Tiếng gầm rít của những đội hình máy bay khổng lồ vang lên tưởng rách màng nhĩ. Xung quanh các căn cứ tàu lượn của quân Anh tại Oxfordshire và Gloucestershire, ngựa và gia súc phát hoảng chạy lồng lên trên đồng. Ở vùng nam và đông Anh, hàng ngàn người ngỡ ngàng theo dõi. Tại một số làng và thành phố, đường xá đông nghịt, giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Những hành khách trên các chuyến tàu hỏa chen nhau ngó qua khung cửa sổ toa. Khắp nơi mọi người há hốc mồm ngỡ ngàng trước một cảnh tượng chưa ai từng được chứng kiến trước đó. Lực lượng đổ bộ đường không lớn nhất trong lịch sử đang rời mặt đất hướng tới mục tiêu. Một cách tình cờ, vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời 17/9/1944, khắp nơi trên nước Anh diễn ra lễ cầu nguyện đặc biệt để tưởng nhớ "những người can trường ít ỏi", những phi công RAF đã dũng cảm thách thức Luftwaffe của Hitler 4 năm trước và khiến chúng phải chùn bước. Trong khi những người tham dự đang quỳ xuống cầu nguyện, tiếng cánh quạt động cơ vang lên không dứt đã hoàn toàn che lấp đi tiếng cầu kinh ở nhiều nơi. Tại nhà thờ lớn Westminster ở London, không ai nghe thấy tiếng đàn organ trầm hùng phát lên bản Magnificat. Từng nhóm người lần lượt rời bục cầu nguyện ra nhập vào đám đông đã tụ tập lại trên các đường phố. Tại đó, người London ngửa mặt nhìn lên trời, hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh hết phi đội này đến phi đội khác bay qua đầu họ ở độ cao thấp. Ở phía bắc London, một ban nhạc nhà thờ đã chào thua bỏ cuộc trước tiếng động, nhưng một người đánh trống, mắt nhìn như dán lên trời, gõ những tiếng trống đầy ý nghĩa: ba ngắn một dài - theo mã Morse là chữ V tượng trưng cho Victory (chiến thắng). Với những người đang nhìn lên trời, bản chất của cuộc tấn công được bộc lộ hoàn toàn qua những đoàn dài máy bay kéo tàu lượn. Nhưng phải đến hơn 6 giờ sau người Anh mới chính thức được biết họ đã được chứng kiến pha mở màn của cuộc tấn công đổ bộ đường không quy mô lớn nhất đã từng được thực hiện. Một nhân viên Chữ thập đỏ, Angela Hawkings, có lẽ đã thuật lại chính xác nhất phản ứng của những người đã nhìn thấy không đoàn khổng lồ đó bay qua. Từ cửa sổ một toa tàu, cô nhìn lên trời, kinh ngạc, trong lúc hết đợt này đến đợt khác máy bay bay qua "như một trận mưa sao chổi vậy". Cô cũng tin tưởng rằng "cuộc tấn công này, cho dù hướng vào đâu, hẳn sẽ chấm dứt chiến tranh". Binh lính của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng bất ngờ chẳng kém gì dân chúng về cảnh tượng hùng vĩ của cuộc xuất phát của chính họ. Lính nhảy dù, lính đổ bộ bằng tàu lượn và các phi công lên đường bay tới Hà Lan choáng ngợp trước quy mô và sự vĩ đại của lực lượng máy bay. Đại úy Arie D.Bestebreurtje, một sĩ quan Hà lan phối thuộc sư đoàn 82, nghĩ rằng cảnh tượng đó là "không thể tin nổi. Có lẽ tất cả máy bay mà Đồng minh có đều tham gia vào chiến dịch này". Trên