Hồi 52
Vu Oan Giá Họa Cho Người

Chiều hôm ấy đi rẽ về hướng Nam.
Trong khi đi đường, Tam Tĩnh thốt nhiên nói đến giáo lý nhà Phật, y bảo:
- Trời đất sinh ra muôn vật. Sang, hèn, họa, phúc đều do kiếp trước mà ra. Một người hai đời gây nên nghiệp chướng thì kiếp này phải hóa làm trâu ngựa để cho người cưỡi. Tỉ như Du Thản Chi dù chưa hóa làm trâu ngựa, nhưng cũng phải làm nô lệ cho người. Ðó cũng là kiếp trước nặng nợ, nên kiếp này phải trả. Nếu kiếp này có tích nhiều âm đức thì kiếp sau mới được hưởng phúc.
Du Thản Chi nghe y nói vậy nửa tin nửa ngờ, rồi gã tự hỏi:
- Thằng cha này vừa ra tay đã giết hai nhà sư, tàn nhẫn đến thế là cùng. Trong đời mi chắc đã giết bao nhiêu người nữa. Vậy mà mi còn dám mở miệng nói đến tích đức tu nhơn ư?
Nhưng gã đang bị trong vòng kiềm tỏa của Tam Tĩnh, nên trong bụng nghĩ như vậy mà không dám nói ra.
Hai người trông thấy về hướng Ðông Nam mà đi luôn mấy ngày.
Tiết trời đã ấm áp dần dần.
Du Thản Chi nghe Tam Tinh vừa đi đường vừa hỏi lối về Hà Tân thì trong bụng mừng thầm. Gã nghĩ bụng:
- Xuống bể càng hay, được ngồi thuyền, mình không phải làm trâu ngựa cho hắn nữa.
...........................................................................
- Tên tiểu tặc họ Du phải vào bón phân trong vườn rau để tư tâm hỏi đã làm nên tội lỗi.
Du Thản Chi ngơ ngác theo mấy nhà sư vào vườn rau bái kiến kiếm một nhà sư quản lý vườn này.
Nhà sư quản lý vườn pháp hiệu Duyên Căn hình thù bé nhỏ mà gầy khẳng gầy kheo, đã rụng mất hai chiếc răng cửa. Lúc y nói miệng để trống hốc. Y thấy Du Thản Chi đầu bịt lồng sắt hình thù quái gở lấy làm thích thú.
Lão ngồi trên ghế dài, nghếch chân lên, hỏi lai lịch Du Thản Chi.
Du Thản Chi nghĩ:
- Cha bác mình là những nhân vật có tên tuổi trong võ lâm, nếu bữa nay mình nói thật ra há chẳng làm nhục đến oai danh Du thị Song hùng và Tụ Hiền Trang ư?
Nghĩ vậy, gã chỉ khai mình là người tầm thường quê kệch, chẳng may bị quan binh Khất Ðan bắt đem đi, rồi bị hành hạ khổ sở.
Nhà sư này rất ưa chuyện trò, những chi tiết nhỏ nhặt lão cũng muốn hỏi chân tơ kẻ tóc quyết không để cho Du Thản Chi ăn nói hàm hồ. Nhưng Du Thản Chi quyết ý dấu nhẹm thân thế mình. Ngoài điều gã kể mình là thiếu niên nhà nông, gã không nói thêm gì nữa.
Nhà sư tra ngọn hỏi ngành mãi đến tối mịt mới xong, tính vừa ba giờ đồng hồ.
Nhà sư Duyên Căn hỏi đi hỏi lại hết lần này đến lần khác để kiếm lấy một chỗ sơ hở mà vặn Du Thản Chi.
Du Thản Chi tuy không phải là một gã thông minh lanh lợi, nếu gã nói dối bị lòi đuôi. Nhưng gã đem thân thế mình nói rút lại một cách vắn tắt.
Ðại khái những câu hỏi và câu trả lời như sau:
- Phụ thân ngươi làm gì?
- Chết rồi!
- Tại sao mà chết?
- Ốm!
- Ốm bệnh gì?
- Tôi không biết!
- Sao ngươi giúp đỡ Tam Tĩnh?
- Y bắt được tôi.
- Sao mi không trốn đi?
- Tôi không trốn thoát.
Ðến bữa cơm tối Duyên Căn bưng bát cơm lớn đến bên Du Thản Chi ngồi ăn để tiện vặn hỏi.
Sau khi không hỏi thêm được điều gì nữa, Duyên Căn mới bảo:
- Ngươi múc ra hai thùng nước phân bón rau. Chúng ta ở đây không thể lười nhác được đâu. Vừa rồi hhỏi chuyện mi mất hàng nửa ngày công việc đều bỏ bê.
Du Thản Chi đáp ngay:
- Vâng!
Gã không màng phân trần về vụ mất thì giờ này là do nhà sư hỏi vặn mà gã phải trả lời chứ đâu phải gã bày chuyện.
Du Thản Chi trong bụng đói meo, mình đầy thương tích, mà vẫn đi múc phân tưới rau ngay chứ không dám kêu ca gì hết.
Vườn rau chùa Thiếu Lâm rất rộng diện tích có đến hai trăm mẫu. Trong vườn này kể cả hạng thợ thường xuyên lẫn thợ làm xắp có đến ba bốn chục người và đều là tăng sĩ trong chùa.
Du Thản Chi mới đến, đầu lại đội cái lồng sắt, hình thù cổ quái, mọi người đều khinh miệt và thường đem gã ra làm trò cười. Những công việc nặng nhọc dơ dáy đều đổ lên đầu gã.
Du Thản Chi càng ngày càng suy nghĩ ít đi, quan niệm và phải trái về mừng giận thương vui. Gã cũmg mơ hồ không phân biệt được rõ ràng. Ai bảo gì gã cũng chịu.
Suốt ngày gã chỉ ngơ ngác bần thần. Họa hoằn trong lúc ngủ mê, gã mới mơ thấy A Tử.
Một hôm vào lúc hoàng hôn, Du Thản Chi bón tưới vườn rau xong thì thân thể mệt nhoài, chân tay ê nhức, gã chợt nge thấy tiếng đũa lách cách, gã liền đứng dậy xuống nhà ăn cơm, bỗng thấy tiếng Duyên Căn gọi:
- A Du! Mi cầm bát cơm này đưa sang căn phòng nhỏ bên rừng trúc cho một vị sư phụ ở đó dùng, vì y bịnh không qua đây được.
