Patton có vẻ bất bình trước lệnh này. Lúc này ông tin chắc rằng, chỉ cần được cung cấp hậu cần đầy đủ, đạo quân số 3 hùng mạnh của ông có thể một mình tiến tới vùng công nghiệp Saar rồi sau đó chọc thẳng tới sông Rhine.° °Những cuộc họp báo hàng tuần của Patton luôn luôn đầy thông tin quan trọng, nhưng đặc biệt đáng nhớ là những nhận xét ngoài thông báo chính thức của viên tướng này, những nhận xét đó, vì ngôn ngữ đầy màu sắc của ông, chẳng bao giờ có thể đưa lên mặt báo. Vào tuần đầu tiên của tháng Chín đó, với tư cách là phóng viên chíên tranh của London Daily Telegraph, tôi đã có mặt khi, với phong cách quen thuộc của mình, ông diễn giải kế hoạch tấn công quân Đức của mình. Với giọng nói oang oang và vung tay chỉ lên bản đồ, Patton tuyên bố rằng « Có thể có năm ngàn hay mười ngàn gã con hoang Nazi đang rúc trong những hang cáo bằng bê tông của chúng trước mặt đạo quân số 3. Bây giờ, nếu Ike đừng có tiếp tay cho Monty nữa mà cho tôi tiếp tế, tôi sẽ lao vọt qua vòng tuyến Siegfried như phân phọt khỏi một con ngỗng vậy ». Trong bầu không khí chưa từng có tiền lệ với những chiến thắng liên tiếp, Montgomery, với bức điện mật hôm 4/9, lại một lần nữa bướng bỉnh nhấn mạnh quan điểm của mình. Lần này ông còn đi xa hơn đề nghị hôm 17/8 cũng như cuộc hội kiến với Eisenhower hôm 23/8. Tin tưởng rằng quân Đức đã suy sụp, viên tư lệnh cụm quân Anh số 21 cho rằng ông không chỉ có thể tiến được tới Ruhr mà còn có thể thẳng tiến tới chính Berlin. Trong bức điện mật dài tới chín đoạn gửi cho Eisenhower, Montgomery lại một lần nữa đưa ra những lý do đã khiến ông tin tưởng rằng đã tới thời điểm cho « một mũi đột kích toàn lực thực sự mạnh ». Có hai cơ hội chiến lược đang mở ra cho Đồng minh, « một qua vùng Ruhr và một qua Metz và Saar. » Nhưng, ông lý luận, vì « chúng ta không có đủ nguồn lực, hai mũi đột kích như vậy không thể được duy trì ». Vậy chỉ có cơ hội cho một mũi đột kích – mũi đột kích mà ông đề nghị. Mũi đột kích này, theo hướng bắc « qua vùng Ruhr », theo Montgomery, « có cơ hội mang lại kết quả nhanh nhất và tốt nhất ». Để đảm bảo cho thành công của nó, mũi đột kích duy nhất của Monty sẽ cần đến « toàn bộ nguồn hậu cần... một cách vô điều kiện ». Lúc này ông đã có vẻ sốt ruột không muốn cân nhắc tới bất cứ điều gì khác. Ông nhấn mạnh đến giá trị của kế hoạch của chính mình và năng lực của bản thân cũng như niềm tin vào chính mình như là người duy nhất có thể thực hiện nó. Các kế hoạch khác sẽ tiếp tục với lượng hậu cần còn dư lại. Sẽ không có bất cứ thoả hiệp nào, ông cảnh cáo vị tổng tư lệnh. Ông bác bỏ khả năng của hai mũi đột kích, vì « chúng sẽ làm chia sẻ nguồn lực của chúng ta và không mũi đột kích nào được toàn lực » và kết quả là «chíên tranh sẽ kéo dài ». Theo quan điểm của Montgomery, vấn đề này « đã rõ ràng và không cần bàn cãi nữa ». Nhưng thời gian « là yếu tố quan trọng cốt tử... và cần có một quyết định ngay lập tức ». Khô khan và quan cách, viên tướng Anh được nể vì nhất kể từ Wellington bị ám ảnh bởi niềm tin của chính mình. Cân nhắc đến tình hình khó khăn về hậu cần, ông lý luận rằng quan điểm một mũi đột kích của ông lúc này còn đúng đắn hơn so với hai tuần trước. Với cách thức bất di bất dịch của