Chương 10

    
ai giờ 32 sáng thứ sáu
Sau này, trong cuộc điều trần không thể tránh khỏi trước Quốc hội Mỹ, người ta đã tập trung nhiều về việc xác định chính xác thời điểm và cách thức các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nắm được hiểm hoạ sắp giáng xuống Luân Đôn.
Câu trả lời là 2 giờ 32 sáng theo giờ địa phương, khi một cú điện thoại từ một người được xác định là “nguồn tin tình báo hải ngoại”, đến trên đường dây khẩn cấp trong dãy văn phòng điều hành ở tầng bảy thuộc Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia. Nguồn tin tình báo hải ngoại, dù chưa được xác định, chính là Gabriel và đường dây khẩn cấp anh đã quay số chính là của Adrian Carter, Phó giám đốc nghiệp vụ của CIA. Trong thời điểm bình thường, cuộc gọi này có thể đã được chuyển đến nhà Carter ở gần MCLean. Tuy nhiên, đây gần như không phải thời điểm bình thường và mặc dù ở thời điểm nguy cấp, Carter vẫn đang đứng ở cửa sổ văn phòng nóng lòng chờ đợi thông tin về kết quả của một chiến dịch nhạy cảm đang thực hiện ở vùng núi Pakistan.
Ngoài hướng nhìn thẳng ra sông Potomac, ít có lý do nào cho thấy văn phòng của Carter là một trong những nơi nhiều quyền lực nhất của cơ quan tình báo quy mô ở Washington. Cũng không ai đoán được gì nhiều từ bề ngoài có vẻ mộ đạo của Carter. Chỉ vài người ở Wasington biết rằng Adrian Carter nói thông thạo bảy thứ tiếng và có thể hiểu ít nhất bảy thứ tiếng nữa. Cũng ít người biết rằng Carter, trước khi trở thành một nhân vật quen thuộc của tầng bảy tại Langley, đã là một trong những chiến binh giấu mặt trung thành nhất của quốc gia.
Dấu tay của ông đã từng để lại trên mọi chiến dịch ngầm quan trọng của Hoa Kỳ trong những năm vừa qua. Ông đã tham dự vào việc lấp liếm kết quả bầu cử, lật đổ chính quyền và giả mù trước những vụ hành quyết và ám sát nhiều hơn anh có thể đếm được. Tính khoan nhượng ít có trong cách xử sự của Carter. Carter chuyên về nghiệp vụ, ông ta chỉ thực hiện những gì được giao mà thôi. Chỉ trong vòng một năm, chính ông đã làm nhiệm vụ của Chúa ở Ba Lan, dựng lên thể chế ma quỷ ở Salvado. Hay chuyện ông trút đô la và súng bắn tên lửa lên những chiến binh Hồi giáo thánh chiến ở Afghanistan, dù ông biết một ngày nào đó họ sẽ trút đạn và sự chết chóc lên người mình.
Nhưng ngày nay, sống thọ là thành tựu đáng nói nhất của Carter. Những hiền triết ở Langley thích đùa rằng cuộc chiến chống khủng bố đã làm thiệt mạng thêm nhiều người trong Ban chỉ huy chiến dịch hơn trong hàng ngũ lãnh đạo al-Qeada. Dù sao Carter cũng còn sống. Ông đã sống sót qua những cuộc thanh trừ bằng máu với những con dao dài, súng, mìn và cả nỗi sợ hãi. Bí mật cho sự sống sót của ông là ở chỗ ông thường dự đoán đúng. Mùa hè năm 2001, ông đã cảnh báo rằng al-Qeada đang lên kế hoạch tấn công lớn vào nước Mỹ. Mùa đông năm 2003, ông báo động một số nguồn tin về chương trình vũ khí đáng nghi ngờ của Irắc, nhưng do tin đó bị sếp của ông bác bỏ. Và khi chiến tranh trở nên ác liệt ở khu Lưỡng Hà, ông đã viết một công hàm bí mật dự báo Irắc sẽ trở thành một Afghanistan mới, nơi sản sinh ra thế hệ kế tiếp của những kẻ thánh chiến, một thế hệ sẽ tàn bạo hơn và khó lường trước hơn những thế hệ trong quá khứ. Carter đã khẳng định không dựa trên bất cứ sự phân tích đặc biệt nào, mà bằng dự cảm riêng của mình. Mười lăm năm sau, trong một căn nhà tồi tàn ở Peshawar, một người đàn ông râu ria đội khăn xếp đỏ đã báo cho ông biết rằng, một ngày nào đó những lực lượng Hồi giáo sẽ biến Hoa Kỳ thành tro bụi. Carter tin lời người đàn ông trong trí tưởng tượng ấy.
