Phần VI

    
ữa điểm tâm đã dọn sẵn. Bà Thủy Tiên uống cà phê và ăn bánh mì, nét mặt bà có vẻ tươi tỉnh sau một đêm ngon giấc. Nhật Long uống cà phê đen vì chàng không thích cà phê sữa. Chàng vừa uống cà phê vừa hút thuốc thơm đó là thói quen mỗi buổi sáng. Nếu ai chú ý sẽ nhận ra đôi mắt Nhật Long sâu thăm thẳm, thấp thoáng sự chịu đựng âm thầm. Chàng uể oải tư lự cả đêm qua chàng không ngủ. Chàng thao thức suốt đêm dài xót xa cho cuộc tình như một cánh buồm cô đơn không bao giờ thấy bến bờ mơ ước. Nhật Long là một chàng trai không quá rắn cũng không quá yếu đuối bi lụy. Nhật Long không khóc cho duyên phận cô đơn của mình, nhưng chàng buồn lắm, nỗi buồn mênh mông như biển, như trời. Bảo Trân dùng chiếc nĩa cắm một miếng bánh tét chiên dòn bình thản đưa lên miệng. Đây là món điểm tâm buổi sáng mà Bảo Trân ưa thích. Nàng nói với bà Mười:
- Bà Mười nhớ để dành phần bánh tét chiên cho chị Bảo Phượng nhé. Chị ấy cũng rất thích món này.
Bà Mười mỉm cười:
- Yên tâm. Bà Mười biết ý thích của Bảo Phượng mà. Còn cậu Bảo Thiện thì không thích bánh tét đâu nhé!
- Bà Mười để món gì cho anh ấy vậy?
- Tôi biết cậu Bảo Thiện thích bún măng thịt vịt nên đã chuẩn bị sẵn cả rồi.
Bà Thủy Tiên buột miệng khen:
- Bà Mười thật chu đáo. Có bà Mười, tôi không phải lo gì cho chúng nữa.
Bà Mười được chủ khen lấy làm sung sướng lắm. Hơn 20 năm giúp việc Thủy Tiên, bà nhận thấy người chủ trẻ tuổi thật là tốt bụng, giàu có nhưng không khinh người, quyền lực nhưng không ỷ thế bức hiếp người ăn kẻ ở trong nhà. Khi bà Mười đến ở cho Thủy Tiên, gia đình bà đang túng bấn đến thảm thương. Người chồng cụt hai chân vì mua bán phế liệu bị quả bom mua được từ một gánh ve chai còn nguyên ngòi nổ, nổ tàn phá đôi chân. Chồng tật nguyền, sáu đứa con đói khát nheo nhóc thật thương tâm. Bà may nhờ gặp Thủy Tiên ra tay cứu độ ban cho một số tiền sống qua cơn hoạn nạn. Cám ơn tấm lòng người tốt bụng bà theo ở hầu hạ giúp việc Thủy Tiên cho đến bây giờ. Bốn đứa trẻ trong nhà của Thủy Tiên và Dương Đan là do một tay bà săn sóc nâng niu. Những công việc trong nhà luôn luôn gọn gàng ngăn nắp, chưa bao giờ Thủy Tiên phật ý về bà. Dù đã xấp xỉ tuổi 60, bà Mười vẫn còn khỏe mạnh hồng hào. Thủy Tiên thương bà nên coi như người nhà, và bà Mười nhớ có công ăn việc làm trong nhà Thủy Tiên mà gia đình bà cũng được no ấm từ ấy đến nay. Con bà Mười đã trưởng thành, có đứa đi làm ở xí nghiệp tư doanh của Thủy Tiên, có đứa làm cô giáo, có đứa đang đại học này đại học nọ, đến chết bà Mười cũng khó mà quên cái ơn của Thủy Tiên đối với gia đình bà.
Nghe Thủy Tiên nói thế, bà Mười khiêm tốn đáp:
- Bà chủ cứ nói thế chứ tôi cảm thấy mình chưa xứng đáng với tấm lòng cúa bà chủ.
Thủy Tiên làm mặt giận:
- Bà Mười nói thế tôi không bằng lòng đâu.
Thấy chủ giận bà Mười vội rối rít:
- Tôi... tôi xin lỗi cô Thủy Tiên...
Thủy Tiên thấy bà sợ nàng giận nên không nỡ vội nhoẻn cười:
- Thôi, bà Mười ngồi xuống ăn đi, tôi chẳng thấy bà Mười ăn gì hết vậy!
Đồng hồ đổ nhạc báo 9 giờ vậy mà vẫn không thấy bóng Bảo Thiện và Bảo Phượng xuống phòng ăn. Mọi người cùng có chung một ngạc nhiên là tại sao cô dâu chú rể thức dậy trễ như vậy! Nhưng không một ai lên tiếng thắc mắc vì ai cũng có lòng tự trọng của mình. Bà Thủy Tiên chỉ ngẫm nghĩ trong bụng: “Đúng là đêm hạnh phúc, không ai còn nghĩ đến thời gian!”. Bà nhớ lại đời mình cũng có một đêm hạnh phúc như vậy bên cạnh Đại Hiệp. Ngày ấy đã xa lắm rồi trong dĩ vãng nhưng Thủy Tiên đâu nào quên, phải chi Đại Hiệp vẫn còn sống thì Thủy Tiên sẽ nói: “Ngày trước mình sao thì đêm nay hai đứa con mình cũng vậy. Điểm xuất phát của một cuộc sống ý nghĩa bắt đầu từ đêm tân hôn”. Thốt nhiên Thủy Tiên mỉm cười với ý nghĩ của mình, bà nói:
- Nếu Nhật Long không mệt lắm thì hôm nay đến xí nghiệp số I giùm cô nhé!
Nhật Long đáp nhỏ:
- Vâng.
Thủy Tiên nói với Bảo Trân:
- Con đến xí nghiệp số II.
Bảo Trân nũng nịu:
- Hôm nay con nghỉ.
- Sợ anh em công nhân không thấy mặt con họ không có tinh thần làm việc.
Bảo Trân phụng phịu:
- Hứ, má chọc con hoài.
- Đùa vậy chứ con phải đến xí nghiệp xem có cần giải quyết gì không!
Nhật Long lên tiếng:
- Thôi cô cứ cho Bảo Trân ở nhà. Cháu chạy tới chạy lui cũng được mà.
Bảo Trân nhìn Nhật Long nháy mắt:
- Anh Nhật Long nói được ghê.
Nhật Long chỉ cười nhẹ trong khi bà Thủy Tiên đồng ý:
- Thôi vậy cũng được. Vậy Bảo Trân lo phụ đi chợ với bà Mười nghen!
Bữa ăn kết thúc, ai lo việc nấy. Nhật Long về phòng thay quần áo rồi chàng đi liền đến xí nghiệp. Bà Mười dọn dẹp bàn ăn, bà Thủy Tiên vẫn còn ngồi trên ghế dựa nệm uống thêm tách trà nóng. Bảo Trân tung tăng về phòng nàng ở lầu ba, khi đi ngang lầu hai Bảo Trân khẽ liếc mắt về phòng của Bảo Thiện và Bảo Phượng thì có cảm giác là phòng không đóng có nghĩa là anh chị nàng không phải còn đang say ngủ. Ít nhất là cũng có người thức giấc nên cửa mới hé mở. Bảo Trân không dám đến gần cửa phòng mà nàng đứng tận ở đầu cầu thang mà đằng hắng gọi nho nhỏ vừa đủ để người trong phòng lầu hai nghe tiếng:
- Anh Bảo Thiện! Anh Bảo Thiện!
Không nghe tiếng ai đáp, Bảo Trân lại cất tiếng gọi:
- Chị Bảo Phượng chị thức chưa!
Vẫn không ai đáp, không chủ định mà Bảo Trân vẫn thích gần đến cửa phòng hơn chút nữa.
- Anh Bảo Thiện, anh không thức bún măng thịt vịt của anh nguội hết còn gì ngon!
Vẫn không nghe tiếng của ai trả lời, Bảo Trân lấy làm lạ lùng. Bảo Thiện và Bảo Phượng đều không phải là những con người ham ăn mê ngủ đến thế, sao hôm nay nàng gọi năm lần bẩy lượt đều không có ai lên tiếng vậy kìa! Bảo Trân định bước đến mở toang cánh cửa phòng nhưng rồi nàng khựng lại ngay vì tự nghĩ “Hay là lần đầu tiên họ được ngủ chung với nhau nên họ ngủ sáng!”. Tự nhiên mà Bảo Trân đỏ bừng mặt, mình thật là vô duyên nghĩ bậy bạ gì không đâu, kỳ quá! Nghĩ vậy Bảo Trân định bỏ đi tiếp lên cầu thang về phòng mình, nhưng không hiểu sao một lần nữa nàng lại len lén nhìn về phía cửa phòng của cô dâu mới. Tánh tò mò vốn có của phái yếu nổi lên trong lòng Bảo Trân, nó thôi thúc nàng và không chủ động mà đôi chân Bảo Trân cứ nhè nhẹ đi tới trước cửa phòng tân hôn của hai anh chị mình. Bảo Trân đằng hắng một lần nữa như cố ý “báo động” sự có mặt của nàng, rồi thì cất tiếng gọi nho nhỏ:
- Chị Bảo Phượng! Chị vẫn còn ngủ à!
Không một tiếng động, Bảo Trân nhăn mặt và cau có thầm trong bụng:
“Hai ‘ông bà’ này bộ điếc hết rồi hay sao?”
Một lần nữa Bảo Trân gọi bằng giọng bực bội kèm theo tiếng gõ cửa mặc dù nàng biết cửa không chốt:
- Chị Bảo Phượng! Anh Bảo Thiện! Dậy đi chứ ngủ gì mà ngủ dữ vậy!