thực tế, khoảng 4700 máy bay đã được huy động - số lượng lớn nhất đã từng được dùng cho một cuộc đổ quân duy nhất. Chiến dịch đã bắt đầu lúc rạng sáng và tiếp tục trong suốt buổi sáng. Đầu tiên, hơn 1400 máy bay ném bom Đồng minh cất cánh từ các sân bay ở Anh oanh tạc các trận địa phòng không Đức và các khu tập trung lực lượng địch tại khu quyết chiến của Market Garden. Sau đó, vào lúc 9 giờ 45 phút và kéo dài trong suốt 2 giờ 15 phút nữa, 2023 máy bay chở lính, tàu lượn và máy bay kéo chúng phủ kín bầu trời sau khi cất cánh lên tử 24 căn cứ của Anh và Mỹ. Máy bay C47 chở lính dù bay thành đội hình 45 chiếc. Một số C47 khác cùng các máy bay ném bom của Anh - những chiếc Halifax, Stirling và Albermarle - kéo theo 478 tàu lượn. Trong đoàn lữ hành trên không tưởng chừng dài vô tận này, những chiễc tàu lượn chở lính và khí tài nặng được kéo theo sau máy bay bằng những sợi cáp dài 300 bộ. Xen giữa những chiếc Horsa và Waco nhỏ hơn là những chiếc Hamilcar to lớn, mỗi chiếc có thể chứa được 8 tấn hàng; chúng có thể mang được 1 xe tăng hạng nhẹ hay 2 xe tải 3 tấn cùng pháo binh hay đạn. Bay phía trên, phía dưới và hai bên sườn để bảo vệ đoàn lữ hành này là gần 1500 máy bay tiêm kích và máy bay khu trục đồng minh - những chiếc Spitfire, những chiếc phóng pháo Typhoonm Tempest và Mosquito của Anh; những chiếc Thunderboltm Lightning, Mustang của Mỹ và máy bay ném bom bổ nhào ở độ cao thấp. Có nhiều máy bay trên không đến mức đại úy Neil Sweeney thuộc sư đoàn không vận 101 nhớ lại “dường như chúng tôi có thể bước chuyền lên các cánh máy bay để tiến thẳng tới Hà Lan”. Lực lượng đổ bộ bằng tàu lượn của Anh là những người đầu tiên cất cánh. Ở xa hơn về phía bắc trong hành lang của Market Garden so với lực lượng Mỹ và với những yêu cầu tác chiến khác biệt, tướng Urquhart cần tối đa người, khí tài và pháo binh - nhất là súng chống tăng – trong đợt đổ bộ đầu tiên, để đánh chiếm và giữ vững các mục tiêu của mình trước khi lực lượng mặt đất kịp đến hội quân. Do đó, phần lớn sư đoàn của ông được chuyển đi bằng tàu lượn; 320 chiếc tàu lượn chở binh lính, khí tài cho lữ đoàn đổ bộ đường không số 1 của thượng tá Philip “Pips” Hicks. Chúng dự kiến sẽ đáp xuống các bãi đổ quân ở phía tây Arnhem vào lúc gần 1 giờ chiều. Nửa tiếng sau đó, lữ đoàn nhảy dù số 1 của thượng tá Gerald Lathbury, đi trên 145 máy bay chở quân, sẽ bắt đầu nhảy dù. Vì các tàu lượn và máy bay kéo phải bay chậm hơn – 120 dặm/giờ so với 140 của máy bay chở lính dù- đoàn lữ hành khổng lồ trên trời này cần phải được cất cánh trước tiên. Từ 8 căn cứ ở Gloucestershire và Oxfordshire, tàu lượn và máy bay kéo chạy theo đường băng và cất cánh với cường độ chưa từng được thử trước đó: một cuộc cất cánh trong mỗi phút. Việc tập hợp đội hình trên không đặc biệt khó khăn và nguy hiểm. Từ từ tăng độ cao, các máy bay hướng về phía tay tới eo biển Anh. Sau đó, đồng nhất tốc độ, máy bay kéo và