Dịch giả: Trần Văn Điền
Chương 20

    
HẢI, TRƯỚC NGÀY XẢY RA BIẾN cố đó không lâu, tình cảnh chúng tôi là như vậy. Hình như chúng tôi sống trong một cuộc hưu chiến và không bên nào có lý do vi phạm cuộc hưu chiến đó. Rồi một hôm tình cờ chúng tôi nhắc đến cuộc triển lãm chó. Tôi nói có một con được thưởng huy chương. Nàng nhận xét: “Không phải huy chương! Đó chỉ là bằng tưởng lệ!” Thế là bắt đầu cãi nhau. Chúng tôi đi từ vấn đề này qua vấn đề khác, người nọ trách người kia: “Ô, bao giờ cũng thế. Luận điệu cũ rích!”
“Anh bảo là...”
“Không, tôi đâu có bảo thế!”
“Nói khoác!...” Thế là cứ chửi nhau loạn lên. Tôi sự đi tới chỗ giết được nhau. Tôi cố dằn lại. Con người tôi run lên bần bật vì giận dữ. Nàng cũng vậy. Còn tệ hơn tôi. Mỗi lời tôi nói ra, nàng cố ý hiểu sai đi. Nàng dùng những tiếng thật độc địa mắng nhiếc tôi. Tình trạng mỗi lúc một gay go thêm. Tôi quát: “Câm miệng lại!” hoặc những lời đại khái như thế.
Nàng chạy bỏ sang phòng các con. Tôi nắm cánh tay nàng kéo lại, cố nói cho hết câu để chứng minh quan điểm của mình. Nàng làm bộ đau la lên: “Chúng mày ơi, ông đánh tao nè!” Tôi quát lại: “Đừng nói láo!” Nàng thét: “Đây không phải lần đầu.” Các con chạy tới. Nàng trấn an chúng. Tôi chửi: “Đừng có giả vờ!” Nàng cãi lại: “Đối với mày có gì mà không giả vờ được. Mày dám giết người ta rồi bảo người ta giả vờ lắm! Tao đi guốc trong bụng mày. Mày chủ tâm như vậy đó”. Tôi gầm lên: “Đồ khốn nạn, chết quách đi cho rồi!” Những lời kinh khủng đó bây giờ nhớ lại tôi còn thấy sợ. Tôi không bao giờ ngờ mình có thể phát ra những câu tục tằn đến như vậy. Chửi nàng xong, tôi chạy vào phòng làm việc riêng, ngồi hút thuốc. Tôi nghe tiếng nàng ra theo, sửa soạn đi. Tôi hỏi: “Bà định đi đâu?” Nàng không trả lời. Tôi nghĩ thầm: “Đi đâu thì đi, mặc xác!” Rồi ngã lưng xuống giường, hút thuốc. Hàng ngàn ý nghĩ nảy ra trong đầu óc tôi. Làm thế nào báo thù nàng cho bỏ ghét, làm thế nào dứt khoát với nàng cho rồi, hoặc làm thế nào cải thiện tình trạng này, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra... Vừa nằm hút thuốc, tôi vừa suy nghĩ miên man. Tôi nghĩ đến việc chạy trốn nàng, bỏ đi cho thiệt xa, sang Mỹ chẳng hạn, hoặc dứt khoát với nàng cho xong. Sau đó tôi sẽ làm lại cuộc đời với một người đàn bà khác, không giống nàng, dễ thương hơn, tuyệt vời hơn. Hạnh phúc lại đến với tôi. Tôi sẽ dứt khoát với nàng bằng cách hoặc nàng phải chết hoặc xin ly dị. Tôi có cả một kế hoạch để thi hành.
Trong khi ấy, công việc trong nhà vẫn diễn ra như thường lệ. Bà vú vào hỏi:
“Cô đâu? Bao giờ cô mới về?” Người bồi hỏi tôi xem có dùng trà hay không. Tôi xuống phòng ăn. Mấy đứa con, nhất là con Lý bao giờ cũng hiểu chuyện nhiều hơn, nhìn tôi thắc mắc, vẻ bất bình. Chúng tôi uống trà trong bầu không khí im lặng. Nàng vẫn chưa về. Tôi vừa cáu giận vừa đâm lo. Giận vì nàng đã không thèm về để mình và các con phải khổ, lo vì không biết nàng có khỏi sao không. Tôi muốn đi tìm nàng. Nhưng biết ở đâu mà tìm? Ở nhà người chị của nàng? Nhưng không ai ngu gì đến đó mà tìm. Thôi, tốt hơn là cứ để vậy. Biết làm khổ chồng con thì chính mình cũng phải khổ. Ráng mà chịu! Chắc nàng cũng đang mong tôi đến tìm về. Nhưng nếu tôi đi tìm, lần sau nàng lại được thể làm già. Nhưng giả thử nàng không có ở nhà người chị mà đã dại dột... Mười giờ! Rồi mười một giờ! Tôi không đi ngủ được! Tôi cũng không thể nằm một mình ở đây chờ nàng được. Tôi muốn làm gì cho khuây khỏa như đọc sách, viết thơ. Nhưng tôi chẳng làm được gì cả.