Vẫn không một động tĩnh, Bảo Trân nổi dóa xô cửa bước vào. Nhưng rồi Bảo Trân nổi dóa không được lâu, khung cảnh trước mắt làm cho Bảo Trân kinh ngạc muốn đứng mắt. Bảo Phượng nằm úp mặt trên nệm, không biết ngủ thức hay có làm sao. Giường không buông mùng, chăn gối còn nguyên vị trí. Hai cây đèn long phụng dành cho cô dâu và chú rể đoán biết tình yêu và hạnh phúc của mình vẫn còn nguyên hệt như vừa được thắp lên là ai thổi tắt vậy. Trên bàn có ly và vỏ hộp nước ngọt, hoàn toàn không thấy có bóng của Bảo Thiện. Linh cảm bén nhạy đã cho Bảo Trân biết có chuyện không lành đã xảy ra trong căn phòng này.
Bảo Trân tự hỏi, tự cãi và nàng thấy rối rắm lên với những sự kiện trước mắt. Nàng ào đến bên cạnh giường và đặt tay lên người Bảo Phượng lay mạnh:
- Chị Bảo Phượng! Chị Bảo Phượng! Chị làm sao thế này!
Lúc này bị lay gọi Bảo Phượng mới từ từ quay ra và nhướng mắt nhìn. Thấy Bảo Trân, Bảo Phượng liền ôm mặt òa khóc nức nở khiến cho cô em chồng sửng sốt đứng lặng không hiểu chuyện gì. Bảo Phượng khóc sướt mướt, nàng khóc như chưa bao giờ được khóc, nàng khóc như cơn mưa hối hả trút xuống mặt đất trong những chiều mưa ngâu không ai can nổi.
- Chị Bảo Phượng! Sao chị khóc! Có chuyện gì vậy?
Bảo Phượng không đáp, nước mắt nàng vẫn tràn trề tuôn rơi xuống môi xuống má. Qúa nôn nóng Bảo Trân hỏi gay gắt:
- Chị có nghe em hỏi không, chị Bảo Phượng!
Bảo Phượng gật đầu tỏ ý vẫn nghe tiếng của Bảo Trân, nhưng nàng vẫn khóc mà không sao nói nên lời. Bảo Trân buột hỏi:
- Anh Bảo Thiện đâu chị?
Chỉ khi bị hỏi câu này Bảo Phượng mới nói được hai tiếng ngắn ngủi nhưng đầy nghẹn ngào hờn tủi:
- Đi rồi.
Bảo Trân chưng hửng:
- Đi rồi. Mà đi đâu?
Bảo Phượng lắc đầu tỏ vẻ không biết, và nàng lại khóc, tiếng khóc nghe thật xót ruột. Bảo Trân biết mình không thể làm gì hơn trong lúc này nên nàng lật đật chạy trở xuống nhà dưới báo cáo sự việc với bà Thủy Tiên. Thế là hai mẹ con lại vội vã leo cầu thang lao đến phòng của Bảo Phượng và hỏi trong hơi thở dồn dập:
- Bảo Phượng! Nói má nghe có chuyện gì vậy con!
Bảo Phượng dúi mặt vào bàn tay bà Thủy Tiên mà nức nở:
- Má ơi, con khổ quá!
Bà Thủy Tiên đầy lo lắng, bà vén tóc nàng dâu của bà cho gọn gàng rồi yêu thương nói như dỗ dành một đứa trẻ:
- Hãy nói má nghe ai đã làm con buồn khổ chứ!
Bảo Phượng chưa nguôi cơn tức tưởi nên nàng còn khóc rất lâu mới đáp được lời má chồng:
- Anh Bảo Thiện đã bỏ con.
Bà Thủy Tiên ngỡ như mình vừa bị hóa đá, bà lặng người khiến Bảo Trân đâm lo sợ:
- Má bình tĩnh má!
Bà Thủy Tiên thở dài, một tiếng thở dài tưởng như chưa từng có. Hai mắt bà sáng rực nhưng hình như ngưng hoạt động.
- Má đâu có mất bình tĩnh. Nhưng má thật không ngờ có chuyện như thế.
Bảo Trân cũng thở dài:
- Con cũng không ngờ anh Bảo Thiện lại liều tới nước này.
Tay bà Thủy Tiên run run vì cơn giận ngấm ngầm hình thành. Còn toàn thân của Bảo Phượng lại rung rung vì cơn nấc nghẹn, không gian trong căn phòng bỗng trở nên im lặng một cách ngột ngạt chỉ có tiếng Bảo Phượng là còn thút thít đau thương. Không gian như dừng lại nếu lúc đó bà Thủy Tiên không tự trấn tĩnh và lên tiếng hỏi:
- Bảo Thiện nó đi từ lúc nào hả con?
- Con không biết. Con bị anh ấy cho uống nước ngọt có pha thuốc mê...
Bà Thủy Tiên giật bắn người:
- Trời đất, có chuyện đó nữa sao trời!
Bảo Phượng đưa tia mắt nhìn mảnh giấy mà Bảo Thiện viết để lại, nàng nói:
- Má đọc giấy kia sẽ rõ.
Bảo Trân liền nhặt mảnh giấy mà nãy giờ không ai chú ý:
- Để con đọc nghe má!
Bà Thủy Tiên gật đầu thế là Bảo Trân liền đọc cho bà nghe từ đầu đến cuối. Nghe xong bà không ngăn được cơn giận liền rít lên:
- Thằng Bảo Thiện thật là khốn nạn, nó lừa dối hết thảy mọi người. Lại còn lấy cả hộp nữ trang của vợ nó nữa chứ!
Bảo Trân cũng tức tối không kém, nàng nhai theo giọng điệu của Bảo Thiện trong thư:
- “Anh đã nặng tình với một cô gái khác...!” Xí! Nghe cái giọng điệu mà bắt ghét. Không biết “con đó” đẹp tới cỡ nào mà “ổng” mê mệt nông nỗi vậy không biết.
Gương mặt bà Thủy Tiên tái xanh rồi trắng bệt, bà đang xúc động đến cực độ. Đám cưới không phải trò chơi mà Bảo Thiện nói chỉ coi như là vở kịch. Con người ta không phải là diễn viên sân khấu mà nói cưới bằng hình thức rồi bỏ trốn trong đêm tân hôn. Như thế thì biết ăn nói sao với Dương Đan, biết giấu diếm sao với dư luận, biết an ủi sao cho Bảo Phượng bình tâm! Thật là cắc cớ và tội lồi, con cái hại cha mẹ đến dường này. Tự nhiên mà bà Thủy Tiên lảo đảo loạng choạng, Bảo Trân hết hồn đỡ bà:
- Má, để con đưa má về phòng nghỉ.
- Con ở lại an ủi chị Hai con. Má đi một mình được.
Bảo Trân vẫn lo ngại:
- Con thấy má đang xúc động.
- Má đang mệt, nhưng không sao, con hãy săn sóc chị Hai con, má thấy nó buồn đau quá sợ sinh ra quẫn trí.
- Dạ để con ở đây với chị Hai, má về nghỉ đi.
Trước khi rời khỏi phòng con dâu, bà Thủy Tiên còn cúi xuống bên Bảo Phượng:
- Con bớt đau khổ, để rồi má sẽ cho tìm thằng Bảo Thiện.
Bảo Phượng không có ý kiến gì, nàng chỉ khóc hai mắt sưng mọng mở không muốn ra mà những giọt lệ vẫn không thôi tuôn trào. Bà Thủy Tiên ảo não đi ra lòng quá xót xa cho sự tình diễn ra trong nhà bà. Bà thấy điều trước tiên là phải giấu kín nhẹm chuyện Bảo Thiện bỏ nhà đi vào đúng đêm tân hôn của mình. Bà định sẽ giấu cả Dương Đan không cho bạn biết biến cố éo le xảy ra từ đứa con ngỗ nghịch. Và dù muốn dù không, dù đang giận đến độ có thể “từ” không nhìn nhận Bảo Thiện là con thì bà Thủy Tiên vẫn phải bằng mọi giá tìm cho được Bảo Thiện trở về. Làm sao mà bà không biết là bà rất thương Bảo Thiện, Dương Đan rất tin cậy ở đứa con rể, còn Bảo Phượng thì yêu tha thiết mớ cùng Bảo Thiện se duyên chồng vợ. Bây giờ thì mọi người đều chới với hụt hẫng, mà bi kịch này chính do từ Bảo Thiện gây ra.
Ở trong phòng Bảo Trân dịu dàng:
- Chị Hai, chị đừng khóc nữa mà càng làm cho má và em thêm khổ tâm.
Bảo Phượng nghẹn ngào:
- Bảo Trân ơi sao đời chị lại khốn khổ như thế nhỉ!
Bảo Trân an ủi chị dâu:
- Rồi anh Bảo Thiện sẽ trở về thôi.
Bảo Phượng lắc đầu không mấy hy vọng:
- Ảnh sẽ không về với chị đâu.
- Em tin là ảnh sẽ về.
Bảo Phượng mím môi cố ngăn tiếng nấc:
- Chị không tin ảnh sẽ về. Ảnh đã nặng tình với một cô gái khác rồi.
Bảo Trân cương quyết khẳng định:
- Anh Bảo Thiện không thể quên là ảnh đã có vợ...
- Không đâu Bảo Trân. Ảnh và chị... chưa hề... có gì. Ảnh đã bỏ đi trước khi chị kịp làm vợ. Ảnh chỉ coi chịu như đứa em gái như em vậy đó, anh Bảo Thiện sẽ không về nữa đâu.
Bảo Trân thở dài:
- Em thấy chị mỏi mệt, chị hãy ngủ một lát. Hay là chị có đói không em kêu bà Mười đem cái gì lên cho chị ăn nhé!