tàu lượn rẽ phải theo từng cặp, quay trở lại, bay qua căn cứ xuất phát hướng tới các điểm tập hợp nằm trên không phận thành phố Hatfield ở phía bắc London. Trong khi những tốp tàu lượn đầu tiên của lực lượng Anh đang tập hợp trên không phận eo biển Anh, 12 máy bay ném bom Stirling của Anh và 6 chiếc C47 của Mỹ bắt đầu cất cánh vào lúc 10 giờ 25 hướng tới Hà Lan. Trên những máy bay này là lực lượng dò đường Anh và Mỹ - những người sẽ tiếp đất đầu tiên để đánh dấu các bãi đổ quân cho lực lượng Market. Cùng lúc, lực lượng cúa sư đoàn đổ bộ đường không 82 của Mỹ và các đơn vị nhảy dù của sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh cũng rời căn cứ ở Grantham, Lincolnshire trên 625 máy bay chở quân và 50 tàu lượn được những chiếc C47 kéo. Với sự chính xác đến kinh ngạc, các máy bay của không đoàn vận tải số 9 rời mặt đất chiếc nọ cách chiếc kia từ 5 đến 20 giây. Hết tốp này đến tốp khác, chúng tập hợp lại trên không phận March, Cambridgeshire, và từ nơi này chia thành ba hàng song song bay cắt qua bờ biển tại Aldeburgh. Vào đúng lúc đó, từ các sân bay ở phía nam nằm quanh Greenham Common, sư đoàn 101 cất cánh trên 424 chiếc C47, cộng thêm 70 tàu lượn và máy bay kéo. Tập hợp lại, lực lượng này đi qua điểm kiểm soát không lưu tại Hatfield và bay về phía đông cắt qua bờ biển tại vịnh Bradwell. Tạo thành từng cột hàng ba, bề rộng đến 10 dặm và dài xấp xỉ 100 dặm, không đoàn khổng lồ bay qua đồng quê nước Anh. Sư đoàn 82 của Mỹ và sư đoàn 1 của Anh, tiến tới Nijmegen và Arnhem, bay theo hành lang phía bắc. Một phi đội đặc biệt gồm 38 chiếc tàu lượn chở bộ tư lệnh quân đoàn của tướng Browning đi cùng với họ. Về phía nam, bay qua vịnh Bradwell, sư đoàn 101 hướng tới các bãi đổ quân của họ ở phía bắc Eindhoven. Tới 11 giờ 55, toàn bộ lực lượng đổ bộ - gồm hơn 20000 người, 511 xe, 330 khẩu pháo và 590 tấn quân cụ -đã rời mặt đất. Trung uý James J.Coyle thuộc sư đoàn 82, nhìn xuống đồng quê nước Anh từ độ cao 1500 bộ, nhìn thấy các nữ tu đang vẫy tay dưới sân một tu viện. Anh này nghĩ “ngày hôm đó thật đẹp và các nữ tu tạo ra một cảnh tượng đẹp như một bức tranh sơn dầu vậy”. Vừa vẫy tay lại, anh vừa tự hỏi “liệu họ có thể biêt chúng tôi là ai và đang đi đâu không.” Với phần lớn lực lượng đổ bộ, tâm trạng lúc khởi đầu cuộc hành trình, lướt trên không phận nước Anh, đều rất phấn chấn. Theo binh nhì Roy Edward thuộc lữ đoàn nhảy dù số 1, “tất cả đều yên ả như thể đi trên xe bus ra bờ biển vậy”. Binh nhì A.G.Warrender nhớ rằng “đó là một ngày Chủ nhật hoàn hảo, một buổi sáng để đi dạo dọc một con đường quê và làm một vại bia tại quán địa phương”. Chỉ huy lữ đoàn tàu lượn, đại tá George S.Chatterton, đang cầm lái chiếc tàu lượn chở tướng Browning, mô tả ngày Chủ nhật như là “một ngày rất đẹp trời. Khó có thể tin là chúng tôi đang cất cánh hướng tới một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử”. Chatterton thực sự bị ấn