Dịch giả: Trần Văn Điền
Chương 23

    
ẢN TÍNH TÔI THÍCH KHOE KHOANG. Điều đó dĩ nhiên, vì nếu không biết khoe khoang chúng ta thấy trên đời này chẳng có gì đáng sống. Vì vậy, chiều chủ nhật hôm đó tôi đã sửa soạn buổi dạ tiệc thật chu đáo. Chính tôi thân hành đi mua các món ăn và tự tay viết thiệp mời khách.
Khoảng 6 giờ chiều, các quan khách tề tựu đông đủ. Hắn mặc bộ lễ phục đính những hạt kim cương trông vẻ lố lăng. Dáng điệu ung dung thư thái. Hắn cười nói dễ dãi với mọi người, tỏ vẻ hài lòng về mọi chuyện xảy ra. Tôi thích thú đặc biệt mỗi khi nhận thấy ở nơi hắn một điều gì không đúng điệu. Nó chứng tỏ rằng hắn còn kém xa nhà tôi. Đúng như nhà tôi đã nói, nàng không chịu tự hạ xuống đến mức độ thấp kém như hắn đâu. Bấy giờ, tôi không thể cho phép mình ghen được. Trước hết vì tôi đã đau khổ nhiều rồi và cần phải nghỉ ngơi, sau nữa là vì tối muốn tin những lời cam đoan của nhà tôi. Mà thật vậy, tôi đã tin. Nhưng, mặc dù không ghen, tôi vẫn thấy mình không được tự nhiên đối với hắn cũng như đối với nàng. Nhất là trong lúc ăn, trước khi phần trình diễn âm nhạc bắt đầu, tôi vẫn để ý theo dõi từng cử chỉ, từng cái nhìn của chúng nó.
Như thường lệ, bữa tiệc tẻ nhạt và kiểu cách. Phần trình diễn âm nhạc bắt đầu khá sớm. Tôi còn nhớ từng chi tiết buổi chiều hôm đó. Nhớ cái cách hắn xách vĩ cầm vào, mở chiếc hộp ra, bỏ tấm vải trùm cô nào thêu tặng hắn, lấy cây đàn ra rồi bắt đầu lên dây. Nhớ dáng điệu nhà tôi lúc nàng ngồi vào dương cầm vẻ thản nhiên cốt để che dấu một tâm trạng hồi hộp của kẻ trình diễn lần đầu tiên.
Rồi cung “La” như thường lệ từ phím đàn dương cầm phát ra họa theo mấy tiếng vĩ cầm bật lên rời rạc. Mới là giai đoạn sửa soạn trước khi hòa tấu. Tôi cũng nhớ rõ cái lối chúng nó liếc nhau, quay nhìn ra cử tọa ngồi trước mặt, thì thầm với nhau điều gì, rồi khởi sự hòa tấu. Hắn dạo những nốt nhạc đầu. Nét mặt hắn trở nên trang nghiêm. Mấy ngón tay điêu luyện búng vào dây đàn. Hắn chú ý theo dõi từng âm thanh vừa phát ra. Đàn dương cầm hòa theo. Âm nhạc bắt đầu...
Ông ta ngừng kể, hắng giọng mấy tiếng liên hồi, rồi tiếp:
- Chúng nó chơi tấu khúc “Kreutzer Sonata” của Beethoven.
Sau đó, ông quay lại hỏi tôi:
- Ông biết đoạn presto đầu tiên chứ? Ô! bản tấu khúc đó, nhất là cái đoạn đầu tiên đó, đáng sợ thật. Âm nhạc nói chung là một thứ đáng sợ! Âm nhạc là cái quái gì? Thật tôi không hiểu âm nhạc để làm gì? Ảnh hưởng của nó ra sao? Tại sao phải cần đến nó? Họ bảo âm nhạc nâng cao tâm hồn. Vô lý! Không đúng! Theo ý tôi, âm nhạc có gây ảnh hưởng, nhưng không phải là thứ ảnh hưởng nâng cao tâm hồn. Âm nhạc chẳng nâng cao cũng chẳng hạ thấp, nhưng chỉ gây ra sự xao xuyến tâm hồn. Tôi không biết phải diễn tả thế nào? Âm nhạc làm tôi quên mình, quên cái thực trạng của mình. Nó đem tôi đến một trạng thái không phải là của mình nữa. Do ảnh hưởng âm nhạc, tôi thấy như mình nhận được những cảm giác không có thật, hiểu được những điều mình chưa thực hiểu, làm được những việc mình không thực làm. Có thể nói âm nhạc giống như việc cười, việc ngáp. Tôi không buồn ngủ, thế mà tôi cứ ngáp khi thấy có người ngáp. Chẳng có gì đáng cười cả, thế mà tôi cứ cười mỗi khi nghe tiếng ai cười.