- Cám ơn em, chị không thấy đói. Em cứ về phòng nghỉ đi để chị nằm một mình Bảo Trân ạ!
- Không được đâu, má bảo em phải luôn luôn ở bên chị.
Bảo Phượng cười héo hắt:
- Em yên tâm đi Bảo Trân, chị có buồn có đau đớn thật nhưng không có mất trí đâu em, chị không làm liều đâu.
Bảo Trân ngần ngừ rồi nói:
- Chị nghĩ vậy em rất mừng. Dù sao chuyện đâu cũng còn có đó. Để rồi thủng thẳng sẽ tính. Bây giờ chị quá buồn mà sinh ra bệnh thì khổ thân. Má cũng rất buồn, mà dì Dương Đan hay được dì cũng buồn nữa. Không ích lợi gì vậy tốt hơn là mọi người nên bình tĩnh mà tìm cách theo dõi và gọi anh Bảo Thiện quay trở về với gia đình. Ảnh làm như vầy không những chị đau buồn mà còn làm mất sĩ diện danh giá của má làm sao má tha thứ.
Bảo Phượng hứa với cô em chồng:
- Được rồi chị sẽ nghe em, chị sẽ bình tâm. Vậy em hãy về phòng nghỉ đi.
Bảo Trân yên tâm về chị dâu, nàng từ từ đi ra và khép cửa phòng lại. Đúng lúc tiếng bước chân của Bảo Trân xa xa ngoài cầu thang thì cũng là lúc người con gái gục mặt xuống gối hồng mà khóc cho duyên phận bẽ bàng của mình...
° ° ° ° °
- Anh Bảo Thiện! Em van anh, anh hãy nghe lời em...
Bảo Thiện hấp tấp ngắt lời nàng:
- Anh không thể trở về. Tại sao em lại ép anh phải trở về với Bảo Phượng chứ!
Đôi mắt của Mi Ni buồn, một nét buồn rất thật, không hề gian dối:
- Bởi vì anh là chồng của Bảo Phượng. Anh không thể lìa bỏ người vợ mới của mình như vậy được.
Bảo Thiện vòng tay, thân hình của Mi Ni ở gọn trong vòng ôm ấp của chàng, từ lâu rồi họ đã từng sống với nhau như thế, giống như vợ chồng nhưng không phải vợ chồng, giống như nhân tình nhưng đậm đà thắm thiết hơn nhân tình. Tiếng của Bảo Thiện pha chút dỗi hờn:
- Bộ em không yêu anh hay sao mà toàn bắt anh về với Bảo Phượng!
- Tại sao anh lại nói với em như thế, lòng em thì anh đã biết rõ rồi kia mà.
- Vậy thì em nói đi tại sao em không muốn sống gần anh?
Tự nhiên mà đôi mắt của Mi Ni long lanh ngấn lệ, giọng của nàng thấm ướt nước mắt:
- Anh đã hỏi em câu ấy nhiều lần rồi và em nhớ là đã trả lời anh rất nhiều lần. Làm sao mà cây không muốn cho chim đậu, làm sao mà hoa hồng không muốn cho mùa xuân ở gần. Có hai người yêu nhau nào mà muốn xa nhau đâu!
- Vậy thì hãy để cho chim đậu, hãy để yên cho mùa xuân đến với hoa.
Một giọt lệ nhanh nhạy đã trào qua mi mắt Mi Ni mà thấm xuống da thịt của người con trai nóng hổi:
- Nhưng em làm sao mà hưởng mùa xuân khi ai đó đang thổn thức với băng giá của mùa đông!
Bảo Thiện thở dài:
- Lòng em rộng lượng, đó là một tánh tốt. Nhưng trước tiên hãy nghĩ đến tình yêu và hạnh phúc của chính mình.
Mi Ni buồn bã ngó chàng đăm đăm:
- Anh ích kỷ dễ sợ...
Bảo Thiện cãi:
- Có tình yêu nào lại không ích kỷ.
- Anh nói không đúng. Tình yêu chân chính là tình yêu biết hy sinh.
- Anh muốn hy sinh cho em Mi Ni ạ!
- Cám ơn anh. Nhưng đời em có nghĩa lý gì đâu để đáng cho anh hy sinh đánh đổi cả một tương lai.
Bảo Thiện đặt lên má nàng một chiếc hôn nóng bỏng yêu thương:
- Em đừng nói nữa. Miễn là anh tìm thấy niềm vui bên em.
Mi Ni đặt bàn tay lên môi chàng để ngăn cản nụ hôn:
- Em không muốn là kẻ cướp đoạt tình yêu. Em muốn anh và Bảo Phượng sống hạnh phúc bên nhau.
Bảo Thiện nổi sùng, chàng nói như hét:
- Anh không cho em là kẻ cướp đoạt tình yêu vậy thì em cứ lải nhải làm gì những điều như thế chứ!
- Em biết chắc là Bảo Phượng yêu anh lắm. Cũng là thân con gái em biết thế nào là nỗi đau khi mất người yêu.
Bảo Thiện hỏi vặn lại:
- Vậy anh về với Bảo Phượng em không đau hay sao?
Đôi mắt của Mi Ni vời vợi nhìn vào khoảng không phía trước. Tiếng của nàng thật ướt và thật buồn:
- Từ trước đến nay anh tốt với em quá, em muốn hy sinh cho anh. Biết rằng xa anh mất anh là đời em trở nên vô nghĩa, nhưng nếu anh ở bên em thì cuộc đời anh sẽ tàn lụi. Em không muốn thế. Em không muốn anh say đắm với tình yêu hiện tại mà phủi bỏ cả một tương lai. Anh về với Bảo Phượng anh sẽ quên được em và anh sẽ hạnh phúc.
- Anh không muốn lý luận với em về hai cá chữ “tương lai”. Anh yêu em và anh không muốn xa em, cho nên anh không thể về với Bảo Phượng.
Mi Ni vẫn cương quyết:
- Em là đứa con gái dạn dày với cuộc đời, từng trải với cuộc sống. Em có thể chịu đựng nổi đau khổ, còn Bảo Phượng là cô gái ngây thơ trong trắng, anh không thể bỏ mặc cô ấy cho khổ đau dày vò.
Bảo Thiện nghĩ ngợi hồi lâu, chàng nhận thấy Mi Ni nói rất chân thành. Chàng từng khâm phục tấm lòng của người con gái nghèo đã từng bôn trải với cuộc đời. Bảo Thiện nhìn vào mắt Mi Ni chàng nhận ra nỗi buồn long lanh bên khóe mắt người yêu, chàng hiểu rằng nàng đã nói những lời rất thật với lòng mình chứ không hề gian dối. Sự cương quyết của nàng làm cho chàng đâm gượng gạo:
- Mi Ni à... anh thật tình mà nói là anh không có yêu Bảo Phượng. Tuy nhiên anh lại rất thương mến cô ấy...
Mi Ni gạt ngang:
- Anh mâu thuẫn quá đi. Không yêu mà mến thương, gì kỳ vậy!
Bảo Thiện nhăn nhó giải thích:
- Em chưa nghe anh nói hết, khi không lại cất lời. Nhưng em cần phải phân biệt rõ ràng về chữ “yêu” và chữ “thương” chứ. Chữ yêu thì độc quyền ích kỷ trong khi chữ thương nó bao hàm tất cả tình cảm khác ngoài tình yêu chứ em.
- Bây giờ thì tạm thời là em hiểu nghĩa của hai chữ đó. Anh bảo là anh không yêu Bảo Phượng nhưng anh vẫn mến thương phải không?
Bảo Thiện gật đầu thú nhận. Mi Ni lại nói tiếp:
- Như vậy thì anh càng nên trở về với Bảo Phượng...
Bảo Thiện hét vào tai nàng khi nàng chưa kịp nói dứt câu định nói:
- Anh đã nói với em nhiều lần là anh chỉ coi Bảo Phượng như một đứa em gái. Không lẽ em bảo anh phải ăn đời ở kiếp với em gái mình à!
- Thực tế Bảo Phượng không phải là em gái của anh.
Nhưng anh tự coi như em gái. Nếu sống với em gái như vợ chồng không phải là một cái tội kinh khủng hay sao!
- Anh vô lý không thể nào chấp nhận được.
Bảo Thiện xoay hẳn mặt nàng vào ngay mặt của chàng:
- Anh không thấy anh vô lý. Ngược lại anh có lý nữa là đằng khác kìa. Vậy sao em cứ muốn dày vò anh mãi!
Mi Ni chớp nhẹ mắt, đôi rèm mi âm ẩm cong vút khẽ buông xuống tạo nên nét ưu tư trên mặt người con gái:
- Anh không hiểu em đâu Bảo Thiện ạ!
- Anh hiểu em lắm chứ, hiểu thật nhiều.
Nàng lắc đầu:
- Anh không hiểu gì hết.
- Anh hiểu.
Nàng ngước mắt lên bỗng hỏi:
- Anh hiểu thế nào về em?
Bảo Thiện nâng cằm nàng và nói thật chậm rãi:
- Em là một cô gái tốt và đáng yêu.
Mi Ni mỉm cười không ý nghĩa:
- Đó là câu tán tỉnh mà bất cứ người con trai nào cũng có thể nói với người con gái.
Bảo Thiện cũng mỉm cười theo nàng:
- Em rất đẹp nữa Mi Ni ạ.
- Đó thấy chưa! Em biết là anh không hiểu gì về em hết mà.
Bảo Thiện đỏ mặt, một chút tự ái dấy lên khiến chàng sẵn giọng:
- Ừ, cứ cho là anh dốt đi.
