Chương 1

Người đàn ông đứng bất động dưới bóng cây thông lớn rợp mát, đăm đăm ánh mắt nhìn xuống biển còn đang giấu mình trong sương mù. Gió thổi tung tóc, áo anh ta, vạt áo pardessus bay phần phật hòa theo tiếng thông reo và tiếng sóng biển đập vào bờ đá núi rì rầm.
Người đàn ông vẫn đứng lặng, lưng tựa gốc thông già, tay khoanh trước ngực, mặc mái tóc rũ xuống vầng trán rối bời, ánh mắt khép hờ hững, tai thu nhận hết mọi âm thanh của núi cao, biển rộng và gió của trời mây.
Rèm mi khép hờ hững vụt he hé mở, ấy là khi ánh dương quang nhô lên từ mặt biển xanh thẳm, phát tia nắng đầu tiên cho mặt đất soi tan sương mù. Gió vẫn thổi, biển vẫn ào ạt dội âm thanh vào bờ, mỗi bầu trời càng lúc càng sáng rực rỡ và ấm dần lên.
Người đàn ông đứng đó cho đến khi mặt trời không còn là quả cầu đỏ, phát ra tia sáng chói chan, mới lững thững rời chỗ đứng đi dọc, đường đèo tới chỗ đậu xe. Chiếc xe Toyota màu trắng không cũ, không mới êm ru đưa chủ nhân xuống đèo, chạy mãi, rẽ qua đường bờ biển mới tinh khôi với hai làn xe rộng thênh thang, chạy đến chỗ rẽ ngược chiều, vượt chiếc cầu nối hai bờ sông nổi bật như một bức tranh, chạy tiếp và rẽ vào con đường nhỏ xuyên rừng thông và dừng ở ngôi nhà trệt giữa vườn cây xanh um tùm.
Người đàn ông rời ghế lái sải bước vào nhà, đón anh là một phụ nữ dáng vẻ khỏe mạnh, chất phác, gọn gàng trong bộ bà ba lụa màu lam khói sẫm với chiếc valy kéo.
- Tôi đang lo cậu về trễ. Thế bà có buồn không?
- Không. Mẹ nuôi quen rồi - Anh ta nói ngắn gọn, cởi pardessus đưa cho người đàn bà, đi thẳng vào phòng tắm và trở ra với bộ âu phục thẳng nếp, tóc khô ráo gọn gàng.
Người đàn bà chờ sẵn đưa anh ta cà vạt và áo vest. Anh ta thắt cà vạt rất nhanh, khoác áo vào, đưa tay cầm chiếc valy kéo, nói:
- Chị chăm sóc nhà cửa nhé. Thỉnh thoảng qua thăm bà hộ tôi.
Anh ta đi không ngoảnh lại, cho cả hành lý vào ghế trước, lái một mạch đến sân bay. Ở bãi đỗ xe tư nhân đã có người đàn ông trạc tuổi anh ta đứng chờ cùng một cô gái trẻ, ăn mặc giản dị, kín đáo.
- Chào - Anh ta nói chỉ một tiếng, tay xách valy xuống, tay ném chìa khóa cho người đàn ông, dợm bước đi.
- Thưa ông Dương - Cô gái buột miệng nhưng lại sợ đến không nói nữa, đưa tay che miệng.
Anh ta ngoảnh lại. Gương mặt lạnh lùng với ánh mắt bén ngót ném vào cô cái nhìn soi mói. Giấu cái rùng mình, nhưng rồi cô vẫn không mở miệng được, cứ đờ ra.
- Cô cần gì?
- Không... tôi... chỉ.... là...
- Cô Trang nói không thấy anh định ngày về như hồi đầu năm.
Người đàn ông đỡ lời, nhìn thẳng anh ta thoáng rùn vai, nheo mắt.
Anh ta nhếch môi:
- Có gì anh Hào sẽ liên lạc với tôi.
Anh ta đi luôn chẳng buồn nói tiếng nào nữa. Hào, Trang đi theo sau, họ chẳng ra vẻ gì đưa tiễn bởi Dương làm xong thủ tục, vào thẳng bên trong không ngoảnh lại dù chỉ để vẫy chào.
- Về thôi - Hào thở phào, nhìn Trang chợt lắc đầu cười:
- Cô làm sao vậy?
Cô gái hậm hực:
- Anh ta cứ như... như...
- Như thế nào? - Hào bật cười ra tiếng - Cô tức giận vì cái gì nào? Vì anh ta lạnh lùng ít nói à? Hay vì anh ta không lịch sự săn đón cô?
