Khi thời kì trác táng này của tôi chấm dứt, tôi cảm thấy ê chề kinh khủng. Tôi bắt đầu thấy hối hận, nhưng rồi tôi xua nó đi ngay, bởi hối hận càng làm tôi chán chường hơn. Dần dần rồi cũng quen. Cái gì rồi cũng quen đi hết. Hay nói cho đúng, tôi không quen được, nhưng tôi bằng lòng ráng chịu mọi thứ đã xảy đến với tôi. Nhưng tôi còn một lối thoát: đi trốn vào trong địa hạt “mĩ, thiện” - dĩ nhiên chỉ bằng cách mơ mộng mà thôi. Chôn chân trong cái lỗ đó của tôi, tôi ngồi mơ mộng đến cuồng dại, tôi mơ mộng suốt ba tháng trời ròng rã. Và xin quý vị lưu ý giùm là trong những lúc đó tôi không phải giống như cái vị tâm hồn khiếp nhược kia ngồi khâu miếng lông hải li Đức vào cổ áo măng tô của mình đâu. Không! Đột nhiên tôi đã biến thành một vị anh hùng. Giá bây giờ tên Quan Năm kia có xin vào yết kiến chưa chắc tôi đã thèm tiếp. Thực ra thì tôi cũng đã quên bẵng hắn mất rồi. Tôi mơ mộng cái gì, và tôi tìm được những thỏa mãn nào trong những giấc mộng đó? Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thấy khó mà trả lời được, nhưng có điều chắc là hồi đó tôi rất thỏa mãn. Với lại ngay bây giờ tôi vẫn còn thấy phần nào thỏa mãn. Những giấc mộng của tôi đặc biệt êm đềm và thú vị ngay sau những lần tôi trác táng, trụy lạc, và chúng đến với tôi qua nước mắt, trong niềm hối hận, trong lời nguyền rủa, trong nỗi hân hoan. Tôi đã có những giây phút quá chừng đầy đủ, quá chừng hạnh phúc, thậm chí trong đầu tôi không hề có một ý tưởng nào là chế giễu lọt vào, tôi thề như vậy. Và lúc bấy giờ trong tôi chỉ còn là lòng tin, niềm hi vọng, tình yêu. Bởi hồi đó tôi mù quáng tin tưởng rằng chỉ nhờ một phép lạ nào đó, một hoàn cảnh bên ngoài nào đó, là mọi nỗi khó khăn sẽ tiêu tan hết, mọi thành lũy sẽ mở ra cho tôi một chân trời hành động, hành động hữu ích và đẹp, và nhất là phải được hoàn tất ngay (tôi không biết là hành động gì nhưng điều chính là phải ngay tức khắc). Và rồi thì tôi xuất hiện trong ánh hào quang, cưỡi trên lưng một con bạch mã, và một vòng nguyệt quế quấn trên đầu. Tôi cũng không hề nghĩ đến một vai trò thấp hơn, và có lẽ vì vậy mà trong đời sống thực tại tôi rất yên ổn bằng lòng với vai trò thập kém nhất. Hoặc là làm anh hùng, hoặc là lội trong bùn; đối với tôi không có giải pháp thứ ba. Và đó chính là điều đã làm hại tôi: bởi khi ngụp lặn trong bùn tôi tự an ủi rằng những lúc khác tôi đã là kẻ anh hùng, và cái cốt cách anh hùng đó sẽ che đậy đống bùn nhơ: con người bình thường khi ngụp lặn trong bùn thì cảm thấy xấu hổ, còn kẻ anh hùng ngự trên tột đỉnh như thế thì làm sao mà vấy bùn cho được; bởi vậy tôi vẫn có thể đắm mình trong bùn nhơ như bình thường! Điều đáng chú ý nhất là những cảm kích mãnh liệt của tôi về “cái mĩ, cái thiện” đó đôi khi phát sinh ngay trong lúc tôi đang sa đọa, đúng trong lúc tôi vừa ngã xuống đáy cùng của vực thẳm. Chúng hiện lên le lói như những bóng hình kỉ niệm. Tuy nhiên chúng vẫn không tiêu tan nổi những dục vọng của tôi; trái lại chúng con kích thích những dục vọng đó là khác; nghĩa là có thể ví như một thứ nước xốt ngon cho những dục vọng ấy của tôi. Nước xốt này gồm những mâu thuẫn, những đau khổ, những phân tích nội tâm. Và những day dứt đó, lớn hay nhỏ, thảy đều cho cái trụy lạc của tôi một vị cay cay, một ý nghĩa nữa là khác. Nói tóm lại là những khát vọng của tôi về “cái mĩ, cái thiện” đã hội đủ những điều kiện cần cho một