Mi Ni kêu lên:
- Anh Bảo Thiện! Anh nổi nóng vì cái chuyện như thế à!
Bảo Thiện ngồi bật dậy, chàng mặc vội chiếc áo sơ mi. Không thèm đáp câu hỏi của Mi Ni, Bảo Thiện định bỏ đi nhưng Mi Ni đã nhỏm người dậy nắm lấy cánh tay của chàng.
- Anh định đi đâu?
Bảo Thiện dằn dỗi:
- Em buông ra!
- Nhưng anh phải nói là anh đi đâu!
- Đi cho khuất mắt em.
Mi Ni nhíu mày:
- Anh đúng là vô lý không ai bằng.
- Em buông ra, anh sẽ không để cho em phải phê phán nữa đâu.
- Miễn là anh hứa anh sẽ trở về với Bảo Phượng.
Bảo Thiện trừng mắt nói lớn:
- Anh không về.
Mi Ni quá sức ngỡ ngàng trước thái độ của Bảo Thiện. Nàng thả tay chàng ra và cảm thấy cõi lòng quá băng giá.
- Thôi, thế thì anh hãy đi đi. Và anh đi đâu thì tùy ý anh.
Bảo Thiện chồm đến bờ vai nàng:
- Mi Ni... em đuổi anh!
Nàng thật dịu dàng:
- Anh hay gắn cho em cái danh từ ấy... mà thôi, nếu anh không chịu về với Bảo Phượng thì tùy anh.
Bảo Thiện muốn điên lên vì thái độ của nàng:
- Anh đã làm liều là vì em, vì quá yêu em, em có biết chưa? Biết chưa?
Mi Ni bình tĩnh đáp:
- Em biết lắm chứ!
Bảo Thiện gần như gào lên:
- Vậy thì sao em còn muốn làm khổ anh?
- Em muốn anh hạnh phúc ấm êm với gia đình, sao anh lại kết tội em?
- Em đuổi anh trong lúc này là em tàn nhẫn em có biết không?
Mi Ni ứa nước mắt:
- Làm sao em dám đuổi anh, vị ân nhân của mình. Nhưng anh ơi xin cho em được làm đứa em gái ngoan hiền của anh.
Cơn giận tan biến trong lòng Bảo Thiện, chàng ôm nàng hôn nàng và cảm thấy trên đời không còn gì cần thiết hơn là Mi Ni trong lúc này. Chàng thì thầm bên tai nàng:
- Mi Ni ơi, tha thứ cho anh... anh giận nên nói bậy...
Mi Ni gục đầu trên vai chàng:
- Làm sao anh hiểu là nếu vắng anh thì em sẽ đau khổ đến chừng nào. Nhưng em không muốn chính em là cơn giông tố gieo đau buồn cho người khác.
Bảo Thiện an ủi nàng và cũng chính là an ủi chàng:
- Có hạnh phúc nào mà bình lặng đâu em. Anh tin rồi má sẽ hiểu anh và tha thứ cho anh. Bảo Phượng rồi cũng hiểu anh, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi em à!
Gương mặt Mi Ni ướt nhòa lệ, nàng chắp hai tay trước ngực như người cầu nguyện:
- Thượng đế ơi, xin chứng giám cho lòng con. Con đã nói hết cách nhưng anh ấy không chịu trở về. Anh ấy yêu con và con cũng yêu anh ấy nữa, nhưng còn Bảo Phượng... còn cái đám cưới của anh ấy mới vừa hôm qua... Có lẽ giờ này cô dâu mới đang khóc trong phòng hoa chúc, có lẽ Bảo Phượng khóc nhiều lắm. Nhưng con biết làm sao... biết làm sao hả Thượng đế! Nếu biết yêu nhau là có tội, thà con chịu là người có tội! Nếu biết yêu nhau là dang dở, thì thà rằng ngày trước đừng gặp gỡ mà chi! Ai bảo ngài cho chúng con có duyên nợ, để rồi chúng con không thể nào xa nhau!
Bảo Thiện thấy nàng thinh lặng mắt khép hờ như đang cầu xin một điều gì với thượng đế, chàng khe khẽ nói:
- Em cầu xin cho tình yêu chúng mình phải không?
Mi Ni mở mắt nhìn người yêu:
- Anh làm khổ Bảo Phượng là anh có tội.
- Anh chưa hề làm khổ Bảo Phượng, cô ấy vẫn còn là cô gái ngây thơ và trong trắng nhất trên đời. Nếu có tội chăng là anh chỉ có tội...
Mi Ni hồi hộp:
- Tội gì! Anh đã làm gì?
Bảo Thiện nói nhanh để tránh hiểu lầm:
- Cái tội anh đã cho Bảo Phượng uống thuốc mê để bỏ trốn...
- Tội của anh thật là tày đình.
Bảo Thiện không dại gì khai thêm với Mi Ni chuyện chàng “mượn” của Bảo Phượng nguyên hộp của hồi môn đáng giá. Chàng biết trong những ngày sắp tới chàng sẽ cần dùng đến số nữ trang của Bảo Phượng. Mi Ni chỉ là một ca sĩ thường, nàng không dư dả gì làm sao nuôi nổi chàng trong thời kỳ chàng “ẩn náu” trốn tránh sự tìm kiếm của má chàng và Bảo Trân hay có thể là Bảo Phượng, Nhật Long không chừng.
Muốn bẻ lái câu chuyện buồn, Bảo Thiện xoa bụng và rên rỉ:
- Anh đói rồi, em có gì cho anh ăn không?
- Em chỉ có... cơm nguội.
- Thôi cũng được, hai chúng ta cùng ăn em nhé!
Mi Ni ngần ngại:
- Anh là con nhà giàu, là “giám đốc” tương lai làm sao nuốt vô cơm nguội!
Bảo Thiện vui vẻ nói:
- “Nhập gia tùy tục” chứ em!
Mi Ni vẫn áy náy:
- Rồi anh sẽ chán ngay cuộc sống của em cho xem.
- Có em bên cạnh không có gì làm cho anh chán nản hết.
Mi Ni nhìn xuống tránh ánh mắt của chàng:
- Rồi đây không biết em có lo cho anh chu toàn để mà trả cái ơn anh đã đùm bọc cha con em ngày trước không!
Đang vui Bảo Thiện nghe thế thì làm mặt hung dữ:
- Anh không muốn em nói với anh về chuyện ấy, anh giúp đỡ em và bác trong lúc hoạn nạn là vì em là bạn học cũ với anh. Anh đối xử tình người với một con người. Còn bây giờ là chuyện tình yêu, chuyện anh yêu em nó không dính dấp gì đến cái chuyện giúp đỡ nhau ngày trước. Em hiểu không?
Mi Ni không đáp vì nàng đang nghĩ đến trước kia, khi mới quen biết Bảo Thiện, nàng chỉ phục chàng chơi sộp hào phóng thôi chứ không hề có tình ý với Bảo Thiện. Nàng cũng chẳng nhớ là nàng đã học chung với Bảo Thiện khi nào, năm nào và ở lớp mấy. Nàng là ca sĩ mà lại là ca sĩ hát không hay lại nghèo nên ít người yêu thích, được Bảo Thiện mê thích thì Mi Ni lấy làm sung sướng. Nàng hãnh diện vì những tờ giấy bạc được Bảo Thiện tế nhị trao tay hoặc nhét vào bóp, nàng thú vị khi Bảo Thiện xin đưa đón nàng về bằng xe cub, nàng không nghĩ đến tình yêu và cũng không nghĩ là Bảo Thiện yêu mình đắm đuối đến thế. Bảo Thiện lui tới nhà nàng và giúp đỡ nàng bằng nhiều hình thức, trên giường bệnh người cha khốn khổ bệnh hoạn của nàng lại đem lòng mơ ước chàng sẽ là con rể quí của ông. Cha nàng hỏi nàng nhiều lần về quan hệ tình yêu giữa nàng với Bảo Thiện, dù lúc ấy Mi Ni chưa hề yêu thương Bảo Thiện, nhưng muốn cho cha có thêm niềm vui trên giường bệnh nên nàng đã tô vẽ cho cuộc tình của nàng với Bảo Thiện nên một bức tranh tuyệt sắc để dối gạt cha. Không ngờ người cha hết sức tin lời con gái mình nên mới có chuyện trước khi lìa đời ông đã tha thiết gởi gấm Mi Ni lại cho Bảo Thiện và còn bắt chàng thề hứa là sẽ không bao giờ bỏ rơi nàng dù bất cứ trong trường hợp nào. Bảo Thiện đã hứa và chàng đã giữ đúng lời hứa, dù trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào chàng cũng không hề bỏ rơi Mi Ni. Bằng chứng là chàng đã làm đám cưới với Bảo Phượng vẫn bỏ trốn để đến với nàng. Ôi! Khi yêu người ta trở nên thật liều lĩnh, người ta có thể rũ bỏ cả một cái gia tài đồ sộ, rũ bỏ người vợ đẹp mới cưới, quên cả ân sâu nghĩa nặng với gia đình Bảo Phượng, quên luôn cả trách nhiệm làm con đối với một người mẹ. Ôi, quả là mãnh lực của ái tình mà ai đó đã nói thật không ngoa chút nào!
Bảo Thiện lay nàng:
- Em có nghe anh nói không?
Nàng gật đầu:
- Em vẫn nghe.
- Em có đồng ý không?
Nàng lại gật đầu một cách máy móc:
- Em luôn luôn đồng ý với anh.
Bảo Thiện cười hài lòng:
- Tốt lắm. Người yêu của anh thật là dễ thương...
Mi Ni lặng thinh không nói trong khi Bảo Thiện hào hứng nói thêm:
- Rồi anh sẽ có cách “lăng xê” em trở thành một ca sĩ nổi tiếng.