Trang xăm xăm đi tới bãi gởi xe, vụt đứng lại khiến suýt nữa Hào đâm sầm vào cô, rồi vụt hỏi một hơi:
- Anh ta là ai? Ở đâu? Làm cái gì? Sao có quá nhiều tiền? Anh ta cứ như ma vậy, đến rồi đi, trong khi mình bở cả hơi tai với mớ công việc anh ta để lại.
Hào rùn vai, đi tới mở cửa xe, nói:
- Sao cô không nói thẳng anh ta mà lại... hùng hổ với tôi?
- Chí ít, anh biết những gì cần thiết trên cương vị một luật sư được ủy thác trách nhiệm.
Hào chui vào xe rồi thò đầu ra, nói:
- Cô đem xe đến thẳng văn phòng và nhớ nhé. Một giờ nữa họp.
Đợi Trang vào bãi giữ xe lấy chiếc Dream ra, Hào mới quay xe phóng đi. Vừa lái xe vừa lắc đầu nói một mình.
- Kiểu này không sớm thì muộn, lại phải thay cô ta rồi. Hừm, có lẽ tuyển nam thôi, cho đỡ rắc rối phần nhân sự.
Dừng ở cây xăng, cho đổ đầy bình, Hào ngồi miên man nghĩ về công việc sắp tới. "Quả là bở hơi tai đây nếu chỉ chừng ấy tháng. Mà lạ thật, sao anh ấy việc gì cũng biết nhỉ? Ảnh có đúng là Lê Triều Dương của ngày xưa?"
Lấy xăng đủ, Hào lái xe chạy thẳng về văn phòng, thấy mọi người đã chờ sẵn, kể cả Trang dù còn đến hơn bốn mươi phút nữa mới họp.
Hào vào phòng riên, mở máy kiểm tra mọi tài liệu liên quan, sau đó gọi Trang vào chuẩn bị các giấy tờ. Đúng chín giờ, anh nhấn chuông, mọi người ùa vào. Tất cả bọn họ trạc tuổi từ 25 đến ngoài 30, tổng cộng sáu người, bốn nam hai nữ. Tất cả đều chưa có gia đình, đó là tiêu chuẩn đầu tiên để được tuyển dụng. Tất cả đều thông minh, năng động, trung thực và kín đáo. Tất cả đều giản dị, không khoa trương, và hầu hết họ đều tốt nghiệp đại học.
Hào đã phải tốn thời gian một năm cho việc tuyển dụng và đào tạo người, bởi việc tuyển dụng phải tiến hành theo đúng cam kết. Nói chính xác hơn là Hào đi tìm người có đủ tiêu chuẩn đặt vấn đề, ra yêu cầu, cho biết mức lương. Xong. Sau đó phần đào tạo. Mọi việc tiến hành lặng lẽ, kín đáo và ngoài những bản hợp đồng, cam kết đang nằm trong tủ của Hào, chẳng có gì chứng tỏ họ đang là nhân viên của một đơn vị nào đó, mà chủ nhân họ chưa từng biết mặt, chỉ biết người điều hành là luật sư Hào, được quyền hợp pháp. Một luật sư Hào, người có tiếng tăm ở thành phố biển này, luật sư của tòa án thành phố, nổi danh công minh, liêm chính, thì có gì để mà thắc mắc.
Phần đào tạo và thực tập kéo dài đến sáu tháng, khá căng thẳng, họ thực tập cả ban đêm và tất cả đều đạt yêu cầu trong lần kiểm tra cuối. Mới đó đã năm năm rồi. Bọn họ mỗi người một công việc,một cuộc sống riêng, duy cùng giống nhau vài điểm đặc thù vì nhiệm vụ. Tất cả đều thích phiêu lưu đây đó, có sức khỏe tốt, trung thực.
Tất cả đã ngồi vào ghế. Trang phát mỗi người một tập hồ sơ. Đợi mọi người ngẩng lên, Hào bắt đầu nói:
- Hồ sơ thứ nhất thuộc Quảng Nam. Ai đảm nhiệm?
- Tôi - Cô gái cao lớn, tóc ngắn đưa tay - Tôi có viết tại Quảng Nam, thời gian đi về trong ngày thường xuyên.
- Được, giao cô Hương - Hào ngắn gọn rồi hỏi tiếp - Hồ sơ thứ hai cũng ở Quảng Nam, thuộc miền núi, huyện Quế Sơn. Ai đảm nhiệm?
Im lặng. Nghĩa là không có ai có công tác đến đó, hoặc tất cả không thể sắp xếp thời gian. Hào để qua một bên, dọ tiếp:
- Hồ sơ thứ ba thuộc tỉnh Đắk Lắk.