Âm nhạc cuốn hút tôi vào một trạng thái tâm hồn của người sáng tác ra nó. Tâm hồn tôi hòa lẫn với tâm hồn nhạc sĩ để cùng họ sống từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nhưng tại sao lại xảy ra được như vậy? Thật tôi không hiểu. Chẳng hạn như Beethoven, người viết bản Kreutzer Sonata. Dĩ nhiên ông ta biết rõ tại sao mình sống trong trạng thái đó. Trạng thái đó đã khiến ông ta hành động ra sao, và vì thế người nhạc sĩ mới thấy có ý nghĩa. Nhưng đối với tôi thì không. Tôi chẳng thấy gì cả. Vì vậy âm nhạc không đi tới đâu cả, chỉ gây xao xuyến cho tâm hồn. Khi bản quân hành trỗi lên, đoàn quân bước nhịp theo. Thế là âm nhạc đã đạt được mục đích của nó. Khi người ta chơi một bản nhạc ở vũ trường, tôi ôm một cô gái nhảy theo, âm nhạc cũng đã đạt được mục đích của nó. Ca đoàn hát lễ trong thánh đường, tôi quì gối chắp tay cầu nguyện theo, âm nhạc cũng đã đạt được mục đích. Nếu không thế, âm nhạc chỉ làm cho tâm hồn xao xuyến, và trong lúc xao xuyến, người ta không biết phải làm gì. Vì vậy đôi khi âm nhạc gây ảnh hưởng tai hại, tai hại kinh khủng. Ở Trung Hoa, âm nhạc là một quốc sự. Như vậy mới là phải. Không thể để cho bất cứ người nào cái quyền tự do muốn thôi miên ai cũng được, nhất nữa người đó lại là một đứa vô luân mới gặp lần đầu tiên.
Âm nhạc là một khí cụ đáng sợ ở trong tay một người sử dụng bữa bãi. Hãy lấy bản Kreutzer Sonata làm ví dụ. Làm sao có thể chơi được đoạn “presto” đầu tiên ấy trong phòng khách giữa đám đàn bà con gái ăn mặc hở hang? Nghe xong, vỗ tay mấy cái, rồi đưa ly kem lên miệng, rồi nói đủ thứ chuyện, kể cả những vụ xì-căng-đan mới nhất. Những bản nhạc như thế chỉ nên chơi trong những dịp trọng đại, đòi những hành động thích hợp. Bây giờ hãy chơi và để cho âm nhạc hướng dẫn mình. Nếu không vậy, âm nhạc chỉ gây ra những tâm tình, những cảm xúc không phù hợp với cả thời gian lẫn nơi chốn và chỉ đem lại những ảnh hưởng tai hại. Dầu sao bản nhạc đó đã ảnh hưởng ghê gớm vào con người tôi. Nó đã làm sống lại trong tôi những cảm giác, những khả năng hoàn toàn mới lạ, từ xưa tới nay tôi chưa từng biết đến. Thâm tâm hình như bảo tôi: “Thế mới là đúng! Đâu có như mình vẫn quen nghĩ và sống”. Trạng thái mới mẻ này, tôi rất vui khi ý thức được nó nhưng không thể nào cắt nghĩa nổi. Tất cả mọi người, trong đó có nhà tôi và hắn, đều hiểu ra với bộ mặt khác hẳn.
Xong đoạn “allegro”, họ chơi đến đoạn “andante” tuy hay nhưng không có gì đặc sắc, với những biến âm tầm thường, sau cùng đến đoạn kết yếu kém. Sau đó, theo lời yêu cầu các quan khách, họ chơi Elegy của Ernst và mấy bản khác ngắn hơn. Bản nào cũng hay cả, nhưng chẳng ảnh hưởng gì tới tôi, ngoài bản tấu khúc đầu tiên ấy.
Suốt buổi chiều, tôi cảm thấy tâm hồn hân hoan thư thái. Chưa bao giờ tôi thấy nhà tôi như buổi chiều hôm đó. Đôi mắt sáng long lanh, nét mặt trịnh trọng trong khi chơi. Dáng điệu uể oải, cử chỉ dịu dàng, nụ cười yếu ớt, đầy cảm tình khi chơi xong. Tất cả những cái đó tôi đều thấy hết nhưng không dám nghĩ gì, chỉ thấy rằng nàng đang trải qua một tâm trạng như tôi, một tâm trạng mới mẻ, từ trước tới giờ chúng tôi chưa từng biết đến.
Buổi tối hôm đó kết thúc một cách đẹp đẽ. Các quan khách ra về.
Biết là hai hôm sau tôi phải đi họp trên quận, nên trước khi chia tay, Trúc nói lần sau trở lại Mốt-Cu, hắn hy vọng được dự buổi dạ tiệc tương tự như vậy nữa. Nghe hắn nói thế, tôi hiểu ý hắn không muốn đến trong lúc tôi vắng nhà. Điều này làm tôi hài lòng lắm.
Vì tôi không thể về trước ngày hắn khởi hành, nên chúng tôi không hẹn gặp nhau nữa.
Lần đầu tiên, tôi thành thật vui vẻ xiết chặt tay hắn và cảm ơn hắn đã góp vui với chúng tôi vào buổi dạ tiệc. Hắn từ biệt nhà tôi lần cuối. Lúc đó, thái độ hai người rất tự nhiên và thích hợp. Mọi chuyện đều đẹp đẽ. Tôi và nhà tôi đều mãn nguyện về buổi dạ hội.