mình – hoàn toàn dửng dưng không quan tâm đến việc liệu giọng điệu ông sử dụng để chuyển tải thông điệp của mình sẽ được đón nhận ra sao – Montgomery không chỉ gợi ý phương thức hành động cho Tổng tư lệnh ; vị thống chế đang áp đặt một chiến lược. Eisenhower cần đình chỉ mọi đạo quân khác trên đà tiến của họ - đặc biệt là đạo quân của Patton - để mọi nguồn lực được tập trung cho cuộc đột kích của ông. Và bức điện số M-160 của là một ví dụ điển hình cho sự cao ngạo của Montgomery. « Nếu ngài tới đây có lẽ ngài sẽ muốn xem qua và bàn về nó, » ông ta gợi ý. « Nếu vậy, rất vui được đón ngài vào bữa trưa ngày mai. Đừng nghĩ rằng tôi có thể rời khỏi chiến trường vào thời điểm như hiện nay. » Ngay cả chuyện những lời kết của ông đã gần như đạt đến mức kênh kiệu cũng không làm Montgomery bận tâm đến trong nỗi lo lắng sẽ để mất cơ hội cuối cùng để kết thúc sớm với bọn Đức. Dai như đỉa, ông này bám khư khư lấy kế hoạch một mũi đột kích của mình. Vì lúc này ông tin chắc ngay cả Eisenhower cũng phải nhận ra đã đến thời điểm ra đòn quyết định cuối cùng. Trong phòng ngủ tại ngôi biệt thự của mình tại Granville bên bờ tây của bán đảo Cherbourg, vị Tổng tư lệnh bực tức không tin nổi vào mắt mình khi đọc bức điện M-160. Viên tướng 55 tuổi Eisenhower cho rằng đề nghị của Montgomery là « phi thực tế » và « hoang tưởng ». Ba lần Montgomery đã giục ông đưa ra ý kiến về kịch bản của một mũi đột kích duy nhất. Eisenhower nghĩ rằng ông đã đặt dấu chấm hết cho những cuộc đôi co về chiến thuật từ hôm 23/8. Thế nhưng lúc này không những Montgomery lại biện hộ cho chiến lược của mình một lần nữa mà ông này còn đang đề nghị đánh thẳng đến Berlin. Bình thường vốn điềm tĩnh, lần này Eisenhower đã mất tự chủ. « Chẳng có ma nào tin rằng việc này có thể thực hiện được, trừ Montgomery », ông ta bực tức bùng nổ trước ban tham mưu của mình. Tại thời điểm đó, trong đầu Eisenhower, vấn đề khẩn cấp nhất là khai thông các cảng bờ biển, đặc biệt là Ăntwerp. Tại sao Montgomery lại không chịu hiểu điều đó? Tổng tư lệnh chẳng phải không nhận ra cơ hội ngon ăn đang hiển hiện trước mắt. Nhưng, như ông đã nói với Phó Tổng tư lệnh, thống chế của không quân hoàng gia Sir Arthur Tedder, cũng như trung tướng Frederick Morgan, trợ lý tham mưu trưởng của SHAEF, việc « Montgomery nói tới chuyện tiến về Berlin với một đạo quân đang phải khó nhọc nhận toàn bộ tiếp tế từ các bãi đổ bộ thật hoang tưởng ». Thông điệp của viên thống chế không thể tới nơi vào một thời điểm tệ hơn. Tổng tư lệnh lúc này đang bị dính chặt vào giường, đầu gối phải bị đau, hậu quả của một vết thương mà Montgomery vẫn chưa biết. Tuy vậy, Eisenhower còn có nhiều lý do hơn thế để phát bẳn. Để lại phần lớn SHAEF ở London, ông đã tới lục địa để đích thân nắm tình hình hôm 1/9, trước đó 4 ngày. Bộ chỉ huy tiền phương nhỏ của ông đóng bản doanh ở Jullouville gần Granville hoàn toàn không đủ người. Vì tốc độ tiến công kinh ngạc của các đạo quân, Eisenhower bị bỏ xa sau mặt trận tới 400 dặm – và tệ hơn là vẫn chưa có điện thoại hay bất cứ phương tiện điện tín nào. Trừ radio và liên lạc chạy chân, ông không thể nào liên hệ trực tiếp được với các tư lệnh ngoài tiền tuyến. Vết thương đã làm tệ thêm những