Tôi ngồi một mình trong phòng, bực tức, lo lắng, nghe ngóng. Ba giờ! Bốn giờ! Nàng vẫn chưa về. Vào khoảng gần sáng tôi thiếp ngủ đi. Lúc tỉnh dậy, tôi vẫn không thấy bóng dáng nàng đâu.
Mọi việc trong nhà vẫn tiếp tục như thường lệ. Khác một điều là ai cũng nhìn tôi vẻ thắc mắc, băn khoăn coi tôi như đầu mối gây ra chuyện, còn tôi, tâm trạng bối rối vẫn kéo dài: vừa cáu giận vì nàng không chịu về, vừa lo cho nàng.
Vào khoảng 11 giờ trưa, nàng mới sai người chị tới. Câu nói đầu tiên của người chị là: “Em nó như điên lên vậy. Chuyện gì xảy ra thế?”
“Chẳng có chuyện gì cả.” Tôi cho người chị hay tôi không thể chịu được tính nết nàng nữa.
Người chị khuyên tôi: “Dượng không thể để như thế này mãi được!”
Tôi trả lời: “Lỗi là ở nó, không phải tôi. Tôi không khiêu khích ai trước. Nếu muốn thôi nhau, cứ việc thôi nhau đi!”
Chị vợ tôi bỏ về, chẳng dàn xếp được gì cả. Tôi đã nói thẳng ra là tôi không hành động trước. Nhưng chị vợ tôi đi rồi, khi ra khỏi phòng thấy các con nhớn nhác sợ hãi, tôi muốn hành động trước. Không biết tại sao tôi lại muốn như vậy. Tôi đi đi lại lại, miệng hút thuốc. Đến bữa trưa, tôi đem rượu ra uống cho quên hết cái cảnh ngu ngốc, nhục nhã tôi đang phải trải qua.
Khoảng ba giờ chiều, nàng về. Gặp tôi nàng không nói gì. Tưởng nàng đã nhượng bộ, tôi lên tiếng trước cho nàng biết là mình đã bị khiêu khích quá đáng nên mới không nhịn được. Nàng nghiêm nghị trả lời là nàng không về để biện bạch gì cả, nhưng về để gặp các con. Chúng tôi không thể sống chung với nhau được. Tôi bảo nàng là lỗi không phải ở tôi, nàng đã khiêu khích tôi đến độ chịu không nổi. Nàng nhìn tôi, nghiêm giọng: “Anh đừng nói nữa! Rồi anh sẽ hối hận.” Tôi bảo nàng là tôi không chịu nổi trò hề đó đâu. Nàng la lên mấy tiếng tôi không nghe rõ rồi chạy bỏ vào phòng riêng. Tiếng khóa kêu lách cách. Nàng đã khóa phía bên trong cửa phòng. Tôi đập cửa.
Nàng không trả lời. Tôi tức giận bỏ đi. Nửa giờ sau, con Lý chạy lại, khóc lóc. Tôi hỏi: “Làm sao vậy con? có chuyện gì xảy ra?” Nó mếu máo: “Phòng má sao vắng quá. Con chẳng nghe thấy tiếng động gì cả” Tôi vội chạy lại, đẩy mạnh cửa. Chiếc then cài không kỹ. Cánh cửa bật mở. Tôi đến bên giường thấy nàng nằm bất tỉnh, quần áo, giày dép còn nguyên chưa kịp thay. Chai thuốc phiện đã uống hết ở trên bàn.
Tôi cứu nàng tỉnh lại. Chúng tôi khóc lóc rồi làm hòa. Nói là làm hòa, không đúng, vì trong thâm tâm mỗi người vẫn còn mối cựu thù. Thêm vào đó là nỗi bực dọc do cuộc sô sát này gây ra, khi chưa bên nào chịu nhận lỗi. Nhưng rồi cuộc sống lại tiếp tục diễn tiến theo nếp cũ. Những cuộc xô xát còn tệ hơn lại tiếp tục xảy ra liên miên một tuần một lần, một tháng một lần, đôi khi hằng ngày. Cứ như thế mãi. Đã có lần tôi xin được giấy thông hành đi ngoại quốc. Chúng tôi cãi nhau mất hai ngày liền. Sau đó, lại hòa hoãn với nhau được phần nào và tôi không đi nữa.