Chương 34

/- Chúng ta kết án: Chúng ta là ai?
 GIAI ĐOẠN 1945-1954
Năm 1941, các đảng viên Đông Dương Cộng Sản do ông Nguyễn Ái Quốc cầm đầu ở trên lãnh thổ Trung Quốc - đa số ở 2 tỉnh Quảng Châu và Nam Ninh - thành lập một mặt trận gọi là Việt Nam Độc lập Đồng Minh hội, gọi tắt là Việt Minh để kêu gọi toàn dân Việt Nam chống Pháp và Nhật. Sự ra đời của mặt trận Việt Minh đã được ông Trần Trọng Kim viết như sau:
"Ðảng Việt Minh là gì và do đâu mà ra? Trước thì ít người biết rõ căn nguyên, sau đi đây đó xét hỏi kỹ càng mới biết rõ nguồn gốc. Thoạt đầu vào khoảng năm 1938 ở Bắc Việt đã nghe nói có đảng Việt Minh hành động ở mạn thượng du, nhưng lúc ấy ai cũng tưởng là một đảng cách mệnh mới nào đó nên không để ý đến mấy.
Nguyên từ khoảng 1925-1926 trở đi, ở Việt Nam đã có người nói đến chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy có một thiếu niên tên Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1894, con nhà thi lễ, quê làng Kim Liên huyện Nam Ðàn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước học trường trung học ở Huế rồi bỏ sang Pháp theo Xã Hội Ðảng, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Sau lại sang Nga vào đảng Cộng Sản, đến khoảng 1929-1930 ông trở về gây phong trào cộng sản cách mệnh ở vùng Nghệ Tĩnh. Lúc ấy chính phủ bảo hộ Pháp dùng võ lực đàn áp một cách tàn nhẫn. Việc ấy thất bại, đảng cộng sản tuy phải im hơi lặng tiếng, nhưng vẫn ngấm ngầm tuyên truyền trong đám dân gian và thợ thuyền, theo đúng phương pháp đã định ở Mạc Tư Khoa bên Nga.
Trong khoảng thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc lánh sang Hương Cảng, bị người Anh bắt. Người Pháp muốn đòi người Anh giao trả cho chính phủ Ðông Dương, song theo tục lệ Anh, người Anh không giao trả những người can phạm vào việc chính trị, vì vậy ông phải giam ít lâu rồi được tha và bị đuổi ra khỏi Hương Cảng.
Ông Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu và phao tin rằng ông đã chết trong ngục khi bị bắt ở Hương Cảng, và lại đổi tên là Lý Thụy rồi chen lẫn với những người cách mệnh Việt Nam ở bên Tàu. Vào khoảng 1936-1937 ông lập ra đảng cộng sản gọi là Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, và cho người về hoạt động ở miền thượng du bắc việt. Vì vậy thuở ấy người ta mới biết là có đảng Việt Minh.
Ðến cuối năm 1940 nhân khi quân Nhật Bản ở Quảng Tây đánh vào Lạng Sơn, những người như bọn ông Trần Trung Lập trong đảng Việt Nam Quang Phục Hội của ông Phan Bội Châu lập ra khi trước, theo quân Nhật về đánh quân Pháp hồi tháng chín năm 1940. Sau vì người Nhật ký hiệp ước với người Pháp rồi trả lại thành Lạng Sơn cho người Pháp, ông Trần Trung Lập bị quân Pháp bắt được đem xử tử. Toán quân phục quốc vỡ tan, có một số độ 700 người, trong số ấy có độ 40 nữ đảng viên theo ông Hoàng Lương chạy sang Tàu.
Vậy các đảng của người Việt Nam ở bên Tàu vào khoảng năm 1942 trở đi, có Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và những người cách mệnh không có đảng phái v...v...
Thuở ấy, chính phủ Trung Hoa thấy những đảng viên Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội hành động theo chủ nghĩa cộng sản, bèn xuống lệnh giải tán đảng ấy và bắt Lý Thụy giam trong hang đá ở Liễu Châu, ủy cho tướng Trương Phát Khuê chủ trương việc tập hợp các đảng phái cách mệnh Việt Nam lập thành một đảng để hành động cho có hệ thống. Trương Phát Khuê giao cho ông Hoàng Lương trù liệu việc ấy.