- Tôi - Người thanh niên tóc đinh, cao khều đưa tay - Tôi làm phóng sự trên ấy cả tuần.
- Được, giao cho Chính. Hồ sơ số bốn giao cô Thu đến bệnh viện Đa Khoa, nội trong ngày. Hồ sơ số năm thuộc Qui Nhơn.
- Để tôi. Ngày kia tôi có buổi thu hình ở bảo tàng Quang Trung.
Người thanh niên thấp lùn có gương mặt đẹp như con gái nói.
- Được, giao cậu Mỹ. Còn hồ sơ cuối cùng ở Phú Yên?
Tất cả im lặng. Bấy giờ còn hai gã thanh niên giống nhau như tạc, duy một gã trắng trẻo một gã đen nhẻm. Gã đen nhẻm lên tiếng:
- Vậy phải đợi thôi. Chúng tôi kẹt cả tuần vì chương trình văn hóa dân tộc ở Kontum.
Hào như mọi khi, đồng ý ngay. Anh kết thúc buổi họp nhanh gọn như thường lệ:
- Vậy công tác lần này, hy vọng đạt sáu chục phần trăm. Các cô cậu nhớ vểnh tai và mở mắt to ra đấy. Để xem kỳ này lương ai cao nhất đây. Nào, ta kết thúc tại đây.
Tất cả rời đi sau vài ba câu đùa cùng nhau và hẹn gặp lại. Còn mỗi Hào nhìn Trang ngẫm nghĩ rồi nói:
- Hôm nay tôi phải đến luật sư Đoàn, có thể về sớm.
Nhưng Hào chẳng đi đâu cả, anh đóng cửa văn phòng, ngồi dính chặt với máy vi tính, sau đó vào mạng khi có tín hiệu từ máy xách tay. Dương hiện ra trên màn hình, nói ngắn gọn:
- Tìm việc khác cho cô ta đi, lương khá một chút.
Hào gật đầu rồi hỏi lại:
- Hàng xuất chưa?
- Hai hôm nữa. Triển khai công tác mới thế nào?
- Anh có hồ sơ bổ sung cho Kontum thay Phú Yên và Quế Sơn không?
- Còn đang thẩm tra lại, phải chờ thôi. Ai đi Kontum?
- Cặp song sinh.
- Tôi sực nhớ một lần cậu nói gia đình Nam, Bắc có ông bác là nghệ nhân điêu khắc đá nổi tiếng nhất.
- Nhưng con cháu không ai theo nghề cả. Sao, anh định qua lĩnh vực đó à?
- Để xem tôi có thể làm gì, tuần sau trả lời chính thức với cậu.
Hào cười mũi, lắc đầu:
- Anh có thể thừa ấy chứ... Nếu đừng đổ hết vào "cái kho quý" ấy.
Dương nhếch môi cười khinh mạn, ngạo nghễ:
- Nếu tôi bảo cậu hai năm nữa, tôi sẽ giàu như vua, cậu có tin không?
- Không còn điều gì ở anh khiến tôi kinh ngạc nữa.
- Vậy sao? - Dương có vẻ thích câu này, thế nhưng không tán gẫu đi sâu vào - Nhưng cậu vẫn phải kinh ngạc bây giờ đây.
Hào nhún vai:
- Tôi biết anh chẳng phải vì con Trang mà bỏ thời gian để nhìn tôi qua máy tính. Nào, giao việc đi... ông chủ.
- Cậu liên hệ với công ty cây xanh và công chánh mua toàn bộ số gốc cây họ bứng lúc làm đường cho tôi.
Hào lõ mắt, nghi hoặc hỏi:
- Mua... gốc cây?
- Ừ. Nhưng chỉ trong nhóm gỗ quý như lim, xà cừ, thêm long não, mù u với độ tuổi trên trăm năm.
Hào sờ cằm:
-Tôi nghĩ... những gốc cây chắc đã.... ra tro theo các nồi bánh tét từ mấy năm nay rồi.
- Không, nó đang nằm trong khuôn viên cây xanh đối diện công viên 293. Tôi đã có tư liệu xác nhận. Đống gốc cây đó giờ to như núi, theo tốc độ quy hoạch hạ tầng của thành phố trong suốt ba năm nay. Cậu xem hình ảnh nhé.
Hiện lên trên màn hình đúng là một núi gốc cây với dòng chữ số ghi rõ ngày chụp. Dương nhếch môi:
- Về phần chuyên gia giám định tuổi của nó....