tượng trước tuỳ tùng và trang bị của Browning. Đi cùng viên tướng là cần vụ, sĩ quan quân y của bộ tư lệnh, đầu bếp, cũng như chiếc lều và chiếc xe jeep cá nhân của ông. Browning ngồi trên một két bia Worthington rỗng kê giữa viên phi công và phụ lái, và Chatterton nhận thấy ông này “ăn mặc rất chỉnh tề trong bộ đồ trận Barathea, với một chiếc thắt lưng Sam Browne bóng nhoáng, quần là chết li, đôi giày da sáng loàng như gương, một cây can và đôi găng tay màu xám sạch tinh tươm”. Tư lệnh, theo lời kể của Chatterton, “trông rất bảnh, vì ông ta ý thức được mình đã đạt tới một trong những đỉnh cao binh nghiệp của mình. Tâm trạng của ông rất vui vẻ hào hứng”. Trong một chiếc tàu lượn khác, một người Scotland trầm tính với nhiệm vụ khó khăn nhất của Market Garden đặt trên hai vai, tướng Roy Urquhart của sư đoàn đổ bộ đường không số 1, nghĩ rằng “khó mà không cảm thấy phấn khích khi mà cuối cùng chúng tôi cũng đang trên đường ra trận”. Thế nhưng suy nghĩ của viên tướng rất được lòng thuộc cấp, như mọi khi, đang để cả vào bính lính của ông và nhiệm vụ đang chờ đợi phía trước. Giống như Browning, ông cũng có một toán tuỳ tùng. Lúc này, nhìn dọc theo khoang chiếc tàu lượn Horsa- trên đó có mặt trợ lý Roberts của ông cùng cần vụ Hancock, cha G.A.Pare, linh mục tuyên uý của lữ đoàn tàu lượn, một hiệu thính viên, hai quân cảnh cùng môtô của họ, và chiếc xe jeep của sư trưởng – Urquhart chợt cảm thấy chạnh lòng. Ông nghĩ tới những người lính dù của mình, trĩu người xuống dưới sức nặng của balô, súng đạn đang phải chen chúc trong những chiếc máy bay vận tải hạng nặng. Urquhart chỉ mang theo một chiếc balô nhẹ, hai quả lựu đạn cầm tay, một túi bản đồ và một sổ tay. Ông thấy áy náy trước sự tiện nghi được dành cho mình. Gần như ngay trước khi cất cánh Urquhart đã được báo cáo lại một quyết định khó khăn. Vài giờ trước khi lên đường, tham mưu trưởng của ông, đại tá Charles Mackenzie, nhận được một cú điện thoại từ một sĩ quan không quân Mỹ cao cấp. Liệu có cần ném bom nhà thương điên tại Wolfheze không? Viên sĩ quan Mỹ, Mackenzie báo cáo lại, “muốn có sự xác nhận của chính Urquhart rằng tại đó có mặt quân Đức chứ không phải bệnh nhân tâm thần; nếu không người Mỹ sẽ không chấp nhận trách nhiệm”. Nhà thương điên này nằm gần điểm tập kết của sư đoàn đến mức nguy hiểm, và ban tham mưu của Urquhart tin rằng quân Đức đang đóng giữ ở đó. Mackenzie đã nhận trách nhiệm. “Vậy thì anh sẽ lấy đầu ra mà đảm bảo,” viên sĩ quan Mỹ trả lời. Urquhart tán đồng hành động của viên tham mưu trưởng của ông. “Tôi muốn được chuẩn bị tốt nhất có thể và làm tất cả vì điều đó”, ông nhớ lại. Khi Mackenzie chuẩn bị rời sở chỉ huy lên tàu lượn của mình, Urquhart đã kéo ông này ra gặp riêng. “Này, Charles,” ông nói với Mackenzie, “nếu có gì xảy ra với tôi thứ tự nắm quyền thay thế chỉ huy sư đoàn sẽ như sau: đầu tiên là Lathbury, sau đó là Hicks rồi đến Hackett”.Lựa chọn