Thản Chi đáp:
- Vâng!
Ðoạn đón lấy bát cơm sang rừng trúc.
Rừng trúc này lớn lắm, gã đi một lúc mà vẫn chưa hết.
Gã nhìn vào trong đám lá cây rậm rạp thấy một căn nhà đá nhỏ, liền chạy đến trước cửa cất tiếng gọi:
- Sư phụ! Sư phụ! Cơm của sư phụ đây!
Trong nhà có giọng khàn khàn đáp lại.
Du Thản Chi đưa tay ra đẩy cửa.
Cánh cửa mở ra, gã bưng bát cơm lớn đi vào.
Gã thấy trên chiếc chiếu trải dưới đất có một người nằm quay mặt vào trong.
Trong nhà không có giường phản, bàn ghế chi hết.
Một cái bát sành đựng lưng bát nước lã đặt ngay trong một góc chiếu.
Du Thản Chi lại nói:
- Sư phụ! Tôi mang cơm lại cho sư phụ đây!
Người kia nói:
- Ta không đói, không ăn cơm được ngươi bưng về đi!
Tiếng nói phều phào không được rõ ràng và thủy chung vẫn không quay đầu ra.
Du Thản Chi vừa nghe y biểu không đói, không ăn cơm, liền bưng bát cơm về nhà ngay, báo cho Duyên Căn biết.
Trưa hôm sau, Duyên Căn lại kêu Du Thản Chi mang cơm đi, người kia vẫn không ăn.
Bốn ngày liền, Du Thản Chi mỗi ngày đưa cơm hai lần.
Người đó không lúc nào quay mình ra và thủy chung vẫn không ăn cơm.
Gã cũng mất tính hiếu kỳ nữa, mặc dù thấy việc khác thường, gã cũng chẳng buồn quan tâm.
Ðến trưa hôm thứ năm, Du Thản Chi theo thường lệ lại bưng cơm sang, người kia vẫn nhắc lại câu trước:
- Ta không đói, không ăn cơm, ngươi mang về đi.
Du Thản Chi vẫn bình thản lạt lẽo như thường đáp:
- Ðược rồi!
Ðoạn trở gót đi luôn.
Người này đột nhiên vùng dậy nắm lấy tay Du Thản Chi mắng:
- Mi là người không có lòng dạ chi hết...
Vừa nói mấy tiếng người đó la lên:
- Úi chao!
Vì thấy đầu gã đội cái lồng sắt, nên không khỏi giật mình kinh ngạc.
Du Thản Chi thấy nhà sư vừa gầy gò vừa đen đúa, mắt sâu mũi cao, không ra dáng một nhà sư Trung Nguyên. Trên mặt nhiều vết nhăn nheo mà không biết đã bao nhiêu tuổi.
Nhà sư hỏi:
- Ðầu ngươi chụp cái chi?
Du Thản Chi đáp:
- Cái lồng sắt.
Nhà sư lại hỏi:
- Ai chụp vào đầu ngươi?
- Người Khất Ðan.
Nhà sư hỏi:
- Sao mi không bỏ đi?
Du Thản Chi đáp:
- Bỏ không được.
Nhà sư nói:
- Bốn ngày liền ta không ăn cơm, ngươi chẳng hỏi gì đến đã đành sao cũng không kêu ai lại thăm ta một lần. Hoặc kêu thầy đến chữa bịnh cho ta, là nghĩa làm sao?
Nhà sư này tuy người Hồ bên Tây Vực song nói tiếng Hán rất lưu loát.
Du Thản Chi nói:
- Ông sống cũng thế chết cũng vậy, có liên quan gì đến tôi?
Nhà sư cả giận vươn tay ra nắm lấy vai Du Thản Chi.
Du Thản Chi thấy vai bị đau tựa hồ dao cắt, nhưng gã nhịn đau quen, chẳng cậy cựa mà cũng chẳng rên la, cứ thản nhiên như không.
Nhà sư rất lấy làm kỳ hỏi:
- Mi có thấy đau không?
Du Thản Chi lạnh lùng đáp:
- Ðau cũng thế mà không đau cũng vậy. Chả can hệ gì!
Nhà sư lại càng ngạc nhiên hỏi lại:
- Mi bảo không can hệ gì. Chẳng lẽ cái vai này không phải là vai mi? Ta vận thêm kình lực bóp nát vai mi ra nhé?
Nhà sư vừa nói vừa vặn kình lực mạnh bóp mạnh.
Du Thản Chi thấy đau vào đến tận tâm can, vai gã quả nhiên bị bóp nát.
Song người gã tuy đau mà tâm thần gã trơ như gỗ đá chẳng tranh biện mà cũng chẳng van xin.
Gã yên trí rằng trong lá số gã, thiên đình đã định sẵn xương vai gã bị bẻ nát, đành phải chịu.
Nhà sư thấy sức chịu đựng gã cương cường như vậy đâm ra bội phục nói:
- Giỏi lắm! Trong chùa Thiếu Lâm cả đến tên đầu bếp cũng tu luyện được đến mức độ này thì ghê thật! Thôi ngươi đi đi!
Du Thản Chi bưng bát cơm về, chưa ra khỏi rừng trúc thốt nhiên va phải nhà sư Duyên Căn đứng ở bên đường.
Duyên Căn âm thầm chạy đến bên gã cười lạt nói:
- A Du! Việc chùa Mẫn Trung nước Liêu đã phát giác ra rồi, ngươi đến viện Giới Luật đi!
Du Thản Chi nghe nói việc chùa Mẫn Trung bị phát giác thì nghĩ thầm:
- Ðây chắc là Tam Tĩnh đã điều tra ra vụ ta ăn cắp con tằm kỳ dị. Vụ này rắc rối ta. Thôi ta đành phó mặc trời.
Gã lẻo đẻo theo Duyên Căn về viện Giới Luật đã gặp nhà sư già.
Lúc này lại thấy nhà sư đó đứng trước cửa viện lạnh lùng nói:
- Du Thản Chi! Tam Tĩnh biểu những tội đại ác tại chùa Mẫn Trung đều do ngươi gây ra, có đúng thế không?
Du Thản Chi đáp:
- Ðúng thế! Chính tôi gây ra!