thứ nước xốt ngon. Không phải vì thế mà không có một bề sâu. Bởi lẽ nếu không thì sao tôi lại chịu chấp nhận một thứ trụy lạc tầm thường như vậy, thứ trụy lạc của một thầy kí thấp hèn, lại chịu nổi cái nhày nhụa đó một cách yên ổn? Nghĩa là phải có cái gì quyến rũ tôi, lôi kéo tôi đến những xóm đĩ chứ? Không, luôn luôn tôi tìm được một thái độ vô cùng cao quý để ngắm nhìn sự vật. Và biết bao là tình yêu, ôi Thượng Đế! Biết bao là tình yêu rung động trong tôi mỗi khi tôi mơ mộng, mỗi khi tôi khao khát “cái mĩ, cái thiện”! Cho dù cái tình yêu đó có tính cách hoang tưởng, cho dù nó không thể ứng dụng vào thế giới con người, nhưng nó tràn trề đến nỗi tôi chẳng thấy cần phải thực hiện nó và có thể coi như một thứ xa xỉ vô ích. Nhưng cũng may, tình yêu đó sau cùng hướng tới nghệ thuật: rất thong dong, rất đắm đuối, tôi quay sang nghệ thuật, nghĩa là những hình thức đẹp của đời sống mượn sẵn của các thi sĩ, các nhà tiểu thuyết, những hình thức có thể ứng dụng một cách dễ dàng vào mọi nhu cầu, mọi đòi hỏi. Chẳng hạn tôi sẽ đứng cao chót vót trên tột đỉnh nhân loại: mọi người cố nhiên đều phải quỳ xuống đất trước mặt tôi và buộc phải chiêm ngưỡng sự hoàn hảo của tôi, nhưng tôi sẽ tha thứ cho hết thảy. Là một thi sĩ và một vị quan trong triều đình, tôi sẽ trở nên đa tình; tôi nhận được hàng triệu bạc và lập tức phân phát cho khắp nhân loại, trong lúc vẫn thú nhận trước quần chúng những điều “ô nhục” của tôi - không phải ô nhục phàm trần, mà những ô nhục luôn luôn ngầm chứa rất nhiều điều “mĩ, thiện”, một cái gì na ná như Manfred. Mọi người sẽ òa khóc lên sướt mướt và ôm hôn tôi (nếu không thì chúng là đồ ngu), rồi tôi sẽ nhịn đói và đi chân không để truyền bá những tư tưởng mới của tôi, tôi sẽ nhớ về những cuộc bao vây ở trận Austerlitz[1]. Rồi một bản hành khúc nổi lên, và sau đó là ân xá cho toàn thể phạm nhân. Đức giáo hoàng bằng lòng rời La Mã đi Braxin. Và rồi một đại dạ hội được tổ chức ở Biệt thự Borghèse cho toàn thể nước Ý (biệt thự trên hồ Komo, bởi đặc biệt vào dịp này hồ Komo sẽ phải được chuyển đến thành La Mã). Và rồi những cảnh ái ân thật là vui nhộn trong các bụi rậm, v.v… và v.v… chắc quý vị ai cũng đã biết cả. Chắc quý vị sẽ bảo: phô bày những cái đó ra ngoài chợ như thế là ngu xuẩn, là hạ cấp, sau những giọt nước mắt ấy, sau những lần cảm kích ấy mà chính tôi cũng đã thú nhận? Tại sao lại hạ cấp, thưa quý vị? Chả lẽ quý vị tưởng tôi xấu hổ thực sao, quý vị cho rằng những giấc mơ của tôi còn đồi bại hơn những gì xảy ra thực trong cuộc đời quý vị sao? Với lại một vài sự việc không phải là không được sắp xếp chu đáo… Nhưng chúng đều xảy ra trên hồ Komo cả. Tuy vậy có thể quý vị đã nói đúng; quả thực có ngu xuẩn, hạ cấp! Nhưng cái khốn nạn hơn cả là sự tôi đã phải tự bào chữa trước mặt quý vị. Và câu tôi vừa nói đây lại càng khốn nạn hơn nữa! Nhưng thôi, đủ rồi. Chẳng bao giờ nói cho hết được cả, bởi luôn luôn ta tìm được cách để đi xuống thấp hơn. Không bao giờ tôi có thể mơ mộng được như vậy quá ba tháng liền, và để chấm dứt tôi luôn luôn cảm thấy cần phải tiếp xúc với xã hội loài người, nghĩa là đi thăm ông chủ sự của tôi, Anton Antonovich Setochkin. Đó là người duy nhất trên đời tôi có những liên hệ thường xuyên, và điều này đến nay vẫn còn làm tôi ngạc nhiên. Và tôi cũng chỉ đến thăm ông này khi những giấc mộng của tôi đạt tới độ hạnh phúc đến nỗi tôi