khó khăn gặp phải đã xảy ra sau một chuyến bay thường lệ của ông tới thăm một trong các tư lệnh của mình. Vào ngày 2/9, khi trở về từ một cuộc họp với các tướng lĩnh cao cấp của Mỹ tại Chartres, máy bay của Eisenhower, vì gió mạnh và tầm nhìn hạn chế, đã không thể hạ cánh xuống sân bay tại tổng hành dinh. Thay vào đó, nó đã hạ cánh xuống bãi biển gần biệt thự của ông. Nhưng sau đó, khi cố giúp viên phi công đưa máy bay ra khỏi bờ nước, Eisenhower đã làm trật khớp đầu gối phải của mình. Kết quả là, tại thời điểm bước ngoặt quan trọng này của cuộc chiến, trong vị tổng tư lệnh cố gắng kiểm soát diễn biến chiến sự trên lục địa trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh và các quyết định tức thời là rất cần thiết, Eisenhower lại phải nằm bất động. Cho dù Montgomery – và về quan điểm này, cả Bradley và Patton – có thể cảm thất Eisenhower « không còn nắm bắt được tình hình chiến sự trên lục địa », cảm giác này chỉ đúng về mặt khoảng cách. Bộ tham mưu hỗn hợp Anh -Mỹ rất có năng lực của ông nắm chắc diễn biến chiến trường hàng ngày hơn các tướng lĩnh của ông nghĩ nhiều. Và trong lúc trông đợi sự chủ động và táo bạo từ các tư lệnh chiến trường, chỉ có Tổng tư lệnh và bộ tham mưu của ông có thể quan sát được tình hình toàn cục và đưa ra những quyết định phù hợp. Nhưng cũng đúng là trong giai đoạn chuyển tiếp này, khi Eisenhower đang dần trực tiếp nắm lại quyền chỉ huy, có vẻ đang thiếu một sự chỉ đạo rành mạch, một phần cũng do vai trò phức tập của chức Tổng tư lệnh. Điều kiện chỉ huy khó có thể nói là dễ dàng. Thế nhưng, Eisenhower, trong lúc cố gắng duy trì một sự cân bằng dù rất khó khăn, và thực hiện chính xác các kế hoạch của Bộ tham mưu liên quân, đã giúp hệ thống hoạt động. Vì lợi ích toàn cục của Đồng minh, ông có thể điều chỉnh chiến lược, nhưng Eisenhower không hề có ý định dẹp mọi sự thận trọng sang bên và cho phép Montgomery, như sau này vị Tổng tư lệnh có nói, thực hiện một « mũi đột kích duy nhất như một nhát dao thẳng tới Berlin »° ° Để công bằng với Montgomery, cần nói rõ rằng bản thân ông chưa bao giờ nói câu này. Ý tưởng của ông là tập trung 40 sư đoàn lại với nhau và tiến về Berlin - hiển nhiên là không phải một « nhát dao » - nhưng câu nói này đã bị gán cho ông và theo tôi nghĩ đã ảnh hưởng bất lợi rất nhiều cho ông tại SHAEF trong nhiều cuộc họp bàn về chiến lược tại đó. Tổng tư lệnh đã tỏ ra nhún nhường với Montgomery, nhượng bộ ông này hết lần này tới lần khác, một điều thường làm các tướng lĩnh Mỹ dưới quyền ông bực bội. Thế nhưng, xem ra « Montgomery luôn muốn có tất cả mọi thứ và ông ta chẳng làm điều gì một cách chóng vánh trong đời mình ». Eisenhower có nói rằng ông hiểu rõ về Montgomery hơn là viên thống chế người Anh có thể ngờ. « Hãy nhìn xem, người ta đã nói với tôi về thời trai trẻ của ông ta, » Eisenhower nhớ lại, « và khi bạn có một cuộc ganh đua giữa Eton và Harrow ở một bên, và một số trường ít danh giá hơn ở bên kia, một số thanh niên loại này khi vào quân đội cảm thấy thấp kém hơn. Anh chàng này, trong suốt đời mình, đã luôn cố để chứng minh anh ta là một ai đó. » Tuy vậy, rõ ràng quan điểm của viên thống chế phản ánh niềm tin cuả các thượng cấp người Anh của ông về việc