Nhà sư già nghe Du Thản Chi nhận tội nhận tội, không chối cải một câu nào thì lấy làm lạ hỏi, nói:
- Mi đã nhận tội, ta không làm khó dễ vói người làm chi nữa mà năm trăm roi đòn thị uy cũng miễn cho mi. Mi vào phòng sám hối để nghĩ kỹ lại coi, nếu còn điều gì không thật nói với ta.
Duyên Căn dẫn Du Thản Chi tới phía sau viện Giới Luật.
Nơi đây là một khoảng đất trống, đã bày sẵn bốn cái "cột đá"hình vuông.
Duyên Căn kéo một chiếc cột đá một cái cửa mở ra.
Chính mỗi một cột này là một căn nhà nhỏ xíu.
Duyên Căn đẩy cửa vào, bảo Du Thản Chi vào trong xong rồi đóng lại.
Tuy gọi là phòng sám hối nhưng thực ra không phải là một căn phòng mà chỉ một "chiếc quan tài" bằng đá để dựng lên.
Du Thản Chi vào rồi, đừng nói không thể ngồi xuống được, mà xoay mình cũng đã khó khăn.
Trên nóc nhà đã có đục hai lỗ thông hơi. Bốn mặt vách đá gần khít chạm vào người.
Du Thản Chi lẩm bẩm:
- Mình có việc gì suy nghĩ, làm tổ gì mà phải sám hối?
Giữa lúc ấy, bỗng nghe tiếng người kêu thất thanh như lợn bò chọc tiết.
Tiếng kêu la do những lỗ nhỏ trên đỉnh thạch thất vọng ra và rõ ràng là tiếng Tam Tĩnh.
Du Thản Chi nghe lão thét lên:
- Không được! Không được! Người tôi làm sao vào lọt nhà sám hối?
Vị lão tăng Giới Luật nói:
- Lề luật của bản trì từ ngàn xưa lưu lại, sư sãi phạm tội nặng đều được vào nhà sám hối để xét mình cũng ăn năn. Người vào đi!
Tam Tĩnh vội nói:
- Người tôi to béo thế này làm sao vào lọt được?
Du Thản Chi tuy đang trong lúc hoạn nạn, nghe lão nói mấy câu này, mới nhớ ra Tam Tĩnh người béo chùn béo chụt mà tròn ủm như trái bóng thì không khỏi phì cười.
Bỗng nghe nhà sư già lạnh lùng giục:
- Các ngươi bỏ lão vào đi rồi đóng cửa lại!
Kế tiếp lại vẳng nghe mấy tiếng cựa quậy.
Tam Tĩnh kêu gọi ầm lên nhưng nhà sư già không khoan dung cho bạn đồng môn chút nào nhất định thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh.
Tam Tĩnh kêu lên:
- Tôi sẽ bẩm bạch phương trượng. Ðại sư ngược đãi đồng môn một cách gắt gao. Người tôi to béo thế này làm sao nhét vào được phòng nhỏ này... Trời ơi! Không được!
Lão tăng giục ban chấp sự:
- Các ngươi ấn mạnh y vào! Gắng sức ấn thật mạnh!
Một nhà sư khác bỗng kêu lên:
- Thúi quá! Y vọt cả... ra rồi!
Lão tăng vẫn giục:
- Ðã nhét được quá nửa rồi, còn non nửa thôi mà! Ðẩy mạnh vào!
Vất vả hồi lâu rồi sau cùng cũng nhét được hết người nhà sư Tam Tĩnh béo chùn béo chụt tròn ủm như quả bóng vào căn nhà nhỏ hẹp.
Tam Tĩnh mất hết khí lực không còn hơi sức đâu tranh luận nữa. Lão nghẹn ngào trong khổ và khóc thút thít.
Du Thản Chi nghĩ thầm:
- Căn nhà đá chật hẹp này đến mình gầy nhỏm gầy nhom còn chẳng đủ chỗ xoay mình. Thế mà họ nhét đưọc "trái bóng thịt" vào kể cũng là kỳ công hạn hữu.
Ðột nhiên Tam Tĩnh la lên:
- Thả tôi ra! Thả tôi ra! Tôi xin nói hết không dám nói sai câu nào.
Nhà sư già nói:
- Người hãy nói trước đi rồi ta sẽ thả ra.
Tam Tĩnh nói:
- Tôi... Tôi ở chùa Mẫn Trung nước Liêu, ăn trộm ba mươi ba lạng bạc, mua rượu uống. Tôi mổ ba con chó và giam cầm nhà sư. bốn người tục... tôi đã... có người bạn gái ở nước Liêu... với đã đánh bạc...
Nhà sư già nói:
- Mi biểu những việc này đều do gã mặt sắt làm trò à?
Tam Tĩnh nói:
- Vâng! Vâng. Ðúng là gã làm cả. Tôi quên đó.
Nhà sư già nói:
- Người chưa suy nghĩ được kỹ càng. Người hãy ở lại trong buồng sám hối một ngày một đêm cho tâm hồn tỉnh táo để suy nghĩ lại.
Tam Tĩnh kêu to hơn nữa:
- Chỉ trong một giờ nữa là tôi đã bị chết ngộp rồi. Tôi xin thú nhận hết. Những vụ đó đều chính tay tôi làm cả.
Nhà sư già nói:
- Thế còn gã mặt sắt làm điều chi sai quấy?
Tam Tĩnh đáp:
- Gã.. gã ăn cắp cái bầu của tôi rồi gã uống trộm rượu nữa.
Nhà sư già hỏi:
- Còn gì nữa không?
Tam Tĩnh nói:
- Tôi.. Tôi không biết. Mau... mau thả tôi ra.
Nhà sư cười lạt nói:
- Ngươi vu oan giá họa cho người.
Rồi quay sang bảo mấy nhà sư chấp sự:
- Các vị thả gã mặt sắt ra!
Mấy vị chấp sự vâng lời mở cửa thạch thất kéo Du Thản Chi ra.
Du Thản Chi nhìn ra căn thạch thất ở bên cạnh thì thấy da thịt Tam Tĩnh lòi ra những kẻ hở nhà đá.
Giả tỷ phòng sám hối này là căn nhà vách gỗ thì đến bật tung.
Nhà sư nhìn Du Thản Chi hỏi:
- Những việc xảy ra ở nhà Mẫn Trung, Tam Tĩnh đã thú nhận cả rồi. Sao mi còn chưa nói rõ tâm tình.