Và chính Carter này – Carter mật vụ, Carter sống sót, Carter bi quan – người mà trong buổi sáng sớm ngày thứ sáu xui xẻo tháng 12 đó, mệt mỏi đưa điện thoại lên tai chờ một tin từ một vùng đất xa xôi. Thay vào đó ông lại nghe thấy gọng của Gabriel và được cảnh báo là sẽ có một vụ tấn công ở Luân Đôn. Carter tin lời Gabriel.
Carter ghi số của Gabriel rồi ngắt điện thoại, ngay lập tức ông quay số đến bàn nghiệp vụ tại Trung tâm chống khủng bố Quốc gia.
Sỹ quan trực hỏi. “Thông tin này có đáng tin cậy không?”.
“Đủ tin cậy để tôi gọi anh lúc 2 giờ 34 phút sáng đấy”, Carter cố giữ bình tĩnh. “Anh hãy báo cho RSO tại Đại sứ quán bằng điện thoại ngay lập tức, bảo ông ta dốc toàn lực và nhân viên vào vị trí chiến đấu cho đến khi chúng ta kiểm soát được tình hình”.
Carter gác điện thoại trước khi người sĩ quan trực có thể đặt một câu hỏi điên rồ nào khác, ông ngồi thừ ra và cảm thấy hoàn toàn vô dụng. Ông nghĩ: đồ NCTC chết tiệt. Ông sẽ đưa vấn đề vào tầm kiểm soát. Ông quay số chi nhánh CIA ở Đại sứ quán Luân Đôn và một lúc sau đã nói chuyện với Kevin Barnett, Phó COS (phó giám đốc CIA tại Đại sứ quán Luân Đôn). Khi Barnett mới nói chuyện, giọng ông khá run.
“Sáng nào cũng có một nhóm nhân viên Đại sứ quán chạy bộ trong công viên Hyde Park”.
“Anh chắc không đấy?”.
“Thường thì tôi tham gia mà”
“Còn ai chạy ở đó?”
“Sỹ quan Trưởng phòng báo chí, liên lạc FBI, sỹ quan an ninh khu vực…”
“Ôi lạy Chúa”, Carter cướp lời.
“Tình hình chuyển biến tệ hơn”.
“Tệ hơn thế nào?”.
“Elizabeth Halton”.
“Con gái ngài đại sứ phải không?”
“Đúng”
“Họ rời đi lúc mấy giờ?”.
“Đúng 5 giờ 15”.
Carter nhìn đồng hồ. Lúc đó là 7 giờ 36 phút ở Luân Đôn.
“Hãy bảo họ trở về Đại sứ quán đi Kevin. Tự họ phải chạy qua công viên Hyde Park nếu không có cách nào khác”.
Âm thanh tiếp theo Carter nghe được qua điện thoại là tiếng Phó COS ở Luân Đôn đóng mạnh cửa. Carter gác điện thoại, chờ 10 giây rồi gọi lại cho Gabriel.
Ông nói: “Tôi nghĩ có một nhóm của đoàn ngoại giao đang chạy bộ trong công viên Hyde Park. Anh có thể đến chỗ đó trong bao lâu?”.
Carter nghe một tiếng cách khác nữa.
Họ đã vào công viên từ cổng Brook, chạy xuống phía nam dọc theo đường Broad Walk đến góc Hyde Park, rồi sang phía tây dọc theo đường Rotten, qua Vườn Hồng và khu Dell. Elizabeth Halton chạy lên trước khi họ đến đài tưởng niệm Albert; sau đó cô nhanh chóng tăng tốc khi họ chạy lên hướng bắc đường Lancaster Walk để sang đường Bayswater. Jack Hammond, phát ngôn viên Đại sứ quán, chạy qua mặt Elizabeth rồi hướng nhanh đến cổng Victoria và chạy xuống đường West Carriage Drive đến bờ khu Serpentine. Khi họ đến chỗ nhà thuyền, một chiếc điện thoại di động vang lên. Đó là điện thoại của Chris Petty, người của RSO.