- Anh không cần tốn khoản đó đâu, hai phần ba hoặc hơn thế nữa, những gốc cây được bứng lên bằng xe cẩu đều ở tuổi trên một trăm. Và toàn bốn mét, xà cừ, long não, mù u cả anh thừa biết điều đó mà. Vì chúng được trồng từ đầu thời kỳ Pháp thuộc. Tôi đề nghị một phương án.
- Hay lắm. Cậu nói xem.
- Ta mua hết theo giá....củi sẽ rất rẻ. Sau đó tại kho bãi anh phân loại, xong. Thứ gì qua tay anh không biến thành vàng chứ!
- Vấn đề kho bãi làm đau đầu đây.
- Vậy thuê tạm. Thuê ở đây rẻ hơn nhiều, vả lại, anh biết rồi, nếu mua hàng chợ, họ sẽ đặt nghi vấn và hét giá trên trời.
- Thôi được, giao cho anh. Hoa hồng....
- Lần này là 2 %, đồng ý?
- Đồng ý. Thời gian sớm nhất. Chào!
Dương biến mất. Hào khoan khoái ra mặt, ngã ngửa lên ghế. Gì chớ mua gốc cây.... nấu bánh tét thì dễ như... ăn cháo. Hừ! Có điều chắc cú người vớ bờ không phải là mình, chắc cú ảnh vừa ký xong một hợp đồng béo bở với những gốc cây trên một trăm năm tuổi kia và không chỉ gốc cây ở đây là đủ. Có bao nhiêu thành phố trong cả nước đang mở đường, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở nhỉ?
Hào trở lại với màn hình vi tính, phần quy hoạch xây dựng quốc gia. Anh chợt hứng thú muốn tìm hiểu xem, một trong thứ hái ra tiền của Dương, và làm sơ bài tính nhân với tổng số của nó kể từ khi Dương về nước tìm đến anh.....
-oOo-
Trong chiếc quần jean bạc phết loang lổ đủ màu sơn và chiếc sơmi nhàu nát không gài hạt nút nào, hắn càng bắt mắt hơn với bất cứ ai đối diện. Lúc này hắn đang đứng trước giá vẽ khổng lồ đã xong phần phác thảo với chiều cao bốn mét và chiều ngang 12 m, chiếm trọn tường bên trái khu xưởng vẽ. Toàn cảnh bức tranh hiện lên những mái ngói cổ xưa, những lối đi đầy đá cỏ, những hoa lá, cây trái và đặc biệt là những gốc cây tượng hình, chỗ quấn tụ, chỗ rãi rác, gốc cao, gốc thấp, gốc nhỏ, gốc lớn trông huyền hoặc, kỳ bí. Hắn khoanh tay trước ngực, mặt hơi ngước lên, mắt lim dim như đang nắm bắt ý tưởng dần rõ nét bằng hình ảnh....
Cô gái bước những bước êm ru đến vừa đủ gần để nhìn rõ hắn rồi dừng lại, lặng lẽ ngắm hắn, không bỏ sót nhất cử nhất động nào của hắn, từ cái cau mày, tới cái mím môi, từ lối cúi nhìn để tóc rũ che vần trán tới cái búng tay vẻ như nghĩ ra được điều gì. Cô gái giấu tiếng thở dài sâu tận cùng đáy lòng. Ở con người này, có tất cả, cho mình, cho người, cho tiền bạc lẫn quyền lực trừ con tim dành cho tình yêu.
Cô nhìn đồng hồ lưỡng lự, hắn vụt quay lại, nói ngắn gọn:
- Cô lên trước đi, nói chuẩn bị xe, họp xong đi luôn.
Chẳng buồn tỏ dấu hiệu thân thiện nào với cô thư ký đẹp mê hồn, hắn đi thẳng qua cánh cửa cuối khu xưởng vẽ, khi trở ra đã chỉnh tề trong bộ vest mùa hè, nét nghệ sĩ lãng mạn mất sạch, chỉ còn lại vẻ lạnh lùng muôn thuở.
Hắn bước vào một căn phòng khác, đúng hơn là một ngôi nhà như một căn phòng vuông vức, không có vật dụng gì ngoài những chiếc ghế nệm nhỏ có bánh xe di chuyển và những tấm thảm ngồi nằm rãi rác khắp phòng. Trên những ghế thảm, giờ đã có người ngồi kín, đủ già, trẻ, trai gái độ hai mươi người, trên tay họ là tập giấy đầy chữ, tài liệu của buổi họp hôm nay. Tất cả đều im lặng, nhìn vào anh chờ đợi. Dương vào đề ngay, ngắn gọn, rõ ràng.