Du Thản Chi đáp:
- Tôi không biết.
Nhà sư nói:
- Rút cuộc mi chưa làm việc gì sai quấy phải không?
Du Thản Chi đáp:
- Kiếp này tôi nhiều tai nạn, chắc là do kiếp trước gây nên tội nghiệp rất nhiều. Kiếp này tuy chưa làm điều sai quấy, nhưng kiếp trước phạm nhiều tội nặng.
Nhà sư nghe gã nói vậy rất vui lòng. Lão nghĩ lại vừa rồi nghi oan cho gã, bây giờ lão rất hối hận.
Nhà sư quay lại bảo Duyên Căn:
- Gã mặt sắt này bản tính thuần hậu nhà sư người Hồ kia mắc bệnh triền miên, ngươi bảo gã sang đó hầu hạ, đừng bắt gã làm việc trong vườn rau.
Duyên Căn nói:
- Vâng!
Tam Tĩnh kêu rầm lên:
- Không xong rồi! Mau buông thả tôi ra!
Tiếp theo là những tiếng "rắc rắc" không ngớt, tựa hồ như tiếng bắp rang.
Nguyên Tam Tĩnh bị nhét chặt quá, xương cốt cọ xát vào nhauphát ra tiếng.
Du Thản Chi nghĩ bụng:
- Xem chừng trong người Tam Tĩnh đã gẫy mất mấy dẻ xương sườn.
Bỗng thấy Tam Tĩnh lại kêu ầm lên:
- Tôi đã cung xưng hết rồi, sao còn chưa thả tôi ra? Ðại sư... nói vậy thì ra đại sư lừa gạt tôi hay sao?
Duyên Căn quay lại bảo Du Thản Chi:
- Mi mau lạy tạ tấm lòng từ bi của chấp pháp đại sư đã cho mi tới làm tại một nơi công việc nhẹ nhàng.
Du Thản Chi từ khi đến nước Liêu bị bao nhiêu nỗi khổ hành hạ, đâm ra mất hết thiện cảm với người ngoại quốc, bất luận là ai. Gã chẳng lấy việc để hầu hạ nhà sư người Hồ kia tên gọi là Ba La Tĩnh làm dễ chịu. Nhưng Duyên Căn đã bảo vậy thì gã cũng quỳ xuống đất lạy tạ.
Duyên Căn lại dẫn Du Thản Chi đến rừng trúc đưa vào phòng Ba La Tĩnh để giới thiệu.
Ba La Tinh vẫn nằm quay mặt vào tường.
Hai người vào phòng lão cũng mặc kệ, không quay ra mà cũng không hỏi han gì.
Ðến bữa ăn, Du Thản Chi lấy cơm đưa vào, thì Ba La Tinh cũng chỉ nói một câu cộc lốc:
- Không ăn cơm!
Lão cũng không thèm nhìn gã.
Sau hai ngày nữa, giọng nói Ba La Tinh tỏ ra rất suy yếu, tân khách trong chùa có người hay tin đến trước hỏi thăm. Sau khi người khách này về, đưa hơn mười vị lão tăng cùng đến thăm hỏi.
Du Thản Chi đứng bên thấy người khách giới thiệu với Ba La Tinh chức vị các lão tăng, nào Thủ Tòa La Hán Ðường, nào Phó tòa Viện Ðạt Ma, nào Thủ tòa Viện Giới Luật, toàn là những vị cao cả.
Gã nghĩ bụng:
- Lão sư người Hồ này chắc cũng là một nhân vật ghê gớm nên lão vừa thọ bệnh đã bao nhiêu nhân vật đầu nảo đến hỏi thăm.
Ba La Tinh bệnh luôn mấy ngày vẫn chưa bớt.
Ngẫu nhiên lão ăn được chút cháo nhưng vẫn chưa dậy được.
Suốt ngày nằm quay mặt vào tường. May mà tính lão ôn hòa không cáu kỉnh gì với Du Thản Chi cả.
Gã ở đây cũng chẳng có việc gì làm, nên suốt ngày nhàn rỗi, tịnh mịch.
Qua hai hôm nữa, vào khoảng nửa đêm, Ba La Tinh đột nhiên rên la ầm ĩ rồi la hét:
- Trời ơi! Nhức đầu! Tôi nhức đầu quá!
Du Thản Chi thắp đèn lên, thấy mặt lão đỏ bừng, gã đưa tay sờ vào trán lão thấy nóng bỏng.
Ba La Tinh vừa nhảy lên nhảy xuống vừa kêu:
- Chết! Ta chết đến nơi rồi! Ði kêu thầy đến chửa cho ta.
Du Thản Chi kinh hãi đáp:
- Vâng! Vâng!
Rồi không biết đi kiếm ai được, gã đành chạy vài vườn rau gọi Duyên Căn.
Duyên Căn đến viện Thanh Kiên mời một nhà sư biết thuốc sang chẩn mạch, vừa cho thuốc uống vừa làm phép châm cứu, vất vả mất nửa đê, mãi đến lúc trời sáng mớ yên lại.
Mấy lần lão lên cơn như vậy, các nhà sư chửa thuốc lắc đầu bảo nhau:
- Vị Hồ tăng này mắc phải thứ bệnh kỳ lạ bên Thiên Trúc, đất Trung Nguyên chưa gặp bao giờ, mình khó lòng chữa khỏi được.
Ba La Tinh càng ngày càng suy nhược.
Một hôm lão dậy đi tiểu, chân nhũn ra té nhào xuống đất. Ngã chúi về đằng trước đầu đập vào viên đá, trán thủng ra một lỗ, máu chảy ra rất nhiều.
Các lão tăng được tin đều đến hỏi thăm.
Bệnh tình nhà sư họ Hồ kéo dài hơn một tháng, mỗi ngày một trầm trọng thêm.
Một hôm Du Thản Chi bị cảm hàn, nửa đêm đau bụng, gã chạy ra rừng đi tiêu. Lúc đang buộc giải quần, dưới ánh trăng sáng, bất thình lình gã thấy một người từ dưới đất nhô lên cách chỗ gã đứng hơn môrt trượng.
Du Thản Chi hồn vía lên mây, suýt nữa gã thất thanh la lên.