Ngày mùng 1 tháng mười năm 1942, ông Hoàng Lương chiêu tập ở Liễu Châu những người trong các đảng phái hay không có đảng phái để lập ra một đảng duy nhất gọi là Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội, gồm đại biểu các đảng sau đây:
1) Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội, có Hoàng Lương và Hồ Học Lãm làm đại biểu.
2) Việt Nam Quốc Dân Ðảng, có Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ làm đại biểu.
3) Vô đảng phái, có Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Trương Trung Phụng làm đại biểu.
Các đại biểu trước hết lập thành một ủy ban trừ bị do Nguyễn Hải Thần chủ tọa để xếp đặt mọi việc.
Trương Bội Công, chủ tọa.
Trần Ðình Xuyên.
Nguyễn Hải Thần.
Vũ Hồng Khanh, ủy viên.
Bồ Xuân Luật.
Trương Trung Phụng.
Nông Kính Du.
(Trích từ tập Hồi Ký Kiến Văn Lục-Một Cơn Gió Bụi của Lệ Thần Trần Trọng Kim)
Đồng thời, ngày 17 tháng 4 năm 1945, ông Trần Trọng Kim ở Huế đệ trình danh sách thành lập chính phủ cho cả nước Việt Nam bao gồm 3 miền Trung Nam Bắc và được hoàng đế Bảo Đại chấp nhận. Thành phần nội các Trần Trọng Kim gồm có:
Trần Trọng Kim, Nội Các Tổng Trưởng
Trần Ðình Nam Nội Vụ Bộ Trưởng
Trần Văn Chương Ngoại Giao Bộ Trưởng
Trịnh Ðình Thảo Tư Pháp Bộ Trưởng
Hoàng Xuân Hãn Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng
Vũ Văn Hiền, Tài Chánh Bộ Trưởng
Phan Anh, Thanh Niên Bộ Trưởng
Lưu Văn Lang, Công Chính Bộ Trưởng
Vũ Ngọc Anh, Y Tế Bộ Trưởng
Hồ Bá Khanh, Kinh Tế Bộ Trưởng
Nguyễn Hữu Thi, Tiếp Tế Bộ Trưởng.
Đích thân ông Trần Trọng Kim cùng với các ông Hoàng Xuân Hản, Vũ Văn Hiền ra Hà Nội gặp chức quyền quân sự Nhật Bản để yêu cầu giao trả lại cho chính phủ Việt Nam các nhượng địa của Pháp là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn hạt đất Nam Kỳ.
Ngày 20 tháng 7 năm 1945, Nhật giao trả chính phủ Việt Nam Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. và trao tặng cho chính quyền Việt Nam ở Bắc kỳ 2000 khẩu súng và đạn dược, tha các thanh niên bị Nhật bắt vì theo Việt Minh. Ngày 1-8-1945,, đốc lý Trần Văn Lai cho phá bỏ các tượng người Pháp như Paul Bert, Jean Dupuis, đài kỷ niệm lính tập khố xanh khố đỏ... ở Hà Nội.
Trong lúc còn ở Hà Nội, ông Trần Trọng Kim đã tiếp xúc đại diện của Việt Minh để yêu cầu hợp tác nhưng bị từ chối và còn tuyên bố rằng: Việt Minh nhất định phải thành công, nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia. (Trần Trọng Kim; Hồi Ký Kiến Văn Lục-Một Cơn Gió Bụi; 1949).
Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ dội bom nguyên tử lần đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và Nagaski của Nhật Bản.
Ngày 13 tháng 8 năm 1945 đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào ở tuyên Quang và quyết định: đồng loạt khởi dậy, đoạt khí giới quân Nhật, chiếm lấy chính quyền của chính phủ Việt Nam hiện tại. Tổng bộ Việt Minh ra lời hiệu triệu.Sau khi nêu rõ Nhận Bản đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp vào Đông Dương, bản hiệu triệu viết:
"giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Dân tộc ta đã đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình! Trước cơ hội có một không hai nầy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật đòi lấy tự do hạnh phúc cho nhân dân".(Dương Trung Quốc;Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1919-1945; trang 406; Nhà xuất bản Giáo dục; Hà Nội; 2001)
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông Trần Trọng Kim cử ông Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai vào gặp chức quyền Nhật đê tiếp thâu toàn hạt Nam Kỳ. Hoàng đế Bảo Đại tuyên chiếu hủy bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp về chế độ đô hộ trên khắp nước Việt Nam.
