Sau khi tái chiếm các vùng đất ở Nam Kỳ vào những năm cuối thế kỷ 17, Nguyễn vương Phúc Ánh liền cho lập ngay những làng mạc mới. Tất cả hạng dân, binh và nhất là người dân nghèo đều phải cày cấy, làm ruộng. Nhiều dân ở các vùng khác nhau được chiêu mộ để đi khẩn hoang lập ấp gọi là điền tốt đặt dưới quyền điều khiển của một viên quan triều đình gọi là Điền tuấn quan. Những điền tốt đi khai hoang được nhà nước cấp cho trâu bò, nông cụ nhưng phí tổn cho việc cung cấp nầy phải được trả lại cho chính quyền bằng cách nộp một số hoa màu, gạo thóc vào những mùa gặt hái. Ở những chốn rừng sâu, những người đi khai hoang được tổ chức thành những trại nông nghiệp gọi là đồn điền trong đó có những nhóm gọi là toán hoặc đội đồn điền. Người nào có công tuyển mộ được nhiều điền tốt từ 5 người trở lên thì được cho giữ chức cai trại, được miễn thuế thân và khỏi phải làm việc nặng lao nhọc. Như vậy, làng là một tổ chức cộng đồng thực sự, là kiểu mẫu của một đại gia đình nới rộng mà quyền lực của giới hữu trách trong làng cũng tương tựa như quyền lực của người cha trong từng gia đình riêng rẽ. Trong thực tế, định chế tổ chức gia đình Việt Nam từ lâu đời đã rập khuôn theo lối tổ chức của người Trung Quốc và vẫn không thay đổi cho tới khi có sự xuất hiện của người Âu Châu. Khuôn mẫu gia đình nầy tương tựa như khuôn mẫu đại gia đình thời cổ của người La Mã. Đại gia đình rất đông đúc trong đó người cha có một quyền uy rộng lớn nếu không nói là áp đảo "ăn hiếp" tất cả mọi thành viên trong nhà, bao lâu người cha còn sống thì kẻ dưới dù thuộc hàng con, hàng cháu đều phải phục tùng nhất là khi người cha nầy là đích tôn, trưởng tộc. Trước thời đại Gia Long, quyền gia trưởng của người cha là tuyệt đối, toàn quyền quản lý tài sản của gia đình mình, vợ và con phải đóng góp thêm cho tài sản của gia đình, phần đóng góp của họ không được cất riêng. Có rất nhiều trường hợp người cha đã xử dụng quyền gia trưởng của mình để bán vợ, đợ con và thậm chí có toàn quyền sinh sát vợ, con. Ông có quyền tuyệt đối trong quyết định kén dâu, chọn rể và tổ chức hôn lễ cho con cái. Có thể nói, địa vị của người cha trong gia đình kể từ thời Hậu Lê trở về trước là địa vị của một ông vua con, một kẻ chuyên chế tuyệt đối trong nhà mình. Khi người con đầu lòng của người cha được sinh ra là con trai thì đứa con nầy được coi là "thái tử" nối nghiệp. Nếu trong nhà chỉ toàn là con gái và đứa em út mới sinh lại là con trai thì đứa em trai miệng còn hôi sửa nầy sẽ là ông vua con trong gia đình nếu người cha chết đi trước khi cậu út nầy biết bò, biết đứng. Ngoài ông vua con trong gia đình, còn có một ông "thái thượng hoàng" tức là ông nội hoặc ông cố nội hoặc ông "trưởng tộc" luôn để mắt theo dõi người mẹ góa trong việc tạm thời coi sóc đứa con trai nối nghiệp và đảm nhiệm việc quản lý tài sản của gia đình. Thân phận của người mẹ và những người con gái trong gia đình bị coi nhẹ nếu không nói là bị bỏ quên. Luật Gia Long giới hạn quyền của người gia trưởng: phạt 100 trượng người cha nào đánh chết con. Kẻ nào bán hay cho thuê vợ thì bị phạt 80 trượng. Dân luật 1931 ở miền Bắc Việt Nam và dân luật 1936 ở miền Trung Việt Nam vẫn tiếp tục ấn định rằng con và cháu sống với cha mẹ hay ông bà thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ gia đình. Con cái không được đi khỏi nhà của người cha nếu không được người cha cho phép. Vì đạo hiếu, cho nên con cháu không được thưa kiện cha mẹ hoặc ông bà. Tuy nhiên, theo luật pháp mới cha mẹ không có quyền cho thuê con cái của mình hay gán con để trả nợ nhưng cha mẹ bao giờ cũng có thể cho con cái vị thành niên còn ở dưới quyền của mình được đi làm thuê trong một thời hạn nhất định. Quyền cha mẹ trừng phạt con cái từ đây chỉ có thẻ được thực hiện trong những giới hạn cần thiết để duy trì quyền lực của người cha. Cuộc Nam tiến của người Việt Nam không phải lúc nào cũng bằng phương cách hòa bình. Nói như thế không có nghĩa là người Việt Nam chỉ biết dùng bạo lực để nới rộng thêm lãnh thổ của mình mà phải nói rằng người Việt Nam là những người khôn ngoan