Nhưng bóng đen náy chìa lên nửa người sau cùng toàn thân xuất hiện.
Rõ ràng là Ba La Tinh!
Ban ngày gã thấy Ba La Tinh thở hổn hển, muốn ngồi dậy uống chút nước thì xem ra cũng rất khó khăn. Thế mà lúc này lão biến thành con rồng thiêng cọp dữ, từ lòng đất chui lên được.
" Cách" một tiếng lão nhảy lên ngọn cây trúc nhanh như mèo!
Du Thản Chi rất lấy làm kỳ lẩm bẩm:
- Té ra bấy lâu lão này giả vờ mắc bệnh. Lão ở dưới đất chui lên làm gì và bây giờ lão đi đâu?
Bỗng thấy ngọn trúc khẽ lung lay, Ba La Tinh từ cây trúc này nhảy sang cây trúc khác cách đó chừng ba trượng. Ngọn trúc bật lên tiếng rất mạnh. Theo đà của nó Ba La Tinh nhảy được rất xa.
Lão nhảy đã lẹ làng lại nhanh như chớp, nếu Du Thản Chi chưa nhìn thấy lão từ trước thì nhất định không thể biết trên cây trúc có người mà chỉ cho là ngọn gió đêm lay động cành trúc dưới báng trăng tỏ mà thôi.
Du Thản Chi tiếp tục ngó những cành trúc lay động chao thẳng đường tiến về hướng tây bắc. Tuy gã đã lạnh nhạt thế sự, chẳng quan tâm một việc ggì nữa. Nhưng dù sao gã cũng còn trẻ người non dạ thì làm gì đã mất hết tính hiếu kỳ. gã chạy lại chỗ Ba La Tinh ở dưới đất chui lên để ngó xem thì thấy dưới đất có một lỗ tròn bên cạnh đặt một tấm ván. Trên mặt tấm ván có đất bùn và lá trúc, rõ ràng là lúc Ba La Tinh chui vào lỗ rồi sẽ kéo tấm ván đậy lên.
Rừng trúc này vốn ít người qua lại. Dù có người vào rừng mà dẫm chân lên tấm ván thì cũng lấy làm chi lạ.
Du Thản Chi tự hỏi:
- Ðường hầm này đi về đâu? Ta thử xuống xem sao?
Gã thò chân xuống đất chui vào trong hầm.
Không ngờ đường hầm rất ngắn, gã lần mò đi chưa được vài trượng, lại thấy đường đi dốc ngược lên.
Du Thản chi đi đến cuối đường chui ra thi không nhịn được phải phì cười, vì miệng hầm đằng này chính là chỗ Ba La Tinh trải chiếu lên.
Suốt ngày Ba La Tinh nằm trên chiếu này, nên không ai phát giác ra được.
Du Thản Chi tự hỏi:
- Thằng cha Ba La Tinh này thật là kỳ dị, không biết lão đi đâu?
Gã không nén nổi tính hiếu kỳ, lại chạy vào rừng trúc, theo đường Ba La Tinh chạy đi.
Gã biết mong manh rằng lão sư họ Hồ này khéo giả vờ giả vịt ốm đâu bệnh hoạn, tất cả là có cuộc âm mưu rất lớn. Nếu mình đi theo dõi để phát giác ra việc bí mật cuà lão. Lão mà biết ra thì tính mạng của mình đi đời.
Nghĩ vậy lão len lỏi cẩn thận và ở tận đằng xa nhìn thấy Ba La Tinh đang đứng trên một cây trúc, gã liền nằm rạp xuống bụi cỏ rậm, bò đi từng bước.
Gã bò còn cách cây trúc đó còn hơn một trượng thì dừng lại không dám tiến bước.
Du Thản Chi đứng chờ hồi lâu, đưa mắt nhìn ra phía trời Tây một áng mây trôi lảng bảng bay lại, che ánh trăng tỏ, bốn bề tối đen và phẳng lặng như tờ.
Bỗng nghe tiếng gió thổi rào rạt, cánh trúc kia hạ xuống rồi lại bật lên.
Ba La Tinh lượn đà bay vọt ra, nhảy vào giữa đám cây rậm rạp phía trước.
Du Thản Chi thấy lão khinh công cao cường như vậy phải lắc đầu lè lưỡi.
Gã đâm ra sợ quá không dám đi nữa, quay về phòng mình nghĩ.
Trong khoảng thời gian uống cạn tuần trà, Du Thản Chi nghe trong phòng Ba La Tinh có tiếng sột soạt, lão biết rằng lão đã về thì lẩm bẩm:
- Thật là một phen hú hồn! May mà mình về ngay, nếu mình chần chờ thêm một lát nữa tất bị lão khám phá ra.
Sáng hôm sau, Du Thản Chi dậy sớm thấy Ba La Tinh nằm quay mặt vào vách giả vờ bệnh thế cực kỳ nghiêm trọng.
Gã không nói gì cầm cây cuốc ra rừng đào măng.
Gã đi thẳng vào chỗ đám cây rậm rạp mà Ba La Tinh đêm qua đã nhảy vào đó.
Du Thản Chi vừa đi được vài trượng, bỗng thấy sau vòm cây một nhà sư đi ra, lớn tiếng hỏi:
- Mi đến Tàng Kinh Lâu làm gì?
Du Thản Chi đáp:
- Tôi... Tôi đào măng trúc.
Nhà sư vẩy tay nói:
- Ði, đi mau! Mi không có pháp điệp của phương trượng, không được tới gần Tàng Kinh Lâu.
Du Thản Chi nói:
- Vâng, vâng!
Rồi quay vào rừng trúc đào măng.
Gã nghĩ bụng:
- Té ra trong bụi rậm này là Tàng Kinh Lâu, nếu không có pháp điệp của phương trượng thì không thể đến gần. Ðêm qua Ba La Tinh lẻn vào Tàng Kinh Lâu, chẳng lẽ lão đến đây lấy trộm kinh sách về coi? Nhưng lão đã là hoà thượng thì xem kinh sách là việc rất hợp lý. Nam Mô A Di Ðà Phật! Nam Mô A Di Ðà Phật không biết phật có gì mà cất kỹ thế?
Du Thản Chi đã điều tra ra việc Ba La Tinh giả vờ lâm trọng bệnh đào đường hầm để đi lén vào Tàng Kinh Lâu mà htôi. Gã chẳng buồn để tâm đên việc đó nữa, gã đào được một đống măng thật to đem về vườn rau giao cho Duyên Căn.
