Lúc này chiến dịch Marker Garden chỉ còn cách giờ khai hoả chưa đầy 48 tiếng đồng hồ. Trong văn phòng của mình, trung tướng Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, nghe chỉ huy tình báo của SHAEF, thiếu tướng Anh Kenneth W.Strong, thông báo những tin tức cuối cùng với thái độ mỗi lúc một lo ngại. Không nghi ngờ gì nữa, Strong nói, có lực lượng thiết giáp Đức tại khu vực Arnhem. Đã nhiều ngày nay, Strong và bộ phận của mình đã nghiên cứu sàng lọc tất cả các thông tin tình báo nhằm cố gắng xác định địa điểm đóng quân của các sư đoàn Panzer SS 9 và 10. Từ tuần đầu tiên của tháng 9 người ta đã mất dấu vết các đơn vị này. Cả hai đều bị tổn thất nặng, nhưng khó có khả năng chúng đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Một giả thiết khác cho rằng các đơn vị này có thể đã được lệnh quay về Đức. Đến lúc này báo cáo của lực lượng kháng chiến Hà Lan lại cho biết một thực tế khác hẳn. Các sư đoàn mất dấu vết đã được định vị. Sư đoàn 9, và rất có thể, cả sư đoàn 10, đang ở Hà Lan, Strong báo cáo lại với Smith, “chắc chắn là để củng cố lại”. Không ai có thể nói chính xác những đơn vị này còn lại bao nhiêu lực lượng cũng như khả năng tác chiến của chúng, nhưng không còn nghi ngờ gì về địa điểm đóng quân của các đơn vị này, Strong báo cáo. Chắc chắn chúng đang đóng tại ngoại vi Arnhem. Hết sức lo ngại cho chiến dịch Market Garden và, theo đúng lời ông nói, “phát hoảng trước nguy cơ thất bại”, Smith lập tức đến hội kiến tổng tư lệnh. Sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, được trao nhiệm vụ đổ xuống Arnhem, “không thể chống lại được hai sư đoàn thiết giáp”, Smith nói với Eisenhower. Tất nhiên, vẫn còn một câu hỏi - một câu hỏi lớn - về sức mạnh của các đơn vị này, nhưng để đảm bảo chắc thắng Smith cho rằng Market Garden cần được tăng cường lực lượng. Ông tin tằng cần 2 sư đoàn đổ bộ cho khu vực Arnhem (một cách giả định, Smith đã chọn trong đầu làm lực lượng bổ sung sư đoàn đổ bộ số 6 kỳ cựu của Anh do thiếu tướng Richard Gale chỉ huy, đơn vị này đã được sử dụng thành công trong cuộc đổ quân lên Normandy, nhưng không được chọn tham dự Market Garden). Nếu không, Smith nói với Eisenhower, kế hoạch cần được xem xét lại. “Cảm tưởng của tôi,” sau này ông nói, “là nếu chúng ta không thể đổ bộ thêm lực lượng tương đương với một sư đoàn nữa xuống khu vực này, thì chúng ta cần di chuyển một trong các sư đoàn Mỹ tham gia tạo thành “tấm thảm” xa hơn lên phía bắc để tăng cường cho người Anh”. Eisenhower cân nhắc khó khăn và các rủi ro. Dựa trên báo cáo tình báo này và gần như vào đêm trước của cuộc tấn công, ông đang bị thúc giục phải xem xét lại kế hoạch của Monty- kế hoạch chính Eisenhower đã phê chuẩn. Điều đó cũng có nghĩa là thách thức quyền chỉ huy của Montgomery và làm căng thẳng trở lại mối quan hệ chỉ huy vốn đã nhạy cảm. Là tổng tư lệnh, ông còn một khả năng lựa chọn nữa: cần đình chỉ Market Garden, nhưng cơ sở để ra một mệnh lệnh như vậy sẽ chỉ là mẩu tin tình báo này. Eisenhower hiển nhiên giả thiết rằng Montgomery là người biết rõ nhất sức mạnh kẻ thù trước mặt ông ta và viên thống chế sẽ hành