Chúng trông như những cái va li đang lăn bình thường. Nhưng thật ra không hoàn toàn như thế. Cạnh và bánh xe được trợ lực để chịu được sức nặng của thuốc nổ, nút trên những chiếc tay cầm có thể gấp xuống được nối với bộ kích nổ. Những cái va li này là tài sản của bốn người đàn ông đang tiếp cận bốn mục tiêu khác nhau cùng một lúc. Những ga tàu điện ngầm tại các khu vực rạp xiếc Piccadilly, quảng trường Leicester, ngã tư Charing, và Nhà mái vòm. Những người này không biết gì về nhau, nhưng giữa họ có nhiều điểm chung. Cả bốn đều là người Ai Cập. Cả bốn đều là người Hồi giáo Takfiri coi cái chết của mình cũng rẻ mạt như mạng sống của những người ngoại đạo. Cả bốn đều đang đeo đồng hồ kỹ thuật số Seiko sẽ báo thức đúng 7 giờ 40 phút sáng.
Gabriel mất 2 phút thay quần áo rồi lấy khẩu Beretta và mất một phút nữa để đi xuống tầng dưới và ra đường. Đèn tín hiệu giao thông trên Bayswater đang đỏ khi anh đến. Anh không dừng lại mà phóng nhanh qua luồng giao thông đang ập đến để vào công viên. Đúng lúc đó anh nghe thấy một tiếng nổ vang lên và cảm thấy mặt đất rung chuyển dưới chân mình. Anh dừng lại một chút, không chắc chắn về những gì mình vừa nghe và cảm thấy, sau đó anh quay người chạy nhanh đến khu vực giữa công viên.
Chris Petty đã chạy chậm lại rồi dừng hẳn, rút điện thoại khỏi kẹp gắn với thắt lưng quần tập thể thao.
Anh nói lớn. “Các bạn chứ chạy đi. Cứ đi theo lộ trình thường ngày. Tôi sẽ đuổi kịp nếu có thể”.
Những người còn lại trong nhóm đã quay ra xa bờ khu Serpentine và tiến vào khu vực nhiều cây cối phía bắc hồ. Petty nhìn vào màn hình nhận diện người gọi. Đó chính là số văn phong của Đại sứ quán. Anh mở điện thoại đưa nhanh lên tai nghe.
“Petty đây”.
Im lặng
“Chris Petty đây. Nghe rõ trả lời?”.
Im lặng
“Mẹ kiếp”.
Anh ngắt điện thoại rồi chạy theo những người khác. Hai mươi giây sau, điện thoại reo lần nữa. Lần này, khi áp điện thoại lên tai, tín hiệu nghe rất rõ.
Người đàn ông trong bộ đồng phục của Addison&Hodge đang thu nhặt rác dọc theo lối đi nhìn lên khi nhóm người chạy bộ qua đường đi bộ dẫn từ khu Nhà Cảnh Sát cổ đến khu Reformers’ Tyree. Chiếc xe Addison&Hodge giả thứ hai đã đổ phía bên đường đối diện, một người đàn ông mặc đồng phục nữa đang vẽ hí hoáy trên đất bằng một cái gậy. Họ đã chuẩn bị cho giây phút này hơn một năm qua. Ba mươi giây, tên lên kế hoạch hành động nói. Nếu kéo dài hơn ba mươi giây, mày sẽ không còn sống mà ra khỏi khu công viên này. Người đàn ông thò tay vào chiếc túi đựng rác hắn đang giữ trong tay và sờ thấy một vật bằng kim loại lạnh lẽo: một khẩu súng máy MP hiệu Hecker&Koch, nạp bốn mươi viên đạn chống tăng. Hắn ấn nút lên nòng sang chế độ phù hợp rồi chầm chậm đếm đến 10.