- Tư liệu các bạn cầm trên tay chính là đề tài cho cuộc thi sáng tạo lần thứ tám mang chủ đề là "Gốc Rễ". Các bạn có thời gian là 40 ngày để hoàn thành tác phẩm và tôi không hạn chế số lương tác phẩm dự thi. Tôi chỉ nhắc nhở các bạn một điều, sự sáng tạo và tài hoa nằm ở hai chữ "đặc sắc". Lần thi này vẫn y như lệ. Một giải nhất, hai giải nhì, bai giải ba. Tác phẩm được chọn, sẽ được cho ra thành phẩm, ngoài tiền chiếm giải, còn được trả tiền bản quyền mười phần trăm. Các bạn còn thắc mắc gì không?
- Năm ngoái với hợp đồng khách sạn ở Chicago, ông Dương có thêm hai giải khuyến khích.
- Hợp đồng lần này khách hàng đòi giá trị tối ưu, nhưng tôi hứa với các bạn, bất cứ tác phẩm nào được xử dụng sẽ được trả tiền mua đứt bản quyền, còn gì nữa không?
- Các chi nhánh khác có dự thi không?
- Có đấy. Tác phẩm xuất sắc ở các nơi sẽ được gởi về đây dự thi. Hẹn gặp lại các bạn.
Anh nhìn những nghệ nhân, những nhà điêu khắc dưới quyền bằng cái nhìn kỳ vọng, khuyến khích rồi qua cửa hông đi thẳng ra ngoài, lấy phone bắt đầu cuộc gọi:
- Uy hả? Tôi bay chuyến 17h55 giờ Việt Nam, Hãng Việt Nam Airline. Anh đón tôi và đem theo hồ sơ số 20, ta bay luôn đến Washington. Chào!
Anh cho máy phone vào túi áo trong, quay sang nhìn một thanh niên đang sải bước nhanh trên hành lang đến gần, trên tay chàng trai là chiếc valy kéo màu xanh lá, và anh chỉ có một tay.
Đón chiếc valy, anh nói như ra lệnh:
- Mười ngày sau tôi về đến, mọi việc phải sẵn sàng.
- Vâng.
- Bây giờ anh là quyền giám đốc, hãy chứng tỏ khả năng mình.
- Vâng - Mặt người thanh niên thoáng đỏ lên, bối rối.
Anh nhìn, thở hắt khẻ lắc đầu đặt tay lên vai người thanh niên:
- Kiên! Nhìn tôi đi, cậu thấy tôi có phải là người làm việc theo tình cảm không? Tôi là một nhà kinh doanh có chuyên môn và chỉ làm điều có lợi cho mình. Tôi đặt cậu vào chức vụ phó giám đốc kiêm trợ lý cho tôi vì cậu thừa khả năng làm chớ không vì ơn nghĩa hay thương cảm gì đó như cậu nghĩ đâu. Mạnh dạn lên, gạt bỏ tự ti đi, và nhớ đó, ngày tôi về, cậu không xong cũng đồng nghĩa là hãy cuốn xéo. Rõ chứ? Tôi cũng nhắc luôn cho cậu nhớ, trong năm năm, tôi đã cách chức ba lần trợ lý, năm lần phó giám đốc và tôi đã kiêm nhiệm tất tật trong suốt ba năm.
Anh vào xe, cho hiệu chạy, ngã đầu ra thành nệm xe, thở phào. Người tài xế nhìn anh qua gương nói:
- Thưa giám đốc, vấn đề là cậu Kiên trẻ quá. Vài năm sẽ ổn mà.
- Mỗi một giây phút đều có giá trị của nó. Đồng tiền cũng vậy, tôi đổi tài năng anh ta bằng giá trị vật chất, anh ta nhận lúc nào phải trả lúc ấy. Tôi không biết đợi chờ.
Liếc qua gương thấy xếp nhắm mắt trên gương mặt lạnh lùng, người tài xế biết không nên nói gì nữa. Tám năm như hình với bóng đã để anh hiểu về xếp mình, biết lúc nào nên làm gì, lúc nào nên nói hay im lặng. Điều chính yếu nữa là xếp Dương tôn trọng anh dù lạnh nhạt, ít lời và trả lương đúng mức.
Điện thoại reo, Dương mở máy:
- Nói đi!
- Dạ Bạch Dương trong vòng một giờ nữa cập bến.
Dương ngồi thẳng lên thoáng nét vui:
- Tôi có lời khen tất cả. Hiện tôi lên đường ra sân bay đi New York, mọi việc cứ thế mà làm, có gì trình với cậu Kiên.