quân Đồng minh cần hành động ra sao. Cho dù có thể hiểu được, sự cao ngạo của Montgomery khi luôn ương ngạnh cứng nhắc về quan điểm như vậy đã làm các viên tư lệnh người Mỹ rất khó chịu. Với tư cách Tổng tư lệnh, được Bộ tổng tham mưu liên quân trao cho quyền lực tuyệt đối, Eisenhower chỉ có một lo lắng thường trực: làm sao để lực lượng Đồng minh hợp tác với nhau và thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng. Cho dù một số thành viên của SHAEF, bao gồm cả rất nhiều người Anh, coi Montgomery là kẻ không thể chịu nổi và nói ra lời như vậy, Eisenhower không bao giờ bình phẩm về ông này trừ lúc chỉ có một mình với Tham mưu trưởng của ông, Bedell Smith. Nhưng, trên thực tế, ác cảm của Tổng tư lệnh với Montgomery còn sâu sắc hơn nhiều những gì người ta biết. Eisenhower cảm thấy viên thống chế là « một gã tâm thần...một kẻ tự mãn » luôn cho rằng tất cả những gì hắn ta từng làm « đều hoàn hảo...một kẻ không bao giờ nhầm lẫn trong đời mình ». Eisenhower sẽ không cho phép ông ta phạm một sai lầm vào lúc này. « Tước lấy khẩu phần của anh chàng người Mỹ Peter đang được tiếp vận từ Cherbourg, » ông nói với Tedder, « sẽ chẳng thể giúp gã người Anh Paul đến được Berlin ». Tuy nhiên, Eisenhower rất băn khoăn về sự rạn nứt đang rộng dần ra giữa mình và viên tướng con cưng của người Anh. Trong vòng mấy ngày sau đó, Tổng tư lệnh quyết định, ông cần gặp Montgomery để cố gắng làm rõ điều mà ông coi là một sự hiểu nhầm. Thêm một lần nữa ông lại cố gắng bảo vệ chiến lược của mình và hy vọng có được sự đồng thuận, cho dù có khó khăn đến đâu. Trong lúc chờ đợi cuộc gặp, ông đã làm rõ một điều. Ông kiên quyết bác bỏ kế hoạch một mũi đột kích của Montgomery cũng như canh bạc liều chiếm Berlin của ông này. Vào tối ngày 5/9, trong một bức điện mật cho viên thống chế, ông nói, « Trong khi tán thành với quan điểm của ngài về một mũi tấn công tổng lực mạnh mẽ tới Berlin, tôi không đồng ý rằng cần thực hiện nó trong lúc này và bỏ qua mọi động thái tấn công khác. » Theo như quan sát của Tổng tư lệnh, « phần chủ lực của quân đội Đức ở phía tây đã bị tiêu diệt, » và thành công có thể được khai thác « bằng cách nhanh chóng phá vỡ phòng tuyến Siegfried, vượt sông Rhine trên một chính diện rộng và chiếm lấy Saar cũng như Ruhr. Đó là điều tôi định thực hiện với tốc độ nhanh nhất có thể. » Những động thái này, Eisenhower tin tưởng, sẽ « giáng một đòn chí tử vào những vùng công nghiệp chủ đạo của Đức và tiêu diệt phần lớn khả năng duy trì chiến tranh của đối phương... » Khai thông các cảng Le Havre và Ant werp là nhiệm vụ sống còn, Eisenhower tiếp tục, trước khi bất cứ « mũi đột kích tổng lực » vào nước Đức có thể được tung ra. Nhưng, vào lúc này, Eisenhower nhấn mạnh, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin.... » Quyết định của Eisenhower đã cần tới 36 giờ để đến tay Montgomery, và ngay cả lúc đó cũng chỉ có nửa cuối bức điện tới nơi. Montgomery nhận được hai đoạn kết bức điện vào 9 giờ sáng ngày 7/9. Phần đầu chỉ tới nơi vào ngày 9/9, chậm hơn tới 48 giờ. Và Montgomery nhận xét rằng cách thức liên lạc của Eisenhower chỉ là một minh chứng nữa cho thấy Tổng tư lệnh đã « tụt lại sau chiến tuyến quá xa ». Từ phần bức điện tới tay