Mi Ni nhướng mắt:
- Bằng cách nào?
- Anh xin giữ bí mật đi.
Nàng phụng phịu:
- Anh phải nói cho em biết chứ1
- Rồi sau này em sẽ biết.
- Không, em muốn biết bây giờ.
Bảo Thiện chợt hỏi một câu không ăn nhập gì đến chuyện đang nói:
- Mi Ni! Em có biết là em đẹp lắm không?
Mi Ni ngơ ngác, gương mặt nàng lúc ngơ ngác nhìn thật khả ái:
- Khi không anh đánh trống lảng hà.
- Anh đâu có đánh trống lảng. Anh đang nói ngay thẳng vấn đề.
Nàng lườm chàng, cái lườm thật ngọt ngào quyến rũ:
- Sao đang nói chuyện nghề nghiệp lại nói chuyện nhan sắc ở đây!
Bảo Thiện thấy Mi Ni không hiểu ra chàng nói như giải thích luôn:
- Có nghĩa là anh muốn nói... sao hôm nay em “chậm tiêu” quá vậy!
Nàng hối thúc:
- Hãy mau giải thích đừng có dài dòng nữa em ghét!
Bảo Thiện tuôn một mạch:
- Anh biết tâm lý cô ca sĩ nào cũng muốn cho mình nổi bật để gây sự chú ý và thu hút cho mọi người. Nhưng nếu muốn cho nổi trước hết là người ca sĩ phải biết chịu chơi...
Mi Ni cau mày ngắt ngang:
- Anh nói rõ hai chữ chịu chơi!
Bảo Thiện sợ Mi Ni hiểu lầm chàng hấp tấp nói liền:
- Chữ chịu chơi anh muốn nói ở đây là em phải thật đẹp, thật xịn, thật mô đen, là em sẽ nổi ngay và được nhiều người ngưỡng mộ chứ gì!
Tự nhiên mà Mi Ni cười phá lên làm Bảo Thiện cụt hứng:
- Em cười gì vậy?
- Em cười bởi tại anh nằm mơ giữa lúc đang thức.
Bảo Thiện trợn mắt:
- Nằm mơ cái gì! Anh đang nói chuyện đàng hoàng nghiêm chỉnh à nghen!
Đến lượt Mi Ni trợn mắt:
- Ủa... bộ anh không đùa thật sao!
- Anh nói thật.
Mi Ni nở một nụ cười buồn:
- Anh tưởng em không biết nhưng điều ấy à! Nhưng muốn thế thì người ta phải có tiền, phải giàu có. Còn em... thì anh biết rồi đó...
Nàng buồn bã nói không trọn câu trong khi Bảo Thiện vẫn vui cười thoải mái:
- Em đã đẹp nè, lại hát hay. Em chưa nổi bật là tại em xuất hiện trước mặt mọi người một cách quá giản dị. Nếu em lộng lẫy như một bà hoàng thì người ta sẽ ồ lên cho mà coi mặc dù em chẳng xa lạ mới mẻ gì với họ hết.
Mi Ni cúi đầu nhận xét:
- Anh nói đúng, đó là cái thị hiếu tất nhiên của những người thường có mặt ở các khách sạn nhạc sống và cà phê nhạc trẻ. Nhưng em đã nói muốn như vậy thì phải có tiền!
- Ca sĩ Mi Ni! Đừng lo không có tiền nữa. Trước hết em hãy đưa bàn tay đây cho anh...
Nàng nhìn chàng dò xét:
- Đưa tay cho anh để làm chi vậy anh?
Mắt chàng lồng lên mắt nàng đắm đuối:
- Không thắc mắc gì hết, cứ đưa tay đây rồi sẽ biết.
Mi Ni từ từ trao bàn tay thon mềm cho Bảo Thiện, nàng nhìn chằm chặp vào bàn tay của Bảo Thiện đang bỏ trong túi quần tây. Nhưng Bảo Thiện cố tình kéo dài thêm sự hồi hộp cho nàng, chàng nói như ra lệnh:
- Em phải nhắm mắt lại.
Mi Ni ngoan ngoãn làm theo yêu cầu, Bảo Thiện nói thêm:
- Khi nào “có lệnh” mới được mở mắt ra nghe không! Cấm hí mắt ăn gian là anh phạt đấy nhé!
Mi Ni nũng nịu:
- Anh làm khó dễ em hoài, nhanh lên không mở mắt ra bây giờ.
- Đừng mở. Cứ từ từ rồi em sẽ thích cho mà xem... chờ anh chút xíu... chút xíu.
Bảo Thiện lần tay trong túi quần để tìm vật quí nhất, chiếc nhẫn hột xoàn. Chàng lồng chiếc nhẫn đáng giá vào ngón áp út của Mi Ni và đeo thêm cho nàng chiếc vòng cẩm thạch xanh biếc quí giá. Hai vật ấy vừa vặn với khổ tay của Mi Ni tôn cho cánh tay nàng đẹp và lộng lẫy hơn nhiều.
- Được rồi, em mở mắt ra đi!
Nghe Bảo Thiện lên tiếng là Mi Ni mở mắt ra liền, nàng mở to mắt, miệng tròn vo khi chạm những tia sáng lấp lánh của viên đá quí trên chiếc nhẫn. Nàng kinh ngạc đến không thốt thành lời mà chỉ lắp bắp:
- Anh... anh... Ở.. Ở đâu... anh... cho em hả?
Bảo Thiện cười thật thỏa mãn:
- Anh tặng em đó. Coi nhưng là những kỷ vật của tình yêu.
Mi Ni vẫn không rời mắt khỏi mặt nhẫn phản chiếu nhiều màu sắc, nàng hỏi gấp:
- Ở đâu! Ở đâu anh có những vật này?
Bảo Thiện cho tay vào túi quần chàng nắm hết những gì có trong tay và đặt vào lòng tay của Mi Ni:
- Còn đây nữa, những món này sẽ giúp ta bắt đầu cuộc sống. Em hãy may sắm một ít áo quần xứng đáng dành cho ca sĩ, còn bao nhiêu em hãy cất để lo cho cuộc sống ngày mai của hai chúng ta.
Mi Ni nhìn sững mấy món nữ trang trên tay, nhiều quá, đẹp quá mà cả đời nàng chưa bao giờ được cầm trên tay. Nàng xúc động mãnh liệt nhưng cố trầm giọng hỏi Bảo Thiện:
- Anh lấy những thứ này của ai và ở đâu?
Bảo Thiện đáp không chút do dự:
- Của anh chớ của ai! Và anh lấy từ nhà anh chớ còn lấhy ở đâu!
Mi Ni thoáng ngờ vực:
- Toàn nữ trang dành cho phụ nữ mà anh bảo của anh.
Bảo Thiện thông minh lấp liếm liền:
- Má anh sắm cho anh lâu lắm rồi. Để sau này anh tặng cho người nào anh yêu thương nhất đời.
- Sao anh không tặng cho Bảo Phượng?
Bảo Thiện đã lỡ hành động một cách gian dối bây giờ chàng nói dối một cách trân tráo:
- Anh trao tặng nó cho em vì em là người mà anh yêu thương nhất.
Mi Ni xúc động mạnh bởi Bảo Thiện thật hết dạ hết lòng với nàng. Một số nữ trang quá quí, một số của cải quá lớn lao mà Mi Ni chưa bao giờ dám ước mơ, nàn muốn khóc:
- Anh Bảo Thiện!
Bảo Thiện vuốt ve mái tóc nàng:
- Mi Ni em!
- Em sống thế nào để xứng đáng với anh!
Bảo Thiện cười không đáp. Chàng thấy không cần phải nói, phải hứa gì cả. Hai trái tim biết nói và tự nó sẽ hứa với nhau những điều cần hứa. Bảo Thiện say đắm triền miên trong mộng đẹp tình yêu, và chàng quên hết, quên người con gái đang tuôn lệ đầm đìa vì ai đó đã phũ phàng duyên nợ...
° ° ° ° °
Đôi mắt thâm quầng sâu trũng, nỗi buồn và nét lo âu hằn rõ trên gương mặt của người mẹ thương xót con. Bà Dương Đan khe khẽ đặt tô cháo nóng nghi ngút lên mặt bàn và ngồi xuống cạnh chỗ Bảo Phượng nằm:
- Con gượng dậy ăn miếng cháo đi con!
Bảo Phượng quay mặt ra, nét mặt nàng thẫn thờ pha lẫn chút ngơ ngác thật thương:
- Má ơi, con thấy no rồi.
Bà Dương Đan kêu lên thảng thốt:
- No rồi! Con ăn gì mà no!
Bảo Phượng lắc đầu, nước mắt ngân ngấn nơi rèm mi ngơ ngác:
- Con cũng không biết, không nhớ nữa. Nhưng con thấy no bụng rồi, con không đói đâu.
- Mấy ngày nay con ăn uống không ra làm sao, rồi con đến bệnh mất Bảo Phượng ơi!
Bảo Phượng cười héo úa:
- Không sao đâu má. Con thấy mình vẫn khỏe. Con thấy má lo nghĩ chuyện của con nhiều, con sợ má bệnh thì có.
Bà Dương Đan nắm bàn tay con gái, bà nắn bóp nhè nhẹ thái độ hết sức âu yếm:
- Má thấy con buồn nhiều, má lo cho con.
- Má đừng lo cho con. Con có buồn cho số phận không may của mình tình yêu lận đận. Nhưng con sẽ chịu đựng được thôi má à!
Giọng người mẹ nghèn nghẹn trong nỗi thương tâm vô tận:
- Má thương con quá, nếu có thể thay thế con mà gánh chịu hết cả đau buồn của con để cho con được vui tươi hồn nhiên như ngày xưa thì má rất vui lòng.
