệm thường được cất lại trong cái tủ lạnh nhỏ trong góc phòng ăn rồi thường bị vất đi trong thùng rác vào những ngày sau đó. Chỉ có cô Vân thường mời anh Duy Anh ăn những thức ăn mà cô mang theo vào đúng mười hai giờ trưa và lúc đó bà Kim Cúc thường thay thế anh ghi phiếu và đưa khách cho các cô thợ theo phiên của họ. Những lúc ấy, bà Kim Cúc thoát khỏi ánh mắt nửa nghi ngại nửa soi mói của cô Vân và cảm thấy dễ chịu với những mẫu vẽ trưng bày của mình trong hộp kính. Thói quen của bà vẫn thường là vẽ các mẫu móng tay hay thay đổi những mẫu mới vào trong hộp trưng bày mỗi khi bà có những uẩn khúc không giải quyết được trong lòng. Từ lúc xảy ra chuyện mỉa mai châm biếm của cô Thủy về những người đàn bà “hồi xuân”, cô Vân thường lén nhìn bà Kim Cúc với vẻ khác thường. Khác với lời nói tốt đẹp khi đề cập chuyện nhờ bà Kim Cúc đặt dùm một tên Mỹ, cô tỏ thái độ bất cần và coi thường bà một cách lộ liễu. Đã từng kinh nghiệm với thái độ tương tự như vậy từ các cô thợ khác của các tiệm khác, bà Kim Cúc chẳng hề quan tâm đến thái độ kỳ quặc của cô ta nhưng ánh nhìn xa lạ của cô làm bà thường xốn xang khó chịu và bà đã đáp lại nó bằng sự lạnh lùng như bà đã từng đối với những người bà không thích trao đổi ý nghĩ riêng tư. Khoảng một giờ trưa ngày thứ tư hôm ấy tiệm không còn một người khách nào và các cô thợ họp lại bởi sự tình cờ. Sau khi khoe với nhau những hàng mỹ phẩm thượng hạng được bán hạ giá mà họ đã mua trong tiệm Hetch, các cô thợ nói về các loại hàng dành cho phụ nữ bằng lời lẽ nghiêm túc. Đầu tiên, các cô nói về các loại kem dưỡng da, rồi đến các loại kem làm bóng môi, các loại son, các loại chì kẻ mắt, các loại mascara, các loại áo quần mùa đông đang được bán hạ giá, các kiểu mới của các loại áo quần mùa hè, sau đó nói chi tiết hơn về các loại áo tắm, áo ngực và quần lót. Đề tài thảo luận của họ đã hấp dẫn bà Kim Cúc đến gần chiếc bàn chờ khô móng hỏi mượn cuốn tạp chí quảng cáo. Bà đã hỏi thăm các cô là bà nên mua những loại hàng thiết thực nào cho những người thân ở Việt Nam và hỏi dò giá cả chênh lệch giữa Việt Nam và Mỹ ra sao. Ngạc nhiên và thú vị khi được bà chủ tham gia trong câu chuyện đang bàn bạc dở dang, các cô thợ huyên thuyên đưa ra nhiều đề nghị mà họ có kinh nghiệm về việc mua sắm trong những chuyến về thăm quê hương. Trong khi câu chuyện bàn bạc của họ sôi nổi và vui vẻ, tiệm Bàn Tay Đẹp bất thình lình rung lên như sắp vỡ tan bởi những tiếng động khủng khiếp vang lên từ ngoài cánh cửa kính mở hé bởi vật chắn mà anh Duy Anh đặt trước đó vài phút để thả bớt những mùi thuốc rửa móng tay ra ngoài và hóng những làn khí trong lành bên ngoài vào tiệm. Ngạc nhiên trong phút chốc, tất cả các cô thợ vội vã đứng bật lên và thi nhau chạy ào ra khỏi tiệm để giải đáp sự hiếu kỳ của mình. Ngược với hướng chạy của các cô, bà Kim Cúc nhanh chân bước vào trong tiệm để kiểm tra cánh cửa sau. Khi bà trở lại phía trước là lúc anh Duy Anh vừa đóng xong cánh cửa kính ra vào và bước đến trực diện với bà ngay tại quầy thu tiền. Khẩn thiết nắm chặt hai cổ tay của bà, anh nói trong run rẩy: - Chỉ là chiếc xe vận tải tung vào tiệm tạp hóa cạnh tiệm bên mà em cứ tưởng là tận thế sau năm 2000 và được chết chung với chị tại nơi đây. Bà Kim Cúc bàng hoàng như vừa nghe loan truyền thảm họa sắp xảy ra trong tích tắc. Chưa một lời nào thốt ra khỏi cái miệng há hốc, bà lại nghe anh Duy Anh nói trong tuyệt vọng: - Em không thể nào từ bỏ ý nghĩ thương yêu đối với chị bởi vậy nhiều khi em không muốn sống nữa. Làm một người sống bình thường khó quá! Em không thể! Không thể được! Kinh hoàng và sợ hãi, bà Kim Cúc lấp bấp nói những lời mà bà chính bà không tin đó là lời nói sáng suốt nhất của mình trong hoàn cảnh như thế: - Hãy sống như bao người đang sống và đừng tạo nên sự lập dị nào trên đời. Người thanh niên lắc