Chris Petty không thể nào tắt được điện thoại gọi từ Đại sứ quán trước khi đuổi theo đồng nghiệp. Anh gần như lập tức nhìn thấy họ sau lối rẽ ở khu vực Nhà Cảnh Sát cổ. Họ đã chạy được một nửa khoảng cách đến khu Reformers’ Tyree và đang đến gần hai chiếc xe tải nhỏ hiệu Ford Transit màu xanh lá cây đang đậu dọc theo lối đi. Không có gì bất thường khi gặp những người làm việc vào sáng sớm như thế - công viên Hyde Park với diện tích 350 mẫu Anh rất cần sự chăm sóc duy tu thường xuyên – nhưng mục đích thật sự của họ đã lộ ra chỉ trong vài giây sau khi những cánh cửa chở hàng phía sau bật tung và tám người đàn ông có vũ trang mặc đồ thể thao màu đen với khăn trùm đầu kín mít nhảy ra. Những tiếng gọi cảnh báo vô vọng của Petty vang lên cũng như âm thanh của tiếng súng và tiếng thét gào ngay sau đó được ghi lại từ bên trong Trung tâm hoạt động của RSO. Petty bị bắn 10 giây sau tiếng súng đầu tiên. Những âm thanh hấp hối cuối cùng của anh được thu lại trên máy của trung tâm. Anh cố nói điều gì đó trước khi ngã quỵ, rồi sau đó vài phút, các đồng nghiệp đang sững sờ trong toà Đại sứ quán mới hiểu được nghĩa của từ đó: Những kẻ làm vườn…
Gabriel nghe tiếng súng đầu tiên trong khi vẫn ở khu vực mạn bắc công viên. Anh rút khẩu Beretta và chạy nhanh vào rừng cây rồi dừng lại trên lối đi bộ nhìn theo hướng của khu Reformers’ Tyree. Cách đó 50 thước Anh là cảnh tượng như trong ác mộng: những thi thể đang nằm trên đất, những người đàn ông đang kéo một phụ nữ giãy giụa về phía sau xe tải đang chờ sẵn.
Anh giơ súng lên nhưng rồi tự hạ xuống. Đay có thực là một vụ tấn công hay anh chỉ đang lạc vào một cuộc diễn tập của cảnh sát hay là một cảnh trong phim hành động? Những người đàn ông mặc đồ đen là khủng bố, là cảnh sát hay là diễn viên? Thi thể gần nhất nằm cách đó 30 thước Anh. Trên nền đất cạnh người đàn ông là chiếc điện thoại di động và một khẩu súng hiệu Sauer P226 9mm. Gabriel bò nhanh đến cạnh người đàn ông đang nằm rồi quỳ xuống cạnh xác anh ta. Máu và vết thương do đạn bắn là thật, và ánh nhìn chết chóc trong đôi mắt sợ hãi của người đàn ông là thật. Anh biết đây không phải là trò diễn tập hay cảnh trong phim. Mà đây là vụ tấn công anh đã lo sợ, và nó đang phơi bày trước mắt anh.
Những tên khủng bố không chú ý đến anh, Gabriel vãn đang quỳ xuống, cầm khẩu Beretta bằng hai tay rồi nhắm vào một trong những tên mặc đồ đen đang kéo người phụ nữ về chiếc xe bán tải. Chỉ cách 30 thước Anh, Gabriel nhả một phát đạn giống như anh đã từng thực hiện trước đây vô số lần. Anh bóp cò hai lần liên tiếp, pằng...pằng, như đã được huấn luyện. Một lúc sau, có một dải cầu vòng màu đỏ hồng phun ra và người đàn ông ngã xuống nền đất, như món đồ chơi đứa trẻ buông ra khỏi tay. Gabriel lia tầm ngắm sang phải một chút rồi bắn tiếp. Lại một dải cầu vồng màu máu nữa xuất hiện, óc văng ra. Thêm một tên nữa về chầu trời.
Lần này có tiếng súng bắn trả lại. Gabriel bò khỏi lối đi bộ rồi nấp sau một thân cây khi làn mưa đạn xé nát vỏ cây ra từng mảnh nhỏ. Khi tiếng súng ngưng, anh bò từ sau gốc cây và thấy những tên khủng bố đã kéo người phụ nữ vào sau xe. Một tên đang đóng cửa sau, những tên khác đang chạy nháo nhào về chiếc xe bán tải thứ hai. Gabriel nhắm vào tên đóng cửa rồi bắn. Phát đầu tiên trúng vào vai trái tên khủng bố, làm hắn lăn quay. Phát thứ hai trúng vào giữa ngực hắn.
Những chiếc xe bán tải phóng về phía trước và chạy qua khu vực cây xanh rộng lớn, đến khu Nhà vòm cẩm thạch và tiến về xa lộ đông đúc ở góc đông bắc của công viên. Gabriel đứng dậy lao theo chúng, sau đó dừng lại rồi bắn vài phát vào sau xe tải mà anh biết là nó chứa đầy những tên khủng bố. Những chiếc xe bán tải tiếp tục chạy hết chu vi công viên. Gabriel rượt đuổi vài giây nữa rồi nhận ra mình không thể đuổi kịp chúng, anh quay lại chỗ xảy ra vụ tấn công.