động phù hợp với tình thế. Như Eisenhower nói với Smith, “Tôi không thể chỉ bảo Monty nên điều động lực lượng của ông ta như thế nào,” và ông cũng không thể “đình chỉ chiến dịch”, vì tôi đã bật đèn xanh cho Monty”. Nếu cần có thay đổi, Montgomery sẽ thực hiện chúng. Tuy vậy, Eisenhower dự định để Smith “bay tới sở chỉ huy cụm quân số 21 và trao đổi với Montgomery”. Bedell Smith lập tức lên đường tới Brussels. Ông gặp một Montgomery đầy tự tin và phấn chấn. Smith trình bày sự quan ngại của ông về các đơn vị Panzer tại khu vực Arnhem và nhấn mạnh rằng kế hoạch cần được xem xét lại. Montgomery “cười mỉa vào ý kiến này. Monty cảm thấy rằng trở ngại lớn nhất sẽ do địa hình chứ không phải do quân Đức gây ra. Tất cả sẽ trôi chảy, ông ta lặp đi lặp lại, nếu chúng tôi tại SHAEF chịu giúp ông ta giải quyết khó khăn về hậu cần. Ông ta không hề e ngại lực lượng thiết giáp Đức. Ông cho rằng Market Garden sẽ thành công như đã hoạch định”. Cuộc gặp chẳng đem lại kết quả nào. “Ít nhất tôi cũng đã cố dừng ông ta lại,” Smith nói, “ nhưng tôi chẳng đi đến đâu cả. Montgomery chỉ đơn giản là đã dửng dưng gạt mọi sự phản đối của tôi sang bên”. Ngay khi Montgomery và Smith còn đang tranh luận, những bằng chứng đáng lo ngại cũng tới sở chỉ huy quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1. Sáng sớm hôm đó, máy bay không thám của RAF từ Hague quay về đã thực hiện một phi vụ trinh sát ở độ cao thấp trên khu vực Arnhem. Lúc này, trong phòng làm việc của mình, thiếu tá tình báo Brian Urquhart nghiên cứu 5 tấm ảnh chụp với một chiếc kính lúp - những kiểu ảnh nằm ở cuối cuộn phim không thám. Hàng trăm tấm ảnh không thám đã được chụp trên khu vực sẽ diễn ra Market Garden và rửa ra trong vòng 72 giờ trước đó, nhưng chỉ 5 tấm ảnh này cho thấy điều Urquhart đã thầm lo từ lâu - bằng chứng không thể nhầm lẫn về sự có mặt của thiết giáp Đức. “Đó là cọng rơm làm gãy lưng lạc đà”, Urquhart sau này nhớ lại. “Trong những tấm ảnh đó, tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những chiếc xe tăng - nếu không phải ngay tại các khu đổ quân ở Arnhem, thì chắc chắn cũng không xa chúng”. Thiếu tá Urquhart chạy tới văn phòng của tướng Browning mang theo những bằng chứng này. Browning cho anh vào gặp lập tức. Đặt những tấm ảnh lên bàn trước mặt Browning, Urquhart nói, “Xin ngài hãy nhìn xem”. Viên tướng xem xét lần lượt từng tấm ảnh. Cho dù Urquhart không còn nhớ rõ từng từ, nhưng như anh có thể nhớ lại được, Browning đã nói, “Nếu tôi là cậu tôi sẽ chẳng bận tâm đến những thứ này”. Rồi, chỉ vào những chiếc xe tăng trong ảnh, ông nói tiếp, “Chúng chắc chắn là không thể tác chiến được”. Urquhart choáng váng. Anh tuyệt vọng chỉ vào những chiếc chiến xa, “có tác chiến được hay không, chúng vẫn là xe tăng và chúng có súng”. Nhớ lại, Urquhart có cảm tưởng rằng “có lẽ vì những thông tin mà tôi không được biết, tướng Browning đã không sẵn sàng chấp nhận cách tôi đánh giá những tấm ảnh. Cảm tưởng của tôi vẫn như vậy - rằng tất cả mọi người đều nóng lòng muốn nhập cuộc bằng mọi giá và chẳng cái gì ngăn họ lại được”. Urquhart không biết rằng một số người