Anh tắt máy, vươn vai nhìn đồng hồ, chép miệng:
- Khỏi đi Đồng Nai, anh Toại. Tôi ra cảng chúc mừng Bạch Dương một phát, thành công 100% rồi.
- Cậu Sĩ chắc mừng lắm, giữ được cơ nghiệp mà.
Dương cười khùng khục:
- Còn chúng ta có cả con tàu vận chuyển viễn dương. Không biết tôi hay là cậu Sĩ mừng hơn đây.
Toại cũng cười:
- Tôi nghĩ cả hai thưa giám đốc. Không có giám đốc, con tàu Bạch Dương giờ mục nát dưới đáy biển rồi. Còn Mỹ Nghệ Lê Gia, có cả một tàu viễn dương tải hàng chỉ với một nửa kinh phí đầu tư.
Dương cười nửa miệng, đánh Toại một cách cố ý:
- Ra anh rất khoái mọi trò làm ăn, vậy sao học lái xe?
- Thật ra tôi khoái... giám đốc với Mỹ Nghệ Lê Gia - Toại tán giám đốc tỉnh bơ - Khoái khá nhiều cái.
Dương rùn vai tảng lờ:
- Này, kiếm ít "nước" rửa thằng Bạch Dương.
Toại dừng trước một siêu thị nhỏ, rời xe đi vào. Dương mở cửa xe, lững thững tới đứng dưới tàng cây bàng, đảo mắt nhìn người xe xuôi ngược và ngay lập tức anh rơi vào trạng thái rỗng không, vô thức. Anh nhìn thấy, nghe rõ, nhưng không cảm nghĩ... Chính tiếng khóc trẻ con đưa Dương về thực tại, anh ngoảnh nhìn kín đáo, thấy cô nhóc độ bốn tuổi đang đòi mẹ điều gì đó, còn người mẹ cúi xuống thì thầm vào tai con.
Giọng con bé vút cao lảnh lót:
- Má nói rồi mà, từ bây giờ làm ra tiền, nhiều tiền....
- Phải. Nhưng để má đi xin việc đã. Có việc làm mới có tiền chớ con. - Giọng người mẹ thật êm ru, dịu dàng.
Con bé dẩu môi, làm tình làm tội mẹ bằng một tràng liên thanh nghe.. mắc cười.
- Má đừng... hẹn lâu nghe, Thảo Nguyên chờ hoài mệt quá! Bà Sáu cứ hỏi con, chừng nào có tiền sắm ông ba. Má có tiền mình sắm ông ba trước hén!
Người mẹ nhìn quanh bằng vẻ khổ sở, mặt đỏ phừng. Cô xốc con lên tay, tay kia quàng túi xách vào vai, nói nhanh:
- Bà Sáu nói ghẹo con thôi, sắm ông.... ba thế nào được. Mà nếu được thì... có ba rồi má hổng có thương con Thảo Nguyên nhiều nữa, biết không?
- Sao bà Sáu nói có ba sẽ được cả hai người thương?
- Ôi! - Người mẹ trẻ kêu lên khổ sở, bước đi ngang chỗ Dương đứng, trả lời con bằng giọng... cùn nhầy... cho xong - Sắm "ông ba" như con thích... mắc lắm, nghĩa là nhiều tiền lắm, vì "ông ba" như vậy rất ít và khó kiếm. Vầy đi, đợi má đi làm có tiền rồi mình từ từ kiếm, giờ mình phải về nhà đã hén!
- Vậy là... tới khi con đi học đã có được ông ba chưa?
- Ôi!
Hai mẹ con mất hút ở trạm xe buýt gần đó rồi mà Dương chưa tắt được nụ cười. Giá mà anh có thể cười to lên. Nhưng nét cười đọng nguyên trên gương mặt anh khiến Toại ngạc nhiên. Hai tay đầy hai xách nặng mà Toại quên phéng cho vào xe, nhìn chăm xếp hỏi liền:
- Xếp gặp chuyện gì mà dzui dữ vậy?
Anh chợt phì cười, lắc đầu chui vào xe, đáp:
- Không có gì, chuyện ngoài phố thôi. Ra cảng!
Suốt đoạn đường đi, đầu Dương lan man vơ vẩn hình bóng hai mẹ con nọ, đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong đời anh. "Cô ta bao nhiêu tuổi nhỉ?" Còn con bé thật dễ yêu, lém lĩnh. Bất giác Dương thở dài. Ngày đó Khả Tú cũng khoảng chừng ấy tuổi.... Đời thật lắm chuyện trái ngược, có người mẹ trẻ sẵn lòng chọn tuổi thanh xuân, thờ chồng nuôi con, lại cũng có người mẹ, người vợ, sẵn sàng vứt bỏ tất cả để chạy theo thú vui cá nhân và vật chất thấp hèn.