Bảo Phượng cảm động nhìn mẹ, một vài giọt lệ nhanh nhạy đã lăn trên gò má u sầu, niềm tâm sự đau đớn của nàng như vỡ ra. Nàng nói trong tiếng khóc:
- Má ơi con khổ quá! Không biết kiếp trước con có làm gì nên tội mà kiếp này con phải chịu nhiều đau thương.
Bà Dương Đan lau nước mắt cho con gái, bà lau cho bà nữa:
- Má nghĩ má có tội gì đó để cho con phải chịu đau khổ.
- Không, má là người mẹ tuyệt vời, và nhân hậu. Má không có tội gì hết, không ai có tội gì hết, tại số phần của con phải khổ mà thôi.
Bà Dương Đan chấm nước mắt mình mấy lần nhưng mắt vẫn không khô lệ. Bà đau xót cho đứa con gái duy nhất của mình, vừa đặt chân lên lâu đài hạnh phúc thì lâu đài đã vội rã tan. Mà sự lầm lỗi này là do bà, bà đã đặt nền móng lâu đài trên cát mà vô tình không hay biết. Bà lầm lẫn mà chính Thủy Tiên cũng lầm lẫn như bà. Hai người mẹ thương con nhưng không biết là mình đã xây lâu đài trên cát cho con. Cho đến bây giờ khi nước biển đã cuốn trôi tất cả lâu đài cùng những ước mộng tương lai của con thì hai người mẹ mới kịp hiểu ra và đã quá muộn rồi. Dương Đan suy nghĩ đến nhức đầu và càng nghĩ càng lấy làm ray rứt. Tại sao trước khi gả Bảo Phượng cho Bảo Thiện bà không nhớ đến chuyện là phải để ý xem Bảo Thiện có thực dạ yêu thương Bảo Phượng không!
Bà tin tưởng tình thương của Thủy Tiên dành cho Bảo Phượng nhưng còn Bảo Thiện đối với Bảo Phượng thì sao! Mà Bảo Phượng có được vui vẻ hạnh phúc hay không là ở người chồng chớ không phải ở má chồng. Lúc hai đứa ở tuổi mười bảy mười tám bà còn thấy chúng thân thiết ríu rít bên nhau, lớn lên nữa thì lợt lạt hơn. Nhất là từ khi Bảo Thiện gần như thay mẹ để nhận cái chức cao nhất của hai cái xí nghiệp tư doanh thì hình như Bảo Thiện như người lớn hẳn, chững chạc hơn và bận rộn hơn với công việc. Bảo Thiện không còn hay gần gũi và chơi đùa với Bảo Phượng nữa, lúc ấy Dương Đan đã mơ hồ lo nghĩ đến một ngày nào đó hai đứa con mà hai bà mẹ thường trao đổi nhau ẵm bồng trong vòng tay sẽ không còn giữ trọn vẹn tình cảm thân mến cho nhau. Nghĩ vậy nhưng rồi không thấy có chuyện gì, Bảo Phượng vẫn vui vẻ hồn nhiên coi nhà của má Thủy Tiên nó như nhà của nó, và bốn đứa trẻ dù mỗi đứa một tánh tình nhưng vẫn hòa thuận khiến cho bà yên tâm. Bà cho là mình nghĩ lẩn thẩn vu vơ không tốt về đứa con rể tương lai, bà quên dần ý nghĩa ấy nên cũng không cần để ý đến yếu tố quan trọng nhất để tiến tới quyết định hôn nhân. Đó là tình yêu giữa hai tâm hồn đôi trẻ, bà Dương Đan đã quên mất Bảo Thiện không phải là đứa con trai ngây thơ như con gái bà mà dễ dàng chấp thuận tất cả sự xếp đặt của người mẹ để đi đến đích ý muốn của mẹ và lấy đó làm niềm vui đời mình không cần biết là mình có yêu thương người mình sẽ sống chung hay không. Bây giờ Dương Đan hối hận điều bà mơ hồ lo sợ ngày nào giờ đã biến thành sự thật. Bảo Thiện không yêu Bảo Phượng, cũng may là Bảo Thiện chưa hề chung sống với Bảo Phượng ngày nào như chồng vợ, nó đã can đảm nói thẳng ra điều ấy và bỏ đi ngay trong đêm tân hôn dù có hơi tàn nhẫn nhưng cũng còn hơn là nếu Bảo Thiện và Bảo Phượng đã từng sống như vợ chồng. Đến nước đó thì chắc là Bảo Phượng sẽ đau khổ tủi hờn mà chết, thà là lúc này Bảo Phượng có đau khổ, có hụt hẫng, ngỡ ngàng nhưng dù sao Dương Đan vẫn mong là Bảo Phượng sẽ quên được Bảo Thiện mà xây một lâu đài hạnh phúc khác chắc chắn hơn. Mặc dù đã mặc áo cô dâu nhưng Bảo Phượng vẫn là con gái, vẫn là một đóa hoa còn e ấp phong nhụy trong đài kín. Bà Dương Đan không hy vọng ở một cái gì đó chưa hình thành rõ rệt ở tương lai.
Bảo Phượng bỗng ngồi dậy:
- Má à, con về bên nhà nghe má! Dù anh Bảo Thiện có bỏ con, con vẫn làm dâu má Thủy Tiên cho trọn đạo nghĩa.
Câu nói tình nghĩa của Bảo Phượng làm cho bà Dương Đan chợt thù người. Cái đốm le lói hy vọng của bà chợt chao đảo ngả nghiêng, bà nói nhưng hết sức ngập ngừng:
- Con biết sống nhân nghĩa như vậy má rất mừng. Nhưng... không lẽ... con cứ chờ đợi thằng Bảo Thiện sao?
- Vâng, con sẽ chờ đợi chồng con về.
Bà Dương Đan thương con đến thắt ruột:
- Nhưng nếu... nó không trở về hoặc trở về với một cô gái khác thì sao?
Bảo Phượng muốn khóc:
- Con không tin là ảnh không trở về. Nhưng nếu ảnh thật sự đã yêu một cô gái khác thì con còn biết làm sao.
Nói đến đây nước mắt nàng vòng quanh mi, nàng quẹt nhanh và đứng bật dậy đến trước gương chải đầu. Bảo Phượng nhìn nàng trong gương nàng giật mình. Tấm gương phản chiếu nét hốc hác bơ phờ trên mặt nàng, đôi mắt ngày xưa ngây thơ nhí nhảnh giờ buồn rũ rượi như một buổi chiều mưa ảm đạm. Mái tóc đen mượt óng ả ngày nào mà Nhật Long và có khi cả Bảo Thiện nữa thường ngồi tỉ mỉ thắt bím giùm và cài lên hai đuôi tóc hai chiếc hoa phượng đỏ thắm. Bây giờ mái tóc rối bời vì mấy ngày qua nàng không buồn rớ tới gương lược. Môi nàng lúc thường rất hay cười hồn nhiên với mọi người, giờ nụ cười tắt vắng trên môi làm bờ môi thiếu nụ cười, nó giống như một cánh hoa thiếu sương nên âm thầm khô héo thảm thương.
Bảo Phượng nhìn mình mà không nhận ra mình nữa, nàng xót xa cho chính mình. Thật ra nàng không hề đau ốm, mà chỉ khóc nhiều, suy nghĩ nhiều, buồn nhiều và tưởng nhớ đến Bảo Thiện mà thôi. Cộng với những điều ấy nàng còn ăn uống thất thường và ngủ nghỉ không thành giấc. Những bữa ăn thì vô vị và những giấc ngủ cô đơn thì chập chờn thì hờn tủi và ướt đẫm lệ, nàng sa sút và trở nên thảm hại chính là như vậy.
Thẫn thờ bỏ lược rồi gương, Bảo Phượng quay ra nói với mẹ trong tiếng thở dài nhè nhẹ:
- Con về bên nhà đây má.
- Ừ thôi con về. Con bớt nhớ buồn và an ủi má chồng con bớt buồn.
Bảo Phượng dạ nhỏ trong cổ họng rồi nàng bươn bả bước đi. Nhà nàng chỉ cách nhà chồng mấy căn nên nàng đã đứng trước cổng nhà. Thấy cổng sắt đóng nàng đưa tay bấm chuông kêu cửa. Bà Mười ra mở cửa thấy nàng bà vồn vã hỏi thăm:
- Bảo Phượng đã khỏe nhiều chưa?
Nàng cười buồn:
- Con có làm sau đâu bà Mười!
- Bà Mười tưởng con đau.
Đối với Bảo Phượng bà Mười thường gọi âu yếm là con như vậy. Bà ở gần bốn đứa trẻ từ nhỏ, bà biết tính nết từng đứa. Thấy Bảo Phượng vừa hiền vừa rất tình cảm bà thương mến nàng lắm. Bảo Phượng lắc đầu đáp:
- Con vẫn khỏe.
- Thôi con vào nhà để bà Mười đóng cửa.
- Bà Mười ơi má con có ở nhà không?
Bà Mười vừa đóng xong cánh cửa bà quay vào cũng bước đi trên con đường rải sỏi trắng dẫn vào thềm tam cấp với Bảo Phượng. Bà nói:
- Má con với Bảo Trân đến xí nghiệp, bà Mười có nghe nói lát trưa má con sẽ qua thăm con.
Bảo Phượng chớp chớp mắt:
- Ồ con có đau bệnh gì đâu mà dám làm phiền má Thủy Tiên con qua thăm. Con buồn nên nằm vùi thế thôi, à mà anh Nhật Long đâu sao má con phải đến xí nghiệp hả bà Mười!
- Cậu Nhật Long đau mà con! Bà Mười mới nấu cháo vừa bưng lên phòng cho cậu ấy kế là nghe chuông con gọi cửa đó.
