Ụ GIÀ VỪA ĐI KHỎI, MỌI NGƯỜI nhao nhao lên tiếng: Chàng thơ ký nhận xét trước: - Lão già cổ hủ! Người đàn bà nói thêm: - Đúng là cuốn Tự-điển giáo lý sống. Một lối quan niệm mọi rợ về đàn bà và hôn nhân! Vị luật sư góp ý: - Phải, quan niệm chúng ta khác xa người Âu Châu. Người đàn bà nói tiếp: - Hôn nhân mà thiếu tình yêu thì không phải là hôn nhân. Hôn nhân đích thực là thứ hôn nhân được tình yêu thánh hóa. Đó là điểm chính yếu mà họ đâu có hiểu. Chàng thơ ký mỉm cười thích thú, cho câu nói đó là một bài học dậy khôn mình. Giữa lúc người đàn bà hăng say phát biểu ý kiến, tôi nghe tiếng đằng hẵng sau lưng, quay lại thì thấy người đàn ông cô độc có mái tóc hoa râm và đôi mắt sáng đã tiến lại gần từ bao giờ. Ông ta có vẻ thích thú theo rõi cuộc đối thoại của chúng tôi lắm. Ông ta đứng, tay vịn vào lưng ghế, bộ mặt đỏ bừng, một bên má run run vì hồi hộp. Ông ta nói giọng ngập ngừng: - Tình yêu... tình yêu nào mà lại thánh hóa được hôn nhân? Người đàn bà cố lấy giọng dịu dàng để trấn an ông ta vì bà thấy tâm hồn ông ta đang bị giao động: - Thứ tình yêu chân thực... khi nào có được tình yêu chân thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Bấy giờ hôn nhân mới thể hiện được. - Phải rồi, nhưng thế nào là “tình yêu chân thực”? Người đàn bà buông thõng như muốn chấm dứt cuộc đối thoại: - Ai cũng biết tình yêu là thế nào! Người đàn ông phản ứng ngay: - Riêng tôi thì không. Bà hiểu thế nào, định nghĩa ta nghe thử! - Tình yêu à? Đơn giản lắm. Là thích có một người hơn tất cả mọi người khác. - Thích được bao lâu? Một tháng, hai ngày hay nửa giờ? Vừa nói ông ta vừa cười - Xin lỗi ông, chúng ta không bàn cùng một vấn đề. - Đúng cùng một vấn đề mà! Vị luật sư nói xen vào: - Bà đây muốn hiểu là, hôn nhân trước hết phải là hậu quả của sự quyến luyến, hay - tôi xin phép được dùng tiếng này - của tình yêu. Nói một cách khác, ở đâu có tình yêu, ở đó mới có hôn nhân. Thứ đến, hôn nhân nếu không dựa trên sự quyến luyến tự nhiên - hay nói đúng hơn - trên tình yêu, sẽ thiếu yếu tố ràng buộc về phương diện luân lý. Rồi quay về phía người đàn bà, vị luật sư nói thêm: - Tôi hiểu như vậy có đúng ý bà không? Người đàn bà gật đầu. Vị luật sư nói tiếp: - Hơn nữa... Nhưng cặp mắt người đàn ông quắc lên như đỏ lửa. Ông ta không để vị luật sư nói hết câu: - Phải, tình yêu là thích một người hơn tất cả kẻ khác. Tôi cũng hiểu đúng như vậy. Nhưng tôi chỉ xin phép hỏi một câu thôi: thích được bao lâu? Người đàn bà nhún vai: - Bao lâu à? Lâu lắm. Có khi suốt cả một đời. - Ồ, chuyện đó chỉ có trong tiểu thuyết. Trên thực tế, không bao giờ! Trên thực tế, tình yêu có thể kéo dài hàng năm - Chuyện nảy hiểm lắm - còn thường chỉ kéo dài được mấy tháng, đôi khi mấy tuần, mấy ngày, hoặc mấy tiếng đồng hồ. Rõ ràng là ông ta thấy quan điểm của mình đang làm kịnh ngạc mọi người. Hơn nữa ông ta tỏ vẻ hài lòng thấy được như vậy. Cả ba người chúng tôi cùng phát biểu một lúc: - Ồ, ông nói gì vậy? - Nhưng, không thể,.. - Tôi cho là không... Ngay chàng thơ ký cũng lên tiếng phản đối. Nhưng tiếng ông ta át tất cả: - Tôi biết, các ông các bà chỉ nói đến những chuyện các ông các bà cho là phải có. Còn tôi, tôi đề cập đến những chuyện có thật. Người đàn ông nào đứng trước một người đàn bà đẹp mà lại không cảm thấy cái mà người ta gọi là yêu? - Ông nói gì quái gở vậy? Cảm giác mà chúng ta gọi là tình yêu có thật mà! Và không chỉ kéo dài mấy tháng, mấy năm, nhưng suốt đời! - Không! Làm gì có chuyện đó! Thì cứ cho người đàn ông có thể thích một người đàn bà nào đó suốt đời đi, nhưng người đàn bà có giữ được lòng trung thành không? Tôi nghi lắm. Trên mặt đất này chuyện phản bội thường xảy ra như cơm bữa, và vẫn còn đang xảy ra. Nói xong, ông ta rút thuốc lá ra hút. Vị luật sư lên tiếng: - Tình yêu phải có tính cách hỗ tương. Ông ta vừa hít mạnh khói thuốc vừa mồi: - Làm gì có chuyện đó! Cũng như hai hạt thóc, có bao giờ nằm bên nhau mãi mãi được không? Hơn nữa, đây không phải là vấn đề có thể hay không có thể. Đây là vấn đề nhàm chán sẽ phải xảy ra, không thể nào tránh được. Yêu một người suốt