- Đến rồi giám đốc.
Dương nhìn đồng hồ, nói:
- Đợi thêm mười phút nữa.
Đúng mười phút, cả hai tiến vào cảng, mắt dõi theo con tàu trắng to đùng như ngọn núi tuyết lập lờ cập bến. Trên boong tàu, đám thủy thủ chạy đi chạy lại... Và rồi con tàu đứng bất động. Cầu tàu được thả xuống nối bờ cùng lúc tiếng hò reo nổi lên vang trời của thủy thủ tàu Bạch Dương.
Nhưng phải đến nửa giờ sau, họ mới gặp mặt nhau. Champagne tung suối bọt trắng xóa tưới khắp mọi người, và không cần rót ra trang trọng, cứ cầm chai, từng người ngửa cổ tu một cách khoái trá. Sĩ trong bộ cánh thuyền trưởng cáu cạnh, trạc ngoài ba mươi, toét miệng cười, nói:
- Báo cáo... xếp, tàu Bạch Dương cập bến an toàn với một vạn tấn hàng hóa. Dạ... dạ...đầy ắp luôn.
Ánh mắt Dương như cười nhìn Sĩ gật đầu, nói:
- Giờ tôi có thể hoàn toàn yên tâm để bay đi New York. Mọi việc ở đây cậu Kiên đảm nhận. Rõ chưa?
- Rõ, thưa xếp - Mặt Sĩ ngấn nước vội cúi xuống.
Dương tảng lờ, gương mặt trở lại nét lạnh lùng cố hữu. Sau vài lời trang trọng dành cho thủy thủ đoàn, anh từ biệt rời cảng ngay, ra sân bay.
Toại qua gương chiếu hậu thấy xếp trầm ngâm, bất giác lắc đầu, nghĩ thầm: Điều gì trên đời làm xếp vứt bỏ được cái bộ mặt... khó ưa này nhỉ? Cái đất Mỹ xa xôi ấy, phải chăng luôn đào tạo con người ưu việt là thế này? Không đúng.
- Anh nói ai không đúng?
Toại giật mình. Thì ra mình thốt nên lời sao? Anh ấp úng:
- Dạ không. Tôi... không tin... đủ một vạn tấn hàng hóa.
Dương nhún vai:
- Anh đánh giá thuyền trưởng của tôi hơi thấp đấy.
Không nói gì thêm, Dương ngả đầu ra sau nhắm mắt. Ta đang đi trên đoạn đường dài vô tận, được nối kết bằng những chuyến bay.
-o0o-
Trên tấm bản đồ, những lằn đỏ lấp lánh nối kết nhau xuyên suốt Bắc Nam và tụ vào chấm đỏ lớn. Ánh mắt bốn con người trong căn phòng sang trọng đều nhìn chằm vào đó, tai không bỏ sót lời nào của người đang nói:
- Suốt hai năm, lần theo mọi hoạt động của họ, tôi đã hình thành được tầm cỡ và thực lực để biết cái công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ bé ấy, thật ra... không hề nhỏ bé. Đấy, các ông xem, nếu ráp tất cả các xưởng thủ công mỹ nghệ này trên khắp nước lại thành một, thì nó ra bài toán như sau: Một tỉnh thành có khoảng bảy đến tám khu xưởng gia công mặt hàng mỹ nghệ thủ công khác nhau, mỗi một xưởng trung bình bốn mươi người, thêm ba nghệ nhân làm điều hành. Họ ngoài nhiệm vụ làm ra sản phẩm, còn kiêm giấy tờ, kiêm thu mua lẻ, họ mua tất tật thứ gì của bàn tay thợ thủ công làm ra mà họ thấy đạt tiêu chuẩn với giá cao. Sau đó sản phẩm không chuyển đi tập trung mà tách rời từng kiện nhỏ, và không bao giờ để hàng tồn kho ở xưởng, gây chú ý nhiều người.
- Nghĩa là mỗi một xưởng cứ như một nhóm gia công tự phát, không hề để lộ ra mình là công nhân của Mỹ Nghệ Lê Gia?
- Không phải không để lộ mà là học cũng không hiểu, trừ nhóm điều hành.
- Tiếp tục đi - Một người nói.