và có bản lĩnh trong chính sách di dân chiếm đất: Từ khi bắt đầu đi về phía Nam cho đến năm 1689 thì di dân Việt Nam ở vùng Sài Gòn - Gia Định chỉ có khoảng trên dưới 10,000 người. Khi người Pháp bắt đầu xâm lăng chiếm Gia Định vào năm 1861 thì dân số người Việt Nam chính gốc có vào khoảng 2 triệu người và vùng đồng bằng sông Cửu Long nguyên trước kia là một vùng đầm lầy hoang địa của người Cao Miên thì nay trở thành vựa lúa phì nhiêu của triều đình nước Đại Nam. Thói thường, dư luận cho rằng người Cao Miên ở Nam Kỳ bị người Đại Nam tàn sát để chiếm đất. Đây là một dư luận thiên vị nhằm mục đích gầy hận thù sắc tộc. Trên thực tế, một phần người Cao Miên chịu đồng hóa và chung sống một cách rất hài hòa với người Việt Nam, một phần khác không chịu chung sống với người mới đến nên tự ý bỏ đi nơi khác, ở những nơi không có sự hiên diện của người Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt Nam ở Nam Kỳ không phải luôn luôn giữ được bản chất thuần chủng Việt tộc của mình mà họ cũng chịu ảnh hưởng của một sự đồng hóa ngược chiều từ các sắc tộc,-"những người chủ cũ của vùng đất Nam Kỳ", khiến cho người Việt Nam ở Nam Kỳ càng lúc càng có rất nhiều nét khác biệt với người Việt Nam ở Bắc Kỳ nếu không nói là khác biệt hoàn toàn: vóc dáng người Nam Kỳ cao hơn, giọng nói cũng khác đi, tánh tình thuần hậu, chân chất, cởi mở, cầu tiến hơn là người Bắc Kỳ nhưng siêng năng, cần cù thì không bằng. Làng mạc trong miền Nam không có nhiều dấu vết kỷ niệm của tổ tiên và thần thánh để có thể giữ chân người dân làng từ đời nầy qua đời khác giống như ở miền Bắc. Qua nhiều biến chuyển lịch sử, nước Cao Miên ở phía Nam và các nước thuộc bộ tộc Lào ở phía Tây Bắc trở thành những nước hàng rào và dưới quyền kiểm soát của triều đình Đại Nam. Các lãnh thổ của các bộ tộc thiểu số miền cao nguyên Trung Kỳ hoàn toàn thần phục dưới chế độ cai trị của triều đình Huế. Trung tâm quyền lực được di chuyển về phía Nam và thủ đô của nước Việt Nam không còn là Thăng Long- Hà Nội nữa nhưng lại là Phú Xuân-Huế, tạo thành một hố cách biệt tình cảm giữa hai miền Bắc - Nam nhất là đối với những thành phần tự tôn mặc cảm cố vọng về nhà Hậu Lê, không thật lòng chịu phục nhà Nguyễn. Thêm vào đó, nhà Nguyễn chú trọng khai phá, phát triển vùng đất Nam Kỳ khiến cho người dân Bắc Kỳ cảm thấy như mình bị triều đình lơ là bỏ rơi và như vậy có nghĩa là nhà Nguyễn không thể nào chiếm được lòng dân người miền Bắc trong việc phát triển xây dựng nước và giữ gìn lãnh thổ nhất là các vùng đất biên giới Việt Nam - Trung Quốc; ngay cả những người miền Bắc đã di cư vào sinh sống ở miền Nam qua nhiều đời cũng không trung thành với nhà Nguyễn. Rốt cuộc rồi, nhà Nguyễn chỉ còn có thể trông cậy vào sự chung thủy của người dân từ Thuận Hóa trở vào đến Quảng Nam, ngoài ra thì chung quanh toàn là những kẻ phục tùng bất đắc dĩ, là những "kẻ nội thù" chỉ chờ thời cơ để phản lại nhà Nguyễn. Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 không bị lâm vào tình cảnh khốn đốn so với các nước Á Châu khác nhưng lại có một ung nhọt bất trị là "mê ngủ", chỉ biết có Trung Quốc là mẫu mực: các kỹ thuật nông nghiệp, kỹ nghệ, y học, tất cả đều mục nát, thoái hóa vậy mà Việt Nam vẫn tiếp tục noi theo. Nền ngoại thương bắt đầu khởi sắc dưới triều đại Minh Mạng nhưng rồi lại thụt lùi vì chính sách bế quan, tỏa cảng của triều đại Thiệu Trị và Tự Đức. Các kỹ thuật tân tiến của Tây phương trước kia được Gia Long và Minh Mạng chú trọng áp dụng trong việc phát triển tiềm năng quân sự và kinh tế thì nay lại bị chìm trong quên lãng để quay về với mớ lý thuyết mơ hồ, vô dụng của nền Khổng học cũ rít đến mức độ Tự Đức phải lên tiếng thức tỉnh đoàn ngũ Nho thần lơ láo của mình. Nho giáo được nhà Nguyễn ưu đãi làm mất lòng Phật giáo. Chính sách bách hại những người theo đạo Gia tô dù rằng để ngăn ngừa người trong nhà nối giáo cho giặc ngoại xâm nhưng cũng là một cái cớ để kẻ ngoại quốc kiếm chuyện gây hấn. Có thể tóm tắt mà nói rằng, nước Đại Nam dưới triều đại Tự Đức đã bị bao vây tứ phía, từ bên trong ra tới bên ngoài