Duyên Căn Khen rằng:
- Thằng nhỏ này giỏi lắm, làm việc gì cũng chăm chỉ tận tâm. Thật không uổng công ta đề bạt mi lên với đại sư chấp pháp. Mi đem măng xuống giao cho nhà bếp.
Du Thản Chi vâng lời khuân măng xuống bếp.
Trong bếp một nồi canh rau bốc hơi ngùn ngụt, chú tiểu múc một bát canh cho gã ăn, rồi lại múc thêm bát nữa đem về cho Ba La Tinh.
Du Thản Chi bưng bát canh rau về phòng Ba La Tinh vẫn một giọng cộc lốc:
- Không ăn!
Nhưng rồi ngửi thấy mùi bát canh thơm ngon, lão thèm quá bảo:
- Ðược lắm! Ngươi đưa ta thử một miếng xem.
Lão xoay tay ra đón lấy bát canh giả vờ không ngồi dậy được, mặt vẫn quay vào tường nằm húp canh.
Du Thản Chi để ý trông thấy có bóng cuốn sách ánh vào trong bát nước canh. Trong sách toàn chữ ngọng ngoẹo rất kỳ dị.
Gã sực nhớ ra điều gì liền lẩm bẩm:
- Ðây là thứ văn tự ngoại quốc giống kiểu chữ ở trong cuốn sách ta lượm được. Thì ra Ba La Tinh hằng ngày quay mặt vào tường là để xem lén những sách cổ quái này! Chà chà! Nửa đêm lão lén vào Tàng Kinh Lâu cốt là lấy những thứ sách nước ngoài này về coi.
Trước kia Du Thản Chi đã bị hành hạ, nên gã không quan tâm đến sự vật bên ngoài nữa. Mấy bữa nay gã ở chùa Thiếu Lâm không bị ngược đãi, nên gã thấy Ba La Tinh có những hành động kỳ bí mới lại nổi tánh hiếu kỳ.
Nhưng bây gờ thấy Ba La Tinh có những hành động đó, bất quá là để kiếm sách ngoại quốc về đọc, thì nghĩ bụng:
- Làm hòa thượng đương nhiên phải xem kinh. Lão hòa thượng nước ngoài thì phải đọc kinh nước ngoài, cái đó chẳng có chi lạ. Có điều người ngoại quốc tính ưa làm những sự kỳ bí không muốn hỏi mượn mà thờ.
Nghĩ vậy từ đó gã không để ý đến hành động của Ba La Tinh nữa.
Lại hơn một tháng nữa trôi qua. một hôm vào khoảng nữa đêm Du Thản Chi đang ngủ say, đột nhiêu thấy ánh đèn sáng trưng.
Gã mở bừng mắt ra thì ánh sáng này từ phòng Ba La Tinh phát ra rồi lọt qua khe vách ván lọt ra ngoài.
Ánh sáng bữa nay so với những ngáy trước sáng chói gấp mười.
Du Thản Chi lấy làm kỳ dị, gãnghiêng người nhòm qua khe cửa vào trong.
Vừa nhòm vào, gã giật mình kinh hãi vì trong phòng này có năm nhà sư gia đang ngồi xếp bằng. vị nào cũng mặc áo cà sa đai hồng nhắm mắt nhập định.
Trong năm vị lão tăng này thì có ba vị bữa trước đến hỏi thăm bịnh tình Ba La Tinh, gã biết mặt rồi. Ba nhà sư này đều lả những vị cao tăng bản tự giử chức phận rất trọng đại.
Năm vị cao tăng ngồi xung quanh chiếu.
Chiếu đã lật lên thì cái hầm lộ ra Ba La Tinh hiện không ở đây.
Du Thản Chi chắc là hiện giờ lão đang đi lấy trộm sách. Ðây là lần đầu hành vi của lão bị phát giác, rồi bị bắt nữa cũng chưa biết chừng.
Lúc Du Thản Chi để ý nhìn lại năm vị lão tăng thì ai cũng để tay phải lên trước ngực nhưng không phải để lần tràng hạt, mà xoay lòng bàn tay hướng vào đúng cửa hầm do Ba La Tinh đã đào ra.
Gã đối với vị Hồ tăng này tuy không có tình nghĩa gì nhưng từ lúc được phái đến hầu hạ lão, gã không bị hành hạ đánh đập nữa, nên chỉ mong được hầu lão lâu dài cho đỡ thân mà thôi. Bây giờ gã thấy xảy ra vụ này, trong lòng không khỏi băn khoăn và ngấm ngầm lo cho lão.
Ðột nhiên năm vị lão tăng đồng thời phất tay áo một cái đèn đuốc trong nhà bị luồng chưởng phong thổi tắt đi, tối sầm lại, nhưng rồi ngọn lửa lại bùng sáng lên ngay.
Du Thản Chi hoa mắt lên, nhìn lại thì thấy trong nhà thêm một người nữa chính là Ba La Tinh ở dưới đường hầm chui lên.
Vị Hồ tăng tay cầm ba quyển sách vừa nhìn thấy năm vị lão tăng ngồi giữ canh miệng hầm bất giác giật mình đánh thót một cái.
Năm lão tăng đồng thanh cất tiếng niệm:
- A Di Ðà Phật!
Tay phải từ từ vươn ra, năm tay áo nhà tu mầu đỏ phồng lên khác nào năm cái buồm nhỏ.
Ba La Tinh nhào đi một cái, lộn đầu xuống giơ chân lên.
Hai chân nhà sư ngoáy tít mỗi lúc một nhanh trông thành hình tròn như một trái banh.
Năm vị lão hòa thượng đồng thanh quát lên:
- Ái chà!
Năm chưởng nhất tề phóng ra đánh "binh" một tiếng vang lên không khí bị đè ép quá nặng khiến cho Du Thản Chi không thở được phải ngất đi.
Gã mê man hồi lâu, rồi bên tai văng vẳng ngghe tiếng niệm phật. Gã lần lần tỉnh lại định thần, mở mắt nhìn qua khe vách ván thì thấy Ba La Tinh cũng ngồi xếp bằng tuớng mạo rất nghiêm trang.
Năm vị lão hòa thượng ngồi xung quanh nhà sư người Hồ.
