THẦY HAI LIỆU
Trần Tú
Kính tặng bác sĩ Nguyễn Minh Triết
(Lúc ở tù Côn Đảo, BS Triết đã nếm mủ để chữa bệnh đen chân cho các tù nhân)

Thầy Hai Liệu bóp trán suy nghĩ… Trong đời làm thầy thuốc nam, thầy chưa gặp ca bệnh nào hiểm ngặt thế này - Hiểm ngặt, không phải thầy không đủ khả năng cứu sống được đứa bé bốn tuổi đã kiệt sức mà do tuổi tác thầy đã cao lại mới trải qua một cơn bệnh nặng, sức khoẻ thầy còn yếu.
Bỗng một mùi hôi thối nồng nặc xông lên cùng với tiếng khóc tru tréo của người mẹ đứa bé:
-Thầy ơi! Cứu con tôi với thầy ơi! Nó lại vừa mới phẩn ra toàn mủ và máu…!
Thầy Hai Liệu mở bừng mắt, liền xé một tờ giấy súc bảo cô gái, người chị của đứa bé lấy một chiếc que tre sạch dồn hết chỗ phẩn vào tờ giấy để đó lát nữa có thể thầy sẽ cần đến. Đoạn thầy vẫy tay gọi người cha của đứa bé đến gần, hỏi:
-Con ông đi tiêu chảy đã bao lâu?
-Dạ! Đã hơn một tháng.
Thầy Hai Liệu nhăn mặt:
-Bệnh nặng, tại sao ông không cho nó đi bệnh viện?
-Dạ cứ chạy chữa hoảng loạn cả lên chẳng còn có thì giờ nghĩ đến đi bệnh viện. Dạ, vả lại, nhà ở giữa rừng đi đến bệnh viện quá xa e nó chết dọc đường.
-Thế tại sao ông lại đem nó đến cho tôi?
-Dạ, tôi nghe người ta đồn thầy có môn thuốc bí truyền đã cứu sống được nhiều đứa bé như con tôi…
Thầy Hai Liệu hơi xao xuyến, nhưng bình thản:
Đúng - ông nghe người ta nói đúng - Quả thật tôi có môn thuốc bí truyền do mẹ tôi truyền lại cho tôi. Nhưng ngay lúc này áp dụng môn thuốc đó đối với tuổi tác và sức khoẻ của tôi thì thật là khó…
Người cha của đứa bé bối rối gãi đầu:
-Khó như thế nào, thưa thầy?
-Khó là phải nếm phẩn - cũng giống như ở bệnh viện người ta phải thử phẩn, làm kháng sinh đồ, còn ở đây người thầy thuốc nam phải nếm phẩn - Có nếm phẩn mới ứng dụng được các loại cây, cỏ chữa trị đặc hiệu. Tất cả cái tôi vừa nói được gọi là “bí truyền” mà người đời đã nói với ông về tôi. Nhưng mẹ tôi có căn dặn tôi rằng lúc tuổi đã về già sức khoẻ yếu thì không được nếm phẩn. Bởi vì nếu gặp phải phẩn nhiễm khuẩn nặng thì người nếm bị lây bệnh và sẽ dễ bị tử vong!
Bỗng thầy Hai Liệu cất tiếng hỏi lớn - Vậy có ai trong gia đình bệnh nhân tình nguyện nếm phẩn?
Dạ có! - Cả ba người: cha, mẹ và chị của đứa trẻ nhất loạt trả lời.
Thầy Hai Liệu khen ngợi:
-Rất đáng khâm phục! Nhưng tôi chỉ hỏi thử vậy thôi. Bởi vì mẹ tôi có dặn thêm rằng thân nhân của bệnh nhân không được nếm phẩn vì sự xúc động của người thân sẽ làm sai lạc mùi vị phẩn, làm cho việc chữa trị không đạt hiệu quả…
Nghe thầy Hai Liệu dẫn giải dài dòng, người cha của đứa bé lòng nóng như lửa đốt, giận dữ hỏi thẳng một câu tỏ ra rất thiếu lễ độ:
-Vậy ai nếm phẩn cho con tôi xin thầy nói ngay tên người đó để tôi thuê mướn.
Thầy Hai Liệu điềm tỉnh chỉ tay vào mình:
-Trong trường hợp khẩn cấp này không ai ngoài tôi phải nếm phẩn cho đứa bé!
Rồi thầy dõng dạc ra lệnh:
-Nào, hãy đem gói phẩn tới đây và tất cả hãy quay mặt vào phải!
Đợi thầy Hai Liệu nếm phẩn xong với tay lấy ly nước súc miệng mọi người mới dám quay lại, lo lắng hỏi:
-Phẩn nó nhiễm nặng hay nhiễm nhẹ, thưa thầy?
Thầy Hai Liệu bàng hoàng, nhưng cười:
-Nặng hay nhẹ không cần hỏi, chỉ cần biết đứa bé sẽ được sống!