Montgomery trước tiên cũng đã quá rõ rằng Eisenhower bác bỏ kế hoạch của ông, vì nó có câu, « không sự tái phân bố dự trữ hậu cần nào có thể đủ cung cấp cho một mũi đột kích tới Berlin. » Montgomery lập tức gửi đi một bức điện kịch liệt phản đối. Với đà truy kích bị chậm lại, điều mà Montgomery e ngại nhất đã trở thành hiện thực. Sự kháng cự của quân Đức quyết liệt dần lên. Trong bức điện của mình, tập trung chủ yếu vào tình trạng thiếu hụt hậu cần, Montgomery tuyên bố rằng ông chỉ nhận được có một nửa yêu cầu của mình, và « tôi không thể tiếp tục lâu hơn trong điều kiện như hiện tại ». Ông từ chối thay đổi kế hoạch tấn công Berlin của mình. Sự cấp bách quá hiển nhiên của việc khai thông lập tức cảng Ant werp thậm chí còn không được nhắc đến trong bức điện của ông, tuy nhiên ông vẫn nhấn mạnh « ngay khi cảng Pas de Calais có thể sử dụng được, tôi muốn yêu cầu chừng 2500 xe tải ba tấn bổ sung nữa, thêm vào đó là một cầu vận chuyển hàng không chừng 1000 tấn mỗi ngày để tôi có thể tiến tới Ruhr và cuối cùng là Berlin. » Vì « rất khó diễn tả tình hình », viên thống chế « tự hỏi liệu Eisenhower có thể » tới gặp ông. Tin chắc như đinh đóng cột rằng quyết định của Tổng tư lệnh là một sai lầm nghiêm trọng và tin tưởng rằng kế hoạch của mình sẽ thành công, Montgomery từ chối cấp nhận sự bác bỏ của Eisenhower như là quyết định cuối cùng. Thế nhưng ông cũng không hề có ý định bay tới Jullouville để cố gắng thuyết phục Eisenhower thay đổi quan điểm. Một động thái ngoại giao như thế không phải là một phần tính cách của ông, cho dù ông hoàn toàn ý thức được hy vọng duy nhất để đề nghị của mình được phê chuẩn là qua một cuộc gặp trực tiếp với Tổng tư lệnh. Nóng nảy và bồn chồn, Montgomery đợi câu trả lời của Eisenhower. Viên thống chế người Anh đang ở trong tâm trạng cáu bẳn sốt ruột, gần như không muốn gặp ai, vào thời điểm hoàng thân Bernhard tới sở chỉ huy để thăm xã giao ông. Bernhard đã tới Pháp tối ngày 6. Với một đoàn tuỳ tùng nhỏ, 3 chiếc xe jeep, chú chó Martin của ông ta và một chiếc cặp dày cộp đựng các báo cáo của lực lượng kháng chiến ngầm tại Hà Lan, hoàng thân cùng các trợ lý của mình đã bay tới lục địa, được bảo vệ bởi hai máy bay tiêm kích, trong ba chiếc Dakota, trong đó một chiếc do Bernhard điều khiển. Từ sân bay Amiens họ đi xe tới Douai, 50 dặm về phía bắc, và sáng sớm ngày 7 lên đường đi Bỉ và Brussels. Tại sở chỉ huy ở Laeken, hoàng thân được đón bởi tướng Horrock, được giới thiệu với bộ tham mưu của Montgomery và đưa vào gặp thống chế. « Thống chế đang ở trong tâm trạng không vui và rõ ràng là không thích thú gì khi phải gặp tôi, » Bernhard nhớ lại. « Ông ta đã có quá nhiều thứ phải quan tâm, và sự có mặt của một ông hoàng ở chỗ ông ta hiển nhiên là một trách nhiệm mà ông ta sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều nếu không phải gánh lấy. » Tiếng tăm của thống chế như là người lính Anh vĩ đại nhất của cuộc chiến đã khiến ông, theo như lời của Bernhard, « trở thành thần tượng của hàng triệu người Anh ». Và ông hoàng 33 tuổi cũng rất e ngại Montgomery. Không như phong cách thoải mái gần như dễ dãi của Eisenhower, thái độ của Montgomery khiến Bernhard khó có thể trao đổi thoải mái với ông.