Bảo Phượng mở tròn mắt:
- Anh Nhật Long đau sao?
Bà Mười hấp háy đôi mắt hiền từ phúc hậu nhìn nàng và đáp:
- Cậu Nhật Long sốt, hôm qua giờ cậu nằm li bì có lúc mê man...
Bảo Phượng lo lắng kêu lên:
- Trời ơi, ảnh đau sao mà ghê vậy! Rồi có mời bác sĩ chưa bà Mười?
- Có. Bà Thủy Tiên có mời và bác sĩ đã đến sáng nay. Cậu Nhật Long được bác sĩ khám bệnh và chích thuốc, bây giờ cũng hơi đỡ.
Bảo Phượng nói nhanh:
- Con lên thăm anh ấy mới được...
Nàng dợm bước đi bà Mười ngần ngại kêu nàng lại:
- Bảo Phượng... con!
- Gì thế bà Mười!
Bà Mười ngập ngừng:
- Bà Mười săn sóc cậu Nhật Long, bà có nghe cậu ấy... lảm nhảm nói... trong mê là...
Bảo Phượng nóng lòng nên hấp tấp:
- Anh ấy nói gì?
- Cậu ấy... cậu ấy...
Bà Mười nói khó khăn khiến Bảo Phượng thêm nóng lòng:
- Bà Mười kỳ quá, có gì mà sao không nói con nghe!
- Bà Mười nói ra sợ sẽ bị con mắng.
- Làm gì mà mắng, bà Mười nói đi!
Bà Mười biết giờ này trong nhà ngoài Nhật Long đang đau nằm trên lầu thì chỉ có bà và Bảo Phượng mà thôi. Nhưng bà vẫn cẩn thận nhìn ra phía cổng biệt thự như đề phòng có người nào nghe. Thái độ của bà làm cho Bảo Phượng đâm hồi hộp:
- Bộ điều gì quan trọng lắm sao bà Mười?
Bà Mười không đáp câu nàng hỏi mà ghé tai nàng thì thầm:
- Bà Mười nghe cậu Nhật Long gọi tên con trong cơn mê.
Dẫu đang buồn nẫu ruột mà Bảo Phượng không tránh khỏi phì cười:
- Có vậy mà bà Mười làm con hết hồn. Tưởng chuyện gì kinh khủng lắm!
Bà Mười không cười phụ họa theo Bảo Phượng nét mặt bà nghiêm trang:
- Bà Mười nói thật chớ không đùa đâu.
- Con nói bà Mười đùa hồi nào. Song anh Nhật Long nhắc tên con đâu có gì đâu mà bà Mười lạ. Nhà chỉ có mấy anh em, ảnh không nhắc con, thì nhắc Bảo Trân hay anh Bảo Thiện chớ còn nhắc ai!
Bà Mười cau mày suy nghĩ mông lung, những nếp nhăn của thời gian và tuổi tác hằn cả trên vầng trán và khóe mắt bà:
- Không phải cậu Nhật Long chỉ nhắc sơ sơ thường tình, mà cậu ấy gọi trong khi lên cơn sốt cao làm mê man...
Bảo Phượng tròn xoe mắt, bây giờ nàng mới bị lôi cuốn vào câu chuyện của bà Mười đang nói:
- Hả! Bà Mười nói cái gì?
Bà Mười chợt im bặt khiến cho Bảo Phượng ngơ ngác thuỗn mặt ra:
- Bà Mười hôm nay khó hiểu quá, con không hiểu bà Mười muốn đề cập vấn đề gì nữa.
Bà Mười nhìn xuống bàn tay đang vân vê vạt áo, bà hạ thấp giọng:
- Mà thôi, con cũng không nên để tâm làm gì.
Thắc mắc, tò mò, Bảo Phượng kéo tay bà Mười và nũng nịu:
- Bà Mười đã lỡ khơi mào thì phải nói ra cho con nghe con mới chịu.
- Thôi để dịp khác, bây giờ bà Mười phái đi lo bữa cơm. Với lại bà Mười cũng chưa chắc lắm, để rồi lúc nào đó bà Mười sẽ nói chuyện với con.
Nghe bà Mười nói vậy Bảo Phượng cũng không năn nỉ để được thỏa mãn tò mò vốn ưa có ở con gái. Nàng cười:
- Thôi cũng được. Con không ép bà Mười nói liền bây giờ đâu. Nhưng khi nào thấy tiện thì bà Mười nói con nghe nghen! Bây giờ con lên thăm anh Nhật Long đây!
Nói xong nàng bước lên cầu thang liền, bà Mười nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn xinh xinh của người con gái, lòng bà bỗng ngổn ngang với những ý nghĩ vu vơ nhưng rõ rệt. Bà suy nghĩ và bỗng thốt lên một mình:
- Không ai biết trước được điều bất ngờ nào sẽ xảy ra cho mình. Cũng như Bảo Thiện và Bảo Phượng đó... tưởng như là cặp long - phụng mà hóa ra lỡ làng. Còn cái điều mà không ai ngờ tới, nghĩ tới thì... biết đâu nó lại chẳng thành sự thật!
Bà Mười đi về phía gian bếp để lo công việc của mình. Bà quên hết những chuyện vừa suy nghĩ và tìm tòi, bà say mê với các món ăn đang chế biến cho hợp khẩu vị từng người trong nhà. Hồi trước có Bảo Thiện trong nhà bà hay làm các món ăn có thịt vịt và cậu con trai cưng của bà chủ rất là ưa thích. Bây giờ thì không bao giờ bà làm vì không ai hợp nó cả. Bà Thủy Tiên luôn luôn thích thịt heo kho nước dừa xiêm, bà rất dễ tánh và ăn uống bình thường không đòi hỏi và không quá làm cực nhọc người giúp việc. Bảo Trân thường thích ăn món cá chiên dòn hoặc sốt cà chua, hôm nay bà Mười làm cho Bảo Trân món mà nàng thích. Bảo Phượng còn đơn giản hơn nhiều, nàng thích trứng gà chiên bơ và Nhật Long hông biết vô tình hay cố ý mà có chung sở thích giốn gy Bảo Phượng. Hôm nào Bảo Phượng ăn thứ gì thì Nhật Long ăn thứ nấy, tuy gia đình chẳng ai để ý đến điều ấy nhưng riêng bà Mười có để ý và bà thường giấu những nụ cười đầy ý nghĩa với sự trùng hợp tánh tình và nhiều sở thích của Bảo Phượng và Nhật Long. Ở trong nhà khó khăn hơn cả chỉ là có Bảo Thiện, chàng rất kén chọn ăn uống và cả ăn mặc. Mọi người không quan trọng điều đó vì cho là Bảo Thiện cũng cần có đủ tư cách, phong cách để làm người đàn ông chính trong gia đình và ngoài xã hội. Bà Mười thì hiểu Bảo Thiện nhiều hơn, bà biết Bảo Thiện là đứa con trai vững vàng trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Mà đã là con người mãnh liệt thì có thừa bản lãnh và trí thông minh, rồi đến một lúc nào đó những con người có sức sống mãnh liệt sẽ làm cho người khác ngỡ ngàng sửng sốt hoặc ít nhất cũng là sự cam chịu và đau buồn. Bà Mười biết thế nhưng thân phận là tôi đòi dù bà rất được chủ quí mến bà cũng không dám có ý kiến gì về những người chủ nhỏ của mình. Cho đến bây giờ suy nghĩ của bà đúng đắn, Bảo Thiện đã làm một chuyện ngỡ ngàng không ngờ đến. Câu chuyện động tròi này được gia đình khôn khéo phong lại kín mít đến nỗi bên ngoài không một ai hay biết. Nhưng làm sao... làm sao bà Mười lại không thấy tội nghiệp cho Bảo Phượng, đứa con gái đẹp dễ thương lại không may mắn ở bước đường tình, hạnh phúc một đời người.
Nói về Bảo Phượng sau khi lên hết cầu thang nàng mệt nhoài đến đứng trước phòng của Nhật Long ở tận lầu bốn. Nàng gõ cửa nhè nhẹ, có tiếng của Nhật Long hơi khàn khàn lạ lẫm:
- Cửa không khóa chốt...
Nhật Long chưa nói dứt lời Bảo Phượng đã đẩy cửa bước vô:
- Anh Nhật Long, anh đau hả?
Nhật Long ngây người, cơn sốt dường như lướt qua trong người chàng. Đôi mắt chàng mở to vừa ngạc nhiên vừa pha lẫn chút niềm vui thẹn thùa, Nhật Long định ngồi lên nhưng Bảo Phượng bước ào đến bên giường chàng:
- Anh cứ nằm đi anh Nhật Long!
Nhật Long cười, Bảo Phượng nhận thấy nụ cười của chàng buồn buồn:
- Anh xin lỗi Bảo Phượng, Bảo Phượng ngồi chơi nghe!
- Anh cứ nằm nghỉ tự nhiên, anh em trong nhà mà có gì để anh phải áy náy.
Nhật Long đành nằm nguyên, Bảo Phượng tự nhiên và thân mật kéo ghế ngồi gần Nhật Long. Nàng không chút băn khoăn chỉ nghĩ là anh trai bệnh thì em gái vào tận phòng thăm hỏi là lẽ thường tình và tự nhiên. Nhật Long thì khác, chàng nhìn thấy mặt Bảo Phượng là thấy vui và dường như có một sức mạnh đẩy lui cơn bệnh. Tiếng chàng run run xúc cảm.
- Anh nghe cô Thủy Tiên nói em cũng đau sao đó mà?
Bảo Phượng lắc đầu, nét mặt nàng bỗng vương sầu như đám mây lướt ngang vầng nguyệt:
- Em có đau yếu gì đâu, tại em buồn nên má em và má Thủy Tiên lầm tưởng là em đau bệnh.