- Được, như vậy trung bình cứ một tỉnh thành, Mỹ Nghệ Lê Gia có đến bốn trăm nghệ nhân, trong đó hơn một nửa mới được đào tạo từ những nghệ nhân truyền thống. Tại sao Mỹ Nghệ Lê Gia làm được điều đó? Vì các ông biết, học nghề mỹ nghệ phổ thông thì dễ, học bí quyết làm ra hàng đặc biệt mới khó. Thế nhưng Mỹ Nghệ Lê Gia đã chơi một chiêu rất độc, mỗi một nghệ nhân nhận học trò, phải tự lựa người có năng khiếu, nhận càng nhiều học trò thì càng có nhiều tiền, vì họ thay người học trò trả lương dạy cho thầy, sau đó trừ lại vào thành phẩm. Sau này sản phẩm học trò làm ra được đánh giá là đạt thì khi bán ra, người thầy được hưởng thêm hoa hồng trên sản phẩm ấy.
- Hắn đã dùng chiêu phật ngàn tay để cướp nghề mỹ nghệ thủ công gia truyền. Thử hỏi một người mà ăn lương của mười người ai không ham, còn được tiếng truyền nghề hết lòng cho lớp trẻ.
- Nhưng người có tư chất, năng khiếu đặc biệt đâu có nhiều?
- Vì vậy mỗi xưởng chỉ khoảng bốn mươi người, và chẳng phải họ đều tới xưởng làm việc, họ có thể làm ở nhà, xong rồi mang đến giao hàng, nhận cái khác và ăn theo sản phẩm tiền lương. Lương rất cao và có bảo hiểm y tế hàng năm.
- Tiếp tục đi!
- Như vậy Mỹ Nghệ Lê Gia có khoảng 350 cơ sở trên 45 tỉnh thành, nhân số độ hai nghìn người.
- Thật kinh khủng khi hắn mới thành lập năm năm.
- Cứ đà này, hắn nuốt chửng chúng ta trong vài ba năm tới.
- Phải, cả ba công ty chúng ta cộng lại, nhân số chỉ bằng một nửa hắn, nhân viên hành chính lại quá nhiều, và vốn đầu tư quá lớn, thuế má nhiều khoản, chung chi đủ chỗ.
- Còn hắn, mỗi tỉnh thành chỉ cần một chuyên viên kế toán tổng hợp, Mỹ Nghệ Lê Gia nhìn bề ngoài như cái lỗ mũi sứt, chẳng ai buồn nhòm ngó, tha hồ tiền như nước chảy vào hồ.
- Chúng ta tốn công sức, tiền của tìm hiểu hắn không phải để ca ngợi hắn, mà phải tìm ra cách đối phó hắn, đập tan xác hắn.
- Điều lợi nhất, hay nhất, hắn đã chiếm làm rồi, ta bắt chước hắn đồng nghĩa với việc đào huyệt chôn mình.
- Không cạnh tranh được thì phá cho bằng được.
- Bằng cách nào? Cái thằng chó sinh sau đẻ muộn ấy, nói trắng ra, vì muốn thống trị mặt hàng mỹ nghệ thủ công Việt Nam, đã nghĩ ra và áp dụng kế sách này để đánh gục ba chúng ta. Không biết sau lưng hắn lực lượng tài chánh lớn đến chừng nào, của bản thân hắn, hay cả một nhóm người? Năm năm rồi, ta trơ mắt nhìn hắn làm mưa làm gió còn gì?
- Có đến hàng trăm cách, phải vắt óc mà nghĩ thôi. À này! Còn tiểu sử hắn, anh có thu thập gì không?
- Có đây. Lê Triều Dương gốc Quảng Nam, cha tên Lê Triều Phong, chuyên doanh hàng mỹ nghệ, tay chơi đồ cổ. Mẹ là Triệu Hiền, họa sĩ danh tiếng thời trước giải phóng ở miền Nam. Cả hai vợ chồng chết hồi bảy lăm vì bị cướp bắn ngay nhà riêng. Lê Triều Dương cùng anh trai là Lê Triều Hải theo dòng người di tản ra nước ngoài trước 30 tháng 4, lúc ấy hắn mới 13 tuổi, Triều Hải 15. Tôi mới có thông tin chừng đó.
- Hắn có vợ con gì chưa? Anh hắn có cùng về với hắn không?
- Hắn chưa vợ con, chưa nhân tình, không ăn chơi và rất lạnh lùng, ít nói, vô cảm với mọi giới phụ nữ, không tin gì về anh hắn.
Những người ngồi quanh bàn nhìn nhau. Một lúc người bệ vệ nói:
- Ta phải có cách phá tan Mỹ Nghệ Lê Gia, hãy tiếp tục điều tra.