Ông Trần Trọng Kim xin từ nhiệm nhưng vẫn được hoàng đế Bảo Đại lưu lại để xử lý thường vụ trong khi tìm người thay thế.
Hoa Kỳ chấp nhận sự đầu hàng của Nhật
Nhiều đảng phái và đoàn thể ở Sài Gòn nhóm họp đại hội hô hào đoàn kết chống Pháp và thành lập một Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam Thống Nhất gồm có nhiều đảng phái như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên Đoàn Công Chức, Tịnh Độ Cư sĩ, Thanh Niên Tiền Phong.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, công chức ở Hà Nội tổ chức cuộc biểu tình lớn ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, tuần hành qua các đường phố lớn để tỏ bày tỏ ý chí bảo vệ đất nước. Cán bộ Việt Minh trong khối biểu tình đã lèo lái đám đông, biến cuộc biểu tình thành ra một cuộc biểu dương ý chí quần chúng ủng hộ mặt trận giải phóng của Việt Minh. Các đội dân quân giải phóng của Việt Minh đồng loạt chiến đoạt chính quyền ở nhiều địa phương.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Việt Minh kêu gọi dân chúng tựu họp đông đảo trước Nhà hát lớn Hà Nội để nghe tuyên bố của Mặt trận Cứu quốc Việt Minh. Dân quân giải phóng của Việt Minh cùng với cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở nhiều nơi, chiếm đóng các công sở.
Ngày 21 tháng 8 năm 1945, một số thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại Học xá Hà Nội rồi biểu quyết gởi điện văn yêu cầu hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trao quyền cho ông...
Ngày 22 tháng 8 năm 1945, nghe theo lời cố vấn của Trần Trọng Kim, hoàng đế Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị.
Tại thành phố Sài Gòn, tối ngày 20 tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã tổ chức mít tinh trong thành phố, kêu gọi dân chúng biểu tình. Đến sáng ngày 25-8-1945, Việt Minh chiếm đóng toàn thành phố. Một Ủy Ban Hành Chính lâm thời Nam Bộ được tuyên bố thành lập do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một chính phủ lâm thời thành lập tại Hà Nội:
Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ nội vụ,
Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ quốc phòng
Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền
Dương Ðức Hiền, bộ trưởng bộ thanh niên quốc dân
Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ quốc dân kinh tế
Vũ Ðình Hòa, bộ trưởng bộ giáo dục
Vũ Ngọc Khánh, bộ trưởng bộ tư pháp
Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế
Ðào Trọng Kim, bộ trưởng bộ giao thông công chánh
Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ lao động
Phạm Văn Ðồng, bộ trưởng bộ tài chánh
Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ cứu tế xã hội
Cù Huy Cận, ủy viên không giữ bộ nào
Nguyễn Văn Xuân, ủy viên không giữ bộ nào
°
-Cần lưu ý rằng, trong 10 chính sách lớn của Việt Minh bao gồm việc giành lấy chính quyền (chính sách 1) tịch thu tài sản của giặc nước và Việt gian (chính sách 3), kiến thiết nền văn hóa mới (chính sách 9).
- Việc lấy lại chủ quyền cho toàn thể nước Việt Nam từ tay người Nhật là do chính phủ của ông Trần Trọng Kim thực hiện để rồi tiếp ngay sau đó chính quyền Việt Minh dựa vào thời cơ để đoạt lấy rồi thành lập chính phủ Lâm thời tại Hà Nội.
- Như vậy có nghĩa là trong giai đoạn ông Trần Trọng Kim cầm quyền cai trị toàn cõi Việt Nam từ 17 tháng 4 năm 1945 cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 thì chưa thấy có một dư luận công khai nào ở cả hai miền Nam Bắc lên án ông Phan Thanh Giản.
- Từ 2 tháng 9 năm 1945 đến ngày ký kết hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia đôi nước Việt Nam đất nước Việt Nam từ sông bến Hải vẫn chưa thấy có tài liệu nào lên án ông Phan Thanh Giản.