của Urquhart dựa trên kinh nghiệm. “Ai cũng biết Lathbury là phó của tôi,” sau này ông nhớ lại. “Hackett cấp bậc cao hơn Hicks, nhưng lại trẻ hơn nhiều và tôi tin chắc rằng Hicks có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chỉ huy tác chiến trên mặt đất. Quyết định của tôi không hề do định kiến về khả năng chỉ huy của Hackett”. Có lẽ, Urquhart nhìn nhận lại, đáng ra ông phải thông báo cho từng tư lệnh lữ đoàn về quyết định của mình sớm hơn, nhưng ông “thực sự coi chuyện này hoàn toàn chỉ có tính thủ tục”. Khả năng sư đoàn mất cả Urquhart và Lathbury thật xa vời. Giờ đây, tất cả quyết định đều đã được đưa ra, Urquhart lơ đãng nhìn “các phi đội tiêm kích lướt qua bên đoàn tàu lượn”. Đây là chuyến bay tác chiến đầu tiên của ông trên tàu lượn và trước khi cất cánh ông đã uống hai viên thuốc chống say. Cổ họng ông khô khốc và nuốt rất khó. Ông cũng ý thức được rằng “Hancock, cần vụ của tôi, đang quan sát tôi, vẻ mặt rất quan tâm. Cũng như những người khác, anh ta đã chuẩn bị tinh thần là tôi sẽ bị say máy bay”. Urquhart không cảm thấy khó chịu. “Chúng tôi đang ở trong cả một đoàn máy bay khổng lồ và tôi bị thu hút cả vào cảnh tượng xung quanh. Chúng tôi đã trong cuộc. Chúng tôi có một kế hoạch tốt. Tôi vẫn ước giá có thể tới được gần cầu hơn, nhưng tôi không quá lo ngại về chuyện này”. Bất chấp hiệu quả của việc điều vận cho đoàn máy bay khổng lồ, trục trặc xảy ra hầu như ngay lập tức. Ngay trước khi cất cánh, cánh của một tàu lượn đã bị cánh quạt động cơ của một chiếc Stirling chém cụt. Không ai bị thương. Khi chiếc tàu lượn chở trung uý Alan Harvey Cox thuộc lữ đoàn đổ bộ lao lên không trung, nó đã gặp rắc rối. Mây thấp đã cản trở tầm nhìn của phi công khiến anh này không thể lái thẳng hàng với đuôi của máy bay kéo. Chiếc tàu lượn đi theo một hướng, máy bay kéo theo hướng khác, dây kéo có nguy cơ cuốn lấy cánh chiếc tàu lượn và làm nó bị lật. Không thể lái trở lại hướng của máy bay kéo, phi công của chiếc tàu lượn đành vớ lấy cần nhả cán đỏ để tách khỏi máy bay. Chiếc tàu lượn của Cox hạ cánh bình yên xuống một cánh đồng ở Sanford-on-Thames. Một sự kiện lạ lùng hơn xảy ra với chiếc C47 chở binh lính của sư đoàn 82, những người này ngồi đối diện nhau dọc hai bên thành khoang máy bay. Năm phút sau khi cất cánh, hạ sĩ Jack Bommer trông thấy “cửa khoang hành lý nằm ngay phía sau những người đối diện tôi bật mở”. Luồng không khí suýt nữa đã hút tuột những người lính qua khung cửa ra ngoài không trung. Trong lúc tất cả cố tuyệt vọng cự lại, Bommer nhớ lại, “viên phi công đã làm một cú lắc đuôi ngoạn mục và cửa khoang đóng sập lại”. Hạ sĩ Sydney Nunn, người đã mong mỏi được rời khỏi căn cứ của mình gần Keevil cũng như đám rệp trong đệm đến thế, lúc này cảm thấy thật may mắn khi vẫn còn sống sót. Sau hơn một tiếng đồng hồ bay bình yên vô sự, chiếc tàu lượn chở anh này bay vào vùng mây dày. Chui ra khỏi mây, viên phi công lái tàu lượn phát hiện ra sợi cáp kéo đã bị quấn vào cánh tàu lượn. Nunn nghe thấy viên phi công hét lớn vào bộ đàm liên lạc với máy bay kéo, “Tôi đang gặp rắc rối! Tôi đang gặp rắc rối!”