đầu, đau khổ: - Chị không thể nào hiểu được em đâu! Em đã cố gắng rất nhiều để quên đi tình yêu mình đang có nhưng càng cố quên em càng thấy một sự cô đơn khủng khiếp vây quanh. Bà Kim Cúc đáp lại: - Mỗi chúng ta đều có những thử thách trong cuộc đời. Hãy chứng minh mình là ai và đã làm gì để vượt qua những thử thách mình đang gặp phải. Lần nữa, bà Kim Cúc nói mà không rõ vấn đề bà đề cập và lý luận có nhập nhằng đến những vấn đề anh Duy Anh thổ lộ hay không nhưng bà nhận ra khuôn mặt của người thanh niên là khuôn mặt già nua và đau khổ của một người đàn ông chững chạc với mớ tóc lòa xòa đầy trán, đôi mắt u buồn trầm lắng và đôi môi khô héo. Khuôn mặt già nua và đau khổ ấy đã ấy làm bà quan tâm nhiều hơn hai khuôn mặt kinh ngạc và ái ngại của cô Vân và cô Oanh đằng sau lưng anh ta. Hai cô thợ này không biết đã trở lại tiệm tự lúc nào nhưng chắc chắn họ đã nghe những lời yêu thương của anh Duy Anh dành cho bà cũng như thấy anh Duy Anh đang xiết bàn tay phải của bà trong đôi bàn tay của anh mà lúc đó bà không ý thức được vị trí của nó ở đâu. Bà chỉ biết rõ là lời bộc bạch tình cảm của anh ta bất chấp sự chứng kiến của hai cô thợ kia là sự bất chấp sự chứng kiến của người nào khác ngay cả của ông Hoàng, nếu có. - Hãy trở lại công việc của em đi! Rút bàn tay mình ra, và bước về chỗ làm của mình, thâm tâm bà Kim Cúc oán trách anh Duy Anh đã quá nông nổi khi thổ lộ tường tận nỗi niềm riêng của anh. Và như người vừa mới vượt ra khỏi một trận cuồng phong dữ dội, bà chao đảo với những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu. Bao lần phớt lờ những lời nói xa gần, những lời bóng gió của các bản tình ca, những giòng chữ trong tấm thiệp và những cánh hoa, bà luôn luôn hy vọng tình cảm bồng bột của anh Duy Anh sẽ được nguôi ngoai và tan biến trong lãng quên; thế mà chủ nhân của chúng nhất định bày tỏ những ý nghĩ mà anh ta đang có như bày tỏ lời trần tình trước người cứu rỗi linh hồn. Cũng trong trạng thái rối lọan tinh thần, bà Kim Cúc mất hẳn hy vọng của những ngày hôm trước là anh Duy Anh sẽ tìm vui bên người cùng trang lứa với anh để mối quan hệ giữa bà và anh có thể ở vào vị trí chuẩn mực của người chủ và kẻ làm công, của người đàn bà lớn tuổi và người thanh niên nhỏ tuổi. Sau một hồi oán trách và thất vọng, bà Kim Cúc chợt nhớ lại những lời thương yêu đầy tuyệt vọng của chàng thanh niên dành cho bà. Bà cảm nhận đó là thứ tình yêu chân thành và cao thượng chứ không là một thứ tình yêu trai gái bình thường của những đôi tình nhân bình thường trao cho nhau. Với trăm ngàn câu hỏi tự đặt, bà không biết đã làm điều gì khiến cho người thanh niên kia đến nông nổi như thế. Và như những lần trước đó, bà tự trách mình là đã đến gốc cây sồi trước giờ tan trường của trường tiểu học W., đã chở người thanh niên đi thi lấy bằng luật, đã đến tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo và đã tỏ ra sốt sắng giúp đỡ anh ta. Nếu những ngày trước đó, bà nghĩ rằng bà không thể kể cho ông Hoàng nghe sự tình xảy ra giữa anh Duy Anh với bà vì lời lẽ trong bì thiệp và những lời bóng gió là sự mơ hồ không đáng tin thì những ngôn từ yêu thương của anh Duy Anh dành cho bà hôm ấy là bằng chứng cụ thể để bà có thể yêu cầu ông Hoàng cho anh ta ngh? việc khi hai nhân chứng là cô Oanh và cô Vân đã nghe và thấy tận mắt những gì xảy ra cho bà. Nhưng, bà không phải là người “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”! Bà không muốn nỗi niềm riêng nhất thời của người thanh niên bị chà đạp và bôi nhọ bởi người khác khi mà bà tin rằng nó sẽ được thay đổi bởi thái độ cứng rắn của bà. Nếu như trước đây bà bất bình chuyện một người bạn quen biết ở cùng bang Maryland vinh danh rằng bà ta là người có số đào hoa nhưng lại là người trung thành và chung thủy bậc nhất với chồng bằng cách lật tẩy ông bạn của ông