thấy cần phải ôm hôn tất cả nhân loại ngay lập tức; và muốn như thế thì cần phải có một con người thật sự, một con người bằng xương bằng thịt. Nhưng bởi chỉ có thể đến thăm Anton Antonovich vào mỗi thứ ba hàng tuần (ngày tiếp khách của ông ta), cho nên tôi phải thích ứng cái tình yêu nhân loại của tôi vào đúng ngày đó. Anton Antonovich ở đường Ngã Năm, lầu bốn trong căn phòng rất nhỏ có trần thấp, tường đã vàng ố, và trông rất thanh đạm. Ông ta có hai người con gái và người cô ruột, người cô này lần nào cũng thấy ra rót nước trà. Hai người con gái thì một đứa mười ba, một đứa mười bốn và cả hai đều mũi hếch. Chúng làm tôi rất ngượng, bởi lúc nào chúng cũng thì thầm gì với nhau rồi ré lên cười khúc khích. Chủ nhân thì hay ở trong phòng làm việc, ngồi trên một chiếc đi văng bọc da, trước một chiếc bàn tròn, và luôn luôn bên cạnh có một vị trông vẻ khả kính ngồi tiếp chuyện, một vị công chức nào đó trong Bộ chúng tôi hoặc ở Bộ khác. Tôi chưa hề gặp qua hai hoặc ba người một lúc trong những lần tới thăm, và lần nào cũng vẫn những người đó. Họ nói chuyện với nhau về các vụ thầu, các buổi họp Nghị viện, về lương bổng, về bổ dụng; họ cũng nói về ông Bộ trưởng chúng tôi và về những cách làm vừa lòng ông ta, v.v… Suốt bốn tiếng đồng hồ tôi chịu khó ngồi cạnh các vị đó như một khúc gỗ, chẳng dám và cũng chẳng thể nói gì được với họ. Tôi cảm thấy mình như phờ ra, đổ mồ hôi, và thấy toàn thân như sắp tê liệt cả. Nhưng như thế tôi cho cũng có ích, bởi lúc về đến nhà tôi thấy tạm thời có thể bỏ được cái ước vọng là ôm hôn tất cả nhân loại. Nói vậy chứ tôi cũng còn một người quen khác là Simonov, một bạn học cũ. Tôi có khá nhiều bạn đồng học cũ ở Peterburg, nhưng tôi đã thôi gặp họ từ lâu, và thấy họ ngoài phố tôi cũng chẳng buồn chào hỏi gì nữa. Có lẽ chính vì muốn tránh mặt họ và cắt đứt mọi kỉ niệm thời thơ ấu khốn nạn của tôi nên tôi đã xin vào làm ở một Bộ khác. Mẹ kiếp trường học! Mẹ kiếp những năm ngục tù khốn nạn! Tóm lại tôi đã cắt đứt mọi liên lạc với các bạn học tôi ngay sau khi tôi rời nhà trường. Ngoại trừ hai hay ba tên, còn thì tôi chẳng thèm chào hỏi đứa nào nữa. Trong số bạn còn lại đó có Simonov, một người không có gì xuất sắc hồi còn ở trường, tính tình hiền lành và ít nói, nhưng tôi phục cái tính độc lập và thẳng thắn của chàng. Tôi cũng không tin là chàng ngu xuẩn lắm. Chúng tôi đã sống với nhau những ngày rất đẹp, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, hình như có một thứ sương mù đã bao phủ những mối liên hệ giữa chúng tôi. Kỉ niệm về những giây phút đó chắc là làm cho Simonov rất khó chịu, bởi tôi tin là chàng luôn luôn sợ tôi lại rơi vào cái lối tình cảm ngày xưa. Tôi còn ngờ tôi làm cho chàng rất khó chịu là khác; nhưng vì chưa chắc hẳn như vậy nên thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm chàng. Và thế là một hôm thứ năm, không chịu đựng nổi cô đơn nữa, và biết rằng Anton Antonovich không tiếp khách vào thứ năm, tôi bỗng nhớ tới Simonov. Trong lúc bước lên cầu thang tới phòng chàng (ở lầu bốn), tôi lại có ý tưởng rằng sự có mặt của tôi chắc sẽ làm phiền chàng lắm và đáng lẽ tôi không nên tới thì hơn. Nhưng nghĩ ngợi như thế thường chỉ đi đến hậu quả là xúi tôi tìm đến những tình trạng mập mờ, nên tôi bước đại vào. Đã một năm nay tôi chưa gặp lại chàng. Chú thích:[1] Ám chỉ những lần đầu quân Nga thua lớn ở Austerlitz (ND).