Cả sáu vị đang niệm kinh.
Du Thản Chi nghe không hiểu câu nào, song tựa hồ hai bên đã hòa giải xong.
Sáu vị sư tụng kinh hồi lâu rồi năm vị lão tăng đứng dậy chắp tay.
Nhà sư già nhỏ bé gầy gò lên tiếng:
- Ba LaTinh sư huynh! Từ đây sắp tới sư huynh cứ việc đi vào Tàng Kinh Lâu và muốn đọc sách gì tùy ý, bất tất phải lén vào trộm nữa.
Ba La Tinh ngẩng đầu lên, vẻ mặt nghi ngờ, ngây ngây người ra một lúc rồi hỏi:
- Trong một thời gian bao nhiêu?
Nhà sư gầy đáp:
- Vĩnh viễn không kỳ hạn nào, tức là cho đến ngày sư huynh viên tịch thì thôi.
Ba La Tinh hỏi:
- Ý các vị muốn bức bách ta phải tự thiêu chăng?
Nhà sư già đáp:
- A Di Ðà Phật! Sao sư huynh lại nói thế? Sư huuynh từ bên Thiên Trúc là một thượng quốc đến đây chiếu cố tới Trung Thổ chúng tôi. Chúng tôi một lòng thành kính còn chưa đủ, khi nào dám vô lễ?
Ba La Tinh hỏi:
- Chúng ta đều là đệ tử nhà Phật, bất luận việc gì xin nói rõ ra. Trong Tàng Kinh quí tự đây có đầy đủ cả kinh bên tệ quốc.
Mấy trăm năm nay, tệ quốc trãi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh loạn lạc, kinh sách mât mát rất nhiều, vì thế mà phải qua bên quý quốc để tìm kiếm. Cửa Phật là cửa từ bi quảng đại, cớ sao tự lại hẹp hòi như vậy?
Nhà sư gầy đáp:
- A Di Ðà Phật! Nếu sư huynh tìm những loại kinh điển cứu nhân độ thế của nhà Phật thì tệ tự quyết không dám giữ làm bí mật. Trước kia tệ tự đã lấy ờ bên Thượng quốc, bây giờ trả về Thượng quốc thì đó là một việc hợp tình hợp lý. Có điều sư huynh lại muốn lấy coi những sách bí mật về võ học của riêng bản tự nên chúng tôi dám để sư huynh tự tiện mà thôi. Những kinh sách về võ học tuy nguồn gốc cũng xuất phát từ thượng quốc, song mấy trăm năm nay những bậc cao tăng bên tệ tự đã chỉnh đốn lại và tăng bổ rất nhiều. Vậy đúng lý ra sư huynh chẳng nên lấy xem.
Ba La Tinh nói:
- Ðại sư vừa biểu từ nay sắp tới cho bần tăng được tự do ra vào Tàng Kinh lâu và tự ý muốn xem kinh sách gì cũng được sao bây giờ lại đổi giọng?
Nhà sư gầy nói:
- Không dám! Ðó là bản ý của tệ tự.
Ba La Tinh nói:
- Các vị đừng nói quanh quẩn nữa, muốn xử trí với bần tăng cách nào xin nói toạc ra.
Nhà sư gầy nói:
- Bên tệ tự suốt từ trên xuống đều kính ngưỡng Phật pháp cao thâm của sư huynh, có ý muốn mời sư huynh ở lại Trung Nguyên giúp tệ tự phổ biến nghĩa Phật, tế độ chúng sinh.
Ba La Tinh run người lên, mặt xám ngắt:
- Ðại sư... Ðại sư nói vậy là có ý... định giữ luôn bản tăng ở đây, vĩnh viễn không cho cho trở về cố hương nữa phải không?
Nhà sư gầy nói:
- Ðối với các vị đại đức bên thượng quốc, tệ tự đâu dám vô lễ? Chỉ thành khẩn xin người lưu lại mong rằng sư huynh ưng thuận lời thỉnh cầu đó.
Nói xong cúi đầu chắp tay thi lễ rồi đi ra.
Bốn nhà sư kia cũng theo gót ra luôn.
Ba La Tinh dàu dàu nét mặt. Biết rằng mấy nhà sư nọ nói vậy là cố ý giam giữ mình suốt đời ở Thiếu Lâm, rồi tha hồ muốn xem bao nhiêu kinh sách thì xem, nhưng không được về Thiên Trúc. Thế thì dù có đọc hết kinh sách trong Tàng Kinh Lâu chùa Thiếu lâm, bao nhiêu bí lục có đọc trơn làu làu, cũng chẳng ích gì.
Lão nghị vậy tức mình lẩm bẩm luôn mồn:
- Giả dối! Thật là quân giả dối! Rõ ràng giam cầm mình ở đây mà mở miệng vẫn nói nhân nghĩa là khẩn cầu mình lưu lại và xin mình đừng phụ lời khẩn cầu đó. Thế là họ đẩy mình vào đất không có lối thoát. Lão càng nghĩ càng bực tức khó chịu, bất giác vung tay lên đánh đầu cồm cộp.
Sở dĩ Ba La Tinh giả vờ mắc trọng bệnh là để đánh lừa các sãi chùa Thiếu Lâm không để ý đề phòng lão cho tiện việc lão lén vào tàng kinh xem sách trộm. Lão vốn là người có trí nhớ khác thường nên vâng lệnh sư phư đến chùa Thiếu Lâm để xem kinh sách. Theo mệnh lệnh của sư phụ thì lão phải học thuộc kỹ rồi về Thiên Trúc đọc lại cho người ghi chép. Không ngờ lúc lão lấy trộm kinh sách để lộ hành tích thành hỏng việc.
Ít lâu nay Ba La Tinh suốt ngày quay mặt vào tường đọc kinh khổ công ghi nhớ đã thuộc được hơn ba mươi bộ, nào ngờ sơ hở một chút đến nỗi cơ mưu bại lộ, bị các nhà sư chùa Thiếu Lâm khám phá ra. Mấy nhà sư này không làm khó dễ gì cho lão, dò xét biết được dụng ý của lão thì không cho lão về nước mà thôi.
Ba La Tinh buồn rầu vô hạn.
Suốt đêm hôm ấy từ chập tối cho đến sáng lão hết thở ngắn than dài thở ngắn lại gắt gỏng Du Thản Chi khiến gã băn khoăn lo lắng.