đời có khác chi suốt đời chỉ ăn có một món? Người đàn bà cãi lại: - Từ nãy tới giờ, ông chỉ nói tới tình yêu thể xác. Ông không công nhận có tình yêu tinh thần, thứ tình yêu căn cứ trên sự tương đồng lý tưởng sao? Ông ta nhại lại: - Tình yêu tinh thần! Sự tựơng đồng lý tưởng! Nếu thế, tôi xin lỗi, đi ngủ với nhau làm gì? Hay là người ta đi ngủ với nhau vì tương đồng lý tưởng? Nói xong, ông ta cười lên khềnh khệch. Vị luật su phản ứng: - Xin lỗi! Nói thế là ông phủ nhận những sự kiện xảy ra hàng ngày. Chúng ta đều thấy hôn nhân có thật, cả nhân loại, hay ít nữa phản động nhân loại đang sống trong hôn nhân, và nhiều người đã sống lương thiện suốt cuộc đời hôn nhân. Người đàn ông tóc bạc lại cười: - Lúc đầu ông bảo hôn nhân dựa trên tình yêu. Tôi không tin có tình yêu chân thực ngoài xác thịt thì ông lại đi chứng minh tình yêu bằng cách nêu lên sự kiện là hôn nhân có thật. Nhưng ngày nay, hôn nhân chỉ là một sự lường gạt! Vị luật sư trả lời: - Tôi chỉ nói rằng hôn nhân đã có và đang có thực. - Có thực, phải! Đó là quan niệm những người coi hôn nhân là một bí tích, một huyền nhiệm ràng buộc họ trước mặt Thượng Đế. Đối với họ, hôn nhân có thực. Nhưng, đối với chúng tôi, những con người coi hôn nhân chỉ là một việc ghép đôi thì việc đó không đưa tới lường gạt cũng tận cùng bằng cưỡng bức. Trường hợp trên còn chịu được. Hai vợ chồng tỏ vẻ bề ngoài sống đời nhất phu nhất phụ, trong khi thực ra họ đang sống trong cảnh “chồng ăn chả vợ ăn nem”. Che mắt thiên hạ như thế là tồi, tuy vậy vẫn còn chịu được. Nhưng khi người vợ và người chồng đã công khai thề thốt ăn đời ở kiếp và chỉ sau một tháng đã khởi sự ghét nhau, muốn bỏ nhau, mà cứ phải tiếp tục sống chung với nhau, thì thực là một cảnh địa ngục trần gian. Chẳng mấy chốc họ sẽ đi tới chỗ bê tha rượu chè, tự sát, bắn hoặc giết nhau... Ông ta tiếp tục nói hoài, giọng mỗi lúc một hối hả, hồi hộp. Không ai nói chen vào được một tiếng. Mọi người chúng tôi đền cảm thấy bối rối. Sau cùng vị luật sư lên tiếng như muốn chấm dứt cuộc bàn cãi sôi nỗi đến độ nghẹt thở này: - Phải, cuộc sống hôn nhân thế nào chả có lúc trải qua những giai đoạn khủng hoảng? Người đàn ông tóc bạc hạ giọng: - Tôi thấy hình như ông đã biết tôi là ai rồi thì phải. - Chưa, tôi chưa được cái hân hạnh đó. - Xin ông đừng cho đó là một hân hạnh. Tôi là anh chàng Phổ, người đã trải qua giai đoạn khủng hoảng mả ông vừa nói đó. Giai đoạn đó đã xảy ra khi chàng ta đang tay giết vợ. Vừa nói, ông ta vừa liếc thật nhanh về phía chúng tôi. Mọi người đều im lặng, không biết nói gì hơn. Ông ta trấn an chúng tôi: - Thôi, bỏ đi! Tôi xin lỗi đã làm phiền mọi người, - Ồ, không có chi. Nếu ông muốn... Vị luật sư bỏ lửng câu nói, vì không hiểu chính mình đang nói gì nữa. Nhưng Phổ đã vội quay đi, trở về chỗ ngồi. Vị luật sư và người đàn bà thì thầm với nhau. Tôi lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh Phổ, không nghĩ ra được điều gì để nói. Trời tối quá, đọc sách không được. Tôi nhắm mắt lại làm bộ ngủ. Cuộc hành trình tiếp tục trong yên lặng. Tới ga kế, vị luật sư và người đàn bà đổi sang toa khác vì họ đã điều đình trước với người soát vé. Chàng thơ ký nằm ngủ ngay trên ghế. Phổ tiếp tục hút thuốc và uống trà, thứ trà ông ta đã pha ở ga trước. Khi tôi mở mắt nhìn ông ta, ông ta bất thần hỏi tôi, giọng bực mình: - Khi đã biết tôi là ai mà phải ngồi bên tôi, có lẽ ông khó chịu lắm phải không? - Nếu vậy để tôi đi. - Không, không có gì khó chịu cả. - Vậy thì, xin mời ông dùng trà cho vui. Trà đặc lắm đó. Ông rót trà mời tôi rồi nhận xét: - Họ chỉ biết nói... Toàn bọn giả dối.... Tôi hỏi lại: - Ông muốn nói sao? - Thì chuyện đó đó! Chuyện tình yêu của họ đó mà, ông không ngủ sao? - Không. - Vậy ông có muốn tôi kể ông nghe câu chuyện tình yêu của tôi đã xảy ra như thế nào không? - Muốn, trong trường hợp không làm ông đau khổ. - Tôi không nói ra được mới đau khổ. Uống trà đi! Hay đặc quá? Trà chát như la-de. Thế mà tôi uống hết một ly. Vừa lúc đó, người soát vé đi vào. Phổ đưa cặp mắt bực tức theo rõi hắn. Đợi hắn đi khỏi, ông ta mới lên tiếng.