- Anh... anh cũng buồn cho em nữa...
- Thôi anh đừng nhắc tới mà em càng thấy buồn hơn. Anh Nhật Long... anh đau sao vậy?
Nhật Long không dám nhìn Bảo Phượng nhưng lòng chàng trai thì mệt mỏi trong ngất ngây. Lý trí chàng thì muốn gào lên là đừng... xin đừng có tơ tưởng đến ai đó mà lòng mang trọng tội. Ai đó đã có chồng dù rằng hôn nhân ấy không nguyên vẹn. Nhật Long ơi hãy coi nàng như một đứa em gái bé nhỏ thân yêu của mình, hãy quên đi một ảo mộng của một tình yêu đã không ở trong tầm tay. Nàng thơ ngây trong trắng quá, nàng không hiểu không bao giờ hiểu mối tình đau xé của chàng. Nàng vô tình chỉ coi chàng là anh trai trong khi chàng ao ước được làm người yêu và khao khát được làm chồng nàng. Chàng tự thấy đời chàng không có Bảo Phượng thì sẽ không còn ý nghĩa, nàng là niềm vui hy vọng là hạnh phúc. Mắt nàng là khoảng trời tràn ngập nắng mùa xuân, môi nàng là những cánh phượng đỏ thắm nhưng dịu dàng. Gương mặt nàng là gương mặt của vầng trăng mùa thu, mái tóc nàng là dòng suối huyền êm dịu, thân hình nàng mảnh mai khả ái như chiếc lá non khép mình chờ đợi bình minh đem sức sống và tình yêu mãnh liệt đến. Bảo Phượng đang buồn, phải! Nàng buồn là phải. Ai ở trong trường hợp nàng lại không buồn chết được. Hạnh phúc chưa đượm bờ môi đã vội vàng tan biến, Nhật Long thấy căm ghét Bảo Thiện. Không phải chàng hờn ghen vì Bảo Phượng là vợ của Bảo Thiện mà chàng căm ghét bởi Bảo Thiện có tình yêu và hạnh phúc trong tay mà không biết giữ gìn lấy còn ruồng rẫy phụ bạc người con gái thật đáng yêu. Chàng ghét Bảo Thiện vì Bảo Thiện đã làm khổ Bảo Phượng, lòng chàng chỉ cầu mong cho nàng được vui tươi hạnh phúc và giầu sang bên cạnh Bảo Thiện. Chàng không duyên nợ với nàng chỉ mong đời nàng luôn tốt đẹp. Vậy mà Bảo Thiện đã làm ngược lại hết tất cả những điều mong ước của chàng làm sao mà chàng không căm ghét! Đã căm ghét thằng em họ Nhật Long.
Gương mặt Nhật Long biến chuyển từng hồi theo từng ý nghĩ. Bảo Phượng không hiểu tâm sự của chàng nên nàng thỏ thẻ lập lại câu hỏi:
- Anh Nhật Long anh đau sao vậy?
Nhật Long thẫn thờ đáp:
- Có lẽ anh bị cảm sốt em à!
Nàng lo lắng thật tình như một đứa em gái:
- Chết! Coi chừng cảm thương hàn đó nghe anh!
- Anh mong là anh không bị chứng ấy.
Bảo Phượng cầm tay chàng thấy nóng hổi, nàng chau mày:
- Anh vẫn đang sốt, anh đã uống thuốc chưa hả?
- Đã.
- Khi nào?
- Trước khi em vô.
Nàng nói thêm:
- Chắc tại anh làm việc quá sức nên mới ngã bệnh phải không?
- Không phải, anh nghĩ là tại thời tiết.
Nàng làm ra vẻ hiểu biết, tư cách giống như một người chị lo cho em mình:
- Thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu anh biết giữ gìn sức khỏe thì thời tiết làm gì anh bệnh.
Nhật Long mỉm cười:
- Hôm nay Bảo Phượng “lên lớp” anh về vấn đề sức khỏe dữ quá ha!
Nàng cũng mỉm cười:
- Các anh là phải nhắc nhở luôn như vậy đó.
Các anh! Có nghĩa là bao gồm cả Bảo Thiện, Nhật Long cảm thấy chua chát! Chàng đột nhiên bực mình:
- Anh đâu có mượn Bảo Phượng phải lo lắng cho anh.
Bảo Phượng ngó chàng:
- Anh nói gì kỳ vậy! Em cũng có bổn phận phải lo lắng cho anh chứ!
Nhật Long ngoan cố:
- Nhưng mà anh không mượn...
Bảo Phượng trố mắt ngơ ngác:
- Anh Nhật Long! Bộ anh giận em à!
Nhật Long lặng thinh, chàng cũng không hiểu chàng nữa. Tại sao chàng lại vô cớ giận Bảo Phượng nhỉ! Bảo Phượng đâu hiểu gì, biết gì mà giận hờn! Chỉ vì một câu nói vô tình của nàng mà chàng giận ư! Vô lý! Vì Bảo Phượng tỏ vẻ lo lắng nồng nhiệt cho Bảo Thiện vì Bảo Thiện là chồng nàng kia mà. Mình quả là tên vô lý hết chỗ nói, khi không mà giận hờn khi vợ chồng người ta lo lắng cho nhau. Chàng nghĩ, Nhật Long càng thấy mình tầm thường không cao cả chút nào, chàng tự xấu hổ nên thừ người ra.
Bảo Phượng dịu dàng nói:
- Nếu em có làm gì sai khiến anh giận thì anh hãy nói ra để em xin lỗi...
Nhật Long muốn nuốt trọn sóng mắt của nàng hoặc là được chết ngay trong hồ mắt đang long lanh giọt sầu:
- Không, không, Bảo Phượng không có lỗi gì. Anh xin lỗi Bảo Phượng vì anh nói toàn những điều hết sức bậy...
Chàng ôm mặt oằn người lấy làm đau khổ thấy thế Bảo Phượng càng thêm cuống quýt:
- Anh Nhật Long... anh Nhật Long... anh sao vậy?
- Anh không có sao. Thôi anh cám ơn em đã có lòng vô thăm anh.
Mồ hôi toát ra trên trán Nhật Long những giọt lớn, cơn sốt dịu lại chàng thấy dễ chịu hơn. Nhưng môi và cổ khô quá khiến cho chàng phải kêu lên:
- Em lấy giùm anh miếng nước đi Bảo Phượng!
Bảo Phượng nhanh nhẩu rót nước cho chàng và nàng còn múc từng muỗng để lên môi chàng nữa. Những giọt nước từ bàn tay thanh khiết của nàng rơi vào cơ thể cháy bỏng của Nhật Long cho chàng có cảm giác êm đềm. Chàng cầu mong cho chàng cứ bệnh mãi để Bảo Phượng cứ ngồi gần mãi bên chàng để mà lo lắng cho chàng. Dù rằng chàng và Bảo Phượng là hai người riêng biệt của hai thế giới tình cảm khác nhau, nhưng dù sao đi nữa đây cũng là tất cả những gì thượng đế ân huệ cho chàng.
Bảo Phượng không hề nghi ngờ tia nhìn đằm thắm âu yếm của Nhật Long. Nàng cúi xuống bên chàng và cất tiếng thanh thanh:
- Bà Mười để cháo trên bàn sao anh không ăn?
- Anh chưa kịp ăn.
Nàng ra lệnh:
- Anh yếu lắm hãy nằm yên để em cho anh ăn cháo.
Nhật Long nghe rộn ràng, chàng ngoan ngoãn nghe lời như nghe lời vị thầy thuốc tài ba đang chữa trị bệnh cho chàng:
- Vâng, anh xin nghe lời... bác sĩ.
Nàng vùng vằng:
- Em không phải là bác sĩ.
Chàng đùa:
- Không chịu làm bác sĩ thì làm... hộ lý nhé!
Nàng vui vẻ cười vang:
- Không được hạ giá người ta.
- Vậy làm y tá được không!
- Được rồi, em làm y tá không chuyên môn cho anh. Nhưng bắt buộc bệnh nhân phải nhất nhất nghe lời y tá à nghe!
Chàng thấy vui và nói:
- Nhưng anh không có tiền trả công y tá!
- Y tá này không đòi tiền công đâu. Chỉ mong bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh là mừng rồi.
Nhật Long buột miệng thốt:
- Tốt quá, em thật là tốt Bảo Phượng ạ.
Bảo Phượng mím môi trừng mắt:
- Không tốt đâu. Đừng có vội khen. Y tá sẽ bắt anh uống thuốc thật đắng để xem anh còn khen hay không cho biết.
Bảo Phượng vừa trò chuyện với Nhật Long nàng vừa cho chàng ăn hết được một tô cháo. Cả hai đều cảm thấy sung sướng, Bảo Phượng sung sướng vì ép được Nhật Long ăn ngon mà nếu ăn ngon dễ mau lại sức, bình phục. Còn Nhật Long sung sướng bởi sự có mặt của Bảo Phượng bên cạnh, chàng thấy như mình đã mười phần giảm bệnh vì sự có mặt của Bảo Phượng bên cạnh. Bất giác mà chàng nắm lấy bàn tay của Bảo Phượng và toan đặt lên môi, nhưng rồi chàng thình lình khựng lại. Lương tâm không cho phép, lý trí không cho phép, chàng bối rối thở dài khiến Bảo Phượng phải ngạc nhiên:
- Gì đó anh Nhật Long?
- Anh... anh cám ơn sự chăm sóc của... em gái.
Bảo Phượng “xì” nhẹ một cái rồi nàng chúm miệng cười nụ. Cái nụ cười của nàng càng làm cho Nhật Long thêm rung cảm và ao ước ngất ngây...