trong ban tham mưu của Browning coi viên sĩ quan tình báo trẻ là quá bốc đồng. Màn trình diễn lớn chuẩn bị bắt đầu, và phần lớn các sĩ quan đều háo hức mong có được một vai trong đó. Sự e ngại của Urquhart làm họ khó chịu. Như một sĩ quan cao cấp đã nói ra lời, “Quan điểm của cậu ta rõ ràng bị ảnh hưởng bởi một đầu óc đã kiệt sức. Cậu ta có vẻ hơi quá kích động, hiển nhiên là do lao lực quá sức.” Ít lâu sau cuộc gặp với Browning, bác sĩ của quân đoàn đã đến gặp Urquhart. “Người ta đã nói với tôi,” Urquhart nhớ lại, “rằng tôi kiệt sức –ai chẳng vậy?- và có lẽ tôi cần nghỉ ngơi và đi phép. Tôi đã bị gạt ra. Tôi đã trở thành cái gai khó chịu ở sở chỉ huy đến mức ngay trước ngày tấn công tôi đã bị loại ra ngoài. Tôi chẳng còn gì để nói. Cho dù tôi không tán thành kế hoạch và e ngại điều xấu nhất, đó vẫn là một trận đánh quan trọng, và thật khó hiểu, tôi không hề muốn bị bỏ lại đằng sau”. Vào trưa thứ bảy 16/9, thông cáo của Đức được yết lên các bảng tin khắp Arnhem. “Theo lệnh của lực lượng an ninh, nay thông báo: Trong đêm vừa rồi một vụ tấn công bằng chất nổ đã xảy ra trên cầu đường sắt tại Schaapsdrift. Quần chúng được yêu cầu hãy hợp tác truy lùng thủ phạm của cuộc tấn công này. Nếu chúng không được tìm thấy trước 12 giờ trưa chủ nhật 17/9/1944, một số con tin sẽ bị xử bắn. Tôi kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tránh gây ra nạn nhân không cần thiết. Phụ trách an ninh, Liera”. Trong một gian tầng hầm, các thành viên lãnh đạo lực lượng kháng chiến ngầm tại Arnhem đang họp khẩn. Việc phá hoại cây cầu đường sắt đã diễn ra không suôn sẻ. Henri Knap, phụ trách tình báo tại Arnhem, đã không thích thú gì về nhiệm vụ này ngay từ đầu. Anh nghĩ, “ngay cả đánh giá lạc quan nhất, tất cả chúng tôi đều là dân nghiệp dư khi nói đến phá hoại”. Theo quan điểm của anh, “tốt hơn nhiều nên tập trung vào thu thập tin tức tình báo cho lực lượng Đồng minh và để việc phá hoại cho những người biết họ cần làm gì”. Chỉ huy lực lượng kháng chiến ở Arnhem, Pieter Kruyff, 39 tuổi, hỏi ý kiến cả nhóm. Nicolaas Tjalling de Bode đề nghị rằng các thành viên nộp mình. Knap nhớ lại rằng lúc đó anh nghĩ “đó là một cái giá quá đắt - mạng sống của những con tin vô tội – cho một cái lỗ bé tẹo trên một cây cầu”. Gijsbert Jan Numan cũng thấy lương tâm cắn rứt. Anh này đã cùng Harry Montfroy, Albert Deuss, Toon van Daalen và những người khác thu xếp vật liệu làm bom và vạch kế hoạch phá hoại, và không ai muốn những người vô tội phải chịu tai hoạ. Thế nhưng cần làm gì đây? Kruyff nghe ý kiến của tất cả mọi người, sau đó đưa ra quyết định. “Tổ chức phải được bảo toàn nguyên vẹn cho dù sẽ có người vô tội bị xử bắn”, ông quyết định. Nhìn một lượt các thành viên lãnh đạo đang tập hợp xung quanh, như Nicolaas de Bode hồi tưởng lại, Kruyff đã nói với họ, “Không ai được nộp mình cho bọn Đức. Đây là lệnh của tôi”. Henri Knap cảm thấy thật nặng nề. Anh biết nếu bọn Đức thực hiện theo cách thông thường của chúng, mười hay mười hai công dân có ảnh hưởng – bác sĩ, luật sư, hay giáo viên - sẽ bị xử bắn công khai tại một quảng trưởng ở Arnhem vào trưa chủ nhật.