Có 9 thi thể nằm rải rác trên lối đi vương đầy máu. Sáu người Mỹ đã chết, cũng như hai tên khủng bố mà Gabriel đã bắn hạ bằng những phát súng vào đầu. Tên lúc nãy kéo người phụ nữ vào phiá sau xe tải đang nằm thở hắt ra, máu chảy ra từ miệng của khăn trùm đầu. Gabriel đá cây súng ra khỏi tay hắn và xé chiếc khăn trùm đầu. Gương mặt nhìn anh hơi quen. Sau đó anh nhận ra hắn là Samir Al Marsi, tên người Ai Cập từ Amsterdam đến.
Mắt của tên khủng bố người Ai Cập bắt đầu mất thị giác. Gabriel cần khai thác hắn trước khi hắn chết. Anh nâng người tên Ai Cập lên bằng cách túm lấy bộ quần áo của hắn rồi tát mạnh vào mặt hắn.
“Tại sao bọn chúng bắt cô gái đi, Samir? Cho tao biết mày định làm gì với cô gái!”.
Đôi mắt hắn tập trung lại một chút.
“Sao mày biết tên tao?”
“Tao biết hết, Samir. Chúng đưa cô gái đi đâu?”
Hắn mỉm cười ác ý. “Nếu mày biết hết thì tại sao lại hỏi tao?”
Gabriel đánh hắn tiếp, lần này mạnh hơn, mạnh đến nỗi anh sợ hắn bị gãy cổ. Nhưng cũng không có tác dụng. Samir đang hấp hối. Gabriel chĩa súng vào mắt hắn hét lên. “Tụi nó đưa cô gái đi đâu? Nói tao nghe nếu không tao bắn vỡ sọ!”
Nhưng Samir chỉ tiếp tục mỉm cười, đó không phải là nụ cười ác ý nữa mà là nụ cười thách thức của người đã đạt được ý nguyện trước khi chết. Gabriel đã mang hắn đến cửa tử và hắn vui vẻ khi nhìn thấy mình sắp sang thế giới bên kia. Gabriel đặt báng súng Beretta lên mặt tên khủng bố và định bóp cò thì nghe tiếng hét lớn phía sau mình. “Bỏ súng xuống! Giơ tay lên”.
Gabriel buông tên người Ai Cập ra rồi đặt khẩu Beretta lên nền đất, chầm chậm giơ tay lên. Trí nhớ của anh về những gì diễn ra kế tiếp cũng mù mờ. Anh chỉ nhớ mình bị đẩy xuống đất và còn nhớ được ánh mắt Samir đang nhìn anh. Rồi có ai đó đánh anh vào phía sau đầu, một cú đánh mạnh có vẻ như có thể bổ sọ anh ra làm hai. Anh cảm thấy đau dữ dội và một ánh sáng loé lên. Rồi anh thấy một người phụ nữ - một người phụ nữ mặc đồ thể thao màu xanh đậm, bị dẫn vào một thung lũng tro bụi bởi những kẻ sát thủ đeo khăn trùm đầu màu đen.
Cú điện thoại gọi đến căn phòng ở tầng hai Nhà Trắng lúc 3 giờ 14 phút sáng. Tổng thống nhắc ống nghe từ máy điện thoại sau tiếng chuông reo đầu tiên và đưa nhanh lên tai nghe. Ông lập tức nhận ra giọng nói ở phía bên kia đường dây: Cyrus Mansfield, cố vấn an ninh Quốc gia của mình.
“Thưa Tổng thống, tôi e là có một vụ tấn công nữa ở Luân Đôn”.
“Tình hình thế nào rồi?”
Mansfield trả lời câu hỏi một cách dè dặt để Tổng thống đỡ bị sốc. Tổng thống nhắm mắt thì thào. “Ôi Chúa ơi”.
“Người Anh đang làm mọi thứ có thể để phong toả Luân Đôn, ngăn không cho bọn chúng thoát”. Mansfield nói. “Nhưng như ngài biết đấy, tình hình hết sức hỗn loạn”.
“Hãy chuẩn bị phòng tình huống khẩn cấp. Tôi sẽ xuống tầng dưới trong năm phút nữa”.
“Vâng thưa ngài”.
Tổng thống gác điện thoại, ngồi bật dậy trên giường. Khi ông mở đèn cạnh giường, vợ ông đã thức và nhìn chồng. Bà đã biết tình hình trước đó.
“Tình hình thế nào?”, bà ta hỏi.
Ông ngập ngừng. “Luân Đôn lại bị tấn công. Và Elizabeth Halton bị bắt làm con tin”.