Qua mấy ngày như vậy, Ba La Tinh quả nhiên phát bệnh thực sự thỉnh thoảng mắt lão trợn ngược lên đăm đăm nhìn về phí trời Tây.
Du Thản Chi trông thấy mà phát khiếp.
Một hôm Du Thản Chi đưa cơm cho Ba La Tinh.
Lão giơ tay ra cầm lấy nắm cơm toan bỏ vào miệng ăn.
Ðột nhiên mặt lão thoáng lộ vẻ vui tươi lẩm bẩm một mình:
- Ðược rồi! Ðược rồi!
Lão ăn vội ăn vàng cho xong rồi nắm lấy tay Du Thản Chi nói:
- Ta dạy ngươi một đoạn sách, rồi ngươi nhớ đọc lại nhé. Nhưng ngươi phải nhớ kỹ rằng đừng tiết lộ cho những nhà sư trong chúa này biết, ngươi làm được chứ?
Du Thản Chi không hiểu ý lão hỏi lại:
- Ðoạn sách gì?
Ba La Tinh nói:
- Ngươi phải hứa hẹn với ta là quyết giữ kín không nói với ai.
Du Thản Chi từ khi ở nước Liêu bị hành hạ cực kỳ khổ sở, sau ai bảo làm sao, y nghe vậy, không hề dám trái ý ai cả.
Bây giờ La Tinh nói vậy, gã gật đầu đáp ngay:
- Sư phụ đã dặn thế, tiểu nhân quyết không dám nói với ai.
Ba La Tinh trầm ngâm một lát rồi nói:
- Còn môt việc nữa là mỗi ngày ta đánh ngươi một trận, đánh cho thịt đổ máu rơi. Ðó là khổ nhục kế khiến người ngoài trông thấy khỏi nghi ngờ ta đồng tình với ngươi. Ngươi đừng tiết lộ với ai nghe.
Du Thản Chi ngần ngừ một lát rồi hỏi lại:
- Tiểu nhân không làm điều gì lầm lỡ sao sư phụ lại đánh đòn?
Ba La Tinh mắt toé hào quang hung dữ nói:
- Mi không nghe ta thì liệu hồn đó!
Lão giơ bàn tay đập xuống đánh "binh" một cái, những mảnh gạch run bắn lên tung toé, vết bàn tay lão in sâu vào viên gạch.
Lão nói:
- Mi quay đầu lại đây cho ta đánh chưởng!
Du Thản Chi cả kinh nói:
- Ðầu tiểu nhân không chịu nổi ba chưởng. Sư phụ... sư phụ có đánh tiểu nhân thì đánh vào mé bên môi.
Ba La Tinh bật cười nói:
- Thôi! Ðây mi nên nhớ lấy! " Hi la cáp tát đắc, ngỏa tư nặc đặc lãng ba, khứ thần, ấn địa, thản lập thốc Tây loại Tư loại Tư nặc sám mả mi phi sâm, đáo ni sơn phu nhi..."
Lão đọc một đoạn dài rồi giục:
- Nào! Mi đọc thử lại ta nghe!
Du Thản Chi nghe tiếng ngoại quốc chẳng hiểu câu gì, không nhớ được nửa chữ.
Gã há hốc miệng ra đọc:
- Hi... Hi... Hi...
Gã chỉ đọc được chữ "hi" rồi không đọc xuống dưới được nữa.
Ba La Tinh cả giận đưa tay đẩy ngực gã một cái.
Du Thản Chi ngã ngửa người ra va vào tường đánh "binh" một cái. Gã đau quá suýt ngất đi.
Ba La Tinh vừa giận vừa càu nhàu:
- Thằng lỏi con! Ta dạy mi chẳng nhớ được chữ gì, mi không chịu để ý mà nghe phải không?
Du Thản Chi xoa lưng nói:
- Tiểu nhân... Tiểu nhân không hiểu sư phụ nói gì, chỉ thấy lí la lí lô con sao hiểu được?
Ba La Tinh suy nghĩ rồi nói:
- Ừ mi nói cũng có lý! Mi không hiểu ta nói gì tất nhiên mi không thể nhớ được, vậy bây giờ ta dạy mi.
Nói xong lão đập tan đống đất khô rãi lên lên mặt đất, rồi lão lấy ngón tay vạch ba chữ ngòng ngoào, nói:
- A Bối nhỉ! Mi đọc đi! A Bối nhỉ, A Bối nhỉ...
Du Thản Chi đọc theo lão:
- A Bối nhỉ! A Bối nhỉ.
Ba La Tinh cả mừng lại dạy gã thêm ba chữ nữa.
Du Thản Chi đọc xong hỏi:
- Thế thì nghĩa gì?
Ba La Tinh nói:
- Ðó là những chữ cái không có nghĩa gì hết. Mi đọc nữa đi.
Lão lại dạy ba chữ cái khác. Nhưng lúc quay lại hỏi ba chữ đầu "a Bối nhỉ" thì Du Thản Chi quên sạch mất rồi.
Ba La Tinh tức quá lão xách ngược Du Thản chi lắc đi lắc lại, thiếu điều gã phải hộc cơm ra, lão càu nhàu nói:
- Ta gặp phải thằng ngu xuẩn này thật là vô phước mất rồi. Mi dốt nát thế này ba mươi sáu bộ kinh sách thì đến đời kiếp nào cho xong?
"Uỳnh" một tiếng, lão xách Du Thản Chi liệng ra ngoài cửa.
Du Thản Chi nằm sóng sượt dưới đất thi gan không dậy nữa.
Ba La Tinh tưởng mình liệng gã chết rồi, sợ quá bồng y vào trong nhà, tìm lời ngon ngọt dỗ dành gã hồi lâu, rồi lại bắt đầu dạy gã nhận mặt chữ.
Du Thản Chi sợ Ba La Tinh đánh đập phải cố công ghi nhớ.
Nhưng chữ Phạn nước Thiên Trúc có chữ như con nòng nọc, có chữ giống con giun.
Tóm lại chẳng có lề lối văn tự nào hết.
Du Thản Chi học chữ trên lại quên chữ dưới, chữ cuối lại quên chữ đầu.
Thành ra một thầy trò hai người cùng kêu khổ om sòm.

Truyện Lục Mạch Thần Kiếm Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160(hết)