. Sau đó, anh ta tách khỏi máy bay kéo. “Chúng tôi có cảm giác mình đột nhiên đứng sững lại trên không,” Nunn nhớ lại. “Sau đó chiếc tàu lượn chúi mũi xuống và chúng tôi lạng về phía đông với sợi cáp kéo vẫn quấn vào cánh như một chiếc diều đứt dây”. Nunn ngôi yên “cứng người vì kinh hãi”, nghe tiếng gió rít dọc thân tàu lượn, “hy vọng rằng những sợi xích chằng chiếc xe jeep chở trên tàu lượn không bị tung ra”. Sau đó anh này nghe thấy viên phi công cảnh cáo họ “Co chân lên, các chàng trai. Chúng ta tới đất rồi”. Chiếc tàu lượn chạm đất, nảy lên, chạm xuống đất lần nữa, rồi từ tử dừng lại. Trong sự im lặng đột ngột bao trùm xung quanh, Nunn nghe tay phi công hỏi “Các chàng trai, ổn cả chứ?” Tất cả đều ổn, và họ phải quay về Keevil để bay vào đợt đổ quân thứ hai trong ngày 18/9. Có những người không được may mắn như vậy. Bi kịch đã xảy ra với một chiếc tàu lượn trên không phận Wiltshire. Thượng sĩ RAF Walter Simpson, ngồi trên ụ súng bọc thuỷ tinh hữu cơ của một chiếc máy bay ném bom Stirling, đang quan sát chiếc tàu lượn Horsa được kéo phía sau. Bất thình hình, “chiếc tàu lượn có vẻ như bị tách đôi ra ở phần giữa; như thể phần đuôi đột nhiên gãy rời ra”. Kinh hoàng, Simpson gọi cơ trưởng, “Chúa ơi, tàu lượn gãy làm đôi rồi!” Chiếc cáp kéo rời ra và phần đầu chiếc tàu lượn rơi “như một hòn đá xuống đất”. Chiếc Stirling tách khỏi đội hình, từ từ hạ độ cao, vòng lại để định vị nơi chiếc tàu lượn rơi xuống. Phần đầu rơi xuống một cánh đồng. Phần đuôi không thấy đâu cả. Xác định được địa điểm, phi hành đoàn chiếc máy bay ném bom quay về Keevil rồi phóng xe jeep tới hiện trường. Tại đó, Simpson nhìn thấy một cảnh tượng như thể “một hộp diêm bị dẫm bẹp”. Các thi thể kẹt lại bên trong tàu lượn. Simpson không tài nào ước tính được có bao nhiêu người hy sinh – “tất cả chỉ còn là một đống chân, tay, và thân người”. Vào thời điểm những phi đội cuối cùng tới bờ biển nước Anh - đội hình cánh bắc bay qua điểm kiểm soát tại Aldeburgh, cánh nam bay qua vịnh Bradwell – 30 tàu lượn chở quân và trang bị đã bị rơi hoặc phải hạ cánh. Máy bay kéo bị hỏng động cơ, cáp kéo bị đứt, và, trong vài trường hợp mây dày đã gây ra trục trặc. Cho dù trên tiêu chuẩn quân sự chiến dịch đã bắt đầu rất thành công - tổn thất rất ít, và rất nhiều người và khí tài phải hạ cánh bắt buộc đã có thể tiếp tục bay vào các đợt chuyển quân sau – nhưng những tổn thất rõ ràng là gây ảnh hưởng đến chiến dịch. Trong ngày quyết định này, khi mà từng người, từng chiếc xe, từ đơn vị khí tài đều quan trọng với tướng Urquhart, 23 tàu lượn thuộc đơn vị của ông đã không tới được mục tiêu. Phải tới khi đã đến bãi đổ bộ các sĩ quan chỉ huy mới phát hiện ra những mất mát này nghiêm trọng đến mức nào.