chồng, người thuê nhà chung nhà và đã tán tỉnh bà ta, trước mặt chồng và bao nhiêu người quen biết khác để ông chồng tống cổ ông ta ra khỏi nhà lập tức và để huênh hoanh trước bao ánh mắt thán phục của mọi người về sự chung thủy và trung thành đối với chồng của bà ta thì hiện tại bà Kim Cúc đối phó việc xảy ra cho mình bằng cách chờ đương sự tự xin nghỉ việc trong êm đẹp chứ không bao giờ muốn anh ta bị tai tiếng. Xác định là người hết lòng tuân theo trật tự của một xã hội tốt đẹp, và tôn trọng giá trị của một người đàn bà Việt Nam đoan chính nết na, bà Kim Cúc biết chắc chắn mình không thể nào là kẻ sống với quan niệm “Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng quẳng ra ngoài đồng” và tin rằng mình sẽ giải quyết được vấn đề nan giải đang có. Tuy nhiên, những dấu ấn đỏ ửng của những ngón tay của anh Duy Anh còn bám chặt trong cổ tay của bà, khuôn mặ đau khổ của anh ta ám ảnh trong tâm trí của bà, những lời nói thiết tha của anh vẫn văng vẳng bên tai bà khiến cho bà cảm thấy tim mình rung lên một thứ tình cảm khó hiểu và cảm thấy sợ hãi đến độ không dám nghĩ đến. Các cô thợ lục đục trở về tiệm khi những người khách sắp hàng chờ anh Duy Anh thu tiền và ghi phiếu. Tại bàn làm việc, các cô kể cho các bà khách nghe chuyện vừa xảy ra cho tiệm tạp hóa cách tiệm uốn tóc bên cạnh. Do cãi lộn và đánh nhau với người đàn ông gốc Mễ ở ghế hành khách, người tài xế của chiếc xe vận tải cũng gốc Mễ, đã nhấn lộn bàn đạp ga thay vì bàn thắng vì thế chiếc xe vượt quá hành lang của thương xá và đâm sầu vào tiệm tạp hóa. Các cô thợ xuýt xoa bàn tán về sự may mắn của sự cố là chẳng có người nào trên hành lang dọc các tiệm lúc ấy nên chẳng có ai bị xe cán chết, là tiệm tạp hóa chỉ bị bể tấm kính chứ chủ và người làm của tiệm không bị hề hấn gì khi mà mà quầy thu tiền của tiệm nằm vào trong sâu chứ không phải ngay cửa ra vào, và là chẳng người khách nào trong tiệm bị thương tích khi mà chẳng có ai lai vãng trong quầy bán khăn màn và các vật trưng bày nơi đầu xe đâm sầm vào. Họ còn bàn tán về những trường hợp khác xảy ra na ná như vậy trước đó ở các nơi khác. Huyên thuyên với các câu chuyện kể của mình với khách và các chuyện kể của khách với mình, các cô Hằng, Minh, Liên, và Thủy không để ý vẻ uể oải tiếp khách của anh Duy Anh, cái yên lặng gần như cay đắng của cô Vân, cái nhìn đầy lo lắng của cô Oanh và nét mặt buồn sâu kín của bà Kim Cúc. Họ không hề biết một sự cố xảy ra đột ngột và bất ngờ ngay trong tiệm Bàn Tay Đẹp trước đó vài phút làm cho người chứng kiến kinh hoàng chẳng khác gì chứng kiến tai nạn xảy ra cho tiệm tạp hóa gần đó. Vài giờ sau, khi gặp riêng bà Kim Cúc ở phòng làm sáp, cô Oanh an ủi bà rằng: - Bất cứ chuyện gì xảy ra, em luôn luôn tin tưởng chị là người tốt. Khi nào chị cần em làm gì thì hãy nói cho em biết để em giúp chị. Bà Kim Cúc nói: - Hiện tại chị đang cần biết hãng máy bay nào tốt nhất cho chuyến du lịch về Việt Nam. Đầu tháng sáu Lisa nghỉ hè là gia đình chị sẽ cùng về Việt Nam ngay. Chị nhờ em làm phụ tá, giúp Duy Anh chi thu và tính toán các khoản cho chị. Nếu hai tiệm bên P. và L. cần giúp, chị nhờ em giải quyết và phụ trợ thêm. Cô Oanh mỉm cười: - Em biết là em sẽ làm gì để giúp chị mà! Cũng như những lần gia đình chị du lịch trước đây thôi! Điện thoại viễn liên từ Mỹ đến Việt Nam hiện nay không là vấn đề khó khăn nữa chị Kim Cúc ơi! Cho em số điện thoại của gia đình chi bên Việt Nam, nếu có gì cần, em sẽ gọi về hỏi ý kiến anh chị, đừng lo! - Những lần trước chị không lo vì gia đình chị chỉ đi một hay hai tuần còn lần này gia đình chị đi đến một tháng. Hơn nữa những lần trước có khi có bố mẹ chị trông coi phụ anh Tảo, còn lần này chị không hiểu Duy Anh còn muốn làm cho đến hết hè không. Nhưng mà dù có hay không chị cũng sẽ giao chìa khóa tiệm cho em trước khi đi như trước.